9 tháng 8, 2013

NGHÈO KHÓ TỘT CÙNG, NUÔI 4 CON HỌC ĐẠI HỌC

SH - Khó ai ngờ rằng, cuộc sống mưu sinh của người bố cậu học trò Nguyễn Hữu Tiến - Thủ khoa 29,5 điểm ĐH Y Hà Nội lại vất vả, lam lũ đến vậy.

Những hình ảnh về cuộc sống lam lũ, khắc khổ đến tột cùng của người đàn ông có 4 người con đỗ Đại học, được chúng tôi ghi lại trong một ngày mưa bão tháng 8.

Nhìn những hình ảnh này, khó ai có thể nghĩ rằng, tại sao người đàn ông ấy có thể sống như vậy trong suốt 10 năm mưu sinh ở thành phố chỉ với một mong ước: “Cho con được học Đại học!”.
--------------------------------------------------------------------------
Nơi "hành nghề" sửa xe của bác Nguyễn Hữu Định nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài.
Với dụng cụ là những chiếc cờ lê, mỏ lết… đã cũ kỹ, hoen rỉ cùng chiếc bơm nhỏ, bác Nguyễn Hữu Định (52 tuổi) ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa lên thành phố mưu sinh, tiết kiệm từng đồng từ việc sửa xe, bơm vá để có tiền nuôi con ăn học.
"Cần câu cơm" của bác Nguyễn Hữu Định.
Khuôn mặt bác trông khắc khổ, đen xạm. Kể về cuộc sống mưu sinh trên thành phố, bác thật thà kể rằng: Ở quê chẳng có việc làm, cuộc sống khổ, vất vả quá nên bác mới ra thành phố hơn 10 năm nay để bươn trải. Không có tiền thuê nhà, bác sống tạm bợ, ngủ ở vỉa hè, lều lán cho qua ngày.
Công việc bấp bênh, không ổn định, nhẩm tính thu nhập của mình, sau một hồi bác Định thở dài nói: "Ngày nào tươm thì được hơn trăm nghìn, có những hôm chẳng có khách như hôm nay mưa bão làm gì có ai sửa xe. Hôm nào may thì được người ta gọi thuê bốc vác kiếm thêm vài chục nghìn".
Thậm chí, hiện tại chỗ ở của bác chính là chiếc cống của công trường xây dựng bị bỏ hoang ở sát vỉa hè. Bác tự “thiết kế” bằng cách ghép tạm những tấm phiên mục, gỗ nhặt từ công trường để che mưa che nắng.
Những ngày mưa bão như thế này, “nhà” của bác bị dột, mưa hắt ướt đến nửa chiếc chiếu ngủ. Không có chỗ ngủ, bác đành phải sang xin nhờ ngủ tạm lán công nhân đối diện bên đường.
Dụng cụ bác mang theo ngoài đồ dùng sửa xe chỉ là mấy bộ quần áo cũ, vài chiếc bát con, chậu nhỏ, mấy cân gạo để sinh hoạt. Bác Định cho biết, mình chưa mất tiền điện, tiền nước cũng như chưa biết đến quạt điện suốt 10 năm sống trên thành phố.
Bác Đặng Văn Giao (trái) người huyện Ứng Hòa là “hàng xóm” của bác Định hơn 4 năm nay chia sẻ: “Ông Định ngày xưa có cái lán, giờ họ phá đi rồi nên ông phải ngủ trong cống 7 tháng nay. Cảnh nghèo nuôi con ăn học gặp nhau thì thương nhau, góp gạo nấu chung, mưa thì ăn mì tôm, cơm nguội qua bữa. Cảnh nghèo với nhau, có gì ăn nấy, có lần kho cá ăn dần qua bữa”.
Bữa ăn đạm bạc cho qua buổi trưa ngày mưa bão. Bác Định nói: "Sáng tôi làm bát cơm nguội rồi, giờ ăn bát mì tôm lót dạ, bếp ướt hết rồi nên không nấu nướng được gì".
Nhưng đằng sau niềm tự hào về hai cậu con trai sinh đôi đỗ thủ khoa đại học Y Hà Nội và ĐH Bách khoa là nỗi lo, băn khoăn, trằn trọc của người cha nghèo mưu sinh trên thành phố.
“Tôi mừng lắm chứ nhưng đêm nằm không sao ngủ được. Làm sao có tiền cho hai đứa đi học bây giờ. Đi làm chỉ biết động viên con cố gắng học, thoát cảnh nghèo đói. Tôi không mong chúng là ông nọ bà kia nhưng chỉ cần có được tấm bằng, ra trường có công ăn việc làm ổn định không phải bấp bênh, khổ như bố mẹ nó”, bác Định tâm sự.
Chưa kể việc năm nay hai người con trai sinh đôi Tiến và Tiền sẽ cùng nhập học đại học vào tháng 9 này. Như vậy, gánh nặng 4 con học đại học trên thành phố sẽ đè nặng lên đôi vai của người cha nghèo.
---------------------------
MTH: Rất mong bác nào làm Doanh nghiệp tại HN, đọc được bài viết này và có lòng hảo tâm, giúp đỡ cho người cha đáng kính này 1 công việc nào đấy, để cuộc sống hiện tại đỡ phần vất vả. Cảm ơn 2 bạn Trần Duy Cảnh và Hiệp Lực - TP.HCM đã có nhã ý bố trí công việc cho bác Nguyễn Hữu Định, tuy nhiên do ở quá xa nên bác Định không thể vào làm việc trong TP.HCM với công việc bào vệ được.

