24 tháng 3, 2012

GIÓ TỪ NGUYÊN

Lê Minh Hà - Tôi là người đến muộn. Với chữ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Thì biết làm sao. Là đàn bà, lại còn sắp cán đích già, chắc chắn là khó tính. Một cái Avatar trên mạng: nào kính đen, nào khăn xếp, nào môi tím lưỡi đỏ, cái tên chủ nhân đọc đã đoán là quá trẻ so với mình, dễ gì hấp dẫn nổi tôi ngay.

Vậy mà đọc thì khó dứt.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên có quá nhiều người biết và ngưỡng mộ. Vào blog Lão thày bói già, hay vào nhà Nguyên ở facebook, có cảm giác đem in thì lời bình về các bài viết của chủ nhân khéo nhiều lần dài hơn chính các bài viết ấy. Đinh Vũ Hoàng Nguyên chỉ quăng một Status thôi là kéo giật được bao nhiêu người nhào vào đọc, rồi bình.

Cứ nghĩ đến chuyện mình mang hết góc nọ góc kia của cõi lòng của miền tâm cảm bày ra trên mạng mà thiên hạ coi như nước ao bèo không thèm ném cho hòn sỏi, đọc thống kê lượng người vào thăm nhà Nguyên, khéo buồn khéo tủi khéo ghen.

Quả trên mạng chưa thấy ai có được những Status hài hước thế. Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là hẳn một kiểu tư duy, không thể nào bắt chước được.

Nguyên, trong những Status hay entry, tưởng bỗ bã, suồng sã, tợn tạo, tục nữa, nhưng đằng sau những dòng chữ ngắn ngủi là một bầu tâm cảm trước thế sự xa gần, trong tư cách một công dân, nhưng trên hết và sau cùng, là ý thức làm người. Đọc, biết người viết yêu cuộc đời này lắm, thương cuộc đời này lắm, văng tục vào mặt đời cũng vì một sự biết yêu biết thương này.

Đấy là tố chất đầu tiên của một người muốn tận hiến mình cho nghệ thuật. Nguyên là họa sĩ, nhưng Nguyên không viết theo kiểu người có một nghề khác tạt ngang văn chương, quăng cho văn chương đôi ba mảnh tâm tình, đôi ba mẩu tài không dùng hết trong nghề, như một cách thí xả. Đọc lại trọn vẹn bloglaothayboigia, dễ nhận ra ở đó một tâm thái nghệ thuật nghiêm cẩn và đa diện.

Nghịch ngợm, phá phách, tinh quái đến điều là Nguyên ở các entry viết về bè bạn. Chuyện là của riêng, mà viết ra khiến người không can dự phải đọc không dứt được, thế có nghĩa là tài. Thế có nghĩa là người viết đã mở được cửa cho đời vào.

Những “y và những gã”, những “hiệp hội sản xuất bàn là”, đọc rồi cứ nghĩ chỉ cần công bố rộng nữa rộng mãi là giúp khối người khỏi phải đi tới các lớp dưỡng sinh tập nhe răng. Chữ nghĩa của người viết ở đây hệt như nhất dương chỉ, cù nhẹ một cái là khiến bao nhiêu cơ quan đoàn thể trong người đọc nhất loạt khởi động tập trung vào một tư thái duy nhất: cười.

Không có nội lực bằng thế, nhưng người có thể kể chuyện hài, viết hài hài thì cũng chẳng hẳn là khó kiếm. Tuy nhiên, hài được, với cả một chủ ý nghệ thuật thì cực khó. Tôi, tôi thử chán ra rồi. Chịu.

Điều ấy, Nguyên đã thể hiện trọn vẹn trong nhiều entry, khi có khi không được chú là truyện ngắn. Và ở đó, cái hài quay về điểm khởi hành: nỗi đau đời, của một kẻ trời sinh bắt phải biết thương đời.

“Một chuyện tình” là một truyện ngắn hoàn hảo trong nghĩa này. Phảng phất như Nam Cao, trong cái dịu dàng tít tắp đằng sau câu chữ. Nhưng cái khùng khùng của nhân vật đang to tiếng mình yêu và thất ái thì đúng là của bọn thời nay, rất trẻ, rất vui, cái Nam Cao, do thời thế và do thể tạng xúc cảm, không bao giờ phát lộ.

Ở những entry khác, mà có lúc Đinh Vũ Hoàng Nguyên cũng chú trước là truyện ngắn, tưởng chừng như tác giả Số đỏ có truyền nhân.

Nhưng, cả Nam Cao, cả Vũ Trọng Phụng trong thời của mình mới chỉ phơi bày cái khổ, cái đáng khinh, niềm yêu thương phẫn hận, và cả niềm tin dù đã thấm mùi hoài nghi nặng của mình trước cuộc đời, cho cuộc đời, mà có khi thời ấy mới chỉ đáng bị, đáng được như thế thì Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi xa hơn trong cái thời mình.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên, trong truyện ngắn Chuyện vụn xóm bụi,  Khu cũ (1 và 2) mà tôi nhìn thấy ở đó tầm vóc của một tiểu thuyết đã phơi bày sự phá sản trọn vẹn của một lí tưởng xã hội độc tồn qua ít nhất ba thế hệ ở Việt Nam dường như vẫn đang chỉ đạo bằng quán tính không tâm thế thì là hoạt động thường nhật của không ít người. Xã hội trong thời thịnh đạt của văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 quả thối nát nhưng vẫn còn giữ được trật tự, vô trật tự nhất, loạn nhất cũng chỉ là cả làng hào hứng kéo nhau đi nghe thằng say chửi cụ tiên chỉ, xem Chí Phèo tự tử và tràn trề hưng phấn trong phỏng đoán bố con Bá Kiến ngã trâu.

