2 tháng 7, 2011

MÌNH MỚI THẤY, Ở NGAY YÊN BÁI

Mai Thanh Hải Blog - Gần 1 tuần lang thang Tây Bắc, gặp và chứng kiến bao nhiêu là chuyện. Về tới Hà Nội trước ngày cuối tuần, để được cà phê Cột Cờ buổi sáng Chủ nhật như thường lệ, xin kể trước câu chuyện mình gặp ngay ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Địa điểm này rất gần Hà Nội, mình chạy xe theo cung Hà Nội - Sơn Tây - Thanh Sơn - Thu Cúc - Ba Khe (nối 3 địa phương Hà Nội - Phú Thọ - Yên Bái), hình như cũng chỉ trên dưới 3 tiếng đồng hồ.

Chủ đề thứ nhất là Nghĩa trang Liệt sĩ người Trung Quốc, nằm ở bên đường 32 (Ba Khe, Văn Chấn, Yên Bái), phía bên phải hướng Hà Nội (TP.Yên Bái) lên Nghĩa Lệ, Mù Căng Chải (Yên Bái) và sau đó tỏa về Lào Cai hoặc chạy thẳng lên Lai Châu. Mình có lọ mọ hỏi người dân sống xung quanh, nhưng tuyệt nhiên, chẳng ai biết về lai lịch (hoặc câu chuyện về những người nằm trong Nghĩa trang). Nhìn mạng nhện chăng đầy khung cửa sắt và những chân hương, đế nến để lâu. Mình đoán: Có lẽ đây là nơi an nghỉ của những người Trung Quốc (công nhân, cán bộ) đã sang đây giúp chúng ta xây dựng công trình, những năm rất xa xưa, từ những năm 60-70 gì đấy...

Chủ đề thứ hai: Chạy qua thị xã Nghĩa Lộ (cách Nghĩa trang Liệt sỹ người Trung Quốc khoảng 40-50 km), đến địa phận Bản Hẻo (Nông trường Liên Sơn, Văn Chấn), đập ngay vào mắt là chiếc xe bán tải mang biển kiểm soát Trung Quốc nằm chình ình ven đường, thùng sau chất đầy những két bia Hà Nội.

Lại lọ mọ xuống hỏi, dân xung quanh lắc đầu chả biết gì. Vòng quanh nhìn ngắm mãi, mới phát hiện 1 tờ giấy A4 gắn ở kính lái của xe, ghi mấy chữ - số, giống như biển kiểm soát tạm của tỉnh Lào Cai (24). Đoán vậy, nhưng chả biết thế nào. Ừ! Cứ cho là mình đoán đúng đi. Thế nhưng, chỉ 1 tờ giấy A4 ghi vài chữ mà hiên ngang tiến vào sâu trong nội địa quốc gia khác thế này, thì đúng là... tài thật.
---------------------------------------------------------------------------
CHỦ ĐỀ 1:

Những hàng bia mộ, phía tay trái
Một số ngôi mộ vô danh
Một số ghi rất đươn giản
Mộ này có tên và ngày mất


Tượng đài và bát hương, chân nến

Các mộ phía bên phải



Nhìn từ ngoài đường và
CHỦ ĐỀ 2:

Xe đeo biển số Trung Quốc đỗ ven Quốc lộ 32

Nhìn từ xa, thấy chiếm gần hết lòng đường

Chở bia Hà Nội nhé

ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN?..

GS Nguyễn Văn Tuấn - Đó là tôi muốn nói đến những từ như "tuyên truyền", "giáo dục" và mới đây nhất là "định hướng dư luận". Có thể nhiều người đã quá quen với những danh/động từ này, nên chẳng ai đặt vấn đề, nhưng tôi vẫn thấy lấn cấn khi nghe đến 1 trong 3 cụm từ trên đây. Lí do lấn cấn là như thế này:

Viết về những cam kết gì đó giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, một bản tin của Tân Hoa Xã viết (Ba Sàm dịch): “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, ông Hồng Lỗi nói.”

Một ông tướng Tàu, lại lên tiếng khuyên Việt Nam nên hướng dẫn dư luận. Bằng một "giọng điệu truyền thống" của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, Mã Hiểu Thiên cũng nói rằng Việt Nam "không nên để cho các diễn biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng". Cần phải đặt câu nói này trong bối cảnh: Phía Trung Quốc tuần nào cũng lên tiếng đe dọa Việt Nam, mới thấy giọng lưỡi của tên này lưu manh như thế nào.

Quay lại cái đàm phán trên, hình như 2 bên đồng ý sẽ "định hướng dư luận". Chẳng biết trong tiếng Anh, "định hướng dư luận" là gì?. Chắc là "directed publicity" chăng?. Dù là gì đi nữa, thì nghe đến khái niệm "định hướng dư luận" là tôi nhớ đến chuyện xưa, và đó chính là một lấn cấn của tôi.

Câu chuyện xưa đó xảy ra ở Úc, cũng gần 10 năm rồi. Thời đó, VTV4 thương lượng với đài truyền hình SBS của Úc để phát sóng chương trình VTV4 cho người Việt ở Úc. Đài SBS (Special Broadcasting Services) là đài của Chính phủ, dành cho các sắc tộc đang định cư ở Úc. Hình như 2 bên đồng thuận với nhau, và trong thực tế SBS đã phát sóng một số chương trình.

Thế là người Việt bên này phản đối kịch liệt. Biểu tình xảy ra nhiều nơi, có lúc lên đến cả 5.000 người. Đài SBS ngạc nhiên không hiểu tại sao biểu tình (trong khi họ nghĩ họ làm một việc có ích cho cộng đồng người Việt). Nhưng một số người chống Cộng bên này chỉ ra rằng: Đó là những chương trình "tuyên truyền" – propaganda. "Tuyên truyền có định hướng".

Chính phủ Úc không tin. SBS cũng không tin là có chuyện "tuyên truyền". Đối với họ, "tuyên truyền" là cái gì đó rất xấu xa, ghê gớm, đâu có ai lại đi nói rằng mình "tuyên truyền".

