6 tháng 4, 2016

TẠM BIỆT THỦ TƯỚNG

Tháng 11.2011, trước Quốc hội, Thủ tướng đã không ngần ngại: "Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974".
Có lẽ, ông là lãnh đạo quốc gia duy nhất đến thời điểm này công khai nói ra một điều thực tế, hiển nhiên, tưởng rất đơn giản đó.
Những người làm ngoại giao, làm chính sách liên quan đến Biển Đông hẳn sẽ là những người luyến tiếc nhất. Mình tin vậy.
Tạm biệt Thủ tướng!..

(Đức Thiện)

GIỮ MỐC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KỲ 3: SÓC GIANG CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN

Mốc 646, ngày xưa người dân túc trực ngày đêm giữ đất
(Báo Thanh Niên) - Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc.

Xây nhà trước họng súng

Ngày 28.8.1996, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ mở cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng và dự kiến xây dựng trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu ở vị trí cách mốc 114 khoảng 25m về phía Việt Nam. Thời điểm này, tình hình khu vực vẫn đang phức tạp nên UBND tỉnh Cao Bằng đã xin ý kiến của cấp trên. Ngay sau đó, Ban Biên giới Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản số 875/Bg (7.12.2006) và 101/Bg (25.2.1997), trong đó có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, đồng ý với xây dựng trạm ở địa điểm dự kiến. Ngày 3.6.1997, bên ta chính thức khởi công xây dựng trạm.

“Ngay khi ta làm lễ động thổ, phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt”, ông Nông Văn Nhà (57 tuổi, Trưởng xóm Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nói. Ông Nhà nhớ lại: Ngày 7 và 8.6.1997, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, xua đuổi dân ta đi chợ Bình Mãng bên đó và mắc 2 loa phóng thanh công suất lớn hướng sang khu vực ta đang thi công, liên tục phát thanh tuyên truyền xuyên tạc, kích động, vu khống đe dọa ta.

Cũng thời điểm này, phía Trung Quốc cho một đại đội vũ trang đào công sự từ mốc 113 đến mốc 115, áp sát trước cửa khẩu và triển khai trên các nhà cao tầng đối diện và chĩa súng vào khu vực trạm Biên phòng (BP) của ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Trưởng xóm Nông Văn Nhà kể lại câu chuyện bảo vệ công nhân xây nhà
Đặc biệt, sáng ngày 7.6.1997, sau khi bố trí đội hình chiến đấu, phía Trung Quốc cho 10 binh sĩ mặc quần áo rằn ri mang súng AK tràn qua cửa khẩu vượt mốc 114 và dí nòng súng vào ngực cán bộ chiến sĩ BP và nhân dân đang đấu tranh ngăn chặn. “Mỗi ngày sau đó, họ huy động tới 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu định sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Số này hò hét, đe dọa hòng làm công nhân xây dựng lo sợ, bỏ về”, ông Nhà kể.

“Hôm ấy tôi đang làm nương, thấy ai đó hô: Lính Trung Quốc tràn sang đất mình, không cho mình xây nhà. Ra giúp bộ đội đi”, ông Nông Văn Niêm (81 tuổi, ở thôn Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nhớ lại những ngày đầu tháng 6.1997 và tỉ mỉ: “Mọi người dù đang làm nương, buôn bán, nấu ăn đều rầm rập kéo ra cửa khẩu, chỗ mốc 114 (nay là mốc 647). Tới nơi đã thấy lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri tràn sang đất ta, qua cả cột mốc và chĩa súng vào hàng đầu ngăn cản là bộ đội BP và cán bộ huyện xã đang khoác tay nhau đứng chặn, vừa không cho họ đi vừa giải thích.

Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!

