20 tháng 4, 2013

CẢNH SÁT KHÔNG NGỦ QUÊN


Đào Tuấn - Lời khuyên cho những người chót đọc bài này: Hãy đi học võ. Bởi chẳng ai bảo vệ bạn, trừ bạn.

Trong khi bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị “đeo kính lúp kiểm duyệt” thì quanh Chợ Lớn, các vụ đâm chém, thanh toán đẫm máu vẫn diễn ra như cơm bữa.

Số liệu do chính Công an TP. HCM (CA) công bố hôm qua cho thấy, chỉ trong đúng 30 ngày, toàn TP đã xảy ra gần 1.500 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 27 người, 198 người bị thương, tài sản bị thiệt hại trên 59 tỷ đồng.

Để cho dễ nhớ, thì mỗi ngay xung quanh Chợ Lớn xảy ra 50 vụ, làm chết 1 người.

Còn Tướng CA Nguyễn Phi Hùng thừa nhận một thực tế với 3 chữ “vẫn”: Tội phạm vẫn gia tăng. Vẫn còn những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Vẫn còn các băng nhóm xã hội đen hoạt động chi phối nhiều địa bàn.

Chắc các bạn còn nhớ, một trong những lý do mà “Hội đồng 9 vị” đưa ra để “chém” Bụi đời Chợ Lớn là vì “xã hội đen ngang nhiên hoành hành” mà “tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất kỳ lực lượng xã hội nào”.

Logic của “Hội đồng 9” vị rất đơn giản: Chúng nó đâm chém nhau như thế mà không có mặt Cảnh sát thì nhà chức trách ngủ chắc?!.

Sáng nay, một “bản tin 300” chữ trên Tuổi trẻ đã trả lời đanh thép rằng cảnh sát chắc chắn không ngủ. Có điều họ còn đang bận “làm rõ”, bận “xác định”, để “báo cáo”.

Chúng ta đang nói đến vụ đồ sát người yêu kinh hoàng trong quán cơm xảy ra hôm 13/4/2013, tại một địa điểm “bên nách Chợ Lớn” khi “kẻ thất tình”, tay lăm lăm mã tấu, chờ cô người yêu đi báo CA xong, từ Đồn CA ra, liền ra tay truy sát.

Bản tin dù cực ngắn của Tuổi trẻ có mấy tình tiết, khiến những người dân tay không tấc sắt cảm thấy ngậm ngùi:

Sổ sách của CA Phường 25 không ghi nhận việc chị nạn nhân tố cáo, “anh em CA cũng không gặp chị Hằng để nghe phản ảnh gì”.

Không có phản ảnh việc hung thủ từng mang xăng đến phòng trọ.

Một tuần trước khi xảy ra vụ án mạng, nạn nhân có gửi đơn cho CA Q.Bình Thạnh tố giác việc “kẻ thất tình” tung hình nhạy cảm và nói xấu chị trên mạng. CA Q.Bình Thạnh đã chuyển đơn của nạn nhân về CA P.22 yêu cầu làm rõ và báo cáo sự việc.

CA P.22 đã cử Cảnh sát Khu vực đến địa chỉ mà chị Hằng ghi trong đơn để xác minh. Nhưng đây chỉ là căn nhà do một người anh của hung thủ thuê lại để mở tiệm hàn cửa sắt.

CA P.22 không xác định được Khuyến ở đâu để mời đến làm việc.

Chị Hằng có đến CA Phường 22 trình bày vụ việc vào trưa 13/4 và vừa rời trụ sở CA thì bị sát hại.
Xem xét trách nhiệm của CAP ư? Khó lắm.

Nạn nhân đã tử vong, và vì vậy, chẳng ai cãi thay cho chị việc có tố cáo hay không tố cáo, có kêu cứu hay không kêu cứu.

Nhưng dù sao, chúng ta có thể hình dung nỗi lo sợ và hoảng loạn khi nạn nhân ít nhất 2 lần đã kêu cứu, từ CA cấp Quận, đến CA cấp phường khi bị tung hình lên mạng, bị mang can xăng đến nhà trọ, bị dọa giết. Và kết cục, khi hung thủ vung lưỡi đao tàn khốc đã “không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất kỳ lực lượng xã hội nào”.