Hôm nay, qua Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác, là sự thu nhỏ một xã hội quăng bỏ kỉ cương, luân lí, người người hoặc như Chí Phèo hoặc trong dạng tiềm năng thành Chí Phèo, không say nhưng hồn nhiên hơn cụ Chí ngày xưa, chẳng ai băn khoăn về thiên lương. Nhân vật ở Khu cũ chửi như tập thể dục miệng, nghe chửi như một hình thức luyện tai và luyện tâm.

Hoạt động trong ngày của nhóm cư dân nhân vật này được tác giả túm trong ba chữ: chửi chào cờ, đầy tính nghi thức. Cách mô tả này đã nhấc toàn bộ hiện thực của tác phẩm ra khỏi môi trường sống tưởng chừng vẫn như là nối dài hiện thực thời 30 – 45, cho chúng ta nhận diện đó là hôm nay của chúng ta, trì đọng, sống động, cũng cho chúng ta thấy Đinh Vũ Hoàng Nguyên là hậu bối chứ không là truyền nhân của dẫu có là Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao. Tác giả Sống mòn và Số đỏ vẫn còn giữ mình (trong tư cách người kể chuyện) bên ngoài hay bên trên hiện thực mình mô tả. Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác rồi, đặt mình vào sống thoải mái giữa dòng đời mình mô tả cực kì trào lộng, trào lộng đến mức nhi nhiên.

Tôi đọc các entry có tên hoặc đơn giản chỉ được đặt tít là viết ngắn rồi đánh số của tác giả này, cứ mong Nguyên viết tiếp và tập hợp lại, in ra, cho những người đọc thích cầm sách trên tay hơn là ngồi thiền trước màn hình máy tính. Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên, văn học Việt Nam đã có thêm sắc màu mới.

Có thể không nằm trong những quẫy cựa vô vọng về kĩ thuật nhưng không hẳn không cần thiết và thôi miên không ít người viết không muốn hiểu ra những trào lưu ta kêu gọi nhau hướng tới hôm nay là kết quả của sự vận động tâm thế ở một xã hội thời hiện đại văn minh hơn mình. Nhưng cái tinh thần hài hước đậm chất phồn thực, cái sắc bén tỉ mỉ trong quan sát, mà đằng sau câu chữ chặt ra chặt thái ra thái ấy tôi luôn cảm thấy độ mong manh của một tâm hồn cưu mang lắm nỗi chắc chắn sẽ cắm được một giới hạn nữa trên tiến trình vận động của văn học nước nhà, nếu như tác giả…

Coi chữ nghĩa là một cuộc chơi nghiêm túc, Đinh Vũ Hoàng Nguyên hoàn toàn xa lạ với sự nhạt, là bi kịch của bất kì ai thiết tha với nghệ thuật, và là thảm họa cho người thưởng thức, chẳng cứ văn chương.

Thì phải có tài. Hẳn thế rồi. Đọc, rồi đọc lại, rồi hoang mang. Tài của kẻ đó là đâu? Văn xuôi? Nhưng hình như chưa hết. Thơ? Đích thị. Thơ mới thật là Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Tiếc, cũng như văn xuôi, y công bố thơ chưa nhiều. Nhưng thơ trong văn chương cũng là khúc nghịch trong nhạc, là một nét phảy màu mang lại hồn vía cho tranh, để đóng đinh vào tâm cảm chúng ta câu hỏi, cũng như lời giải ai người sáng tạo. Thơ, khác văn xuôi, đôi khi là một món ngon như nhất, hoặc đôi khi chỉ cần như là một cọng rau thơm đúng vị, trái mùa.

Chỉ với một “Có một phố vừa đi qua phố”, không dài, tôi nghĩ Hà Nội đã có thêm cho riêng mình một thi sĩ, như từng có một Hoài Anh mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến - chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô, một Lưu Quang Vũ trên ngày tháng trên trên cả niềm cay đắng thơ tôi là mây trắng của đời tôi, một Bằng Việt với chuông xe điện trong màn sương rạng sớm – và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn – có thể nào không xui tôi nhớ em, một Hoàng Nhuận Cầm vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ - nhưng trong những ba lô kia ai dám bảo là không có - một hai ba giọng hát chú ve kim, và, mang mang nhất: Phan Vũ với Hà Nội phố, một thời chiến tranh, một thời hòa bình, đã xa chiếc lá lạc vào căn gác nhỏ - lá thư quên địa chỉ quay về…

Phải, Hà Nội đã có thêm cho mình một người thơ, trong từng chút tự sự, với mình, với ai, cũng cực kì Hà Nội: Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Bất chợt nghĩ rồi một ngày ta sẽ, tôi sẽ, và Nguyên sẽ…

Sẽ thiếu đi, vĩnh viễn, một người có thể lẩy ra vẻ đẹp tuyệt vời, giản dị, bất ngờ của thế gian nhọc nhằn này.