NÀY "NGƯỜI RỪNG"! VĂN MINH CHƯA HẲN ĐÃ LÀ HẠNH PHÚC!..

SM - Cuộc giải cứu có tinh thần... săn bắt của Công an huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, đã tìm ra 2 cha con người dân tộc Cor trốn bom đạn suốt 40 năm trời tận sâu trong rừng thẳm.

Nhiều người mừng cho họ đã trở về cuộc sống văn minh, nhưng đối với người đàn ông 40 năm hít thở không khí tự do của đại ngàn, văn minh chưa hẳn đã là hạnh phúc.

Cuộc sống và những vật phẩm đời thường của cha con ông Hồ Văn Thanh (82) và Hồ Văn Lang (41), có thể trở thành một câu chuyện gây hiếu kỳ cho những người được cho là văn minh.

Theo ghi nhận của tờ Dân Trí, cách đây 40 năm, căn nhà ông Hồ Văn Thanh đã bị đánh bom, làm vợ và 2 người con của ông chết.

Chạy trốn trong hoảng sợ, ông Thanh ôm con trai lúc đó mới 1 tuổi chạy vào rừng sâu trú ẩn.

Kể từ đó, hai cha con tự tạo ra những công cụ lao động săn bắn tự chế.

Lương thực cây mì, cây bắp, cây lúa.

Áo, khố dệt từ vỏ cây.

Thuốc thang lấy từ thiên nhiên sẵn có.

Nơi ở là một lều nhỏ dựng ở trên cây cổ thụ, có độ cao hơn 6m để tránh các loài thú rừng xâm hại.

Nếu toàn bộ cuộc sống của 2 cha con được ghi lại và rơi vào tay một nhà biên kịch Hollywood, có thể đó sẽ là một bộ phim kỳ thú về sức mạnh sinh tồn, về tình cha con, về mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên.

Không những thế, một “người rừng” không biết tiếng Kinh, hoang mang giữa những người tò mò xa lạ cũng có thể trở thành một bộ phim kể về cuộc sống hiện thực qua con mắt của anh ta.

Đó là cuộc sống của người hưởng thụ sự tự do trong những chiếc hộp bê tông tiện nghi, hàng ngày đi săn bắn trên con thú bằng sắt kêu ra thứ tiếng chói tai píp píp và khói ngột ngạt.

Họ tranh giành thức ăn, quyền lực bằng rất nhiều chiến thuật tinh vi, lắt léo hơn tất cả những gì Mẹ thiên nhiên đã dạy cho “người rừng” trong 40 năm qua.

 Xin chào “người rừng”!.

Chúc mừng anh chính thức bước vào một cuộc phiêu lưu mới trong phần đời còn lại.

Tại đây, thức ăn không hề khó kiếm ngoài việc nguy cơ nhiễm hóa chất khá cao.

Tại đây không có thú dữ, miễn là anh đi sang đường chú ý từ 2 phía, để không bị xe tông.

Nơi trú ẩn ở đây rất ấm cúng, khô ráo, sạch sẽ nhưng không khí khá là ô nhiễm.

Thú vui giải trí tại đây vô cùng phong phú, một trong số đó là ai cũng xem tivi nơi nuôi dưỡng các mơ ước cho tầng lớp thị dân sao cho: Thoát ra khỏi đô thị ồn ào, thoát khỏi các nỗi lo vào bệnh viện bị bác sỹ thờ ơ bỏ mặc, thoát khỏi hóa đơn điện nước đang ngày càng tăng giá, đổ đầy bình xăng mà không thấy ấm ức khó chịu trong lòng.

Nếu may mắn, sau 40 năm hòa nhập cộng đồng, với thu nhập dự tính là hơn nghìn đô mỗi tháng, “người rừng” biết đâu có được khoảng thời gian hưởng thụ cuối đời bằng một chuyến du lịch mang tên: Xin chào bạn đã trở về với thiên đường hoang dã hoàn hảo...
------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại

PHÁP LUẬT CÓ NGOẠI LỆ, HAY LẠI PHỤ THUỘC VÀO "ÔNG XÃ"?..

Đào Tuấn - Pháp luật không thể chỉ “vô tình” với một thủ khoa, nhưng là con của một nông dân thuộc diện hộ cận nghèo với chỉ “mấy sào ruộng”, từng phải bán cặp bò nuôi con ăn học.

Tháng 3 năm ngoái, “binh nhì” Bi Rain sang Việt Nam trong một không khí được mô tả là “nóng 1000 độ”.

Khoác trên mình bộ đồ nhà binh, anh đến Việt Nam với tư cách là một binh sĩ thuộc Đoàn Nghệ thuật quân đội Hàn Quốc, giao lưu theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Bi đã nhiều lần xin hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Và, trong đời chứ không phải trong phim, anh khoác lên người bộ đồ nhà binh khi đã 29 tuổi, khi đã trở thành một ngôi sao tầm cỡ thế giới, khi đã xuất hiện trong top những người ảnh hưởng nhất thế giới của Time, của People.