Bà con của thôn chừng gần 100 người ùa ngay vào, đứng ngay sau bộ đội thành khối đông đặc, đẩy lính Trung Quốc sang bên kia cột mốc. Khoảng 10 phút sau, hàng trăm bà con các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hòa cũng rùng rùng kéo lên, nối thành vòng người chắn dọc biên giới. Ai nấy đều bừng bừng sắc mặt, giơ nắm tay hô: “Đất này của Việt Nam! Lính Trung Quốc về đi!”, khiến lính Trung Quốc chùn chân, chỉ giơ súng dọa và lùi dần chứ không dám tiến lên đẩy người, định đánh đập công nhân xây dựng như lúc trước…”.

“Lúc ấy, tốp lính tràn sang lăm lăm súng chĩa thẳng vào dân ta. Ở mấy nhà cao tầng bên kia biên giới, lính của họ chạy hết ra công sự, nép sau nhà cao tầng chĩa cả súng máy, súng trường xuống chúng tôi. Tôi hô bà con: “Mình mấy trăm người, nó mấy chục người, nếu có bắn cũng không bắn được hết cả nghìn người của xã này đâu. Bà con đừng sợ” và lao lên đẩy bật thằng đang chĩa súng vào ngực tôi. Bà con thấy vậy cũng ào ào lao lên, miệng hô phản đối, giống như biển người”, ông Niêm cười sảng khoái: “Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!”…

Ông Nông Văn Niêm (giữa) kể chuyện giữ Nà Khum
Căng thẳng nhất đối với lực lượng thi công và bảo vệ là từ 6-10.6.1997, mỗi ngày phía Trung Quốc cho 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu ngay sát biên giới và có lực lượng dự bị phía sau định tràn sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Phía Trung Quốc có những hành động lời nói đe dọa, khiêu khích lực lượng đấu tranh của ta để tạo cớ tràn sang phá hoại công trình. Đối mặt với họ là hàng nghìn người dân Hà Quảng, chia làm 3 tuyến giăng hàng bảo vệ các công nhân và việc thi công trạm liên hợp. Đến giữa tháng 7.1997, khi công trình xây xong phần thô và đổ trần tầng 1, phía Trung Quốc mới ngưng việc tập trung người”, ông Hoàng Thế Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sóc Hà kể lại.

Bảo vệ Nà Khum

Ngay từ năm 2003, các đơn vị thi công của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành mở tuyến đường tuần tra biên giới theo kế hoạch của Chính phủ và hoàn tất thi công từ mốc 116 sang hướng đông mốc 115, sát khu vực Nà Khum (Sóc Hà, Hà Quảng).

Tháng 8.2004, đội thi công tiếp tục mở tuyến từ hướng đông mốc 114 (nay là mốc 647) sang hướng tây mốc 115 (nay là mốc 644-1), cách khoảng 100m thì phía Trung Quốc ngăn cản, không cho thi công. Ròng rã gần 1 năm trời hội đàm khẳng định chủ quyền và viết thư phản kháng phía Trung Quốc ngăn cản vô lý, tháng 1.2005, UBND huyện Hà Quảng quyết định thi công tuyến đường, trong các ngày 29-30.1.2005 với 150 bộ đội, nhân dân bảo vệ 10 công nhân.

“Đúng như dự đoán, công nhân vừa đến thì lính BP Trung Quốc đã ra ngăn cản và sau đó, 90 lính Trung Quốc cải trang thành dân binh ào ra khiêu khích, chửi bới, kích động”, ông Hà văn Bình, Bí thư Chi bộ xóm Trúc Long (Sóc Hà) kể lại và nói thẳng: “Lính họ đi lại phía bên kia biên giới suốt, cách chúng tôi vài chục mét nên lạ gì mặt! Họ cải trang thành dân binh, chúng tôi phát hiện ngay. Dân binh gì mà dùng cuốc xẻng gậy gộc thành thạo như đánh lưỡi lê, bánh súng vậy?”.

