11 tháng 2, 2012

VẤN ĐỀ NHỨC NHỐI NHẤT Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM: DÂN CHỦ CƠ SỞ MỜ NHẠT, CHÍNH QUYỀN ĐỐI LẬP VỚI DÂN?..

Đào Tuấn - Trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang Miền Nam”, nhà văn Sơn Nam đã điểm lại 2 vụ án nổi tiếng: Vụ Ninh Thạch Lợi (xảy ra ở Rạch Giá năm 1927) và vụ đồng Nọc Nạn (xảy ra ở Bạc Liêu năm 1928), để đưa ra một nhận xét chung: Nạn nhân là những người chí thú làm ăn…và chỉ muốn bảo vệ phần đất ruộng mà họ đã khai thác từ lâu. Trước khi bạo động xảy ra, họ cũng đã tìm đủ mọi cách để kêu nài trong mức cố gắng tối đa của  họ.

Những vụ án Ninh Thạch Lợi và Nọc Nạn đẫm máu bấy giờ, chứng tỏ những bất cập mà chính sách về ruộng đất - một chính sách mang tính chất cướp đoạt, cùng sự hà hiếp của bộ máy chính quyền địa phương, buộc người nông dân phải đứng dậy trong thế cùng quẫn và “tuyệt nhiên không có những người làm  chánh trị xúi dục”.

Sự thống nhất tuyệt đối về mặt dư luận bấy giờ, là còn bởi: “Luật lệ mà thực dân bấy lâu đưa ra về vấn đề khẩn đất, chỉ là những cạm bẫy để cho kẻ lương thiện sụp xuống dễ dàng”.

Trong vụ án Cống Rộc, xảy ra sau đó gần một thế kỷ, người nông dân Đoàn Văn Vươn, cũng như những chủ Chọt, Biện Toại, Mười Lương... cũng chỉ muốn bảo vệ phần đất, mà họ đã đổ mồ hôi và máu mới có được.

Cũng kêu oan với báo chí, cũng kiện ra Tòa... - Tức là cũng đã tìm đủ mọi cách, cách hòa bình và được pháp luật cho phép để giữ đất, trước khi sử dụng mìn tự chế và sung hoa cải.

Một cách phản kháng giống hệt với sự... tự sát. Chỉ thiếu một cuộc bốc thăm, như anh em Biện Toại đã làm cách đây 1 thế kỷ, để đi tới tận cùng của sự tuyệt vọng.

Nhưng dẫu sao, “tiếng súng Hoa Cải” cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một vấn đề bức xúc từ chính sách đất đai, liên quan đến hàng triệu nông dân.

Hôm qua (10/2/2012), hơn 1,2 triệu hộ nông dân và dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và chờ đợi ý kiến kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt đối với số phận khu đầm 40ha của nông dân Đoàn Văn Vươn.

Không quan tâm sao được, khi bất cứ ai trong họ cũng nhãn tiền, phải đối diện với việc bị thu hồi, bị cưỡng chế, bị tước đoạt mảnh đất khi “5 quyền đối với ruộng đất” của họ, còn hay mất, phụ thuộc nhiều khi vào chỉ một cái... nhíu mày của một ông Chủ tịch huyện.

Không lo lắng sao được khi hơn 1,2 triệu hộ, dù có Sổ đỏ, đang bước đến, đang leo lên giờ G: Năm 2013, khi thời hạn giao đất đã hết, trong khi chính quyền Hải Phòng, đến giờ vẫn khẳng định việc thu hồi (khi hết thời hạn) là không sai.

Trước cuộc làm việc của Thủ tướng, lần đầu tiên đã có sự xuất hiện ý kiến của một số quan chức trấn an dư luận với những khẳng định: Nông dân không phải lo lắng về thời hạn năm 2013.

Trên một tờ báo của ngành Công an, ông Nguyễn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TNMT) khẳng định: “Ai đó nói rằng tới năm 2013, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất là hoàn toàn sai”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng cũng cho rằng: “Bản chất là giao lại chứ không phải thu hồi”...

Tuy nhiên, sự lo lắng của người dân là có thật khi cũng chính vị quan chức của Quốc hội cũng nói đến việc “chia lại”: “Hình thức chia lại như thế nào thì đang nghiên cứu. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó mới ra Nghị quyết để thực hiện”.

Hơn nữa, việc tiếp tục được sử dụng mảnh đất 20 năm mồ hôi xương máu hay không, phụ thuộc vào Chính quyền, khi những kẽ hở của Luật Đất đai (sửa đổi) 2003 đang vô tình giao cho chính quyền một thứ quyền hạn quá lớn: Quyền định đoạt đối với mảnh đất mà người nông dân đang sử dụng.

Thực tế Tiên Lãng cũng đã cho thấy trong vụ án Cống Rộc là chính quyền, đã hành xử với mảnh đất của nông dân theo một cách thức không thể tồi tệ hơn: Cưỡng chế thu hồi mà hoàn toàn không có phương án đền bù, không đối thoại với dân và thu hồi cũng không biết để làm gì, khi thậm chí phương án sử dụng sau đó cũng không có...

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, hôm qua, đã thông báo ý kiến có tính chất kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ.

