5 tháng 10, 2011

"LẮC KON CU"...

Chân đèo Violac
Mai Thanh Hải - Hồi ngày xưa biệt phát miền Trung Tây Nguyên, mỗi lần đi từ đồng bằng lên cao nguyên, tụi mình thường chọn Quốc lộ 24 qua đèo Violac (Lắc), qua Kon Tum (Kon) và tới Pleiku, Gia Lai (Cu).

Sở dĩ hay đi cung này, vì bên cạnh việc ngắm rừng núi hoang vu, hùng vĩ, ít người qua lại, còn vì... gần hơn được cả trăm km (so với cung đường chạy vào Bình Định, ngược lên Pleiku theo Quốc lộ 19) và anh em lái xe, tiết kiệm vài trăm nghìn tiền xăng từ con Uoat cũ kỹ biển 80B, dành tiền ý ăn cơm dọc đường cho tụi mình.

Nhớ lại ngày xưa cũ, cách đây cả chục năm, thấy sao mà khổ cực đến vậy. Khổ nhất là cái chuyện... thiếu đói, thèm cơm (mà đã không no cái bụng thì chả thiết cái gì nữa. Hi! Hi!).
Thị trấn Ba Tơ

Chả thế mà bao năm, mình vẫn nhớ cái quán cơm bụi lụp xụp ở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi), tụi mình hay dừng lại ăn trưa, trước khi vượt đèo Violac lên Tây Nguyên.

Quán ấy, thường chỉ bán cho những cán bộ công chức ở huyện nghèo xơ xác Ba Tơ và mỗi khi đến lượt tụi mình vào gọi cơm, bà chủ quán người địa phương cũng chiếu cố, cho thêm mấy thằng Hà Nội chúng mình, mỗi đứa 1 miếng thịt mỡ, chan thêm muôi nước thịt.

Vừa chan, bà vừa lầm bầm: "Tụi mi lại lên Tây Nguyên hả? Trên ý tình hình ra sao, mà toàn thấy người Bắc lên công tác. Lính trán trẻ con như tụi mi, lên đó chịu được rừng thiêng, nước độc không, mà bày đặt tăng cường với lại biệt phái?".

Tụi mình nghe vậy, chỉ biết cười và cắm đầu chấm cháy cơm với nước thịt, cho đến căng bụng, để có sức vượt đèo, đẩy xe và... đêm gần sáng, đến Pleiku mới lại được ăn tối.
Trường lũy Quảng Ngãi

Chuyến đi này, từ ngã ba Thạch Trụ (Quảng Ngãi), ngược lên Kon Tum, ngẩn ngơ dừng lại giữa trung tâm thị trấn Ba Tơ, tìm lại quán cơm của bà chủ quán tốt bụng, nhưng mãi không thấy. A lố hỏi anh bạn thổ địa ở TP. Quảng Ngãi, lão này cười lăn: "Quán ấy, bị giải tỏa làm đường rồi!".

Đèo Violac của 10 năm trước. Ký ức trong mình là những lúc còng lưng, đẩy đến... phọt cơm, cho con Uoat già nua, giãy đành đạch 4 bánh, lao lên khỏi ổ voi nhầy nhụa đất đỏ, mới sạt xuống đầy đường, sau trận mưa rừng thối đất thối cát...

Là trong veo màu trời, trên những tán cây rừng rậm rạp còn nguyên sinh, giữa im lặng rì rào con đường nhỏ tý, vắng hoe, đi vài tiếng đồng hồ mới gặp tốp đồng bào đeo gùi đi lấy mật ong, kiếm rau rừng...
Trên đỉnh đèo, giữa Quảng Ngãi và Kon Tum

Là ngẩn ngơ trước những rừng thông Măng Đen, trầm lặng đứng so vai bên đường, trong cái lành lạnh sương mây muôn thủa...

Là rưng rưng quỳ gối, nâng nhẹ cánh hoa dã quỳ vàng óng ả, thấy mình tan vào cả màu vàng bất diệt, nở òa trước con dốc, báo hiệu đã đặt chân mình lên vùng đất Tây Nguyên...

Đèo Violac bây giờ: Mặt đường nhựa của "bọn tư bản giãy chết" hồi nào còn óng ả, chắc lụi, bây giờ be bét ổ voi, ổ gà, trơ ra toàn đá, oằn mình chịu đựng những chiếc xe tải hạng nặng, chở gỗ từ rừng ta, rừng bạn về xuôi...