Thế là có người ta chỉ ra rằng: Ngay trên website của VTV và trong các bản tin, VTV4 vẫn dùng chữ "tuyên truyền". VTV4 vô tư nói rằng họ "tuyên truyền" đến cộng đồng người Việt ở Úc. Đến lúc này thì Chính phủ Úc và Ban Giám đốc SBS mới tin là có chữ này. Thế là họ đi đến quyết định chấm dứt chương trình VTV4 trên SBS.

Câu chuyện dài dòng và phức tạp hơn nhiều, nhưng tôi chỉ nói trên khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, để cho thấy rằng cách nói cũng ảnh hưởng đến chính sách.

Ở Úc hay các nước phương Tây, họ xem "tuyên truyền" (hay propaganda) là một cái gì xấu xa. Nói đến propaganda họ nghĩ ngay đến Nazi, đến Liên Xô. Còn ở Việt Nam ta hay Trung Quốc thì người ta vô tư dùng chữ "tuyên truyền", như chẳng có vấn đề gì phải bàn.

Mà nói đúng lí ra, "tuyên truyền" chẳng có gì đáng nói là xấu xa, vì nói cho cùng nước nào và chính quyền nào mà không "tuyên truyền"?. Nhưng cái khác là ở cách nói và cách làm. Một bên thì vô tư nói ra: Tôi "tuyên truyền", tôi "định hướng dư luận"; còn một bên thì làm mà không nói.

Chữ propaganda có lẽ xuất phát từ truyền thống hoạt động của phong trào Cộng sản Quốc tế. Các tổ chức Cộng sản rất coi trọng công tác "Agit'Prop" (tuyên truyền vận động). Và, cũng như nhiều từ ngữ của phong trào Cộng sản, chữ propaganda xuất phát từ truyền thống của giáo hội Công giáo. Propaganda khởi thuỷ là tuyên truyền, rao giảng niềm tin vào Chúa. Sau đó, propaganda/tuyên truyền mới trở thành “hoạt động nhằm dư luận tán thành, ủng hộ đường lối, chính sách của một đoàn thể, chính quyền” (định nghĩa của từ điển Robert).

Vì vậy, "tuyên truyền" mang sắc thái tích cực hay tiêu cực còn tùy theo bản chất của các chính sách mà nó phục vụ. Đối với những thanh niên Việt Nam thời thập niên 30-50 được “tuyên truyền giác ngộ” ("từ ấy trong tim bừng nắng hạ"), tuyên truyền chắc chắn mang ý nghĩa tốt đẹp. Trong thế kỉ 20, sau những tai hoạ do Chủ nghĩa Nazi và Chủ nghĩa Stalin-Mao gây ra, "tuyên truyền" chỉ còn nghĩa xấu.

Công việc "tuyên truyền, quảng cáo" thì vẫn còn đó, và càng trở thành quan trọng trong thế giới thông tin, nên người ta tạo ra một từ mới là "truyền thông" (communication) để làm công việc xưa cũ đó. Riêng phía Việt Nam thì vẫn trung thành với ngôn ngữ cũ, nên vẫn giữ nguyên xi hay chữ "tuyên truyền", vẫn còn "công tác tuyên huấn" (tuyên truyền, huấn luyện).

Tuyên truyền dĩ nhiên phải có thông tin. Phổ biến thông tin, nhưng không chỉ có thông tin, và khi thông tin thì bao giờ cũng "có định hướng", đơn giản là thông tin "một chiều", theo một chiều hướng có lợi cho tổ chức/chính quyền.

Người làm việc tuyên truyền khi xử lí một thông tin, cũng có thể (hay không) làm như người làm thông tin là kiểm tra độ xác thực của nó, nhưng anh ta có một quan tâm hàng đầu, khác hẳn người làm thông tin, là: đưa tin này có lợi cho ta không, làm thế nào có lợi nhất, lúc nào có lợi nhất cho ta, nếu thông tin này có hại, nhưng đằng nào đối tượng quần chúng cũng sẽ biết, ta không đưa không được, thì ta phải đưa thế nào cho ít có hại nhất.

Đưa tin hay không, đưa thế nào, tùy thuộc vào quan tâm lợi ích của đoàn thể hay chính quyền. Và do tâm lí chán ngán "tuyên truyền" của quần chúng, công tác "tuyên truyền/truyền thông" phải nguỵ trang tối đa thông điệp của mình dưới dạng thông tin. Do đó, tôi nghĩ những gì chúng ta tiếp nhận qua TV hay báo chí, kể cả báo chí Tây phương, cũng là tiếp nhận "tuyên truyền".

Ông Chomsky (giáo sư ngôn ngữ học), một thần tượng của tôi, là người bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về "tuyên truyền" của phương Tây. Ông chỉ ra rằng truyền thông đại chúng đều có mục đích định hướng. Mục đích của họ là làm cho đám đông không làm phiền đến họ. “Họ” ở đây là chính quyền, là các đại gia kĩ nghệ, quân sự, v.v.

Ông chứng minh thực tế rằng: Họ muốn làm sao đám đông kia chạy theo những game show vớ vẩn, say mê với thể thao như football, với những bản tin cướp giết hiếp, mở to mắt với những xì căng đan sex, v.v. Còn những chuyện nghiêm trọng, chuyện lớn thì để cho họ lo -- We take care of that.

Đó là "truyền thông định hướng", hay nói theo Việt Nam và Trung Quốc là "tuyên truyền có định hướng".  Mỹ, Úc, Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ nước nào đều không ít thì nhiều làm như thế. Nhưng như tôi nói trên, người ta giấu  không nói ra, còn Việt Nam thì làm theo Trung Quốc, tức là nói huỵch tẹt ra: "Chúng tôi tuyên truyền!"..