Các fan của anh tính rằng từ khi bước vào con đường nghệ thuật năm 20 tuổi, độ tuổi theo luật phải “đi lính”, mỗi năm, Bi dành khoảng 6-7 giải thưởng lớn trong 2 lĩnh vực mà anh tham gia là âm nhạc và điện ảnh.

Theo hiến pháp Hàn Quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng 2 năm, là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc đối với toàn bộ công dân nam có đủ sức khỏe.

Nhưng may cho Rain là anh chưa phải nhập ngũ, trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Trước đó, năm 2005, cả thế giới lên cơn sốt khi Hoàng tử của đế chế Anh, Harry nhập ngũ.

Và dù là “Đại úy xứ Wales”, Harry vẫn phải trải qua 44 tuần huấn luyện.

Trở thành thành viên lực lượng kỵ binh ngự lâm mũ nồi xanh.

Học lái trực thăng chiến đấu Apache.

Từng có mặt tại chiến trường nóng bỏng Afghanistan. Và căn cứ không quân của “Đại úy xứ Wales” tại Helmand đã bị Taliban tấn công, trong một cuộc tấn công mà quân đội Anh cáo buộc là “nhằm vào Harry với mục đích chính trị”.

Câu chuyện về “Đại úy xứ Wales”, hay chàng ca sĩ xứ Hàn đang cho thấy một điều rằng: Nghĩa vụ với Tổ quốc là thiêng liêng, và đã gọi là Luật Nghĩa vụ quân sự thì một ngôi sao không thể đi du học, Mỹ chẳng hạn, thay cho việc đi lính, hay nghĩa vụ của con một nữ hoàng thì khác với nghĩa vụ con một nông dân.

Ở Việt Nam, suốt một tuần qua, chủ đề nóng nhất trên tất cả các diễn đàn, mạng xã hội là trường hợp của cậu béTthủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến.

Thật khôi hài, trong khi ĐH Y đang “xin ưu tiên” để tránh nguy cơ những trường hợp “27,5 điểm, (tức hơn ba điểm 9 bình quân), vẫn trượt đại học” thì Thủ khoa lại có nguy cơ không được nhập học, vì đã nhận giấy báo nhập ngũ.

Theo Thông tư 13 của Bộ Quốc Phòng, quy định mới nhất về nhập ngũ: Trong cùng một thời điểm, nếu nhận được giấy báo nhập học và lệnh nhập ngũ, thì phải chấp hành lệnh nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Với lý do “theo luật”, với những cao cả, thiêng liêng, vinh dự, thậm chí, cả với triết lý “Quân đội là trường đại học lớn nhất”, không phải không có lý khi rất nhiều ý kiến cho rằng: Tiến nên nhập ngũ, trước khi nhập học, để trở thành “không chỉ là Thủ khoa trong văn hóa mà còn là Thủ khoa trong trách nhiệm”.

Nhưng cũng không phải không có lý, và cả có tình, khi vô vàn những ý kiến khác đồng ý rằng: Nên coi Tiến, cậu học trò từng đạt giải nhì học sinh giỏi cấp thành phố môn toán, một trong 140 học sinh tiêu biểu của thủ đô và hiện là Thủ khoa ĐH Y là một ngoại lệ, có thể được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Tạm hoãn chứ không phải không thực hiện nghĩa vụ.

Bạn hãy trả lời một cách công bằng: Một “bác sĩ Ứng Hòa” sau vài năm nữa sẽ tốt cho đất nước, tốt cho xã hội, tốt cho quân đội, tốt cho gia đình, và tốt cho chính một nhân tài tiềm năng như Tiến hơn, hay là một binh sĩ "thấp bé nhẹ cân" như hiện tại?..

Bạn hãy trả lời một cách trung thực: Nếu là cha mẹ Tiến, bạn muốn con mình dang dở giấc mơ để thực hiện nghĩa vụ mà vô số những người khác đã không thực hiện?.

Vừa năm ngoái, ngôi sao Hàn Quốc đang thi đấu cho CLB Asenal Park Chung Young, được cho phép hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian 10 năm, tới năm 2022.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu ngay bây giờ một ngôi sao sân cỏ đang ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp, phải ngừng đá bong để nhập ngũ?.

Câu trả lời là: Một ngôi sao sân cỏ 18, hay 2 năm không xỏ giày thì sau đó, hẳn nhiên anh chỉ có thể ra sân trong tư cách một… cổ động viên.

Hàn Quốc không có ngoại lệ, dù đó là một cầu thủ biểu tượng của đất nước, dù đó là một ngôi sao ca nhạc tầm cỡ thế giới.

Nhưng trong sự khắt khe “luật là luật”, nhưng trong sự “vô tình” của pháp luật, vẫn có những quy định nhằm đảm bảo sự hợp tình, hợp lý.

Hãy thử nghĩ xem, nếu Luật Nghĩa vụ quân sự Việt Nam được thực hiện một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ có một thực tế: 18 tuổi mới tốt nghiệp để thi Đại học. 18 tuổi là độ tuổi gọi nhập ngũ. Và nếu luật được thực hiện nghiêm, sẽ chỉ có nữ sinh viên ở độ tuổi 18?.

