10 tháng 12, 2011

CÁ NƯỚNG

Nhìn rất thèm, bởi cả ngày qua mình đâu có được ăn uống gì?

9 tháng 12, 2011

VỈA HÈ HÀ NỘI

Hình chụp ở Hà Nội, chắc là ngã tư phố Lương Văn Can chuyên bán thuốc lá ngoại. Mình thích hình đăng trên Corbis rồi đấy, bởi góc chụp luôn nói lên điều gì đó, rất sâu và cay. Nhiều chú xem hình mình post, cứ comment thắc mắc: "Đưa 1 cái hình để làm gì?", "mỗi cái hình cứ bình luận suốt"... khiến mình chán, delete ngay tức khắc. Giá như có công cụ để cấm cửa mấy chú đầu toàn đất, nhà gần Trâu Quỳ ấy nhỉ?..

8 tháng 12, 2011

ĐƠN DƯƠNG ƠI! KIẾP SAU CÓ CHẾT?..

Mai Thanh Hải - Mình đợi đến hết ngày, mới viết và đăng những dòng này, để gửi đến 1 người tài hoa nhưng gian trân đến cùng cực: Diễn viên Điện ảnh Đơn Dương.

Mình chả có may mắn như bao người khác, được làm việc, đóng phim, thậm chí bá vai bá cổ, tha lôi rượu chè hết chỗ này đến chỗ khác, khi gương mặt Đơn Dương ló ra ngoài đường, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ (nhưng khi Đơn Dương lâm nạn, thấy những bạn rượu này, trốn biệt hết, có lấy xà beng móc cũng không ra)...

Mình chỉ biết bác ý qua những thước phim thời đổi mới, như: Vùng trời cho chim câu, Vùng trời bình yên, Ba mùa, Người đẹp Tây Đô... và nhất là Mê Thảo - Thời vang bóng, đến Đời cát "chang chang nắng trưa Quảng Bình", của Bọ Lập.

Ấn tượng về Đơn Dương, còn hơn cả Nguyễn Chánh Tín (Nguyễn Thành Luân, trong Ván bài lật ngửa) và Bùi Thương Tín (Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn), bởi không chỉ vai diễn, mà gương mặt của Đơn Dương lộ rõ nội tâm se buồn, tâm cảm và mong manh, chịu đựng đến mức chỉ chạm khẽ vào tâm hồn ấy, dòng suy tưởng sau gương mặt ấy, là vỡ òa nức nở những tinh khôi, trong trẻo của bản ngã, trong mọi con người...

Thật!. Ở nơi mà đời sống văn nghệ văn gừng thay đổi như chong chóng, theo Nghị quyết với tiêu chí "phục vụ việc chỉ đạo điều hành", mà có những gương mặt diễn viên, dù đóng vai người hát xẩm hay bộ đội xuất ngũ, vẫn đọng lại giọng nói, gương mặt và buồn đôi mắt như Đơn Dương, thì không chỉ rất ít mà còn hơi bị hiếm...

Mà phàm đã tài hoa, đến mức giữ vững được cái chất riêng nghệ sĩ, trong từng vai diễn, thì cũng dễ bất đắc chí và mong manh lắm lắm (bởi có ối người, được rèn luyện chỗ này chỗ khác, danh này hiệu khác, nhưng diễn xong, viết xong, có để lại ấn tượng gì với người đọc, người xem).

Chính vậy, cái việc sa chân, lầm lỡ như người ta nói, cũng là điều dễ hiểu và với mình, chuyện qua rồi, thì cũng chả nên đay nghiến làm gì. Bởi ngay các cụ ngày xưa chả dạy: "Đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh kẻ chạy lại", đấy hay sao?..

Thế nhưng hôm qua, khi đọc mấy tờ báo nước ta, thi nhau bắn chữ, nổ hình Đơn Dương mất tại Mỹ và đổ cả rổ chữ dài dằng dặc, đưa thông tin người nằm xuống thì ít, mà choang choang bới móc chuyện cá nhân, kèm theo giọng "đanh thép luận tội", như Cáo trạng của Viện Kiểm sát thì nhiều, khiến mình thấy hơn cả sự thất vọng: Thất vọng về tình người...