Xin đừng đổ lỗi cho “sự vô tình” của những nhân chứng bất đắc dĩ can thiệp trong quán cơm. Họ bỏ chạy. Họ sợ. Vì họ không phải là CA. Họ không có súng. Không có dùi cui. Không có cả sắc áo “nhân danh pháp luật”.

Tháng 7 năm ngoái, khi bức ảnh “Cảnh sát giao thông kiệt sức và hi sinh khi cứu sống 2 mẹ con bị ngã xuống sông ở Nghệ An” được đăng tải trên mạng xã hội, đã có tới 16.008 lượt người ấn “Like” và hơn 3.334 comment bày tỏ lòng tiếc nuối và sự cảm kích.

Dù sau đó, báo chí phát hiện đây là một vụ “buôn thịt lừa”, nhưng điều không thể phủ nhận là sự hy sinh vì dân nào cũng sẽ được người dân tưởng nhớ.

Một số liệu của ngành CA công bố nhân dịp 50 năm ngày truyền thống của lực lượng cho biết đã có 150 cảnh sát hy sinh và hơn 800 cảnh sát bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.

Chúng ta không phủ nhận vai trò của người CA, khi mà máu của các anh đã đổ không ít vì sự bình yên của dân chúng.

Nhưng chúng ta cũng không quên lời khẩn cầu trong tuyệt vọng của nạn nhân, có lẽ, cũng không phải là cá biệt.

Lời khuyên cho những người chót đọc bài này: Hãy đi học võ. Bởi chẳng ai bảo vệ bạn, trừ bạn.
***
Hình minh họa đã được đăng tải trên trang Xóm Nhiếp ảnh.

18 tháng 4, 2013

MÌ TÔM - THỊT HỘP...


Mai Thanh Hải - Đi công tác biên giới, nhất là những vùng sâu vùng xa, đến bữa ăn, chỉ có cách nhờ nấu nướng tại bếp của các thầy cô ở điểm Trường tại mỗi thôn bản. 

Dĩ nhiên, trong balo có đầy đủ mì tôm - thịt hộp - lương khô và thậm chí cả gạo muối cho từng khẩu phần ăn, nhưng nhờ bếp - nồi các thầy cô, chả bao giờ lụi hụi ăn riêng, mà cùng góp thực phẩm, gạo muối, để các thầy cô hái rau, rửa cá khô nấu cùng ăn chung.

Ăn uống với đồ khô đồ hộp, như dưới xuôi thì chẳng có gì để nói, nhưng với vùng cao biên giới thì đó có khi là đại tiệc, bởi cả năm chỉ ăn cơm với muối rang - canh cải (giỗ Tết, mới dám ngả con lợn con gà, ăn ngay chút lòng mề nội tạng, còn thì theo trên gác bếp cho khô quắt, thi thoảng mới rón rén cắt tý, xào nấu cho không quên mùi thịt), nay tự dưng ngửi thấy phảng phất mùi mì tôm - thịt hộp, có khi nức mũi, chộn rộn cả góc bản.

Thính nhất và thương nhất là lũ trẻ lít nhít học bán trú, ở ngay tại điểm Trường. Có khách đến, con trẻ đã tò mò rồi. Nay lại thấy chộn rộn nấu nướng trong bếp, cả bọn cứ đứng xa, tròn xoe mắt nhìn hộp thịt - gói mì trong túi cóc balo và phồng mũi, há miệng hít hà mùi thơm, lửng lơ bay ra mời gọi.

Mình không nhớ nổi, những bữa ăn tạm bợ miền núi, chả cao lương mĩ vị gì đâu, nhưng cứ đăng đắng trong cổ, bởi bất chợt gặp những mắt trẻ nhìn trộm bữa ăn, ngoài khe liếp.

Và cũng không nhớ nổi, bao lần không ăn nổi, mấy anh em đổ thêm nước sôi vào nồi mì tôm, bát thịt hộp lõng bõng và chia thêm cho lũ trẻ cùng ăn, nhìn chúng nó gượng nhẹ mút từng sợi mì mỏng mảnh, từng thớ thịt xiu xíu và buồn: Chúng nó, vẫn đang thiếu cơm - thèm thịt, ngay trong những tháng năm đủ đầy này.