Hãy thử nghĩ xem khi trong thực tế, ngay ở xã Phương Tú của Tiến, có những người rớt đại học thì không “được” gọi nhập ngũ, còn thủ khoa ĐH Y thì nhập ngũ.

Ngay trong gia đình Tiến, Tiến nhận giấy gọi còn người anh em song sinh với cậu thì không. Phải chăng, pháp luật có ngoại lệ hay không lại phụ thuộc vào “ông xã”, mà chính xác hơn là phụ thuộc vào quan hệ với ông xã?.

Chẳng lẽ chúng ta phải “cố tìm một hạt nhân tích cực” rằng biết đâu việc cậu Thủ khoa nhập ngũ sẽ tạo ra một cơ hội cho một tân sinh viên khác, cũng ở độ tuổi cậu, nhưng không phải nhập ngũ khi nhận giấy báo trúng tuyển Đại học.

Điều cuối cùng, chắc các bạn sẽ đồng ý: Nếu Tiến không thể trở thành một ngoại lệ, thì mong trường hợp của cậu thủ khoa ĐH Y sẽ thành một tiền lệ để những hoàng tử, thiếu gia, muốn du học, muốn ra nước ngoài, muốn thành ông nọ bà kia, thì cứ hẵng nhập ngũ đi đã.

Pháp luật không thể chỉ “vô tình” với một Thủ khoa, nhưng là con của một nông dân thuộc diện hộ cận nghèo với chỉ “mấy sào ruộng”, từng phải bán cặp bò nuôi con ăn học.
-----------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt, không phải nguyên bản của tác giả.
* Một số hình ảnh đã đăng tải trên trang TCĐT FB chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

8 tháng 8, 2013

AI MÀ KHÔNG YÊU?..

Lên miền núi, gặp những cảnh lít nhít "lao động trẻ em", kiểu như: "Trứng gà trứng vịt" 4 - 5 tuổi trông em 3 - 4 tuổi từ sáng đến tối cho bố mẹ đi nương, lo từ rửa mặt đến cho em ăn, ru ngủ; bằng cái "mắt muỗi", 4 - 5 tuổi nhưng đã gò lưng chăn trâu - chăn bò, gò lưng kéo con vật to gấp mấy chục lần mình và con vật, có "tuân lệnh", cũng trong tâm thế... khinh khỉnh, không thèm chấp; 5 - 6 tuổi đã choàng sau lưng cái gùi nhỏ, lẫm chẫm vào rừng nhặt củi cùng bố mẹ; 6 - 7 tuổi, đã phải vác cuốc, cùng cục vỡ đất trồng ngô với gia đình...

Nhìn thấy chúng, tâm trạng của mình cũng chung với những người dưới xuôi mới lên là thở dài, lắc đầu: "Chẳng bù cho con mình, 7 - 8 tuổi còn phải đút cơm, mè nheo đòi ru ngủ!" và thực sự thương, thật sự xót xa cho những "mầm non đất nước", hầu như cả đời, chả bao giờ biết đến đu quay, thú nhún, hoạt hình hay đơn giản là 1 viên kẹo.

Yêu chúng nó lắm!. Chăm chỉ - đảm đang như thế, ai mà không yêu?.

Chỉ lau vết nhem nhuốc trên mặt, là lộ ra mắt đen láy to tròn, môi đỏ son hờn dỗi và má hồng phinh phính, ai mà không yêu?..

Rửa qua tay chân đen đúa, là lại thấy nần nẫn tay chân, da mát dịu dàng và lông tơ con trẻ phảng phất, ai mà không yêu?..

Và chị và em và bạn, có thấy yêu không, khi nhìn chúng chăm ngoan, giúp cha mẹ thế này?..

Nếu thực yêu, mình góp cho chúng manh áo, đôi dép, đôi ủng, quyển vở, cặp sách, gói kẹo... cùng AABC nhé!.

Gần 1.000 đứa trẻ của 2 xã vùng cao biên giới Sì Lờ Lầu - Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), toàn lít nhít Mầm non - Tiểu học người dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông đang ngóng mọi người lên thăm, dịp đầu năm học này, thật đấy!..
-----------------------------------------------
Xem về hoạt động của chương trình Áo ấm biên cương, tại ĐÂY

7 tháng 8, 2013

CÓ BAO NHIÊU CON CÁN BỘ LÊN ĐƯỜNG NHẬP NGŨ?..

Binh Nguyên FB - Chị gọi điện cho tôi, nói với giọng thảng thốt : "Em ơi! Có cách nào chạy cho thằng con chị khỏi bị gọi nhập ngũ, nó rớt Đại học rồi!. Có trường nào chị gởi, bao nhiêu tiền cũng được... Nếu không được chắc chị cho nó đi du học bên Sing, trường nào cũng được, miễn làm sao nó khỏi đi lính!".

Tôi hỏi chị : "Đi nghĩa vụ quân sự giờ chỉ có 2 năm mà chị, sao không để nó đi, rồi về học Đại học cũng không muộn mà?".

Chị cúp máy cái rụp, sau đó nhắn tin :"Tôi tưởng anh làm báo có thể giúp cháu, không ngờ anh tệ hại đến thế!".

