13 tháng 7, 2013

CHUYỆN CÔNG AN CUỐI TUẦN (3): ĐẠI TÁ..

NĐT - Tác giả kịch bản phim 'Bí mật Tam giác Vàng' bị đe dọa.

Thật bất ngờ, người đe dọa Nhà văn Nguyễn Như Phong không phải “dân giang hồ” hay kẻ buôn bán ma túy mà là một Đại tá Công an, Nhà thơ.

Chiều ngày 6/6/2013, khi đang ngồi chơi ở phòng làm việc của Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, Nhà văn Nguyễn Như Phong bất ngờ bị đồng nghiệp cũ (cũng là một Đại tá, Nhà thơ) có những lời lẽ chửi bới và dọa đánh.

Nguyên nhân của sự xích mích này khá buồn cười: Người này cho rằng, Nhà văn Nguyễn Như Phong đã mang anh ta vào phim “Bí mật Tam giác Vàng” để bêu rếu.
Một cảnh trong phim "Bí mật Tam giác Vàng"

Trao đổi với chúng tôi, Nhà văn Nguyễn Như Phong cho biết: “Thú thật là tôi cũng nghĩ mãi không ra chi tiết nào gắn với anh ta mà anh ta lại “bắt vạ” tôi. Mãi lúc sau, hỏi nhiều người tôi mới biết là trong tập 3 của bộ phim có đoạn hai nhân vật kháo nhau về một gã nhà thơ chuyên viết thơ nịnh vợ nhưng lại "xơi" cả con gái nuôi của vợ khiến bà vợ uất ức tự tử.

Tác giả của “Bí mật Tam giác Vàng” tủm tỉm cười với phóng viên: “Quả là tôi không hình dung ra nổi, đúng là lần đầu tiên trong đời có một người lại tự mang nhân vật trong phim luận vào bản thân. Lúc đầu tôi cũng hơi giận nhưng sau nghĩ lại thấy buồn cười”.

Khi vụ việc xảy ra, rất may có sự can thiệp kịp thời của Đại tá Đặng Văn Lân nên không xảy ra điều gì đáng tiếc.

P.V

CHUYỆN CÔNG AN CUỐI TUẦN (2): THƯỢNG TÁ

TPO - Sau vụ va chạm giữa ô tô và xe máy khiến cụ già ngồi sau bị thương, một người đàn ông ngồi trên ô tô bước xuống, tự xưng Thượng tá Công an dọa nạt mọi người.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15h30, ngày 12/7/2013 tại km9 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội theo hướng Ngã Tư Sở về Hà Đông.

Theo nhiều nhân chứng, vào thời điểm trên, chiếc ô tô Kia Spride mang BKS 33H-7589 đã đâm vào xe gắn máy mang BKS 29 -620XE đi cùng chiều.

Vụ va chạm khiến cụ già ngồi sau xe gắn máy là Hà Văn Quang, 79 tuổi, trú tại Vĩnh Hồ, Thái Thịnh (Đống Đa) bị thương, phải đưa đi viện cấp cứu.

Tại hiện trường, chiếc xe gắn máy nằm đổ nghiêng giữa đường, cách ô tô hơn 1m.

Trên xe ô tô lúc đấy có 4 người.

Sau khi sự việc xảy ra, một người đàn ông mặc thường phục bước xuống với thái độ bất hợp tác.

Hành vi này khiến người dân chứng kiến vô cùng bức xúc.

Thậm chí, người này còn rút thẻ đỏ tự xưng là Thượng tá Công an dọa dẫm, thách thức mọi người.

Anh Hà Minh Tuấn, con trai nạn nhân bức xúc cho biết: “Nếu đúng là một cán bộ nhà nước mà lại có thái độ vô văn hóa như thế thì không thể chấp nhận được.”

Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng CSGT, khu vực, rất lâu mới có mặt để phân luồng giao thông, giải quyết vụ việc.

Do xảy ra vào giờ cao điểm nên giao thông qua khu vực này bị ùn tắc cục bộ.