Sẽ còn lại mãi, một hồn người nửa đời chưa hết gió, một hồn người biết chạm khẽ làn rêu.

Phải không?..


BÓI ƠI! TẠI SAO?..

Đêm trên đảo, vừa có sóng Viettel, điện thoại đã rung lên bần bật, giọng anh Nguyễn Trọng Tạo thảng thốt: "Ai cho thằng Bói chết! Nó tài thế cơ mà! Sao lại chết!" và tao với anh Tạo đều khóc.

Sao lại chết, Bói ơi! Mới 3 ngày trước, tao vào với mày và đưa cuốn Văn nghệ Quân đội số mới nhất, có in 2 bài thơ của mày. Vẫn biết là mày đỡ hơn, nhưng thấy mày nằm thở ôxy, không nói được nhiều và chỉ tao nói.

Tao kể với mày là tao sắp đi đảo, đã ra Đinh Lễ mua rất nhiều sách - toàn những cuốn tao với mày đã đọc, nhưng vẫn đọc lại, để sống tốt hơn, lành hiền hơn.

Hôm ấy tao đã mang máy ảnh vào, định chụp chung với nhau xúm vào đọc Văn nghệ Quân đội, bởi Hòa nó khoe: "Nguyên nhà em mấy hôm nay đỡ nhiều lắm", nhưng cũng không dám chụp mày lằng nhằng dây dợ, thở dốc, chỉ mắt là vẫn sáng, nhìn tao nói, tao kể.

Tao đã hứa với mày, sau chuyến công tác này, sẽ kể với mày những chuyện về Trường Sa. Vậy mà...

Bói ơi! Ngoài này biển đang động, sóng ngất ngư và trắng cả đầu. Lòng tao cũng đang động, ngất ngư bởi những người tài, thông minh sao cứ bỏ đi sớm thế.

Ngày mai tao sẽ vào chùa, thắp hương cho mày và kể cho mày nghe về Trường Sa.

Bói ơi!. Sao đi sớm thế?.. Bói ơi là Bói!..
--------------------------------------
 Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Thưa các anh chị, và các bạn yêu quý của anh Nguyên và Hòa,

Gia đình vô cùng đau đớn và xót xa trước sự ra đi của anh Nguyên vì bạo bệnh. Anh đi lúc 2h30 sáng ngày 23/3/2012 (2/3 âm lịch) vào đúng ngày sinh nhật tuổi 37. Anh có nội lực rất lớn, và luôn lạc quan trong suốt thời gian bệnh. Anh đi rất thanh thản. Tình yêu và sự chia sẻ của bạn bè, các anh chị đã động viên cả gia đình. Anh Nguyên xúc động lắm, luôn bảo mình phải sống tốt hơn để có thể đáp lại tình cảm yêu thương của bao người dành cho anh, nếu trời thương cho anh vượt qua được bệnh tật.
Em xin trân trọng cảm ơn gia đình, các anh chị và bè bạn. Cảm ơn các bác sỹ và nhân viên y tế của bệnh viện E, viện Việt Xuân đã yêu thương và đã cứu chữa cho anh, cho anh những tháng ngày cuối cùng có chất lượng và ý nghĩa.

Lễ viếng và đưa anh đi sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ bệnh viện 354, vào 7h-9h sáng ngày 27/3/2012, tức ngày 6/3 âm lịch, và an táng anh tại Công viên Vĩnh Hằng.

Trân trọng,

Trịnh Hòa.

21 tháng 3, 2012

TRƯỜNG SA Ở PHÍA MẶT TRỜI!..

Quân tư trang cá nhân của mình gồm có: Máy móc, sổ sách, quần áo, túi chống ẩm, dép nhựa - giầy chống san hô... và rất đặc biệt, chuẩn bị từ ở nhà là lọ muối vừng do gái mẹ hì hụi giã (gái chị và gái em tham gia "giám sát", kiểm tra chất lượng sản phẩm). Đồ mang đi từ Mỹ Ca, không thể thiếu hương hoa, chanh tươi, ớt tươi, mù tạt... 15 ngày không phải là dài, nhưng đó cũng là 15 ngày thử thách ở cuối mùa biển động, để mỗi ngày sống thật sự có ích cho Quần đảo - cho Tổ quốc yêu thương. Chào nhé đất liền!. Chúng tôi hành quân ra Trường Sa!. 

20 tháng 3, 2012

ĂN THẾ NÀY, HỌC THẾ NÀO?..

Xuân Đông - Đến Thượng Tân (Bắc Mê, Hà Giang) vào giữa trưa.

Ngó xuống Khu Nội trú phía sau dãy phòng học, thấy lố nhố trẻ con đang bưng mỗi đứa một cái âu nhựa ăn cơm. Mình đi thẳng vào xem chúng nó uống thế nào.