Nhưng đối với những ai có tinh thần tự do tư tưởng như Chomsky, cái cụm từ "định hướng dư luận" nghe rất xa lạ. Người trí thức có ý kiến riêng từ thông tin họ có, và không để ai định hướng mình. Đã để cho người khác định hướng, tức là mình thiếu độc lập, chẳng khác gì như những con cừu. Mà, nếu thiếu độc lập thì nói gì đến việc có ý kiến riêng?. Do đó, người trí thức left wing như Chomsky không bao giờ chấp nhận chuyện "tuyên truyền" hay "định hướng dư luận".

"Tuyên truyền định hướng dư luận" có nghĩa là xem thường dư luận. Sở dĩ xem thường là vì nó bắt đầu bằng một giả định rất ngạo mạn. Giả định của định hướng dư luận là công chúng chỉ là một đám đông ngu dốt, không có lập trường và chính kiến, không biết suy nghĩ.

Từ giả định đó, người ta tự cho mình cái quyền giáo dục công chúng cho... bớt ngu dốt, nhào nặn thành những người có lập trường, và dạy cho họ biết suy nghĩ (dĩ nhiên là suy nghĩ theo họ). Chính vì thế mà chúng ta hay nghe những cụm từ như "giáo dục quần chúng". Người ta phải hỏi: "Ai cho anh quyền và anh có tư cách gì để giáo dục tôi?". Đó là một suy nghĩ ngạo mạn, tự cho mình ngồi trên đám đông.

Cụm từ "giáo dục quần chúng" nghe rất nặng nề. Nó chẳng khác gì cha mẹ nói với con cái. Những người làm tuyên truyền đâu phải là cha mẹ của công chúng. Cách nói của Tân Hoa Xã chẳng khác gì nói: “Anh về dạy con cháu anh đừng có làm gì tổn hại đến tình hữu nghị giữa chúng ta. Dạy cho chúng đừng đi biểu tình nữa. Dạy cho chúng tôn trọng 16 chữ vàng gì đó. Anh dạy dân anh, tôi dạy dân tôi"...

Đằng sau câu nói đó là giả định rằng người đại diện Việt Nam trong cuộc đàm phán là cha mẹ của người Việt Nam. Cố nhiên, giả định đó sai. Giả định sai thì tất cả theo sau nó cũng đều sai.

"Định hướng dư luận" cũng có nghĩa cung cấp thông tin một cách chọn lọc. Một sự kiện lúc nào cũng có nhiều khía cạnh. "Truyền thông định hướng" có nghĩa là người ta chỉ cung cấp khía cạnh nào phục vụ cho quyền lợi của người ta... Cung cấp thông tin như vậy là không đúng với sự thật, và dễ làm cho đám đông hiểu lầm. Câu chuyện về trích dẫn không đầy đủ câu nói của Giám mục Ngô Quang Kiệt là một ví dụ tiêu biểu của việc cung cấp thông tin có chọn lọc.

"Định hướng" có nghĩa là phản khoa học. Trong khoa học, bất cứ một dữ liệu hay bất cứ phát hiện nào cũng được soi rọi bằng nhiều lăng kính. Nhà khoa học lúc nào cũng đặt câu hỏi tại sao: Tại sao có dữ liệu này?. Nguyên nhân xảy ra là gì?. Cơ chế xảy ra như thế nào?. Có thể diễn giải kết quả này theo cách hiểu khác không?. Có bao nhiêu cách diễn giải kết quả?...

Trong khi đó, đối với "định hướng dư luận", người ta chỉ có một cách diễn giải, làm như chỉ có một chân lí. Đó cũng chính là cách diễn giải của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 đoạn. Họ không cho (hay không cung cấp thông tin để) người Trung Quốc diễn giải khác. Do đó, "tuyên truyền định hướng" là rất phản khoa học.

Vì phản khoa học, nên "tuyên truyền định hướng" rất nguy hiểm. Người Trung Quốc nói chung là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Cứ xem văn học của họ thì thấy họ cũng như ta, cũng chẳng muốn chiến tranh.

Thật ra, chẳng có dân tộc nào trên thế giới thích chiến tranh.

Nhưng để biến một dân tộc yêu chuộng hòa bình thành một dân tộc hiếu chiến như hiện nay, "tuyên truyền định hướng" của Trung Quốc, cố tình vẽ ra một dân tộc Việt Nam hung hãn, đã và đang chiếm lãnh hải của họ. Suốt ngày này sang tháng nọ, họ nhào nặn ra một thế hệ ghét Việt Nam. Họ biến những con người bình thường thành những con dã thú giết người (như chúng ta thấy trong trận chiến 1979); họ biến những con người thành những cỗ máy chỉ biết chém giết.

Những gì tờ Hoàn Cầu Thời Báo làm, chính là một cách "định hướng dư luận", chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam, nên họ cho những ông tướng mặt mũi bặm trợn (nhưng đầu óc thì bị chứng cretinism) lải nhải phát biểu những điều mà người có bộ óc bình thường (không bị schizophrenia) cũng biết là vô lí. Họ cũng biết là vô lí, nhưng vì mục đích "tuyên truyền định hướng" chống Việt Nam nên họ vẫn nói, và đó là một trò chơi cực kì nguy hiểm.

Tóm lại, "tuyên truyền" – propaganda là một từ hàm ý tiêu cực. "Giáo dục quần chúng" là những từ ngạo mạn và xúc phạm. "Định hướng dư luận" là một kiểu tuyên truyền phi khoa học và nguy hiểm.

Nếu Việt Nam muốn hội nhập Quốc tế, tôi nghĩ các nhà truyền thông (À quên! “tuyên truyền”) – cần phải xem xét lại những từ đó. Tốt hơn hết là xóa bỏ những từ ngữ đó khỏi kho tàng ngữ vựng ngoại giao.

