21 tháng 7, 2012

LÃNG QUÊN LIỆT SĨ, LÀ ĐANG SỐNG VẬT VỜ BÊN NGOÀI TỔ QUỐC

Nhà thơ Thanh Thảo - Buổi sáng ngày 24/7/2011, tôi lặng lẽ leo 160 bậc đá lên tới đỉnh ngọn đồi ở Hoà An (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hàng trăm Liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc từ tháng 2/1979. Lên chỉ để thắp cho các anh một nén hương. Và đứng lặng rất lâu trước những ngôi mộ đang được huyện trùng tu.

Tôi đọc trên bia mộ: “ Liệt sĩ Hoàng Văn Dử, sinh tại Lạng Sơn, thuộc đại đội 10, trung đoàn 851, sư đoàn 346, hy sinh ngày 18/2/1979”; “ Liệt sĩ Triệu Quang Dũng, sinh tại Hoà An-Cao Bằng, thuộc sư đoàn 346, hy sinh ngày 24/2/1979”...

Và đây nữa “ Liệt sĩ Nguyễn Văn Vân, sinh năm 1962 tại Đại Từ-Thái Nguyên, thuộc đại đội 14, sư đoàn 346, hy sinh ngày 5/10/1984”, nghĩa là anh Vân hy sinh sau khi đất nước thống nhất hơn 9 năm.

Tất cả họ đã hy sinh khi giữ từng tấc đất, từng mỏm đá ngọn núi dòng suối của đất Cao Bằng.
Nghĩa trang Trường Sơn

Và từ nơi địa đầu Cực Bắc của Tổ quốc, tôi lại như nhìn thấy Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc ta, nơi vào tháng 1/1974 đã xảy ra trận hải chiến khốc liệt và đã có 74 chiến sĩ người Việt Nam hy sinh khi quyết giữ Hoàng Sa tới giây phút cuối. Họ đã chết và chúng ta đã mất Hoàng Sa.

Nhưng họ còn trong nỗi nhớ chúng ta, và Hoàng Sa thân yêu mãi mãi vẫn là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam".

Tôi như nhìn thấy Trường Sa thương yêu của Tổ quốc ta, nơi tháng 3/1988 đã chứng kiến một cuộc chiến đấu hoàn toàn không cân sức giữa những chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng đảo Gạc Ma, lúc đó không mang vũ khí bên mình và những tàu chiến của hải quân Trung Quốc trang bị vũ khí mạnh. 64 chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh, nhưng chúng ta vẫn còn giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.
Mộ Liệt sĩ Hải quân trên đảo Nam Yết
Tôi bỗng thấy những ngọn núi đá Cao Bằng dưới nắng mai vút lên rực rỡ một vẻ đẹp ngỡ ngàng, khiến ta trào nước mắt.

Ai là người Việt Nam mà không yêu Tổ quốc mình đến quặn thắt, đến xót xa, ngay khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp diệu kỳ của núi, của sông, của biển quê hương mình.

Xót xa vì cứ như từng tấc đất tấc biển đều thấm máu các Liệt sĩ . Là người Việt Nam, đã hy sinh vì Tổ quốc thì tất phải là Liệt sĩ.

Nhưng nhiều Liệt sĩ đã ngậm cười nơi chín suối bao nhiêu năm, song vẫn chưa chính thức nhận được danh xưng “Liệt sĩ”, mà Tổ quốc tôn vinh cho những đứa con trung hiếu của mình.

Cứ quặn thắt trong lòng, vì đất nước hoà bình đã 36 năm mà sự an nguy của Tổ quốc vẫn dồn nặng trên đôi vai những người chiến sĩ, dù là người chiến sĩ Biên phòng suốt chiều dài biên giới 332 km của Cao Bằng, hay người chiến sĩ giữ đất trời biển đảo Trường Sa.
Thành kính

Lòng biết ơn là một phẩm chất lớn của một dân tộc, cũng là một phẩm chất lớn của mỗi con người. Mà cao cả nhất của lòng biết ơn, là biết ơn những Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Lòng biết ơn ấy không thể hời hợt, không thể hình thức, đãi bôi, nó phải thấm sâu vào lòng mỗi người Việt Nam.

Như máu hoà trong máu. Như một lời nguyền trong lặng lẽ: “Không một ai bị lãng quên, không một điều gì bị quên lãng”( Thơ On-ga Bec-gôn-nữ thi sĩ Nga vĩ đại).

Nếu lúc nào chúng ta lãng quên những Liệt sĩ của mình, chính là lúc ta đang sống vật vờ bên ngoài Tổ quốc.

Nhà thơ Thanh Thảo (gửi về từ Cao Bằng). Tháng 7/2011





18 tháng 7, 2012

NHẬT BẢN ĐỀ NGHỊ GIÚP ĐỠ HẢI QUÂN VIỆT NAM

QPVN - Nhật Bản và Việt Nam trong cuộc gặp tại Hà Nội đã thảo luận hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển hiện đại, củng cố hải quân và hỗ trợ đào tạo nhân sự.

