1 tháng 11, 2013

DUNG DỊ TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Đừng nghĩ ngoài đảo, chỉ nhanh nhánh nòng pháo - đầu ruồi hay hầm hập lô cốt - công sự, hoặc xanh đen quân phục dã ngoại Hải quân.

Ngoài ấy: Trường Sa, rất gần gũi như thể 1 làng quê yên bình trong đất liền hoặc 1 ngôi nhà chung, với bao điều dung dị...

Buổi sáng ở đảo, chen lẫn tiếng kẻng khỏe khoắn, lay gọi báo thức từng giường là tiếng gà trống đồng loạt vỗ cánh phành phạch, phồng má trợn mắt gáy rõ là to, gọi hết thảy cùng tỉnh giấc đón bình minh...

Trưa nắng, cả đảo vùi trong hừng hực hơi nóng bốc lên từ cát, san hô, nằm ngủ mệt. Đám gà con vẫn líu ríu theo mẹ, cục cục dẫn đường quanh quẩn chơi trưa dưới bóng cây phong ba khoanh ô mát, mẹ con chơi đấy, nhưng mắt vẫn đảo mắt vòng tròn canh biển phía xa xa.

Cái sự dung dị ở đảo, không chỉ từ tiếng gà thân thuộc, làn khói lam chiều hay câu mẹ gọi con bữa chiều ăn cơm sớm... mà còn ở những vật dụng sinh hoạt ăn ở bình thường, hàng ngày của những người lính giữ biển canh trời.

Thế nhưng, cũng từ những vật dụng ấy, mới ngân ngấn sự gian khổ - thiếu thốn - vất vả nơi đảo xa, để vượt qua tất cả, sống nhịp sống bình thường, như ở trong bờ.

Ai có ra Trường Sa, dành ít thời gian thăm nom cuộc sống sinh hoạt - nội vụ của bộ đội, ở từng phân đội ngoài đảo và chia sẻ thật lòng, với những gì rất dung dị nhưng thân thuộc, đảo xa, để động viên anh em gây dựng vững chãi Tổ quốc mình, ngoài khơi xa, nhé!.. Và mình lại kể chuyện Trường Sa, với những điều dung dị, của chính mình...
--------------------------------------------------------------------




31 tháng 10, 2013

CHƯA BAO GIỜ LÒNG DÂN BẤT AN THẾ NÀY

Đào Tuấn - Mỗi một ngày, người dân lại phải vắt tay lên trán khi đọc trên báo hàng chục những cái tin:

Thiếu nữ bị cuồng dâm làm nhục 4 ngày đêm.

Nhảy cả xuống sông để thoát thân, nhưng vẫn bị lôi lên làm nhục tiếp.

Vợ tức chồng vì tư thế lạ, cho một nhát dao.

Côn đồ giết người xong giơ dao khoe máu tươi.

Vừa được đặc xá đã chém chết người.

Rồi Phó Thanh tra giơ cuốc bổ đầu dân.

Phó trưởng Công an “lau súng”, bạn gái vỡ đầu.

Còn Công an thì đập chết tươi một con người chỉ vì anh này không chịu nói tuổi.

Ngày nào cũng như ngày nào. 365 ngày/năm. Với “Tốc độ gia tăng tội phạm còn nhanh hơn cả dân số”.

Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: Vừa Vinashin đã lại Vinalines. Chưa xong ACB đã đến Agribank.

Tất cả những khuôn mặt tư Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên…đều giống nhau ở chỗ hôm qua còn mũ cao áo dài mở miệng là nói đến quyết tâm, đến những lời lẽ tốt đẹp vốn không thể phân biệt .

Có một chi tiết cần được nói tới là khi tìm kiếm xác nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường trên sông Hồng, người ta đã phát hiện tới 6cái xác trôi sông. Trong chỉ chưa đầy hai tuần.

Hình như không ngẫu nhiên nhà ngoại cảm xuất hiện khắp nơi.

Hình như không ngẫu nhiên nhà chùa đông nghịt khách.

Lại càng không ngẫu nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng ngậm ngùi: “Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm”.

Khi mà “Kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở, đến những nơi trang nghiêm như trường học, bệnh viện… đều có tội phạm cả”.

Và “Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiễu nhương, nơi tội phạm hoành hành từ phòng lạnh ra đường.

Từ phòng ngủ thiếu nữ đến những nơi cao cả thâm nghiêm như trường học bệnh viện.

Thật ra, cũng nên thông cảm cho ngành Công an khi mà “số bắt vào đã hơn số mình đặc xá”, trong khi có cố gắng cách mấy “nhưng nhà tù có phải mở ra mãi được đâu”.

Có người nói vì báo chí đưa cướp hiếp giết quá nhiều.

Xã hội sẽ bơn bớt bất an khi báo chí ngảnh mặt quay lưng với thực tế.

Nhưng có báo chí nào xui người ta đâm chém nhau.

Có báo chí nào ngụy tạo ra những vụ tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ.

Và có bất an nào có thể được che dấu bằng việc chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại.

