18 tháng 2, 2012

NGÃ XUỐNG, KHI CHƯA NHẬN QUÂN HÀM...

Mai Thanh Hải - Trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược từ tháng 2/1979 đến tận 1989, rất nhiều Học viên của các Học viện, Nhà trường Quân đội đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, khi chưa nhận Bằng Tốt nghiệp và chưa được gắn Quân hàm Sĩ quan.

Thi thoảng vào Phòng Truyền thống của các Trường, mình thường gặp những gương mặt trẻ măng như vậy, má đầy lông tơ nhưng vẫn cố gắng nghiêm nghị, trong quân phục Học viên, đúng theo kiểu "mắt nhìn thẳng, quân dung tươi tỉnh" từ khung ảnh trên tường. Các anh nằm xuống, khi tuổi đời còn quá trẻ và mình chắc linh hồn các anh rất thiêng.

Mình thấm thía những lời giới thiệu về các anh, tưởng như rất quen thuộc và... quy lát: "Học viên Nhà trường Quân đội, không chỉ học tập tốt, rèn luyện giỏi trong Nhà trường, mà khi bất ngờ bước vào cuộc chiến, đã khẳng định được tố chất chỉ huy - lãnh đạo và nhất là anh dũng chiến đấu, như những người lính chiến thực thụ"...

Phòng Truyền thống của Học viện Hải quân (Nha Trang, Khánh Hòa), ghi thành tích của Cán bộ - Học viên:

Giữa năm 1987, tình hình quần đảo Trường Sa ngày càng căng thẳng. Hải quân Trung Quốc tăng cường thăm dò, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Nhà trường đã kịp thời giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, với tinh thần "Sẵn sàng đi làm nhiệm vụ khi có lệnh".

Đầu năm 1988, Nhà trường được lệnh chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Ngày mùng 3 Tết Mậu Thìn, 4 Sĩ quan Phạm Hồng Thuận. Nguyễn Lương Trí, Phạm Phúc Lộc và Hồ Ngọc Lĩnh được điều về tăng cường cho Sở Chỉ huy Chiến dịch CQ-88 tại Cam Ranh.
Ngày mùng 5 Tết Mậu Thìn, tàu HQ-652 của Nhà trường lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đảo.

Ngày 25/2/1988, hai Bác sĩ Trần Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thạch được điều về tăng cường cho Lữ đoàn 146.

Ngày 3/3/1988, Tư lệnh Hải quân ra quyết định số 12/QĐ điều 800 Cán bộ, Học viên chiến sĩ của Nhà trường sẵn sàng đi làm nhiệm vụ chiến đấu.

Nhà trường được giao thêm nhiệm vụ chính trị là chuyển tải hàng ra đảo xây dựng trận địa và tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Các Sĩ quan Hồ Sĩ Đác, Nguyễn Văn Trí, Trần Quang Khuê được điều về tăng cường cho đơn vị chiến đấu. Tàu HQ-653 được lệnh đi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo.

Một số cán bộ chủ trì như Hiệu trưởng Trần Doãn Oánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lê Thiết Thực, Trưởng Khoa Hàng hải Lê Đình Tường đã xuống tàu đi những chuyến đầu tiên để rút kinh nghiệm chỉ đạo.

Ngày 21/3/1988, Đội chuyển tải tàu Thuận An 02 do Đại úy Dương Kim Tịnh làm Đội trưởng, Đại úy Lê Văn Định làm Đội phó cùng Học viên hai lớp H 31 và KH 5 chở hàng đi đảo Tiên Nữ đã xuất phát, mở màn cho Chiến dịch CQ-88.

"Tất cả cho Trường Sa, tất cả vì Trường Sa" đã trở thành khẩu hiệu hành động của mọi Cán bộ, Học viên.

Nội dung, chỉ tiêu thi đua "giải phóng hàng nhanh, quay vòng tăng chuyến", "người chờ tàu, không để tàu chờ người" đã tạo nên không khí thi đua giữa người đi chuyển tải và người phục vụ, năng xuất chuyển tải ngày càng cao, có chuyến đạt 3,5 tấn/người/ngày.

Nhiều cán bộ, học viên đã xung phong tham gia 3 đến 4 chuyến chuyển hàng ra đảo.

Đến tháng 8/1988, đã có 1157 lượt Cán bộ, Giáo viên, Học viên, chiến sĩ tham gia 31 Đội chuyển tải.

Năm 1988, Nhà trường đã chuyển được 23.087 tấn vật tư hàng hóa từ tàu lên 7 đảo an toàn. Cán bộ, giáo viên Khoa Hàng Hải (đ/c Trần Ngọc Thuynh, Hoàng Quan phú...), Khoa Chiến Thuật (đ/c Nguyễn Xuân Thủy, Vũ Ngọc Dương) đã tham gia làm hoa tiêu cho tàu của các địa phương, chở hàng đi Trường Sa an toàn. 

Đặc biệt, trong trận chiến đấu vào rạng sáng 14/3/1988, tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), 2 Học viên thực tập lớp KH4 của Trường, thực tập trên tàu HQ-605 là Kiều Hồng Lập (sinh năm 1963, quê quán Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, TP. Hà Nội) và Nguyễn Bá Cường (sinh năm 1962, quê quán Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam), đã anh dũng chiến đấu, vừa tác nghiệp hòng cứu tàu bị lính Trung Quốc tấn công, vừa dùng các loại vũ khí đán trả quân xâm lược, vừa cứu chữa - bảo vệ thương binh, tử sĩ và cả 2 Học viên đã hy sinh ngay tại trận địa, thi thể chìm trong lòng biển.

Phòng truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị (TP. Bắc Ninh) và Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam cũng mãi khắc ghi tấm gương của Anh hùng - Liệt sĩ Phan Đình Linh:

Học viên Phan Đình Linh (1953-1979), dân tộc Kinh. Quê xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 8/1971. Khi hy sinh đồng chí là Trung uý, Học viên Trường Sĩ quan Chính trị, thực tập tại Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, Quân khu I, Đảng viên ĐCSVN.

Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, Phan Đình Linh là Học viên Trường Sĩ quan Chính trị đi thực tế ở đơn vị cơ sở. Nhưng đồng chí đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, chỗ nào khó khăn, nguy hiểm đều có mặt, kịp thời động viên đơn vị giữ vững quyết tâm, kiên quyết đánh địch.

Ngày 19/2/1979, địch cho lực lượng lớn đánh phá ác liệt và tấn công vào đội hình của đơn vị. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt hơn. Đến 10 giờ địch đã chiếm được một số đoạn giao thông hào.

Đại đội chỉ còn 4 người, đạn dược ít dần. Phan Đình Linh chỉ huy đơn vị bám sát địch, cướp súng địch đánh địch.

Khi hết đạn đồng chí dùng lưỡi lê đâm chết 1 tên. 1 tên khác xông đến, đồng chí khôn khéo quật ngã tên này.

Địch ném lựu đạn về phía đồng chí, Phan Đình Linh nhặt ném trả lại, diệt nhiều tên, buộc chúng phải lui về phía sau.

Trận này đồng chí diệt hàng chục tên địch và đã anh dũng hy sinh ngay trên trận địa.

Ngày 20/12/1979, Liệt sĩ Phan Đình Linh được Chủ tịch Nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVTND và Huân chương Quân công hạng 3.
Tại Học viện Hậu cần (Long Biên, TP. Hà Nội), cũng lưu danh tấm gương chiến đấu, chống quân Trung Quốc xâm lược, ngay ngày đầu của cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc, đó là cựu Học viên Nhà trường: Anh hùng Phan Văn Thắng.

Học viên Phan Văn Thắng (sinh năm 1956), dân tộc Kinh. Quê xã Hương Thọ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 5/1974. Khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân (AHLLVT), đồng chí mang cấp hàm Thượng sĩ, Học viên Học viện Hậu cần đi thực tập ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân đoàn 14, Quân khu I, Đảng viên ĐCSVN.

Từ tháng 12/1978, Phan Văn Thắng là Học viên Học viện Hậu cần đi thực tập ở đơn vị. Trong cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí đánh địch.

Đơn vị đồng chí đã diệt hàng trăm tên địch, phá 2 xe kéo pháo, thu 1 xe đạn và lựu đạn, 2 súng trường, 1 tiểu liên. Riêng đồng chí diệt 30 tên, thu 1 tiểu liên.

Ngày 17/2, vị trí Chỉ huy Tiểu đoàn 4 ở điểm cao 423 (Đồng Đăng, Lạng Sơn) bị bộ binh Trung Quốc bao vây và nhiều lần tiến công lên chốt. Đồng chí cùng 2 trinh sát bám địch về phía mình, để tạo điều kiện cho Sở Chỉ huy rút về phía sau an toàn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí được chỉ định thay thế Đại đội trưởng Đại đội 2 đã hy sinh, chỉ huy đơn vị chiến đấu liên tục từ ngày 17 đến ngày 21/2/1979. Đồng chí Thắng luôn bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt chỉ huy chiến đấu, dũng cảm đánh địch, giành giật từng công sự, mỏm đồi, khi dùng B-40, khi dùng súng trường, lựu đạn đánh địch.

Địch 3 lần ném lựu đạn vào chỗ đồng chí, đồng chí nhanh chóng nhặt ném trả lại diệt địch.

Khi hết đạn đồng chí cùng đồng đội đến chỗ những tên bị diệt lấy súng, lựu đạn để tiếp tục chiến đấu, phá vòng vây đưa thương binh về phía sau an toàn.

Kết quả trong 4 ngày chiến đấu, đồng chí chỉ huy đơn vị diệt hơn 100 tên địch.

Ngày 20/12/1979, Phan Văn Thắng được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Huân chương Quân công hạng 3.

GHI TRÊN ĐIỂM TỰA (CHI MA, THÁNG 2/1979)

Mai Thanh Hải - Hôm qua mình được đọc một bài thơ của bác Trần NhươngTrần Nhương, viết tháng 2/1979 khi đến với điểm chốt Chi Mai (Lạng Sơn) ầm ào đạn pháo, cái sống chết cách nhau trong gang tấc. Đọc xong cứ ngẩn ngơ xúc động...

Xin cảm ơn bác Trần Nhương (Khi đó công tác tại Tổng cục Hậu cần, QĐNDVN) và những Nhà văn, Nhà thơ và Nhà báo Quân đội khi ấy - Những người lính đã bám trụ với bộ đội, với chiến trường và ghi lại những phút giây lịch sử, rất hào hùng nhưng cũng rất thương đau. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ...
-------------------------------------------------------------------

GHI TRÊN ĐIỂM TỰA

Ba vành khăn một đỉnh đồi
Một đỉnh đồi với ba người chúng tôi
Ăn thì đứng, ngủ thì ngồi
Trăng non hay miệng một người rất quen

Chắc từ xóm ấy trăng lên
Trăng lên như thể làm duyên cho trời
Chúng tôi chốt ở đỉnh đồi
Mang tên cho đất - đất phơi xác thù
Hầm kèo, hầm ếch nhấp nhô
Toàn trai tráng lại đi gù cái lưng
Ba lô con cóc quai chùng
Ba người thành của cải chung ba người

Ba khẩu súng một quả đồi
Ba quê hương với một trời mênh mông
Ba người một mũi xung phong
Ba tia chớp nở từ cùng đám mây

Ba người như thể ba cây
Ba cây súng dựng núi này cao hơn
Dù cho trăm đợt sóng cồn
Chúng tôi còn, Tổ quốc còn người ơi

Đánh xong giặc, phút thảnh thơi
Ngồi lau súng hát đôi lời nhặt khoan
Nhìn nhau rồi bỗng cười vang
Ba anh lính hóa một dàn đồng ca...