Một hướng hợp tác Nhật-Việt triển vọng khác là sản xuất kim loại đất hiếm trong khuôn khổ dự án chung Đông Pao ở miền bắc Việt Nam.

Dự kiến, việc khai thác đất hiếm tại Đông Pao sẽ bắt đầu vào năm 2013 và mỏ này sẽ đáp ứng 20% nhu cầu đất hiếm của công nghiệp Nhật Bản.

Chuyến thăm Hà Nội của ngoại trưởng Nhật Koichiro trùng với thời kỳ xấu đi mới trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh do tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku.

Tình hình xung quanh Senkaku đã lên cao khi chính phủ Nhật tỏ ý muốn quốc hữu hóa quần đảo này.

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối kế hoạch trên của Nhật vì cho rằng, Tokyo đang cố gắng củng cố quyền của mình đối với khu vực lãnh thổ này. Để phản ứng, Bắc Kinh đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Hoa Đông.

Theo các nhà phân tích quân sự, điều đặc biệt trong cuộc tập trận này là quân đội Trung Quốc đã bổ sung một khoa mục khác thường là diễn tập đổ bộ đường biển.


Trong cuộc gặp giữa ông Koichiro Gemba và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh, không có những lời chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, mặc dù ngay từ đầu cuộc hội đàm của họ là làm sao đối phó với sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh.

Cả hai Ngoại trưởng đã nhất trí rằng, Trung Quốc gần đây liên tục đưa ra các yêu sách đối với các khu vực lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc chủ quyền của các nước khác.

Nguồn: Kurs, 17.7.2012.
-------------------------------
* Hình minh họa bài viết: Tàu chiến đấu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản có mặt tại Cảng Hải Phòng, đảo Hòn Ngư (Nghệ An) trong khuôn khổ các chuyến thăm - giao lưu với Hải quân Việt Nam (2011-2012) 

17 tháng 7, 2012

HỌ KHÔNG THỂ LÀ BỘ ĐỘI?..

Một tốp thanh niên, nghi là thuộc quân số Binh đoàn Tây Nguyên đang làm đường tuần tra biên giới đã có những hành động dã man - tàn bạo đối với động vật hoang dã và post lên internet.

Hành vi của họ bị cộng đồng mạng kịch liệt phản ứng, tuy nhiên người post lên những ảnh này còn "vặc trả" bằng những lời lẽ hết sức ngông nghênh, vô văn hóa.

Những con khỉ (có thể là Vọoc ngũ sắc - Động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm) mà họ hành hạ, giết mổ có thể là 1 gia đình. 2 khỉ bố - khỉ mẹ bị giết thịt, làm món ăn, xương dùng nấu cao. Riêng khỉ con thì được giữ lại nuôi...

Không những thế, mọi hoạt động của đơn vị công binh làm đường cũng được công khai trên mạng, qua việc chụp hình - post lên mạng bằng điện thoại di động.

Hành vi của những thanh niên này, cần được lên án và xử lý nghiêm minh.

Voọc ngũ sắc: Loài động vật quý hiếm, chỉ có ở Việt Nam
Voọc ngũ sắc (Semnopithecus nigripes Milne ) có mặt và cổ có khoang màu hạt dẻ. Trán, đỉnh đầu màu xám đen. Bộ lông dày mềm mại nhiều màu sặc sỡ. Lưng đốm đen xám. Chân, tay và đuôi rất dài (hơn 580mm). Hông trắng chuyển sang xám đen. Vùng bẹn và đuôi trắng đục.
Thức ăn cùa chúng là quả, hạt, lá cây rừng, ngô khoai, sắn và rau xanh trên nương rẫy. Voọc ngũ sắc sinh sản rải rác quanh năm nhưng thường vào mùa xuân, mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 con. Voọc ngũ sắc thường sống trong rừng già trên núi cao từ 300 m trở lên so với mặt biển. Nơi ở của chúng là những cánh rừng rậm trên đỉnh núi hoặc bên sườn núi có độ dốc lớn. Chúng sống thành từng nhóm 3 – 5 cá thể. Hoạt động kiếm ăn vào hai buổi sáng và chiều ở trên cây, ít khi xuống mặt đất. Buổi trưa và ban đêm trở về nghỉ ngơi thường cố định khá lâu. Di chuyển chậm chạp hơn vượn và gây ra nhiều tiếng động xào xạc cành cây, rất dạn người.
Voọc ngũ sắc chỉ có ở Việt Nam: Kon Tum (Sa Thầy), Đắc Lắc (Nam Ca), Lâm Đồng (Di Linh), thành phố Hồ Chí Minh.
Sách đỏ thế giới xếp voọc ngũ sắc vào bậc E. Ở nước ta trong những năm trước đây voọc ngũ sắc có ở nhiều nơi. Trong nhiều năm gần đây, do săn bắn quá mức, nhiều nơi đã trở nên rất hiếm. Mức độ đe dọa: bậc V.
(Theo Sách đỏ Việt Nam)

