8 tháng 10, 2011

MÌNH ĐI... NGỦ BIỂN

Lọ mọ dọc đường thiên lý, mình phát hiện ra bao nhiêu điều kỳ diệu. Hôm nay thì phát hiện 1 bãi biển cực đẹp, cực yên tĩnh ngay ven Quốc lộ 1A, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trèo vài chục mét từ bãi cỏ hoa ven đường xuống, mình tắm chán chê mê mệt và nằm lăn ra cát cho sóng... "mát gần". Tê lê phê, mình ngủ quên béng. Mấy đứa chúng chụp trộm hình mình và bảo giống... dạt từ ngoài biển vào bờ. Hi! Hi!. Mình sẽ viết và post hình giới thiệu về điểm dừng chân lý tưởng, chất lượng nhưng giá cả rất phải chăng này. Bi giờ, mình đang ngồi trên xe, cơ động tiếp nên chỉ nhờ cái anh 3G của Vịt teo khoe tý... thân thể, để mọi người chiêm ngưỡng. Hí! Hí!...

ĐẾN QUY NHƠN, ĂN PHỞ ỦNG HỘ CỰU BINH TRƯỜNG SA 14/3/1988

Mai Thanh Hải Blog - Mình vào Quy Nhơn cũng vài lần, nhưng lần nào cũng chỉ "chân ướt chân ráo" làm vụ nào đấy, để in báo - phát sóng rồi lại chuồn ngay tức thì.

Quy Nhơn để lại trong mình nhiều "kỷ niệm nghề nghiệp" như: Khai thác Titan tràn lan, bán sạch cho anh Khựa; đổ cả đống tiền để làm Khu Kinh tế Nhơn Hội, cây cầu dài thượt, phục vụ cho cát bay, trâu bò chạy việt dã, đám doanh nghiệp khôn như chấy chở Titan như di tản khỏi tỉnh; vụ Lộ Diêu từ bé xe ra to, trong khi chính quyền loay hoay bịt lỗ; thủy điện trên nguồn, cuối sông cãi nhau um sùm...

Lần này, qua Quy Nhơn mình lành như cục đất, lang thang dặt dẹo những con đường, góc phố và nhất là đứng trước biển Khách sạn Hoàng Yến, tần ngần... nhúng chân xuống nước, chả dám tắm vì sợ bọn cá mập le ve ngoài biển, điên tiết ngoi lên, cắn phát đứt... cúc cu.


Nói thế thôi, chứ mấy ngày ở Quy Nhơn, mình thấy rất vui và ý nghĩa. Mới chạy trên đường từ Gia Lai xuống Bình Định, bác Mai Thìn (Trưởng Ban Văn nghệ Đài TH Bình Định) đã í ới gọi hỏi.

Vừa xuống tới Quy Nhơn, "thủ lĩnh Thanh niên" Nguyễn Tường Thành, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn cũng kịp đến ngồi "buôn dưa" cùng nhau.

Nhớ nhất là ngày hôm sau, bác Mai Thìn ốp mình cà phê phố, a lố Nhà văn Lê Hoài Lương tóc dài nghệ sĩ, kính cận văn học ào ào phóng tới, đúng chất dân biển sóng gió chân chất thiệt thà.

Rồng rắn kéo nhau ra ngồi ven biển ngay quán vỉa hè, Nhà văn Lê Hoài Lương chọn đúng chỗ nhìn thẳng ra tượng đài Trần Quốc Tuấn, trên núi xa thuộc phường Hải Cảng và kể chuyện "đất người Quy Nhơn".

Trong câu chuyện của Nhà văn thổ địa, mình khoái nhất chuyện tượng đài Trần Quốc Tuấn. Bức tượng này được xây năm 1972, xong năm 1973 và do lực lượng công binh của Hải quân Việt Nam Cộng hòa phụ trách phần thi công.

Chả nói cũng biết là ngày xưa, xây bức tượng đó vất vả thế nào, trong điều kiện chuyển từng can nước ngọt ra ngoài đảo, lấy cái trộn bê tông.

Mình chỉ tâm đắc: Dù ở chế độ nào, nhưng người Việt vẫn tôn kính Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và tên tuổi của ông gắn liền với những trận hải chiến, với những cách đánh độc đáo, uyển chuyển khiến quân xâm lược chỉ có cách xin hàng, chạy trối chết...