Trần Nhương (Chi Ma, 2/1979)

"GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG" VÀ BÀI VIẾT KHÔNG ĐƯỢC ĐĂNG

Mai Thanh Hải - Đầu tháng 2/2009, mình vẫn làm Báo Đại Đoàn kết nên trước sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam, cũng "vặt tóc bứt tai" nghĩ cách để vừa tuyên truyền, nhắc lại được sự kiện này, vừa thoát ải cấm đoán - sợ run cầm cập của từ cấp trên mình đến cấp trên của cấp trên mình.

Nghĩ mãi, rồi cũng có cách: Tiếp cận vấn đề dưới góc độ... Văn học nghệ thuật. Thời buổi này, nói chuyện văn thơ ngày chiến tranh - bao cấp với kiểu "ôn nghèo kể khổ", hồi ức ồi iếc hoàn cảnh sáng tác thì quá là vô hại, chả Tuyên giáo - Quản lý Báo chí - A25 nào nó quan tâm đâu.

Hôm sau, mình đề xuất loạt bài và được Ban Biên tập OK khiến mình tất tưởi về chỉ đạo Phóng viên, CTV làm ngay cho có chất lượng và kịp đăng trước ngày 17/2/2009.

Mà rất lạ nhé, anh chị em khi biết ý tưởng - cách triển khai chủ đề của mình, ai cũng háo hức, triển khai đi địa phương - cơ sở làm ngay, với mỗi tâm nguyện "Mình mà không nói, chả ai nhớ và biết ngày 17/2/1979!".

Riêng mình, thậm chí còn ngồi xe đò, lên tận Yên Bái gặp tác giả bài thơ "Gửi em ở cuối Sông Hồng" để phỏng vấn, tìm hiểu và viết bài...

Loạt bài hoàn tất, mình thực hiện Biên tập 1, chỉnh sửa ngon lành từ cấp Ban theo quy trình và chuyển lên Ban Biên tập ký duyệt đăng, trong lòng vẫn hơi lăn tăn về kết quả duyệt đăng, nhưng vẫn tự an ủi: "Đã được đồng ý thực hiện rồi. Vả lại Ban Biên tập ít nhất cũng có người qua bộ đội, đánh nhau ở biên giới phía Bắc rồi nên không hèn như chỗ khác đâu!".

Loạt bài gửi đi, mấy ngày liền hỏi kết quả, đều nhận được câu trả lời: "Đang xem! Đang xem!". Cả tuần trôi qua, mấy anh chị em viết bài đều sôi sùng sục.

Sáng hôm đó, họp giao ban số báo giữa Ban Biên tập và lãnh đạo các Ban Nội dung. Mình hỏi thẳng: "Loạt bài viết có đăng không? Nguyên nhân tại sao?".

Nghe câu hỏi của mình, ông Thư ký Tòa soạn Nguyễn Quốc Khánh (nay đã lên chức và đang giữ ghế Phó Tổng Biên tập) ấp úng như ngậm hột thị: "Bài hay lắm! Hay lắm! Ý nghĩa lắm! Ý nghĩa lắm!" và mắt đảo như bi, cười lòe xòe với mọi người: "Nhưng để lúc khác đăng vậy nhé!. Bây giờ nhạy cảm lắm!". Còn đồng chí Tổng Biên tập Đinh Đức Lập thì lúc ấy, hình như đang bận cắm cúi ghi chép gì đấy, vào sổ tay... 

Những ngày tháng 2 này, mình hay nhớ lại kỷ niệm về loạt bài không bao giờ được đăng tải trên báo và ý thức dân tộc cũng như trách nhiệm công dân - nhà báo của người đứng đầu cơ quan báo chí truyền thông.

Thế nhưng, rành mạch và rõ ràng hơn cả, mình nhớ tới lời thơ uất nghẹn của người lính trên tuyến đầu đánh trả quân xâm lược Trung Quốc, trong những ngày đầu nổ súng và về người viết những lời thơ ấy, bài thơ ấy đã góp phần làm nên lịch sử trong lòng những người Việt chân chính...

-------------------------------------

DƯƠNG SOÁI VÀ "GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG"

Trong tuyển tập "Văn học dân tộc và miền núi" do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1998, bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" được giới thiệu cùng 87 bài thơ của các tác giả khác. Tuy nhiên, những dòng giới thiệu về tác giả rất ngắn ngủi: "Dương Soái, dân tộc Kinh; tên khai sinh: Dương Văn Soái; sinh năm 1950; quê quán: tỉnh Hà Nam"...

Tôi lên biên giới phía Bắc tìm hiểu mới biết, tác giả của "Gửi em ở cuối sông Hồng" hiện đang là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái.

Xin số điện thoại và gọi xin gặp, ông bỏ cuộc liên hoan, ngồi đợi tôi và rưng rưng kể lại những cảm xúc đã viết thành bài thơ, được Nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc cho bài hát cùng tên, vẫn nguyên giá trị đến hôm nay.

Vần thơ từ trong lửa

Năm 1979, ông mới tròn 29 tuổi đời và đang công tác tại Đài Phát thanh - truyền hình Hoàng Liên Sơn (khi đó chưa tách 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái), sau khi đã phục vụ thời gian dài trong ngành địa chất và làm thơ, cộng tác với nhiều đầu báo, được khá nhiều giải thưởng về thơ ở cả tỉnh và Trung ương.

Hồi tưởng lại thời điểm tháng 2-1979, ông kể: Hồi đó đúng dịp sau Tết, ông mới đi công tác cả tháng trời tại các xã của mấy huyện vùng cao Văn Chấn. Mù Căng Chải, Nghĩa Lộ...

Mới về đến cơ quan vài ngày và viết xong bài phản ánh về công tác chuẩn bị vào vụ lúa Đông xuân, thì sáng 17/2/1979, ông nhận được tin quân Trung Quốc tấn công đồng loạt 6 tỉnh biên giới và ác liệt nhất là khu vực Lào Cai.

Cấp trên yêu cầu: "Phải có ngay bài phản ánh về tình hình" khiến lãnh đạo Đài cuống quýt tìm và rút cục phải gọi "cậu phóng viên trẻ, khoẻ, đi miền núi xa xôi - gian khổ nhiều hơn đi đường nhựa" lên động viên, giao nhiệm vụ "lên ngay biên giới".

Nhận lệnh, ông xách balô, đi nhờ xe bộ đội ngược lên Lào Cai. Buổi chiều 17/2 lên đường, tờ mờ sáng ngày 18/2/1979, ông đã có mặt tại huyện lỵ Cam Đường, Lào Cai (bấy giờ là Hoàng Liên Sơn).

Vừa chân ướt chân ráo, ông đã "dính đủ" trận pháo của đối phương và chứng kiến cảnh 1 chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ Trạm thu phát sóng của Đài Phát thanh bị thương nặng, máu loang đỏ cả nền đất, mấy giẻ xương sườn gãy vụn.

Hết trận pháo, ông đi bộ lên phía súng nổ và ngược dòng người sơ tán lên cây số 4. Ông cùng một số anh em bộ đội tìm ra tuyến trên và chứng kiến cảnh người dân gồng gánh tài sản, ngơ ngác - gào khóc tìm người thân con cái, trên mặt ai cũng biểu lộ sự ngỡ ngàng, không hiểu nổi những gì vừa mới và đang xảy ra ở mảnh đất họ đã "chôn nhau, cắt rốn"..


Đi đến khu vực Cty Dược thị xã Lào Cai, cách biên giới chừng 2 km, bộ đội ta ngăn lại, không cho ông đi tiếp dù có trình bày là phóng viên. Không thể quay lui, ông tìm đến Sở Chỉ huy Tiền phương (SCH) của mặt trận Hoàng Liên Sơn, lúc đó đang đóng tạm tại khu vực Cam Đường, thị xã Lào Cai để... xin vào vùng chiến sự.

Dẫu là "người nhà" nhưng ông vẫn không được phép vào khu vực chiến sự, chỉ được ở lại SCH lấy thông tin, viết bài. Cũng tại đây, ông đều đặn chuyển các tin bài về cho Đài tỉnh kịp thời phát sóng.

Loanh quanh ở SCH, cứ thấy bộ đội, dân quân từ mặt trận về tập trung, ông lại sán đến hỏi han, chi chép làm tư liệu viết bài.

"Kỷ niệm tôi không thể nào quên là gặp những chiến sĩ C117, Công an Vũ trang bảo vệ mục tiêu Thị uỷ rút về SCH thay quân!" - Nhà thơ Dương Soái nghẹn ngào: "Người ở tuyến dưới lên cứ tưởng đồng đội mình hy sinh hết. Khi gặp nhau cứ ôm nhau khóc, mặc cho máu từ các vết thương chảy ròng ròng!".

Các chiến sĩ Công an Vũ trang nói với ông: "Anh là Nhà báo, nói hộ với người thân của là chúng em vẫn sống và đang bảo vệ đất của mình!".

Những ngày ở SCH, nhà thơ Dương Soái đã chứng kiến cảnh các đơn vị bộ đội thay quân, đưa người bị thương về tuyến sau, đưa người còn khoẻ lên tuyến trước và các chiến sĩ tranh thủ gặp gỡ, nhắn nhủ ngay trước khi di chuyển.

Cũng chính ông thành người được bộ đội gửi gắm, nhắn nhủ nhiều nhất. Ai cũng nhờ ông gửi thư, đánh điện về báo tin cho gia đình: Người nhờ chuyển phong thư đã viết sẵn; người lại "bắt" ông ngồi đợi để xin mảnh giấy, cây bút ghi vài chữ về cho gia đình; có người quá vội, chỉ đưa ông mảnh giấy ghi địa chỉ người thân và nhờ "Anh cứ viết báo tin là em vẫn còn sống, vẫn chiến đấu!"; người nói sơ qua nội dung thư và nhờ ông... viết báo tin.

Rút cục, sau mấy ngày ở SCH, những lá thư bộ đội nhờ ông gửi hộ, được đựng đầy chặt chiếc túi 3 đồng, mậu dịch bán lúc bấy giờ.


Hôm rời Lào Cai về Yên Bái, trong lúc ngồi đợi tàu tại sân ga Phố Lu, ông mang thư của bộ đội ra sắp xếp lại: Thư đã có tem, địa chỉ cụ thể; chưa có tem; chưa có phong bì; chưa có nội dung...

Khi đã "phân loại" hàng trăm lá thư, ông ngỡ ngàng bởi hầu hết bộ đội ta đều quê ở các tỉnh nằm dọc theo bờ sông Hồng (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...) và đa số thư đều gửi cho vợ, người yêu ở những địa phương nằm dọc sông Hồng.

Ngỡ ngàng và liên hệ đến tình hình chiến sự đầu thắng 2/1979, cảm nhận cái giá rét - gió mùa Đông Bắc hiện tại, nhớ màu nước sông Hồng quanh năm đỏ rực phù sa và tháng 2 đúng mùa con nước... ông quặn lòng nhớ tới vợ con ở Duy Tiên, Hà Nam cũng chung tâm trạng như hàng vạn, hàng triệu người vợ - người mẹ - người yêu khác, đang mong ngóng, lo lắng tin của chồng, con, người yêu nơi biên g...