------------------------------------------------------------------------------









Hình ảnh lấy từ http://www.facebook.com/quang.nguyenvan.52035?sk=info, có thể tên là Nguyễn Văn Quang, quê ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hiện đang có mặt trong 1 đơn vị Công binh, Binh đoàn Tây Nguyên, thi công đường Tuần tra biên giới tại khu vực Sa Thầy, Kon Tum.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHÁC VỀ CUỘC SỐNG - CÔNG VIỆC LÀM ĐƯỜNG, DO QUANG ĐƯA LÊN









TRONG MÙA MẶT RỤNG

Nguyễn Ngọc Tư - Họ nói ở đây không có Mỹ Xuyên nào, Mèo Ngố lại càng không, chỉ có Lolita, Juliet, Esmeralda, Mecghi… Anh chỉ cái cô đứng ở góc kia, chỗ bàn nhậu bốn người hói đầu đó đó. Họ gật gù, à, chắc anh đang nói tới Carmen. Nhưng gái đấy đang phải trực phục vụ bàn ấy rồi. Hay là chúng tôi gọi Scarlett O’hara cho anh, cũng trạc tuổi ấy, đẹp và khéo chiều lắm.

Không, anh chỉ muốn gọi Carmen.

Đứa con gái mặc cái áo cổ trễ, khuôn ngực phồng lên như muốn chui khỏi lớp vải chật căng, như bưng ra đặt trước mặt tụi đàn ông nheo nhóc. Tóc nó bới cao để lộ cái cổ ngẳng ngọt ngào. Mặt tô lên một lớp phấn dày son đỏ như môi đang cháy, khi con nhỏ vòng qua để xoa vai cho một gã khách, anh nghe lửa tạt qua mặt mình vì cái váy quá ngắn kia không thấm tháp vào đâu so với đôi chân mảnh khảnh dài.

Chính những đôi chân cao và cổ muốt đã làm cho Hồng Hạc nổi tiếng.

Quán bài trí lòe loẹt, món ăn không đặc sắc, rớ tới gì cũng đắt đỏ, nhưng những cô gái phục vụ bàn thì trẻ đẹp không chê được.

Bữa nhậu ở đây luôn là hội hè của những rảnh sâu mà đám đàn ông ai cũng biết là chúng sẽ dẫn về đâu đó đâu đó đâu đó đâu đó đâu đó...

Nhưng anh tới Hồng Hạc chỉ vì Carmen, mà mười chín năm qua anh hay gọi là Mèo Còi, Mèo Ngố.

Nó kia, nhơ nhởn phớt lờ, không có vẻ gì để ý tới anh.

Định bụng sẽ chờ nó trong một sự nhã nhặn mót máy được suốt mấy chục năm làm Thư ký Tòa Dân sự, nhưng khi con nhỏ ngồi lên đùi gã duy nhất còn tóc ở bàn nhậu bên kia thì anh nhịn hết nổi, lồng lên xáp lại lôi xểnh nó ra đường.

Cả quán nhao lên. Vài gã bảo vệ định sấn vào, nhưng con nhỏ đã ra hiệu nó tự lo được.

"Về, về mau, hư trời ơi hư thân tới nước này!" - Anh lắp bắp, từ ngữ nghẽn ở chỗ cổ họng bỗng phun xối xả như vỡ đập. Sau mỗi gầm ghè cổ tay con nhỏ lại bị xiết chặt hơn một chút.

Thấp thoáng những cái quay đầu tò mò từ dòng xe cuồn cuộn cắt chéo qua ngã tư Hạnh Phước. Hoặc vì váy áo của Carmen nổi bật quá, hoặc vì anh lôi xểnh đi nom cục súc thô lỗ khó coi.

Sau này anh nhớ cái cảnh mình kéo con nhỏ đi như kéo một con trâu chứng và nói với nó đây đâu phải là gương mặt mày, có cảm giác chữ mày mới làm xương cổ tay nó nát vụn.

Con nhỏ không dục dặc trì níu lại nữa, nó nói nhỏ nhẹ trong khi bàn tay nắm của anh bắt đầu có cảm giác lỏng ra, trơn chuội.

- Ông nghĩ mặt nào mới là mặt của tôi ?

Anh nheo mắt vì chiếc xe hơi quanh qua cua pha chói ngang tầm nhìn.

Khoảnh khắc đó anh nhìn thấy một đứa bé con gầy cắt tóc búp bê, mũi dãi chảy lòng thòng đứng dán vào cửa lớp mầm non để chờ anh tới đón.

Một con bé bịu xịu, mắt đầy nước ngồi mãi bên cạnh chó con kêu thảm vì nhớ mẹ.