Nhìn cơm các con đang ăn mà mình chụp ảnh mãi không được, tay cứ run run vì xúc động nên máy toàn bị rung. Cơm nước thế này thì nuốt thế nào được, hả giời?..

Mỗi đứa ôm một cái âu đựng cơm chan nước canh. Tản mát: Chỗ này thì túm tụm chục đứa con trai, vừa nhai trệu trạo vừa nói chuyện lầm rầm; chỗ kia thì cắm cúi vài ba đứa con gái, ngồi im lặng ăn một cách uể oải; lại có đứa đứng ăn một mình, trong xó bếp tối tăm...

Nhìn vào âu cơm thấy gì đây?.
Cơm thì vón cục vón hòn, lõng bõng cái gọi là nước canh- Một thứ canh gọi là "canh khoai", nhưng nhìn toét mắt chả thấy khoai đâu!. Thức ăn mặn thì chả có.

Ăn uống thế này, để tồn tại còn khó, nói gì đến học hành?..

Mình mau chóng chụp vài shot hình xong liền đi ra ngoài. Cố gắng tránh không làm chúng nó mất tự nhiên, để miếng cơm nhạt trôi xuống cái dạ dày rỗng được trơn tru.

Vừa uể oải ăn, vừa lầm rầm trò chuyện. Thấy khách đến, chúng ngượng ngùng giấu mặt.


Nhóm con trai tụ tập ăn trong im lặng, cái chậu bên dưới chân chúng nó dùng để đựng canh "khoai".

Nhóm ăn trong bếp, thỉnh thoảng nói với nhau vài câu thổ ngữ rời rạc, những chậu canh sẵn khói, thừa nước nhưng trong veo. Nhìn đố biết là canh gì, nếu không có ai "bật mí"...

Mỗi đứa một góc ăn cho xong bữa

Nhiều đứa gần như bỏ lại nguyên âu cơm

Những ánh mắt hân hoan khi sắp được nhận quà.

Bữa ăn chúng nó là vậy, thế mà vẫn có người nói chúng nó chưa đến nỗi khổ!. Đéo hiểu cái chuẩn khổ, nó phải như thế nào nữa, hả người?..

19 tháng 3, 2012

ĐÓNG BLOG: "ĐÀNH LÒNG VẬY, CẦM LÒNG VẬY"...

Mai Thanh Hải - Xin được nói ngay là việc đóng Blog Mai Thanh Hải, không phải do ai can thiệp, bắt ép mà do chính bản thân mình, với công việc thường nhật.

Mình biết là mọi người rất yêu thương, quan tâm và vào trang nhà của mình mỗi ngày, mỗi giờ. Số lượng truy cập gần 4 triệu, chỉ trong thời gian ngắn (11 tháng 3 ngày), đã minh chứng cho điều đó.

Nhưng mọi người cũng thông cảm giúp mình, vì ngoài Blog mình còn công việc, gia đình và bao thứ đằng sau nữa. Sẽ có dịp để nói thật nhiều, nhưng cho mình được nghỉ một thời gian.

Chuyện "cơm áo gạo tiền", đâu dễ để đùa vui?..

Buồn lắm và ngơ ngẩn lắm. Cứ như cứa vào da thịt, nhưng cũng "đành lòng vậy, cầm lòng vậy". Bao nhiêu việc muốn làm, cần làm... Đành hẹn sau vậy!..

Xin được đóng Blog Mai Thanh Hải và hẹn gặp lại mọi người!..

SÀ PHÌN ƠI! ĐỪNG XÓA TÊN LIỆT SĨ...

Mai Thanh Hải - Rất nhiều người lên Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), nơi địa đầu Cực Bắc để ngắm Cột cờ, nghía khu Di tích nhà Vương Chí Đức và bằng lòng với nhà cửa ven đường, cuối tuần tấp nập người ở xa, đến... sờ Cột cờ.

Mình nói vậy bởi rất ít người biết là ngay cạnh 2 "điểm đến" đặc trưng của toàn huyện Đồng Văn, toàn tỉnh Hà Giang và toàn vùng Cao nguyên đá, có bia ghi tên những Liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, với điểm chung rất khó hiểu trong mục "Nơi hy sinh: Mặt trận phía Bắc", ghi sau cùng tên các Liệt sĩ, trên bia đá.

Bài viết về những người lính, ngã xuống khi bảo vệ biên cương Lũng Cú, mình đã đăng từ tháng trước (đọc ở đây). Cứ tưởng như thế là đã đủ xót xa, khi đứng trước bia đá lạnh lẽo, không có đến 1 bát hương tưởng nhớ.

Thế nhưng hôm rồi, dừng lại ngã ba đường Lũng Cú - Sà Phìn chờ mấy người tò mò vào thăm Dinh thự nhà Vương, mình càng xót xa hơn khi tìm thấy tấm bia đá sơn đen ghi "Danh sách Liệt sĩ Nghĩa trang Sà Phìn".

Chẳng hiểu phần mộ của những người lính đã hy sinh, nay nằm ở đâu?. Chỗ nào là nghĩa trang?.. Nhưng cứ nhìn tấm bia bị gạch xóa, viết vẽ bậy... đến mức không đọc nổi tên người nằm xuống, mới thấm thía: Người đang sống "quan tâm" đến người đã mất thế nào...

