8 tháng 9, 2012

MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG

Tuân Phẹt - 2h sáng. Vo ve vo ve. Cái lỗ thủng trên màn to bằng nắm tay. Muỗi vào thả giàn. Ghét mấy con muỗi đéo tả. Hôm nay mới tả được.

Cố gắng bắt một con to nhất. Ru ngủ cho nó. Rồi ngồi kêu vo ve bên tai. Con muỗi mắt thâm quầng, lảo đảo bay đi…

4h sáng. Tén ten tẻn tèn ten. Có tin nhắn. Giật mình thức giấc:“…Tắt đèn sớm, nhớ uống thuốc ngủ nhé…”. Được quan tâm hạnh phúc đến phọt nước mắt…

7h, quáng quàng dậy. Hôm nay phỏng vấn ở Công ty mới, lần mần nghĩ đến đợt thử việc trước ở Mai Linh, trong giấy báo trúng tuyển có ghi “Chỉ đeo cà vạt xanh”, thế mà lúc đến, thấy chúng nó còn mặc cả quần áo.

Bị đuổi trong nhõn một ngày. Nghĩ đến mà rùng cả mình…

8h, hối hả đến nơi.Rồi cũng đợi được đến lúc vào phỏng vấn. Thằng già nhăn nhở hỏi: "Quan hệ với đồng nghiệp?”. Lạnh lùng trả lời: "Tuần 2 lần, tuần khỏe có khi 3 lần!”. Thằng già trợn mắt. Chắc nó tiếc cái tuổi thanh xuân.

10h, đọc báo: "Chen lấn lên xe, 2 thanh niên tử nạn".

Nhìn kĩ lại thì đúng cái bến xe buýt hôm qua mình đi, đúng số hiệu xe ấy, đúng 2 cái đứa bị mình ủn xuống lúc xe sau trờ tới. Thật trùng hợp…

12h trưa, cơm. Sao bây giờ cái đéo gì cũng có chất bảo quản. Lẳng lặng gọi về cho bu xin ít rau củ cải thiện: "Bu nhớ gửi cho con cái loại toàn phân tươi í nhé, ăn phân hóa học sợ lắm…”.

Bu già ậm ờ, không biết có nghe rõ không. Thương bu già thắt ruột.

2h chiều, đi họp phụ huynh cho thằng cháu.

Nghe bác Hội trưởng phăm phăm phát biểu: "Tôi đánh giá lớp ta, các cháu trai ai cũng có tinh, ấy là cái tinh thần học tập…” .

Tỉnh dậy nước dãi vòng quanh mép. Lớp chỉ còn lác đác vài người…

5h, tắc đường. Nan hoa cắm đầy vành. Đầu lênh láng tóc.

Đứng im hít khói xe nhám phổi. Lắp cánh bay thì sợ quýnh dây điện chết còn đau đớn gấp bội. Cam chịu cam chịu…

8h, trà đá, thấy 1 thằng choai choai đi xe wave tàu, giật túi của chị lao công rồi phóng vèo qua chỗ mình. Tiện cốc trà đá tạt thẳng vào mặt nó. Thằng choai choai cắm đầu vào cột điện. Mình đứng dậy bỏ đi.

Phần vì ngại lên báo. Phần vì cảm thấy trên đời còn nhiều việc anh hùng hơn thế. Lúc sau chạy ra xem, vẫn thấy chị lao công đứng bải lải: "Thằng khốn nạn nào tạt nước vào mắt con bà….”

10h, giặt quần áo. Nhớ hồi xưa ba hay nói, nếu con chăm chỉ, con sẽ có tất cả.

Đúng là sau này có thật, 2 đôi tất, 1 đôi là tất Cả, to hơn, đôi bé gọi là tất Thứ, để đi luân phiên trong 6 cái mùa đông.

11h, xem tivi. Chẳng hiểu chương trình nói về cái gì.

Chỉ biết mang máng anh Vương nào đấy làm mất nỏ thần của cơ quan, không báo Công an, cũng không kêu Tài vụ xuất tiền mua đền cái khác, lẳng lặng bỏ trốn cùng con gái.

Trộm nghĩ về cái tính vô trách nhiệm của người Việt..

Lại đêm, ném cái dép sang mái nhà hàng xóm, ồn ào, nghe loáng thoáng: "1 giờ rồi mà đéo cho người ta ngủ à?”.

Chỉnh lại đồng hồ rồi thiếp đi lúc nào không hay…

LỜI CẢNH BÁO GỬI ĐẾN 17.000 NHÀ BÁO

Hiệu Minh  - Đưa hối lộ 15 triệu đồng = 750USD có đáng bị 4 năm tù, mặc dù anh tác nghiệp để nhử Công an ăn hối lộ?. Ai cũng biết là vô lý khi so vụ án này với Công an đánh chết người chỉ bị xử 4 năm, cô bé tát Công an bị phạt 9 tháng tù. Và ăn cắp mấy con vịt bị phạt nặng hơn cả tội giết người.

Nhưng ở đây là câu chuyện khác. Chỉ cần điểm những tin tức Việt Nam những tuần qua sẽ hiểu hơn tình thế đáng thương của Hoàng Khương.

Tổng Cua lười viết nên chỉ ghép các tít trên BBC VN thành entry.


Kể từ khi Đảng sẽ ‘phê và tự phê’ trên toàn quốc từ tháng đầu tháng 8 đến nay, Bộ Chính trị hoàn tất tự kiểm điểm, vào ngày 12-8.

Sau đó một tuần 20-8, ‘Bầu Kiên’ bị bắt, tức Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, mạnh thứ 2 ở Việt Nam.

Vụ bắt đã gây chấn động, Việt Nam thêm bất ổn với các vụ bắt giữ, vì Hệ lụy chính trị của việc bắt Bầu Kiên mà Chính quyền phải trấn an vụ bắt giữ Bầu Kiên, thị trường Chứng khoán Việt Nam sụt năm tỷ đôla
Vụ bắt ảnh hưởng lớn tới mức mà chính Thủ tướng lên tiếng sau vụ Bầu Kiên là do ông “chỉ đạo” trong lúc Chủ tịch Sang nêu quyết tâm chỉnh đốn

Ngay sau đó Tổng giám đốc ACB bị bắt càng làm cho tình hình thêm nóng. Blog với những tin thâm cung bí sử đã thu hút hàng trăm ngàn người thăm. Báo  chí Quốc tế coi đây là ‘Biến động chưa từng thấy’

Phó chủ tịch Sacombank Trầm Bê nói với BBC rằng ông ‘không phải nạn nhân duy nhất của tin đồn’ và coi Vụ bắt Bầu Kiên là ‘vấn đề nhạy cảm’

Tiếp theo, Dương Chí Dũng bị bắt ‘ở nước ngoài’ ngày 5-9 tại Campuchia mà các quan chức  tuyên bố Thủ tướng ‘chỉ đạo’ bắt Dương Chí Dũng trong lúc TBT Trọng thừa nhận ‘Có lãnh đạo suy thoái’

Trong lúc rối ren như canh hẹ, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nhận xét Nhóm lợi ích nhân danh ổn định chính trị’ và ông chỉ ra, thất bại Vinashin như “đứa con hoang” và đề nghị sớm chấm dứt việc thí điểm đặt các tập đoàn trực tiếp do Thủ tướng Dũng quản lý.