Xúc động, Dương Soái ngồi bệt xuống sân ga Phố Lu viết bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" chỉ trong đúng 2 tiếng đồng hồ. "Vừa viết, nước mắt tôi vừa chảy ra giàn giụa!" - Ông đỏ hoe mắt và ngước mắt nhìn cây đào núi nở hồng rực ngoài cửa sổ.

Giữa đường hành quâ
Nhà thơ Dương Soái kể: Về thị xã Yên Bái, ông dành nửa ngày để ra bưu điện cây số 5 gửi điện, viết thư hộ lính và mua tem, phong bì "hoàn thiện" những lá thư chưa đủ "quy chuẩn". Hôm đó, thùng thư bưu điện cây số 5 đầy chật thư bộ đội do ông gửi và cô nhân viên bưu điện đã phải gom thêm bao tải..

Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" của Dương Soái mãi thời gian sau mới được đăng tải bởi ông lại tất tả ngược lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ của phóng viên chiến trường.

Ngay sau khi được gửi đi, bài thơ đã được in ở rất nhiều báo, tạp chí và các tuyển tập thơ văn khác và trở thành bài thơ... truyền thống với bộ đội ta lúc đó.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1980, bài thơ mới trở nên nổi tiếng sau khi được Nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc với cái tên "Gửi em ở cuối sông Hồng". Dương Soái cũng chỉ biết "đứa con tinh thần" của mình... thành danh khi nghe lời nhắn của 1 người bạn: "Bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát! Hay lắm!".

Vài năm sau, Dương Soái mới gặp Nhạc sĩ Thuận Yến tại nhà Giám đốc nhà máy Thủy điện Thác Bà, Yên Bái nhân dịp Nhạc sĩ lên công tác.

Nhà thơ rất xúc động khi được biết: Vừa lên đến Yên Bái, Nhạc sĩ Thuận Yến đã hỏi ngay địa chỉ của Dương Soái để tìm gặp cảm ơn và nói lời tri kỉ...

Mặc dù, Nhạc sĩ Thuận Yến đã không giữ nguyên một số câu chữ trong bài thơ của Dương Soái, nhưng vẫn giữ nguyên được hồn của bài thơ và thổi bùng vào trong đó sức sống mãnh liệt. Chẳng thế mà bài thơ - bài hát đó vẫn sống cho đến bây giờ.

Trong lời bình bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng", tác giả Ngô Vĩnh Bình đã viết: "Tứ của bài thơ không có gì mới, nhưng lời thơ lại rất mới, rất thời sự và thật Việt Nam. Bài thơ cũng nói về nỗi nhớ của người ở đầu sông với người ở cuối sông nhưng là nỗi nhớ của người lính đang chiến đấu bảo vệ biên cương với người thương nơi quê nhà. Nỗi nhớ, niềm thương được biểu hiện bình dị, nhưng nỗi nhớ, niềm thương ấy cũng thật lãng mạn... Bài thơ đến với đông đảo bạn đọc không chỉ ở sự bình dị mà còn được chắp thêm cánh bởi giàu nhạc điệu và giàu chất dân ca".


------------------------------------------

GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG

(Dương Soái)

Anh ở Lào Cai

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Tháng Hai, mùa này con nước

Lắng phù sa in bóng đôi bờ


Biết em năm ngóng, tháng chờ

Cứ chiều chiều ra sông gánh nước

Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt

Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong


Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông

Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét

Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết

Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?


Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...

Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy

Em ra sông chắc em sẽ thấy

Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.


Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình

Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc

Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt

Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông


Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng

Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã

Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả

Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong


Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm

Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc

Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục

Máu giặc loang ố cả một vùng


Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng

Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ

Là niềm thương anh gửi về em đó

Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh

Lào Cai, 1979

17-2

Mai Tiến Nghị -

"Nhân Dân" không nói gì!.
"Quân đội..." chẳng nói gì!.

"Cựu Chiến binh" chẳng thấy gì!.
"Đại Đoàn kết"... cũng rứa.
...
Bác Dứa đi chơi...

Xóm nghèo.
Mẹ già lọm khọm... tay run nén nhang.

Cay mắt... Oan?
Ngày này... năm ấy...

con ơi!..

BIÊN GIỚI CỨNG, BIÊN GIỚI MỀM

Huy Đức - Hôm 23/2/2009, Trung Quốc và Việt Nam làm lễ hoàn tất công trình Phân giới cắm mốc, kết thúc 8 năm triển khai trên thực địa, kết thúc những tranh cãi căng thẳng, kéo dài.

Nhưng, những tranh chấp không chỉ diễn ra trong vòng 8 năm ấy. Biết bao câu chuyện xứng đáng ghi vào lịch sử kể từ khi hai nước ký Hiệp định tạm thời, 07/11/1991.

Gió Chi Ma

Cho đến tận hôm nay, đường lên cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), vẫn phải ngưng lại dở dang trước đường Biên 63m.

Năm 1993, khi tỉnh Lạng Sơn cho rải đá, lực lượng vũ trang từ phía Ái Điểm, Trung Quốc, tràn sang ngăn cản, “bạn” cho rằng đấy là phần đất thuộc về Trung Quốc, cho dù cột mốc 44 vẫn còn.
Nơi ở của Tổ Cột mốc 44, Đồn BP Chi Ma

Từ ngày 28/5 cho đến 11/6/1993, hàng trăm binh sĩ có vũ trang từ Ái Điểm tới, theo sau là 15 xe chở đá. Trong khi phía Việt Nam chưa kịp phản ứng, 2 xe “vượt biên” sang đổ đá chồng lên đoạn công nhân Việt Nam đang thi công.

Ngay lập tức bộ đội Biên phòng, Hải quan, công nhân, đặc biệt là bà con nông dân Chi Ma xuất hiện. Họ rút.

Kể từ hôm đó, Tổ cột mốc 44 được thành lập, 7 cán bộ Biên phòng có nhiệm vụ canh giữ cho mốc 44 trụ vững ở đúng vị trí mà nó đã đứng, kể từ sau Công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895.

Các anh phải túc trực 24/24, trong gió Chi Ma thổi bạc mặt; trong rét Chi Ma có khi xuống dưới độ Không; dưới một túp lều dựng bằng 6 cọc tre và những thùng giấy carton nằm sâu bên lãnh thổ Việt Nam 5m (vì bị ngăn cản không thể dựng nhà).
Cột mốc 44

“Nhật ký” của tổ ghi nhận 32 sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh mốc 44: 1 lần Biên phòng Ái Điểm, Trung Quốc, cho dựng một nhà tạm lấn sang đất Việt Nam 2m; 22 lần lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất Việt Nam từ 5-35m; 7 lần xâm canh; 1 lần lén chôn một bia đá sang đất Việt Nam 20m…

Chiều 6-2-2009, chúng tôi có mặt ở Chi Ma, phía bên kia mốc 44 là một bức tường đá dày 1m cao 3m, bao bọc đồn Ái Điểm. Trên bức tường đó, sâu hoắm những lỗ châu mai, nhìn sang.

Thiếu tá Lục Văn Moong, người từng là Đồn phó Chi Ma 4 năm, nói: “Có rất nhiều chuyện không được ghi chép, đó là những cục đá được ném sang từ phía bên kia lúc nửa đêm. Trận ‘đá kích’ cuối cùng xảy ra là vào năm 2003”.
Những người lính bảo vệ Cột mốc 44

Theo thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng tỉnh Lạng Sơn : “Anh em đã bám trụ trong điều kiện như thế suốt 15 năm, từ tháng 6/1993 đến tháng 1/2009. Khi viết đề nghị tặng Huân chương Chiến công (hạng Ba) cho Tổ cột mốc 44, có nhiều câu chuyện đã làm tôi khóc!”.

Bản Giốc

Mãi cho tới ngày 14-1-2009, mốc 836 mới được cắm bên triền Bản Giốc.

Thác Bản Giốc và cửa Bắc Luân cùng nằm chung trong một “gói đàm phán”, được phân giới sau cùng. Sông Quây Sơn chảy vào đất Việt ở cột mốc 67 (cũ) vòng qua các ngọn núi ở Trùng Khánh, Cao Bằng, khoảng 20km rồi chạy ra mốc 53 (cũ), thành con sông Biên giới dài 15km trước khi chảy sang Trung Quốc ở cột mốc 49 (cũ).

Giờ này, cánh đồng dưới chân Bản Giốc trơ rạ. Chưa tới mùa nước, thác chưa đầy như bức ảnh mà Võ An Ninh đã chụp. Nhưng, cảm giác về một Bản Giốc trọn vẹn vẫn nghèn nghẹn.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc đã thoả thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính”.
Trong khoảng thời gian “gói Bản Giốc- Bắc Luân” đang đàm phán, Trung Quốc mấy lần định làm đường trên cồn Pò Thoong, mấy lần bị người dân Đàm Thủy đứng ra ngăn cản.

Xưa nay, Pò Thoong vẫn nằm trong vùng quản lý của Biên phòng Việt Nam, người dân vẫn canh tác và lấy đá cát quanh đó.

Trận “đá kích” sau cùng mà các cán bộ Biên phòng ghi nhận xảy ra là vào ngày 24/7/2007.

Giờ đây, mốc đôi 835 đã được cắm thay thế cho mốc 53: 835/1 nằm bên bờ Trung Quốc của sông Quây Sơn; 835/2 nằm trên cồn, “ phần thuộc về Việt Nam bây giờ là ¼ cồn Pò Thoong ”.

Theo ông Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc nhất trí sẽ cùng hợp tác để phát triển tiềm năng du lịch, kinh tế tại khu vực thác Bản Giốc”.

Cũng theo thỏa thuận ấy, thuyền du lịch có thể chở khách từ hai phía sang sát bờ của nhau ngắm thác, miễn là khách của bên này không lên bờ của phía bên kia.

Từ xa, có cảm giác, Bản Giốc vẫn quay mặt về. Bên bờ Nam, một thung lũng mênh mông vừa có thể cấy cày vừa có chỗ cho khách tham quan hạ trại. Bên Trung Quốc, bờ sông dốc.

Nhưng, nếu như phía Việt Nam chỉ có những lều lán tạm thì phía Trung Quốc, có nhà nghỉ Sơn Trang được xây khá hoành tráng trên một ngọn đồi. Có thể ngồi ở Sơn Trang mà ngắm cùng lúc cả thác cao và thác thấp. Nghe nói trong mấy ngày Tết, khách Việt Nam thăm thác cũng đông nhưng so với Trung Quốc thì không đáng kể.

Hôm chúng tôi tới Bản Giốc, ngày 10 tháng Giêng, phía bờ Việt Nam vắng lặng trong khi phía Trung Quốc khách vẫn phải chờ để lên thuyền.

Biên Giới

Ngày 13/12/2008, hai nhóm phân giới Việt Nam và Trung Quốc đã đặt mốc 1224 vào đúng vị trí mốc 44. Nước mắt không thể cầm được trên gương mặt của các chiến sĩ Biên phòng Chi Ma.

Các anh đã góp phần giữ được đường biên Hiệp ước 1999 đi cách nơi mà “Trung Quốc muốn” 63m. Tuy nhiên, đường phân giới mới vẫn cắt đi một phần thung ruộng cũ của 3 gia đình ở Chi Ma.
Chiến sĩ BP Đồn Chi Ma, Lạng Sơn

Tại Hà Giang, 54 gia đình ở Lũng Cú cũng giao lại cho Trung Quốc 188 ha và nhận từ phía Trung Quốc 66 ha ở một khu vực khác.