TRUNG QUỐC ĐỊNH "CẮT CÁP" LẦN 3

Các nguồn tin chưa được kiểm chứng từ Việt Nam cho BBC hay một tháng sau vụ tàu Bình Minh 2, phía Trung Quốc lại có hành động định 'cắt cáp' của một tàu thăm dò địa chấn Việt Nam ngoài Biển Đông.
Sự việc xảy ra với tàu của PetroVietnam nhưng không để lại hậu quả vì, theo mô tả của ba nguồn tin khác nhau, "các tàu hộ tống của Việt Nam đã vào kịp thời".
Tàu của phía Trung Quốc vì thế đã đổi hướng nên hai bên không gây ra va chạm.
Một số nhà báo tại Việt Nam tin rằng đây là một lần nữa, Trung Quốc "thử nắn gân" phía Việt Nam đúng lúc các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chúc mừng "sinh nhật" 90 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
BBC hôm 30/6 đã liên lạc với một quan chức PetroVietnam nhưng vị này từ chối trả lời điện thoại.
Cũng vì thời điểm bị coi là nhạy cảm, phía Việt Nam, theo một nhà báo giấu tên từ Hà Nội, không muốn công bố vụ việc cho báo chí.
Đến tối 1/7 giờ London, BBC cũng chưa ghi nhận được gì từ phía Trung Quốc xung quanh tin rằng chuyện này thực sự đến mức nào hoặc phía Trung Quốc coi đó là gì.
Lãnh đạo hai đảng cộng sản có vẻ như đang muốn làm giảm độ nóng của mối quan hệ sau hai vụ tàu Trung Quốc bị phía Việt Nam cáo buộc là "gây hấn".
Đặc biệt, một số nhà nghiên cứu Biển Đông tin rằng nơi xảy ra vụ "định cắt cáp" lần thứ ba gần với nơi tàu Viking của Việt Nam thuê bị phía Trung Quốc cắt cáp.
Trong các lần trước, phía Trung Quốc nói các vụ "va chạm" xảy ra trong vùng thuộc chủ quyền của họ, điều bị Việt Nam bác bỏ.
Mặt khác, phía chính quyền Việt Nam cũng lo ngại không khí bức xúc, đòi tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc có thể diễn ra lần nữa vào cuối tuần này ở Hà Nội.
Vụ Bình Minh 02 xảy ra hôm 26/5 và vụ tàu Viking 09/6 đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận Việt Nam.
Trung Quốc hiện đang kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Báo Nhân dân cho hay Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đã gửi điện mừng đến Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhân sự kiện này.
Tuy nhiên, bức điện của phía Việt Nam, trong các phần được trích đăng trên báo Nhân Dân, không thấy nhắc tới phương châm 16 Chữ Vàng cho quan hệ hữu nghị Trung-Việt.
Không rõ nguyên văn các trao đổi đối diện nhau của hai bên thời gian qua ra sao nhưng bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã về chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cũng không dùng chữ "đồng chí" để nói về Việt Nam.

29 tháng 6, 2011

TIÊU ĐỜI RỒI EM ƠI

Mai Thanh Hải Blog - Theo dõi binh tình giữ gìn chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, qua các động thái của các bác (đặc biệt là Ngoại giao) những ngày qua, tự dưng cứ thấy quen quen lời hát "Thì thôi em về...". Sáng nay, đọc "Bản tin của Tân Hoa Xã 28/6/2011: Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam", thì đúng là hết muốn đi về, năng nói.

Lại khoác balô nhằm hướng Tây Bắc, đi tới những vùng đất xa xôi, gian khó, bình dị và chân tình cho khuây khỏa. Chuyến đi còn hứa hẹn nhiều bài viết dành cho bạn đọc, khám phá những vùng đất, địa danh đẹp tuyệt vời, dọc hành trình "bụi bặm": Miền Xòe hoa Nghĩa Lộ; vựa lúa thơm Tú Lệ với đặc sản "ăn cơm nắm, tắm cởi truồng"; miền Pơmu đầy huyền thoại Trạm Tấu; ruộng bậc thang Mù Căng Chải; thung lũng Than Uyên giao thoa các nền văn hóa; miền biên ải địa đầu Bát Xát nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt"; SiMaCai xa hút, mệt nhoài...

Lên đường khám phá Tổ quốc mình. Nhanh nhanh kẻo trễ!..
----------------------------------------------------------

BẢN TIN CỦA TÂN HOA XÃ NGÀY 28.6.2011

Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận
với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam
English.news.cn   2011-06-28 22:42:37

Bắc Kinh, ngày 28-6 (Tân Hoa Xã) – Trung Quốc hôm nay thứ Ba đã kêu gọi Việt Nam hãy thực hiện đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông] vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước.

“Chúng tôi cùng với phía Việt Nam đã có những cuộc thảo luận tới cùng trên vấn đề Biển Hoa Nam trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt, và hai bên đã thỏa thuận giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị và tránh gây nên những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay gây nên phức tạp cho vấn đề,” theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tại một  cuộc họp báo ngắn.

Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa (guard against …) những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, ông Hồng Lỗi nói.

“Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam,” ông Hồng Lỗi nhận xét.

Trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm mới kết thúc vừa qua của ông Hồ Xuân Sơn, cũng là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông đã gặp Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc và đã tiến hành các cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân.

Hai bên đã thỏa thuận cùng đẩy nhanh các cuộc hội đàm cho một hiệp định về những nguyên tắc cơ bản hướng tới giải quyết những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, đảm bảo hành động nỗ lực hơn để ký kết một thỏa thuận càng sớm càng tốt, theo như một bản thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao về cuộc họp giữa ông Đới và ông Hồ Xuân Sơn.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.  

Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây.

Sau những cuộc đàm phán và tranh chấp kéo dài, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng đề xuất của mình về vấn đề đặt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng nhau khai thác trong khu vực này.

Tháng 11 năm 2002, Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN gồm 10 nước đã thông qua một bản Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Hoa Nam, để đặt ra một cơ sở chính trị cho sự hợp tác thương mại có thể trong tương lai giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như hòa hình và ổn định lâu dài trong khu vực.

Tháng 3 năm 2005, ba công ty dầu khí Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã ký kết một bản thỏa thuận tay ba có tính bước ngoặt tại Manila nhằm cùng nhau khai thác các nguồn dầu và khí gas tại vùng Biển Hoa Nam đang tranh chấp. 