Hạnh phúc, nhiều khi cứ tìm đâu đâu xa ngái, nhưng với những đứa lít nhít Mầm non, Tiểu học, trạc tuổi con gái mình, chỉ đơn giản là được ăn 1 bát mì tôm trọn vẹn những sợi mì tràn đầy bát mà không lõng bõng nước, 1 miếng thịt hộp đã qua chế biến, mềm thớ dài và có nguyên cả hộp nhôm, sau khi ăn lấy nâng niu làm trò chơi, để cùng nhớ: Đã có lúc, được húp mì - ăn thịt.

Cảnh này, trên miền núi đang rất nhiều và bỗng dưng lại ước: Trong chuyến lên Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên) giữa tuần sau, xin đâu được ít thịt hộp, thả vào nồi canh lõng bõng nước, mặn chát muối cho bọn trẻ bán trú ăn trưa, thì cũng nhẹ lòng đến chừng nào?..

17 tháng 4, 2013

GỬI GIÓ CHO MÂY...


Hậu Khảo Cổ - Một tối chớm thu. Chị bay từ SG ra đến HN đã gần nửa đêm, vậy mà em vẫn chờ và rủ “lang thang chút không chị”.

Uh, đi đâu? Thiếu gì chỗ, cứ để em đưa đi nhé. OK.

Vậy là chị em mình đi, chị ngồi sau ngắm nhìn Hà Nội về đêm.

Yên tĩnh, mát mẻ, và… lãng mạn.

Chị cười:

- Đáng lẽ giờ này em phải chở 1 cô bé nào đấy chứ nhỉ?
– Cô nào hả chị?
– Thì một em trẻ trung xinh đẹp nào đó…
– Có ai đâu chị! - Em cười hiền lành.

Con đường đê về đêm dưới ánh đèn vàng bỗng mềm mại như một dải lụa. Thỉnh thỏang có chiếc xe hơi chạy ngược chiều, ánh đèn quét lên đường những vệt sáng lóng lánh như họa tiết hoa văn.

Rẽ xuống con đường làng nhỏ hai bên vẫn những bụi tre, vườn cây nhưng không còn những ngôi nhà lá đơn sơ, mà là những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự kín cổng cao tường…

Hai chị em đến bến Hàn quốc, lúc này đã vắng tanh, chỉ còn một hai hàng nước chè với ngọn đèn dầu leo lét…

Em kể chị nghe về thời thơ ấu vất vả của em, về gia đình có thời sa sút khi gặp lúc rủi ro, về người mẹ hiền lành mà vững vàng trong những lúc gia cảnh khó khăn nhất, nuôi dạy các con nên người.

Em kể chị nghe về những lần em chứng kiến sự vô cảm của con người trước tai nạn, bất công của người khác.

Em bảo, khi em can thiệp vào những chuyện bất bình, em đã ko có người ủng hộ mà còn bị chê bai, thậm chí còn bị “vạ lây”.

Em không thể giải thích vì sao con người lại có thể tàn nhẫn với nhau như thế…

Những vất vả, cực nhọc, kể cả khi em bị tù tội trong một hòan cảnh trớ trêu… đã không làm em mất đi lòng nhân hậu, không làm mất đi sự chính trực ở con người em.

Đêm Hồ Tây sương giăng mờ mặt nước, lãng đãng hương sen…

Chị ngồi yên lặng, nghe em, và hiểu thêm nhiều điều, về CON NGƯỜI.

Thương em quá... nước mắt chị cứ lăn dài trên má.

Em lúng túng châm điếu thuốc, rồi hí hóay nhắn tin...

Chị mở điện thọai: "Chị đừng khóc, khóc nữa là em đi về đấy". Chị cười, nước mắt lại trào ra...

Lần này chị ra Hà Nội sẽ không gặp được em.

Nhưng cái đêm Hồ Tây ấy vẫn còn mãi trong chị, và chị tin rằng, nó luôn đi cùng em, dù em ở bất cứ nơi nào.

