9 tháng 2, 2013

NỒI CÁ KHO TIỀN TRIỆU


Mai Thanh Hải - Vẫn biết là khủng hoảng kinh tế, đời sống khó khăn, đâu đâu cũng kêu như vạc, nhưng ngồi đâu cũng nghe thấy dân tình háo hức khoe chuyện săn tìm - thưởng thức đặc sản trong mấy ngày Tết. 

Lạ nỗi, càng những thứ bình dân, cỏ giả ngày xưa, bây giờ lại được coi là đặc sản và lùng tìm, mang biếu xén nhau, rất hỉ hả.

Cá kho Nhân Hậu là một trong những loại được tìm mua, cao hơn với giá thực của chúng, như vậy.

Mình về Hà Nam, ghé qua quê hương của nhà văn Nam Cao, làng Đại Hoàng (nhiều người vẫn gọi bằng cái tên làng Vũ Đại - tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao) nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân - Hà Nam, ai cũng bảo: "Làng giờ giàu to bởi không chỉ nghề dệt, trồng chuối ngự, hồng... mà vài năm nay còn được biết đến với những niêu cá kho bán đi khắp nước.

Người già trong làng lẩn mẩn: Ở quê, món cá kho đã có từ rất lâu và nhà nào cũng làm được nhưng kho cá để bán thì gần đây mới rộ lên.

Thời HTX công điểm, mỗi gia đình đều được chia thịt, cá ăn Tết, mỗi nhà dăm bảy cân cá không thể ăn hết ngay được nên người dân đem kho để ăn dần đến rằm tháng Giêng.

Ngày thường, cá kho vẫn luôn là món ăn quen thuộc với mọi người nhưng niêu cá kho ngày Tết bao giờ cũng được để tâm hơn rất nhiều.

Cá trắm kho trong nồi đất với nhiều loại gia vị (như: riềng, gừng, nước tương cua) thịt rắn chắc nhưng xương đã mục, để nguội mà vẫn thơm phức, có thể ăn với cơm trắng nóng hay ăn với bánh chưng cũng rất ngon.

Trời lạnh giá, hay mưa phùn gió bấc chẳng ai quên niêu cá kho mỗi khi đến bữa…

Nhớ lại hồi chập chững bước chân vào "kinh tế thị trường", làng Nhân Hậu vẫn không quên: "Khách hàng tiềm năng" đầu tiên là Huyện đội Lý Nhân, năm 1981 đã về làng đặt 70 nồi cá trắm kho để làm quà biếu dịp Tết...

Bây giờ, nghề kho cá đã là nghề chính của làng. Từ đầu tháng chạp đến áp Tết là thời điểm bận rộn nhất của cả gia đình.

Già trẻ, lớn bé đều ai vào việc nấy, người mổ cá, người giã riềng, giã gừng, người lo bếp núc tấp nập. Có năm kho vài trăm nồi, năm nhiều hơn thì cả ngàn nồi. Tất cả đều là cá trắm đen.

Tết Tân Mão vừa qua, có đến hàng vài chục nghìn nồi cá kho của làng được tiêu thụ, với giá tiền mỗi nồi ít nhất là 500.000 đồng, cao nhất lên đến cả triệu bạc.

Mình hỏi chuyện kho cá, các chủ nhà đang túi bụi chuyện kiếm tiền, chả muốn ỏ ê gì cả, nhưng thấy mình đi với Trưởng Công an xã Hòa Hậu tên Thỏa (đồng thời cũng là 1 trong những "đại gia kho cá" trong xã), đành vừa đếm tiền vừa ấm ứ trả lời.

Đại loại: Kho một nồi cá ngon không khó, tuy nhiên cần để ý thời tiết.

Trời nồm, thức ăn rất dễ bị thiu, cá kho chỉ nên sử dụng trong vòng 5 ngày, nên khách hàng đặt ngày mai lấy thì hôm nay mới kho.

Công đoạn của một niêu cá tuy không quá phức tạp nhưng cũng rất cần chuẩn bị kỹ càng, tỉ mỉ.

Do cá trắm đen không thể nuôi đại trà như trắm cỏ nên cần được gom sẵn từ trong năm, thả ở các ao và gần Tết bắt lên cho sống trong bể lớn. Cá trắm đen dùng để kho thường có trọng lượng 3-4kg/con.