Mà đọc ở họ, toàn thấy báo nhớn ấy chứ, ví như: Bài Diễn viên Đơn Dương qua đời trên đất Mỹ của báo Người Lao động, do bác Nhà báo (mới kiêm nghề... Thầy phán, quy kết, đòi làm đến cùng vụ nhà báo Hoàng Hùng bị đốt) Tổng Biên tập Đỗ Danh Phương cầm trịch, với tác giả bài viết Thanh Hiệp, hình ảnh do "gia đình NS cung cấp" (chả hiểu NS có phải là Nghệ sỹ hay không và đó là Nghệ sỹ nào, chứ với riêng mình, người trong nhà lại cung cấp hình ảnh cho đứa ngoài nhà viết lách bới móc người cũng trong nhà mình, mình không... chém, cũng đánh què cẳng);

Hóng theo, lại có thêm bài Diễn viên Đơn Dương hóa kiếp những giông bão của VTC News, suốt ngày bị độc giả soi vì tội "viết zậy mà hiểu không được như zậy", dưới quyền của anh Tổng Biên tập Ngô Văn Hải trẻ măng, vừa bị dính phốt Tuyên giáo với những lý do rất lơ ngơ và bài "luận tội" này, do tác giả "T.L"... tổng hợp (chả hiểu "tổng hợp" có phải là nhặt nhạnh ở đâu hay không, mà chẳng thấy nguồn gì cả)...

Trước đây, mình chả biết cái gọi là "tội" của Đơn Dương to đến chừng nào, bởi chưa thấy Viện Kiểm sát  nhân dân nào công bố Cáo trạng, cũng chả thấy Tòa án Nhân dân nào tuyên bản án, chả thấy Cơ quan An ninh - Cảnh sát nào ký Kết luận điều tra, tung cho báo chí làm... tin nhanh.

Thế nhưng đến ngày hôm nay, thấy 2 ông "Viện - Tòa" là Báo Người Lao động và VTC News công bố, mình mới ngã người ra, sợ ơi là sợ, muốn ói luôn (chắc là do Hà Nội có đợt gió mùa Đông Bắc).

Ở nơi mà báo chí lăng xăng trên "tuyến đầu tuyên án". Chả ai nhờ bảo, cũng tự "thay mặt phát ngôn", giúp các cơ quan chức năng, hệ thống Chính trị, ngành Tư pháp... để bôi hết chậu mực đen, vào cái đốm sáng cuối cùng trong tâm hồn 1 con người vừa nằm xuống, dù thừa biết họ đã cống hiến cho sự khai trí - bồi dưỡng nhân cách của bao người (dẫu chỉ qua những câu chuyện trên màn ảnh), thì có lẽ phải xem lại nhân cách người, phẩm giá báo của những người hóng hớt, tự nhận "chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng"...

Một thân phận Nghệ sỹ, phải tha hương đất khách, muốn quay trở lại với quê hương bản quán, nhưng ước vọng cuối đời ấy, cũng đổ xuống cùng cái chết - kết thúc 1 kiếp người, vậy mà cũng không được chết yên ổn, thì liệu tình cảnh này còn gì dã man hơn và liệu những người "luận tội", có đúng là người Việt, với tấm lòng nhân ái, vị tha, bao dung, từ ngàn đời ta vẫn thường tự hào với người... khác Việt?..

May mà!. Vẫn may mà vẫn còn những người khác, tờ báo khác còn chất Việt và còn tình người. Mình đã đọc đi đọc lại bài ngắn Diễn viên Đơn Dương qua đời trên Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, để rưng rưng cảm xúc, vẹn nguyên trước 2 tấm hình người Nghệ sỹ và tóm tắt những vai diễn của anh, trong cuộc đời, cũng như những gì anh cảm nhận được, trong phút cuối đời.
Mình cũng đọc những dòng của Nhà báo Nguyễn Thông, Nhà văn Nguyễn Quang Lập và bao người khác - những dòng của con người, dành cho con người, để rồi chia sẻ với người vừa nằm xuống, bằng lời của Nhà văn Nguyễn Quang Lập: "Chào nhé Đơn Dương!. Thôi kiếp này không sống được ở nơi đây thì hẹn nhau kiếp sau vậy. Đơn Dương ơi!. Kiếp sau nhớ về Đất Việt  nhé!. Đừng quên! Kiếp sau Đất Việt mình không khốn khổ như thế này đâu, chắc chắn là như vậy!".

Và mình muốn nói: "Kiếp sau nếu chưa về Đất Việt, có chết, bác cũng không khốn khổ thế này đâu!"...

SÚNG TRUNG LIÊN KÊ GẠCH, VẪN BẮN HẠ MÁY BAY...