Một con nhỏ chừng mười bốn tuổi đen nhẻm tóc buộc nhỏng mặt đầm đìa mồ hôi lả vào tay anh ngay sau vạch đích một cuộc chạy việt dã.

Một con nhỏ hơ hãi méc: "Ba ơi có thằng lớp bên cứ viết thơ nói nhớ con hoài!".

Con nhỏ ấy chào đón tuổi mười bảy của mình bằng một công việc làm thêm: Đứng ở ngã tư phát tờ rơi “để kiếm tiền mua đồ đẹp bằng chính sức của mình”. Mặt che kín bởi cái khẩu trang chống bụi, con nhỏ gần như chỉ lộ mỗi cái trán dồ ương bướng, nhưng rạo rực vì những trải nghiệm mới.

“Nếu ai cũng đều che mặt lại, thì làm sao để nhận ra  nhau ?” - Nó hỏi, sau lần chìa tờ rơi cho anh mà ba nó hoàn toàn không hay đây là con gái của mình.

Có bữa nó thử ghẹo một ông trung niên lạ hoắc, kêu: “Sao anh nói là anh chết vợ?”.

“Bà vợ ổng nghiến răng trèo trẹo và nhéo hông ông chồng khi đèn đỏ còn chưa chuyển sang xanh” - Con nhỏ kể lại, cười toe khoái chí.

Nắng gió ngoài đường đã làm phai mất những đường gân xanh trên gương mặt mộc của nó.

Một bữa khi đứng ở ngã ba phát quãng cáo cho một đại nhạc hội, nó đã nhìn thấy thằng bồ mình thắm thiết cùng với cô gái khác.

Con nhỏ về vùi mình vào đống chăn gối khóc như mưa bấc, bảo không tin vào đàn ông nữa.

Anh nhớ mình đã cười xòa bảo: Ôi trời, “đừng quơ đũa cả nắm, ba đâu  phải loại đó…”. Con bé thừa nhận: "Đúng rồi, ba không giống họ"… - Vài vì sao lại nhảy nhót trong mắt nó.

Giờ những ngọn đèn đường, đèn pha của xe cộ lũ lượt qua ngã tư Hạnh Phước cũng không thắp nổi trong mắt con nhỏ một tí ánh sáng nào.

Cái ánh sáng bên trong đã mất, mắt sâu và tối hun hút.

Trong một khoảnh khắc anh biết không thể mang những gương mặt trong veo kia trở về, không gương mặt nào mà anh từng biết hợp với nhân dáng đàn bà chín rục này, váy áo mời mọc này.

Anh hơi tuyệt vọng, nhưng vẫn nắm tay nó. Cứ sợ bỏ ra lần này là vĩnh viễn mất.

- Về đi, coi như ba năn nỉ…

Con bé cười khẩy, mặt mũi chua chát. Anh thấy rõ ràng là mắt nó hướng về mình, nhưng ánh nhìn lại xuyên thấu mênh mang như không gặp rào cản nào từ gương mặt của anh (lởm chởm râu ria, tái dại đi vì lo lắng và tức giận) đang chắn ở đó.

Cái nhìn xuất hiện lần đầu vào tối hai mươi ba tháng mười hai, cả xóm người ta mở nhạc giáng sinh, các cửa hiệu trang hoàng rực rỡ.

Con nhỏ thức khuya đợi anh ngoài cỗng khi, lầm lì hỏi: "Ba để mặt rớt ở đâu rồi, con không thấy?" Anh sững sờ không biết mình phải nói gì với nó, những câu đã sắp sẵn trên đường về, dùng từ nào cho hợp, phải tránh né từ nào… tất cả chúng đã mọc cánh bay đi.

Anh vẫn thấy mặt mình khi đi ngang qua tấm kiếng trên cánh cửa tủ, và chị vợ anh dù ngái ngủ vẫn hỏi: "Nhậu về sao thấy buồn xo vậy?".

Chó Tiểu Phù xoay tròn khuấy đuôi mừng, và sáng hôm sau khi tới gần chuồng chim cu gáy nó vẫn gục gặc gáy chào. Riêng có đứa con gái nghĩ anh không còn mặt nữa.

Chỉ còn đâu đây cái thân người dềnh dàng của anh, mà mỗi sáng đứa con gái phải lách qua nếu muốn đi vào bếp.

Nhà hẹp, đôi khi vẫn còn những va chạm để anh tin rằng mình vẫn còn một phần cơ thể. Chỉ mặt là vô tăm tích.

Con nhỏ không còn ríu ran ba ba con con. Mái tóc dài mà anh rất ưa nó đã xén trụi đi, ống quần jean cũng bị xén lửng lơ trên  đầu gối, và công cuộc xén bắt đầu lân la đến áo.

Dắt xe ra cửa nó chỉ chào: "Thưa mẹ con đi!". Nó không nhìn anh, nếu có thì ánh nhìn xa như anh đang tàng hình, cuối điểm nhìn là đâu đó sau gáy anh. Tấm hình cả nhà chụp chung trước vẫn đặt trên bàn học giờ úp mặt trong xó tủ, chung với những món đồ mà anh đã tự tay mua cho con nhỏ.