Lạ nỗi: Tấm bia đá chưa chờ đến trăm năm đã mờ này, nằm ngay gần trung tâm xã và trước cổng dãy nhà xây đông đúc, hình như là nhà công vụ của cán bộ xã hay trụ sở chính quyền, doanh nghiệp gì đấy. Chả lẽ, những người đang sống này không bao giờ để ý đến bia đá bộ đội hy sinh?..

Xin lỗi những người lính đã nằm xuống trên vùng đất biên cương Sà Phìn (Đồng Văn, Lào Cai). Tấm bia ghi tên các anh bị xóa mờ, nên mình không ghi tên, ngày tháng năm sinh/nhập ngũ/hy sinh, đơn vị, quê quán, chức vụ - cấp bậc của các anh được.

Cố gắng lắm, mình mới đếm được con số 25 người ghi trên bia, chủ yếu hy sinh trong những năm đánh trả quân Trung Quốc xâm lược (1979-1989), trong số đó có 4 chiến sĩ Biên phòng của Đồn 103, nay là Đồn Biên phòng Phó Bảng (Đồn 177), Bộ đội Biên phòng Hà Giang hy sinh khi còn trai trẻ, trong 2 năm (1980-1981) lửa đạn dọc biên cương.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------


18 tháng 3, 2012

TẠI SAO KHÔNG ĐÁNH THUẾ CÁC KHOẢN THU NHẬP CỦA NHÀ CHÙA?.

Đoàn Phú Hòa - Thời gian gần đây trên báo chí đề cập nhiều đến các khoản thuế, mà người dân phải hoặc sẽ phải nộp, trong khi với thu nhập ít ỏi của mình, thì bản thân người lao động đang phải tính từng đồng, để lo toan được cuộc sống chật vật của bản thân, của gia đình mình với vật giá leo thang hàng ngày.

Thuế là nguồn thu nhập lớn nhất của tất cả các nước, vì vậy việc thu thuế để đảm bảo Ngân sách Nhà nước là điều tất nhiên và phải làm.

Tất cả các Doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, cũng như những người kinh doanh cá thể phải có trách nhiệm đóng thuế. Tôi đã thấy rất nhiều khẩu hiệu nói "đóng thuế là nghĩa vụ", nhưng tôi cho rằng đó là: "Trách nhiệm của mỗi công dân".

Nhiều nước trên thế giới (nhất là Mỹ), coi việc trốn thuế là một trong những tội nặng nhất và không ít các Công ty có lợi nhuận khổng lồ cũng như các ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng có thu nhập hàng chục triệu đô la mỗi năm, đã phải ra Tòa cho việc này.

Đảm bảo thu thuế cho Nhà nước, nhưng đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước.

Tôi hiểu một điều rằng: Không bao giờ có được sự hòa thuận trong lĩnh vực này, vì chẳng ai muốn bỏ thêm bất kỳ xu nào, để chi trả cho những khoản mà họ không muốn chi, mặc dù với nhà chức trách thì đó là điều cần thiết.

Trong khi Nhà nước cần có nhiều tiền để đảm bảo Ngân sách thì có một khu vực có thu nhập rất lớn, rất nhiều tiền thì Bộ Tài chính lại bỏ qua.

Khu vực mà tôi muốn nói đây chính là thu nhập hàng năm của các nhà chùa, được rải trên khắp đất nước Việt Nam.

Tôi có thể khẳng định một điều: Nếu một ngày nào đó, mà có cơ quan chức năng nào làm sáng tỏ được việc này, như câu hỏi đang được đặt ra “Ai là người quản lý tiền công đức nhà chùa”, thì chắc không ít người sẽ ngã bổ chửng về số lượng tiền khủng khiếp, mà các nhà chùa đang nắm trong tay.
Tôi đã được nhìn thấy những tờ 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng và với những mệnh giá to hơn nữa được nhét chi chít ở mọi chỗ trong chùa tại thời điểm Tết Nguyên đán, những ngày rằm hoặc ngày lễ ... từ lượng người đi chùa đông hơn trẩy hội.

Tôi được nghe kể rằng: Có những chùa, cứ đến cuối ngày thì số tiền ấy được gom lại, xếp thành từng tập theo mệnh giá của chúng, để rồi những ngày hôm sau, một phần không ít trong số này sẽ được xuất hiện tại những điểm đổi tiền tư nhân trước cổng chùa, chào bán cho dân thập phương với trị giá cao hơn giá trị thật của nó.

500 đồng - Thậm chí đến 10.000 hoặc 20.000 đồng không phải là to lớn gì, nhưng khi ta có trong tay vài nghìn, hoặc vài chục nghìn tờ như vậy, thì đó lại là số lượng không nhỏ một chút nào.

Có lẽ vậy nên chùa nào cũng có khá nhiều hòm “Công đức”.

Chùa càng to, càng thiêng thì số hòm “Công đức" càng nhiều và lượng tiền hàng ngày trong những hòm “Công đức” đó càng lớn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hay các ngày rằm.