Bên đường, đèo, thi thoảng lại gặp những đoạn rào chắn an toàn giao thông, bị tháo - dập phá, lấy đi hết cả phần sắt thép, trơ lại những cọc tiêu thưa thớt...

Dọc đường, vẫn gặp những tốp đồng bào, quần áo rách rưới, mặt xanh màu đói, vơ vẩn bên đường, tìm vào rừng đào củ, gỡ măng...
Mình cách đây 10 năm, ở ĐăkGlei-Kon Tum
Rừng thông thơ mộng của Măng Đen, bây giờ vẫn còn, nhưng san sát biệt thự - căn hộ đủ màu xanh đỏ, hình dáng, của các "đại gia" khắp nước, tìm lên xí đất.

Đổ dốc xuống Tây Nguyên, thấy đầy trong mắt những rừng cao su ngắn tun ngủn, mới trồng theo cái Chương trình gọi nôm na "Chặt rừng, trồng cao su", chả lấy đâu ra đất cho dã quỳ dại, náu mình...

Kon Tum đón mình bằng trận mưa trắng xóa, dai nhanh nhách. Ngay đoạn Kon Rẫy, vách đất ven đường đổ sạt đánh ùm như mìn, may mà xe chưa kịp bò đến đó.

Cứ tưởng sẽ nằm chết dí giữa rừng, may phúc làm sao gần đó, có 1 xe xúc đất công trình. Đợi gần 1 tiếng chờ thông đường, con "Phò Đeo Nơ" 2 cầu gầm cao cũng ìn ịt bò qua đống đất - đường nhầy nhụa, be bét hướng về TP. Kon Tum.
Mình ngày xưa, hơi bị... trẻ

TP. Kon Tum - Đến bây giờ, mình chả hiểu sao, cái phố thị loe ngoe vài con đường, lơ thơ những ngôi nhà khập khiễng bé tý 2 bên, cũng được "lên hạng thành phố"?.

Ký ức của mình, vẫn vẹn nguyên những tháng công tác ở Kon Tum dài đằng đẵng, sáng nào cũng nhịn ăn vì chẳng có tiền, gần đến trưa đã thấp thỏm ra vào, đợi kẻng cơm.

Bữa cơm trưa hồi ấy, tụi mình đứa nào cũng múc đến 3-4 bát canh lơ thơ rau, mênh mông nước và trợn mắt húp, cho cái bụng đỡ sôi ùng ục và máu có nước, được đẩy lên đầu. Những buổi tối Kon Tum mới thật là buồn, xem hết Thời sự trên tivi, đã thấy bà con lạch xạch khóa cửa đi... ngủ. Tụi mình, tivi chả có, đành giết thời gian buổi tối bằng cách đọc tất cả những thứ gì có... chữ.

Giờ nghĩ lại, vẫn thấy buồn cười cảnh: Lật chỗ nào, cũng thấy nhét các loại sách báo - Tạo chí - Hướng dẫn (thậm chí cả... Nghị quyết của Trung ương, huyện, tỉnh) cũ mới, nhăn phẳng. Điều này cũng lý giải: Tại sao đến bây giờ, sách báo toàn phát hành tốt ở các địa phương, vùng sâu cho đến vùng xa.
Rừng thông Măng Đen

Qua Kon Tum, lẩn mẩn giữa trời mưa gọi bà bạn. Mãi mới thấy choe chóe trong máy: "Đang Hội thao đơn vị, đợi xong rồi đi nhậu, hỉ?". Ối Giời! con mụ "kẹt xỉ" này bây giờ lại máu ăn chơi thế nhỉ?.

Ngày xưa, mỗi dịp cuối tuần, vợ chồng nhà mụ toàn kéo mình về nhà nhậu. Nói là nhậu, chứ làm đủ món Bắc (và nhất là nấu nhiều cơm) để mình đỡ nhớ nhà, tủi thân và cũng là dịp để mình có "một bữa no".

Tò mò hỏi, mụ bạn cười phe phé: "Ông xã đi công tác, con gái đầu vừa nhập học ĐH An ninh trong Sài Gòn. Ông đến nhà, không ra ngoài nhậu thì... đéo ai nấu cho mà ăn!". Kinh! Hoàn cảnh thế thì tớ lượn đây.

