22 tháng 6, 2012

"TRONG NỘI THỦY, LÃNH HẢI VIỆT NAM, TÀU NGẦM VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN ĐI NGẦM KHÁC CỦA NƯỚC NGOÀI PHẢI HOẠT ĐỘNG Ở TRẠNG THÁI NỔI"...

... Điều 29. Hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam.

Trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch, trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ.

(Trích Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam).

"PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN TỘC, THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẦN THIẾT, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO VÀ QUẦN ĐẢO"...

Điều 5. Chính sách quản lý và bảo vệ biển

1. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển.

2. Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng cường thông tin, phổ biến về tiềm năng, chính sách, pháp luật về biển.

4. Khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia ven biển có liên quan.

5. Đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, nâng cấp cơ sở hậu cần phục vụ cho các hoạt động trên biển, đảo và quần đảo, phát triển nguồn nhân lực biển.

6. Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.

(Trích Chương I: Những Quy định chung, Luật Biển Việt Nam)

TẠI SAO TRUNG QUỐC?..

Đào Tuấn - Chỉ 3 ngày sau khi vấn đề “thương nhân Trung Quốc” đưa ra Nghị trường, thị trường hoa Đà Lạt bị hoa Trung Quốc hạ đo ván trên sân nhà, táo độc Trung Quốc tràn ngập vựa trái cây ĐBSCL, tôm hùm Nha Trang trượt giá oành oạch, các bác sĩ đông y Trung Quốc “cởi áo bluse bỏ trốn” khi thấy đoàn kiểm tra, còn tiểu thương chợ Đồng Xuân thì… cảm ơn hàng Trung Quốc.

Có tới 5 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa vấn đề thương nhân Trung Quốc ra trước nghị trường: Mục đích của họ là gì?. Thao túng, lũng đoạn thị trường, lừa đảo?. Liệu đằng sau các lừa gạt kinh tế của thương lái Trung Quốc còn có âm mưu về chính trị nào khác?..

Tóm lại đó là một câu hỏi “Tại sao Trung Quốc” to tướng.

Và xin nhắc lại, câu hỏi này được ít nhất 5 vị ĐBQH đặt ra.

Người ta chỉ đặt câu hỏi tại sao, khi người ta không biết
.
Người Trung Hoa có câu “Nhất bản vạn lợi”, tương tự như câu “một vốn bốn lời”- Tức đã là thương nhân thì, nói như M. Friedmann (nhà kinh tế học người Mỹ đoạt Nobel kinh tế): “Không có trách nhiệm nào khác ngoài việc kiếm tiền”.

Tây, hay Tàu, hay Ta đều như nhau cả. Cứ cái gì bán có lãi là mua.

Nhưng các vị dân biểu không lo không được, không dùng chữ “âm mưu” không xong.

Bởi ngoài những thứ có thể cho lợn ăn, dù kỳ cục, như khoai lang, thì có những thứ nghĩ bể óc không hiểu con cháu thời @ của cụ Lã Bất Vi, người từng bán vợ, buôn vua - mua để làm gì: Trước thì mèo. Rồi rễ hồi. Thớt nghiến. Móng trâu. Cáp Quang. Giờ thì lá vải. Gỗ sưa. Đỉa...

Cứ nghĩ thử mà xem: Những thương nhân Trung Quốc thuê rừng trồng…khoai. Rồi vào quân cảng Cam Ranh…nuôi cá.

Một ví dụ thời sự là: Ngay sau lời hứa của Bộ Công thương, nông dân trồng hoa ở Đà Lạt đang “khóc ra tiếng Mán”, khi hoa Trung Quốc đang “khủng bố” hoa Việt ngay trên chính vương quốc hoa Đà Lạt.

Báo chí mô tả hai làng hoa Vạn Thành và An Sơn vắng “như chùa bà Đanh”.

Những vườn hoa hồng đã bung nụ bị bỏ mặc. Giá rớt xuống 200 đồng/bông, không đủ trả công cắt. Nông dân giờ đành chỉ biết lôi đầu gối ra ngắm mà chặc lưỡi: Thôi thì để hoa tàn.

Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng chỉ biết ngậm ngùi: Hoa Trung Quốc gần như xâm chiếm hoàn toàn thị trường phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Nam Bộ.

Có tài thánh những người trồng hoa cũng không thể “hạch toán” nổi vì sao giá “Hoa Tàu”, dù phải vượt ngàn dặm xa xôi, lại có thể rẻ chỉ bằng ½, 1/3, thậm chí ¼ hoa bản địa.