Ngoài những khoản tiền nhỏ “góp gió thành bão” này, thì các nhà chùa còn có khoản thu nhập lớn hơn nhiều lần. Đó là các khoản tiền “Công đức” do mọi người đóng góp, với những lý do khác nhau.

Nếu nhìn vào bảng danh sách tại các chùa, thì ta thấy mỗi người đóng góp ít cũng một vài triệu, mà nhiều thì vài chục, vài trăm triệu.

Có những trường hợp, người ta “đóng góp” nhằm có được quyền sở hữu một ô đất nhỏ trên mảnh đất trước đó là ruộng của chùa, để làm chỗ yên nghỉ cho người thân đã quá cố với giá bằng, hoặc có khi cao hơn giá đất mặt tiền trong trung tâm thành phố.

Có những trường hợp người ta “đóng góp”, với niềm hy vọng thế giới thần linh sẽ giúp họ đạt được mong muốn của mình, trong lĩnh vực kinh doanh - tài chính (nhưng cũng có trường hợp người ta đóng góp bằng tâm của mình, chỉ vì lòng thành nơi cửa Phật)...

Với bất kỳ lý do gì chăng nữa, thì nhà chùa đều có một khoản thu nhập lớn, rất lớn mà nhiều nhà kinh doanh dù nằm mơ cũng không được.

Vì vậy có lần tôi đã nói với bạn bè của mình rằng: "Chùa chiền ở Việt Nam bây giờ cũng là một nghề kinh doanh, với thu nhập khủng mà không bao giờ sợ bị lỗ".

Để duy trì được hoạt động và đồng thời tu sửa những nơi hư hỏng, thì dĩ nhiên nhà chùa cần phải có những khoản tiền như vậy.

Đó là điều cần thiết và chính đáng, nhưng nó không công bằng ở chỗ là: Không phải trả bất kỳ đồng tiền thuế nào cho thu nhập này.

Không ai biết được thu nhập hàng năm của các chùa và cách sử dụng khoản tiền đó.

Nhà nước có thể ra qui định cho các nhà chùa phải minh bạch vấn đề này, rồi dựa vào đó thì cơ quan thuế vụ sẽ định mức thuế phải đóng hàng năm.

Với số tiền thu nhập còn lại, thì nhà chùa vẫn hoàn toàn đảm bảo được sự tồn tại của mình.

Số tiền thu thuế này sẽ được sử dụng để trùng tu các di tích lịch sử, trong đó không ít chùa chiền đang xuống cấp trên cả nước, mà không động chạm gì đến Ngân sách Nhà nước.

Tất nhiên để chống “chảy máu” Ngân sách Nhà nước, thì phải còn nhiều biện pháp khác tích cực hơn, nhưng đó lại thuộc về lĩnh vực khác, không nằm trong nội dung của bài viết này.

Viết về thu nhập của các nhà chùa, đồng thời cũng là cho các nhà thờ, nhưng trọng tâm chính vẫn là cho các chùa, vì người dân Việt Nam chủ yếu đi theo Đạo Phật và số lượng chùa chiền ở Việt Nam, cùng với qui mô của nó to lớn hơn nhiều lần so với các tôn giáo khác.
 
Phú Hòa

P.S: Tôi biết rằng sẽ nhiều người "ném đá" tôi và nghĩ rằng tôi dở hơi, khi cho rằng nên đánh thuế thu nhập của các nhà chùa. Có thể họ đúng và tôi sai, nhưng vì đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, nên gửi đến mọi người để tham khảo thôi. Tôi cũng biết rằng không phải bất kỳ nhà chùa nào ở Việt Nam cũng có những khoản thu nhập lớn như vậy, vì nhiều chùa ở các vùng hẻo lánh rất nghèo (có lẽ vì không thiêng?).

Tôi viết là viết về tình trạng chung thôi, chứ không đề cập cụ thể chùa nào, mặc dù tôi biết có những chùa có thu nhập hàng chục tỉ đồng/năm.
-----------------------------------------
* Bài viết do tác giả gửi đến MTH Blog.
* Hình ảnh trong bài chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