Mình lõm bõm đọc, mang máng hiểu là hình này được chụp ở khu vực bãi Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) vào năm 1970. Dĩ nhiên, việc chụp hình đã được dàn dựng, nhưng vẫn hơi bị phục anh chị dân quân (hình như anh là bộ đội vì đội mũ có sao), kê khẩu Trung liên lên khung gỗ, thêm viên gạch trên, để trực chiến sẵn sàng bắn hạ tàu bay Mỹ. Đấy! Ngày xưa, quân ta anh hùng và sáng tạo thế chứ. Mình phục lăn, lăn lông lốc. Ai thạo tiếng Anh, dịch kỹ giúp bà con đọc kỹ cái dòng chú thích hình, ở phía dưới với!.. (Nguồn hình: Bác Mạnh Hải)

7 tháng 12, 2011

3 ÔNG KHOÁC SÚNG ĐI QUA NHÀ THỜ

Mình cứ ngẩn ngơ ngồi nghĩ mãi., chả hiểu ngày xưa, người ngợm đi đâu hết mà khu vực Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lại vắng đến chừng trong hình như thế này. Đã vậy, khung cảnh lại rất nên thơ, bình dị với công viên bùng binh, ghế đá và xe đạp lững thững ngang qua nữa. Bây giờ á!. Khu này, các loại tổ kiến - tổ mối cũng phải gọi bằng cụ, lại xanh đỏ tím vàng, cao ốc - cửa hàng lô nhô, hơn cả bàn cờ, bị xóc ốc. Mỗi lần đi đến đoạn này, chả hiểu sao mình cứ nhầm lẫn lung tung, sau phải nhìn... nóc nhà thờ làm vật chuẩn, để đi tiếp (Hi! Hi! Ngu thế chứ!). Thế nhưng cảnh Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, của năm 1977 này, không oách bằng 3 ông bộ đội, khoác AK, đội cả mũ mềm lẫn mũ cối, ngang qua. Chả hiểu các chú đi tuần tra quanh khu vực hay công tác ngang qua, mà bao đạn đầy ắp, mắt nhìn rất cảnh giác. Ối Giời! Thời ấy đã qua giải phóng 2 năm, mà vẫn còn "nâng cao, sẵn sàng...", thể nào mà Sài Gòn chả trật tự (hay giả vờ nhỉ?). Bây giờ, dân tình Sài Gòn cũng uýnh Công an - Dân phòng như thụi, chả khác dân Hà Nội, nên cũng dễ hiểu cái "trật tự" ấy, thực chất được mấy phần...

ÔNG KHẾ THANH NIÊN VÀ HOÀNG KHƯƠNG TUỔI TRẺ.

Thu Hồng - Trong các bậc đàn anh đàn chị đi trước: Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng, Thế Thanh… mình quý ông Khế nhất. Không phải vì nghề, mà vì tính cách ông.

Lâu nay, thiên hạ hay đàm tiếu về chuyện, ông có quá nhiều mối quan hệ với các quan chức, toàn chóp bu. Suy diễn theo lối nghĩ thông thường, hẳn con người này đi lên bằng… đầu gối.

Cũng là bởi, rất ít người chứng kiến, ông ăn nói ngang tàng thẳng thắn, "hổng sợ bố con thằng nào", với những người quyền lực nhất nước.

Mà mình cũng không biết có Phóng viên nào, thích làm việc dưới quyền một Tổng Biên tập, quanh năm ngày tháng ru rú trong phòng, không chơi với ai?.

Ông, mê tờ báo, mê làm việc, hiếm gặp nguời như thế trong đời.

Nói xin lỗi, tưởng tượng có bắt ông đi cọ toilet. Cái hố xí ông dọn cũng vào hàng sạch nhất.

Chống tiêu cực, tham nhũng dưới quyền ông, Phóng viên có thể yên tâm "đâm ai đâm lút cán dao", ông sẽ chịu cho mọi trách nhiệm, nếu có sơ sót.

Mình từng đi theo ông trong một lần chịu trách nhiệm như thế, ông bênh vực bảo vệ lính chằm chặp.

Ngày ông còn nắm tờ báo. Cái cách Thanh niên, những khi bị buộc phải đính chính hay xin lỗi, mình học đến giờ chưa được. Đính chính quá bằng... đổ thêm xăng vào lửa, và xin lỗi theo kiểu... còn lâu mới có lỗi, để mà xin.

Sáng nay, lũ nhóc lào xào kể chuyện tai nạn mà Phóng viên Hoàng Khương Tuổi trẻ đang dính phải.

Đại để, Hoàng Khương đưa tiền cho một người, để gài Công an vào bẫy nhận hối lộ, làm đề tài  đăng báo.

Mục đích thì tử tế, lôi bọn nhận hối lộ ra ánh sáng Cách làm (liều), đúng có thiếu hiểu biết thật.

Tự dưng, nhớ ông Khế quá!...
---------------------------------------------
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết của tác giả TH.

* Tít bài do MTH đặt lại

CHẢ KHÁC GÌ... PHẢN ĐỘNG!.

Mai Tiến Nghị - Trong chiến trường, vài năm lính ta mới được xem văn công văn nghệ một lần. Thường vào các dịp kỷ niệm. hoặc trước khi lên đường vào chiến dịch. Cấp trên tổ chức gọi là có tí "sản phẩm tinh thần", để động viên chiến sĩ hăng hái chiến đấu.