Ở Nha Trang, sau khi các anh A Sáng, A Tối chuồn về nước, giá tôm hùm rớt từ 2,8 triệu/kg xuống chỉ còn 800 ngàn.

Việc con tôm, dù chỉ dành cho nhà giàu, trở  về với đúng giá trị thực của nó cho thấy: Cái giá trên trời cho con tôm nuôi trong vịnh Cam Ranh, dường như cũng kỳ cục như câu chuyện 5 năm trước, các thương nhân Tàu thu mua... cáp quang biển với giá trên trời.

Nhưng ngẫm ra, câu hỏi “tại sao Trung Quốc” của các Nghị sĩ có lẽ không quan trọng bằng câu hỏi: “Tại sao Việt Nam”.

Trên Báo Sài Gòn Tiếp thị, bà Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao kể lại câu chuyện một tiểu thương đã bán hàng 40 năm ở chợ Đồng Xuân “xin cảm ơn hàng…Trung Quốc”.

Rất đơn giản là 40 năm bán hàng, bà chưa từng thấy DN Việt nào đến chợ bán hàng, trong khi chỉ cần gọi điện thoại thì trong vòng 15 phút những người bán hàng Trung Quốc giao hàng liền.

Thậm chí người bán Trung Quốc không đòi điều kiện gì. Thậm chí 30 ngày sau trả tiền cũng được.

Và “tiểu thương chợ Đồng Xuân tự tin nói rằng: Họ giàu có nhờ bán hàng Trung Quốc”.

Câu chuyện có hai khía cạnh đáng chú ý: “15 phút giao hàng” cho thấy không chỉ ở nông thôn, mà ngay chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, nằm chính giữa Thủ đô, từ lâu đã thành cái chợ cóc của người Trung Quốc.

Và thứ hai, những giá trị ảo như tự hào hàng Việt, rằng niềm tự hào dân tộc, là những thứ không thể quy tiền.

Hôm qua, báo chí dẫn lời một vị Chủ tịch xã trả lời “không thể quản lý nổi” đối với những người nuôi cá đến từ Trung Quốc.

Cái hàng rào kỹ thuật gì đó, như lời hứa của Bộ Công thương, được nói tới từ thời cụ Trương Đình Tuyển đi đàm phán WTO giờ nhìn mãi vẫn chẳng thấy đâu.

Cái lắc đầu của ông Chủ tịch, cũng như cái hàng rào của Bộ Công thương thực ra mới chính là câu trả lời cho tình trạng “vô chính phủ” của cái “chợ cóc Việt Nam”.
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh minh họa (do thành viên OF chụp tại Trung Quốc), không liên quan đến nội dung bài viết

AI SẼ LÀ NGƯỜI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, NẾU KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN DÂN?..

Đào Tuấn - Một Bộ Luật mà người dân có muốn cũng không thể biết, có thể gọi là gì, nếu như không phải là một... "Bộ Luật bí mật"?.

Điều mà báo chí quan tâm nhất trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) Khóa XIII, có lẽ chính là việc QH có thông qua Luật Biển?. Và báo chí sẽ đưa những gì, đưa như thế nào về dự án được xem là quan trọng nhất trong kỳ họp lần này?..

Câu hỏi thứ nhất có thể trả lời ngay: Hóa ra các vị ĐBQH không kém như người ta tưởng.

Căn cứ vào bản giải trình tiếp thu, thì trong các phiên thảo luận mà báo chí không được phép tham dự và đưa tin trước đó, rất nhiều ĐB đề nghị quy định rõ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại Điều 1 của dự thảo Luật.

Có ý kiến thậm chí đề nghị cần quy định trong Luật này vị trí địa lý của các đảo, quần đảo.

Điều này đã được Ban soạn thảo tiếp thu và ngay trong Điều 1 Luật Biển, chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định.

Khoảng 10h20 phút sáng qua, QH với 495/496 ĐB tán thành đã thông qua Luật Biển Việt Nam.

Chỉ có một điều đáng nói. Đó là vị ĐB thứ 496.

Dù không đồng ý thông qua hay không bỏ phiếu thông qua, thì vị ĐB duy nhất này cũng đã tạo ra sự ngạc nhiên đến sững sờ đối với những người chứng kiến.

Thật khó có thể cắt nghĩa “lá phiếu thứ 496” này.