Mấy hôm nay, lần lượt các trường Đại học công bố điểm.

Cộng đồng mạng xôn xao về quy định vẫn phải nhập ngũ, khi có giấy báo nhập học sau giấy gọi nhập ngũ.

Các gia đình có tiền đang chạy bằng mọi cách, để con khỏi đi lính.

Một số tờ báo cũng ra sức "tư vấn" cho thanh niên khỏi nhập ngũ...

Cha mẹ nào mà không thương con?.

Nhưng quốc gia nào mà khộng cần những người lính, vậy đi lính bây giờ chỉ là con nhà nghèo, những gia đình không có điều kiện kinh tế?..

Tôi nhớ, hồi học trung học thời chiến tranh biên giới Tây Nam, lớp tôi có đến gần 50% sĩ số học sinh nam lên đường nhập ngũ và gần 1/3 bạn bè đã không trở về...

Với nhiều quốc gia đang trong trạng thái chiến tranh như: Israel, nam nữ thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự được xem là bắt buộc; hay Hàn Quốc, bất luận là nhân tài hay người của công chúng, từ 18 đến 35 tuổi đều phải thi hành nghiêm luật nghĩa vụ quân sự 24 tháng (như trường hợp ca sĩ Bi Rain hay siêu sao Lee Jun Ki hay siêu cầu thủ Park Chu-Young)...

Việt Nam với "truyền thống yêu nước nồng nàn", sao lại có nhiều người muốn từ bỏ nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ngay cả khi ở thời bình?.

Hay bây giờ yêu nước chỉ là đóng góp tiền "Góp đá xây Trường Sa", đóng tiền An ninh quốc phòng, hô hào bảo vệ Tổ quốc trên báo chí, truyền thông... còn nghĩa vụ đi lính thuộc về trách nhiệm con nhà nghèo?..

Thử thống kê coi có bao nhiêu con quan chức từ cấp phường xã trở lên lên đường nhập ngũ?..
--------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

TỰ ĂN THỊT MÌNH, CŨNG CHỈ CÓ GIỚI HẠN

Đào Tuấn - Đối phó với giá xăng, xe máy 50 cm3 đã trở thành một ưu tiên lựa chọn.

Đối phó với bão giá, trong đó có “giá bão”, người ta ăn mì tôm ở nhà thay cho bát phở sáng.

Nhưng tự thắt, tự ăn thịt mình cũng chỉ có giới hạn.

“Tôi xin nói thành thật, cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá điện thì đều có tâm trạng rất khó tả. Một mặt thực tâm không muốn tăng giá điện bởi biết rằng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, đời sống nhân dân. Nhưng không thể không tăng bởi hiện giá điện đang thấp hơn so với giá kinh doanh, ngành điện thì lỗ…” - Đây là những lời tâm sự của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trước câu hỏi “chỉ trong 3 tuần cả giá điện và xăng dầu cùng tăng (dù chúng) là hai mặt hàng thiết yếu tác động rất lớn đến đời sống kinh tế”.

Và là câu trả lời trước ống kính truyền hình.

Phải nói ngay, ai ngồi chiếc ghế bộ trưởng Công thương bây giờ cũng khó có thể nói khác, về một tâm trạng khó tả, khi một bên là giá bán điện rẻ đến mức lợi thế thu hút đầu tư chỉ còn là sự bù lỗ và sự khó khăn, “đau lòng” của một ngành mà lương bình quân chỉ 7,3 triệu.

Và một bên là quảng đại quần chúng nhân dân đang trần mình trước bão giá.

Bộ trưởng có thể “khó tả” tâm trạng của mình, giữa một bên là sự thông cảm với người dân, và một bên là trách nhiệm của một vị Bộ trưởng, nhưng người dân thì biết rõ cảm xúc của mình.

Không phải là “tâm trạng khó tả” của một vị Bộ trưởng, mà là tâm trạng “không nói được thành lời” khi phải đo túi tiền trước bão giá, khi phải trách nhiệm bằng túi tiền ngày càng bọt bèo, trước những đứa trẻ con, trước gia đình và trước chính bản thân.

Nỗi bức xúc trước giá sữa đã tăng tới lần thứ 5 trong chỉ hơn nửa năm.

Sự phẫn uất trước “giá bão”, khi mà lương thực, thực phẩm tăng 400-500% chỉ vì một cơn bão.

Sự chán nản khi giá xăng chỉ cần chưa đầy 30 ngày để lập kỷ lục của kỷ lục.

Và, 24 tiếng sau khi ngành điện “chốt công tơ” với giá điện mới, và trong đúng ngày mà Bộ trưởng nói về “tâm trạng khó tả”, người dân lại được nghe lời than vãn của các DN xăng dầu.

Tất nhiên, là lại lỗ.

Và sau lỗ, có lẽ sẽ lại có một câu trả lời về một tâm trạng khó tả.

Nhiệm vụ của Bộ trưởng, của một "Tư lệnh ngành" là phải tính đến sự hợp lý của giá cả mỗi mặt hàng chiến lược.

Nhưng sự hợp lý đó, phải được tính toán trên sức dân, trên sự chịu đựng, và cả tâm trạng xã hội, một vấn đề thuộc phạm trù lòng dân, chứ không phải, không bao giờ chỉ là tính toán trên việc lỗ lãi lạnh lùng thuần túy kinh tế.