Đúng lúc Bản Việt xem xét khởi kiện Dragon Capital thì PetroTimes ‘tố’ ông Đặng Thành Tâm và một nhân vật tí hoen Trưởng Văn phòng Công ty đầu tư Sài Gòn ở HN bị an ninh bắt vì “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.

Tin quốc tế đồn đại, VN nhiều dân nghèo gần nhất khu vực và rằng, VN ‘có thể phải nhờ IMF cứu’ dù phía VN bác tin xin cứu trợ.

Trong lúc cả nước đang ngóng tin từ Ba Đình về những thay đổi sau cuộc chính đốn Đảng, từ cao đến thấp, Nhà báo Hoàng Khương bị bốn năm tù, một phóng viên báo Tuổi Trẻ trong vụ án đưa và nhận hối lộ cảnh sát giao thông.

Theo nhận xét của nhiều người thì đây là một tai nạn nghề nghiệp, Hoàng Khương không đáng bị xử nặng như thế.

Tuy vậy, búa tòa đã gõ. Án nặng là cảnh báo từ nhà cầm quyền gửi tới 17 ngàn nhà báo “hiểu” thế nào là chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay.

Người ta nói “không có vùng cấm” là chỉ nói trên miệng cho vui tai. Ý tại ngôn ngoại, là người cầm bút thì phải hiểu ý tứ thâm thúy của câu này. Vụ PMU18 và nhà báo Nguyễn Việt Chiến vào tù thay anh Nguyễn Việt Tiến chưa đủ hay sao.

Để hạ nhiệt tin tức nóng bỏng từ Ba Đình tuồn khắp các hang cùng ngõ hẻm như một thách thức chế độ, từ vỉa hè đến câu lạc bộ các cụ hưu trí Ba Đình hiện, text trên iPhone và hàng ngàn blog khác nhau, để đánh lạc hướng dư luận, thì “con dê tế thần” Hoàng Khương đã đến rất đúng lúc.

Có lẽ người ta cần dân chúng nổi giận về vụ án hơn là để ý vào các vụ bắt giữ mà nhà quan sát nổi tiếng Carl Thayer từ Học Viện Quốc phòng Úc gọi đó là Biên độ cuộc chiến

Một công dăm ba việc, lợi đủ đường. Nhưng rất có thể, nhân tính không bằng trời tính, kiểu quan tòa Kangaroo này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, và lòng tin của dân chúng cạn dần. Dốt nát, dối trá, tham lam và độc ác trong trong thế giới internet này đâu có giấu được.

Chỉ người nghèo là khổ nhất, đất nước không thể tiến lên vì lợi ích gia đình riêng và các nhóm tranh nhau quyền lợi. Đó mới là nỗi lo của gần 90 triệu người Việt.

Thương thay cho Hoàng Khương. Anh không may mắn chút nào, trớ trêu rơi vào bẫy việt vị . Trong tiếng Anh có câu “in the wrong place at the wrong time” mà tôi không có cách nào dịch cho thoát như tình thế của nhà báo kiêm tù nhân hiện nay.

Hiệu Minh Blog mong Hoàng Khương và gia đình vượt qua những ngày khó khăn này.

HM Blog. 7-09-2012

"VỤ ÁN HOÀNG KHƯƠNG" HAY ĐÒN DẰN MẶT SỰ THẬT?..

Đào Tuấn - "Ai sẽ làm hiệp sĩ? Ai sẽ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?" - Đây là câu hỏi, từ ngày hôm nay sẽ không có câu trả lời.

Cuối năm ngoái, sau hàng loạt những quy định, nào là: CSGT không được mang kính đen, không được “anh hùng Núp”... CA TP. Hà Nội đặt ra một quy định nghe rất tức cười: "CSGT không mang theo quá 100 ngàn đồng tiền mặt lúc làm nhiệm vụ". Thậm chí, một lãnh đạo CSGT còn nói: "Trong trường hợp, CSGT muốn mang theo tiền để sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đi xử lí việc cá nhân thì số tiền đó phải niêm phong và có chữ kí của lãnh đạo Đội CSGT"...

Quy định này đã lâu rồi, mà giờ nhắc đến không thể nhịn cười, vì sự ngộ nghĩnh, nhảm nhí và ngớ ngẩn của nó. Liệu cần có một lực lượng “Cảnh sát ví” để thực thi mệnh lệnh này?. Và liệu sẽ phải có thêm quy định “Cảnh sát ví” không mang theo quá 100 ngàn khi kiểm soát ví?.

Hồi HĐND TP. Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 3, Phó Giám đôc CA TP. Hà Nội Lưu Quang Hợi bình luận về tính hiệu quả của “quy định 100 ngàn” này như sau: "Chúng tôi không khám người, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có sự giám sát giữa đồng chí, đồng đội với nhau và có quy trình trong công tác được duyệt qua các Tiểu đội. Chúng tôi theo dõi, nói chung là có hiệu quả, ngăn chặn được nhiều hiện tượng tiêu cực. Chúng tôi chưa thống kê những trường hợp vi phạm nhưng, nói chung là có hiệu quả, chưa có trường hợp nào vi phạm!"...

Câu trả lời đá đấm nhau loạn xạ, quả thực cũng hồn nhiên và hài hước y như quy định 100 ngàn.

Nói đi nói lại, tiêu cực trong lực lượng CSGT bị phát hiện hầu hết là từ báo chí, với “nghiệp vụ” rất đơn giản: Giả người vi phạm đưa tiền. Sau đó đưa lên báo.

Đến hôm qua, không ít các Phóng viên Điều tra đã tái mặt sau khi án văn tuyên ra con số 4 (năm tù) cho Hoàng Khương, một trong vô số các nhà báo, rất đơn giản: “Đưa tiền, sau đó đưa lên báo”.

Vụ án Hoàng Khương, dưới giác độ kinh tế, có thể nói là xoay xung quanh con số 15 triệu đồng.

Cấu thành vật chất của tội nhận hối lộ là (của đưa hối lộ) có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.

Chẳng hạn, nếu Hoàng Khương chỉ đưa 1,9 triệu, thì anh không đến nỗi phải ra tòa.

Nhưng với lạm phát liên tục ở mức 2 con số, 2 triệu đồng giờ chỉ “đủ” cho lỗi đèn đỏ, sai làn, vượt tốc.

Chẳng hạn Hoàng Khương có ý định “cứu xe” vi phạm với chỉ 1,9 triệu, không khéo anh đã bị viên cảnh sát lập biên bản, còng tay ngay lập tức vì tội…đưa hối lộ.

Bởi vậy, 15 triệu là số tiền cần và đủ, theo yêu cầu của viên cảnh sát, để có thể “cứu xe”, và dù không phải tiền túi của Khương, cũng là đắt đối với nhuận bút của hai bài điều tra.

Nhưng cái giá đắt nhất cho 15 triệu và 2 bài điều tra chống tiêu cực mà Hoàng Khương phải trả là một kết cục không thể tồi tệ hơn: Gần 1.500 ngày tù, chính xác là 1460 ngày.

"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Có lẽ nếu được chọn lại, tôi tin Hoàng Khương sẽ không bao giờ chọn làm Phóng viên Điều tra, thậm chí, không bao giờ làm nghề báo.