Lá rụng nghẹt ống nước máng xối, tự nó trèo lên thông dù anh cũng đang quanh quẩn trong nhà.

Trong vốn liếng ngôn ngữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh học ở trường lẫn tiếng Nam Hàn học trong phim nhiều tập của con nhỏ bay mất chữ ba, hay papa hay appa.

Thỉnh thoảng nghe một giọng nói lanh lảnh cất lên từ nhà ngoài: “Ông lão ơi, cái quần cộc của ông rách rồi, “lù coi” cho coi”, “Ngố mua cái bàn chải đánh răng mới rồi đó, màu xanh dương, ông lão nhớ lấy xài nghen…”, anh biết mình vừa ảo giác. Một thứ ảo giác khiến người ta muốn rơi nước mắt, muốn cầm giữ mãi, muốn chìm vào đó.

Vợ anh hỏi: "Hai cha con có chuyện gì?", mặt dúi dụi vào cuốn giáo án năm nào cũng ngồi chép đi chép lại. Chị bận rộn vật lộn với đám học trò, với những cơn hen cấp từ trước khi sinh, không hay gần gũi với con bé vì hay mệt. Nhưng chị cũng nhận thấy không khí trong nhà sánh đặc.

Anh cố cười bảo có chuyện gì đâu, cố nhớ lần gần nhất vợ nhìn thẳng vào mặt mình là lúc nào.

Có phải chị cũng nghĩ là anh đã đánh rơi mất mặt ? Chị, chó Tiểu Phù và chim cu gáy có phải chỉ nhận ra anh bằng mùi, hơi thở, dáng điệu, thân người…

Có thể mặt mình mất thật rồi - Tự dưng anh nghĩ vậy. Con gái ít nhiều đã thuyết phục được anh. Nó ngày mỗi vắng. Thấp thỏm với một tâm can bị phơi bày, anh cũng tránh đụng mặt nó.

Tối qua vợ anh hớt hãi nói: "Mèo ngố ba bữa rày không thấy đâu. Mọi khi nó có đi làm thêm thì tối vẫn về nhà ngủ chớ?".

Chị sẽ lên cơn suyễn cấp nếu biết anh vừa mới tìm thấy nó, đã nắm được nó và rồi lại lỏng tay ra. “Sao ba không đi tìm mặt của mình, trước hết ?” - Nó nói trước khi trở gót.

Trên đường về anh ghé qua một căn nhà trọ ở trong hẻm Lò Tương. Một người phụ nữ khi mở cửa cho anh đã không giấu được chán chường: “Đã nói mặt mày ủ ê thì đừng có ghé đây mà!”.

Anh không trả lời, lặng lẽ vén mùng vùi mặt vào bụng thằng bé con đang ngủ. Nó càu nhàu trở mình, quắp con gấu bông quay vô vách. Con gấu này là quà anh tặng cho thằng bé vào dịp noel trước.

Hôm đó ông già Noel lắc chuông giao quà tận nhà, bộ râu giả che nửa mặt, bụng độn to khệnh khạng, nhưng ông già không chúc thằng nhỏ ngoan, học giỏi mà cứ đứng đực ra nhìn cha con anh rồi bỏ đi một nước.

Anh lạnh người nhận ra đôi mắt của ông già Noel sao mà quen, và tiếng chiếc xe máy cà tàng đó, hình như ngày nào cũng nổ giòn trước cỗng nhà anh, sau cuộn khói có một tiếng nói lanh lảnh: “Ông lão ơi đóng cỗng giùm con!”.

Anh dáo dác nhìn quanh căn phòng mà trước đây anh thường đến ở vào giờ nghỉ trưa, cả khi thằng bé kia chưa ra đời.

Gương mặt anh đã bị rơi trong căn phòng này vào cái đêm Noel ấy. Thỉnh thoảng anh lại nhìn thấy nó nằm chỏng chơ trên đất, nhưng chạm tay vào chỉ là những vụn bụi.

15 tháng 7, 2012

"MỴ CHÂU" KỂ CHUYỆN?..

Tuân Phẹt - Ngày ấy, em đang tuổi thiếu nữ, xinh đẹp và duyên dáng vô cùng. Nhiều chàng trồng si lẫn đinh lin sến táu nhưng em chưa máu một ai. Em yết kiêu. Em cho ra re hết.

Mà nên nỗi, đất nước em lúc đấy do Phụ vương An Dương Vương làm leader luôn bị giặc bên Nót (North), cầm đầu là Triệu Đà đến xin đểu.

Phụ vương papa tức lắm nhưng cũng nhất quyết không cho gã họ Triệu đấy 1 tấc đất cắm dùi. Phải nói là papa hơi bị #1 đấy!.