Tuấn Nguyễn

CHUYỆN CÔNG AN CUỐI TUẦN (1): THIẾU ÚY

CSHS làm việc với lái xe Chánh (giữa)
VNE - Nổ súng chỉ thiên cảnh cáo nhóm thanh niên bặm trợn đang tấn công tài xế taxi, nhưng viên Cảnh sát Hình sự (CSH) đã bị chúng đánh lại, đoạt luôn súng và Thẻ ngành (Giấy Chứng minh Cảnh sát nhân dân).

Chiều 12/7, Công an Thị xã Thuận An (Bình Dương) đã bắt giữ Nguyễn Văn Quý (27 tuổi, quê Bắc Giang) cùng 4 đồng phạm, để điều tra về hành vi Chống người thi hành công vụ và đánh người gây thương tích.

Trước đó, khoảng 15h cùng ngày, tài xế Nguyễn Trung Chánh lái taxi tại Bình Dương chở Quý theo yêu cầu.

Trên đường đi, Quý nghi ngờ đồng hồ xe bị gian lận nên văng tục chửi tài xế.
1 trong các đối tượng tấn công CSHS

Chạy đến phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, anh Chánh không đồng ý tiếp tục chở mà yêu cầu khách xuống xe và thanh toán tiền.

Lập tức Quý rút điện thoại gọi gần chục đồng bọn đến vây đánh tài xế.

Cùng lúc, Thiếu úy Võ Văn Sơn, Trinh sát hình sự thuộc Công an Thị xã Thuận An, trên đường tuần tra phát hiện vụ việc đã yêu cầu tất cả ngừng tay.

Dù viên Cảnh sát đã giơ Thẻ ngành, đồng thời nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng nhóm thanh niên bặm trợn được cho là cùng nhau quay sang tấn công anh Sơn.

Bọn chúng đoạt luôn Thẻ ngành, cướp khẩu súng vẫn còn đạn bên trong rồi dùng dây xích đánh Thiếu úy Sơn bị thương.

Nhận tin báo, hàng chục Cảnh sát đã đến hiện trường vây bắt được Quý và một số đồng bọn. Công an thị xã Thuận An tiếp tục truy xét những người liên quan.

Nguyệt Triều - Xuân Thuỳ

CHIẾN DỊCH GIÀNH LẠI CÁC ĐIỂM CAO BỊ TRUNG QUỐC CHIẾM ĐÓNG (MB84): "CHỈ TRONG 1 NGÀY ĐÊM, ĐÃ CÓ HƠN 600 CBCS F356 HY SINH"..

TN - Ngày 12/7/2013, nhân dịp kỷ niệm 29 năm Chiến dịch MB84, tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Vị Xuyên (Hà Giang), hơn 200 Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 356 từ các tỉnh, thành trên cả nước cùng chính quyền, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh các Liệt sĩ và đồng bào tử nạn vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sư đoàn 356 (tiền thân là Sư đoàn 316B, thành lập ngày 28/12/1974 tại Tân Kỳ, Nghệ An), có nhiệm vụ nghi binh cho Sư đoàn 316 bí mật di chuyển vào chiến trường miền Nam, sau đó cơ động lên bảo vệ biên giới phía Bắc, đóng tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ, nay là tỉnh Lào Cai).

Tháng 5/1984, Sư đoàn nhận lệnh cơ động sang Vị Xuyên, Hà Giang, phối hợp với các đơn vị thực hiện chiến dịch MB84 vào ngày 12/7/1984.

Trước đó, trong giai đoạn tháng 4 - 5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch, đợt pháo kích lớn, bắn hàng chục nghìn quả đạn pháo, đạn cối vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam gồm Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang, Hà Giang), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu.

Trung Quốc sau đó tiếp tục mở chiến dịch đánh chiếm hàng chục điểm cao, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cuối tháng 6/1984, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định tổ chức tiến công lớn để giành lại điểm cao bị chiếm đóng.