Thế nào cũng có ngày chị em mình gặp lại nhau, với hương sen với sương đêm với con đường như dải lụa…

Ngày ấy không xa, phải không em?

(6/2009 – Những ngày mong tin em…)
4/2013 - May mắn nhé, NBG!.

MỘT VIÊN KẸO NGỌT...


Mai Thanh Hải - Một lần đi công tác, ngủ lại điểm trường Mầm non tít biên giới Bát Xát (Lào Cai), sáng ra đã nghe thấy cô giáo quát ầm ĩ. 

Chạy xuống cái lớp học kiêm chỗ ngủ trong tuần bằng mấy cái bàn học ghép lại của bọn trẻ con lớp 1-2, giật mình khi thấy kiến bâu đỏ cái gối đen xỉn, nhàu nhĩ và bám cả trên mặt bé gái ít tuổi nhất, đang mếu máo không dám khóc, do biết mình có lỗi.

Thì ra, chiều qua khi đến điểm Trường, mình vét balô, chia mỗi đứa mấy cái kẹo. Bọn trẻ khư khư giữ, không dám ăn ngay, đợi mãi giờ đi ngủ mới lặng lẽ bóc kẹo thưởng thức, mút từng tý một, nhấm nháp.

Cái sự "thưởng thức" dù có sung sướng đến bao lâu thì cũng chả chống nổi cơn buồn ngủ, vốn rất dễ chiến thắng bọn lít nhít 6-7 tuổi, khiến chúng díp mắt, viên kẹo mòn vẹt rơi ngay trên gối.

Lũ kiến ở rừng, cũng thiếu đói chả khác gì lũ trẻ, ngửi mùi ngọt nhanh nhoay nhoáy và lũ lượt kéo nhau đến giành ăn...

Mình bảo cô giáo: "Thôi đừng quát, tội chúng. Lỗi của anh mà!" khiến cô giáo cũng rơm rớm: "Mỗi khi cán bộ cho kẹo, em toàn phải thu lại và đến giờ mới cho ăn, kẻo chúng toàn giấu đi, bóc ăn 1 chút lại đút túi, lát sau ăn tiếp hoặc bóc ăn 1 nửa rồi giấu trong chăn - gối, cuối tuần mang về nhà cho anh chị em. Cứ thấy kiến ở đâu, y rằng nơi đó có kẹo giấu của chúng!".

Ừ! Ở trên vùng cao biên giới xa tít, quanh năm ăn ngô nhá sắn, bát cơm trắng có khi là giấc mơ cả năm thì lấy đâu ra kẹo với bánh mà ăn?.

Nghèo khó quá, đến cái ước mơ con trẻ cũng chỉ dừng lại ở viên kẹo mút, giữ khư khư ngắm, thi thoảng mới thận trọng mút nhẹ, ngậm trong họng thưởng thức và.... cất kỹ, như giấu khát vọng sống trong lồng ngực núi bao đời.

Mỗi chuyến đi công tác miền núi của mình, sờ ba lô - túi quần khi nào cũng có bánh kẹo lạo xạo và mỗi chặng dừng lên mốc, bốc chia cho lũ trẻ, nhìn mắt chúng rừng rực sáng, nước bọt kêu ừng ực, môi hồng mấp máy xin, thấy xót xa vô cùng: Cái sự đói nghèo, chả phải ở "điện đường trường trạm" mà hiển hiện, từ những thứ rất tầm thường, dưới thành phố, có người chả tin...

(Viết sau khi chiều nay kho hàng của Áo ấm biên cương đã mua đủ 80 thùng bánh kẹo, để ngày mai chia cùng cơ số hàng cho mỗi học sinh, trong tổng số 1.974 học sinh Nà Khoa, Mường Nhé, Điện Biên).
*****
Theo dõi hoạt động của Áo ấm biên cương trên FB: https://www.facebook.com/AoAmBienCuong
Hoặc trang website chính thứchttp://aoambiencuong.com/

16 tháng 4, 2013

BÁO ĐỜI SỐNG PHÁP LUẬT MANG HẢI PHÒNG RA "CÂU VIU" Á?..