Trung tá Đồn phó Lũng Cú Nông Minh Thạch nói: “Tất nhiên là bà con tâm tư nhưng chúng tôi động viên bà con tin vào Đảng và Nhà nước”.

Đường biên giới mới cũng cắt ngang khu 13 nóc nhà của người dân Trung Quốc ở gần Lạng Sơn.

Có tới 164 khu vực “có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi” như trường hợp của Lũng Cú và Chi Ma, rộng khoảng 227 km2.

Sau đàm phán, “quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam và khoảng 117,2 km2 cho Trung Quốc”.

Phó Thủ tướng phụ trách ngoại giao thời kỳ đàm phán Hiệp ước Biên giới, ông Nguyễn Mạnh Cầm, cho rằng: “Kết quả đó là thỏa đáng”.
Nhiều nước trên thế giới cho đến nay vẫn còn những đường biên tranh chấp, thậm chí tranh chấp biên giới vẫn xảy ra với cả những nước như Mỹ và Canada.

Không phải chính quyền nào cũng đủ dũng cảm đương đầu với sự phán xét của lịch sử để đặt bút ký vào bản phân chia từng tấc đất của tiền nhân, bởi thương lượng thì phải có đi có lại.

Tất nhiên, cho dù có một đường biên chưa phân, nhiều nước vẫn có thể giữ nguyên hiện trạng mà hòa bình chung sống.

Họ không phải đối phó với một con sông bị nắn dòng chảy xói vào đất mình; Họ không có một đoạn đường ray, một con đường “vô tư” vòng sang rồi trở thành nơi tranh chấp; họ không gặp những chiến dịch mua râu ngô, mua móng trâu, mua mèo…

Biên giới của họ, cả sông núi và lòng người, không gặp phải quá nhiều hiểm trở.

Biên giới đất liền Việt – Trung dài 1.406 km, nhưng: “thời Pháp-Thanh cắm mốc rất thưa; lời văn Công ước mô tả thì đơn giản, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót…”.

Đường Biên giới Hiệp ước 1999, thay vì chỉ cắm 341 cột mốc như thời Pháp – Thanh, có hơn 1500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ (tổng cộng 1971 cột mốc). Nơi nào đường Biên đi qua giữa sông thì mốc được cắm ở hai bờ; nơi nào đường phân giới có những khúc quanh thì cắm thêm mốc phụ.

Tại khu vực Cô Muông, Đàm Thủy, Cao Bằng, đôi bên cắm tới 26 mốc cho một đoạn núi dài chưa tới 2km. So với cột mốc thời Pháp-Thanh, cột mốc hiện nay làm bằng đá granit, có mốc nặng tới gần 1 tấn. Khi chúng tôi tới, mốc 836/2 ở thác Bản Giốc vẫn đang làm dở dang, nhờ thế mà nhìn thấy dàn móng bê tông mới được đổ vô cùng kiên cố.
CBCS BP Đàm Thủy giúp dân làm đường vào chợ đường biên Thác Bản Giốc

Nhưng, sở dĩ qua bao nhiêu trắc trở Biên giới Công ước Pháp Thanh vẫn là nền tảng cho công trình đàm phán, phân giới, cắm mốc kéo dài suốt 17 năm qua; bởi, ngoài những cột mốc thấp bé, vẹt mòn theo năm tháng, còn có những ngôi mộ của cha ông, những nương khoai, nương sắn của người dân hai nước.

Cũng tại khu vực Đàm Thủy, ở thôn Lũng Phiăc, đồng tiền mà bà con người Tày, người Nùng vẫn dùng ở đây là Nhân Dân Tệ. Lừa ngựa từ Trung Quốc được dắt sang để thu mua quặng. Lũng Phiăc với hơn 1000 khẩu, có hơn 100 phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc.

Dọc theo Biên giới, từ Phong Thổ tới Móng Cái, nhiều gia đình ở bên này có bà con, hoặc bạn bè thâm giao ở bên kia. “Đường biên” ấy không thể nào rành mạch phân chia như đá và bê tông cốt thép

Tất bật bên nồi thắng cố, mặt Mừng Thìn Pín đỏ au. Phiên “chợ cột mốc” mùng 8 Tết rất đông: người từ hương Giàng Vản, tỉnh Vân Nam sang; người từ xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang, đến. Mốc 358 vừa mới cắm, nhà chợ xây chửa xong, giao thương đã bắt đầu nhộn nhịp.

Theo Thượng tá Dương Văn Thịnh, Đồn trưởng Biên phòng Bạch Đích: “Trước phân giới cắm mốc, đôi bên vẫn căng thẳng”.

Nay thì bà con đã có thể tới chợ. Nay, những nông dân như Mừng Thìn Pín đã có thể xây nhà và bưng nồi thắng cố lên đặt sát đường Biên.

Một đường Biên giới mà cho tới năm 1991 vẫn phải rào dậu bằng mìn; một Biên giới mà cho tới trước tháng 1-2009, nhiều nơi bộ đội Biên phòng vẫn còn phải đứng canh cho người dân cày cấy…

Khi đang ngồi viết những dòng này, tôi nhận được điện thoại từ Hà Giang, trung tá Thạch cho biết, những cây đào Lũng Cú đã đâm hoa, cho dù, ở Biên giới mùa này vẫn chưa hết những đợt gió lạnh tràn về từ phương Bắc.

Huy Đức (Osin Blog & Sài Gòn Tiếp Thị 23/2/2009)

17 tháng 2, 2012

"HỘI NGHỊ ÁM SÁT, KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG", TẠI NINH THUẬN?..

Mai Thanh Hải - Đó là dòng khẩu hiệu được "in trang trọng" trên Báo Ninh Thuận - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận.

Tư duy và cách thức làm báo Đảng địa phương như thế này, phần nào đã lý giải nguyên nhân nhiều tờ báo Đảng in ra chỉ để... in và ít người cầm lên, để đọc. Trong khi đó, các báo Đảng địa phương mỗi năm ngốn khá nhiều tiền ngân sách để hoạt động, duy trì và nuôi sống bộ máy khổng lồ Cán bộ công chức - Đảng viên cùng rất nhiều hoạt động tuyên truyền khác.

Xin giới thiệu bài viết, hình minh họa của bạn Võ Tấn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) về câu chuyện "Ám sát Đảng".
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
 Nghe, thấy và viết:

BỨC ẢNH "ĐẸP" NHƯNG... "NGUY HIỂM"!.

Sáng nay ngồi quán cà phê, tôi thấy có mấy người cầm tờ Báo của tỉnh lên đọc. Mấy tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp “bình luận” về bức ảnh của một đồng nghiệp, được đưa lên trang nhất của báo rất “nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị

Một anh bạn của tác giả bức ảnh, goi điện hỏi “Ông làm nghề ảnh Báo chí chuyên nghiệp mà sao cắt cái hình tầm phào hết chỗ nói. Ông xem lại ngay cái hình đó nhé!”.

Rồi cũng từ vấn đề này có anh "Nhà báo” gọi điện cho ông M.T là Tổng Biên tập của tỉnh (ảnh kèm), phản hồi ý kiến bạn đọc.

Tôi nghe rõ qua loa ngoài, ông Tổng Biên tập Báo trả lời: “Có sao đâu mà!. Báo tỉnh ít người quan tâm khâu này!”.

Tôi là người chứng kiến toàn bộ sự việc, rất thắc mắc những gì vừa được nghe thấy. Không hiểu tác giả của bức ảnh “cố tình” cắt xén hay do Ban Biên tập Báo tỉnh này làm việc thiếu kiểm tra?. Còn vị lãnh đạo trong ảnh xem chắc phải lên tiếng?..
Hội nghị "Ám sát, kỷ luật của Đảng" tại Phan Rang - Tháp Chàm (N.Thuận)

Bức ảnh “đẹp” nhưng… “nguy hiểm” vì đã đăng rộng rãi, thể hiện sự thiếu trình độ nghiệp vụ của Báo, mà bạn đọc phản ảnh đến, Tổng  Biên tập vẫn cho là “có sao đâu”.

Một tờ Báo tỉnh nhưng đây là tờ báo chính thống, sử dụng tiền ngân sách, thì cần phải tôn trọng và thận trọng với cách làm báo chứ.

Xin được góp vài ý nhỏ, mong ngành Quản lý truyền thông xem xét./.
----------------------------------
* Chân thành cảm ơn bạn đọc Võ Tấn đã gửi bài, ảnh cộng tác.


33 NĂM RỒI, CÒN TIẾNG SÚNG NÀO VANG?..

Tuân phẹt - Hồi chiến tranh biên giới phía Bắc, mình là đứa trẻ ranh 3 tuổi rưỡi thò lò mũi xanh.

Trong trí nhớ ấu nhi của mình thì háng đu nách mẹ, tay sờ... chim non, ra đình nghe trống hội.

Năm đó hội làng rặt 1 sắc xanh áo lính tân binh. Mình vui vì có kẹo ăn, được các cô gái làng bẹo má, được anh Kỳ trong bộ áo lính tinh tươm bế nựng, làm cho 2 cái chong chóng lá dừa, quay tít mù. Ai cũng sụt sùi khóc, mẹ mình cũng khóc. Trai làng tòng quân 7 người.

Năm 1986, mình học lớp 4. Đang học thì được lệnh "đi hô cổ động dưới xã", tưởng hô chuyện gì, hóa ra đi hô khẩu hiệu cho... đám ma.

Giữa bãi đất trống, 6 cái tiểu sành phủ cờ đỏ nằm im lìm, 7 trai làng chết mất 6, còn sống mỗi anh Kỳ.

Hôm ấy, họ mới được đem về với mẹ, với làng. Anh Kỳ oai phong trong bộ quân phục sờn rách, chẳng mũ mãng, sao giăng, anh đứng cười ngây ngô. Người làng gọi anh là "Kỳ ngộ", nhẽ từ hôm đó?

Mẹ kể: Năm anh Kỳ đi lính mới 17 tuổi, học lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ ).

Anh đẹp trai nhất làng, học giỏi, đàn cừ, hát rất hay. Tóc anh xanh biếc, quăn bồng bềnh như thi sĩ. Ở đâu có anh ở đó có gái đẹp, có ghi ta gỗ bập bùng, có "Những đồi hoa sim" và "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới"...

Nhà anh cạnh nhà mình, bố chết trận hồi đánh Mỹ, mẹ làm Thư ký Ủy ban, anh con một. Đúng ra thì không phải đi lính, nhưng tại anh thích, anh xung phong.

Mẹ anh khóc hết nước mắt: "Nhỡ có sao thì sống với ai?". Anh bảo: "Là thanh niên, nước có giặc là phải lên đường, để không tủi hổ với tuổi trẻ và ông bố ngồi trên bàn thờ".

Ngày anh đi, gái làng khóc cạn nước mắt, tóc thề, khăn tay thêu chim bồ câu anh nhận được nhiều vô khối, các bà, các mẹ, các chị dấm dúi túi anh kẻ năm xu, người hai hào

Trai làng 7 người đi, mỗi mình anh trở về với cái tên "Kỳ ngộ".

Mẹ anh già, sau cú trở về của con trai, ngã lăn phát ngoài bậu cửa, liệt nửa người.

Anh sống âm thầm, vật vờ, quanh quẩn bên mẹ, chăm mấy sào vườn, cấy vài luống rau, trông cái ao tù.