Người dịch: Ba Sàm
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Lời bình của người dịch: Ối giời … Tiêu đời rồi em ơi?!

Ông Phạm Viết Đào nhận định:

- Trung Quốc đang tìm mọi cách để Việt Nam và Trung Quốc sớm đàm phán nhằm gạt Mỹ ra khỏi tranh chấp Biển Đông, trong khi thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết phản đối Trung Quốc ngày hôm qua 28/6.
- Việc ông này nói: "Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam", nghe ra có vẻ xuyên tạc và đánh lừa dư luận. Coi chừng Việt Nam sẽ mắc bẫy và không có cơ hội sửa sai.
- Phải chăng Trung Quốc đang gấp gáp bằng mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi tranh chấp Biển Đông và chuẩn bị cho việc đặt giàn khoan khủng bố CNOOC 981?
Tình hình xem ra có vẻ rất phức tạp với ông bạn vàng rất lắt léo này.
Chiều lòng Trung Quốc lúc này sẽ là sai lầm lớn; đừng tưởng sau "Thông tin chung báo chí Việt Nam - Trung Quốc" thì tình hình Biển Đông sẽ tránh được xung đột; nếu Việt Nam kiên định lập trường, thì rất có thể trong tháng 7 tới, Trung Quốc sẽ gây sự (?!). (Nguồn: Phạm Viết Đào-Blog).
 
Nguyễn Xuân Diện: 

Với bản tin chính thức này của Tân Hoa xã (Xin Hua) thì khả năng chắc chắn có một cuộc biểu tình lớn tại HN và Sài Gòn vào cuối tuần.

Không biểu tình thì thôi, nếu đã biểu tình, xin đừng để như ông Đông A đã nói về cuộc biểu tình hôm 26.6 vừa rồi: 
Biểu tình lai rai
Tôi không phải là dân nhậu và kỳ thực cũng không hiểu lối thưởng thức ẩm thực nhậu lai rai. Lối nhậu lai rai có lẽ là một đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ. Bắc bộ không có lối nhậu lai rai, cà kê suốt tối. Hai chữ "lai rai" chợt đến với tôi khi tôi thấy hôm nay Hà Nội lại có cuộc tuần hành nho nhỏ chống Trung Quốc lần thứ 4. Kỳ thực tôi cũng không hiểu ý nghĩa thông điệp của những người tham gia tuần hành. Thông điệp chống Trung Quốc đấy họ muốn gửi cho ai? Gửi cho Chính phủ Trung Quốc?  Nếu thế thì làm trò cười cho Trung Quốc bởi vì các cuộc biểu tình ngày càng không to lớn khí thế hơn mà trái lại nhỏ đi ỉu xìu. Như thế khác nào là một khẳng định với Trung Quốc rằng người Việt Nam càng ngày càng không quan tâm tới chuyện chống Trung Quốc, tinh thần chống Trung Quốc càng ngày càng đi xuống.[...]
Nếu các cuộc biểu tình ngày càng xỉu đi thì không ai lại tổ chức tiếp làm gì, bởi vì nếu tổ chức tiếp, thông điệp của chúng mất hết ý nghĩa. Những người tham gia tuần hành có lẽ không bao giờ nhận ra được ý nghĩa thông điệp như vậy của một cuộc tuần hành hay một cuộc biểu tình. Cứ xem các nước trên thế giới, không ở đâu có kiểu biểu tình lai rai như ở Việt Nam. Biểu tình lai rai đúng là một kiểu tố chất của những người chưa trưởng thành về chính trị. (Nguồn: ĐÔNG A-blog).

28 tháng 6, 2011

ĐẾCH NÓI NỮA, KHÔNG LẠI BẢO... PHẢN ĐỘNG.

Mai Thanh Hải Blog - "Đầy cái vì sợ mà không dám nói đúng sự thật!. Đến lúc buộc phải nói, thì muộn mẹ nó rồi!" - Câu nói tưởng như rất... Chí Phèo của anh nông dân vùng chiêm trũng vất vả, xa xôi, chỉ được tiếp nhận thông tin qua đài báo, tivi và cũng chỉ "nhận xét, đánh giá" sự vật - hiện tượng thông qua tivi, báo đài... nhưng lại là "đúc rút" xót xa, đau đớn đến lặng người, trong mỗi người, về "nhân tình, thế thái".


Người bạn nông dân mà Thầy giáo/ Văn sĩ Mai Tiến Nghị (Cua Rận Blog) kể dưới đây, càng khiến nhiều người thấm thía: "Đừng có nghĩ nông dân là cục đất, vứt lăn lóc, nhào nặn mỏi tay. Cục đất mà đến lúc nói năng, khối người chẳng còn hàm răng mà nhá cơm".

Trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Mai Tiến Nghị (sinh năm 1954, đang học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, thì vào bộ đội (1971) và chiến đấu trong chiến trường miền Nam cho đến ngày giải phóng, ở 1 trong những mặt trận ác liệt - gian khổ nhất: Quảng Đà).  Tác giả Mai Tiến Nghị hiện đang dạy học tại Trường THCS Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và như tác giả nói vui cùng Mai Thanh Hải Blog "Là dân ĐHSP Toán, nhưng thỉnh thoảng đá... viết văn chơi. Cũng chưa có nhiều thành công nhiều trên văn nghiệp"... Cảm ơn tác giả đã chia sẻ với bạn đọc Mai Thanh Hải Blog.
-------------------------------------------

             LÝ SỰ CÙN

Hắn lăn ra nhà rồi gào tướng lên: "Mả bố nhà chúng nó, đến ti vi mà cũng nói sai, nói ngọng!". Mình chả hiểu ra làm sao: "Thằng này điên chắc!. Ti vi nó nói thế nào, kệ nó. Việc gì mày phải nằm lăn ra chửi bới?". "Nhưng mà tức lắm! Tức không chịu được vì ti vi ngọng!". "Nó nói ngọng cái gì?". "Không banh tai ra mà nghe, còn phải hỏi?. Dự báo thời tiết đấy. Phía đông Bắc Bộ trời nhiều mây có mưa dào dải dác. Lộn cả ruột!". "Ừ nhỉ!. Nhưng đấy là người ta nói tiếng Hà Nội, tiếng nói chuẩn của cả nước!" - Mình công nhận, nhưng còn cố bào chữa cho... "mưa dào dải dác".