Mai Thanh Hải - Hôm nay, Báo điện tử Người đưa tin (ấn phẩm điện tử của Báo Đời sống và Pháp luật, cơ quan chủ quản là Hội Luật gia Việt Nam, do ông Nguyễn Tiến Thanh làm Tổng Biên tập, 0903472747) đăng mấy bài câu viu về quê mình: Hải Phòng (bài 1 của 1 Sinh viên Đại học Mỏ - Đại chất, hình như cũng dính dáng đến HP và sắp ra Trường, ĐỌC Ở ĐÂY  và bài 2 câu viu, có lẽ sau khi người Hải Phòng trên FB phản ứng lại: ĐỌC Ở ĐÂY).

Mình đọc xong, thấy hơi bị phục lãnh đạo Báo Đời sống pháp luật và dĩ nhiên, mình lại  ợ chua và chỉ nói được câu "Giẻ rách", xong rồi mới post lại bài cũ mình đã viết về quê.

Hình như, cái báo này cũng có Văn phòng Thường trú dưới Hải Phòng và "cá kiếm" quảng cáo - phát hành từ quê mình, nhiều tiền phết.

Bài của mình, thì đây:
---------------------

Mai Thanh Hải Blog - Mình dân Hải Phòng "đòm trước, cướp sau" nên rất ghét đứa nào, khi nói chuyện, biết mình dân đất Cảng, thường "à" lên vẻ thông hiểu và lau tau kể đặc sản Hải Phòng "Chợ Sắt, bánh đa cua và... Đồ Sơn". Mình biết thừa là cái đứa ấy, thi thoảng lại trốn vợ, xuống Đồ Sơn làm tý ở "Tổng Công ty Đóng gạch Trung ương", chứ biết gì về đất Hải Phòng?.. 

Mình nhớ lần đầu tiên được ra biển, là Đồ Sơn. Hồi ấy, mình học cấp I, thi học sinh giỏi Văn toàn thành phố, được giải nhì. Bố mình lọc cọc đạp xe chở mình từ quê ra Nhà Hát Lớn nhận giải rình rang cờ hoa, phát biểu. Phần thưởng của mình là chiếc cặp sách to đùng, bên trong đựng cả chục cuốn vở, sách truyện, hộp bút màu (nhận xong phát, xuống ghế ngồi là mình mở cặp, hé nhìn trộm luôn) và 1 bữa ăn no thịt cá lần đầu tiên trong đời.

Hết phát quà, tuyên dương và... chống đói, bố mình ngồi ngoài ăn bánh mỳ lại lóc cóc đón mình. Thấy chiếc cặp to quá, nhà lại xa, bố không cho mình ôm, sợ ngã và lấy dây chun buộc sau xe, bắt mình quặp chân giữ. Mình phải thức dậy từ sáng, ngồi xe mấy tiếng đồng hồ trời nắng, lại... ăn no căng rốn nên chỉ 1 chốc là ôm chặt bố, nhắm mắt ngủ khò khò. Đang ngủ, chợt thấy thiêu thiếu cái gì nên tỉnh dậy, nhìn xuống thì... không thấy cặp. Mình khóc váng, bố mướt mải mồ hôi dừng lại, người đi đường mới bảo: "Qua đoạn đường tàu, mấy thằng ăn cướp chạy theo cắt dây và ôm cặp chạy mất rồi!".

Bố mình quay lại tìm, xin chuộc cũng không được vì đường tàu dài hun hút, nghiện ngập - giang hồ ngán gì bố mình, dù là bộ đội mặc nguyên quân phục trên người. Hôm đó, mình khóc sưng mắt, về đến nhà, mẹ dỗ khản cổ vẫn khóc, đêm ngủ cũng nấc nức nở. Bố mẹ mình thức cả đêm trông mình, vỗ lưng và vỗ về. Thế mà mình trẻ con không biết, mấy ngày sau vẫn giận dỗi, tiếc nuối và thi thoảng lại nức nở khóc òa tiếc phần thưởng. Bây giờ nghĩ lại, mới thấy là mình trẻ con và càng thương bố mẹ.