Theo đó, Quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Điều 37, Luật Đất đai (sửa đổi) 2003 quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên. Quyết định thu hồi đã sai, thì quyết định cưỡng chế thu hồi cũng đương nhiên sai.

Kết luận của Thủ tướng, dù không làm thay đổi tình trạng pháp lý của người nông dân lấn biển, tuy nhiên, công lý phần nào đã được trả lại cho ông.

Công luận, qua kết luận cuối cùng này, dường như càng thông cảm hơn với nỗi tuyệt vọng và sự khốn quẫn của người nông dân, khi bị chính quyền tước đoạt một cách trái luật và trắng trợn mảnh đất của mình.

Số phận của người nông dân Đoàn Văn Vươn, có lẽ đã rẽ theo một hướng hoàn toàn bi thảm, sau khi quả bom tự tạo đầu tiên phát nổ, sau khi viên đạn hoa cải đầu tiên được bắn ra khỏi nòng.

Nhưng người đẩy ông vào tình thế tuyệt vọng, không ai khác, chính là quan chức trong bộ máy chính quyền Tiên Lãng.

Nhưng vụ án Cống Rộc hoàn toàn chưa khép lại.

Nó mới chỉ vạch ra vấn đề đang nhức nhối nhất ở nông thôn: Đó là tình trạng một nông thôn, mà dân chủ cơ sở tồn tại rất mờ nhạt. Đó là một nông thôn, nơi chính quyền gần như đối lập với dân.

Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là những bất cập trong chính sách đất đai.

Không thể không nhắc lại là Luật Đất đai đã phải sửa tới 4 lần, có tới 200 văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng đó là một Bộ luật có quá nhiều kẽ hở, để chính quyền địa phương có thể “tự giải thích Luật”, theo ý muốn chủ quan của mình.

Hàng triệu triệu nông dân, những người đứng trước nguy cơ mất trắng đất đai như ông Vươn, khi thời hạn 2013 đang đến rất nhanh, giờ có lẽ đã có thể tạm yên tâm để tiếp tục đổ mồ hôi trên mảnh đất của mình.

Kết luận cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ, có lẽ, ngay lập tức sẽ tạo hiệu ứng như một “tiền lệ pháp”- Một tiền lệ trong lĩnh vực hành chính, để người nông dân dùng bảo vệ quyền hợp pháp của họ, trước sự hà hiếp của chính quyền.

Vụ án Cống Rộc cũng cấp thiết đặt ra việc sửa đổi Luật Đất đai. Và để Luật Đất đai không còn là “cạm bẫy” đối với nông dân. Có lẽ, việc sửa đổi sẽ không thể chỉ dừng ở vấn đề thời hạn 20 năm, 50 năm hay 99 năm... mà phải đặt ra cái gốc: Chế độ sở hữu.

10 tháng 2, 2012

GỬI LUẬT QUỐC PHÒNG CHO 3 NGÀI ĐẠI TÁ

Mai Thanh Hải - Việc huy động lực lượng hùng hậu Bộ đội, Công an tham gia cưỡng chế, thu hồi đất đai trái phép của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Vinh Quang, Tiên Lãng, TP. Hải Phòng), đã khiến không chỉ đông đảo cán bộ - nhân dân mà ngay những tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đã - đang công tác, phục vụ trong lực lượng vũ trang cũng phẫn nộ, bất bình.

Tất nhiên, thời gian tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh những cán bộ trực tiếp vi phạm hoặc liên quan đến vụ việc, thế nhưng vẫn cứ phải đọc lại một số dòng trong Luật Quốc phòng cho 3 ông Đại tá "đầu ngành" ở TP. Hải Phòng, để tỏ tường và thông thoáng đầu óc.

Xin được nói rõ, đó là 3 Đại tá:


Đại tá Đỗ Hữu Ca
- Nguyễn Quang Cường, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Hải Phòng.

- Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng.

- Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Hải Phòng.

Cũng xin được giải thích rõ với 3 ngài Đại tá: Ngày 14/6/2005, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Quốc phòng và ngày 27/6/2005, Chủ tịch nước đã ký lệnh số 12/2005/ L/CTN công bố Luật Quốc phòng. Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2006 và bao gồm 9 Chương, 51 Điều.

Dĩ nhiên, sau vụ việc Tiên Lãng này, các ngài sẽ có thời gian ngồi học và đọc nhiều thứ, nên chuyện sờ đến Luật Quốc phòng, là chuyện chắc chắn. Hôm nay, chỉ đọc cho các ngài nghe 2 Điều ngắn gọn, ghi rành mạch ở Chương II thôi. Biết đâu đọc xong lại thấy... quen quen, các "Thủ trưởng" nhể?..
-----------------------------------------------------------------------------------------
CHƯƠNG II
LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Điều 12. Lực lượng vũ trang nhân dân
Đại tá - ĐBQH Khóa XIII Nguyễn Quang Cường

1. Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

2. Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước.