Hắn gầm lên, xổ một tràng: "Này tao bảo!. Đã ngu thì bảo là ngu. Lại còn cố mà bào chữa. Vậy trong từ điển thừa ra chữ e rờ à?. Đài của Nhà nước mà còn nói sai thì ai nghe. Đây nhá: Đọc chuyện đêm khuya, nhân vật bà Rơi nó đọc thành bà Dơi. Cái tên Rơi các cụ đặt là từ việc bà ấy bị đẻ rơi ngoài đường. Nhưng nó đọc là bà Dơi, người ta lại nghĩ bà ấy lăng nhăng dơi chuột. Ngu là ở chỗ ấy!"...

Mình còn cố vớt vát: "Thì cái tên quan trọng đếch gì. Vả lại người ta nói đã quen mồm rồi!".

Hắn độp lại ngay: "Quen cái chó gì?. Quen mồm vậy, mà đã đứa nào dám đọc là... Tô Huy Dứa, có mà chết cha nhà nó. Chết từ Tổng Giám đốc trở xuống chứ chuyện bỡn à?. Vẫn phải cong lưỡi lên mà đọc cho ra... Tô Huy Rứa!".

- Vậy ra là họ sợ mà phải đọc đúng?..


- Đếch phải. Có cái vì sợ nên nói không đúng thành thử dễ hiểu nhầm!.

Mình nghĩ: "Thằng này lên cơn rồi nói bậy. Làm gì có chuyện đó?".

Hắn như biết ý nghi ngờ ấy, nên xoay người, nằm nghiêng thì thào: "Đầy cái vì sợ mà không dám nói đúng sự thật!. Đến lúc buộc phải nói, thì muộn mẹ nó rồi!".

Mình cố gặng hỏi. Hắn đã định trả lời, nhưng lại tặc lưỡi: "Thôi! Tao đếch nói nữa, không có lại bảo tao là phản động!"...

Rồi hắn ngồi dậy, phủi đít. Về!..

27 tháng 6, 2011

ĐI ĐÂU CŨNG GẶP... QUỐC HUY VIỆT NAM SAI CHUẨN

Đúc Quốc huy tại 1 làng nghề truyền thống
Mai Thanh Hải Blog - Câu chuyện Quốc phục, Quốc ca... đã từng gây ra những cuộc bàn cãi, tranh luận đến đau đầu trên báo chí. Hôm nay, chuyện "Quốc huy sai" lại khiến nhiều người giật mình và không thể không lo lắng cho cái gọi là Quốc thể - Quốc gia hiện tại.

Bài viết đăng trên VTC News và chỉ đích danh: Lúa nếp Việt Nam trên Quốc huy biến thành... lúa mì. Liệu sau vụ việc này, các Quốc huy sai có được chỉnh sửa, giống như các văn bằng của Đại học Huế cũng bị sai cơ bản, với những lỗi rất ngớ ngẩn và khi báo chí lên tiếng, người ta đành bỏ ra đống tiền để sửa sai.
-------------------------------------------
SAI TRÊN QUỐC HUY: LÚA NẾP THÀNH LÚA MÌ
(27/06/2011 06:41)

Minh chứng về Quốc huy đúng - sai
(VTC News)- Những lỗi sai trên Quốc huy có thể xuất hiện trên nhiều văn bản, tài liệu như bằng huân huy chương, các chứng chỉ, bằng khen, trên báo chí, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương…

Bà Đặng Thị Bích Ngân, PGĐ Nhà Xuất bản Mỹ thuật, kiêm TBT Tạp chí Mỹ thuật lắc đầu ngán ngẩm khi nói về những lỗi sai thường gặp trên Quốc huy – biểu tượng của Quốc gia, dân tộc Việt Nam.

“Không thể tin được khi hình Quốc huy trên nhiều văn bản, tài liệu như bằng huân huy chương, các chứng chỉ, bằng khen, trên báo chí, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương… từ trước đến nay thường không giống nhau. Mỗi hình Quốc huy mỗi vẻ, không đồng nhất theo một mẫu”.

Là một người tâm huyết với nền mỹ thuật nước nhà, ĐBQH Khóa XI, họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã không ít lần lên tiếng về câu chuyện của tấm hình Quốc huy.

Sai trên Quốc huy: Lúa nếp thành lúa mì.

Cạnh mẫu quốc huy bản chuẩn (ở giữa, hàng trên) là hàng loạt các mẫu Quốc huy sai nhưng vẫn được sử dụng trên Huân chương, văn bằng cấp Bộ, tờ báo Trung ương, các cơ quan Bộ, cơ quan tỉnh... đã khiến nhiều chuyên gia đau xót

Ông chia sẻ: Không thể tưởng tượng được trong khi ở hơn một vạn xã, gần 1.000 huyện và hàng ngàn đơn vị hành chính, cơ quan, công sở... trong cả nước có nhu cầu sử dụng biểu tượng Quốc huy thì đến nay, mẫu biểu tượng vốn được coi là rất đỗi thiêng liêng này vẫn đang tồn tại muôn hình vạn trạng.

Họa sĩ Trần Khánh Chương tặc lưỡi khi nói ngay cả đến các cuốn sách luật có in mẫu Quốc huy cũng bị làm sai, thậm chí đó đều là những nhà xuất bản có uy tín.

Ông cũng lấy ngay ví dụ trên Quốc huy ở bìa cuốn Kỷ yếu kỳ họp thứ 2- Quốc hội khóa XI không phải là những bông lúa (nước) với màu vàng quen thuộc, hạt thuôn nhỏ mà lại là lúa mì (trắng); hình bánh xe cũng chỉ có 6 răng cưa thay vì đủ 10 răng cưa như thường thấy.

Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm in mẫu Quốc huy bị bóp chiều ngang, kéo dài về chiều dọc. Trong khi cuốn "Pháp lệnh ưu đãi người có công" lại in mẫu Quốc huy “phình” về chiều ngang...

Thậm chí, ông Chương còn cho biết mẫu Quốc huy ở một số Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng bị sai. Trong một lần tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, ông phải giật mình khi phát hiện trên hình Quốc huy Việt Nam không phải là hình bông lúa nếp mà lại thay vào đó là hình bông lúa mì. Bên cạnh đó, kích thước của dải lụa, ngôi sao cũng không cân đối, không có tính thẩm mỹ.

Ông Chương cũng cho rằng, lỗi sai trên Quốc huy khá phổ biến và có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, thậm chí như Quốc huy ở Phủ Chủ tịch hay Quốc huy treo tại Hội trường Ba Đình cũ cũng là những mẫu Quốc huy chưa chuẩn.

Không cần đến con mắt của các nghệ sĩ, ngay cả những người dân bình thường cũng có thể phát hiện lỗi sai trên Quốc huy với những lỗi cơ bản như: hình bánh xe lúc có 6, khi lại 7 răng cưa thay vì 10 răng theo đúng chuẩn, dải lụa thiết kế không đều chỗ to chỗ nhỏ, chỗ lồi chỗ lõm....

Quốc huy không thể tùy tiện.

Bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó GĐ Nhà Xuất bản Mỹ thuật cho rằng: “Quốc huy là biểu tượng của 1 Quốc gia, nên việc thiết kế mẫu Quốc huy không thể tùy tiện, qua loa mà phải đảm bảo sự chính xác trong bố cục và tỉ lệ màu”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết: “Để vẽ được một mẫu hình Quốc huy chuẩn, trước đây, họa sĩ Trần Văn Cẩn cùng các học trò đã phải tính toán chi tiết đến từng ly, tỷ lệ giữa ngôi sao với các hạt lúa, cọng lúa, dải lụa phải thật chính xác; kể cả số hạt lúa ở mỗi bên cũng đã được tính toán kỹ, gồm 54 hạt tượng trưng cho 54 dân tộc. Bông lúa được dùng để làm mẫu vẽ cũng phải là bông lúa nếp, hạt to tròn…”

Tuy nhiên, hiện nay việc thiết kế mẫu Quốc huy của các cơ quan thường được giao cho các Cty thiết kế không có chuyên môn. Họ có thể thiết kế “tùy hứng” dẫn tới mẫu Quốc huy, khi được in ra thì chỉ nhang nhác giống mẫu Quốc huy chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế cũng không có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận với mẫu Quốc huy chuẩn, nên dẫn tới những sai sót không đáng có như trên.

Ông Chương cho rằng, ngay cả khi đã có một mẫu vẽ Quốc huy chuẩn, nhưng khi đem đắp nổi cũng rất dễ xảy ra sai sót, do việc đắp nổi phải thông qua nhiều giai đoạn khác nhau, chỉ cần một công đoạn không chính xác, cũng dẫn tới mẫu Quốc huy cũng không hoàn chỉnh.

Theo ông Chương: “Nhà nước nên giao việc thiết kế và sản xuất mẫu Quốc huy chuẩn cho một Cty với sự tư vấn của các họa sĩ có nghề. Việc thiết kế phải đảm bảo các chi tiết đúng vào các ô, các vị trí theo mẫu trước đây, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ hoàn thiện. Khi đã có bản thiết kế hoàn chỉnh, thì cần phải sản xuất mẫu Quốc huy hàng loạt với những kích cỡ khác nhau, bằng chất liệu đồng, composite.”.

Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí để sản xuất các mẫu Quốc huy chuẩn với các kích thước khác nhau để gửi tới từng cấp xã, huyện của 64 tỉnh thành trên cả nước để cùng thống nhất thực hiện.

Bên cạnh đó, mẫu Quốc huy chuẩn cũng cần được công bố trên báo mạng, trên các trang thông tin của Chính phủ, Nhà nước và đưa vào các Công báo để phổ biến rộng rãi hơn tới quần chúng nhân dân.

Phạm Thịnh

"QUAN HỆ VIỆT - TRUNG PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH, ỔN ĐỊNH"...

Mai Thanh Hải Blog - Xin nói trước, cái nội dung này nằm nguyên xi trong Bản tin do TTXVN phát chiều hôm qua nhé. Đọc xong, mình tắt máy tính ngay tức khắc, ra ngoài vỉa hè làm cốc bia hơi Hà Nội cho... mát ruột, mát gan và mát luôn cái đầu.
-----------------------------------
THÔNG TIN BÁO CHÍ CHUNG VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
26/06/2011 | 14:01:00  

Ngày 25/6 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề trên biển. Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất./.

(TTXVN/Vietnam+, Đọc ở đây)

NGÔI SAO SÁNG...

Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Mình đi nhậu, lúc về tới nhà đã khuya. Mình rón rón mở cửa vào nhà, rón rón...

Bất thình lình "nó" hiện lên. Mặt nó bằm bằm không khác gì... "túi bom".

Ngay lập tức, mình dồn công lực, hát tha thiết, ngân nga như Trọng Tấn: "Vợ là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao, giữa trời tối đêm mịt mùng!.. Ôi vợ của tôi ơi! Mãi mãi ơn ng... ư... ờ...i!".

Bị ăn quả phủ đầu, "nó" không kịp nhịn, nó phì ra cái... cười.

26 tháng 6, 2011

2 SAO, 4 SAO...

Mai Tiến Nghi - Mình nhập ngũ cuối năm 1971. Một ông giáo già học cùng lớp Sư phạm với mình bảo: "Tướng mày vào bộ đội, phải lên đến Đại tá 4 sao, 2 gạch!".

Sáu tháng sau, mình được phong binh Nhất.