Ngày 12/7/1984 cùng với các đơn vị bạn, Sư đoàn 356 thực hiện chiến dịch MB84.

Theo tư liệu của Sư đoàn, trong trận đánh lịch sử này, chỉ trong một ngày đêm đã có hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn hy sinh.

Sau đó trong giai đoạn cuối năm 1984 - đầu 1987, ta đã nhiều lần đánh bại các cuộc tiến công của địch, bảo vệ được các điểm cao.

Ngày 21/12/1988 quân Trung Quốc ngừng bắn pháo vào Vị Xuyên - Nơi liên tục bị bắn phá từ 1984.

Đến tháng 9/1989 quân Trung Quốc mới hoàn toàn rút khỏi 29 điểm cao đã chiếm giữ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc đã bắn vào biên giới Hà Tuyên gần 1,9 triệu quả đạn pháo cối, giai đoạn khốc liệt nhất từ 1984 - 1987, ngày cao nhất hơn 61.000 quả.

Tr.Sơn
--------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả Trường Sơn, đăng trên Báo Thanh niên.
* Hình minh họa đã đăng trên FB của Cựu Chiến binh Thắng Còng.


12 tháng 7, 2013

NƯƠNG TỰA CẢNH NGHÈO


CHÍNH PHỦ TA VUI TÍNH THẬT...

CS4S - Những quyết định, đề xuất, phát ngôn được dư luận cho là khác thường, chỉ có ở Việt Nam và bắt nguồn từ những cán bộ công chức... vui tính, chỉ tạm thống kê từ năm 2012 đến nay.

2012:

1. Đóng thuế đẻ (2012)

2. Dạy tiếng Tàu trong trường tiểu học (2012)

3. Cấm doanh nghiệp vốn đầu tư từ Đài Loan treo cờ Đài Loan tại Việt Nam dưới mọi hình thức (công văn 2186/UBND-VX, 2012)

4. CMND ghi tên cha mẹ trong đó.(2012)

5. Thịt làm ra phải bán trong vòng 8 tiếng (2012).

6. Cấm buôn vàng miếng và sẽ cấm đến vàng trang sức (2012)

7. Người chết phải chôn sau 48 tiếng (2012)

8. Làm đập thủy điện tại Nam Cát Tiên.

9. Xe phải “chính chủ” (2012)

10. Chó mèo phải “chính chủ” (2012).

11. Dừng dự án, chia nhỏ căn hộ để cứu bất động sản (2012)

12. Chó mèo chết phải đăng ký “báo tử” (2012)

13. Phải đăng ký tên thật khi lên internet.(2012)


14. Thu phí nhạc số (2012).

(2013)

1. Cấm uống rượu trong quá Karaoke (không cấm bia).

2. Đám cưới không quá 300 người

3. Đám ma không quá 7 vòng hoa

4. Xác chết quàn không được để trong nắp kính. (Sau đó chừng 1 tháng lại cho đi viếng mang vòng hoa, rắc vàng mã….)

5. Đóng thuế xe bảo trì đường bộ.

6. Niêm phong lồng gà "chính chủ".

7. Dán tem rau, thịt, cá.

8. Cấm chửi nhau trên facebook, nhấn “like” sai bị phạt.

9. Con bất hiếu cha mẹ bị phạt 20 triệu đồng

10. Làm hàng giả bị phạt tối đa 100 triệu đồng.

11. Bán hàng rong phải có Giấy Khám sức khỏe và Chứng nhận Tập huấn an toàn thực phẩm.

12. Cấm mua bán nhà đất, ô tô bằng tiền mặt.

13. Chỉ được đăng ký xe ở nơi thường trú.

14. Cấm nghe nhạc Asia hải ngoại.

15. Cấm trẻ dưới 5 tuổi học trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trường nước ngoài tại Việt Nam chỉ được nhận 10% học sinh Việt Nam Tiểu học & THCS), 20% học sinh Việt Nam (trường phổ thông theo chương trình nước ngoài).