3. Nghiêm cấm việc thành lập đơn vị vũ trang trái pháp luật.

Điều 13. Nguyên tắc hoạt động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân

1. Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

2. Việc sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân và áp dụng biện pháp quân sự trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước.
Đại tá Nguyễn Văn Nam (bên phải)

3. Trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thì việc điều động, sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

4. Khi chưa có lệnh của cấp có thẩm quyền, người chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được tự ý điều động, sử dụng người, trang bị, vũ khí của đơn vị mình để tiến hành các hoạt động vũ trang không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(Nguồn: Đọc ở đây)

SAU KHI THỦ TƯỚNG KẾT LUẬN VỤ CƯỠNG CHẾ TIÊN LÃNG: THÀNH VIÊN UBND TP. HẢI PHÒNG (2011-2016) VẪN... Y NGUYÊN

Mai Thanh Hải - Hôm nay (10/2/2012), đồng thời với việc Kết luận về vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Vinh Quang (Tiên Lãng, TP. Hải Phòng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký văn bản phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm thành viên UBND TP.Hải Phòng (nhiệm kỳ 2011-2016).

Cụ thể: Tại Quyết định 182/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu chức danh Ủy viên UBND TP. Hải Phòng (nhiệm kỳ 2011-2016) đối với ông Phạm Hữu Thư, Ủy viên BCH Đảng bộ TP, Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng; tại Quyết định 181/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND TP. Hải Phòng (nhiệm kỳ 2011-2016) đối với ông Phạm Văn Mợi, nguyên Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng để nhận nhiệm vụ mới.

Như vậy, thành viên UBND TP. Hải Phòng từ nay đến năm 2016 vẫn... y nguyên.

Đó là các ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2004-2011).

Các Phó Chủ tịch UBND TP bao gồm: Ông Đan Đức Hiệp, Đỗ Trung Thoại, Lê Văn Thành (đều là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2004-2011), ông Lê Khắc Nam, (Ủy viên BCH Đảng bộ TP, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng).

Các Ủy viên UBND TP. Hải Phòng gồm: Ông Đỗ Hữu Ca (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP); ông Lê Thanh Sơn (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư); ông Phạm Hữu Thư (Ủy viên BCH Đảng bộ TP, Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng) lên thay ông Phạm Văn Mợi (Ủy viên BCH Đảng bộ TP, nguyên Chánh Văn phòng UBND TP); ông Nguyễn Đào Sơn (Ủy viên BCH Đảng bộ TP, Giám đốc Sở Nội vụ); ông Phạm Thanh Bình (Ủy viên BCH Đảng bộ TP, Giám đốc Sở Tài chính) và ông Nguyễn Quang Cường (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Hải Phòng)...

Xin được nhắc lại, trong vụ cưỡng chế - thu hồi đất tại xã Vinh Quang, về phía chính quyền, có những vị thành viên UBND TP. Hải Phòng liên quan như sau:

1 - Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP phải chịu trách nhiệm vai trò người đứng đầu chính quyền.
2 - Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP là người trực tiếp đến những phát ngôn sai sự thật trước lãnh đạo các cơ quan Thông tấn báo chí - Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Thông tin và truyền thông.

3 - Ông Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP, người trực tiếp chỉ huy lực lượng Công an TP. Hải Phòng tấn công vào gia đình anh Đoàn Văn Vươn và sau đó, còn có những phát ngôn phi nghiệp vụ, gây bức xúc không chỉ dư luận trong và ngoài nước, mà còn với toàn bộ cán bộ - chiến sĩ đã, đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân "Đó là trận đánh đẹp..., viết được thành giáo trình"...

4 - Ông Đại tá Nguyễn Quang Cường, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Hải Phòng, có liên quan về trách nhiệm chỉ huy trực chiến, chế độ báo cáo trong việc cấp dưới trực tiếp là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiên Lãng và Đồn Biên phòng 46 (BĐBP Hải Phòng), cử cán bộ chiến sĩ mang theo vũ khí, khí tài tham gia đoàn cưỡng chế đầm tôm và bị thương vong, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam...     
------------------------------------------------------------------
Nguồn tài liệu: Văn phòng Chính phủ

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VỤ CƯỠNG CHẾ Ở XÃ VINH QUANG (TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG)

Ngày 10/2/2012, tại Văn phòng Chính phủ (VPCP), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (TTg) đã chủ trì họp về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng).

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Trung ương MTTQVN, UBKT trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng và Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng.

Sau khi nghe báo cáo tổng hơp chung của VPCP và các ý kiến phát biểu của các Đại biểu dự họp, TTg Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau: 
I.
Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn.
Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài.

Trong những năm qua, Cấp uỷ, UBND huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, không ngừng nâng cao hiệu qủa sử dụng đất nói chung và đất bồi ven biển nói riêng, góp phần phát triển KTXH khá nhanh và toàn diện, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đối với ông Đoàn Văn Vươn chính quyền địa phương đã giao đất, kể cả giao bổ sung phần đất lấn chiếm sau khi đã xử phạt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Vươn đầu tư tôn tạo, nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất được giao.

Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đã có  những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn như sau:

1. Việc giao đất, thu hồi đất:

- Quyết định số 447/QĐ-UB (4/10/1993) của UBND huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành.

Quyết định số 220/QĐ-UB (9/4/1997) của UBND huyện Tiên Lãng giao bổ sung 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích  nuôi trồng thuỷ sản với thời hạn 14 năm (tính từ ngày 4/10/1993) là đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế sử dụng đất. Tuy nhiên quyết định này không đúng với quy định của Pháp luật Đất đai về giao đất, cho thuê đất; về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất.