Lại nghe xoe xóe: "Ngại nhậu thì lượn đi, tôi cũng đang dở việc, đợi đến chiều, có mà ông phát rồ!". Ừ thôi! Chào nhá! Hẹn gặp lại sau vậy. Tính lại, chỉ có mỗi nhà mụ bạn làm mình thấy yêu Kon Tum. Hi! Hi!..
Mẹ con gặt lúa

Lại lẩn mẩn trong mưa, sang Pleiku. Con đường 19 ngày xưa chạy giữa mênh mông đất đỏ, vào mùa vàng rực hoa dã quỳ và tím ngắt bông cỏ tranh, bây giờ đầy ự nhà dân, xưởng chế biến sắn - cà phê - gỗ lạt.

Cứ lẩn mẩn những lần chạy xe máy giữa Gia Lai - Kon Tum trong ngày mà phát khiếp. Bây giờ, có bò ra đường này giữa đêm, cũng chả sợ rắn - sợ ma và sợ... bị uýnh.

Sang đến Pleiku vẫn chưa hết mưa. Lão cụ Văn Công Hùng, í ới với mình từ mấy hôm trước, sẵn sàng "quần áo, nước hoa", đội mưa ra tận ngoài đường đón mình và dẫn vào thăm nhà, đang chỉ có 1 mình con chó Bim xinh như cục bông, hí hớn chạy đi chạy lại trông nhà.

Hỏi "bà xã anh đâu", lão cụ hị hụi vào nhà bưng ra cả két bia 333, đặt phịch lên bàn, nổ bôm bốp mời thay nước trà, nhẩn nha: "Biết nhà có khách. Vợ anh đi... làm đầu!".
Mình và lão cụ Văn Công Hùng, cùng... đầu trọc

Ối Giời! 2 lão cụ ở trông căn nhà phố núi, để 2 đứa con gái làm ăn dưới Sài Gòn phồn hoa. Hoàn cảnh này, chắc là "thì tương lai" của mình quá!..

Uống hết 3 lon bia, tụi mình phi thẳng ra... quán nhậu, chả biết khách sạn nghỉ đêm ở đâu nữa.

Vừa vào quán, đã bị... nhận diện "do đã đọc nhiều trên Blog" và kéo sang bàn cả chục "thổ địa Pleiku", làm tới mấy ly bia.

Ngoan ngoãn chối từ và lật khật về bàn mình, lão cụ Văn Công Hùng hào hứng gạ... chơi rượu bản địa. Có ngồi la đà thế này, mới thấy là mình uống cũng hơi bị khỏe.

Ngồi rỉ rả trò chuyện, mới biết là Pleiku quá nhiều món "cao lương mỹ vị", mà ngoài Bắc, mới nghe đã chết khiếp, sờ tay giữ chạt ví tiền. Đơn giản như mấy món chế biến từ cá Anh Vũ, mang lên từ xã Biển Hồ, các "thổ địa" Pleiku lắc đầu: "Ở đây, đi nhậu là bình thường. Lên Tây Nguyên, tìm thịt rừng mới khó!".
Bác Minh nhà mình bây giờ đầu cũng... trọc

Mình thì ăn gì, uống gì cũng được. Thế nhưng nghe chuyện "hết rừng", cứ lẩn mẩn: "Khi nào thì người ta không gọi Tây Nguyên xanh, mà sẽ gọi là... Tây Nguyên trọc?".

Hình như, cứ lẩn mẩn nhiều quá, nên mình bị xỉn quắc cần câu, buổi đêm về đến phòng nghỉ là nằm vật, ngủ như "chó con say sữa". Chả biết khi mình đi ngủ, có bị "lắc - con - cu" không nhỉ?.. Giàng ơi!..

Buổi sáng ở Pleiku, lão cụ lần khân cả giao ban buổi sáng, nằng nặc dẫn mình đi ăn sáng đặc sản của Phố Núi. Món này giống y như phở khô, bóp nước tương và húp nước thịt cùng tú hụ giá đỗ trần. Gì thì gì, chứ đi xa là mình kiêng cái món giá đỗ lắm.

Hết ăn sáng, dĩ nhiên phải ngồi vỉa hè uống cà phê rồi. Mình vốn không có thói quen uống cà phê, nhưng ngồi giữa Phố Núi, không thể không làm 1 ly đen đá, ngắm phố hít khí giời.
Mỗi Già làng Nguyễn Thịnh là tóc vẫn dài

Hồi trước ở Pleiku, cứ quanh quẩn đoạn phố Hùng Vương nối dài và đi các huyện. Bây giờ mới thấm thía: Phố rợp bóng cây, thân thẳng tắp thời gian, như chở che và gợi nhớ; con dốc cuồng chân em nữ sinh má đỏ hây hây, áo trắng ríu ran đi về khung hè vắng; sương mỏng mảnh đọng trên những nóc nhà cũ, đượm thời gian mới - cũ vĩnh hằng...