Thực ra 3 năm đánh nhau, mình chỉ nhõn một lần xem Văn công chuyên nghiệp. Lần ấy, Đoàn Văn công Quân khu về biểu diễn.

Nhưng lính không thích lắm, vì toàn hô bài chòi, không quen. Giọng Quảng hơi khó nghe, nhịp điệu lại đều đều, nên chán.

Lính miền Bắc nghe xong là xuyên tạc tán tếu: “To daè…i cứng ngheéc… mà… thẳng tưng ừ; Chi mô mà răng rứa chừng chừng mà quá tai… quá tai mà chừng ứ chừng… quá tai mà chừng ứ chừng…” Đại loại thế.
Thế rồi năm 1973, Trung Đoàn mình tổ chức ra cái Đội Văn nghệ xung kích. Toàn đực rựa miền Bắc.

Diễn viên thì dễ tìm, lính thằng nào chả thích hát!.

Khó nhất là tìm đứa đóng giả con gái.

Tìm mãi được thằng Sinh người manh mảnh, da trắng õng ẹo như con gái thật.

Nhạc công thì chọn được một thằng võ vẽ ghi ta, một thằng thổi sáo tàm tạm (Lính bảo: "Thằng này thiếu bún, thừa nước... sáo chó) và hai thằng biết kéo nhị và đàn bầu (vì nhà các hắn có nghề phường kèn đám ma).

Lấy tre rừng khoét sáo, dùng lồ ô làm nhị, tre luồng làm đàn bầu. Riêng cái ghi ta thì khó.

May có một thằng vốn là thợ gò, hắn lấy đuya-ra mảnh máy bay Mỹ làm một cái đàn ghi-ta. Nghe cũng hay phết.

Hồi mình ra quân thấy còn bày ở nhà truyền thống Trung đoàn, không biết bây giờ có còn không?..

Miền Bắc thì thích hát chèo. Nên chương trình nào cũng có hát chèo.

Trong đám diễn viên, thì thằng Đấu hát chèo khá nhất.

Còn thằng Sinh chả hát được nửa câu, khi diễn thì mặt cứ đuỗn đuồn đuột ra như người mất sổ gạo. Hắn đóng con gái cốt là cho có màu để lính thích. Vậy thôi!.

Chàng Đấu nuôi được một con chó con (giống chó kiến, tai ngắn), nên khi lớn lên con chó quyện với hắn như hình với bóng. Đấu đặt tên con chó là Ních (Chả là nước Việt ta ghét ai thì gọi người ấy là chó, rồi có phong trào lấy tên Tổng thống Mỹ đặt tên cho chó nhà mình. Bây giờ có ghét mấy, cũng chưa thấy ai đặt tên chó theo tiếng Tàu. Chắc sợ bị quy là…).
Nuôi chó thì không khó. Đến bữa, nó xuống chỗ anh nuôi ăn chực và lại tiện lợi, vì Đấu ta đi xia không phải mang xẻng đào“hố mèo”. Đi đánh nhau thì con chó của hắn được gửi ở hậu cứ…

Một lần, chả biết tay nào còn trang sức cho con chó củ riềng đeo vào cổ. Có vậy thôi mà Đấu tức lắm. Hắn chửi toáng: “Mẹ cái loại chỉ hay ăn. Có mà ăn cứt cho thằng Ních!”.

Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn tên là Cân (lính gọi là Cân Toét vì ông này mắt lúc nào cũng đùn dử, nhênh nhếnh nước), nghe nói vậy thì bảo: “Bậy bạ!. Mất lập trường. Dám bảo đồng đội ăn cứt kẻ thù!

Chiều hôm ấy tại vườn mít cạnh bờ sông Tranh, bọn mình được xem Đội Văn nghệ Xung kích diễn hoạt cảnh chèo “Đường về đơn vị”.

Nội dung: Có một anh chiến sĩ bị thương đang điều trị tại Trạm Quân y, nhưng vì nhớ đồng đội, hăng hái muốn lập chiến công nên đã trốn về đơn vị...

Chuyện bốc khoác vậy, mà bọn mình xem say sưa.

Loa đài tậm tà tậm tịt, tiếng nhạc đệm nghe tiếng được tiếng mất, nên những đoạn lưu không, lính ta tưng tửng đệm đàn mồm.

Có mấy thằng còn tếu táo “Anh ơi dậy mà xem/Thằn lằn nó cắn chân em” “lùng nhùng lùng nhúng trong chăn”...


Đấu ta vừa ngâm sổng vừa nhìn về phía mấy cây mít:
"Trông lên đỉnh núi
Nhớ tới quê nhà
Nơi quê hương!. Kìa!. Ních xơn điên cuồng bắn phá
Trong này chiến thắng nở hoa...".