Cái giá mà Hoàng Khương phải trả cho sự ngây thơ vào “niềm tin công lý” của anh hôm nay, có lẽ cũng là một gáo nước lạnh cho những đồng nghiệp còn mơ ngủ của anh, bởi rất đơn giản là hầu như tất cả các Nhà báo từng điều tra về mãi lộ đều đã “phạm tội”, chỉ là “chưa bị lộ”, bởi ai cũng từng phải “tay phải đưa tiền, tay trái thủ máy ghi âm”.

Không đưa tiền thì làm sao chống được tiêu cực?.

Làm sao trả lời “cơ quan chức năng” câu hỏi to đùng “Bằng chứng đâu?”.

7 năm trước, sau buổi nói chuyện “hậu sự” về vụ PMU18 tại trụ sở Hội Nhà báo, nhất là sau Hội nghị Báo chí toàn quốc ở Quảng Ninh, những Nhà báo điều tra kinh nghiệm nhất, lành nghề nhất, thiện chiến nhất (và có cái mũi thính nhất) ở hầu hết các tòa báo đã “quăng bút”, chuyển mảng công việc.

Có khi chỉ bởi cái giá phải trả là quá đắt, so với đồng tiền cơm áo vẫn lĩnh ở Tòa soạn, hoặc đơn giản hơn, trong khi nhuận bút ngày càng bèo thì tiền tiêu cực, để thực hiện điều tra - ngày càng cao.

Vậy thì ai sẽ làm hiệp sĩ? Ai sẽ ăn "cơm nhà vác tù và hàng tổng"?..

Đây là câu hỏi, từ ngày hôm nay sẽ không có câu trả lời.

Một án văn nhân danh Nhà nước không thể không xem xét đến cái lợi, cái hại. 1.500 ngày tù, về tội đưa hối lộ- cho một Nhà báo điều tra chống tiêu cực, sẽ được cái lợi gì?..

Cái lợi, thực ra là rất khó nhìn thấy, trừ phi sự trả đũa, đòn dằn mặt sự thật và những ai có ý định công bố sự thật- cũng “Nhân danh Nước Cộng hòa”- được coi là một cái lợi.
------------------------------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại.

7 tháng 9, 2012

HẬU VỤ XỬ PV HOÀNG KHƯƠNG: MẤT MÁT VÀ ĐỔ VỠ

Sự đổ vỡ của những thứ to lớn - thành trì, hầu hết đều bắt nguồn từ những sự việc - hình ảnh nhỏ nhoi, giản đơn như thế này. Khái niệm "niềm tin và hy vọng", từ những năm chiến tranh, mà mình dễ gặp lại nhất khi xem lại những hình ảnh tư liệu trong video clip bài hát "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng", vốn đã đổ vỡ, chỉ còn chút móng lung lay, hôm nay cũng sụp xuống, cùng sự thất vọng chảy tràn trên gò má nhăn nheo của người Cha đã sinh ra đồng nghiệp. "Ác độc và không có tính người!" - Ai đó nó vậy hơi quá, nhưng quả thật dửng dưng dìm con người ta vào con số 4, mặc cho người mẹ đang hấp hối trong Bệnh viện, Cha già yếu và vợ con bệnh tật - nhỏ nhoi... thì chỉ ngày hôm nay, người ta mới gặp được, trên đất nước này. Bảo vệ và xây dựng chính thể - chế độ không chỉ đơn thuần là việc xếp gạch xây nhà, trộn xi măng trát vữa, mà quan trọng hơn cả là niềm tin - sự đồng thuận, góp sức từ trong tinh thần, tâm tưởng cho sự tồn tại, đứng vững của mọi quyết sách - cách hành xử. Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất, những người cầm bút hay được gán là "chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa - tư tưởng" nhất, thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên, không thể chối cãi... Giữ gìn chế độ - chính thể, không thể bằng những cách phi lý và độc ác, như thế này!.

NẰM TAY ẤM LÊN BIÊN GIỚI CAO BẰNG...

Từ những năm bắt đầu cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược 2/1979, mình đã thuộc bài "Khi trở lại Cao Bằng" của Nhạc sĩ Tân Huyền, với những lời hát đẹp như trong tranh vẽ: "Khi trở lại Cao Bằng con đường tươi màu nắng/ Tiếng chim hót trên cao giữa rừng già im vắng/ Khi trở lại Cao Bằng làng bản mờ trong sương/ Vẫn ngọt ngào tiếng hát của người đi làm nương/ Ơi Cao Bằng yêu thương"...

Cao Bằng biên cương không chỉ là bản làng, rừng núi mà còn in dấu những gương mặt bộ đội: "Ra biên giới tiền tiêu càng yêu đời chiến sĩ/ Bao tháng ngày không nghỉ/ Bảo vệ đất quê hương/ Giữ Cao bằng yêu thương", trước những mưu đồ - toan tính cướp đất, phá làng bản của quân xâm lược.

Thế nhưng, thân thương nhất là hình ảnh: "Khi trở lại Cao Bằng bỗng gặp mùa xuân sang/ Nhánh đào hồng giữa chốt, đồng đội vui cười vang" ở vùng trời biên cương, bao năm rồi tưởng như yên bình, nhưng thực ra chưa có 1 ngày bình yên.
Bao năm rồi dưới miền xuôi, khái niệm "chiến hào, điểm chốt" đã bị lãng quên. Có mong manh nhớ lại, cũng chỉ trong ký ức của những cựu chiến binh một thời lửa đạn.

Thế nhưng trên dọc dải biên giới Cao Bằng (nơi mà khi đánh giá... thế mạnh, người ta đành thở dài: "Tiềm năng... cột mốc"), vẫn còn vẹn nguyên những điểm chốt Biên phòng bao nhiêu năm nay, đứng đó giữ mốc - giữ đất, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn cho hậu phương phía sau mình được bình yên, vui vầy trong nhung lụa và ánh sáng...

Tháng 9 này, trở lại miền biên giới Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng), bên cạnh những người bạn miền nước miền xuôi, trong Nam ngoài Bắc, trong nước ngoài nước... hầu hết mới chỉ biết đến Cao Bằng quan sách báo, thơ ca nhưng đã hội tụ lại với nhau thành nhóm "GÓP LẠT BUỘC PHÊN DẬU CAO BẰNG", góp từng đồng bạc, gói hàng để có những món quà dành cho hơn 800 đứa trẻ con lít nhít đang sống - học tập bên cột mốc và sau này lớn lên, lại gồng lưng lên bảo vệ cột mốc... cứ thấy quấn quýt trong đầu lời hát về biên cương - người lính: "Một vùng trời biên cương/ Đang nâng bước đoàn quân của Binh đoàn Pác Bó/ Trong ánh điện soi tỏ càng nặng nghĩa quân dân/ Ơi Binh đoàn yêu thương/ Ơi Cao Bằng yêu thương"...

Một tấm áo, một chiếc cặp sách, cuốn vở, cây bút, cân gạo, chai mắm, gói muối... không thể san bớt những vất vả, nhọc nhằn trên vai các em, trên lưng những người lính Biên phòng. Chỉ mong đó là cái nắm tay, ánh mắt động viên - khích lệ của người hậu phương với người nơi tiền tuyến, để cùng giữ canh biên giới, cương vực quốc gia, bao máu xương cha ông đã đổ.

Và cuối tháng 9 này, chúng mình lại lên biên giới Cao Bằng!..