Chính vì cái vụ mất phần thưởng này mà sau đó, bố mình đạp xe nửa ngày cho ra chơi Đồ Sơn. 2 bố con dậy từ 5 giờ sáng, mình gật gà ngồi sau theo nhịp lắc xóc ốc của đường xấu, mãi rồi bố mình cũng hô: "Đến biển rồi!". Mình choàng mở mắt: Phía trước là mênh mông sóng nhảy múa, tung hứng một trời sao nhấp nháy những đốm nắng đọng trên đầu sóng; gió ào ạt thổi; hơi mặn, mùi biển níu đầu mũi. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên mình biết nghịch cát, ăn kem và uống nước có đá lạnh...

Bây giờ, mỗi lần đưa cả nhà về quê, thế nào mình cũng vòng xe chở cả 3 gái ra làm vòng Đồ Sơn hoặc ngồi vỉa hè làm trận hải sản, để kể lại chuyện đi biển ngày xưa, để cả nhà mở hết cửa kính, căng ngực hít mùi biển, ngắm đường phố - hoa cỏ - núi rừng. Hôm nào có nhiều thời gian, cả nhà lại chui lên Biệt thự Hoa Lan chính hiệu người Pháp xây dựng, vợ chồng ra hành lang ghếch chân đọc sách, ngắm biển, lũ trẻ con thì chân trần chạy uỳnh uỳnh trên sàn gỗ bóng loáng vân thời gian...

Mình thích một Đồ Sơn lặng lẽ, trầm uất với những thăng trầm thời gian nuốt vào trong ngực. Mùa đông buồn thật đấy, lạnh lẽo co ro thật đấy. Nhưng vào mùa hè, lại căng trần sức biển, xởi lởi đón từ "đại gia" xuống "giải đen", đến công chức - doanh nghiệp trốn vợ xuống "làm tý chị em" và cả những người dân lam lũ, chen ních nhau trên chiếc ôtô khách già nua, cũ kỹ chung tiền thuê được, ra với biển, tựa gốc dừa, ngồi xổm trên bờ cát nhai bánh mỳ, uống trà đá ngắm biển - Như mình của thời thơ bé... 

Cởi mở, chân thành nhưng cũng dễ giận, dễ hờn - Thế mới là Hải Phòng

Mình yêu một Đồ Sơn chân chất, thật thà và lam lũ kiếm từng con cá, mẻ tôm. Ban đêm, cả vạn chài đổ ra biển theo những luống sáng trắng li ti trong lòng mẹ biển. Sáng sớm hừng đông, thuyền mủng chật bến, tanh nồng mùi cá và thoăn thoắt bán mua dưới ánh nắng mai vừa hửng, xua đi mọi mây mù.

Ăn sóng - nói gió và chân chất, thẳng băng - Thế mới là Hải Phòng.

Mình nhớ một Đồ Sơn đỏ chót hoa gạo trên bờ cát, cạnh biển mặn, giống cột mốc đánh dấu chủ quyền; rừng rực màu phượng cháy, hết mình cho ước vọng đi xa...

Một Đồ Sơn thơ mộng, thanh bình với đêm khe khẽ mùi hoa Ngọc Lan luồn quan khung cửa, trong rì rào biển hát.

Một Đồ Sơn mịn màng cát dưới gót chân, khe khẽ nước vuốt ve từng nốt hằn trên bờ sóng, cởi trần trên kè đá cùng những người bạn, ôn chuyện xưa, nói chuyện nay và nghĩ đến tương lai sáng sủa, thoáng đãng và tự do.

Có muốn, có ước và tin tưởng - Thế mới là Hải Phòng.

15 tháng 4, 2013

NÀ KHOA CÒN 500 ĐỨA TRẺ KHÔNG QUÀ...

Mai Thanh Hải - Nhiều lắm, 1.974 suất quà cho toàn bộ học sinh 3 cấp học của xã Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên), mỗi đứa 1 chiếc áo khoác, 1 đôi ủng - dép nhựa, 5 cuốn vở, 1 suất bánh kẹo và gần 1.000 thùng, gói mì tôm, nước mắm, cá khô, dầu ăn, bột canh, vải bạt, sách vở - đồ dùng học tập... nên cả căn nhà mượn tạm làm chỗ để hàng, gần 100m2, nhìn đâu cũng ngồn ngộn như trái núi nhỏ.