BỐ CON NGƯỜI LÍNH

Đó là bố con Trung úy QNCN Nguyễn Hữu Nam, Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồn 169), Bộ đội Biên phòng Hà Giang. Nam đã có thâm niên cả chục năm gắn bó với mảnh đất địa đầu cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang) và hiện tại, mảnh đất này là quê hương thứ 2 của Nam - cũng như rất nhiều Cán bộ chiến sĩ Biên phòng suốt dọc dải biên giới đất nước nói chung và Đồn Biên phòng Lũng Cú. Tìm hiểu chuyện gia đình của Nam, mới thấy gian lao vất vả như chính vùng đất cực Bắc: Nam quê xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Tây  (nay là Hà Nội), lên công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú và tìm hiểu, xây dựng gia đình với cô giáo Tuyển (sinh năm 1980, ở Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định). 2 vợ chồng hiện đã có 2 đứa con. Tuy công tác cùng trong xã nhưng Nam ở Trạm chốt biên giới, xa tít tăp, tháng may ra về được 1-2 lần. Tất cả mọi việc gia đình, con cái đều 1 tay cô vợ giáo viên THCS lo cả. Neo người và quá vất vả, vợ chồng Nam phải gửi cậu con trai đầu lòng về Ba Vì cho ông bà nội nuôi dạy hộ, từ khi cháu mới 3 tuổi. Đến nay, con trai của Nam đã có "thâm niên" xa bố mẹ 3 năm trời, nhường tất cả sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ cho em gái, mới hơn 1 tuổi, đang sống trên Lũng Cú. Hôm rồi mình nghe cô giáo Tuyển, vợ Nam giọng buồn: "Hôm Tết về nghỉ mấy ngày, thấy con hư nhưng cũng không biết làm sao, bởi từ bé tí đã phải xa bố mẹ" và nghẹn lại: "Tới đây, đến lượt con bé cũng phải gửi về quê cho ông bà ngoại trông!". Còn với Trung úy Nam, mọi sự nhớ nhung, đau đáu, lo toan đàn ông lặn hết vào trong ước mong có những đợt nghỉ phép đột xuất. Hôm rồi, ở Khu Tập thể Trường Tiểu học -THCS  Lũng Cú, mình chứng kiến cảnh Nam từ chốt về thăm nhà, cứ ôm chặt lấy con gái hít hà sau gần 1 tháng trong rừng, xa con, tự dưng cứ nhói lòng: Có những sự hy sinh tưởng như rất bình thường và người chưa trải qua chẳng bao giờ nghĩ đến, nhưng với người "trong cuộc" thì đau đáu niềm hy sinh thầm lặng mỗi ngày đêm...

CÀNG ĐI, CÀNG THƯƠNG BIÊN CƯƠNG...

Trần Đăng Tuấn - Phải nói ngay rằng sẽ chưa kịp chèn ảnh, sẽ viết rất vội. Bây giờ đang mờ sáng, chim hót ran ngoài cửa sổ. Hoàng Su Phì (Hà Giang) nhiều chim hót lắm vào lúc sáng sớm thế này. Nhưng nửa tiếng nữa là ra xe rồi. Thời gian ít, mà phải đi nhiều.

Hôm qua vào Hoàng Su Phì. Rẽ vào ngả mà bao lần đi Mèo Vạc, Đồng Văn, cứ qua đây lại nhủ mình phải có chuyến đi vào miền đất này, nhưng mãi chẳng làm nổi.

Vùng đất nào chưa đến được, mình cứ thấy như mất mát cái gì trong đời.

50 km từ quốc lộ vào đến phố huyện, đường nhựa, nhưng vòng vèo hết cỡ, chỉ có cua với cua (người dân ở đây nói : “Đặc sản của Hoàng Su Phì là cua, nhưng là thứ cua không ăn được!”). Toàn dân đi núi mà trên xe cũng có người.. ra mật xanh mật vàng.

Nhưng từ Trung tâm Hoàng Su Phì đi lên xã giáp biên Bản Máy đường mới kinh. Như thể lên Sao Hoả, đường đất mới xẻ, xe sập gầm liên tục.

Kinh nhất lúc qua những chỗ đường lở đến sát bánh xe, vực hun hút, mà đất ở đây nó cứ bở bùng bục.

Cũng là Hà Giang, mạn trên kia là cao nguyên đá, còn mạn dưới này toàn đất lẫn cát.

Không hiểu rồi cái đường chưa làm xong này “thọ” được bao nhiêu. Lúc nào mưa thì phải đánh đu với số mệnh mới dám đi trên đường này.

Người ta bảo đến Bản Máy nhìn thấy đất Trung Quốc trước rồi mới thấy bản Việt Nam.

Đúng thế thật. Tại sao mình có cái giác quan cứ nhìn thấy cái núi nào là lạ là xác định đúng luôn đó không phải đất mình.
Chỉ sang hỏi, lập tức anh cán bộ đi cùng cho biết : “Đất họ đấy!”.

Chưa thấy người dân Bản Máy nào đã thấy lốc nhốc một tốp người Trung Quốc lếch thếch đi trên đường đèo. Ngó bộ ở đây hai bên biên giới nghèo như nhau. Bên kia họ đốt đen cả đồi, trồng độc một loại cây là chuối.

Mầm Non Bản Máy có 149 cháu. Ở trường chính đã gần 90 đứa. Còn lại rải rác lớp ở nhờ ở đậu tại 4 thôn. 45 đứa 5 tuổi có tiêu chuẩn nhà nước 120.000/tháng. nấu cơm ở trường chính, bọn nhỏ hơn bố mẹ đóng 100.000/tháng.

Gần hai chục đứa cứ đến trưa bố mẹ đến bế về, qua bữa trưa lại bế con đến. Chẳng qua là chạy tránh bữa trưa ở lớp, vì không có cách gì hàng tháng đóng được 100.000 cho đứa con bé bỏng của mình, để nó được ăn cơm với bạn bè trên lớp. Các cô cũng thương lắm, nhất là khi mưa gió, rét mướt, hay là nắng quá rát.