- Các Quyết định số 460/QĐ-UBND (23/4/2008), Quyết định số 461/QĐ-UBND (07/4/2009) của UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP (29/10/2004) của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.

2. Việc cưỡng chế thu hồi đất:

Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của Pháp luật Đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm.

3. Việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.

Việc Lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là có dấu hiệu vi phạm Pháp luật Hình sự cần phải được khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.

II.
TTg hoan nghênh việc Lãnh đạo TP. Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ việc này. TTg yêu cầu lãnh đạo TP tiếp tục thực hiện tốt các công việc sau:

1. Chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chỉ đạo Toà án nhân dân TP. Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử đối với vụ việc này.

2. Chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ Pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.

3. Chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ Pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.

4. Chỉ đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm trong việc giao đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.

5. Lãnh đạo TP. Hải Phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc:

- Chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.

- Khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ - nghiêm túc với TTg; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận.

6. Lãnh đạo TP. Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này và chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, không để xảy ra vụ việc tương tự. Sớm ổn định tình hình mọi mặt của huyện Tiên Lãng. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, phát huy thành tựu to lớn và truyền thống tốt đẹp của TP. Hải Phòng, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015 mà Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra.

Những công việc trên phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao và báo cáo TTg kết quả thực hiện.
III.
Qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng), TTg yêu cầu:

1. UBND các tỉnh, TP trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.

2. Bộ TNMT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các Quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới.

3. Bộ Tư Pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp.

4. TTg kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân Tối cao theo thẩm quyền xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân TP. Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng.

5. TTg hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này.

Yêu cầu các Cơ quan Thông tấn Báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.
Bí thư Nguyễn Văn Thành và Chủ tịch Dương Anh Điền (thứ 2-3 từ phải sang)

Yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TTg hoan nghênh những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng đối với vụ việc này của các đồng chí lão thành, các chuyên gia và nhiều cán bộ, nhân dân đã gửi trực tiếp đến TTg hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp xây dựng đối với việc quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp./.
    


KẾT LUẬN CHO NHANH, NHÁ!..

Thu Hồng - "Ba câu hỏi chị đặt ra cho các chú, dả nhời ngắn gọn, nhanh nhanh, chị dức đầu lắm dồi.

Thứ nhất: Việc giao đất, thu hồi đất đối với gia đình Đoàn Văn Vươn đúng, sai ở điểm nào?. Trách nhiệm thuộc cá nhân nào?.

Thứ hai: Việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không?. Cách thức tiến hành cưỡng chế có đúng không?. Sai ở điểm nào?. Nếu sai, ai chịu trách nhiệm?..

Thứ ba: Các tài sản như nhà, ao cá của ông Đoàn Văn Vươn như báo chí phản ánh, là đã bị phá hủy, thì do ai có chủ trương?. Ai thực hiện việc này?..

Mà thôi, 2 câu đầu, các chú khỏi dả nhời. Chị quyết luôn: giao Viện Kiểm sát, Bộ Công an điều tra làm dõ đúng sai dư luật đang định. Xử lí cương quyết đúng người đúng tội.


Câu thứ ba, các chú nhanh chân khởi tố dồi hử?. Tốt!. Tiếp tục!. Cái nào báo chí nói láo, lôi ra vả gẫy răng vài thằng làm gương.

Ngoài da, chị giao thêm cho cái Bộ gì người nhà anh Vươn đang làm thanh cha ý nhở?. Đấy!. Cái Bộ đấy là tổng kiểm kê lại toàn bộ số các hộ nhận đất. Lớp thời Cụ Kiệt, lớp thời Cụ Khải,  xem còn bao nhiêu?.

Nhập nhèm giữa thời hai Cụ này là tù mọt gông đấy, vì Luật hai Cụ vênh nhau 180 độ luôn!..

Ngoài da, chị giao Bộ Tư pháp…

Thôi!. Tới giờ chị đi mát xa dồi, các chú cứ chiểu thế mà làm!.."...

"CHÓ - NHƯNG KHÔNG CHÓ!".

Mai Thanh Hải - Thi thoảng mình hay lên Suối Hai, vào Trường Huấn luyện Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thăm anh em.

Thường thì trước khi vào bàn uống rượu, tâm sự, thể nào cũng có "món" xem các Khoa mục huấn luyện chó nghiệp vụ, ví như: Chui ống, vượt vòng lửa, leo rào, tấn công đối tượng trong mọi trường hợp (thậm chí cả bắn AK, tung quả nổ y như trên chiến trường), phát hiện ma túy...

Các Giáo viên và Huấn luyện viên của Trường, sau khi đã hết màn "báo cáo thành tích", vào bàn ngồi uống rượu, hết thảy đều tấm tắc cái điều mà họ, qua bao nhiêu năm gắn bó với nghề nghiệp - công việc, đúc rút được: "Tuy là chó nhưng chúng biết phân biệt phải trái, có khi khôn hơn khối thằng người đấy, bác ợ!"...