Cá được làm sạch, bỏ đầu, đuôi, ruột và không đánh vảy. Sau khi xếp một lớp riềng thái miếng xuống đáy nồi, bắt đầu xếp cá vào nồi, trên cùng là riềng và gừng giã nhỏ, người ta cho kẹo đắng, nước mắm vào nồi cá và đun cho đến khi nồi cá sôi thì cho thêm gia vị gồm, mỳ chính, chanh hoặc quả chấp (khoảng 4 quả).

Trước đây, người Nhân Hậu còn sử dụng nước tương cua để thay nước mắm cũng làm cho nồi cá rất ngon. Kho cá phải đun nhỏ lửa, sau khi sôi nồi cá chủ yếu được giữ nhiệt bằng than và trấu. Củi đun dùng củi nhãn phơi thật khô để kho cá.

Để tránh nhiệt không đều, xung quanh khu vực bếp đun được che chắn gió bằng những tấm bạt.

Món cá kho thường được đun trên bếp củi từ 13 đến 17 tiếng đồng hồ, khi nào nước trong nồi vừa cạn hết là được. Cá kho thường có màu vàng sậm, thịt cá thơm ngon, rắn chắc, xương cá nhừ có thể ăn được.

Sau khi nồi cá nguội, người ta đậy vung nồi đất và cho vào hộp các- tông để tiện cho việc vận chuyển đi các nơi...

Nói thì vậy thôi, nhưng nhiều người bảo: "Dịp Tết, làm cả vạn nồi cá, sao mà "đủ chuẩn" được, nên bị thiu - mốc là chuyện chả tránh khỏi" và khuyên mình: "Về tự kho lấy con nhỏ, mà ăn cho chắc!".

Mình, tất nhiên là chả có tiền để mua 1 nồi cá, giá thấp nhất là 600.000 đồng và nhiều hơn, lên đến vài triệu.

Số tiền ấy, có khi hơn cả khoản thưởng Tết cho 1 công nhân - giáo viên đang lay lắt khắp mọi miền Tổ quốc, trước ngày Tết nhất và mình, không thể có tiền để mua "ăn" những "cá chậu - chim lồng", vì một nỗi "ôn nghèo kể khổ" đúng năm mới sang Xuân, khi còn bao nhiêu người, đến gạo nấu cơm cũng thiếu...
--------------------


CỨ PHẢI MỪNG MÙA XUÂN...

Khẩu hiệu tiến bộ, đúng bản chất khiến người đọc nhẹ hẳn người, không còn nặng trình trịch như mấy chục năm qua "Mừng Đảng, mừng Xuân".
Cứ mong những khẩu hiệu như này, được phổ biến rộng rãi, chứ không lẻ tẻ ở những nơi nông thôn, xa xôi như xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội thế này.
Ờ!. Đừng có tưởng dân thành phố, học hành cao, tiếp xúc nhiều là... "tiến bộ", "nhận thức nhanh" nhé!. Riêng khoản khẩu hiệu này, nội thành Hà Nội cứ gọi xã Thuần Mỹ là cụ, chứ chẳng chơi...


GÓI BÁNH Ở ĐẢO XA

Mai Thanh Hải - Thì cũng biết là mùa Xuân thập thò ngoài cửa rồi đấy, nhưng ở đảo, đến cỏ cây còn chật vật sống, lấy đâu ra quất xanh, mai vàng, đào thắm, hay đơn giản là những bông hoa tươi rộn màu, để biết "tín hiệu mùa Xuân"?..

Thế nên, cái gọi là không khí Xuân, trông hết vào chuyến tàu chuyển hàng Tết, duy nhất và chật vật vượt sóng to ra với đảo, vừa thở hổn hển vừa cố hết sức hú còi, mệt nhoài cập bến.

Hàng Tết được được gượng nhẹ đưa lên bờ.

Ban đầu là mấy cây quất, vốn buộc chặt dưới chân cẩu trên khoang giữa và bịt kín chắn sóng gió bằng vải bạt, được người dưới tàu, kẻ trên bờ hò reo bồng trên tay, vác trên vai đưa lên khéo léo, không rụng 1 quả vàng, lá xanh.

Sau mới đến trăm thứ bà rằn và... bí mật khác.