Có lẽ là tình cờ khi Luật Biển, một Bộ Luật có ý nghĩa cách mạng- được thông qua đúng vào ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6.

Chỉ có điều, báo chí không “cách mạng” như người ta tưởng.

VietNamNet là tờ đầu tiên đưa tương đối chi tiết Luật Biển vào buổi trưa 21-6. Có điều, bài báo được gỡ xuống gần như ngay sau đó.

Không cần phải đọc báo sáng nay cũng biết: Luật Biển chỉ được thể hiện dưới dạng tin một dòng.

Đại khái QH thông qua Luật Biển. Không chi tiết.

Ngoại trừ trường hợp cực khó cắt nghĩa, là một bài to uỵch trên báo Nhân dân dưới dòng tít: “Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ 4T Lê Doãn Hợp, trong ngày báo chí cách mạng đã khẳng định hùng hồn: “Không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào thì thành vùng cấm”.

Đã không có “vùng cấm”, mà báo chí lại chỉ đưa “tin một dòng”- không chi tiết, không bình luận về một Bộ Luật được quan tâm nhường đó thì chỉ có một khả năng: Các nhà báo, các tòa soạn cho rằng dân không được phép biết, hoặc không cần biết.

Tháng 8 năm ngoái, ĐBQH Dương Trung Quốc đã có phát biểu vô cùng thẳng thắn xung quanh báo cáo về tình hình Biển Đông, một “báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận”, rằng:

Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm. Nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả”.

Vị ĐBQH, đồng thời là một nhà sử học nhấn mạnh:”Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết”.

21-6 năm nay thì lại là một Bộ Luật “bí mật”.

Ai sẽ là người bảo vệ chủ quyền, nếu không phải là nhân dân?.

Ai sẽ là người thực thi các Bộ Luật ngoài nhân dân?.

Nhưng liệu người dân có thể thực thi các Bộ Luật, khi nó được các tòa báo “dấu kín”?.

Liệu họ có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo, nếu như hoàn toàn mù tịt, không biết Bộ Luật đó nói về cái gì???.
Và liệu một bộ luật còn có giá trị thực thi nếu như chỉ vài trăm vị, dù là đại biểu dân cử được bàn, được biết?..
-------------------------------------------

CHỈ Ở VTV MỚI CÓ "TRƯỜNG XA HOÀNG XA"?..

Hình phát trên màn hình của VTV khiến mình không thể hiểu nổi. Do trình độ, do kém hiểu biết hay vô tình hoặc cố ý, nhưng chắc chắn một điều, như nhiều người lắc đầu: "Đài Truyền hình Quốc gia còn thấy... XA như thế, thảo nào cả Hoàng Sa và Trường Sa, cứ xa tít với mọi người!" Có ai làm ở VTV biết việc này không nhỉ?... (Nguồn: Mai Kỳ FB)

VIỆT NAM CÓ QUYỀN SỬ DỤNG CÁC BIỆN PHÁP VŨ LỰC, PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG KHI CẦN THIẾT

Đào Tuấn - Với 495/496 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bỏ phiếu tán thành, QH đã thông qua Luật Biển Việt Nam, với việc xác định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…được ghi ngay trong Điều 1.

Luật Biển chính là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đồng thời sẽ là thứ "vũ khí pháp lý", để xử lý bằng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với các cá nhân, tàu thuyền nước ngoài vi phạm.

Điều 3 của Luật ghi nhận rõ “biện pháp hòa bình” là nguyên tắc để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Theo báo cáo giải trình, việc ghi nhận nguyên tắc này, hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta, bởi vì ngay trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng của cá nhân, hay tập thể khi thành viên của Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 5 quy định việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, đã hàm ý Việt Nam có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, phòng vệ chính đáng khi cần thiết.

Luật Biển thừa nhận quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam, nhưng quy định rất cụ thể các hành vi bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam:

a) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

b) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.

c) Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào.

d) Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

đ) Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

e) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền.

g) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền.

h) Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh.

i) Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển.

k) Đánh bắt hải sản trái phép.

l) Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép.

m) Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam.

n) Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

Theo Luật Biển, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm, hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra, nhưng tàu thuyền đó không chấp hành.

Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải, hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam, nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.

Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việc QH thông qua Luật Biển Việt Nam là một động thái mạnh mẽ, cần thiết trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Điểm đáng lưu ý nhất là dù các phiên thảo luận Luật Biển là thảo luận kín.

Nhưng đến hôm qua, báo chí đã có quyền tiếp cận toàn bộ Bộ Luật này.