Lính ta dưới đệm đàn mồm: "Lùng nhùng lúng nhúng trong chăn!"...

Chợt con Ních chạy ra sân khấu hít hít vào chân Đấu. Chắc nghe thấy Đấu vừa hát “Kìa, Ních xơn” thì nó tưởng là… chủ gọi.

Đấu không nhìn thấy. Lại hát tiếp sang điệu “trần tình”, tay ngoáy ngoáy đưa lên trời rồi một tay trỏ vào ngực ra điều nhớ nhung: 

"Bâng khuâng một ì mình… nhớ ơ đơn í vị ị ị
Nhớ ì đồng chí… nhớ… í… chiều quân ì hành!"…

Con chó Ních nghển mõm nhìn theo tay ông chủ. Đấu xoay người một vòng, con chó cũng chạy một vòng theo chiều xoay của Đấu. Mắt nó nhìn chăm chăm vào tay múa, tưởng rằng chủ nó đang rút từ túi áo ngực một... cục xương.

Phía dưới, khán giả được phen cười ầm ĩ…

Tay Cốc (người Hà Bắc) thấy vậy thì bực vì con chó phá đám. Hắn vớ được một cục đá, giang tay ném thẳng lên sân khấu. Phát ném trúng đích, chính xác một cách ngoạn mục. Con Ních oẳng một tiếng thất thanh, rồi tru lên đau đớn và chạy biến…

Vậy là tan cái hoạt cảnh. Anh chiến sĩ không tiếp tục hát múa "bỏ về đơn vị" nữa, mà bỏ chạy để đuổi theo con chó…
Rồi cũng tiếp tục diễn. Nhưng nhạt toẹt, vì tay Đấu mồm hát mà mặt ủ mày chau. Chắc đang mải nghĩ làm sao để tìm được con chó?...

Đến tối cũng không tìm được. Đêm về Đấu ta nằm i ỉ khóc: “Ních ơi!. Mày bỏ tao đi đâu!. Ních ơi ời!”...

Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Cân Toét nghe thấy Đấu ỉ eo vậy thì điên tiết. Ông bảo tay công vụ: “Mày sang bảo cái thằng Đấu im cái mồm!. Gọi tên kẻ thù mà như gọi người thân. Mất lập trường. Chả khác gì phản động!”...
----------------------------------------------
* Hình ảnh hoạt động của các Đoàn Văn công Giải phóng trong bài viết, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

* Tít bài do MTH đặt lại, khác với của tác giả MTN.

6 tháng 12, 2011

NGÀY XƯA, NƠI ĐÂY CÓ CHIẾN TRANH...

Ngày xưa, nơi đây là chiến trường đấy. Mọi người có biết chỗ này là ở đâu không ợ?..

5 tháng 12, 2011

THẾ MỚI LÀ ĐÀN ÔNG

Nhìn gương mặt rắn rỏi của con trai, lúc đang ghì tay kéo dây, làm cọc tiêu cho các bạn qua đường giờ tan lớp, mình thấy phục con trai quá cơ: "Bé tý, gầy nhỏ nhưng hơi bị cứng rắn và cương nghị đấy". Mỗi ngày được sống, mỗi ngày ra với lồng lộng cuộc sống thường ngày, thấy nhiều chuyện buồn, nghe nhiều việc quá chán và thất vọng, nhưng gạn lọc, chăm chú theo nhịp sống thành phố, cũng khám phá được bao chuyện - hình ảnh đáng yêu, để mà thấy vẫn cần phải sống và mọi thứ, không phải tồi tệ hết cả. Tự dưng cười 1 mình: "Con trai bé nhỏ! Như thế, con mới đúng đàn ông đích thực!". Cảm ơn con, đã cho ta thấy yêu thương.  (Nguồn hình: OF)

4 tháng 12, 2011

BẾP NÚC TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải Blog - Ra Trường Sa, ít có người tìm hiểu về công tác Hậu cần, cụ thể là nấu nướng - ăn uống, mà toàn say sưa với những chủ đề "đao to búa nhớn" khác.

Ối Chà! Các cụ ngày xưa đã chả đúc kết "thực túc, binh cường" - ăn uống có đầy đủ thì quân đội mới chiến đấu giỏi.

Ở cái nơi đầu sóng ngọn gió, cái gì cũng phải vận chuyển - tiếp tế từ đất liền ra (trừ nắng, gió, biển, cát, san hô và... bão), mà không vun vén, chăm lo để trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, bộ đội cũng phải no bụng, đủ chất (chưa nói đến "cơm dẻo, canh ngọt"), thì làm sao mà căng mắt, thính tai canh bọn cướp biển và có báo động, chỉ trong tích tắc đã vọt xuống công sự, giương súng pháo sẵn sàng đập nát mặt quân cắn trộm?..