Giằng co suốt gần 1 ngày, những người dân và bộ đội BP Sóc Hà xếp thành vòng cung bảo vệ công nhân và đẩy đuổi lính Trung Quốc tràn sang. Không thể phá vỡ vòng vây bảo vệ, lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực những người dân, bộ đội BP Sóc Hà dọa bắn, nhưng vòng cung càng thêm chắc chắn. Bất lực và hèn hạ, lính Trung Quốc dùng gạch đá ném như mưa vào đội hình, khiến nhiều người bị thương, đổ máu. Không run sợ trước áp lực của Trung Quốc, cả trăm người kiên quyết bảo vệ việc thi công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Nông Văn Niêm (thôn Nà Sát, Sóc Hà) chỉ cho tôi xem vết thương ở ngực, do gạch đá lính Trung Quốc ném tới tấp, khi tham gia nhiệm vụ bảo vệ Nà Khum ngày 29.2.2005: “Tôi đi giám định, bị thương tật 21% và được công nhận thương binh” và bảo: “Thương binh vì giữ đất như tôi, ở vùng Sóc Hà này nhiều lắm. Đất của Tổ quốc, dân Cao Bằng dù chết cũng quyết giữ, đâu cần danh hiệu này kia!”…

(Còn nữa)

Mai Thanh Hải

Kỳ 4: Sắt son Nho Quế

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta để đổ nước vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Ở đoạn biên giới sông thẳng đứng hẻm vực này, còn lưu giữ bao câu chuyện về những người Mông địa đầu Tổ quốc tay không chống chọi với lính Trung Quốc giữ xóm làng, mét nước, bờ sông.

NỤ CƯỜI TRONG LỬA ĐẠN, MIỀN BẮC 1973


Những đứa trẻ Nghi Tàm phấn khích khi được chụp ảnh.



(REDS.VN) - Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 đã chấm dứt trên danh nghĩa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Trong khoảng thời gian này, người dân miền Bắc bắt đầu thực hiện nỗ lực xây dựng lại đất nước sau những đợt ném bom rải thảm của quân đội Mỹ bằng pháo đài bay B52 vào cuối năm 1972…

Có mặt tại miền bắc Việt Nam trong tháng 3/1973, nhiếp ảnh gia Werner Schulze đã ghi lại nhiều hình ảnh quý giá về công cuộc tái dựng miền Bắc.

Xuyên suốt các bức ảnh của ông, người xem có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan và hi vọng tràn đầy của quân và dân miền Bắc qua những nụ cười rạng rỡ.

Nụ cười tươi rói của một chàng trai trẻ đang thực hiện công việc sửa chữa cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Cây cầu này đã bị hư hại nặng nề sau nhiều đợt không kích của không quân Mỹ.

Một người lính bế đứa con gái nhỏ. Anh được giao nhiệm vụ sửa chữa đoạn đường Quốc lộ 1 tại địa phận Hà Nội.
Một thanh niên xung phong làm nhiệm vụ xây cầu tạm bên một bờ sông ở Đồng Hới, cách vĩ tuyến 17 – ranh giới phân chia miền Nam và miền Bắc Việt Nam không xa.


Các học sinh ở miền Bắc Việt Nam đều đeo khăn quàng đỏ.

Một học sinh nữ trên sân trường.

Những người lính Bắc Việt đang ghép một chiếc cầu phao gần vĩ tuyến 17.

Những người dân dắt xe đạp qua phà ở phía Đông Nam Đồng Hới.

Cũng là một nụ cười trên đất Bắc Việt, nhưng là của một lính Mỹ. Anh là một trong 116 phi công và nhân viên quân sự Mỹ bị bắt sống tại miền Bắc, được trao trả cho Mỹ theo thỏa thuận 12/2/1973.

Các bé gái đang chuẩn bị một bữa ăn trưa đạm bạc bên những gian nhà tạm ở phố Khâm Thiên, dãy phố đã bị không quân mỹ san phẳng vào cuối năm 1972.

Một người công nhân trên công trường sửa chữa cầu Long Biên.



5 tháng 4, 2016

TÌM CÔ BỘ ĐỘI, NGÀY 30.4.1975

Cô bộ đội từ rừng vào phố, quá trẻ và quá ngỡ ngàng bên hàng kem, nước giải khát sau khi vào Sài Gòn, ngày 30.4.1975.
Ai có nhận ra cô và giờ cô ở đâu, thì chỉ mình với?..