16. Có quota mới được nhập xe hơi.

17. Phạt tới 20 triệu nếu tiết lộ giới tính thai nhi

18. Xài điện quá ít cũng bị phạt.

19. Thu phí đọc thơ online

20. VFF ra Ban Tư vấn đạo đức.

21. Giới tính công dân Quỳnh Trâm sẽ do Thủ tướng quyết định.

22. Không mua vàng dưới 1 lượng

23. Trúng tuyển đại học vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự.

24. Đánh thuế vàng

25. Trẻ dưới 10 tuổi và thương bệnh binh phải mua vé qua phà

26. Đi nước ngoài 2 năm bị xóa tên trong hộ khẩu

27. Bộ Giáo dục và Đào tạo  cấm phát tán thông tin tiêu cực
28. Xe khách được gắn sao để phân định chất lượng.

29. Đánh thuế tiền tiết kiệm

30. Chửi Cảnh sát bị phạt 5 triệu.

31. Phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm (mại dâm thì bắt người bán, mũ bảo hiểm thì bắt người mua)

32. Đấu thầu bán vàng để giảm giá

33. Thông tư 08/2013 BTC cấm ký chứng từ bằng bút mực đen.

34. Công an được phép bắn người cản trở thi hành công vụ

35. Ngoại tình bị phạt 1 triệu đồng.

36. Xe máy 2 bánh phải có Giấy Chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

37. Phạt tiền giáo viên không đạt chuẩn.

38. “Quyền công dân có thể bị giới hạn..” (dự thảo hiến pháp 2013)

39. “Khiếu kiện nhiều lần phải đặt cọc”

40. Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: Nhà khoa học nhân dân, Nhà khoa học ưu tú, và đặc biệt, danh hiệu “DANH NHÂN”.

41. Chở trẻ đi xe máy phải kèm Giấy khai sinh

42. Trang bị iPad cho CSGT.

43. Nói xúc phạm người sinh con 1 bề (toàn trai hay toàn gái) bị phạt 1 triệu đồng.

44. Nhà ở thương mại được giảm diện tích xuống 25m2.

45. Phải xin tạm vắng trước khi đăng ký tạm trú

46. Phạt ngoại tình tăng 5 triệu.

47. Phạt rồi bỏ phạt kết hôn đồng giới.

48. Phạt tội mạo danh người khác trên facebook.

49. Luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền (PGS.TS Nguyễn Hữu Tri).

50. Đề nghị “còn trinh tiết mới được thi hoa hậu”.

51. Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h.

52. Học sinh muốn học thêm phải làm đơn

53. Trẻ sơ sinh phải có mã số thuế.

54. Tết 2014 được đốt pháo không nổ

55. Muốn chống tiêu cực thi cử phải đăng ký trước.

56. Phạt tiền nếu không mặc quần áo lót nơi đông người.

57. Nói tục nơi công cộng phạt 200 ngàn đồng.

58. Cấm xây nhà nhại kiến trúc cổ điển Pháp.

59. Thay đổi lời Quốc ca.

60. Dán tem đồ uống, kể cả bia.

61. Chào mừng ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, BV đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho phóng viên và vợ phòng viên khám phụ khoa miễn phí.

62. Doanh nghiệp có 10 lạo động trở lên phải tổ chức hội nghị lao động hàng năm.

63. Ưu tiên 2 điểm thi đại học cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hoạt động Cách mạng từ trước 1-1-1945).

64. Phụ nữ 33 tuổi trờ lên không được phép mang thai

65. Chống chì chiết vợ bị phạt.

66. Chồng kiểm soát tiền vợ sẽ bị phạt.

67. Trang bị Ipad cho Đại biểu HĐND tại Sóc Trăng.

68. Có con ngoài giá thú phải xin phép lãnh đạo (vụ bà phó phòng quậy ở Trà Vinh).

CHÀO NĂM HỌC MỚI


11 tháng 7, 2013

SỐNG, NGÀY CÀNG CƠ CỰC?..