Xin tìm hiểu về Chương trình tại các bài viết trước: PHÊN DẬU CAO BẰNGGÓP DÂY LẠT, BUỘC "PHÊN DẬU CAO BẰNG"
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CHƯƠNG TRÌNH GIÚP ĐỠ HỌC SINH XÃ XUÂN TRƯỜNG, BẢO LẠC, CAO BẰNG

A. KHÁI QUÁT TRƯỜNG – LỚP – HỌC SINH
I. MẦM NON - MẪU GIÁO.
Tổng số 247 hs, học ở 1 điểm Trường chính và 12 điểm Trường nằm tại các Thôn bản, cụ thể:

- 3 tuổi: 66 hs (30 nữ, 20 nam)
- 4 tuổi: 80 hs (34 nữ, 46 nam)
- 5 tuổi: 101 hs (51 nữ, 50 nam).
II. TIỂU HỌC
Tổng số 2 trường, 426 học sinh

TRƯỜNG TIỂU HỌC XÃ XUÂN TRƯỜNG
Tổng số 216 hs ở 01 điểm Trường chính và 5 điểm thôn bản).

- Lớp 1: 6 lớp - 46 hs (22 nữ, 24 nam)
- Lớp 2: 6 lớp – 34 hs (25 nữ, 9 nam)
- Lớp 3: 6 lớp – 46 hs (20 nữ, 26 nam)
- Lớp 4: 6 lớp – 45 hs (17 nữ, 28 nam)
- Lớp 5: 5 lớp – 45 hs (20 nữ, 25 nam).

TRƯỜNG TIỂU HỌC CAO BẮC
Tổng số 210 hs

- Lớp 1: 5 lớp – 42 hs (23 nữ, 19 nam)
- Lớp 2: 5 lớp – 49 hs (27 nữ, 22 nam)
- Lớp 3: 6 lớp – 45 hs (19 nữ, 26 nam)
- Lớp 4: 5 lớp – 45 hs (16 nữ, 26 nam)
- Lớp 5: 4 lớp – 29 hs (11 nữ, 18 nam).

III. TRUNG HỌC CƠ SỞ
Tổng số 167 hs

- Lớp 6: 50 hs (25 nữ, 25 nam)
- Lớp 7: 40 hs (20 nữ, 20 nam)
- Lớp 8: 37 hs (15 nữ, 22 nam)
- Lớp 9: 40 hs (20 nữ, 20 nam).

B. DỰ KIẾN HÀNG CHO CÁC TRƯỜNG – CẤP HỌC
I/ MẦM NON
1/ Áo rét: 247 chiếc. Cty Cổ phần Rượu bia Nước Giải khát Aroma (Hưng Yên) giúp đỡ.

2/ Chăn bông: 30 chiếc; chiếu cói: 30 chiếc (chia đều 13 điểm Trường, phục vụ việc ngủ trưa của các cháu).

3/ Mũ len: 247 chiếc.

4/ Các vật dụng phục vụ sinh hoạt - bữa ăn trưa: 100 kg gạo, nước mắm, muối tinh, mì tôm, bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi...
 II/ TIỂU HỌC
1/ Đủ 426 cặp sách (01 chiếc/hs): Cân đối tiền, tìm nguồn mua ưu đãi
2/ Đủ 2.130 cuốn vở (05 cuốn/hs): Cân đối tiền, tìm nguồn mua ưu đãi
3/ Các phần bánh kẹo, kem đánh răng, bút mực - chì cho học sinh

III/ TRUNG HỌC CƠ SỞ
1/ 167 đôi giầy (ủng) chống rét (01 đôi/hs): Cân đối tiền, tìm nguồn mua ưu đãi
2/ 835 cuốn vở (05 cuốn/hs): Cân đối tiền, tìm nguồn mua ưu đãi
3/ Các phần bánh kẹo, kem đánh răng, bút mực viết - bút chì...
4/ Công ty Cổ phần Lý Sơn (Quảng Ngãi) tặng 10 kg cá cơm khô cho học sinh nội trú. Các thực phẩm còn lại (dầu ăn, bột canh, mì tôm, nước mắm), chia cho các bếp nội trú.

ĐỒN BIÊN PHÒNG XUÂN TRƯỜNG (ĐỒN 147, BĐBP CAO BẰNG)
1/ Đầu đĩa VCD-DVD-Karaoke mới: Bạn Phú, Cửa hàng Kinh doanh Điện tử ủng hộ
2/ Ampli phục vụ tuyên truyền chủ quyền, hội họp: Cân đối, mua tặng.
3/ Bộ máy tính (đã qua sử dụng): Anh Xuyên và lớp Cao học QTKD ủng hộ.
4/ Máy in: Cân đối, mua tặng

CÁC VẬT DỤNG KHÁC
1/ Quần áo cũ (chỉ nhận và chuyển lên những quần áo trẻ em, quần áo người lớn mặc mùa đông được giặt ủi, là phẳng): Các điểm Trường và Đồn Biên phòng, làm hàng dự trữ, sử dụng khi mùa đông lạnh, học sinh đến Trường không có đồ ấm.
2/ Đầu đĩa VCD-DVD: Điểm Trường chính, phục vụ việc chào cờ, sinh hoạt Đội và các Tổ Công tác Biên phòng nằm trên cột mốc
3/ Sách truyện: Thư viện tại các điểm Trường và Đồn Biên phòng.

C/ CẬP NHẬT ỦNG HỘ CHO TRẺ EM XÃ BIÊN GIỚI XUÂN TRƯỜNG, BẢO LẠC, CAO BẰNG

1/ anh Lê Việt Đức, chị Trần Thị Thu Hằng (Thụy Sỹ): 5.000.000 VND.

2/ anh Hoài Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa): 8 thúng nước mắm nhĩ cá cơm (loại 0,5 lít/chai) = 48 chai.

3/ anh Nguyễn Văn Hải (Học viện Biên phòng, Sơn Tây): 30 chăn bông, 30 chiếc chiếu.

4/ Chiều 24/3/2012: Nhận 30 thùng Mì tôm Gấu Đỏ (30 gói/thùng = 900 gói), do bạn Đức Anh huy động sự giúp đỡ của Siêu thị Số 2, Triều Khúc (Thanh Xuân, TP. Hà Nội).

5/ Chiều 2/9/2012: Nhận 100 kg gạo của bạn Phạm Huyền (http://www.facebook.com/huyennga172) và Miu Qoat (http://www.facebook.com/miu.qoat) ủng hộ.

6/ Chiều 5/9: Nhận 584 hộp kem đánh răng và 400 phần bánh kẹo do bạn Đức Anh huy động từ hệ thống Siêu thị T – Mart (Khu Đô thị Đại Từ, Linh Đàm, Hà Nội).

7/ Ngày 7/9: Nhận 20 kg cá cơm khô do Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn (Quảng Ngãi) gửi.