Anh chẳng nói năng, chỉ cười trừ mặc dù chẳng phải câm hay điếc. Thân hình tráng niên, sau năm bảy năm lính, teo như miếng tóp mỡ quá lửa, mái đầu xanh, quăn bồng bềnh giờ trọc lóc, da anh bủng xanh, mặt anh vàng vọt, nốt ghẻ lở hắc lao chi chít toàn thân.

Chẳng ai có thể nhận ra anh ngoài cái tên Kỳ, nhưng cũng được những kẻ tinh ranh đặt thêm cho chữ... Ngộ.

Vườn nhà anh nhiều chuối, nhưng chẳng cây nào có lá, bởi cứ cây nào có lá, bẹ to, sống cứng là anh phát tiệt.

Anh dùng dao khía vào sống lá, lật miếng vỏ mỏng vuốt ngược ra sau rồi làm động tác lên quy lát, tay phải miết những miếng vỏ mỏng vuốt ngược, đổ rụp tạo ra tiếng phành phành phạch rất vui tai, anh bảo: "Tiếng súng đấy, nổ cả băng".
Thi thoảng còn 2-3 miếng, anh tần ngần miết từng miếng một, bảo "Đang điểm xạ".

Thi thoảng anh còn hô cả "Xung phong", tiếng hô còn bé hơn tiếng cục tác của con gà mái đang nhảy ổ.

Chẳng cô gái làng nào lấy anh, kể cả mấy cô mắt lác, hăm bẹn hay chập nhẹ.

Những người con gái thương thầm nhớ trộm anh năm nào, họa hoằn lắm mới ghé thăm mua cho anh cái bánh, cho mẹ dăm đồng thuốc nam.

Dần dà rồi cũng vắng bởi chẳng ai dại gì dây vào thằng ngộ, thằng "Tạc dăng người rừng". Người ta bảo anh ngộ do bắn nhau nhiều, do ở rừng bị ngã nước, do trúng bùa ngải của gái dân tộc... Đủ thứ họ có thể nghĩ ra. Chẳng biết anh có nghe và biết không, chứ suốt ngày chỉ thấy nhe răng cười, chả khác gì đười ươi cầm ống.

Mấy năm gần đây, tự dưng anh hay được đi dự lễ lạt. Lúc thì với Hội Cựu Chiến binh xã, khi thì với đơn vị chiến đấu xưa.

Người ta mang anh đi như mang đồ vật đi triển lãm, tức là có người của xã mang anh đi cũng như mang anh về.

Ở đâu anh cũng chỉ cười, có nói năng hay tỏ bày người của xã làm thay, mọi nhẽ. Anh chẳng lấy làm buồn.

Mình ngày một lớn lên rồi đi xa, hiểu thế nào là chiến tranh, nhất là cuộc chiến không tên mà anh bồng súng. Cứ có dịp về quê là mình đáo sang anh, khi thì lạng thuốc lào, bao thuốc lá, cả những chiếc phong bì xinh xinh. Mình quý mến anh thật lòng. Có điều ngồi nói chuyện với anh thì rất chán vì anh chẳng nói gì, chỉ cười.
Tết rồi ở lại quê hơi lâu, vì làng sau bao năm giờ mở lại Hội.

Anh cũng ra đình như bao con dân khác, nhưng chẳng thấy anh cười ngô nghê như mọi khi mà trầm ngâm như bô lão. Người ta bảo: "Năm nay mở lại hội, Kỳ không cười chắc làng được mùa to".

Mình kéo anh ra góc khuất, rút thuốc mời, anh tỷ mẩn châm rồi rít, hốc mắt ràn rạt nước. Mình kéo anh về nhà mời rượu, bảo: "Với em, anh vẫn là anh Kỳ đẹp trai, học giỏi nhất làng trong ký ức cũng như lời mẹ kể".

Anh khóc rống. Lạ thật, sau bao năm cười trừ giờ đột nhiên anh khóc rống. Mình thật thà, hỏi thật: "Anh có bị ngộ thật không?". Anh bảo: "Ngộ sao lại biết khóc?". "Thế sao bao năm nay anh cứ cười như đười ươi thế?". "Để sống" - Anh đáp nhanh.

Mình uống rượu với anh cả một buổi chiều để kịp hiểu sao anh cười bao năm qua, cũng như sao lại mang danh "Kỳ ngộ".

Sự thật làm mình không mấy hãi hùng mà ngược lại nó làm mình cười rung rốn: Có mẹ gì đâu, lính mới trận đầu lên chốt, đũng quần tên nào chả ngập nước đái và phân. Anh nằm chốt chờ địch thì thấy tên giặc Tàu lấp ló, anh xả nguyên băng AK, để chắc ăn, anh còn nhô lên điểm xạ 3 phát vào ngực tên lính xâm lược. Tên lính xâm lược trước khi chết còn với tay lên không trung rên khẽ "Ôi giời ơi!", rồi mới nằm ngục.

Sau "chiến công" đó, anh được thay chốt, lùi tuyến sau.

Cuộc chiến đi vào kết cục với bao bi thương. Chuyện của anh chẳng biết bi thương hay hài hước.

Mình viết vội lên đây, viết cho những ngày sau 17/2/1979.

Ngày "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" - 33 năm rồi, không biết còn tiếng súng nào vang?..


VỀ BÀI BÁO ỦNG HỘ TIÊN LÃNG TRÊN ĐẠI ĐOÀN KẾT: "KHÔNG CẦN PHẢI BÌNH LUẬN THÊM VỀ LỐI LÀM BÁO NÀY!"...

Basamnews - Trong mục điểm tin tối hôm kia, 15/2/2012, có bài “Xung quanh vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng: Ông Đoàn Văn Vươn đã sai phạm như thế nào?" (15/0/2012) trên báo Đại Đoàn kết (đọc ở đây).

Đọc thấy có nhiều đoạn quen quen, liền sớt thử trên mạng và phát hiện ngay chúng như được nhặt ra từ bài “Những thông tin ít được nhắc đến chung quanh vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng” đã được điểm và đăng lại trên Ba Sàm (ngày 4/2/2012) (đọc ở đây), lấy nguồn từ Cổng Thông tin Điện tử huyện Tiên Lãng, mà nay trang này đã phải rút bài xuống cùng tất cả những bài viết kiểu “tự biện hộ” khác.

Vậy xin đăng lại dưới đây. Những đoạn đánh dấu đỏ là giống hệt với những đoạn rải rác trong bài trên trang web của Tiên Lãng, trong đó có những chữ màu đen xen giữa để trong ngoặc đơn là của trang web Tiên Lãng dùng nhưng được Đại đoàn kết “biên tập” thay thế bằng chữ khác-màu tím.* 

Thiết tưởng không cần phải bình luận gì thêm về lối làm báo này, chỉ xin lưu ý độc giả là vào ngày 2/2/2012, nghe nói có một phái đoàn  bất thường của giới chức Hải Phòng lên Hà Nội, đến thăm viếng một số tờ Báo ở Thủ đô.

Họ có thăm Đại Đoàn kết để … “liên kết”, rồi bằng cả “Nhóm phóng viên” cho ra thứ sản phẩm cắt/dán như dưới đây không?. Hay đó chỉ là món liên kết chui của “nhóm phóng viên” này?.

Xin nhường cho các ban bệ “chủ quản” tờ Đại Đoàn kết trên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trả lời.
--------------------------------------


Bài đăng trên Đại Đoàn kết
Xung quanh vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng:

Ông Đoàn Văn Vươn đã sai phạm như thế nào? 
(15/02/2012)              

LTS: Vụ cưỡng chế thu hồi 40,3 ha đầm của ông Đoàn Văn Vươn, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã có rất nhiều thông tin với nhiều ý kiến nhận định, phân tích vụ việc. Những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất và việc phá hủy tài sản của ông Đoàn Văn Vươn đã được lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và TP.Hải Phòng kết luận, yêu cầu điều tra, làm rõ cùng với hàng loạt những cán bộ sai phạm bị đình chỉ công tác, chờ xử lý. Tuy vậy, nhiều ý kiến người dân đã tranh luận xung quanh những sai phạm, vi phạm của ông Vươn sẽ phải xử lý như thế nào trước pháp luật? Ngoài hành vi đặt mìn, nổ súng chống người thi hành công vụ, ông Đoàn Văn Vươn đã chấp hành như thế nào các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, sử dụng đất được giao? Chúng tôi cũng xin nêu thêm những thông tin trong vấn đề trên để góp phần phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện điều đúng, việc sai của cả chính quyền và người dân, tránh những cái nhìn phiến diện.

Khu đầm của gia đình ông Vươn  Ảnh: T.L ---->

Ông Đoàn Văn Vươn sinh năm 1963, trú tại xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. Gia đình ông Vươn gồm bố mẹ, vợ chồng ông Vươn, em gái và cháu ông Vươn được UBND xã Bắc Hưng giao 2.940m2 đất nông nghiệp để sử dụng lâu dài và 1.157m2 đất đứng tên bố ông Vươn là ông Đoàn Văn Thiểu.

Như vậy, chưa tính tới diện tích đất được giao tại xã Vinh Quang, gia đình ông Vươn đã có tới hơn 4.200m2 đất để sử dụng, canh tác lâu dài và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ngày 4-10-1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có Quyết định số 447/QĐ-UB giao cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với thời hạn 14 năm.

Trong các quyết định giao đất ghi hết thời hạn sử dụng đất chủ sử dụng đất phải giao trả lại đất để Nhà nước quản lý. UBND huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp hết thời hạn sử dụng ghi trong quyết định để tiếp tục cho thuê đất theo quy định trên cơ sở nhu cầu xin thuê đất và khả năng đầu tư hiệu quả. Sau đó, ông Vươn đã tự ý đắp bờ ao, lấn thêm 19,3ha, vượt quá diện tích được giao. UBND huyện Tiên Lãng đã quyết định xử phạt hành chính việc lấn chiếm đất đai của ông Vươn với số tiền 1 triệu đồng.

Ngày 9-4-1997, căn cứ văn bản xin giao đất bổ sung của ông Vươn, UBND huyện Tiên Lãng quyết định giao bổ sung cho Đoàn Văn Vươn 19,3 ha. Như vậy, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao tổng số 40,3 ha đất để nuôi trồng thủy sản.

Trong quá trình sử dụng đất, UBND TP. Hải Phòng đã cấp cho ông Đoàn Văn Vươn 81,8 triệu đồng để trồng rừng ngập mặn phía ngoài bờ đầm của ông Vươn. Mặc dù được tạo điều kiện như vậy, nhưng trong quá trình tiến hành vây đắp bờ và khai thác đầm, ông/(Đoàn Văn) Vươn nhiều lần chặt phá rừng phòng hộ. Ban quản lý dự án Vinh Quang 2 đã nhiều lần lập biên bản, ra thông báo yêu cầu dừng chặt, phá rừng. UBND huyện Tiên Lãng đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với ông Vươn về hành vi gây thiệt hại rừng phòng hộ trên diện tích được giao và bồi thường 5 triệu đồng chi phí trồng lại rừng. Về thực hiện các quy định pháp luật và chính sách thuế, UBND huyện Tiên Lãng ban hành các quyết định giao chỉ tiêu thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các hộ trên toàn bộ diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ven sông, biển. Cụ thể, từ năm 2000 đến 2007, hộ ông Vươn phải nộp hơn 58 triệu đồng. Ông Đoàn Văn Vươn mới/(chỉ) nộp hơn 48 triệu đồng, còn nợ hơn 10 triệu đồng. Chi cục Thuế Tiên Lãng, UBND xã Vinh Quang có thông báo yêu cầu nộp thuế, nhưng Đoàn Văn Vươn vẫn chưa/(không) nộp.