2 sao trơn trên quân hàm. Cũng thấy oai oai, ít nhất cũng hơn những thằng đi cùng đợt, vẫn còn binh Nhì 1 sao. Nhưng nhìn mấy ông đeo 4 sao đè gạch bạc mà mơ… Lại nghĩ về lời tiên tri của bác giáo già.

Tháng 7 năm ấy, mình được điều lên Quân lực Trung đoàn. Vì viết chữ đẹp và ngoan ngoãn chứ cũng chẳng tài cán gì.

Lại nhận được quyết định phong quân hàm Binh Nhất lần nữa. Giời ạ!. Có ai oai như tôi không. 2 lần được phong quân hàm binh nhất. Lần này được phát kèm bộ quân hàm hẳn hoị

Mình về hì hục tháo sao ở quân hàm cũ, cài thêm vào bộ quân hàm mới và hãnh diện đeo lên. Mình đã có 4 sao mỗi bên ve áo. He! He!.

Đeo 4 sao trơn không ra binh mà cũng không ra tướng. Cổ đầy những sao là sao. 2 bên 8 ngôi chứ có ít đâu. Giá có viền xung quanh là cấp Đại tướng - ác liệt nhất toàn quân, hoặc ít ra cũng phải có gạch bạc (Đại úy, Đại tá), nhưng trơn tuột 4 sao chẳng ra cấp gì. Ai hỏi: "Sao lại đeo vậy?". Mình bảo: "Vì 2 lần phong Binh Nhất nên phải gấp đôi số sao của Binh Nhất!".

Mấy lão trong Ban bảo: "Đồ xỏ lá!. Đồ mất dạỵ!". Mình làm như không nghe thấy. Ông Trưởng Tiểu ban Quân lực bắt mình phải tháo bớt 2 sao. Kệ! Mình vẫn để nguyên.

Tuần sau, lúc đi ăn cơm, mình gặp ông Vượng-  Trung tá Trung đoàn trưởng. Một vị chỉ huy khét tiếng nghiêm khắc.

Mình lúng túng định... chuồn, nhưng ông ấy nhìn thấy mình có dáng vẻ khả nghi, bèn gọi giật giọng: "Thằng kia! Lại đây!".

Mình đành phải đến gặp, 2 tay bắt chéo qua ngực, giả vờ gãi tai gãi mặt để che ve áo, bộ dạng lúng túng...

Ông ấy càng nghi hơn: "Nghiêm! Mày đứng nghiêm xem nào! Lính tráng gì mà điệu bộ như thằng chết toi! Không học điều lệnh à?". Đành phải đứng nghiêm. Sợ đến sắp... vãi đáị Ông ấy nhìn mình từ đầu đến chân, rồi từ chân đến cổ và dừng lại ở đó… Đột nhiên vị Trung đoàn trưởng đứng nghiêm, giơ tay lên: "Chào! Chào Đại Binh 4 sao!"…

Tất cả mọi người có mặt ở nhà ăn Trung đoàn bộ cười ồ lên. Mình chỉ thiếu nước chui xuống đất.

Rồi ông ấy bỏ đi. Thoát rồi!. Nhưng lại lo khéo phen này bị kỷ luật, tước Quân tịch chuyển sang Trại cải tạo thì toi…

Đêm ấy không ngủ được. Nghĩ mọi phương án xấu nhất có thể xảy ra...

Sáng hôm sau mình bị gọi lên Ban Chỉ huỵ. Chết rồi!. Phen này chắc chết... Ông Vượng không có ở Ban Chỉ huy. Tham mưu Trưởng trao cho mình 1 tờ quyết định.

Mình được phong Hạ sĩ. Nhưng bị điều xuống đơn vị chiến đấu làm Tiểu đội trưởng, chuẩn bị lên đường vào Nam. Ối giời ơi!..
….
Tháng 9 năm ấy, mình vào đánh nhau ở Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng bây giờ). Cũng mấy lần được là Dũng sĩ, được Bằng khen… Đơn vị thông báo về địa phương. Gia đình làng xóm tự hào lắm.

Năm 1976, mình ra quân với quân hàm Trung sĩ: 2 sao đè gạch vải vàng. Vẫn còn dư ra mỗi bên 2 saọ Nhân 2 bên là 4.

Bây giờ mình vẫn giữ 4 ngôi sao dư ra làm kỷ niệm. Nhớ lời bác giáo già, thỉnh thoảng vẫn cứ nằm mơ đeo quân hàm 4 sao 2 gạch bạc…

MÌNH SỢ...

Thanh Chung Blog - “Em phải đi đến nơi, dù muộn cũng phải nói với nhau…”.

Hôm rồi, mình nhận được tin nhắn của 1 người quen cũ: “Dạo này, tụi mình có sở thích sáng Chủ nhật hẹn nhau đi uống càphê Cột Cờ và hít thở không khí ở khu vực vườn hoa chỗ ông Lê Nin đứng”. Anh bạn mình là người hài hước. Truyền thông báo chí “lề phải” “lạng lách”, đi qua khái niệm “biểu tình”, nên anh cũng “mã hóa” luôn cả thông tin “tụ tập đông người tự phát”.

Mấy tuần nay mình cũng có thói quen mới. Tối thứ Bảy (giờ NY), ngồi trực tin trong trang nhà anh Ba Sàm. Mình sợ!..

Mình sợ sự im lặng đến căng thẳng tại nơi “hò hẹn” trước giờ G.

Mình sợ những người có chung sở thích “uống cà phê” không đến được cùng nhau.

Mình sợ lẫn trong đám đông có những người không thuộc về đám đông.

Mình sợ có những người bị “cắp nách” mang lên xe thùng.

Mình sợ có những người bỗng nhiên bị tố giác là “tên móc túi”.

Mình sợ những ánh nhìn nghi ngại

Mình sợ sự mệt mỏi chán chường.

Mình sợ sự hoang mang

Mình sợ sự bàng quan,

Mình sợ sự thất vọng

Mình sợ niềm tin không biết đặt vào đâu

Và sợ nhất khi quân xâm lược tràn qua

Mỗi người quay về một hướng…

Sợ mất nhân dân trước khi mất nước.