8/ Tối 7/9, bạn Hà Phương (http://www.facebook.com/phuong.h.anh.9), Báo Bảo hiểm xã hội, ủng hộ 1.000.000
9/ Bạn Vân SK (http://www.facebook.com/van.sk.5) cùng các bạn công tác tại Báo Sức khỏe Đời sống: 4.500.000
5/ Bạn Miu Qoat (http://www.facebook.com/miu.qoat): 1.000.000

CHI TIẾT SỐ TIỀN ỦNG HỘ QUA TÀI KHOẢN, TỪ 30/8-7/9/2012
 
07/09/2012VNCK - 0031510+1,000,000.00 IBVCB.0709120193531001.Can bo ngan hang phat trien viet nam VDB ung ho tre em Xuan Truong - Cao bang
07/09/20121426 - 0000030+4,000,000.00 NGUYEN THI KIM YEN - CTY KHONG GIAN DEP UNG HO TRE EM XUAN TRUONG CAO BANG GD TIEN MAT
06/09/2012VNCK - 0011228+500,000.00 IBVCB.0609120763013001.Quynh Anh ( Ban Tran Viet Phuong) ung ho tre em Xuan Truong -Cao Bang
 





30/08/2012V412 - 0000041+500,000.00 VU THI THANH HAU NT UNG HO TRE EM XUAN TRUONG CAO BANG GD TIEN MAT
30/08/2012VNCK - 0068708+2,000,000.00 IBVCB.3008120527667001.Ung ho tre em Xuan Truong-Cao Bang





CHI TIẾT SỐ TIỀN ỦNG HỘ QUA TÀI KHOẢN, TỪ NGÀY 24-30/8/2012

29/08/2012VNCK - 0052078+500,000.00 IBVCB.2908120555575004.Nguyen Thu Ha ung ho tre em Xuan Truong Cao Bang
29/08/2012J633 - 0007133+300,000.00 Sender:01307001.DD:290812.SHGD:10000173.BO: TRUONG NGOC VINH.IBUNG HO TRE EM XUAN TRUONG, CAO BANG.
29/08/2012J633 - 0006748+500,000.00 Sender:01204011.DD:290812.SHGD:10000049.BO: VU DANG THUAN.THUAN VU BAC LIEU UNG HO TRE EM NGH EO VUNG BIEN GIOI CAO BANG
28/08/2012VNCK - 0018365+300,000.00 IBVCB.2808120647437001.Huyen, Huong (ban Ga Xinh) ung ho tre em Xuan Truong, Cao Bang
27/08/2012J633 - 0006813+1,000,000.00 Sender:01307001.DD:270812.SHGD:10000040.BO: DO THI NGOC. UNG HO TRE EM XUAN TRUONG, CAO BANG
27/08/2012VNCK - 0087219+500,000.00 IBVCB.2708120173231002.Ung ho tre em Xuan Truong, Cao Bang
27/08/20125978 - 0006620+300,000.00 FTF.CN:9704366801002089016.FrAcc:0081000216170 .ToAcc:0011002663078

CHI TIẾT SỐ TIỀN ỦNG HỘ QUA TÀI KHOẢN VCB, TỪ NGÀY 7-24/8/2012

Ngày giao dịchSố tham chiếuTrạng thái (+/-)Số tiềnMô tả
23/08/20124640 - 0006624+300,000.00 /Ref:P436770{//}/Ref:P436770{//}Ung ho tre em Xuan Truong, Cao Bang D.Vi CHUYEN:NGUYEN THI LAN HUONG
23/08/2012L267 - 0000044+2,000,000.00 MAI HOA ODAKA UNG HO TRE EM SAN TRUONG CAO BANG
22/08/2012G838 - 0000142+1,000,000.00 VU THI NHUAN-UNG HO TRE EM XUAN TRUONG-CAO BANG GD TIEN MAT
21/08/20125060 - 0000023+300,000.00 TRAN THUONG UYEN - UNG HO TRE EM XUAN TRUONG CAO BANG GD TIEN MAT
21/08/2012VNCK - 0070625+500,000.00 IBVCB.2008120016205001.Ung ho tre em Cao bang
21/08/20129569 - 0000049+1,000,000.00 vu thi thanh lanh cong doan ngan hang vn ung ho tre em xuan truong tinh cao bang GD TIEN MAT
21/08/2012X998 - 0000073+2,000,000.00 PHAM VAN CUONG NT//NHO A.HAI CHUYEN GUI GIUP "TRE EM XUAN TRUONG-CAO BANG" GD TIEN MAT
20/08/2012J633 - 0011545+250,000.00 Sender:01201005.DD:200812.SHGD:10000257.BO: PHAM THI HUONG.DAO MAI PHUONG GUI EM XUAN TRU ONG SGD VCB
20/08/20123832 - 0006291+500,000.00 FTF.CN:9704366800625785018.FrAcc:0011000680799 .ToAcc:0011002663078
07/08/2012VNCK - 0001177+1,000,000.00 IBVCB.0608121035583002.Ung ho hoc sinh bien gioi Cao Bang

6 tháng 9, 2012

NỤ CƯỜI HOÀNG KHƯƠNG!...

Chùng lòng xuống khi thấy gương mặt đồng nghiệp giữa đầm đậm màu áo Cảnh sát - An ninh. Nhưng không hiểu sao rất lạ là mình không thấy buồn, không thấy sợ, không thấy chán ngán, khi bắt gặp nụ cười của đồng nghiệp, giữa cái chốn đậm đặc mùi lao tù, chết chóc và toàn màu áo - gương mặt đầm đậm, đăm đăm ấy. Cố gắng lên, Khương nhé!.. Cái nghiệp chữ nghĩa trong thời buổi này, không dễ được yên lành. Nhưng đó là cái nghề, đã ăn sâu vào trong mỗi giọt máu - thớ thịt nên khó mà chối bỏ hoặc ngoan ngoãn phụ bạc lại nghề được. Mình cùng tin vào những điều thành thật, công bằng và sáng sủa hơn, ở tương lai xa gần, Khương nhé!..
Xem Tường thuật phiên tòa trên Tuổi trẻ: Ở đây



VIẾT CHO CON NGÀY VÀO LỚP 1

Võ Nhật Thủ - Ba viết những dòng này trong tâm trạng “mơn man của buổi tựu trường", không phải của ba mà là của con, bởi hôm nay là ngày đầu tiên con vào lớp 1

Đường đến trường sáng nay đông quá, nào người, nào xe qua lại như nêm vì có bao người cũng giống như ba: Lần đầu tiên đưa con mình đến lớp.

Ngôi trường này bao lần ba chở con ngang qua và nói rằng, đó là nơi con sẽ học. Hôm nay con đã thực sự bước vào.

Sân trường dưới bóng cây xanh, hình như vui hơn bởi bao anh chị lớp trước, sau 3 tháng hè họ được gặp lại nhau nên cứ tíu tít nói cười, nhưng với con lại ngỡ ngàng, xa lạ.

Chiếc cặp trên hai vai con hình như trĩu nặng.

Ba nắm tay con, mong chút hơi ấm của tình thương sẽ cho con vững tin hơn, trong những bước chập chững đầu tiên của tuổi học trò.

Cô giáo cười chào ba rồi âu yếm nắm tay dẫn con vào lớp học. Ba mỉm cười nhìn con đưa tay tạm biệt. Con chỉ khẽ gật đầu, nhưng trong ánh mắt con có thoáng chút buồn.

Ừ, con như vậy là hơn ba rồi!. Ngày xưa, cũng tuổi con bây giờ, ông nội dắt tay ba đến lớp vỡ lòng.

Thầy giáo già đưa ba vào lớp ngồi gần cửa sổ. Nội nói gì đó với thầy hình như là những lời gửi gắm.