Đối phó với giá xăng, xe máy 50 cm3 đã trở thành một ưu tiên lựa chọn.

Đối phó với bão giá, trong đó có “giá bão”, người ta ăn mì tôm ở nhà thay cho bát phở sáng.

Nhưng tự thắt, tự ăn thịt mình cũng chỉ có giới hạn.

“Tôi nghĩ rằng khi người dân hiểu được sẽ rất thông cảm”- Bộ trưởng Hoàng bảo thế.

Nhưng người dân muốn thông cảm trước hết cũng cần được thông cảm.

Bởi có lẽ, chỉ khi thực sự hiểu và thông cảm cho tâm trạng của người dân, Bộ trưởng mới có thể tả chính xác cảm xúc của mình khi gật hay lắc với giá điện, giá xăng, giá sữa… những mặt hàng thiết yếu, đầu vào, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương, những loại giá đang tăng “quá tả” so với tấm lưng còng của người dân.
--------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh minh họa dã đăng trên trang OF, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

6 tháng 8, 2013

NƯỚC BIỂN TRƯỜNG SA, MẶN NHƯ MÁU

Giang Mèo FB - Hôm nay đi uống cà phê với anh bạn, tình cờ gặp một "Nhà báo trẻ", hiện đang làm việc ở một cơ quan Báo chí có tiếng nói (vì lý do tế nhị không tiện nêu tên).

Câu chuyện trà dư tửu hậu bắt đầu chưa lâu thì vô tình nhắc đến Trường Sa, "Nhà báo trẻ" quay sang hỏi anh bạn rằng:

- Hỏi thật anh chứ!. Trường Sa có gì hay không mà cứ phải đi. Em thì thấy vô nghĩa, mỗi người đi Trường Sa phải tiêu tốn vài chục triệu đồng, tiền đấy mà cho em đi Thái Lan chơi còn sướng hơn!..

Câu chuyện dường như rơi xuống vực thẳm, không còn gì để nói và "Nhà báo trẻ" nhanh chóng chuyển chủ đề sang việc viết bài "bênh", "đỡ" cho đơn vị nọ, cơ quan kia... với barem giá cả bao nhiêu...

Thực sự là bất ngờ với phát ngôn của "Nhà báo trẻ".

Nếu đây là ý kiến của một thanh niên bình thường, thì cũng đã khó nghe rồi, ấy thế mà lại được phát ra từ một người làm nghề "định hướng dư luận xã hội", tuyên truyền, giáo dục điều tốt đẹp của cuộc sống cho mọi người...

Hơn thế nữa, "Nhà báo trẻ" ấy còn công tác ở một tờ báo có tính lý luận, chiến đấu cao...

Rõ ràng là đang có một bộ phận "Nhà báo trẻ" bắt đầu làm nghề nhưng đã lệch lạc tư tưởng, mất phương hướng lập trường và có những lỗ hổng khó thể vá lấp trong tâm hồn.

Đừng nói đến chuyện đi rao giảng ra sao, định hướng ai, đấu tranh gì, khi mà chính trái tim mình không có được tình yêu cơ bản nhất, là yêu quê hương đất nước...

Xã hội hiện đại, không ít thanh niên có thể rồ dại lên vì một "hot boy" ngoại quốc, thức khuya dậy sớm, xoay sở bằng mọi cách để nhìn thấy thần tượng nước ngoài, rơi nước mắt vô chừng vì một ca sĩ trẻ ra đi...

Nhưng có khi hỏi họ về nguyên quán, về dòng họ, về gia đình thì lại mù tịt, hay cũng chẳng bận tâm, không mảy may rung động biết tin những người lính ngã xuống ngoài đảo xa để bảo vệ cho đất nước này, cho họ ngày ngày làm anh hùng trên bàn phím...

Chuyện thời cuộc, xã hội muôn vàn chẳng thể lạm bàn, bởi mỗi thời mỗi khác.

Nhưng không lẽ, những người "cầm bút đi chở đạo" còn đang loay hoay học làm nghề cho đúng, đã chệch hướng, đổi thay, mông lung vô định vậy sao... Thật đáng buồn!.

Có lẽ "Nhà báo trẻ" ấy sẽ chẳng bao giờ hiểu được: Không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa.

Mặn như máu...
-------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả Trường Giang (Báo QĐND).
* Hình minh họa đã được đăng tải trên trang CLB ảnh Chiến sĩ.

VIÊN KẸO NGỌT, CHO CON TRẺ BIÊN CƯƠNG


AABC - Gần chục chuyến hàng ở năm học 2012-2013 vừa rồi của Áo ấm biên cương (AABC) lên các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái và huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), trong túi quà cho bọn lít nhít vùng cao biên giới, luôn có 1 túi bánh kẹo nho nhỏ xinh xinh, đủ loại sắc màu óng ánh, đến mình nhìn cũng thích.