Mai Thanh Hải - Cuộc sống ngày càng khó khăn, vất vả đến mức trở thành cơ cực?..

Mỗi sáng, đầu ngõ nhà mình lại có thêm người bán hàng rong.

Mỗi ngày ra đường, lại thấy vỉa hè đông dần thêm người gánh hàng rong, buôn bán lặt vặt, bán lấy vỉa hè kiếm sống.

Mỗi chiều, lại thấy nhiều lượt xe của Công an - Trật tự Phường, Quận lang thang các phố, ngõ đẩy đuổi hàng rong, người bám vỉa hè kiếm sống.

Mỗi đêm, lại thấy thêm nhiều người nhặt rác lần mò từng hiên nhà, cột điện, góc phố kiếm từng chai nhựa, mảnh bìa cactong, ngơ ngẩn đến tận sáng bạch...

Báo chí viết, mình không lắm: Có nhiều làng ở miền Trung, chỉ còn bóng phụ nữ, người già yếu không thể đi lại được, bởi những người đàn ông - người còn sức lao động phải bỏ quê vào Nam ra Bắc kiếm sống. Những người đàn ông hiếm hoi sót lại trong làng, hoặc bị thương tật, hoặc là... cán bộ xã - huyện, ăn lương nhà nước.

Thế nhưng hôm vừa rồi về 1 xã miền Trung ở mấy ngày, mình đã tin chuyện này khi chứng kiến những ngôi nhà của những làng trong cái xã miền cát trắng, 2 lần được phong Anh hùng, đóng cửa im ỉm, cỏ mọc lút sân, cổng tre đóng lâu mục ruỗng, chả cần khóa bởi chẳng có ai mà vào.

Ngồi với những đứa bạn thân - gắn bó từ hồi thiếu thời và rất tin nhau, đứa doanh nghiệp thì mếu máo kể chuyện báo nhà, bán xe, lấy tiền cầm cự nuôi công nhân qua ngày, đến 1 tập giấy in A4 cũng phải nâng lên đặt xuống, nghĩ nát óc nên mua hay không; đứa đồng nghiệp báo chí thì rầu rĩ chuyện Tòa soạn nợ lương - nhuận bút nửa năm trời chưa trả; đứa kỹ sư, bị "tái cơ cấu", chỉ qua 1 đêm là mất việc, ngày nào cũng vật vã với mục "Việc tìm người" trong mấy tờ báo, quẫn quá mang xe máy sang quận khác, nói dối là đi làm, nhưng kỳ thực đeo khẩu trang chực vỉa hè làm xe ôm...

Lại nhớ chuyện cách đây không lâu, 1 nhà nghiên cứu - giảng viên Đại học đàng hoàng, không có giờ dạy, đành giúp vợ việc đưa đón con đi học và trong lúc chờ con tan lớp, cũng tranh thủ làm xe ôm, thêm tiền rau cháo qua ngày, chờ "lúc nào con lớn, cuộc đời chúng nó sẽ khác"...

Cứ hô hào người dân tuân thủ luật lệ - quy định, nhưng cái bụng đói, manh áo rách thì liệu cái sự tuân thủ ấy có hơn được nhu cầu bức thiết "no cơm, ấm áo"?.

Cứ bảo "dân giàu, nước mạnh". Nhưng những cảnh khổ ngày càng nhiều, tràn đầy ra đường phố - ngõ xóm thế này, liệu cái sự "mạnh" ấy, có thật trên đời thực lúc này không nhỉ?..
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Hình ảnh đã được đăng tải trên trang Xomnhiepanh.com




MỘT NHÀ NƯỚC, KHÔNG THỂ "SỢ" XÃ HỘI ĐEN.

Đào Tuấn - Trần đời mới có chuyện giang hồ, xã hội đen, băng nhóm và…bụi đời xuất hiện trên bàn nghị sự quốc gia như một sự cản trở đối với công việc nhà nước.