Những khi đó đành chép miệng, giữ chúng lại, cấu véo cơm từ các bát khác san sang cho chúng. Bằng ấy đứa mà có 15 cái chăn, vừa rồi còn san 3 cái sang một điểm bản khác. Chúng nó ôm nhau ấm chứ chăn che sao hết được!..

Sang bên Tiểu học và Trung học cơ sở. Trường mới xây, đẹp. Có khu nội trú.

Chiều nắng quái. Hai chục đứa lớn có bé có đứng lố nhố quanh hàng rào. Toàn là con trai. Tuyệt không có đứa con gái nào. Hoá ra là ở đây chẳng có nước.

Bể mới xây, nhưng cạn khô. Con trai chúng nó chịu được, con gái ưa sạch sẽ (mà bọn nó cũng lớn rồi), nên không ở nội trú được. Các thày cô ở khu tập thể cũng thiếu nước.
Có đường dây dẫn nước từ Đồn Biên phòng cách đó khoảng gần 2 cây số.

Các cô cứ véo von gọi điện lên: "Các anh ơi, chích cho chúng em tý nước!”. Đồn Biên phòng cũng thiếu nước, nhưng cố san cho các cô. Có điều ống dẫn nước bằng nhựa, đi vòng vèo thế, trâu bò dẫm bục vỡ, nên nước về đến nơi thì chẳng còn bao lăm.

Để nấu cơm phải xách can đi chở nước. Vào bếp chúng nó, thấy độc cái nồi nấu cơm, cái chảo cũng dính cơm, và một bó rau cải héo. Trời ạ!. Giống như in cái bữa mình vào bếp ở Suối Giàng.

Hỏi một cu cậu lớp bé: "Có khi nào được ăn thịt không?”. Nó cười ngượng nghiụ nói rằng bữa nào cũng ‘ăn thịt”.

Mình lạ, hỏi: "Hôm nay có thịt không?". Nó cũng bảo: "Có!".

Hỏi cậu lớn hơn, đỏ hồng hào, trắng như con trai Châu Âu (quái thật, không có nước rửa ráy mà sao mặt mũi chúng nó sáng trưng!), thì cậu này cười, nói rằng: "Bác ạ! Nó gọi rau là thịt!”.

Sau này nói chuyện với các cô, mới biết rằng so với ở nhà, các em ở nội trú được ăn cơm thế này là hơn cơm bố mẹ lắm rồi, chẳng đứa nào kêu ca gì, chỉ khổ cái không có nước thôi.

Nước!. Đến đâu cũng thấy người Bản Máy không có nước. Tại đồn Biên phòng, Trung tá Đồn trưởng cho biết: Có nhiều đoàn khảo sát rồi, nhưng chưa thấy có Dự án nào được thực hiện để dẫn nước về.

Hiện cả cái trung tâm xã này chỉ trông chờ vào một cái điểm có nước đùn lên. Chỗ khác có khoan cũng chẳng có giọt nào.
Rồi mai đây bọn trẻ Mầm non sẽ có sự hỗ trợ của ” Cơm có thịt”. Lần này đi là một đội hỗn hợp đa thành phẩn. Giám đốc Quỹ Thiện tâm của Vincom nói nhỏ với mình: "Quỹ em sẽ giúp mua đường ống dẫn nước!”.

Đồn Biên phòng đồng ý tạm nối ống với ống dẫn nước chính. Lính bao giờ cũng nhường nhịn cho cô giáo, học sinh.

Nếu Dự án làm lớp học triển khai nhanh (Quỹ Thiện Tâm bàn với bọn mình khảo sát và sẽ thực hiện điều này), trẻ Mầm non ở các điểm bản sẽ có chỗ học đẹp, sẽ có bếp nấu ăn sẽ có cơm thịt….Và sẽ có tủ sách (một cậu đẹp trai đến đi theo chuyên tìm hiểu việc này, rồi về sẽ gửi sách lên)

Nhưng mà nước thì làm sao đây?. Để giải quyết cơ bản chuyện này, hình như phải đầu tư chục tỷ đồng. Cũng có thể không nhiều đến vậy (nguồn nước tốt cách đây 9 km), nhưng vẫn là tiền to. Chỉ có Dự án Nhà nước, hoặc một đơn vị kinh tế lớn mới giúp được.

Sáng bạch ra rồi. Chỗ nhà khách Uỷ ban mình ở, có dòng sông Chảy chạy ngay dưới, đêm nghe rì rào tiếng nước.

Nhưng lên các xã biên giới thì dòng sông này chạy tít dưới vực sâu, còn trên chỉ có đất khô bẻ trong tay vụn ra như bánh khảo vậy.

Càng đi, càng thương biên cương. Mà người ở đây lạ lắm, trẻ con đứa nào cũng hồng hào, hỏi chuyện thì nói tiếng Kinh ngọng ngịu nhưng rất dễ thương. Người lớn luôn cười, giữ khách chẳng cho về…

Mọi người gọi nhau rồi. Hôm nay đi 3 xã giáp biên , rồi sang Xín Mần…
----------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải của bài nguyên bản.
* Hình ảnh minh họa về học sinh Hoàng Su Phì trên mạng xã hội, không phải trong chuyến đi của tác giả.