Hôm xảy ra vụ cưỡng chế hùng hậu ở Quang Vinh (Tiên Lãng, TP. Hải Phòng), buổi tối  xem VTV1 của anh Trần Bình Minh, phát bản tin Thời sự vào giờ vàng lúc 19h, quay hình vụ việc cưỡng chế xung quanh nhà anh Đoàn Văn Vươn, thấy đủ các thể loại Cảnh sát Đặc nhiệm - Cơ động, Hình sự, Trật tự... cùng các sắc màu vũ trang, bán vũ trang khác say sưa nã AK, K54, K59 như đổ đạn vào nhà anh Vươn.

Nhưng suốt "trận đánh đẹp" (lời của Đại tá, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng có tên là... A Ka, chứ không phải của mình, nhá), chỉ chú ý đến cảnh 2 chú chó nghiệp vụ do 1 Thiếu úy và 1 chiến sĩ bậc 2 thuộc lực lượng Cảnh sát dắt đến, dù hô mỏi mồm, ra đủ khẩu lệnh, thậm chí... kéo cổ, ủn đít, nhưng chúng cứ ì ra, nằm bẹp và "xuống tấn" chống lệnh, khiến 2 Huấn luyện viên cũng bất lực, chào thua, lủi ra phía sau cùng chó.
Hôm sau, ngồi quán bia kể cho nhau nghe lại những gì thấy trong "trận đánh" của quân tướng A Ka, mấy thằng bạn mình, té ra cũng rất chú ý đến chi tiết ấy và kết luận luôn: "Chó như thế, mới là chó!"...

Hôm rồi, ra lại Đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) và lại gặp lại cảnh 2 con chó ta (chứ chẳng phải bẹc giê Đức Pháp Nga, huấn luyện cả vài năm, chế độ ăn mỗi ngày bằng cả chục em công nhân trong Khu Công nghiệp...) tên No, Phao buộc dây vào cổ, kéo cái xe đẩy của chú em ngư dân bị tai nạn Bùi Huệ, chạy băng băng qua các thể loại đường cát, đất, đá (Đọc ở đây).

Mấy anh em từ đất liền đi cùng mình, ai cũng trợn ngược mắt, khâm phục. Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hồng Kiên vỗ đầu đánh bụp, rơi cả kính tròn vo: "Quá là chó, hơn cả chó!"...

Hôm nay, đọc Sài Gòn Giải phóng, nghe kể chuyện con chó lông trắng nhà anh Vươn, khi chủ bị bắt, nhà bị phá, đồ đạc bị cướp, cũng suýt bị mấy lão "cưỡng chế" vây bắt, suýt biến thành 7 món, nhưng vùng ra, chạy thoát và sau đó, khi vợ con anh Vươn dựng lều chui rúc trên nền nhà cũ, nó lại tìm về quấn quýt, ân cần, cho gì ăn nấy cùng chủ...

Mình mới càng thấy những điều anh em Giảng viên Trường Huấn luyện Chó nghiệp vụ Biên phòng nói đúng: "Tuy là chó nhưng chúng biết phân biệt phải trái, biết tình nghĩa - ơn sâu, còn hơn khối thằng, cứ tự xưng học hết Cao cấp này đến Tiến sĩ khác, giỏi hơn những người thường!".

Nói một cách ngắn gọn: "Chó nhưng không chó!". Thật đấy!. Không tin thì về Hải Phòng mà xem!. He! He!..
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Huấn luyện phát hiện chất ma túy cho chó nghiệp vụ, tại Trường Huấn luyện Chó nghiệp vụ, BTLBP
Quân ta không cắn... quân mình
Chó nghiệp vụ của Công an Hải Phòng: Ngồi nhìn chứ không cắn đằng mình
Ai bắn thì bắn, ai xung phong thì xung phong, chúng tớ chỉ ì ra và đòi... quay về
Chó kéo xe, ở Đảo Bé
Kéo cả bác Mai Thanh Hải nữa, vì bác ý là NGƯỜI - ĐẰNG MÌNH
Chó nhà anh Vươ, bị "bọn cưỡng chế" đuổi bắt, đánh đến thọt chân nhưng vẫn thoát, về lại với chủ

XEM "GÀ KHỎA THÂN", HÓNG VỤ TIÊN LÃNG?..

Nhìn hình này (của thành viên CLB Ô Phở, Diễn đàn OF), chợt nhớ đến câu: "Chúng ta rồi cũng về già/ Cũng lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân" và cười phe phé 1 mình. Tặng các bác hình để thư giãn và chiêm nghiệm, trong lúc đợi kết quả làm việc của TTg Nguyễn Tấn Dũng với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về vụ cưỡng chế Tiên Lãng.Thế nhưng, cũng lờ mờ đoán được kết quả chính xác, qua thông tin trên Blog Thu Hồng, đó là:"Chiều nay (không phải sáng như Vịt nát đưa tin), ông Nghìn Cân sẽ đích thân đứng ra phân xử, chốt lại vụ Tiên lãng. Nước mình, mang Luật ra mà đấu với nhau, phe nào cũng thắng nếu muốn cho thắng và thua tất nếu muốn cho thua. Đặc biệt là Luật Đất đai, một Bộ luật 10 năm, ba lần sửa với cơ man nào là văn bản dưới luật chồng chéo dẫm đạp lên nhau. Đây cũng là Bộ Luật quan trọng bậc nhất Quốc gia vì liên quan đến toàn bộ dân chúng, trừ những người sống trên cung Hằng.