(Photo: Jean Claude Labbe, PV Pháp).

GIỮ MỐC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KỲ 2: RẬP RÌNH BẢN GIỐC

Một bè du lịch Việt Nam chở khách thăm Thác Bản Giốc
Các mốc 835, 836 (chính - phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và sẵn sàng có mặt bên mốc giới - đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng.

Tiếng kẻng giữ đất

Ông Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng Biên phòng (BP) Đàm Thủy, về nghỉ hưu năm 2007 khi là thượng tá, Phó trưởng phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng nhớ lại: Thác Bản Giốc là thác nhiên nhiên thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), nhưng phía Trung Quốc cũng nhận của họ và gọi tên là thác Tắc Then, thuộc công xã Thạch Long, huyện Đại Tân (tỉnh Quảng Tây). Khu vực Thác Bản Giốc tính từ các thửa ruộng Thoong Bốc đến sát chân núi nhánh song cực Bắc của thác. Các cồn đất của thác gồm: Pò Thoong, Pò Rư, Pò Bắc, Lũng Chang đều do nhân dân ta ở các bản đó quản lý và sản xuất canh tác. Khu vực này có mốc 53, 53 phụ và mốc 54.

Toàn cảnh Thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
“Từ năm 1965, phía Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm Thác Bản Giốc, xây dựng trạm thủy điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc và ngăn nước trên nhánh sông này hòng thay đổi dòng chảy, có lợi cho họ. Những năm sau đó, lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc nhiều lần xâm nhập lãnh thổ ta, ngăn cản BĐBP và nhân dân ta đi lại với mức độ ngày càng tăng, diễn biến rất phức tạp, nhất là trong năm 1975-1976. Thậm chí họ còn ngang ngược nhận đường biên giới đi qua dòng phía Nam của thác, Cồn Pò Thoong là lãnh thổ của họ”, ông Cỏong rành mạch vậy và chi tiết: “Từ lúc ký Hiệp ước Biên giới đất liền tháng 12.1999 đến cuối 2004, phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ làm cầu khu vực thác, làm bè mảng để đưa dân và du khách vào chân thác tham quan du lịch và nhất là xâm nhập Cồn Pò Thoong, làm đường ra mốc 53 lấn sang đất ta”.
Ông Trần Quý Sơn, nguyên trưởng thôn Bản Giốc
“Cuộc đấu tranh ở khu vực Cồn Pò Thoong và đoạn từ đỉnh thác nối đến mốc 53 là ác liệt nhất và tiên phong là người dân các thôn ở Đàm Thủy”, nguyên Đồn trưởng BP Đàm Thủy nói.

Tay không giữ cồn Pò Thoong

Ông Trần Quý Sơn (57 tuổi), nguyên Trưởng thôn Bản Giốc hồi tưởng: “Nóng nhất là thời điểm 1998-2000, khi manh nha các dịch vụ du lịch dưới chân thác, bè chở khách Trung Quốc đi qua đường trung tuyến, áp sát bờ sông phía Việt Nam, thậm chí còn định cho người Trung Quốc nhảy lên. Ngăn cản các hành động này, hàng trăm người dân thôn Bản Giốc đã cắt cử nhau ra trực ven bờ sông Quây Sơn” và cắn môi: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn gậy gộc. Cũng chỉ dọa và sử dụng trong trường hợp họ nhảy lên đất ta. Nhưng bên họ thì dùng gạch đá ném thẳng vào chúng tôi làm nhiều người bị thương”.
Ông Nông Tài Nghĩa (phải) và PV Thanh Niên bên mốc cũ 53 

“Hồi ấy, có 1 doanh nghiệp dựng quán bán hàng dưới chân thác, bên họ còn định tràn sang ngăn cản nên dân chúng tôi cũng hô nhau ra giữ đất. Sau 2-3 ngày căng thẳng ném đá, họ lợi dụng đêm tối bơi sang đốt hết quán xá”, ông Trần Quý Sơn kể.