21 tháng 6, 2012

VIỆC AI NẤY LÀM

Hình vui dọc đường công tác, từ Yên Bái về Hà Nội, ngay lúc anh em tác nghiệp và 2 chú CSGT ngang qua. He! He! Hi! Hi!..

BÁO CHÍ... VỠ TRẬN

Mai Thanh Hải Blog - Lâu lắm rồi mới thấy bài viết đáng đọc về thực trạng nghề báo. Hình như những tâm sự, hoàn cảnh của người cầm bút, bây giờ ngày càng khó khăn và... vỡ trận: Viết thì không đúng những điều mình nghĩ, viết xong có lẽ cũng chẳng muốn đọc lại; không viết thì vợ con đói khổ, thiếu thốn, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai... Bài viết trên trang của Nhà báo Đoan Trang

Xin trân trọng giới thiệu...
-----------------------------------

VỠ TRẬN

Hồi bé đọc Tam Quốc, mình rất nhớ đoạn này, nói theo ngôn ngữ trồng cải bây giờ thì là “Những giờ phút cuối cùng của Vân Trường”:

Quan Công đuổi đánh hơn hai chục dặm, lại nghe có tiếng reo, thì là Hàn Đương ở mé hang núi đổ ra, Chu Thái ở mé hữu kéo đến; Tưởng Khâm quay đánh ập lại. Quan Công vội rút lui. Đi chưa được vài dặm, thấy trên gò núi Nam Sơn, có một số người tụ ở đấy, khói bốc nghi ngút. Trên núi có là cờ trắng bay phấp phới, đề bốn chữ: “Kinh Châu thổ nhân”. Họ gọi ơi ới: “Những người bản xứ, mau mau ra hàng đi”.

Quan Công giận lắm, muốn lên núi giết bọn ấy. Bỗng ở trong hang núi lại có hai toán quân của Đinh Phụng, Từ Thịnh đổ dậy đất, chiêng chống rầm trời, vây khốn Quan Công mà đánh, tướng sĩ thủ hạ dần dần tán hết. Đánh nhau mãi đến mờ mờ tối, Quan Công trông ra bốn phía núi, thấy toàn là quân Kinh Châu, người thì gọi anh tìm em, kẻ thì réo con gọi cha, tiếng kêu như ri, rủ nhau đi mất cả. Quan Công quát ngăn lại cũng không được.


Thấy đoạn này minh họa rõ cho cái ý “vỡ trận”. Mà hình như kinh tế, giáo dục, báo chí nước Nam ta giờ đang ầm ầm rơi vào thế ấy.

Bấy giờ báo chí đói lắm, nhiều tòa báo phải tung quân đi các nơi trồng cải, bắt doanh nghiệp làm thịt, mò cả vào làng showbiz thịt “sao”, có khi đói quá ăn thịt lẫn nhau.

Người nào yếu, mắt mờ chân run không theo được, đành nằm nhà chờ chết hoặc kêu khóc đợi ứng cứu.

Báo điện tử câu view điên cuồng, bọn quân sư nghĩ ra ngày càng nhiều tít bệnh hoạn, dân tình tuy vẫn vào đọc, nhưng thực bụng sợ lắm.

Báo sĩ nhiều người thấy tình hình trồng cải, làm thịt dân rối ren như thế, trong lòng không nỡ, muốn viết khác đi, nhưng phi cải ra, động cái gì cũng bị triều đình hạch tội.

Số báo sĩ nao núng, muốn bẻ bút về quê làm ruộng ngày càng nhiều.

Lắm kẻ sinh phẫn chí, tối ngày uống rượu rồi trông mặt về phía “Trung ương” mà khóc hu hu, tổng biên tập quát ngăn lại cũng không được. Tiếng kêu than vang trời dậy đất…

Vỡ trận rồi còn đâu? Nước Nam ta từ ngày có báo điện tử đã bao giờ suy đến thế này chăng, trời hỡi trời?