Nội đến cửa sổ nhìn ba rồi nói ”Thôi ở đó mà học nghe con!” Nội khẽ xoa đầu ba rồi tạm biệt.

Lúc ấy ba muốn khóc òa, muốn chạy theo nội nhưng không hiểu sao có cái gì đó níu chân ba lại. Tâm trạng ba lúc đó buồn, thật buồn…

Ừ!. Cái cảm giác của ngày đầu tiên đến lớp ấy vẫn cứ mãi theo ba đến suốt cuộc đời.

Con đã bỏ lại sau lưng những 5 năm mẫu giáo, những gấu Misa, những trò chơi có cả tiếng khóc, tiếng cười. Con đã là cô bé tiểu học rồi đó!.

Con sẽ được học, được vui trong một môi trường mới. Tiếng học vần ê a của con và bạn bè, rồi sẽ là lời đồng dao chắp cánh cho con bay vào khung trời mới: Tuổi thơ trong tuổi học trò.

Con của ba, dễ thương và ham học. Đôi mắt tròn to sẽ còn nhiều câu hỏi cho ba, cho thầy cô vì những điều con muốn biết.

Kiến thức từng ngày, từng ngày ở trường sẽ giúp con giải được những câu hỏi “hóc búa” mà nhiều lần ba vẫn còn cứ nợ con bằng chỉ một câu trả lời: "Chuyện này con còn nhỏ chưa hiểu được đâu! Lớn rồi con sẽ biết".

Thế giới học đường sẽ mở cho con những điều mới lạ con sẽ hiểu rằng những gì mình biết, những gì mình có thật hạn hữu biết bao!.

Con sẽ có niềm say mê khi chinh phục được những bài toán khó. Kiến thức địa lý từ lời giảng của thầy cô đưa con về với những vùng đất xa xôi.

Rồi con sẽ như ba, có lúc lặng im nuốt từng lời thầy về những trang lịch sử có lúc bi thương, có khi hào hùng của dân tộc.

Lúc đó con sẽ hiểu rằng tại sao thế hệ ba, phải cứ đau đáu vì niềm đau Biển Đảo.

Quê hương sẽ tượng hình trong con từ những lời ru, bằng những câu ca dao con đã học, để một ngày kia con có đi xa, hình ảnh quê hương cứ thấp thoáng trong con bằng những cánh cò…..

Ba sẽ là người bạn bên con. Học cùng con, vui cùng con. Sẽ chỉ cho con những điều ba biết, sẽ giúp con tìm ra phương pháp nào là hữu hiệu nhất để cùng con khám phá kho tàng kiến thức bao la của nhân loại.

Ba sẽ không ngại chỉ cho con những thất bại của chính cuộc đời mình. Vâng!. Ba sẽ dạy lại thất bại của cuộc đời ba, để bước chân con không bao giờ dẫm lại.
Nói vậy chứ ba không “bắt” con phải học. Con hãy cứ vui, cứ chơi. Ba không muốn tuổi thơ của con bị đánh mất.

Ba đã có tuổi thơ đáng nhớ. Tuổi thơ của ba ngày đó là những trò nghịch ngợm bắn chim, hái trái…, là những cánh diều bay cao cùng với đám bạn chăn trâu trên cánh đồng quê nội.

Ba học ít, chơi nhiều nên đến lớp cứ nơm nớp sợ thầy vì không thuộc bài, không làm được bài tập.

Ừ!. Tuổi thơ trong ba ngập tràn niềm vui, không bị ai đánh cắp, nhưng cũng có chút hối hận vì những mảng tối riêng mình.

Lớp 1, lớp 2…cho mãi đến những năm cuối của tuổi học trò, con hãy cứ vui, cứ chơi,  chơi vô tư và học trung thực nhưng hết mình.

Mỗi điểm 9, điểm 10 của con sẽ là niềm vui của ba. Nhưng ba sẽ buồn nếu những điểm ấy của con giống như ba ngày nào, vì có được từ sự lọc lừa hoặc do sự dễ dãi, dung túng của thầy cô.

Điều ba sợ không phải là thành tích học của con bị ảnh hưởng bởi những vui chơi của tuổi trẻ, mà điều ba sợ nhất là việc học của con biến thành con quay, trong những trò chơi gian lận của người lớn.

Ba sợ một ngày kia con về trút hết bực dọc ở trường vào ba bằng những câu hỏi:

- Tại sao con phải học điều này? Tại sao nhà trường bắt chúng con phải vậy?..

Những câu hỏi kiểu này đã xoáy trong ba và trong bao thế hệ kế tiếp.

Nó đớn đau chỉ vì sự chạy đua thành tích, có khi cả đồng tiền nữa đã và đang lăn tròn trên lương tâm của người làm Giáo dục. Ai đã và sẽ trả lời hả con?.

Dù câu trả lời đơn giản và rất thật. Nếu thế hệ con còn những câu hỏi đó, thì trong ba sẽ buồn biết bao!..

Con của ba sẽ học giỏi mà!. Ba tin điều đó. Chặng đường 12 năm sẽ không dài với cuộc đời đâu con!.

Ba không mong con kết thúc “cuộc đua” bằng vòng nguyệt quế, mà chỉ mong con nâng niu, trân trọng điều hay, lẽ phải.

Những kiến thức từ thầy cô, từ nhà trường con tích lũy từng năm, từng chặng ở năm tháng học trò mới chính là hành trang quý nhất để con vững chân bước tiếp vào đời.

Ô!. Ba viết mông lung quá!. Dẫu sao con cũng mới chỉ lớp 1 mà!. Sao ba viết cho con có cả chuyện người lớn?.

Những chuyện này con còn quá nhỏ, đừng đọc, dù biết rằng hôm nay con đủ sức đọc rồi, vì từ hồi Mẫu giáo cách đây 1 năm con đã đọc thông, viết thạo. Ba sẽ để dành đây cho con, một ngày kia, khi đủ lớn con sẽ đọc.

Câu chữ ba viết có lẽ không hay nhưng chắc sẽ gợi lại cho con chút kỷ niệm bâng khuâng, của ngày ba đưa con vào lớp 1.
-------------------------------------------
* Bài viết: Võ Nhật Thủ Blog.
* Hình ảnh minh họa: Mai Thanh Hải Blog

SAO KHÔNG TRẢ LẠI “CHÚ HẢI QUÂN” CHO CÁC EM?

NCTG - Một bài thơ viết về người lính Hải quân của nữ sĩ Vân Đài khá hay, ngắn và dễ thuộc.

Nhưng sau mấy lần thay đổi nội dung sách giáo khoa, cho học sinh thì bỗng dưng “biến” mất và chìm vào quên lãng…

Năm nay cháu tôi lên lớp Hai. Trước ngày khai giảng một tuần, chị gái tôi đã sắm cho cháu đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập cho năm học mới.

Cầm cuốn sách “Tiếng Việt” (Tập 1, Lớp 2, NXB Giáo Dục) mới tinh vừa mới được mẹ bọc bìa cho, cháu đem ra khoe với tôi.

Cháu tôi hồn nhiên giở sách ra và đọc cho tôi nghe một số bài thơ trong sách.

Thực ra cũng lâu rồi, tôi cũng không có dịp xem lại sách “Tiếng Việt” của học sinh lớp Hai hiện nay, sau mấy lần cải cách nghe đâu nội dung cũng đã thay đổi nhiều.