Hôm rồi, chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên trong năm học mới 2013-2014 lên Phong Thổ - Lai Châu, mấy anh em Ban Điều hành AABC ngồi bàn về cơ cấu phần quà cho chuyến đi tới, cứ nâng lên đặt xuống và rút cục thống nhất tạm dừng duy trì cái túi bánh kẹo nhỏ xinh, chỉ để lại mỗi phần kẹo, khi trao áo - ủng - dép - chăn màn, sẽ bốc tay chia vậy...

Hơn 1.600 phần quà, trong thời suy thoái kinh tế, mọi người cũng khó khăn chẳng ủng hộ được nhiều, nên bọn mình cũng đành "cắt giảm" từ cái bánh, túi nilong cho con trẻ, buồn lắm chứ...

Nhưng gì thì gì, vẫn phải giữ được ít kẹo, để chia cho chúng khi gặp mặt, bởi mình nhìn được sự sung sướng - thèm khát khi nhìn thấy tấm bánh, cây kẹo và hạnh phúc đến tột độ của chúng, khi cẩn thận - gượng nhẹ liếm chút chút thứ ngọt dịu hiếm hoi ấy.

Và tự dưng lại ước có 1 nhà máy hoặc xưởng sản xuất bánh kẹo, kiểu như Hải Hà hay Kinh Đô gì đó, để thi thoảng gửi vài thùng bánh kẹo, cho bọn lít nhít thèm khát vùng cao ngất, biên cương...

CÔNG BỐ KỶ LUẬT TRÙNG SINH NHẬT ÔNG KIM, KHI LIÊN HOAN, LẬP ĐỨNG LÊN HÁT "CUỘC ĐỜI VẪN ĐẸP SAO, TÌNH YÊU VẪN ĐẸP SAO"...

Trần Đình Triển - Qua vụ việc của ông Đinh Đức Lập (Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết - TBT ĐĐK) tôi thật sự đau buồn, vì đây là tờ báo, nói tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), mà Luật đã quy định rõ :

“Điều 1. MTTQVN trong hệ thống chính trị

1- MTTQVN là tổ chức Liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2- MTTQVN là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Điều 2. Nhiệm vụ của MTTQVN

MTTQVN có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới”...

Đinh Đức Lập đã có đủ căn cứ dấu hiệu làm giấy tờ giả, được bổ nhiệm chức TBT và được cấp Thẻ Nhà báo trái quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; có dấu hiệu: Làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, quản lý tài sản, sử dụng – chiếm giữ trái phép tiền bạc của cán bộ phóng viên trong Báo ĐĐK có động cơ tư lợi…

Tất cả những nội dung trên được 1 số anh chị em phóng viên, lãnh đạo một số Ban của Báo ĐĐK khiếu nại, tố cáo là có căn cứ.

Nhưng lạ lùng thay:

- Cơ quan Trung ương MTTQVN thanh tra,xác minh, kết luận giải quyết khiếu nại - tố cáo nhưng đến nay chưa cung cấp thông tin và thông báo, công bố kết quả hoặc quyết định giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo (theo quy định tại  Điều 12, điều 14 và điều 15 Luật Khiếu nại; Điều 9 và điều 11 Luật Tố cáo).

14 giờ ngày 08/7/2013, tôi đến Tòa soạn Báo ĐĐK để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đặng Thị Kim Ngân (là một trong những người khiếu nại - tố cáo Đinh Đức Lập), đang bị Hội đồng Kỷ luật của Báo họp xét kỷ luật.

Tôi đã và đang thực hiện đúng quy định của Bộ Luật lao động, Luật Khiếu nại, Luật Luật sư, Luật Viên chức...

Tôi không nhận được giấy mời hoặc trả lời của trụ sở Báo trước đó, tôi biết thông tin từ thân chủ và đến trụ sở Báo, thì bị ông Đinh Đức Lập chỉ đạo nhân viên tìm mọi cách và viện mọi lý do, không cho tôi làm việc theo quy định của pháp luật.

Trước tình cảnh đó, tôi đến trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQVN, với ý định gặp Lãnh đạo báo cáo và trình bày quan điểm của mình.

Tôi gặp 1 chị còn rất trẻ (ở hành lang), đưa giấy giới thiệu và hỏi phòng của Chánh - Phó Văn phòng để xin đăng ký làm việc với Chủ tịch MTTQVN.

Tôi thật bất ngờ, chị ấy thốt lên: "Ôi! lại chuyện ông Lập, ông ta buồn cười và nghênh ngang lắm. Hôm công bố kỷ luật Đảng với mức khiển trách với ông ấy, trùng với ngày sinh nhật ông Vũ Trọng Kim (UVTW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTWMTTQVN). Liên hoan chúc mừng ông Kim, thì ông Lập đứng lên hát bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”...

Tôi lặng lẽ suy tư và đoán biết nguyên nhân sâu xa của vụ việc,"chờ cho” Đinh Đức Lập “vung dao - múa kiếm” “triệt hạ” những nhà báo chân chính vì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Văn phòng Luật sư Vì dân sẽ lên tiếng đến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước để xử lý.

Tôi tin Đảng, tin Nhà nước, tin nhân dân, lẽ phải sẽ được bảo vệ, cho dù kẻ đó là ai?. Đứng sau che chắn cho Đinh Đức Lập.
---------------------------------------
* Một số hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết của LS Trần Đình Triển, đăng trên mạng xã hội FB.