Cái thằng mình, thuộc dạng hay... lo ăn (Hi! Hi! Xấu tính thế chứ), nên cứ sểnh ra khỏi nhà là lo cho cái bụng.

Chả thế mà mỗi lần đi Trường Sa, ngoài "công tác chuẩn bị cá nhân" (muối vừng, muối ớt, ruốc thịt, mì tôm...), khi xuống tàu - lên đảo, mình đều hóng hớt, đu đưa với anh em Hậu cần, anh nuôi để "yên tâm công tác". Hí! Hí!. Và dĩ nhiên, những lần ngồi buôn dưa, làm bếp với bộ đội, cũng có ối chuyện và kinh nghiệm để kể, về chuyện: Bếp núc Trường Sa.

Chuyện tăng gia sản xuất, giống kiểu "trồng cây gì, nuôi con gì" ở các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, tàu trực... mình chả nói nữa, vì các đồng nghiệp viết nát ra rồi.

Thậm chí có đồng nghiệp ra Trường Sa, thấy cái gì cũng... bị viết hết rồi, bí đề tài, quay ra viết về chó - lợn và tỉ mẩn kiểm đếm, so sánh với quân số đơn vị, tương lên mặt báo, khiến Tổng cục Chính trị điên hết cả người (vì làm "lộ bí mật quân sự"), tức tốc gửi văn bản yêu cầu kỷ luật, làm không chỉ người viết mà cả Ban Biên tập cũng ngớ người, chả hiểu... "viết tốt về bộ đội Trường Sa như vậy, có lý gì mà bị phàn nàn". (Hu! Hu!. Đầu nhiều đất quá, nhục thế chứ!).

Với mình, lần nào gặp anh em hậu cần Trường Sa - DK, cũng phục lăn trước những sáng kiến và cách làm rất độc đáo, để dự trữ - bảo quản thịt thà, rau quả tươi sống dài ngày, phục vụ cho bữa ăn bộ đội và đặc biệt là trong mọi điều kiện thời tiết, bất thường, mỗi bếp ăn vẫn nổi lửa đều đặn ngày 3-4 lần

Nói thêm chỗ này phát. Chả là Bộ đội Đặc công nước, tàu mặt nước đi biển, nhân viên kỹ thuật phục vụ ban bay, trực sẵn sàng chiến đấu, bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo... có khẩu phần ăn tập đêm và khẩu phần phụ, ăn thêm theo quy định nên mới có thêm bữa thứ 4, để lính ta no cái bụng, tinh con mắt, chắc cái tay và minh mẫn cái đầu.

Qua những lần thực tế này, mình càng thấy anh em anh nuôi - cấp dưỡng... siêu giỏi. Này nhé, tàu đi biển gặp thời tiết xấu, biển động cấp 7-8, sóng cao ngất đầu, tất cả mọi thứ đều phải chằng buộc chặt cứng, duy có người chả biết buộc vào đâu, cứ ngoi lên ngụp xuống thùm thụp, đầu đập vào thành tàu cồng cộc, nôn hết mật xanh mật vàng...

Thế nhưng các anh nuôi và bộ phận bếp, vẫn phải lấy thừng buộc ngang người làm dây bảo hiểm, lần cầu thang xuống hầm lạnh lấy lương thực - thực phẩm, lảo đảo mang lên, lại buộc thừng ngang mình vào cột sắt trong bếp, với những bếp dầu cũng đã được hàn - buộc chắc chắn, nổi lửa nấu ăn cho anh em.

Trên các đảo nổi, đảo chìm cứ tưởng chắc chắn hơn trên tàu, nhưng cũng chả phải. Mùa mưa bão, cả đảo co mình giữa mịt mù sóng gió, bão dông.
Có những khi bão lớn, bộ đội phải ôm ba lô xuống hết hầm ngầm, công sự giữ vũ khí, khí tài, sau mới đến nước ngọt, đồ ăn.

Cánh bếp núc hậu cần, dẫu không phải xếp súng lau đạn, nhưng cũng phải giữ từng lon nước ngọt, chai dầu hỏa, túi gạo, phong lương khô để "sống sót lâu dài" và vẫn bò dưới gió, phơi lưng dưới mưa để nổi lửa nấu đồ ăn cho lính, trong điều kiện có thể.

Thời gian qua, Trường Sa đã được đầu tư rất nhiều về mọi mặt.