Vị ĐBQH tên Dũng, khi nhắc tới Dương Chí Dũng, đến câu chuyện “ra ngõ gặp tội phạm” đã nói trúng nỗi lòng của người dân, bằng hai chữ “bất an”: "Chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này".

Cái sự bất an không phải ở chỗ người ta phải thòng thêm một sợi dây xích mỗi khi muốn nghe điện thoại trên vỉa hè Sài Gòn, (ngay cả thế cũng dễ mất tay như chơi) không phải ở việc một cái liếc ngang cũng có thể bị coi là nhìn đều và bọn ngáo đá, ngay lập tức, cho đi thẳng vào nhà xác.

Sự bất an còn ở chỗ một người thầy cũng có thể trở thành một tên hiếp dâm.

Một bác sĩ có thể một sát nhân danh y.

Ngay sau sắc áo của những người giữ gìn trật tự, bảo đảm an toàn cho dân chúng, cũng có thể là một kẻ sát nhân.

Còn những người giữ thuế, ai cũng tiềm ẩn nguy cơ “bộ phận không nhỏ”, dù chẳng ai biết cái bộ phận đó nó là ai, ở đâu.

Ông Bùi Đặng Dũng băn khoăn rằng: Không biết có phải do kinh tế khủng hoảng, cùng đường sinh thủy họa đạo tặc hay không mà tội phạm lại nổi lên như vậy?..

Nhân dân, nạn nhân muôn đời của đạo tặc, đành chịu chứ biết trả lời sao?..

Không lẽ lại chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại?..

Không lẽ phải xây thêm nhà tù để xác nhận một thực tế rằng nơi nào càng nhiều nhà tù, nơi đó càng bất an?..
----------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh đã đăng tải trên mạng xã hội, chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

30 tháng 10, 2013

TRAO QUÀ LẦN 2 CHO MẦM NON SƠN KIM

AABC - Trong 2 ngày 27-28/10/2013, một nhóm các Thành viên AABC đã hành quân từ Hà Nội, vào lại vùng rốn lũ Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trao khối lượng hàng quà 1 tấn cho cô trò Trường Mầm non Sơn Kim 2.

Số hàng này của các tấm lòng hảo tâm nhờ chuyển đến tặng học sinh Mầm non Sơn Kim 2, thông qua Chương trình AABC.

Với sự phối hợp - giúp đỡ của Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 563 - BCHBĐBP tỉnh Hà Tĩnh, số hàng quà đã được trao tận tay 128 học sinh mầm non và các cô giáo, đảm bảo cho các cháu trở lại học tập - sinh hoạt bình thường.

Xin cảm ơn mọi tấm lòng, đã không quên khúc ruột miền Trung.
----------------------------------------------------------------





29 tháng 10, 2013

CÓ CÁC EM, ĐẢO BỖNG HÓA DỊU DÀNG

Mai Thanh Hải - Bạn từ Nam Yết gọi về hỏi: "Tháng sau ông có ra không?. Mang cho tôi lọ cà pháo, bịch to ớt xanh - tỏi nhánh, nhé!".

Mình lắc đầu: "Để sang năm xem sao vậy!. Tết này không ra được!", không muốn bạn biết tụi mình phải đổi lịch đi biển dịp giáp Tết và cũng giấu, không để bạn biết là mình hèn, chịu gánh nặng áo cơm thường nhật, không dám dứt bỏ nỗi lo công việc - trách nhiệm, để ra với bạn, các bạn, các em những ngày sóng gió ngoài khơi, tuy xa xôi - bầm dập nhất trong năm, nhưng cũng là lúc người ta cần tới nhau nhất...

Em từ Cô Lin náo nức: "Mấy tháng biển động, toàn lính đảo nhìn tàu trực và nhìn nhau. Tháng sau anh có ra, trên tàu mà có văn công, báo trước để tụi em tập hát giao lưu nhé!".

Mình lại dối quanh: "Gần Tết bận lắm, không được ra em à!. Chị em văn công cũng yếu, chắc phải đợi tháng 4 biển yên sang năm, em nhé!", nuốt tiếng thở dài vào ngực, khi nghĩ đến những chuyến ra đảo xa dịp gần Tết, cả tàu toàn những gương mặt đàn ông, hóp lại sau hành trình đằng đẵng gần tháng trời mưa bão, sóng lừng, miếng cơm nấu trong cực nhọc, đưa được lên mồm, sóng cũng giằng hắt mất, thìa cháo sóng sánh sôi trong ghìm tay đồng đội, nước biển ùa vào hất tung khắp thành boong, những gương mặt lính trẻ thay quân chưa quen mùi sóng gió, lay lắt như cọng khoai lang, nôn ọe khắp lòng tàu...

Ừ! Trường Sa gần Tết mùa biển động. Sóng gió cấp 6-7 liên tục, mỗi chuyến đi về sút vài ký là bình thường.

Thế nhưng những chuyến tàu này mới thực là chuyến tàu ra thăm đảo, tiếp tế cho đồng đội và đến đâu cũng rưng rưng tình người thực, chứ không như những chuyến tháng 4 biển lặng, đang được nhiều người coi như chuyến nghỉ dưỡng hàng năm.