Cây quất ở bờ, có đẹp lắm cũng chỉ khiến mình nhớ đến... món bánh đa cua Hải Phòng dùng quất thay chanh vắt vào cho có vị, nay ra tới đảo, thành "đồ độc", vàng hươm cả bến cảng trùi trũi tàu chiến đấu, lạnh ngắt súng pháo và cứng quèo những quân phục, đủ các quân binh chủng.

Duy nhất quất thay đào, mai và mọi thứ hoa tươi khác (bán la liệt trong đất liền), nên được ưu tiên chỗ trung tâm trong Hội trường của toàn đơn vị, cho lính ta đến ngắm nghía, hít hà, đỡ nhớ quê hương.

Còn lại, ở các đơn vị, lính ta đành dùng củi khô làm cành, giấy hồng làm hoa, vải nhựa bảo quản làm lá... tỉ mẩn cắt dán, bao bọc, biến thành những cành hoa đào, y như thật và đặt trong các Phòng đón Xuân.

Thế nhưng khoái nhất, có không khí nhất là công đoạn gói - luộc và chén bánh chưng.

Người ta bảo "Ở đảo, có tàu ra là vui như Tết". Dịp này tàu ra, khái niệm Tết nhân gấp vạn lần, bởi là thực, chứ chẳng ví von - kiểu cách gì nữa.

Hàng từ tàu chuyển lên bờ, tập kết tại bộ phận hậu cần.

Đúng giờ thông báo, các đơn vị cử người lên nhận đủ thực phẩm, từ bánh mứt kẹo chè thuốc, cho đến thịt gạo măng miến... và nhất là lá dong, đỗ xanh, gạo nếp để về tự gói bánh.

Nhận hàng, lính ta cứ chen nhau sờ sẫm bó lạt trắng gân, tấm lá dong xanh mướt và lại í ới, say sưa nói chuyện "Tết quê tao, Tết quê mày", như thể đang ngồi góc sân, nhìn gia đình chuẩn bị Tết.

Í ới thế đấy, có khi quên khuấy việc ngâm gạo, đãi đỗ, rửa lá... khiến các anh lớn phải sốt ruột nhắc, đám lính trẻ mới ra đảo (cũng là ăn cái Tết đầu tiên, có khi duy nhất xa nhà) mới tóe ra làm chân phụ giúp cho "trưởng nhóm".

Cái chức "Trưởng nhóm ngâm gạo", "Trưởng nhóm đãi đỗ"... là do tự phong với nhau, cho người làm nhiệm vụ ấy, bởi lính trẻ mới xa nhà, toàn 18-20 còn chưa vỡ giọng, lóng ngóng bao giờ biết gói - nấu bánh chưng?..

Nhưng oách nhất, phải kể đến chức "Trưởng nhóm gói bánh", bởi đây là người khéo tay và chuyên nghiệp nhất. Đồng nghĩa với việc: Không khí - hương vị Tết của toàn đơn vị, tùy thuộc vào đôi tay này...

Đến giờ gói bánh, chả cứ chiến sĩ, mà ngay các sĩ quan, cũng cứ lần nữa công việc, tìm cách chạy xuống bếp, xuýt xoa xem gói bánh.

Cũng lá dong, lạt trắng, gạo thơm, đỗ vàng, thịt lợn rắc tiêu bắc... nhưng chiếc bánh đúc trong khuôn gỗ, có cảm giác như to hơn, thơm hơn và ngon hơn rất nhiều.

Cũng đúng thôi: Nơi địa đầu Tổ quốc, càng ngày Tết càng căng như dây đàn, bởi kẻ thâm hiểm bao năm nay cứ rình những lúc ta thành kính hướng về tổ tiên - nguồn cội, những giá trị tinh thần bất biến bao nhiêu năm, để gây sự và gây rối... thì cảnh được thảnh thơi thưởng thức chút hương vị hậu phương, trong khi đồng đội đang thay mình, chong súng trực gác, đã là hạnh phúc lắm rồi.

Giá trị của những người lính bảo vệ đảo tiền tiêu trong thời bình, không đơn giản là việc "trồng rau, lau súng" như ở trong đất liền, mà cụ thể nhưng cũng không hề so sánh - đo đếm được, là chấp nhận đối đầu với bom với đạn, trong khi hậu phương có khi chưa kịp nghe tiếng đạn bom ấy vọng vào.