Níu kéo thế, gần gũi thế nên cũng chẳng về sớm với Quy Nhơn được. Gần buổi trưa, già làng Nguyễn Thịnh hối hả giục chạy đến Lê Thị Hồng Gấm, ngồi cùng mấy người bạn.

Già làng với mình thân cả chục năm nay, hồi mới tò te lên Tây Nguyên. Rất nhiều kỷ niệm và cực nhiều gắn bó. Có những điều, nhẩn nha nhắc lại, mới tiếc về một thời hồn nhiên, trai trẻ. Mỗi lần giật mình nhớ đến Tây Nguyên, trong đầu mình lại vẽ nguyên bản giò hoa lan gân guốc, bung hoa lấp lánh ngoài sân nhà già làng; màu hoa dã quỳ vàng trắng, tinh khiết sương đêm, nở thành vạt sau nhà...
Anh Trần Lâm, PV Báo NNVN tại Gia Lai thì tóc hơi... bạc

Ngồi bên nhau giữa quán lá yên tĩnh, trước mặt là xanh ngắt trảng cỏ cao nguyên, kể lại những chuyện từ hồi xa lắc, thấy ầng ậc nơi quầng mắt: Một thời thiếu thốn, vất vả, khó khăn đến như vậy, mà vẫn lăn lóc, quăng quật và biết lãng mạn, biết cảm nhận, để mà sống, để vươn lên. Tại sao, khi đã vượt qua lúc bĩ cực ấy rồi, hình như có lúc lại quên đi, không nhớ và sưng mắt lo "cơm áo gạo tiền"?.

Vẫn biết, cần phải sống bằng "áo cơm tiền gạo", nhưng nếu không giữ được chính con người mình trong trẻo, chia sẻ (bằng 1 phần như của ngày xưa thôi), thì mình còn là mình, hay là thành "máy kiếm cơm"?..

Mỗi người chỉ sống 1 lần trong đời và chuyện hoài niệm, ôn lại quá khứ, để sống ý nghĩa hơn với những người thân, cho 1 lần sống của mình khỏi phải tiếc nuối - Đó là điều đọng lại trong mình và những người bạn, khi gặp lại nhau ở vùng đất "Lắc - Con - Cu". Rời Cao nguyên lúc giời vẫn mưa, tự dưng lại ám ảnh màu vàng của dã quỳ mùa tới. Ừ! Đúng rồi! Đã sắp tới kỳ, dã quỳ nở vàng rực Tây Nguyên. Màu vàng của những niềm hy vọng, niềm tin vào ngày mai, ngày kia và cả tương lai, đang đợi phía trước...

8 nhận xét:

  1. Mời Bác Mai Thanh Hải và bà con vào đây mà xem "gái Hải Phòng, trai đất Cảng":
    http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tinh-cach-nguoi-Hai-Phong-co-lien-quan-Giang-ho-dat-Cang/61000.gd

    Trả lờiXóa
  2. Thằng HAGL nó đốn hết rừng ....TÂY NGUYÊN TRỌC như đầu các bác ! heeee

    Trả lờiXóa
  3. Anh Hải chừng nào về ngang Quảng Ngãi hoặc Quảng Nam nhớ cho em thời gian để em gặp. Hôm trước Anh ở Quảng ngãi, Em có hẹn Anh, nhưng chạy từ Chulai về bị tai nạn, tối đó không gặp được Anh và "bè lũ". Tiếc đến giờ.
    Nhớ Anh nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Trời ạ! Bị tai nạn sao vậy riho? Hôm rồi mình có dừng lại Q.Nam-Q.Ngãi và bây giờ thì đang ở Tuy Hòa, Phú Yên. Yên tâm là trên đường ra, sẽ liên lạc gặp nhau chút nhá!

    Trả lờiXóa
  5. Lâm Đồng + Đắc Lắc + Kon Tum + PlayCu = Đồng Lắc Kon Cu

    Trả lờiXóa
  6. E thấy mình bây giờ, vẫn... hơi bị trẻ!
    (hihi,)

    Trả lờiXóa
  7. hihi suy cho cùng lúc nào cũng thấy bác được nhậu cả hihi thích thật

    Trả lờiXóa
  8. Nể thật. Bác Hải đi nhiều thế, khi nào đi ngang qua ĐăkNông, em mời bác dừng chân bên hồ Doãn Văn câu cá và uống rượu đế nhé.

    Trả lờiXóa