PHÓNG VIÊN BÁO CHÍ

Mai Thanh Hải Blog - Ghi nhận và thông tin một cách trung thực mọi sự kiện, khoảnh khắc là công việc của các phóng viên Báo chí. Lại nhớ đến câu của Nhà báo Nguyễn Chính: "Cái sợ, cái hèn nhát của người cầm bút (nhất là làm báo), nguy hiểm lắm. Rất vô thức, nhưng anh ta sẽ làm lây nhiễm cái sợ, cái hèn nhát cho đồng bào mình". Xin trân trọng giới thiệu chùm ảnh vui:

Hình ảnh sưu tầm trên một số trang mạng xã hội, rất xin lỗi các tác giả, khi không biết nguồn trích.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------























ĐÃ CÓ MỘT "THỊ TRƯỜNG BÁO CHÍ"

Quê Choa - Thị trường báo chí hàng trăm năm nay đã rất sôi động ở tất cả các nước. Ở nước ta, 20 năm đổi mới, báo chí đã có sự phát triển đa dạng phong phú cả về số lượng và chất lượng.  Có thể nói ở nước ta đã hình thành một thị trường báo chí!. Nói thị trường báo chí là nói là nói chuyện “lấy báo nuôi báo”, khác xa khái niệmthương mại hóa báo chí màcác cơ quan quản lý báo chí hay dùng để phê phán những tờ báo lá cải chuyên đưa tin giật gân, thất thiệt.


Theo số liệu của Hội Nhà Báo Việt Nam thì cả nước ta hiện có trên 800 ấn phẩm báo, chí. Trong đó có  gần 200 tờ báo ngày và báo tuần; 63 tờ báo trung ương, 97 tờ báo địa phương, chưa kể hàng trăm bản tin ngành, bản tin doanh nghiệp, tin huyện. Đó là nói báo viết, báo in giấy mà ông Thái Doãn Hợp một thời gọi là “lề phải”.

Còn cả nước ra hiện nay có hàng ngàn trang Website, blog, trong đó có những trang mạng nổi tiếng không thua gì các tờ báo lớn như: basam1.wordpress.com, quechoa.info; nguyentrongtao.org; trannhuong.com; boxitvn.info basam.info ; lethieunhon.com; phongdiep.net.v.v 

Nhà nước ta cấm ra báo tư nhân, nhưng những trang mạng cá nhân lại là những tờ báo tư nhân được hàng triệu người tìm đọc. Việc hình thành một thị trường báo chí đã tạo ra sự cạnh tranh  lành mạnh, làm cho tất cả các tờ báo được nhà nước “bao cấp toàn diện” phải luôn luôn coi lại cách làm báo của mình, vì ngày càng ít người tìm đọc.
Đã có rất nhiều tờ báo không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà nhờ báo hấp hẫn, bán chạy nên không những đã tự lo được nguồn kinh phí để xuất bản báo, trả lương cho bộ máy cán bộ, phóng viên rất cao, mà còn xây trụ sở rất khang trang, trang bị hiện đại, có tiền để đưa phóng viên đi  nước ngoài làm phóng sự điều tra hay thông tin trực tiếp về Word Cup 2010 chẳng hạn , rồi thành lập quỹ vì người nghèo, tài trợ cho bóng đá trẻ U21, U 10, U15 trong nước.v.v.. 


Có thể kể tên một số “báo giàu” hiện nay như :Thanh niên, Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn tiếp thị , Người Lao động, Tiền phong, v.v…Nhiều báo khác  tuy không giàu nhưng đã tự trang trải chi phí, không còn dựa vào ngân sách các Bộ, ngành bao cấp.
Một câu hỏi đặt ra đối với  cơ quan quản lý báo chí và những người làm báo là: Tại sao những tờ báo trên vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng của Đảng, lại vừa đỡ được gánh nặng bao cấp mỗi năm hàng trăm tỉ đồng cho nhà nước?. Câu trả lời thật đơn giản: Báo bán chạy vì báo đúng,báo hay, báo thông tin kịp thời, báo phù hợp tâm tư của đông đảo người đọc trong cuộc sống thường ngày. 


Nói cách khác các báo trên đã biết cạnh tranh thắng lợi, biết làm cho tờ báo mình luôn luôn được đọc giả cả nước đón đọc từng số. Tức là báo đó đã biết canh tranh trên thị trường báo chí!. Như thế có nên để tồn tại  loại báo sống bằng ngân sách nhà nước nữa hay không?.
Chúng ta không nên “kỵ” với hai chữ thị trườngÔng Trương Đình Tuyển đã dẫn phái đoàn Việt Nam tới 14 phiên đàm phán WTO, khi kết nạp Việt Nam rồi, mà tổ chức này vẫn không công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường, mà phải 12 năm sau, tức 2018 mới được. 