Giá trị đó, đọng lại trong những sự thiếu thốn nhỏ nhoi, khát khao bình thường, nhưng vẫn nén lại trong một tập thể biết nén lại, để vun đắp cho sứ mệnh cao cả: "Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia", "Không để Tổ quốc bị bất ngờ"...

Và giữa những ngày giờ vất vả, gian lao, căng thẳng ấy, chẳng gì giá trị, khi chứng kiến cảnh: Những người lính đảo ngọng nghịu học gói bánh chưng chào Tết, đón mùa Xuân?..
-----------------------------------------------------------------------------------



7 tháng 2, 2013

SÓNG ĐIỆN GIỮ MÙA XUÂN

Csphoto - Một ngày lạnh nhất, tại Hà Nội, chúng tôi đã tới Đoàn Thông tin Sóng điện (Quân chủng Phòng không - Không quân). Những tiếng cười trong vắt, những ánh mắt trong veo của các nữ chiến sĩ, tiết trời như cũng bớt lạnh hơn, không khí ngập tràn cảm xúc ấm tình đồng đội.

Csphoto xin giới thiệu một số hình ảnh nữ chiến sĩ  Đoàn Thông tin Sóng điện, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tác giả: Phạm Nam Yến.
----------------------------

* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại.

6 tháng 2, 2013

"CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP"?...


Mai Thanh Hải - Có 1 cuốn sách mang tên "Chân trần chí thép", ca ngợi ý chí của những chiến sĩ Quân giải phóng, trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Mình rất thích tư tưởng xuyên suốt trong cuốn sách: "Những người nông dân, chịu mọi khó khăn thiếu thốn vất vả gian lao, với đôi chân trần, nhưng đã đánh bại những binh lính được trang bị tận răng, vũ khí tối tân hiện đại, điều kiện tiện nghi...".

Đấy là chuyện ngày xưa, tưởng như chỉ trong sách vở - hồi ức.

Nhưng có đi miền núi - biên giới, mới thấy những "chí thép" này vẫn còn nhiều lắm lắm, ở khắp các bản làng, con đường, ruộng nương.

Kiên cường và bền gan hơn, những "chí thép" này chẳng là du kích, bộ đội, người lớn mà chỉ lũn cũn vài ba tuổi trở lên, chịu đựng và chấp nhận.

Mỗi chuyến đi của chúng mình lên biên giới, đều gắng lo cho bọn trẻ, mỗi đứa 1 đôi ủng cao su xanh đỏ tím vàng hoặc "hẻo" quá, cũng 1 đôi dép nhựa màu trắng.

Sau khi trao quà, thường là chúng nó khoác ngay áo mới, chụp ngay mũ mới và đi luôn ủng mới, chạy tóe ra khỏi lớp, về nhà, như 1 đàn gà con.

Lúc ấy, đứng nhìn chúng ngật ngưỡng trong ủng mới cứng, tay khư khư cầm túi ni lông đựng đồ cũ vừa thay ra, thấy yêu và thương vô cùng...

Thế nhưng cũng có những chuyến, chỉ huy động đủ tiền mua áo mũ, không có ủng - dép, khi trao quà, chả dám nhìn vào chân chúng nó...

Và lại ước: Mỗi chuyến đi, xin thêm được vài triệu thôi, để mua cho chúng mỗi đứa một đôi ủng, trị giá có vài chục nghìn, để những cảnh "chân trần, chí thép" không còn nặng nề trong ngực, tự hào thật đấy nhưng cũng rất đỗi xót xa...

Tết nhất thế này, ngoài 3.000 đứa lít nhít đã được tặng ủng - dép của Áo ấm biên cương tại 4 địa phương trong năm qua, còn bao nhiêu đứa nữa vẫn chân trần, đạp núi, nhỉ?..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Hình ảnh trong bài viết được ghi lại trong những chuyến khảo sát, thực hiện trao quà tại Mường Nhé (Điện Biên), Bảo Lạc (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang), Trạm Tấu (Yên Bái) và hình ảnh cung cấp của các đồng nghiệp, các thành viên diễn đàn - mạng xã hội FB, xomnhiepanh.com, OF, phuot.net...