Ngoài ra, ông Đoàn Văn Vươn khi được Nhà nước giao sử dụng đất lại đem chính đất đó cho người khác thuê. Một gia đình địa phương từ năm 2008 đã thuê lại gần 6 ha đầm của Đoàn Văn Vươn thời hạn 7 năm, với giá 5 triệu đồng/ha/năm.

Nghiêm trọng và nguy hiểm nhất là trong sự việc ngày 5-1-2012, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức đoàn công tác cưỡng chế, ông Vươn và một số người đã đặt, cho nổ mìn tự tạo và dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế làm 6 người bị thương.

Nhóm Phóng viên

* Ghi chú: trên đây chỉ là vài đoạn giống hệt nhau giữa hai văn bản, ngoài ra còn nhiều đoạn thể hiện tài nghệ “biên tập” cao cường của “Nhóm Phóng viên” Đại Đoàn kết. Nếu ai muốn học hỏi, xin bấm vào đây: + Bản của Tiên Lãng; +  Bản của Đại Đoàn kết.

CÁC Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC TRÊN TRANG ANH BA SÀM

52 phản hồi to “734. Đại đoàn kết liên kết đại?”


  1. Nông dân nổi dậy đã nói

    Lối làm ăn láo toét của báo Đại Đoàn Kết (hay một vài báo ăn theo sắp tới) chả đoàn kết được ai cả. Trong khi lòng dân sôi sục muốn suy tôn anh Vươn thành anh hùng và trừng trị bọn quan tham Hải Phòng thì Đại Đoàn Kết lại can tâm làm văn nô, làm bồi bàn lau dọn đồ xú uế của bọn tham nhũng thải ra (mà với cách cắt dán tởm lợm) thì còn đoàn kết ai? Có chăng là “Quan Tham trên toàn Việt Nam đoàn kết lại!” dưới ngọn cờ của Đại Đoàn Kết để trở thành Đại Đảng Cướp.

  2. thân phận chị Dậu của ngưởi nông dân VN đã nói

    A3S ơi, cho post câu chuyên này nhé, để thấy thân phận của những ‘chị Dâu” -thời nào cũng giống nhau, đau thương, bị dồn đến bước đưỡng cùng…bởi bọn sai nha, cưởng hào, dù chúng là ở thời ngày xưa, hay ngày nay,cũng vậy cả thôi…thân phận người dân đen Việt, đặc biệt người nông dân, là như thế này đây :
     

  3. Bác Ba Phi đã nói

    Hội Cống Rộc
    http://trannhuong.com/news_detail/12954/H%E1%BB%98I-C%E1%BB%90NG-R%E1%BB%98C
    Hề hề, góp vài câu đối Tôn Vinh Thành Hoàng Làng Cống Rộc
    1/ Câu đối ghi tại cổng Đình Cống Rộc:
    ĐỊA LINH CỐNG RỘC SINH NHÂN KIỆT
    TRỜI NAM TIÊN LÃNG XUẤT ANH HÙNG
    2/ Câu đối ghi tại nơi trưng bày hiện vật của Thành Hoàng năm xưa chống giặc:
    KIÊU BINH DÀN TRẬN VÂY CỐNG RỘC
    HOA CẢI THẦN SẦU DẬY NÚI SÔNG
    3/ Câu đối ghi trong Tổ Đình Cống Rộc, nói về công Đức của Thành Hoàng làng:
    BAO ĐÊ TRỊ THỦY AN CƠ NGHIỆP
    BÁCH TÍN SUY TÔN THƯỢNG ĐẲNG THẦN
    4/ Câu đối dành tặng đốc binh CA:
    CHÓ SĂN CẬY CHỦ GIƯƠNG NANH VUỐT
    NGHÌN NĂM LƯU XÚ ĐẠI CA CA

    • Bác Ba Phi đã nói

      5/ Câu đối tặng BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT:
      ĐẠI ĐOÀN KẾT BỌN VĂN NÔ BỒI BÚT
      VIẾT THẬT DÀI CHỈ TỔ TỐN CƠM DÂN.
  4. Anh Hữu Nguyên ơi! Tôi là người rất có cảm tình với anh vì chính anh cũng là người bị sâu bọ bắt với Khương Bình ở Phước Thái Long Thành Đồng Nai giờ Khương Bình mất tôi còn có 2 bài thơ phân ưu . Không biết đến ngày anh hay tôi ra đi thì sao đây. Nếu anh còn có nhuệ khí của thời vàng son bắt sâu bọ xin anh gom mấy con sâu bồi bút lại cho dân nhờ anh nhé . Muốn đánh giá một con người hãy để đậy nắp quan tài . Anh có khó chịu không khi người ta phát hiện những kẻ đạo văn trong báo anh . Đại Đoàn Kết phải vì dân vì nước chứ sao lại hùa đánh dân đen .Khi nào có dịp đi Vũng Tàu anh ghé tôi chơi nhé . Tôi vẫn theo vụ án chợ phước Thái Long Thành để khỏi phụ lòng chiếu cố của anh .
    Nguyễn Tấn Ích ( Ma8vHa2n Vi)
  5. Đại Đòan kết là cái tổ của lũ bồi bút ! Mà chẳng có con ma nào đọc cái báo này đâu, dùng gói bánh mì thì cũng không ai dùng vì mất vệ sinh. Vậy hòan tòan vô dụng.

    • Dân Việt đã nói

      Báo đại đoàn kết toan dân …??? Hay là báo làm mất lòng của nhân dân đối với CQ …??? Tôi không còn tin 1% nào nữa về cái cơ quan đại đoàn kết này nữa !!! Sau khi đã có kết luận của ông TT hôm 10-2 …???

  6. abs đã nói

    Bây giờ thì đã rõ vì sao TDN bỏ đi rồi nhé

    • cslykhai đã nói

      chỉ có thể khen tbt xài bằng giả, liên kêt với nghi phạm đăng bài chạy tội là có tính đảng rất cao

  7. Hoa Cải đỏ đã nói

    Gửi anh Hữu Nguyên (Văn phòng đại diện phía Nam của ĐĐK)
    Đồng ý với rằng ở đâu của có người xấu người tốt nhưng ở ĐĐK bây giờ đâu rồi những Lý Tiến Dũng, Đào Tuấn, Mai Thanh Hải…? Chỉ thấy dưới trướng thằng xài bằng giả là cả một bầy sâu. Nếu Hữu Nguyên đấu tranh không được cho bài báo này thì có đáng nhận lương của ĐĐK nữa không?

  8. nicecowboy đã nói

    ĐẠI ĐOÀN KẾT = NỘI DUNG SAI + CÁCH TÁC NGHIỆP XẤU HỔ ?
    Cám ơn anh BS đã nhạy bén và công phu khi so sánh và thấy được cách làm báo tồi tệ của tờ báo ĐĐK. Thật ra, ngày hôm qua khi đọc bài báo này ở ĐĐK thì NCB đã thấy nó giống giống ở đâu đó, nhưng nỗi bực bội lớn hơn về nội dung bài báo đã khiến mình không quan tâm chuyện copy trên !
    Qua việc trên , Cao bồi có những ý kiến sau :
    - Phải xem lại trình độ nhận thức, quan điểm của nhóm phóng viên và ban Biên tập tờ báo này ? Tờ báo của Mặt trận Tổ quốc, đại diện cho người dân mà lại có quan điểm gần như trái ngược hẳn với đại đa số người dân : bươi móc những cái lặt vặt chi tiết (khó kiểm chứng được thực hư), không phải bản chất vấn đề, co thể xảy ra trong quá khứ (?) chứ hiện nay không còn là việc vi phạm pháp luật …. nhằm để hạ thấp tư cách, hành động anh Vươn, nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm cho chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng .
    Không lẽ nhận thức, trình độ của cả nhóm phóng viên, của BBT một tờ báo mà kém thế ? “Cha nó lú thì chú nó khôn” chứ ? Đàng này nó lú, cha nó lú, và cả chú nó cũng ăn cháo lú luôn sao ? Cao bồi không nghĩ tất cả tòa báo này đều là con cháu của Trọng Lú !
    - Nếu Nhận thức của họ không kém, vậy thì Tư cách của họ tồi nên mới có thể nảy sinh ra bài viết trên . Cái giả thiết này có vẻ đúng hơn, nhất là sau khi Cao bồi đọc được còm của bạn Huythuanvu luc 2g39 , cộng với thông tin “liên kết” giữa chính quyền HP và tờ báo ĐĐK mà anh BS cung cấp ở phần đầu bài viết này.
    - Còn nữa, nếu đã ăn tiền mà nhận làm bồi bút cho ai đó, thì cũng nên làm cho ra trò. Nếu muốn rặn ra một bài viết để hạ thấp uy tín anh Vươn và nâng bi chính quyền Hải phòng, thì cũng đâu cần phải copy và paste y chang những đoạn tin lấy trên cổng thông tin điện tử TL !? Việc này cũng đủ chứng tỏ thêm cái phong cách làm báo tồi, đáng xấu hổ của nhóm phóng viên và Ban BT tờ báo ĐĐK chứ chưa cần phải mổ xẻ nội dung sai trái của bài báo trên.
    Chán cho các tờ báo ăn theo này quá ! Lúc ngã bên này lúc nghiêng bên kia. Thôi thì cũng hiểu, ngay cả cái cơ quan chủ quản của nó là Mặt trận TQ cũng chỉ là con bù nhìn, con rối trong hệ thống, cơ cấu chính trị hiện nay. Thì nói gì đến tờ báo của nó ! Chỉ bực bội là sự việc trên lại có thể dính dáng đến chuyện “liên kết”, mà liên kết thì phải có tiền thì mới kết được. Sự việc trên có vẻ như không phải hoàn toàn thuần túy về quan điểm chính trị, xã hội. (Cứ xem tiết lộ của bạn Huythuanvu thì cũng thấy lãnh đạo tờ báo này rất thích “chạy” đó thôi).

    • Nguyên Vũ đã nói

      Tôi nghĩ chắc là có sự chỉ đạo chi đó, báo đại đoàn kết trước cũng có loạt bài về Trường sa Hoàng sa, về công hàm Phạm Văn Đồng v.v. kể cả về vụ anh Vươn cũng rất hay.
      Tuy nhiên giờ đây dường như báo chí bắt đầu chuyển hướng, không thấy có “phát hiện” gì thêm những sai phạm của lãnh đạo huyện TL và TP Hải phòng. Có rất nhiều nghi vấn mà nhà văn NQV đã nêu ra, nhưng không thấy khai thác.
      Có lẽ báo chí đã không còn được tự do tác nghiệp, bộ 4T và ban Tuyên giáo TW chắc đã rút kinh nghiệm về việc mất “kiểm soát” làng báo trong hơn tháng qua, mọi người đọc câu này trong cái “kết luận” của thủ tướng:
      Yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi (?) cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Bởi vì vụ này không chỉ đơn giản là những sai phạm các của các cấp chính quyền hải phòng mà nó còn đụng chạm đến nhiều người và những lợi ích khác nữa, liên quan đến hệ thống, đến chế độ, đến những “chủ trương lớn” của đảng…

    • duydinh đã nói

      Nhóm phóng viên của báo ĐĐK học đòi TDN muốn thể hiện cái gọi là”góc nhìn khác” ấy mờ.Thật xấu hổ cho [...]