Rất nhanh chóng, người ta đã tìm ra “nghi phạm” đã phát tán phim Bụi đời Chợ lớn lên mạng Internet, một hành vi mà đạo diễn Charlie Nguyễn, cũng rất “bụi đời”- mô tả trên…facebook là “bị sốc và đau buồn như có ai đang giết đứa con của mình”.

Bụi đời Chợ lớn đã bị cấm chiếu vĩnh viễn sau kết luận của Hội đồng duyệt phim rằng nó “chứa đựng yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam”.

Có lẽ, những “cảnh băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên đường phố, trong các ngõ hẻm của TP HCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ lực lượng xã hội nào”, khiến cho các vị đạo đức mũ cao áo dài trong Hội đồng cảm thấy sốc nặng.

Nhưng chuyện ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu…suy cho cùng, chỉ là một biểu hiện dễ thấy của một thế giới ngầm đang tồn tại trong lòng xã hội.

Xã hội chúng ta có giang hồ?. Có bụi đời?. Có xã hội đen?> Có băng nhóm không?..

Câu trả lời xuất hiện với mật độ hàng ngày, trên mục pháp luật của các tờ báo.

Câu trả lời không phải chỉ từ ngoài đường phố.

Ngày hôm qua, trong một cuộc họp Chính phủ với quy mô toàn quốc, trước câu hỏi quyết liệt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những điểm nóng cụ thể Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng), Bình Thạnh (TP HCM): “Trắng trợn như thế mà sao chúng ta không ra tay? Công an có biết chuyện này không?”.

Phó Chủ tịch TP HCM Hứa Ngọc Thuận, trên Thanh Niên, đã nói một câu đáng chú ý và đầy ý nghĩa: “Trong quá trình các đoàn công tác thực thi công vụ, có đối tượng giang hồ bám theo uy hiếp, đe dọa, thậm chí còn quăng mắm tôm khủng bố”!!!.

Tất nhiên, ông không nói là các đoàn thực thi công vụ sợ hãi trước sự đe dọa, khủng bố này.

Trước đó 3 hôm, cũng trong một cuộc họp cấp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cực kỳ thẳng thắn - nói về tình trạng “Giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền”.

Bộ trưởng còn nói thêm rằng “Nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, ở địa phương thì được cung cấp, còn đưa chỗ khác đến thì lực lượng này không cho vào hoặc nếu vào mà muốn mua được lại phải nộp tiền”.

Thật tình cờ, trong khi những người dân hả lòng hả dạ với sự thẳng thật của Bộ trưởng, thì y chang như phản ứng với phim Bụi đời Chợ lớn, một số địa phương ngay lập tức đã lên tiếng.

Rằng: “Làm gì có chuyện đó”...

Rằng “chưa nghe thấy”...

Rằng “không nhận được đơn từ về vấn đề này”...

Rằng “ không thấy biểu hiện”.

2 câu chuyện về giang hồ, về xã hội đen đang chứng thực nỗi lo toan của dân chúng.

Một vị Tư lệnh ngành nói thẳng nói thật về một hiện trạng xã hội.

Một quan chức địa phương nại khó bằng “khủng bố mắm tôm”.

Một vị Phó Chủ tịch Thành phố lớn nhất nước không thể nói dối.

Một vị tư lệnh ngành không thể nói sai, về một hiện thực xã hội mà có khi, người ta không dám đưa lên phim.

Nhưng từ lâu, người dân tay không tấc sắt đã phải đối mặt với “sự nghiêm trọng”, với nỗi bất an có tên là giang hồ, là xã hội đen, là băng nhóm ngầm, là…bụi đời này.

Bởi khi đã dám “uy hiếp”, “đe dọa”, “khủng bố” nhà chức trách, những người thực thi công vụ với nhân danh pháp luật trên đầu, tay trái hình luật, tay phải còng số 8, thì câu chuyện không đơn thuần là việc những người dân không tấc sắt có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.

Mà còn là chuyện kỷ cương.

Bởi khoảng cách giữa 2 lần giang hồ, băng nhóm, xã hội đen với “uy hiếp”, “đe dọa”, “khủng bố”, “cát cứ”, “thế giới ngầm” và “thu tiền” không phải chỉ là vài ngày giữa 2 phát ngôn.