Nhớ hồi xưa khi còn đi học, trong sách “Tập đọc lớp Hai” (tức sách “Tiếng Việt” bây giờ) có mấy bài thơ khá hay mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

Trong đó có bài thơ “Chú Hải quân” của nữ sĩ Vân Đài. Toàn bộ bài thơ chỉ vỏn vẹn có 12 câu, viết bằng thể thơ 5 chữ nên rất dễ thuộc:

CHÚ HẢI QUÂN

Đứng canh ngày canh đêm
Ngoài xa vời hải đảo
Kìa bóng chú Hải quân
Dưới trời xanh trứng sáo.

Mặc nắng mưa gió bão
Cây súng chú chắc tay
Quân thù mà ló mặt
Biển lớn sẽ vùi thây.

Em mong ngày khôn lớn
Sẽ vượt sóng ra khơi
Cũng cầm chắc cây súng
Giữ lấy biển lấy trời.


Vào những năm 1993-1994, bài thơ này được in trong sách “Tập đọc lớp Hai” (Tập 2, NXB Giáo dục). Tuy nhiên, khi tôi tìm trong sách “Tiếng Việt” lớp 2 của cháu tôi (cả tập 1 lẫn tập 2) thì không thấy có bài thơ này.

Thấy tôi thắc mắc, chị tôi (cũng là Giáo viên dạy Tiểu học) bảo: “Bài thơ này bỏ từ lâu rồi, em tìm làm gì cho mất công. Hai mươi năm qua, biết bao nhiêu lần thay đổi nội dung sách giáo khoa rồi còn gì!”.

Tôi tiếc rẻ: “Biết thế, nhưng bài thơ hay thế sao lại bỏ nhỉ?”. Chị tôi thở dài: “Cái này thì phải hỏi mấy nhà biên soạn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục ấy. Rất nhiều bài hay nhưng lại bị bỏ!”.

Cháu tôi ngồi nghe mẹ và cậu nói chuyện, mắt ngơ ngác, hỏi: “Cậu ơi, thế bài thơ ấy như thế nào ạ?”. Tôi đọc lại cho cháu nghe. Cháu tôi reo lên: “Bài thơ hay quá” rồi nằng nặc đòi tôi chép ra giấy cho bằng được.

Đến tối, cháu tôi khoe: “Cậu ơi, cháu đã thuộc bài thơ rồi đấy”. Tôi không tin, bèn bảo cháu đọc cho cả nhà nghe.

Cháu tôi đọc lại, không thiếu một từ. Tôi thầm nghĩ trí nhớ của trẻ em bây giờ thật là tài tình.


Đọc xong cháu tôi hỏi: “Cậu ơi thế chú Hải quân là gì? Chú Hải quân thì ở đâu? Cháu có làm chú Hải quân được không?”, v.v...

Trước những câu hỏi dồn dập của cháu tôi buộc phải giải thích lần lượt từng thứ một. Cháu tôi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng có đôi chỗ chưa hiểu lại đòi tôi giải thích tiếp.

Nhìn đôi mắt ngây thơ của cháu, tôi không hiểu những lời giải thích của mình cháu tôi có hiểu được hết hay không, nhưng tôi tin chắc rằng trong suy nghĩ của trẻ thơ của cháu đã bắt đầu hình thành nên những khái niệm: “Chú Hải quân” là gì, biển đảo là gì? Nước ta có những quần đảo nào, tên là gì?...

Cuối cùng cháu tôi hỏi: “Sao không trả lại “Chú Hải quân” cho chúng cháu?”. Tôi lặng im, chẳng biết nên giải thích thế nào để cháu tôi hiểu.

Tiếc thay, bài thơ nói trên đã bị bỏ ra khỏi chương trình sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường từ rất lâu rồi.

Không chỉ cháu tôi mà còn biết bao nhiêu thế hệ học sinh nữa, các em không được học, không được biết đến một bài thơ viết về người lính Hải quân, về tình yêu biển đảo quê hương rất đỗi giản dị nhưng cũng đầy thiêng liêng như thế.

Giờ đây, khi cầm cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt lớp Hai” mới tinh trên tay không hiểu sao tôi cứ thấy tiêng tiếc và ngậm ngùi…

Lâu nay chúng ta vẫn thường hay nói: giáo dục lòng yêu nước, lòng yêu biển đảo cũng như tuyên truyền, cung cấp cho các em học sinh, những kiến thức cơ bản nhất về biển đảo, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, là rất quan trọng và cần thiết trong lúc này.

Nhưng phổ biến kiến thức về biển đảo, khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh như thế nào lại là chuyện khác, đâu cứ nhất thiết phải là những thứ gì to tát và tốn kém cỡ như những “dự án nghìn tỷ”... mà nó phải bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất, căn bản nhất.

Hoàng Sơn (từ Hà Nội).

3 tháng 9, 2012

NGƯỜI HMÔNG KHÔNG CHỈ BIẾT ĐÁNH TRỐNG ĐỒNG

"Nghe nói, hầu như người dân H’Mông nào ở Lũng Cú cũng đều biết đánh trống đồng. Nhưng không chỉ biết đánh trống đồng, người H’Mông - những con người tự do như gió và bất khuất như đá mà tôi vô cùng kính phục - còn có biệt tài đánh giặc xâm lăng. Tôi đã gặp và nghe ở bản nhỏ ấy, trong bữa trưa mèng méng ấy câu chuyện về người dân bản này đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc vào năm 1984" - Mình đã rất sững sờ khi đọc được những dòng này trên Báo Thanh niên số ra ngày Tết Độc lập 2-9 ngay tại nhà của tác giả: Nhà thơ Thanh Thảo.

Sự sững sờ này không nằm trong nội dung bài viết (bởi những câu chữ mà Nhà thơ - Nhà báo Thanh Thảo viết ra từ bao năm nay đã quá xúc động rồi), mà ở sự... "mạnh dạn" của Báo, đã thẳng tay "vạch mặt chỉ tên" rất cụ thể: "người dân bản này đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc vào năm 1984...".

Dường như đã đến lúc, những sự thật bị giấu kín nhiều năm được bóc ra, trả lại đúng cho lịch sử và điều này, khiến mỗi con người Việt vơi bớt nỗi lo lắng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ở ngay trong lòng.

Xin trận trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Thanh Thảo trên Báo Thanh niên
--------------------------------------------------------------------------------------
Trong gió, trong mưa, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng vẫn bay phần phật. Giây phút ấy, cứ như cả Tổ quốc đang sừng sững trong tâm hồn mỗi chúng tôi...

Tôi rất ấn tượng một đoạn văn trong bút ký Trở lại Mèo Vạc của nhà văn Nguyên Ngọc viết năm 1991: “... Rất đột ngột, bỗng thấy mình đã đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt, sắc lẹm, nham nhở, lở lói, khô cằn, khắc nghiệt... Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác. Cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc đấy.”

Tôi chỉ muốn nói thêm vào đoạn văn đã rất hay này của anh Nguyên Ngọc: còn, còn những nương ngô xanh ngắt mọc trùm lên những mặt núi đá khắc khổ.

Còn, còn cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang trên đỉnh ngọn núi Rồng cao 1.700 m so với mặt nước biển, cột cờ trấn giữ điểm cực Bắc của Tổ quốc chúng ta.