  9. Hoa Cải đỏ đã nói

    Cũng như “Nhóm Phóng viên” chôm bài của các học giả viết về Hoàng Sa-Trường Sa rồi xào nấu lại làm của mình. Bó tay với TBT xài bằng giả!

  10. Huu Nguyen đã nói

    Cảm ơn ABS với tất cả sự trân trọng vì đã đưa đề tài này ra trước bàn dân thiên hạ.
    Tuy nhiên, tôi nghĩ ở Đại Đoàn Kết vẫn còn người tử tế và đang rất tâm huyết âm thầm đóng góp cho sự nghiệp báo chí chân chính không cầu danh lợi. Đừng “quơ đũa cả nắm” làm đau lòng những người làm báo ĐĐK như thế. Ngay khi bài báo này đăng tải, ngay trong nội bộ báo ĐĐK đã có nhiều ý kiến phê phán rồi. Vấn đề là do người đứng đầu quyết định và bảo lưu quyết định đó ngay cả khi đã nhận được nhiều sự phê phán từ trong nội bộ.
    Kính mong quý vị hiểu cho nổi khổ tâm của chúng tôi khi phải làm việc trong một môi trường như vậy.

    • HI đã nói

      Chúng tôi cũng hiểu được điều đó
      Tuy nhiên khi viết phản đề thì phải tìm hiểu chặt chẽ, nhìn trước ngó sau
  11. Vô liêm sỉ không thể tưởng tượng nổi. Một việc làm bôi gio trát trấu vào Trung ương Mặt trận tổ quốc VN. Cụ luật gia Lưu Văn Đạt, ông luật sư Lê Đức Tiết – những người vừa từ Tiên Lãng về ơi, các vị mắng cho bọn chúng một trận đi. Công tác tổ chức cán bộ của Mặt trận ơi, đã thấy chưa, chọn người thiếu trung thực làm Tổng biên tập một tờ báo một thời có uy tín nó đem lại hậu quả quý vị phải gánh chịu nỗi đau, và cái nhục như thế đấy. Rồi từ nay, ai còn tin vào tờ báo này nữa chứ.

  12. Bác Ba Phi đã nói

    BÁC BA PHI GỬI NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO ĐẠI ĐÀN KÉT
    Tự hào mặt trận trung ương
    Nói năng ngang ngược kiểu phường thất phu
    Ngu còn chẳng chịu mình ngu
    Viết bài vớt vát vài xu rẻ tiền
    Đồ HÈN một lũ chó điên
    A dua hóng hớt quàng xiên dân mình
    Giỏi trò viết lách linh tinh
    Nuôi bây tốn gạo dân mình ghèo thêm
    Hội đoàn,… mặt trận như nêm
    Toàn vô tích sự chẳng thêm lợi gì
    Theo hầu cộng sản ngu si
    Kết bè kết cánh nâng bi đảng nhà
    Trên trời dưới có đảng ta
    Một bầy Đàn Két ba hoa cái mồm
    Thua phường hàng cá hàng tôm
    Nói năng chẳng sợ cái mồm không răng
    Đôi lời nhắn lũ bây rằng:
    Nói năng cẩn thận kẻo răng chẳng còn.

  13. basam đã nói

    Dung la thay nao thi to day. Bi thu la nguoi day tai tieng, chang ai goi bang ONG ma chi goi bang thang nen moi loan nhu the.

  14. basam đã nói

    That la kho hieu. Da co ket luan cua thu tuong roi ma va sao bai bao noi dung cua bao Hai phong benh vuc cho chinh quyen lam sai thi het cho noi. Noi chien den noi roi: chac nhung nguoi dan luong thien phai dung len lam lai cuoc cach mang dan chu thuc su thoi.

  15. Lỗ Tấn đã nói

    Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, Trên bảo dưới không nghe, Bát nháo chi khươn, thật giả khôn lường, trắng đen lẫn lộn…
    Trong hỏa mù này, chính quyền có chủ ý cả, chỉ đám dân đen là rối không biết đâu mà lần. Từ hoảng hốt tức tối, căm phẫm đau xót –> sung sướng hả hê –> nghi hoặc băn khoăn –> chẳng biết đâu mà lần… –> Cứt trâu hóa bùn, đánh bùn sang ao…
    Xét cho cùng, nói như nhà triết học AQ của Trung Quốc, thì những thay đổi có tính đột phá, cải cách táo bạo, “nhìn thẳng vào sự thật”… của chính quyền chỉ là những cuộc cải cách, thậm chí cách mạng theo kiểu “cách mẹ cái mạng nó đi”, và xét cho cùng, thì sau khi những ồn ào đó, các nhà triết học AQ và Cu D vẫn thấy, quan huyện vẫn là quan huyện cũ, chỉ có khác là lúc vấn tóc lên hay lúc cạo tóc đi mà thôi.
    Xét cho cùng, chính quyền không lừa dân cách này hay cách khác, thì chỉ có thể là chính quyền của bọn xắp chết, bọn giày chết.

  16. Bình Loạn Viên đã nói

    Những thông tin này là ĐĐK đăng lại của huyện Tiên Lãng:
    1. Tính xác thực chưa được kiểm chứng, không có phân tích.
    2. Cho dù là phản ánh đúng đi nữa thì cũng chỉ có giá trị bôi nhọ, không có giá trị pháp lý trong vụ việc vừa rồi.
    ĐĐK cho đăng bài này không thể tránh khỏi sự hoài nghi: liệu chính quyền HP có chi tiền hoặc lợi dụng sự quen biết để đề nghị tờ báo này đăng những tin tức loại này? Thật quá xấu hổ!

  17. 1 đã nói

    Tôi cũng đã thấy bài này trên đại đoàn kết và đã chỉ cho chúng thấy thói vô trách nhiệm khi không dám ký tên riêng mà phải núp bóng ma “nhóm phóng viên”.Chỉ có điều không hiểu tờ báo này có trình độ như vậy thì đoàn kết được ai đây.Dân gian gọi mặt trận là”vỗ tay”quả không sai.

  18. Hai lúa đã nói

    Mặt trận, ở đâu cũng vậy chỉ là tổ chức múa phụ họa cho chính quyền. Đấy là nói có văn hóa.
    Còn đây, nói kiểu này không biết có được chấp nhận không: Quần lót của con đĩ chính trị.

  19. Dânđen đã nói

    Đến hôm nay tòa soạn báo Đại Đoàn Kết nếu vẫn chưa chịu rút điểm tin nầy là phải chăng có động cơ cố ý chống đối với chính phủ ,với nhân dân và ngay cả những lời tuyên bố của Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng ? , cố tình gây hoang mang trong dư luận , quần chúng
  20. [...] 734. Đại đoàn kết liên kết đại? -Posted by basamnews on 17/02/2012 [...]

  21. Thang Choi đã nói

    Lại thêm một nhóm phóng viên dấu mặt nũa . Đã dám làm báo thì phải dám nêu danh, bằng không thì về nhà trốn dưới váy vợ đi, đừng có làm cái chuyện hèn hạ, giả dối, đê tiện đó nữa.

  22. Phạm Toàn đã nói

    Vai trò cá nhân rất quan trọng!
    Tôi có vài kỷ niệm với báo Đại đoàn kết đáng cho tôi rút ra bài học cho thời hiện tại.
    1. Quãng năm 1958 gì đó, tôi in một truyện ngắn trên báo lúc đó còn có tên là Cứu Quốc. Anh Xuân Thu chăm sóc cho bài viết và bản in rồi thoe dõi dư luận ý kiến sau khi in chuyển cho tác giả trẻ hệt như một người anh của tác giả — sau này biết anh Xuân Thu là anh họ nhà văn Bùi Ngọc Tấn, càng thấy anh đáng yêu.\
    2. Quãng năm nào đó có vụ người công an tên Tùng Dương giết người cướp tiền của em Việt Phương trên cầu Chương Dương. Tôi nhó là báo Đại đoàn kết khi đó đấu tranh rất mạnh, và nhà báo quyết liệt nhất ở đây là anh Khánh. Ấn tượng Khánh rất mạnh vơi tôi qua các bài viết đến nỗi hôm tuyên án tên Tùng Dương tôi đã gọi đienj tới báo xin gặp anh Khánh để cảm ơn anh trong tiếng nức nở của chính mình.
    3. Tôi còn phải nhắc lại anh Khánh trong vụ việc cuối những năm 1990 khi trường thực nghiệm Giảng Võ đúng 27 Tết bị phá theo lệnh của viên chủ tịch quận Ba Đình (tôi quên tên hắn rồi, chỉ nhớ đó là em rể Lê Xuân Tùng, khi đó là bí thư Thành ủy). Khi đó anh Khánh ở báo Đại đoàn kết đã giúp rất nhiều trong việc huy động công luận. Sau Tết, chúng tôi đã khéo léo tổ chức được cả một cuộc biểu tình lên Trung ương Đảng. Rất nhiều nhân chứng đang còn sống.
    Ba kỷ niệm của tôi nhắc nhở tôi một điều: trong cái cách tổ chức xã hội toàn trị, chỉ còn tin được vào những cá nhân tìm cách “lách” mọi kiểm soát để công khai minh bạch hóa đời sống chính trị – xã hội.
    Tôi hoàn toàn in rằng vị luật Lê Văn Tiết của Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng đã tìm cách lách ra khỏi cái gọ ilà tập thể ủy ban để đem tiếng nói công lý và chân lý tới xã hội.
    Tôi đề nghị một bạn nào đó trong cái tập thể ký tên dưới bài báo “Nhóm phóng viên” hãy làm lộn trái tấm áo giả trá ra.
    Hãy làm cho mọi danh nghĩa giả dối về “tập thể” này nọ bị lật tẩy.
    Toàn

  23. Balap đã nói

    Tôi đã tẩy chay tờ báo này, vì thỉnh thoảng có những bài viết gọi là của “Nhóm PV” rất tào lao, nói lấy được, không căn cứ vào sự thật. Một vài bài báo nêu những vụ việc được bên bị đơn thuê viết hay sao mà toàn sai sự thật. Tự mình đánh mất uy tín của tờ báo. “Nhóm PV” thực chất là một đám bồi bút xôi thịt không hơn không kém. Yêu cầu cơ quan chủ quản là MTTQVN xem xét, đánh giá và bố trí lại TBT cũng như cái đám PV gọi là “nhóm PV” này để khôi phục lại uy tín của một tờ báo co truyền thống này!

  24. Đại ma giáo đã nói

    ABS. đã nói:
    “…ngày 2/2/2012, nghe nói có một phái đoàn bất thường của giới chức Hải Phòng lên Hà Nội, đến thăm viếng một số tờ báo ở Thủ đô. Họ có thăm Đại đoàn kết để … “liên kết”,
    Triệu Dân. đã nói:
    “Và , đa phần báo quốc doanh vẫn là Đại lưu manh, tung bài ra để thu tiền về từ bọn lưu manh chính trị khác !”
    …………
    Hố, hố, hố…Chứng tỏ “giới chức Hải Phòng” ngu. “Báo quốc doanh” hiện nay vì cái “x,y,z” gì mà hay nói lời bất tín nên mất lòng tin của bạn đọc, thế mà lại đi “liên kết” với “chúng nó” thì chỉ có phản tác dụng, tốn tiền “ngu”. Ngu gì đâu mà ngu thậm ngu tệ? Sao không “liên kết” với ABS, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Vinh, Cu Làng Cát…là những trang blog uy tín? Nhưng để “mua” được những trang ấy phải dùng sự thật chứ dùng tiền không mua được đâu đồ ngu ạ!