Quay lại vụ Tiên lãng. Sai lớn nhất là không cập nhật được Văn bản Luật mới nhất nên việc cấp mảnh đất thứ hai cho anh Vươn, vẫn áp dụng Luật cũ. Sai thứ nhì là trong suốt quá trình từ khi cấp mảnh thứ nhất cho tới ngày cưỡng chế, đã du di hầu hết sai phạm của anh Vươn. Cuối cùng là việc cưỡng chế, dùng biện pháp bạo lực không cần thiết.

*** Mình có một phát hiện và một nỗi lo. Thế quái nào căn nhà canh đầm bị  xã san  bằng của anh Vươn mái xanh, qua tới Báo Lao động mái thành  màu đỏ. Tiên Lãng ồn ào nốt 2-3 ngày nữa, các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng  quay phím lại sở trường mông vú cướp giết hiếp, coi như cựu hoa hậu Mai Phương Thúy toi. Ai đời đã nằm ngửa lại còn mặc quần áo, quần áo lại còn là cuốc phục…
".

"HẢI PHÒNG ĐÓ, ĐAU THƯƠNG CHỈ BIẾT GỤC ĐẦU"?..

Mai Thanh Hải - Hồi xưa, khi hát "Quốc ca Hải Phòng" (Bài "Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ"), tụi mình thường xuyên tạc "Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết... gục đầu" và "sánh vai cùng... Hà Lầm, Hà Cối (địa danh xa xôi, nghèo nàn nhất của tỉnh Quảng Ninh) yêu thương", để nói đến cái "sự phát triển" của thành phố quê hương đầy truyền thống trong những năm đánh Pháp - chống Mỹ.

Nhưng sau chiến tranh chỉ được biết đến bằng hình ảnh tàu Viễn dương VOSCO ("Nhất VOSCO, nhì biển số" - Đại ý: Giàu nhất là thủy thủ tàu Viễn dương, sau đó là nghề Công an) và đến nay thì chỉ lẹt đẹt biết đến qua địa điểm ăn chơi gái gú Đồ Sơn và... súng hoa cải.

Hôm nay, một bạn đọc comment vào Blog, than thở: "Hải Phòng đó đau thương chỉ biết... gục đầu" nhân vụ cưỡng chế - đập phá tàn bạn nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam, xảy ra tại xã Quang Vinh (huyện Tiên Lãng), gần ngay huyện mình, thấy quả là thấm thía.

Việc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Cảng, mình không dám bàn sâu. Nhưng có điều dễ thấy nhất là bao năm qua, mỗi lần về quê, mình đều thấy... quen thuộc.
Đơn giản là vài chục năm qua, mọi thứ vẫn... thế. Ngoài mấy đường Quốc lộ được Trung ương đầu tư xây dựng, phố - làng quê mình vẫn lơ thơ, ngơ ngẩn và nghèo nàn, khó kiếm sống đến không ngờ.

Chả thế mà rất nhiều đồng hương bảo: "Hải Phòng khó sống và khó kiếm sống" và mình đi tới các tỉnh khác, đâu cũng thấy người quê mình lập nghiệp, thành đạt, đàng hoàng...

Lý giải nguyên nhân này, mình rất tâm đắc ý kiến của bác Thu Hồng: "Việt Nam có 2 địa phương, đấu đá trở thành đặc điểm mang tính truyền thống. Đấu đá từ quan tới dân, tức không cần bất cứ lí do gì. Ham đấu đá đến độ không tụ nổi ở đâu cái Hội Đồng hương. Đó là Hải Phòng và Hà Tây (cũ).

Trong khi  rất tương đồng về mọi điều kiện thiên thời địa lợi trừ nhân hòa, 6 tháng không quay lại đã thấy Đà Nẵng thay đổi thì 20 năm nay, Hải Phòng gần như đứng yên một chỗ. Khá hơn cả là một khu siêu thị do dân Sài Gòn ra đầu tư nhưng, hết khu A bị cháy đến khu B có… ma lang thang cả ban ngày".

Thế nhưng, với những thằng quê Hải Phòng đang lay lắt ở Đất Cảng hay lưu lạc khi xa, thi thoảng gặp nhau như tụi mình, thường băn khoăn: "Tại sao Hải Phòng khó sống và rất nhiều người Hải Phòng, chỉ thành đạt - thành công khi xa quê?".

Câu trả lời chung là: "Không chịu được với bọn cán bộ". Nói kỹ hơn: Đó là do cơ chế tiểu nông và sự ì trệ trong bộ máy quản lý - hành chính cũng như phong cách "quan lớn - quan nhỏ" của khá nhiều cán bộ - lãnh đạo các cấp trong thành phố.

Đặc biệt, đó còn là cách "bêu gương" của người lãnh đạo địa phương, thuộc dạng to đầu nhất, từ bao năm nay.

Chuyện ngày xưa, mình chưa nói, nhưng "tấm gương" rõ nhất hiện tại, mình và rất nhiều nhà báo rành rẽ, đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, người gắn với khá nhiều "tai tiếng" trên địa bàn thành phố mấy năm qua.
Mà rất lạ, những vụ "tai tiếng" của Hải Phòng mấy năm qua, đều liên quan đến đất đai và đều xảy ra "dưới trướng" ông Thành, đơn cử: Vụ tiêu cực đất đai tại Vạn Hương (thị xã Đồ Sơn); vụ chia chác đất đai tại Quán Nam (Dư Hàng Kênh, huyện An Hải) và ngay mới đây là vụ cưỡng chế đất đai tại huyện Tiên Lãng.