Đặc biệt năm rồi, hình như Trường Sa trở nên... bội thực với bà con, bởi có thời điểm cứ mở tivi là thấy trực tiếp này, giao lưu nọ về Trường Sa, hết kênh này đến kênh khác, từ địa phương này đến địa phương khác (đến mức mấy cu em mình Lữ 146, từ ngoài đảo lẫn trong bờ, phải nhắn tin, gọi điện hỏi mình: "Bọn anh lấy đâu ra nhiều chữ thế? Bọn em sống hàng ngày ngoài này, cũng chả bao giờ thấy") và hiện nay thì lại... phình phường.


Không chỉ "món ăn tinh thần", bà con còn rất quan tâm bằng vật chất, rõ nhất là góp gạch đá, mua máy phát điện, năng lượng mặt trời, tivi - đầu máy... cho Trường Sa. Kết quả của việc mua sắm ú hụ, theo kiểu "kẻ ăn không hết, người lần không ra" này, mình chả nói, ai đi rồi thì biết.

Chỉ ước cái điều mà hết thảy những người đã - đang ở đảo, DK, tàu trực và những người đã ra với nơi biển đảo xa xôi ấy, đều muốn: Cái bụng của bộ đội, phải được ưu tiên đầu tiên.

Bao năm đã trôi qua, chuyện nấu ăn bằng bếp dầu, ở đất liền, có chăng là ký ức của thời bao cấp thiếu thốn, đói khổ. Đã qua cái thời nấu nướng bằng rơm rạ, bếp dầu, củi mục, trấu mùn...

Than tổ ong, có tồn tại cũng chỉ trong những hàng cơm bình dân rẻ tiền, toàn chế biến bằng những đồ thiu thối, bỏ thừa, nhập lậu từ Tàu khựa.
Hoặc thêm chút, than tổ ong được dùng làm "vũ khí" chống đối của những cư dân Keangnam thừa tiền, thích cuộc sống Tây phương hiện đại, bị lừa biến thành... cừu có hệ thống, điên lắm những cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", nay mới tỉnh ngộ, tìm lại được trí khôn, mang ra đốt để phản đối BQL đóng cửa, sập cầu thang, cắt điện - nước...

Năm 1988, chúng ta không chỉ mất đảo ở Trường Sa không chỉ bởi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo, mà còn do không đáp ứng nổi điều kiện ăn ở, khiến cả phân đội Hải quân phải ngậm ngùi rút khỏi đảo chìm, sau vài tháng ăn lương khô, uống sương đêm, ngâm mình cả ngày dưới nước.

Cũng từ năm 1988 (trước đó là từ 1975), bữa cơm của những người lính giữ đảo, chưa khi nào hết ám khói bếp dầu hỏa, gỗ thông thùng đạn, củi mục dàn giáo xây công trình...

Người ta có thể lo cho bộ đội rất nhiều thứ to tát, nhưng nỗi ám ảnh mùi dầu, mùi khói và những món rau đóng hộp, phơi khô, lương khô bánh khảo... nếu vẫn còn trong tâm trí mỗi người lính, thì mọi sự chăm lo về tinh thần, như máy thu hình xem "Chúng tôi là chiến sĩ", đầu video để hát đi hát lại đĩa karaoke nhạc đỏ... sẽ chỉ là bề nổi, chứ chưa nói là được chăm lo chu đáo, vẹn toàn.

Ngày 22/6/1952, tại Hội nghị Cung cấp toàn quân (tiền thân của ngành Hậu cần Quân đội ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đối với chiến sĩ phải săn sóc họ làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc..". Điều này, chúng ta đã làm được, nhưng cái sự "săn sóc đủ ăn" này, còn cần thay đổi nhiều lắm. Đó là chưa kể đến vế sau, không kém phần quan trọng: "Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”.

Những người bảo vệ Trường Sa, hình như đang rất mong chờ, sự cải thiện mới, từ mỗi bữa ăn...
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bếp nấu của đơn vị Công binh Hải quân xây dựng đảo X
Tận dụng vỏ thùng, cây giáo làm củi đun và anh nuôi đang kho thịt đấy nhá...
Vẫn là gỗ chẻ ra từ các vỏ thùng đựng vũ khí, khí tài, thiết bị ở bếp của 1 đơn vị Công binh HQ xây đảo Y
Bếp ăn nhỏ hẹp tận dụng không gian hẹp trên đảo chìm K và đun bằng bếp dầu
Duy nhất 1 chiếc bếp dầu , nấu ăn cho toàn đảo chìm Z
Đồ ăn dự trữ trong bếp của đảo chìm B
Bữa ăn trưa trên tàu: Thành quả sự cố gắng của anh em hậu cần
Đây là "bè lũ báo chí hóng hớt" tụi mình. Ăn bữa tối, trên đường từ Cam Ranh ra Trường Sa. Thấy thời tiết đẹp, trời yên biển lặng, cả bọn nì nèo chỉ huy tàu cho mang cơm ra ra boong mũi, trải chiếu mang bia rượu (giấu trộm, mang lên tàu)... để nhậu nhẹt 1 trận tưng bừng, vì từ mai tới vùng biển Trường Sa, bắt đầu chuyến công tác gian khó.
Nấu cơm bằng chảo gang trên đảo C
Thực phẩm dự trữ trên tàu trực
Bếp nấu trên tàu
Bếp dầu mới cứng, cho 1 phân đội DK
Nướng cá bằng... sách báo
Chạn bát thiên nhiên, độc nhất vô nhị

XUỐNG CHƠI CHỢ, EM CÓ THẤY VUI KHÔNG?..