Người ta nói, nếu hình dung đường biên giới Việt-Trung như một chóp nón, thì hai điểm thấp nhất nằm ở A-pa-chải (Điện Biên), Sa Vĩ (Móng Cái), còn chóp là Lũng Cú. Và, tâm đỉnh của Lũng Cú chính là ngọn núi Rồng.

Cuối tháng 7/2012, khi tôi lên đây, cao nguyên đá Đồng Văn đã vào mùa mưa.

Từ thị trấn Đồng Văn đi Lũng Cú chỉ khoảng 30 km, nhưng do đường quanh quất cua tay áo, và buổi sáng xe toàn chạy trong mây hay sa mù, nên chúng tôi phải đi mất hơn giờ đồng hồ mới tới.

Lúc chúng tôi dừng ở chân núi Rồng, trời nắng đẹp. Nhưng chỉ khoảng 5 phút sau, khi chúng tôi bắt đầu leo 389 bậc dẫn lên đỉnh núi nơi dựng cột cờ, trời đột ngột đổ mưa lớn. Mưa nắng thất thường có lẽ là một đặc điểm của vùng chót đỉnh cực Bắc này chăng? Không ai trong đoàn dừng lại hay bỏ cuộc. Chúng tôi đội mưa leo qua 389 bậc dẫn tới đỉnh núi.

Tại sao có con số 389 bậc?

Tối hôm trước, chúng tôi đã ngủ lại một đêm với các chiến sĩ Huyện đội Đồng Văn, chuyện trò rất khuya với đại tá Lê Trân - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện. Anh Lê Trân mới “bật mí”, chính anh là tác giả của con số 389 bậc đá này: “Thông thường, khi tính con số đẹp, người ta hay chọn “9 nút”. Riêng tôi lại nghĩ: nhất chín, nhì bù. Đã đành, số 9 là con số đẹp nhất, nhưng số 10 lại tính thêm được phần “bù” của những người lính bảo vệ biên cương chúng tôi. Khi cầm súng ở địa đầu Tổ quốc này, chúng tôi nghĩ cả đất nước luôn đứng đằng sau mình, luôn “bù” cho mình tất cả những tình cảm thiết tha yêu mến nhất. Cột cờ Lũng Cú tượng trưng cho ý chí và sự kiên định bảo vệ từng tấc đất từng mỏm đá của Tổ quốc, đó cũng là khát vọng của những người lính biên cương chúng tôi. Vì thế, tôi đề nghị với ban xây dựng Cột Cờ nên chọn con số 389 (bậc), một con số “tiến” và nếu cộng lại thì “tròn 10”. Đó là con số cuối cùng, tột đỉnh, như một lời thề”.

Khi đã đọc xong “lời thề” 389 bậc, và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, chúng tôi đã lên tới đỉnh Lũng Cú. Gió ào ạt. Mưa quất xối xả. Nhưng trong gió, trong mưa, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng có diện tích 54 m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam - được cắm trên cán cờ cao 13 m vẫn bay phần phật. Giây phút ấy, cả đoàn chúng tôi như ngập trong một trạng thái đặc biệt: cứ như cả Tổ quốc đang sừng sững trong gió trong mưa, đang sừng sững trong tâm hồn mình. Lá cờ thiêng vẫn tung bay phần phật, bất chấp thời tiết. Đó thực sự là một biểu tượng cho nước non mình, dù chịu bao khắc nghiệt đắng cay vẫn ngẩng cao đầu không khuất phục. Có một luồng năng lượng kỳ lạ nào chợt lưu chuyển trong tôi, khiến toàn thân đột nhiên ấm áp, mặc cho gió mưa quất tơi tả bốn bề.
Khi rời đỉnh Cột Cờ xuống chân núi, bỗng mưa tạnh. Nắng lên. Trời xanh ngắt.

Lũng Cú - tiếng H’Mông có nghĩa là “Long cư” - nơi cư ngụ của rồng. Còn theo một truyền thuyết của người địa phương, thì ở thời Tây Sơn, sau khi Hoàng đế Quang Trung đại thắng quân xâm lược phương bắc, ông đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú, và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi ầm vang xa đến bên kia biên giới cũng nghe được. Những hồi trống đĩnh đạc khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc chúng ta. Và tên Lũng Cú còn có nghĩa là “Long Cổ” - tức trống của vua. Một truyền thuyết thật đẹp, và rất Việt Nam.

Khởi từ thời Lý Thường Kiệt, sau rất nhiều lần xây dựng lại và trùng tu, cột cờ quốc gia Lũng Cú mà chúng tôi chiêm ngưỡng hôm nay được hoàn thành ở lần nâng cấp sau cùng vào đúng ngày 2.9.2010. Đã nhiều lần, các vị chủ tịch nước Việt Nam đã lên thăm cột cờ Lũng Cú.

Tôi rất thích bức ảnh chụp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đứng trên chót đỉnh cột cờ, phía sau có một vệ binh nghiêm trang bồng súng chào, cùng lời nói lịch sử của vị nguyên thủ quốc gia: “Phải giữ cho được từng tấc đất mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta!”. Không ở đâu hơn khi đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, chúng tôi thấm thía từng chữ của câu nói này. Vì trước mặt chúng tôi, rất gần, là biên giới, còn phía sau chúng tôi là trùng điệp mênh mang cao nguyên đá Đồng Văn.

Năm nay, bà con H’Mông ở Lũng Cú - Đồng Văn được mùa ngô. Những trái bắp mập mẩy, nặng trĩu tay cầm. Đã có biết bao mồ hôi đổ ra trên tầng tầng đá núi để được những trái ấy. Cũng như có biết bao xương máu đồng bào và liệt sĩ chúng ta đã đổ ra cho cột cờ quốc gia Lũng Cú đứng hiên ngang một dáng hình Tổ quốc. Nếu đất nước ta là một con tàu như nhà thơ Xuân Diệu đã hình dung, mũi tàu là mũi Cà Mau, thì cột cờ Lũng Cú chính là cột cờ ở đằng lái của con tàu. Uy nghiêm và điềm tĩnh phóng tầm mắt cảnh giác bao quát cả miền biên viễn cực bắc Tổ quốc.  

Ngày Quốc khánh 2.9 năm nay, lại hiển hiện trong tôi cột cờ Lũng Cú, nơi tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi một lần trong đời được đến viếng thăm, một lần được leo lên tới chót đỉnh.

Tôi coi chuyến đi về cột cờ Lũng Cú của mình như một cuộc hành hương, mà khởi đầu là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang, và kết thúc là một bữa trưa trong bản nhỏ của người H’Mông, nơi lần đầu tiên tôi được ăn ngon lành 3 bát mèng méng kèm dưa nương, trước ánh mắt thân thương của bà con người H’Mông.

Nghe nói, hầu như người dân H’Mông nào ở Lũng Cú cũng đều biết đánh trống đồng. Nhưng không chỉ biết đánh trống đồng, người H’Mông - những con người tự do như gió và bất khuất như đá mà tôi vô cùng kính phục - còn có biệt tài đánh giặc xâm lăng.

Tôi đã gặp và nghe ở bản nhỏ ấy, trong bữa trưa mèng méng ấy câu chuyện về người dân bản này đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc vào năm 1984.  Nhưng có lẽ, đó là câu chuyện dành cho một bài viết khác...

Thanh Thảo