Thậm chí, trong vụ tiêu cực ầm ĩ nhất trong lịch sử "ăn đất của quan chức tại Việt Nam", xảy ra trên địa bàn TP. Hải Phòng, Bí thư Nguyễn Văn Thành còn ký đến 2 văn bản gửi lên Cơ quan Điều tra - Tố tụng với mục đích "xin xỏ" được giảm - miễn tội cho các quan chức cấp dưới sai phạm...

Không chỉ có vậy, hình như ông Nguyễn Văn Thành còn dính đến "nghi án phong bì 20 triệu" trước ngày bỏ phiếu bầu chọn Chủ tịch UBND TP.

Sự việc đơn giản thế này: Trước ngày bỏ phiếu bầu chức Chủ tịch UBND TP, một số Thành ủy viên (chỉ các "hạt giống" này mới được tham gia bầu) được 1 ông Giám đốc Doanh nghiệp Thép - Đại biểu Quốc hội đường đột ghé thăm, hỏi chuyện thân tình bất thường và... tặng cho cái phong bì 20 triệu với lời dặn dò chu đáo: "Bỏ phiếu cho anh T, Phó Chủ tịch nhá!"...

Dĩ nhiên, khi vụ này bung bét, được báo chí rầm rằm đăng tin bài phản án, người dân Hải Phòng biết ngay "nghi can" này là ai và thậm chí, khi về làm việc tại TP sau đó, rất nhiều lãnh đạo Đảng - Nhà nước cũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng cùng cá nhân các "nghi can" phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc...

Lãnh đạo to đầu nhất của TP, còn tai tiếng nhiều như thế, liệu lãnh đạo cấp dưới sẽ như thế nào?..

Điểm lại những "vấn đề nổi cộm" ở Đất Cảng thời gian qua, không vụ nào là không dính đến Cán bộ - lãnh đạo - Đảng viên các Sở Ban ngành, địa phương từ TP xuống xã, trong mọi chuyện từ đất đai, dự án cho đến bớt xén tiền người nghèo, giả mạo bằng cấp, gây tai nạn giao thông...

Chính vậy bây giờ, xuống Hải Phòng, ngồi uống bia cỏ hay đắng đá, từ Bến Bính lên Cầu Đất hay ra Cát Bà đến vào Vĩnh Bảo, đến đâu cũng nghe thấy người ta nói chuyện về cán bộ, ví như "thằng này mới ăn dự án này", "con kia đòi bao nhiêu khi có hồ sơ xin việc", "xã này mới trúng quả", "tập thể kia mới vào cầu"... chen cùng chuyện đề đóm, cờ bạc, giết thằng này chém thằng kia... tịnh không bao giờ nhắc chuyện "Trung Dũng - Quyết Thắng" như hồi phá thủy lôi, bắn tàu bay, chuyển hàng - góp quân ra chiến trường đánh Mỹ.

Nhiều bạn hỏi mình: "Tính cách của dân Hải Phòng là yêu ghét rõ ràng, rành mạch chứ không lờ đờ "nửa nọ nửa kia", ngoại giao từ nụ cười cho đến cái liếc mắt, như những nơi khác. Sao giờ lại... kém tắm vậy?" và gợi ý giúp mình: Thế nhưng, càng ngày "phát triển và trưởng thành" dưới sự lãnh đạo của nhiều đời Cán bộ - lãnh đạo - Đảng viên, vốn là người ở các địa phương khác đến, cái tính cách "đặc sản" của mỗi người dân Hải Phòng, như của thời Tám Bính - Năm Sài Gòn trong Bỉ Vỏ ngày xưa, hình như đã bị "uốn dẻo"?...

Điều này quả đúng. Mình nhớ, trong quân ngũ, cho đến giờ, nhiều người vẫn nhớ câu khái quát về tính cách của một số vùng miền, qua hiện tượng... đào ngũ, như "Hà (Hà Nội) chuồn, Nam (Hà Nam) lủi, Thái Bình bay/ Hải Phòng anh dũng trốn ban ngày".

Mới đây, sau khi ồn ào dư luận về một số vụ việc, một tờ báo đã chi li tìm hiểu về "Tính cách người Hải Phòng" có liên quan thế nào đến "Giang hồ Đất Cảng" và đưa ra kết luận, khiến mình rất tâm đắc: “Nói về tính cách người Hải Phòng thì phải xem xét rõ ràng ở 2 nhóm người. Nhóm giang hồ và nhóm trí thức. Sự dũng hãn, liều mạng như mọi người nói thì chỉ đúng với bộ phận nhỏ… là giới giang hồ. Còn trí thức, thì chỉ nên dừng ở mức tính cách mạnh mẽ, không chịu khuất phục, không chịu luồn cúi, thích thì làm, không thích thì bật, kể cả mất việc… Điểm chung duy nhất của giới giang hồ và trí thức Hải Phòng là sự phân định rõ ràng trong yêu và ghét, không có chuyện lấy oán trả ân”...