Cả 1 ngày thứ Bảy, hơn 30 nhân lực Thành viên - TNV "bơi" trong cái đống ấy, từ sáng đến tối, mới tạm chia được 3/4 số hàng cho bọn lít nhít, gọn gàng trong từng túi ni long trắng muốt, in logo Áo ấm biên cương xanh biếc màu cây là biên phòng và đóng bao cẩn thận, ghi từng điểm trường - số lượng học sinh cho dễ mang vác trên lưng ngựa, vai người mang đến tận điểm Trường cho học sinh.

Lẽ ra Chủ nhật phải làm thêm nữa, cho tròn số 1/4 đấy, nhưng rút cục cũng lơ ngơ đành nghỉ bởi... hết hàng và cũng hết tiền mua hàng.

Lẩn mẩn: "Hay là 493 đứa học sinh Tiểu học Nội trú, thôi không phát quà nữa nhỉ bởi áo, dép, vở cho từng ấy đứa, cũng lên đến gần 100 triệu đồng?. Trong khi các Thành viên cũng ủng hộ - đóng góp quá nhiều, cho đến bây giờ là chuyến hàng thứ 6 trong năm, với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng rồi!", nhưng gạt ngay cái suy nghĩ ấy khỏi đầu: "Cố lên, đi xin cũng được, bởi bọn trẻ con trên miền biên viễn ấy đang háo hức lắm và đứa này có quá, đứa khác không, sẽ tủi thân vô cùng!"...

Còn 10 ngày nữa mới đến ngày xuất phát, thôi thì chúng mình cùng cố, để hết thảy bọn trẻ được vui chung.

Chúng nó khổ, chúng nó buồn, chúng nó tủi, lấy ai bảo vệ cột mốc - biên cương cho chúng mình dưới xuôi yên lành?..

Và chắc là sẽ lại phải có 1 buổi đóng hàng nữa, cho 493 đứa trẻ đang không có quà...
*****

14 tháng 4, 2013

DÙI MÀI KINH SỬ

 Vùng cao biên giới, những trường trung tâm xã hoặc điểm trường chính được xem như "Thủ đô giáo dục" của cả khu vực.

Đã là "Thủ đô" thì phải có tầng lớp cư dân:

Đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước (và cả sự... hậu xét của ai đó), học sinh được vào học hành - sinh hoạt trong trường nội trú, được Nhà nước nuôi từ răng đến miệng, phụ cấp đàng hoàng;

Kkhông đủ tiêu chuẩn vào nội trú, nhưng nhà cũng ở xa - đi lại vất vả như các bạn Nội trú, đành chấp nhận sống... ngoài.

Tức là bố mẹ xuống dựng cho cái lán ở lanh quanh ngoài trường, trong có bếp bằng đá chụm lên, vài giát tre làm thành giường, để lấy chỗ ăn ở - sinh hoạt sau giờ học, trong hành trình vài năm học cơn chữ (vừa học vừa đợi chế độ Nội trú) và cứ cuối tuần, những lít nhít vài ba tuổi lại lếch thếch luồn rừng - trèo núi về bản, chơi với gia đình bó mẹ, chiều chủ nhật lại tay xách nách mang gạo ngô - rau muối... để có thứ tự nấu ăn, đút vào mồm, sống vất vưởng ngoài cổng trường tuần tới.

Đi công tác miền núi, qua các điểm Trường, nhìn lán trại tạm bợ của tụi trẻ bán trú bâu xung quanh trường, tụi trẻ con lờ vờ nấu nướng, nghếch mặt nhớ nhà, thương vô cùng.

Càng thương hơn khi nhìn chúng cắm đầu vào học, bấp chấp mọi khó khăn - vất vả và có khi, tỷ lệ học giỏi đỗ cao của tụi "lăn lộn với cuộc sống, củ giáy của khoai" này còn gấp mấy lần tụi Nội trú, ỷ lại cơm gạo Nhà nước chăm nuôi.

Và có khi chúng học, đến thế này đây, nên tác giả bên xomnhiepanh mới đặt tên bức ảnh là "Dùi mài kinh sử"... Hi! Hi!..