Trên đỉnh thác Bản Giốc có gần 100 hộ dân thôn Cô Muông bao năm canh giữ mốc giới cùng tổ công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy.
Dẫn tôi ra thăm chợ tự phát đường biên, ông Nông Tài Nghĩa chỉ cột mốc 53 bằng đá cũ kỹ được cắm từ thời Pháp - Thanh đứng ngay ngắn cạnh mốc 835 và kề đó là mốc 835 (1), bảo: “Hồi hoàn thành phân giới cắm mốc, phía Trung Quốc đòi nhổ mốc 53 cũ nhưng bên ta kiên quyết không cho” và cười: “Dân họ chỉ đi vào mấy bước là dân mình ngăn chặn ngay. Không cần đến BĐBP”.

Phía TQ ghi “Dẫn đường cho nhân viên khủng bố là hành vi phạm tội”
Còn ở ngọn núi sau Tổ Công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy, vẫn sừng sững chòi canh xây gạch cũ kỹ, đối mặt với cả các cột camera nhìn chòng chọc sang đất ta. Đại úy Nông Tiến Hùng, Tổ trưởng công tác BP nghiêm nghị: “Anh em ngày đêm canh gác. Ở trên đây, không bao giờ được mất cảnh giác, không được để Tổ quốc bị bất ngờ”…

(Còn nữa)
 
Mai Thanh Hải

Kỳ 3: Sóc Giang căng như dây đàn

Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc.

Chòi gác trên núi của Tổ Công tác Biên phòng gần đỉnh thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
Cờ Tổ quốc tung bay trên Trạm Kiểm soát BP Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập



CĂN CỨ QUÂN SỰ CAM RANH, 1968

Reds - Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại căn cứ Cam Ranh năm 1968, cựu nhân viên quân sự Mỹ Alfred Eisenstaedt đã ghi lại nhiều hình ảnh hiếm có ở căn cứ có vai trò hết sức quan trọng đối với quân đội Mỹ.

Ấp Trường Đông, một khu dân cư gần căn cứ Cam Ranh năm 1968.

Những ngôi nhà ở ấp Trường Tây.

Một góc căn cứ hải quân Mỹ trên bãi Hòn Lương, Cam Ranh.

Tàu vận tải Mỹ neo đậu trên bãi Đỏ, Cam Ranh

Căn cứ không quân Mỹ ở Cam Ranh.

 Toàn cảnh khu căn cứ không quân.

Tên lửa phòng thủ bờ biển của Mỹ ở Cam Ranh.

Tàu đổ bộ của Mỹ ở bãi Đỏ, Cam Ranh.

Kho bãi của Mỹ ở Cam Ranh.

Các căn cứ của quân đổi Mỹ nằm trải dài nhiều km dọc bờ vịnh Cam Ranh.

Các khu vực của căn cứ Cam Ranh được kết nối bằng hệ thống đường nhựa.

 Các trại lính trong căn cứ

Khu cảng hàng hóa.

Cận cảnh một khu vực đóng quân của lính Mỹ ở Cam Ranh.

Máy bay F-4 Phantoms của Mỹ tại căn cứ Cam Ranh

Cồn Xứng - một doi đất hẹp đâm ra vịnh Cam Ranh

Bãi container của Mỹ ở căn cứ Cam Ranh.

Cửa Bé ở Cam Ranh


Hải đăng đổ nát trên mũi Hòn Lương, vịnh Cam Ranh

 Điểm đóng chốt của quân Mỹ ở Hòn Lương.

Trực thăng Kaman H-43 Huskie của Mỹ tại căn cứ Cam Ranh.

Máy bay vận tải quân sự Lockheed C-130 Herculeses của Mỹ tại Cam Ranh.

Khu căn cứ Mỹ trên bãi Đỏ, Cam Ranh.

Sân bay Cam Ranh Tây.

Toàn cảnh vùng vịnh Cam Ranh.

 Khí tài của máy bay F-4 Phantoms

Một góc nhìn toàn cảnh khu căn cứ ủa Mỹ ở bãi Đỏ, Cam Ranh.