Đến bây giờ, xảy ra vụ Quang Vinh, kéo dài cho đến khi mọi sự "ăn gian nói dối", "vu vạ đổ vấy" của đám Cán bộ lãnh đạo - Đảng viên từ xã đến Thành phố đã lòi đuôi, cả đám cha con sợ trách nhiệm - liên lụy trước "bão dư luận", đe nẹt của cấp trên và nhất là mất ghế, mất chức... mình mới thấy thấm thía những ý tứ trong câu: "Hải Phòng đó đau thương chỉ biết gục đầu".

Đau thương không?. Có chứ!.

Không đau sao được, khi ở ngay trên đất "oai hùng lịch sử", nhưng lãnh đạo huyện như ông "Vua con", chỉ cần a lố 1 cú điện thoại là các Trưởng ngành trong huyện, chả cần quy định - quy trình, lốc nhốc huy động cả đống Công an, Quân đội, Biên phòng, Dân quân, Thanh niên tình nguyện... theo kiểu "Hồng vệ binh", hàng vài chục người với súng ống, dùi cui, gậy gộc để thực hiện cái gọi là "cưỡng chế" với mấy mống đàn ông, phụ nữ, đàn bà nông dân...

Không đau sao được, khi mảnh đất "truyền thống hiếu học", sinh ra những đứa con học hành đầy đủ, làm này khác, đủ cả hàm hiệu... biết là bị sai đi làm việc sai nhưng vẫn cun cút thực hiện như con rối.

Dốt nát đến mức, ngay cả việc tìm hiểu đánh giá tình hình cũng chả biết, nên khi bị chống trả, mới "đi cả lượt" và lúc ấy bạ chỗ nào nằm rạp chỗ nấy và oai oái gọi điện xin hàng trăm sao hàm - súng ống các loại khác đến ứng cứu. Hùng hậu, hiện đại và nghe đâu toàn thuộc các "Đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang" cả đấy, nhưng sau cả nửa ngày bắn súng, ném lựu đạn, đánh sườn - bọc hậu... rút cục cũng chỉ tiếp quản được cái... xác nhà không.

Không đau sao được khi địa danh sản sinh ra những người chân chất, thật thà "ăn sóng nói gió", không bao giờ gian dối, chịu khuất phục... lại xuất hiện những cán bộ từ Bí thư Thành ủy cho đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở ngành, Bí thư - Chủ tịch huyện, Chánh Văn phòng - Trưởng Ban Tuyên giáo... -  những cán bộ manh danh "Quan phụ mẫu" nhưng lươn lẹo, gian xảo, nói dối biến "có thành không, không thành có" trong nháy mắt, từ những hành vi lồ lộ, khiến đến đứa trẻ con nghe xong cũng lắc đầu: "Không chấp bọn chuột gián có... đầu đất". 

Đã dối quanh, lại còn hèn nhát. Khi sự việc mới xảy ra và báo chí lác đác tiếp cận thì vênh váo, tự đắc phét lác, thậm chí còn chạy vạy để được tham gia họp giao ban với lãnh đạo các báo và lên tiếng dạy bảo, chỉ đạo.

Khi thấy nguy cơ bị lòi sai phạm và công luận ầm ầm lên tiếng, từ lớn đến bé hoặc tắt điện thoại, trốn chui chuồn lủi như chuột để khỏi cụng mặt người khác, hoặc đổ vấy trách nhiệm cho ngành khác, cá nhân khác, còn mình thì chỉ nhận "trách nhiệm chung của tập thể", nhằm giữ ghế cá nhân...

Có gục đầu không?. Không đâu!.

Nói không bởi vì Đoàn Văn Vươn đúng chất dân Hải Phòng, không chịu để bất cứ ai, dù cậy đông cậy quyền, hùng hổ bắt nạt, cướp đi miếng cơm manh áo và nhất là để bảo vệ gia đình, vợ con mình.

Nói không bởi suốt từ khi sự việc xảy ra, những người nông dân - công nhân và cả những giang hồ - trí thức ở Hải Phòng đã giật mình tỉnh dậy, chung tay kề vai và trong mỗi câu chuyện của họ mỗi sáng - trưa - chiều - tối, đều có câu chuyện Tiên Lãng, cùng những nơi tương tự như vậy...

Nói không bởi người Hải Phòng nói riêng và người dân ở nhiều địa phương trong cả nước, qua vụ được đã được khơi gợi, trở về với đúng tính cách xa xưa: Không chịu đè nén, bóc lột và sẵn sàng làm mọi thứ, để bảo vệ sự công bằng - hạnh phúc cho mình và những người thân của mình...

Và nói không, bởi người Hải Phòng đã đứng dậy, đúng chất ngang tàng, mạnh mẽ, không chịu khuất phục và câu chuyện chống trả với lũ "cường hào ác bá" ở địa phương, vạch mặt bọn "tham quan, cơ hội, trì trệ" chuyên ngồi phòng lạnh chỉ đạo... biết đâu lại là cơ hội để cải tạo, xây dựng lại Hải Phòng "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo đúng tính cách "Trung dũng - Quyết thắng" như Bác Hồ đã dạy, khi về thăm Đất Cảng xưa kia?..