Thông tin như thế để hiểu rằng, tạo ra được một thị trường báo chí là một bước phát triển của cuộc sống xã hội trên con đường văn minh. Đất nước ta từ chỗ đói gạo phải ăn bo bo, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng nhờ chúng ta đã biết khai thác, vận dụng cơ chế thị trường.


Bắt được nhịp sống của đất nước, nhiều tờ báo đã cải tiến khổ báo, thay đổi măng-sét, điều chỉnh chuyên mục nội dung, cải tiến cách trình bày nên ngày càng ăn ý người đọc, thu hút được đọc giả hơn. Nhiều tờ báo nhờ biết cập nhật, thông tin rất sớm các vấn đề nóng hổi bức xúc trong đời sống thực tế hàng ngày của đất nước như: Vấn đề Biển Đông, chống tham nhũng, vấn đề bo-xít Tây Nguyên; bán rừng phòng hộ cho nước ngoài, quy hoạch treo, quan “ăn đất” của dân.v.v.., có những bài viết tâm huyết nêu được những vấn đề  xã hội  đáng suy nghĩ, bàn luận nghiêm túc, nên thu hút được từng lớp độc giả trí thức, nên luôn  được độc giả tìm mua, đón đọc.


Nhiều tờ báo đã trở thành tờ nhật báo được độc giả tiêu thụ với số lượng trăm ngàn, có khi vài trăm ngàn bản một kỳ. Các báo in thêm trang màu, đưa thêm nhiều chuyên mục thị trường, bóng đá – thể thao, giá cả, thời trang theo mùa, ẩm thực, tin phim, tin sách, thông tin du lịch... cũng là để  thu hút thêm nhiều đối tượng độc giả. Các báo mở thêm trang tin nhanh trong ngày, đường dây điện thoại nóng, trang chủ trương chính sách, diễn đàn nhân dân… là để phục vụ nhanh nhất nhu cầu của đông đảo độc giả, quan tâm đến vấn đề kinh tế xã hội của đất nước hàng ngày.
Do cạnh tranh thị trường các báo phải cập nhật tin tức hàng ngày, trực suốt đêm, sẵn sàng thay đổi tin bài ngay vài phút trước khi in, để cung cấp cho bạn đọc những tin tức nóng nhất, mới nhất sớm hơn báo bạn. Các tòa soạn báo  phải tuyển phóng viên giỏi, phải trang bị các phương tiện hiện đại cho phóng viên, biên tập viên để làm báo nhanh và đẹp nhất. Nhiều báo đã áp dụng nhiều hình thức phát hành riêng, không qua hệ thống phát hành báo chí của bưu điện, để đưa báo đến tay người đọc ngay trong buổi sáng ra báo.


Tất cả những sự nhạy bén đa dạng đó ở góc độ kinh tế chính là sự nhạy bén thị trường báo chí. Có rất nhiều tờ báo được lợi thế bao cấp  của ngân sách nhà nước, nhưng vì thiếu sự nhạy bén thị trường, nên báo ra  không có người đọc, không chen chân vào được các sạp báo trên hè phố ở các đô thị (nhất là các đô thị phía Nam)...
Tôi đã cố gắng trình bày để bạn đọc hình dung rằng ở nước ta đã có một thị trường báo chí đang hình thành và ngày càng phát triển. Báo chí hấp dẫn, nhiều người đọc mới đưa được tư tưởng chủ trương của Đảng đến nhân dân. Báo không đến được với  người dân tức là báo không có tác dụng. Tức là hiệu quả  chính trị xã hội của báo chưa cao. 


Nói đến thị trường báo chí phải nói đến cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay có hàng trăm tờ báo của các Bộ, ngành, địa phương được bao cấp từ A đến Z. Tất cả các vụ nham nhũng, tiêu cực ở địa phương báo không dám  đấu tranh. Báo chỉ in ra ngàn bản để phát không cho các cơ quan, Chi bộ, lão thành cách mạng. Nhiều tờ báo in ra mà không cần người đọc, không cần biết bán chạy hay không, không thức đêm, dậy sớm, vẫn sống khỏe..?. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Báo chí phải phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ đông đảo nhân dân, nhưng Nhà báo cũng là người lao động, không sống dựa vào lao động người khác, không được sống bằng tiền thuế của dân, mà phải làm ra sản phẩm báo chí chất lượng cao vừa đúng, vừa có ích, vừa hấp dẫn lại vừa có lãi. Đó là mục tiêu của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh  mà các cơ quan báo chí phải  là người làm gương đầu tiên.
Ngô Minh (Tác giả gửi cho Quê choa)