Nhưng xin nhiều không cho, họ Triệu đấy cáu. Nó xua vài vạn troops đến xâm lược nước em.

Papa hốt quá, giao cho Cao Lỗ xây thành Cổ Loa để cố thủ. Nhưng cứ xây thì lại đổ. Em nghi gã Cao Lỗ này ăn cắp vật liệu, rút ruột công trình.

Mấy lần em kể cho Phụ vương nghe chuyện gã cho nguyên mấy cây thép vào túi mà papa chả tin. Sầu như có bầu.

Papa lo lắng lắm. Ngày chống giặc mệt vãi linh hồn, nên đêm cứ ngủ mê liên miên. Em thây có 1 đêm papa mơ cái gì mà cứ gọi Kim Quy, Kim Quy ấy.

Thế là hôm sau papa bảo mọi người là "xây theo dấu chân của Kim Quy". Em biết mỗi vậy. Mà thế nào lại hay thật, xây như thế đâm ra lại tốt. Cổ Loa thành xây xong chẳng đổ tẹo nào, trong bền đẹp phết.

Em chắc mẩm papa thuê đúng thợ thì có phải xong từ lâu rồi không. Thể nào sau này xây nhà cho chồng, em cũng bảo cái Công ty Kim Quy này đến xây cho vững.

Xây xong thành thì lại nảy sinh ra vấn đề mới: Quân nó đông quá! Thằng nào cũng được trang bị 4-3, 4-4, 4-6, không bét ra cũng là loại xóc lọ 2-1, 2-2, mũ giáp thì cứ gọi là. Thỉnh thoảng còn tung lịu đạn mù nũa mới gớm chứ lị. Quân ta thì toàn súng đầu tam hoặc lục lởm, có bác còn có mỗi con dao.

Papa đau đầu lắm, hàng đêm uống thuốc ngủ mong sao sớm mơ thấy Thần Rùa để bày cách. Thế nào mà lại ứng nghiệm thật. Papa mơ được Thần Rùa chỉ cho cách là lấy móng của ổng mà chế nỏ.

Em nghĩ thế thì chết. Chúng nó toàn chơi súng xịn, mình chơi nỏ, bắn được mấy. Nhưng mà cũng tài ghê cơ, cái nỏ này đúng là hay thật, bắn một phát mà ra tới vài mũi, à quên vài vạn mũi. Troops bên kia là chết nhiều như quân Nguyên.

Rồi, xong rồi, phòng ngự chặt, phản công nhanh, HLV An Dương Vương chẳng mấy chốc mà thắng HLV Triệu Đà.

Đất nước thanh bình cũng là lúc em nghĩ đến hạnh phúc của em. Tuổi này rồi mà toàn thằng ất ơ nào đấy đến xin chết, chả có thằng nào ngon cả. Sầu đông đếu chịu được.

Lúc ấy họ Triệu kia bị papa đánh cho tơi bời hoa lả, sợ rúm người nên xin cầu hòa bằng cách kết tình thông gia.

Úi giời, tiếng em đồn thì đến bên Sri Lanka cũng biết nữa là mấy thằng Tàu này. Công nhận bọn này cũng có con mắt thẩm mỹ đấy!.

 Em cũng háo hức lắm, xem trai Tàu trông ra sao.

Một hôm papa giới thiệu cho em 1 gã họ Trọng tên Thủy, bảo là họ Triệu kia gửi sang ở rể nhân thể kết tình thông gia.

Em thấy gã này buồn cười, bố họ Triệu mà con lại họ Trọng (chắc là Triệu Đà bây giờ trông rất giống tê giác hị hị), tên lại là tên con gái, chắc yếu đuối lắm.

Nhưng gặp thì mới biết thằng này nó to phết các bác ạ!. Phải mỗi tội khuôn mặt thì rõ lắm tàn nhang, mũi to như anh Quang Thắng, mắt thì một mí, trông dê dê. Được cái nụ cười thì ôi thôi, deadly smile! Em bị nó lừa cũng vì nụ cười đấy đấy.

Thế là em và Thủy thành vợ chồng. Nói chung thằng này khoản "vợ chồng" của nó cũng được: 3 lần/ngày, 7 ngày/tuần, không nghỉ! Cũng được thôi vì tiêu chuẩn của em là 7 lần/ngày và có chút bạo lực nữa cơ. Nhưng thôi, mình là phụ nữ Á Đông nói nhiều người ta đánh giá, chêt!..

Thằng này nó cũng hư lắm, thỉnh thoảng cãi nhau nó định đánh em. Em dọa nó là "Nhờ anh Quy chế ra cái nỏ bắn cho 1 phát thì cứ gọi là người như con nhím" nên nó hoảng, sun vòi lại ngay. Các bác thấy em siêu không?!.

Nhiều lần như thế, tò mò nó hỏi chỗ cái nỏ đấy đâu. Em bảo em không biết, bao giờ "chiều" em được 7 lần/ngày, liên tục trong 1 tháng thì em mới chỉ. Nó nghe xong suýt ngất!.