5 tháng 8, 2013

BỘ TRƯỞNG KHÔNG TẮM BÙN?..

Đào Tuấn - Có thể, sẽ là quá sớm, quá cưỡng từ đoạt lý để coi những sự có mặt của Bộ trưởng Thăng ở Cần Giờ, hay Bộ trưởng Dũng trong một Hội thảo là tấm lòng, là sự vì dân của một chính khách. Nhưng ít nhất đó là sự tự trọng.

Ngày 12/3/2006, một vụ tại nạn thảm khốc đáng ghi vào lịch sử ngành đường sắt khi vụ tai nạn ở Lăng Cô đã tước đi sinh mạng của 11 người dân và làm 160 khác mang thương tật.

11 ngày sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT mới có mặt ở BV Trung ương Huế để thăm các… bác sĩ và thị sát (lại) hiện trường vụ tai nạn.

Trong 11 ngày đó ông đã bận gì, đã ở đâu?.

Báo Tuổi trẻ cho biết ông đã không có mặt ở Lăng Cô sau tai nạn thảm khốc, mà đến Nha Trang để tắm bùn.

Mà tắm bùn không miễn phí như tắm biển, khi một xuất phòng VIP vài giờ có giá 240 USD.

Và cảnh tắm bùn ông Bộ trưởng tắm bùn xuất hiện trước mắt đoàn cán bộ, PV Tuổi trẻ và các thầy cô giáo vào thăm quan khi đó vô tình đi ngang qua.

Thái độ của những người chứng kiến cảnh một vị Bộ trưởng tắm bùn khi người ta còn tất bật với việc cứu hộ, cấp cứu, và chôn cất những nạn nhân xấu số, được mô tả trong hai chữ “phẫn nộ”.

“Ai cũng có quyền đi tắm bùn, tắm biển. Ai cũng có quyền đi đây đi đó. Nhưng một nhà chức trách đôi khi bị tước cái quyền riêng tư đó để mà lo bổn phận của mình trước dân chúng. Huống chi, đây lại là một Ủy viên T.Ư Đảng, một Bộ trưởng, một cựu Tổng Giám đốc Đường sắt VN và lại là Đại biểu Quốc hội của một tỉnh miền Trung?" - Đó là những dòng chữ xuất hiện sau đó trên nhật báo Tuổi trẻ.

7 năm sau đó, cũng lại một vụ tai nạn đường sắt, cũng một vị bộ trưởng GTVT, nhưng thật may cho dân chúng là đã có sự thay đổi cơ bản.

Bộ trưởng đương nhiệm đã có mặt kịp thời trong vụ TNGT đường sắt ở Hải Dương hôm 10/7/2013, và sau đó, ông thẳng thắn phê bình lãnh đạo ngành đường sắt: “Tai nạn xảy ra mà Bộ trưởng biết thông tin trước cả các bộ phận chuyên môn. Trong khi đó, lãnh đạo ĐSVN không kịp thời có mặt ở hiện trường vụ tai nạn” (khi Bộ trưởng thoại thì thậm chí vị lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN vẫn đang ngồi trong phòng làm việc).

Đếm hôm qua, khi quyết định hoãn toàn bộ chương trình công tác để đích thân tới hiện trường chỉ đạo cứu nạn vụ đắm tàu ở Cần Giờ, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gián tiếp trả lời cho dân chúng rằng tại sao ông có quyền phê bình cấp dưới “không có mặt kịp thời” trong các sự cố thuộc trách nhiệm của ngành.

Cũng trong ngày cuối tuần vừa rồi, khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng xuất hiện trong một hội thảo về Luật Xây dựng, ngay tại chỗ, đã ít nhất có 3 ý kiến “đánh giá cao sự có mặt của Bộ trưởng” khi trong vô số các hội thảo khác, dù đóng vai trò trưởng ban soạn thảo luật, nói như ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh, các tư lệnh ngành thường xuyên ủy quyền cho cấp thứ trưởng, và trong không ít trường hợp, các thứ trưởng còn ủy quyền cho cấp dưới nữa.

Một Bộ trưởng có mặt tại hiện trường điểm nóng.

Một Bộ trưởng đến lắng nghe ý kiến về sự án luật mà mình là Trưởng ban Soạn thảo.

Và sự hài lòng từ dư luận.

Nhưng sự tán đồng đó cũng đang cho thấy một điều, những đáng lẽ bình thường có lẽ bây giờ hơi hiếm.

Có thể, sẽ là quá sớm, quá cưỡng từ đoạt lý để coi những sự có mặt đúng lúc, đúng chỗ, là tấm lòng, là sự vì dân của một chính khách.

Nhưng ít nhất sự tự trọng với hình ảnh, với trách nhiệm, với công việc là cần thiết đối với một người chăn dân, theo quan niệm phong kiến, hoặc một “tư lệnh ngành” như cách nói đương đại.

Nhưng sự tự trọng lớn nhất, không phải là việc xuất hiện đúng lúc, đúng nơi, mà còn phải là văn hóa từ chức, giống như Thủ tướng Hàn Quốc đã tự trọng xin từ nhiệm khi dư luận bất bình trước việc ông ham chơi golf, khi có một cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc.
-------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả
* Một số hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.