Hình chụp tại Đồng Văn (Hà Giang). Gương mặt hớn hở của cậu trai người Mông, bên người yêu bẽn lẽn, khiến mình tự dưng thấy lòng ấm áp trước những tình cảm đôi lứa, ở cái nơi xa tít mù tắp, khắc nghiệt đến từng mỏm đá, cây ngô, chai nước. Và 2 gương mặt đó, đang hiện diện cái mà nhân loại gọi là Tình yêu. Hình như, càng ở nơi khắc nghiệp, khó khăn, Tình yêu càng chân thật và thành thực. Cũng ở nơi ấy, khái niệm "Tình người" mới cấu thành đầy đủ. Giống như sương khói mỗi sáng chiều, vòng tay ôm bản Mông nhỏ bé, yêu thương để thắt chặt thêm Tình yêu trong mỗi con người, sưởi ấm nhau với tình cộng đồng, để sống qua mỗi mùa trăng nơi biên giới, rất xa xôi nhưng cũng rất gần gũi, nếu thật yêu người.  ( Nguồn hình: phuot.vn).

SƯ BỐ THẰNG... PHẢN ĐỘNG!

Thằng chọi con năm 200x, lớp 9.

Học về, phệt mẹ cặp ra ghế, tru như sói, bẩu: "Từ mai đếch thèm đi học!". Mình đang rửa đít trong nhà xí, bê nguyên bộ mông ướt rượt nhào ra: "Sao?. Sao?".

Nó bảo: "Quay bài bị cô giáo phạt!". "Bố ông kễnh!. Âm ức cái nỗi gì?".

Nó be rầm: "Không oan!. Nhưng xem tivi, thấy bác gì Thủ tướng đi nước ngoài không làm bài tập, chỉ nói chuyện mà cũng... giở tài liệu!".

Tiên sư bố thằng mất dạy!..

Cũng thằng chọi con, năm 200x, lớp 12.

học về vứt con Uây đỏ uỳnh phát xuống sân, phệt hè, thút thít. Mình đang cọ lưng cho Gấu trong nhà tắm, tay đầy bọt, lao ra: "Sao?. Sao?".

Nó nấc hầng hậc từng chập, bảo: "Cô giáo dọa đuổi học vì tội... giở tài liệu!". "Bố ông kễnh!. Lười học như hủi, oan ức nỗi gì?".

Nó bảo: "Cho bạn nhìn bài, chứ không giở tài liệu. Cô giáo chụp mũ vì ghét!".

Hỏi: "Sao?. Sao?".

Nó mạch lạc: "Giờ Giáo dục giới tính cô giáo bắt vẽ, miêu tả và chú thích cơ quan sinh dục nam. Bạn nữ bàn trên không làm được bài, thương bạn nên mở khóa, giở chim, bảo cúi gầm bàn mà xem. Cô bắt được, đuổi ra ngoài vì tội... giở tài liệu!".

Tiên sư bố thằng vừa mất dạy, vửa dâm đãng!..

Vẫn thằng chọi, năm 2011, học Đại học.

Về chui buồng nằm, gọi mấy, không ra. Đạp cửa vào, nó vừa nằm vừa khóc, bảo: "Nghỉ học, đi xe ôm cho lành!".

Hỏi: "Sao?. Sao?".

Nó bảo: "Thày giảng, tôn giáo là thuốc phiện!"...
Nó cãi: "Ông Mác râu nói câu đó trong bộ Tư bản luận, có thể đúng từng thời, nay nên xem lại. Thanh niên, sinh viên, bọn sống không đức tin, không tôn giáo nên rủ nhau đi hút chích hết cả. Thuốc phiện, thuốc lắc là... tôn giáo!".

Bố ông kễnh!. Vừa ngu, vừa láo toét!...

Phì cười: Tiên sư bố thằng... phản động!.
----------------------------------------
* Bài viết đã được đăng trên Blog Phot_phet, tít bài do MTH đặt lại.
* Hình ảnh trong bài phản ánh một phần cuộc sống của TP. Hồ Chí Minh những năm sau Giải phóng, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.