Nhưng được cái thằng này yêu vợ, nó lên lúi ( núi) luyện công 1 năm giời. Về nhà em đang định cho nó 1 trận vì tội bỏ vợ đi theo giai, à quên, đi theo gái, thì nó đã phun ra 1 câu nghe rất "đi ngã" là: "Baby, are you ready!". Em chưa hiều ất giáp gì thì nó đã vồ lấy em rồi...

Hèm!. Phải nói là 1 tháng đấy em mãn nguyện lắm, và đương nhiên là nói lời thì phải giữ lời, em kể cho nó là cái nỏ đấy ở cái phòng này, muốn đi đến đấy thì rẽ phải chỗ lọ, rẽ trái chỗ chai, lên lên xuống xuống, qua phòng này đến phòng kia.

Em nói xong thì thấy mắt nó nở hoa, thều thào được câu này: "May mà anh đặt máy ghi âm", rồi gục.

Một hôm Thủy bảo về thăm nhà vì nhớ mẹ. Em thấy cũng tội. Mình hành nó thế, cho nó về tẩm bổ rồi lại sang chiến đấu tiếp cũng không sao.

Thế mà nó lại phản em, nó mang cả cái nỏ của anh Quy về cho bố nó. Bố nó được nỏ, mang quân sang chiến với bố em.

Papa lần này mất nỏ nên chạy tóe khói, tất nhiên không quên mang em đi cùng. Chạy con Aston này hơi chậm, em đã bảo mua hẳn Lambo mà đi mà tiếc tiền, nên chưa mua. Đang định mua thì lại phải chạy loạn. Sầu ve bọ chét!.

Lúc sắp sửa đi, em nhân được tin nhắn của Thủy bảo là: Mặc cái áo lông ngỗng quê quê mà hắn tặng hôm Noel, vừa đi đường vừa bứt lông ra rải xuống, khi nào hết lông thì tiện cho anh "chiều" em.

Em nghe theo, vừa đi vừa bứt lông rải xuống đường. Thành thử rõ ràng, papa chạy toàn 300km/h, lạng lách đánh võng không thua gì Hamilton mà vẫn thấy bọn họ Triệu hò hét phía sau.

Papa lượn ra đến biển thì xe hết xăng. Tự nhiên dưới biển 1 con rùa to vật vã nổi lên bảo papa: "Giặc ở ngay sau lưng ấy".

Nghe papa giới thiệu đấy là thần Kim Quy, em mới ngộ ra là anh Quy em thường ngưỡng mộ. Gặp lần đầu mà anh lại xui papa giết em thế này thì thật là trớ trêu con nghêu.

Papa nghe theo anh Quy rút gươm ra định kết liễu em, nhưng em đâu phải tay vừa. Mấy lần xem Lara Croft em cũng học được vài chiêu. Papa chém mãi không được nên dùng kế bẩn, hét rõ to: "Trọng Thủy kìa".

Em lúc đấy áo sống cũng gần hết rồi, nhìn rất giống bộ bikini, đợi Thủy mãi. Nghe papa nói thế quay lại, nào ngờ chính lúc đấy, papa kết liễu em, xiên 1 phát vào trúng bụng. Đương nhiên là em toi.

Trong lúc hấp hối em chỉ biết là Thủy chạy đến, ôm em vào lòng khóc như cha chết, mẹ đi tù. Rồi bế em nhảy ùm xuống cái giếng gần đấy.

Nghe bảo sau này giếng đấy nước sạch lắm, sạch hơn cả nước Phần Lan nên em cũng thấy tự hào.

Người đời sau còn mông má bằng vàng ròng, đặt  tên giếng là Bốn Tốt.

Đấy là em nghe nói thế, chứ chết rùi em biết chóa gì đâu...
-------------------------------------------
* Hình ảnh đã được đăng tải trên mạng xã hội, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết nguyên bản của tác giả.

GỌI TÊN NỖI SỢ

Nguyễn Ngọc Tư - Hồi nhỏ tôi sợ ông Chà Và.

Chưa từng nhìn thấy, nhưng ông hung thần đó sống động bằng những thêu dệt của người lớn: Đen nhẻm, cao lớn dị thường, ông quảy theo cái túi to, có thể chưa được vài ba đứa con nít mà lão tóm được ở dọc đường đi. Những đứa ham chơi dang nắng, những đứa hay khóc, những đứa quậy phá, nghịch dại…

Người lớn luôn có cách trị đám con nít bằng những truyền thuyết mù mờ và ly kỳ.

Không phải tự dưng mà nơi nguy hiểm cho trẻ con luôn là chỗ các loại ma trú ẩn.

Riêng ông Chà Và không chỉ náu trong bóng đêm, rờ rỡ dưới  mặt trời ông hiện diện khắp nơi, ông bắt trẻ hư đi bán, lão mổ bụng dồn trấu chúng nó…

Mười năm sau, nỗi sợ trẻ con ấy đã được hóa giải bằng những cuốn sách, những hình vẽ về người Java trong thư viện thị xã, những giả thuyết về Chà Và.