  25. Dân đen SG đã nói

    Nói thiệt là xưa nay tui chẳng tin gì vào vai trò của “Mặt trận TQVN”. Chẳng qua cũng chỉ là một cơ quan “nối giáo” cho bọn lãnh đạo cai trị người dân mà thui.

  26. thởi đại đổ đểu đã nói

    thông tin là quyền tự do, bị chế tài là đạo đức của người đưa tin, đảm bảo trung thực, khách quan…
    ăn cấp thông tin cũng là quyền tự do, nhưng bị chế tài, trước tiên là ở đạo đức làm người, sau đó là luật pháp và công luận…
    báo ĐĐK là cơ quan ngôn luận của MTTQVN, nhẽ ra, phải biết mình nên làm gì trong sự việc”sôi sùng sục” cà nước như sự kiện ĐVV này.
    xin mấy vị, trong đó có vị luật sư trong đoàn tìm hiểu của MTTQVN, đã về tận đất TLHP, đọc bài này, và đọc xong :
    - tát vào măt mấy thằng gọi là “nhóm phóng viên” của tờ ĐĐK.
    -chửi vào mặt thằng nào (tổng bt, phó tbt, thư ký tòa soạn..) đã cho in bài này lên tờ lá cải.
    -nhổ vào mặt mấy thằng ở cao hơn trong cái vườn cây kiểng đã đầy sâu róm của hệ thống này…!
    biết tin vào Ai ? đúng là : cả một thời đổ đểu đã lên ngôi.
  27. Ô hô lại cái trò hề,
    Báo Đại đoàn kết giỏi nghề nói leo?
    Quan cảng đi đêm bao nhiêu?
    Cùng nhau “đoàn kết” nói liều đổ oan!
    Bênh che cho hội quan tham
    kiếm chút tiền vàng để giết dân đen!!!
    Không dám lộ mặt phóng viên,
    “nhóm” với chả hội cùng hèn vậy ư?

  28. Hoà đã nói

    Đại đoàn kết đã thành Đại câu kết rồi

    • Triệu Dân. đã nói

      Và , đa phần báo quốc doanh vẫn là Đại lưu manh, tung bài ra để thu tiền về từ bọn lưu manh chính trị khác ! Hiện nay, bọn lưu manh lãnh đạo Hải Phòng đang biểu diễn những trò hề tự bôi gio-chát cứt vào mặt cái “Tổ chức lớn” của chúng (trong việc gọi là xử lý nghiêm theo kết luận của Thủ tướng..) nên chúng sẵn sàng ra sức tận dụng cả báo chí che đậy , lấp liếm cho bộ mặt và dã tâm thối nát của chúng..cũng là để dọn đường nhằm tìm cách hại gia đình Đoàn Văn Vươn….cho bõ nỗi hận thù : không ăn cướp đươc !

  29. Kinh Tran đã nói

    Bài này chỉ nhằm về Tiên Lãng làm bữa thịt chó thôi các bác ạ. Nhưng tiếc là bữa nay cổng thông tin Tiên lãng nó gỡ bài kia xuông rồi nên Đại đoàn kết liên kết đại nên bị hố to

  30. Người Quét Rác đã nói

    Báo Mặt trận làm xấu mặt Mặt trận. Trời đã sinh một người tiết tháo như Ông Lê Đức Tiết, sao còn sinh một gã vô đức như Đinh Đức Lập.

    • Bóng tre xanh đã nói

      theo tôi anh ĐNH hảy trở về thế nằm yên ,nhưng thủ dao trng người mổi khi đi đâu , hảy đánh lác hướng bằng cách goị điện thoaị cho ai làm những cuộc hẹn giả v.v… thủ mã tấu trong nhà ,tuị nó xâm phạm gia cư bất hợp pháp là chém xã vai chúng .

  31. Đi về đâu hỡi Việt Nam ơi ? ? ? ! ! !
    =========================

    Đi về đâu hỡi Việt Nam ơi ? ? ? ! ! !
    Nền kinh tế thần kỳ như Tàu !
    Danh vị Siêu cường đi về đâu ?
    Làm gì không phục vụ con Người :
    Tự do – Bình đẳng – Bác ái – Huynh đệ – …
    *
    Việt Nam trên Đường Dân chủ ta đi
    Gió lộng Diên Hồng vang Sử thi
    Vọng lời Tổ tiên Cha ông ta đó
    Hội nghị Dân chủ đầu tiên ghi
    *
    Con đường Dân chủ ấm Mùa Xuân
    Sao do dự ngã ba đường chọn lựa ?
    Đa nguyên + Đa phương + Hợp tác rất cần
    Ta đi giữa Tình thương Quân Dân
    *
    Chỉ duy nhất Con đường Dân chủ
    Thuốc Thần dẹp muôn ngàn kẻ thù
    Việt Nam ơi ! Việt Nam thống khổ !
    Vươn lên lớn lên rồi đẹp Ngàn thu …
    *
    Ta đi trên Đường Đại Ziên Hồng
    Tiếng Hồn Thiêng Sông Núi réo gọi
    Đường ta đi soi Lửa Lạc Hồng
    Đường ta về Ánh mắt Mẹ già trông ….
    *
    Giá trị Nhân bản phổ quát DÂN CHỦ
    Đâu phải riêng phương Tây chúng ru !
    Tổ tiên lập DIÊN HỒNG Hội nghị
    Việt Nam nên tự hào để trùng tu ….
    Nguyễn Hữu Viện

  32. Quang Nguyen đã nói

    Việc ông Vươn đã cho người ta thuê đất lại chẳng có điều gì là sai trái cả, đừng đưa những thông tin vớ vẩn lên đây. Người ta đầu tư nhiều tiền thì tiền thuê đất đấy chẳng bõ bèn gì cả.
    Việc phá rừng phòng hộ thì cũng có thông tin nói ông ta đã trồng bù lại, vậy sao các ông bà không đi kiểm trứng thông tin đó nữa rồi đưa lên đây một thể.
    Những bài viết kiểu này chỉ làm rẻ tên tuổi của một tờ báo, mà chức năng của nó là đoàn kết chứ không phải soi mói, chia rẽ.

    • nguyễn tất thành đã nói

      Qua vụ Tiên Lãng, buồn quá, những người được gọi là “CÔNG BỘC” của dân nay cư xử với dân đến mức đốn mạt vậy sao? Lại còn “tiểu nhân” nữa: Huyện Tiên Lãng cung cấp thông tin cho báo chí “đánh” anh Vươn còn nợ 10 triệu đồng tiền thuế. Nếu việc này có thật thì cũng là bình thường; theo đó, anh Vươn chỉ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về chậm nộp thuế chứ có gì “ghê gớm”. Kể cả mấy “tội” khác nữa của anh được “kể lể” trên cổng thông tin điện tử Tiên Lãng mà báo Đại đoàn kết (cùng vài tờ báo khác, trước đó)-nhục nhã, ê chề quá-coppy lại hoàn toàn không làm mất hiệu lực quyết định của Thủ tướng khẳng định những cái sai của huyện và thành phố (mà tính chất nghiêm trọng đến mức vô cùng nguy hiểm của những cái sai này đối với sự tồn vong của chế độ, đến nay chưa thể lường hết được). Trong bài “đánh” anh Vươn, nếu là người cầm bút có tâm và có chút ít hiểu biết thì các bạn cần phải nhìn nhận sự việc một cách toàn diện, chỉ ra được bản chất vấn đề bên trọng hiện tượng “chậm nộp thuế” thì mới thỏa đáng, phải không “nhóm phóng viên” báo… LIÊN KẾT ĐẠI? Có vẻ như các bạn dễ bị “mua” quá. Huyện và TP ngu dốt dẫn đến làm trái và cư xử tiểu nhân, đã đành. Buồn là các chiến hữu đồng nghiệp mình sao lại cũng…ngu và… tiểu nhân theo?

  33. Bao Công đã nói

    Đã ăn cắp mà lại đi ăn cắp đồ rác rưởi.

  34. merguez đã nói

    Thì cái “ông đó” đã bảo rồi.
    KHÔNG CÓ Gì MỚI CẢ.
    Hơn 60 năm sống trong lừa dối, sảo trá, không biết sao?

  35. Bảy xe ôm đã nói

    thiệt tình, bữa hổm thấy trang basam có điểm tui vào đọc xong, còm liền. . . nhóm tác giả à TBT báo đại đòan kết, muốn kiếm chác gì ở bọn Tiên Lãng đây ? chỉ biết nói với các vị rằng; đồ rác rưởi. người ta có câu, ngu như chó, nhưng con chó nhà ông Vươn, nó vẫn còn đủ biết chia sẻ nỗi đau với chủ ! còn các vị, theo tui các vị nên thêm vài cái bao cao su đã qua sử dụng và ít heroin cho gia đình ông Vươn đựa cột luôn.

  36. Minh Tâm đã nói

    Ồ cái nghề bán phở xào và nước xáo của mấy tờ như Đại Đoàn Kết, HNM, ANĐ hoặc Công an Nhân dân thì hết chỗ nói. Cứ báo nào không dám đưa tên phóng viên, chỉ ghi là Nhóm Phóng viên, hoặc Nhóm phóng viên Nội chính, thì hãy cảnh giác ngay trò bẩn.

  37. Bóng tre xanh đã nói

    những tờ baó coi thường dân coi thường sự thật là đang tự tử ,những người đang cả vú lấp miệng em thời nay như đang mang cuốc xẻng đi lấp nuí lửa đang phun .vô ích thôi ,có loẻ khôn ngoan nhất là thanh thật nhận lảnh trách nhiệm cuã người làm .đã là vết thương .đâu thể lấy bùn để đắp , hảy trị nó cho lành ,họ không nhìn rỏ tình thế đang xoay cả một cuộc cờ thế giới .VIỆTNAM không thể đứng yên trước cơn baỏ đang thổi qua thân thể .

  38. huythuanvu đã nói

    Khi báo ĐĐK viết loạt bài như thế này nên xem lại việc trở thành tổng biên tập của ông Đinh Đức Lập:
    Trưởng ban Tư tưởng Trung ương Đoàn “chạy” bằng giả
    Đây là trường hợp ông Đinh Đức Lập chạy bằng trung cấp chính trị để được nâng lương và chuyển lên chuyên viên chính. Sai phạm của ông Lập đã rõ ràng, nhưng cho đến nay vẫn chưa phải chịu hình thức kỷ luật nào.
    http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2001/03/3b9af106/
    Quyền TBT báo ĐĐK vừa bổ nhiệm: Đinh Đức Lập từng gian dối sử dụng 2 bằng cấp giả
    http://ilivevn.wordpress.com/2008/10/31/quy%E1%BB%81n-tbt-bao-ddk-v%E1%BB%ABa-b%E1%BB%95-nhi%E1%BB%87m-dinh-d%E1%BB%A9c-l%E1%BA%ADp-t%E1%BB%ABng-gian-d%E1%BB%91i-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-2-b%E1%BA%B1ng-c%E1%BA%A5p-gi%E1%BA%A3/
    Đơn Kiến Nghị Tập Thể Và Tố Cáo Đinh Đức Lập
    http://danlentieng.wordpress.com/2009/04/30/don-kien-nghi-tap-the-va-to-cao-dinh-duc-lap/

    • T. T. đã nói

      Thế sao cha này vẫn tồn tại được, mà lại oai nữa chứ?
      Thuở trước, trong thời kì Đổi mới sau năm 1986, tờ Đại đoàn kết từng là niềm hi vọng của muôn người.