Mà là khoảng cách giữa một đằng là việc nói thẳng về một hiện thực làm chậm tiến độ công trình xây dựng cấp quốc gia và một đằng dùng hiện thực để bao biện cho những khó khăn trong công tác quản lý mãi dâm ở một địa phương được coi là điểm nóng.

Trần đời mới có chuyện giang hồ, xã hội đen, băng nhóm và…bụi đời xuất hiện trên bàn nghị sự quốc gia như một sự cản trở đối với công việc nhà nước.

Và dường như người dân mong muốn cơ quan công quyền nhìn thẳng vào sự thật, để dẹp bỏ phần nào nỗi bất an đang treo lơ lửng trên đầu họ, hơn là cãi nhau xem có hay không có chuyện băng nhóm giang hồ thâu tóm, cãi nhau xem có phản ánh đúng hiện thực xã hội hay không.

Bởi một nhà nước, ngoài việc không thể sử dụng xã hội đen trong các ứng xử với nhân dân thì cũng không thể dùng xã hội đen làm lý do biện minh cho sự lỏng lẻo trong quản lý.

Một nhà nước không thể “sợ” xã hội đen.

Và một nhà nước lại càng không thể che dấu hiện thực xã hội đen, giang hồ, băng nhóm, và…bụi đời - dù nó xuất hiện hàng ngày - chỉ để được cái tiếng là bình an.
-----------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh đã được đăng tải tren trang Xóm Nhiếp ảnh và các PTTTĐC, mạng xã hội khác chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

10 tháng 7, 2013

NHÀ SÀN TIỀN TỶ CỦA CÁC "QUAN" HÀ GIANG?..

NĐT - Hà Giang lâu nay luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng phên dậu của Tổ quốc với hơn 50% hộ nghèo.

Nhưng đối nghịch lại tình cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng”, phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” của các lãnh đạo tỉnh.

Ngôi nhà “khủng” bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông.

Hiện ngôi nhà sàn này đang “nằm” tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP. Hà Giang).

Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày.

Vật liệu làm ngôi nhà này chủ yếu là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.

<----Nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông

“Ngang ngửa” với nhà Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng.

Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30A là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà “tọa” tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung, TP. Hà Giang.

Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có tiền tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng.

Ngôi nhà này độc đắc bởi nó chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!

Ngôi nhà của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng -------------------------->

Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến.

Ngôi nhà này “độc” vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai.

Một thứ gỗ hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang.

Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước chừng cũng phải “vứt xuống” vài tỷ đồng.

<----------- Nhà sàn của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến

Nằm tại khu “đất vàng” thuộc tổ 18, phường Minh Khai (TP. Hà Giang), ông Lưu Đình Phát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng “nổi danh” với ngôi nhà sàn bề thế.

Theo người dân trên miền quê “đá nhiều hơn đất” này thì: Nếu không phải “các bác ấy”, dẫu có là đại gia, doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt thì cũng khó mua, vận chuyển an toàn các loại gỗ thuộc nhóm”tứ thiết” này để về làm nhà chứ chưa nói gì đến dân thường.

Nhà ông Lưu Đình Phát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh---------->

Ngôi nhà của nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nguyễn Thanh Tứ cũng đẹp và đắt không kém “các bác” trên tỉnh.

Ngôi nhà này đang khiến người dân địa phương và khách thập phương khi qua thôn Minh Tiến, xã Quang Minh (Bắc Quang) phải ngỡ ngàng.

<-----Nhà của nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nguyễn Thanh Tứ

Tuy nhiên, ngay tại xã Phương Thiện, nơi xuất thân của Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông còn rất nhiều ngôi nhà sàn dột nát, cần sửa chữa của dân...

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ những phản ánh trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những ngôi nhà sàn “khủng” này.

Theo Duy Phong (Kinh tế Nông thôn)