Họ là những người Ấn, người Phi có đầy đủ chân tay, mắt mũi.

Lấy họ để dọa trẻ con không hẳn vì kỳ thị, mà vào cái thời giao lưu với bên ngoài còn hiếm, những người nước ngoài vượt biển không cùng màu da, ngôn ngữ đến đây được xem như đến từ trời khác, thế giới khác.

Họ, cùng với ma, trở thành khắc tinh của trẻ hư.

Mười năm, vài ba nỗi sợ hoang đường đủ để đứa trẻ tự điều chỉnh sự hoang dã bản năng của chính mình, hình thành nhân cách một cách cơ bản nhất.

Ngay khi người ta chưa biết đến những điều khoản trên giấy tờ của luật pháp, họ đã được nhen lên trong đầu mình những thứ luật tục riêng, những đạo lý riêng.

Khi cắt cổ con gà, nghe bà ngoại tôi thì thầm: “Gà mày đừng có oán tao, tao hóa kiếp cho mày để đi đầu thai mau mau”, con bé bảy tuổi là tôi bắt đầu tin có cái – gì – đó sau cái chết.

Tôi tin có thần có phật, có những linh hồn dõi theo mình dù mình không nhìn thấy.

Đi cùng nỗi sợ là đức tin, rằng làm điều xấu quấy sẽ bị trừng phạt.

Nỗi sợ hồi ấy cũng đầy mơ mộng, mông lung.

Giờ thì con chị bán cá chợ trời sợ Công an, vì ông hay đuổi má nó chạy dài vào những ngày lễ lớn.

Con chị bán bánh sợ bà cho vay bạc góp nặng lãi ở xóp vẫn hay chửi xói vào nhà.

Con anh thợ hồ sợ chính ba nó những ngày say rượu về gây gỗ đuổi đánh vợ con.

Bọn nhỏ còn sợ cô giáo hay vớ lấy tất cả những thứ cô lấy được trong tay, để làm roi.

Nỗi sợ bây giờ mang nhác mang gương mặt người thân thích.

Gọi nỗi sợ bằng những cái tên mà từng chữ cái ghép nên chúng tưởng như chỉ gợi thương yêu, không phải là phập phồng, rón rén.

Người ta có thể vẽ lên mà không cần tưởng tượng, hình dung. Nên nỗi sợ giải thiêng cũng nhanh.

Những đứa bé nhanh chóng nhận ra chú Công an, bà cho vay, ông cha say hay cô giáo… không phải ai cũng sợ. Và không phải lúc nào cũng đáng sợ.

Chiếc xe đạp - gia tài quý giá của chị bán cá đã bị đánh cắp, và đứa trẻ ngộ ra thằng ăn trộm không sợ chú Công an, nếu sợ thì chúng đã không đánh cắp, và nếu sợ mẹ nó đã chạy đến đồn để méc.

Chú ta chỉ giỏi rượt đuổi mẹ nó thôi.

Trên nỗi sợ đã hết phép màu là một khoảng hoàn toàn trống trãi, không còn nỗi sợ nào tồn tại để chế ngự bản năng. Người ta bắt đầu tự do như cỏ dại trước nhà.

Những bụi cỏ cao nhất đám hay lấn lướt đè bẹp những bụi gần nó nhất.

Con người bắt đầu có dấu hiệu sống như cỏ.

Những tội ác ngày càng dày, càng bất ngờ khó tưởng tượng khi lần lượt cha, mẹ, vợ, chồng, con trở thành nạn nhân của chính người thân của mình.

Không ngoại trừ nhiều nhân vật thủ ác trong những câu chuyện tương tàn trên trang bốn, trang bảy của các báo, đã từng là đứa trẻ nắm vạt áo người lớn gánh giấy bạc đi mua lộc của thánh thần, và nó thấy những pho tượng cổ có vẻ mặt thần bí kia, có phép màu gì mà thân giắt đầy tiền lẻ nom như ông già ăn mày ngoài chợ.

Nó thấy những bậc chân tu – Người đang làm sứ giả của thần thánh, cũng chơi game trên điện thoại di động và miệng ngúc ngoắc cây tăm.

Cả thánh thần cũng giải thiêng rồi, cũng gây cho người ta cái cảm giác “có thể mua được”, “bình thường thôi, không đáng tin”… giống như pháp luật đã yếu mà còn mua được, lệ làng đã cũ mà còn mua được… chúng ta còn gì để tự điều chỉnh hành vi của mình những lúc bản năng tà ác ngoi lên, biết lấy nỗi sợ nào để chế ngự nó?..

Nỗi sợ lớn nhất là không biết sợ gì, tôi ngờ quá...
-------------------------------------------
* Hình ảnh minh họa của thành viên Diễn đàn OF