Vất vả lắm, gian khổ lắm và người không quen chẳng thể nào chịu đựng nổi, nên rất hiếm hoi có văn công - con gái ra với các bạn mình những ngày này.

Thấy tàu ra đảo, ùa hết cả ra kéo xuồng, hóng khách nhưng không thấy ánh mái tóc dài, nụ cười con gái, lại thẫn thờ chùng lòng nỗi khát, quay lại với thực tại, quây quần cùng những lộc ngộc, dẫu đàn ông nhưng ăm ắp hơi hướng đất liền, lấy chuyện thiếu nữ trong bờ khỏa nỗi nhớ riêng tư...

Bạn lại từ An Bang gọi cho mình: "Ông đăng ít hình chị em, văn công ra thăm đảo nhé!. Chúng tôi ở chỗ này, mùa Tết, tàu có chở văn công ra, cũng chả vào được. Ngắm chị em chút, cho đỡ nhớ!" khiến mình nhớ lại hình ảnh bạn và bộ đội trên đảo, gò lưng kéo xuồng cả tiếng đồng hồ, văn công và "khách của Bộ quan trọng thuộc Chính phủ" mới lên được đảo.

Tất cả mừng rỡ về thay quân phục khô ráo, ra ngồi nghe xem Văn công hát cho đỡ khát.

Nhưng chỉ nghe được 2 bài, tụi "khách Bộ quan trọng" đã đòi về lại tàu tắm giặt bởi: "Nước biển dính vào người, dơ quá!", khiến bạn và bộ đội lại phải bặm môi thay quần áo ướt, nuốt cục nghẹn vào trong ngực, đẩy xuồng cả tiếng đồng hồ nữa, xuồng mới ra khỏi đào và gượng gạo vẫy tay chào những người tưởng quen nhưng mà lạ, bệ vệ kéo mắt ướt văn công, rời khỏi đảo buồn...

Ngoài đảo bây giờ không hề thiếu thốn về vật chất, mà chỉ thiếu những điều tưởng như rất bình thường - giản dị: NỐI KHÁT KHAO CON GÁI. Bởi bộ đội thì cũng là người, mà đã là con người, cũng phải có những cung bậc tình cảm, có nhớ thương, có khao khát, có ước vọng...

Thế nhưng, chỉ bộ đội mới vượt qua được những điều đó, để trung trinh giữ đảo, giữa bão gió - hiểm nguy, giữa rừng rực sắt thép của súng đạn - của nam tính, vẹn nguyên 2 chữ CHỦ QUYỀN.

... Và: Đảo vẫn đợi chờ, vẫn mong ngóng từ trong cơn giông ngày cuối năm, trên con tàu vận tải ra với Trường Sa, có dáng hình con gái. Chỉ 1 thôi cũng đủ, gấp cả trăm các em nhộn nhạo xanh đỏ vẫy chào, ào ào ra đảo dịp tháng 4 yên.

... Và: Có các em ra thăm, để đảo sắt thép hóa dịu dàng...
-----------------------------------------------------

(Entry có sử dụng hình ảnh của các Đoàn Công tác ra thăm Trường Sa tháng 4/2011-2012 ghi lại, đã được đăng tải trên các mạng xã hội, một số trang cá nhân).

Ở VEN TRỜI TÂY BẮC CÓ LAI CHÂU

Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.

Nơi sông Đà vặn mình rung núi
Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo
Thị xã nhỏ như chiếc áo cài trên ngực đất nước
Núi hai đầu, mây đến đá lông nheo

Nơi con thác giữ nụ cười em lại
Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình
Tóc em đó như mùa màng gặt hái
Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh.

Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.

Nơi em về bản Chi Luông, bản Xá
Hoa rừng thơm như có kẻ theo cùng
Bản mới dựng mắt em là chiếc lá
Rơi bập bùng chân cứ muốn đi chung.

Nơi vách đá còn ghi bia Lê Lợi
Lịch sử ngược sông Đà, nước réo tiếng gươm xưa
Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi
Như hoa ban chỉ nở lúc sang mùa.

Nơi dấu tích còn ghi thời thống khổ
Cô gái xòe xưa lao mình xuống sông Đà
Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ
Anh đi tìm nước mắt gặp lời ca.

Anh đã gặp những con người như lửa
Giấu khói lửa đi như thời bếp Hoàng Cầm
Điện Biên của mọi người dành riêng em
điệu múa
Những đời thường nhập lai hoá nhân dân.

Lai Châu của lúa thơm sắn ngọt
Của tình em cho thị xã trăng rằm
Của ngọn gió kéo mặt trời qua dốc
Tiếng khèn Mèo làm suối cứ băn khuăn.

Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển
Để lòng em tìm lại buổi ban đầu
Em đứng đó mây ven trời vô kể
Để suốt đời anh mắc nợ Lai Châu...
---------------

* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, nguyên bản của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là Nhớ Lai Châu.
* Hình ảnh hoạt động của Chương trình AABC tại 2 xã biên giới Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu) đầu thàng 10/2013 vừa qua.