Buổi trưa ngồi ven biển, nhìn ra tượng Trần Quốc Tuấn, chẳng mấy chốc mà bàn nhậu xôm tụ. Một vị khách đặc biệt cũng có mặt, đó là Cựu chiến binh - Trung úy Hải quân Lê Minh Thoa, chiến sĩ đã từng tham gia trận đánh 14/3/1988 bảo vệ đảo Gạc Ma, Trường Sa và bị Trung Quốc bắt làm tù binh, giam giữ suốt 4 năm trời.

Chuyện của anh Thoa, mình sẽ kể kỹ lưỡng sau, nhưng bây giờ, sau quá nhiều sóng gió cuộc đời, người Cựu binh Trường Sa này đang hành nghề bán phở tại vỉa hè Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn, Bình Định.

Trong bập bõm câu chuyện về những ngày chiến đấu bảo vệ Trường Sa, bị giam giữ, được trao trả, giấu thương tật để được trở lại phục vụ trong quân đội, xuất ngũ theo diện "1 cục" và bấu víu vào cuộc đời, kiếm sống từ nghề bán hàng khô, bơm hơi xe, chạy xe ôm, bán ốc hút, bán phở... Tụi mình nghe cứ như có tiếng khóc ròng, tiếng thở dài thất vọng của người Cựu binh Trường Sa trong đó.

Nghe đau như xát muối, khi lời chào của Trung úy Lê Minh Thoa với anh em trong lúc chia tay: "Thi thoảng đến quán, ăn phở ủng hộ nha!". Tất nhiên, mỗi người lính, rời quân ngũ, đều hòa mình với đời thực để mà sống.
Cựu binh Lê Minh Thoa đang bán hàng

Thế nhưng: Người lính Trường Sa năm xưa, mang đầy thương tật trong trận đánh bảo vệ đảo, mà không có 1 chút chế độ đãi ngộ; Sĩ quan Hải quân rời quân ngũ theo diện "1 cục", mấy triệu đồng trả cho những ngày phục vụ quân đội, chỉ đủ mua chiếc xe máy chạy khách và thu nhập chính của anh bây giờ là 140.000 đồng/tháng, khi tham gia chân Bảo vệ Dân phố của Phường...

Thôi anh ạ! Các anh có thể bị ai đó cố tình lãng quên, do ngày đó đã "chiến đấu bảo vệ Trường Sa", nhưng nhân dân, đồng bào thì không bao giờ quên lãng. Mình chỉ mong, những người sống ở Quy Nhơn nhớ: Trong TP, vẫn đang sống 1 nhân chứng, từng đổ máu bảo vệ Trường Sa và bị bắt làm tù binh, sau trận đánh đẫm máu đó. Bây giờ, anh phải xoay sang nghề bán phở kiếm sống và quán phở của anh, tuy rất nhỏ trên hè, kê vừa đủ 3 chiếc bàn gỗ, nhưng luôn chờ đón mọi người đến ủng hộ, tại địa chỉ: Số 3D, đường Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn... 
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Đường ven biển Quy Nhơn, phía ngoài biển này, hình như là đầy cá mập, mình khiếp, không dám tắm

Con tàu ngoài khơi, rất cũ nát,như thể... tàu ma

Nơi này, trước kia là quân cảng Quy Nhơn của Hải quân VNCH, lúc nước xuống, vẫn thấy đường bê tông dưới biển

Tượng đài Trần Quốc Tuấn, trên núi chắn gió bão thổi vào TP

Vó kéo lưới bắt cá, ngoài biển phía xa TP

Đủ cách kiếm sống ngoài biển, từ hiện đại đến thô sơ

Mấy màu lưới?

Đường phố yên bình

2 Khách sạn to uýnh, nằm ngay ven bờ biển, chắn hết TP biển xinh đẹp

Nhậu nhẹt gặp mặt: Thành, Giảng viên ĐH Quy Nhơn; Cựu binh Lê Minh Thoa, mình, bé Thư  (Hải quan Bình Định)

Cựu binh Lê Minh Thoa và Mai Thanh Hải nè

Bắt sống 1 chú tàu to

Thích nhất tấm vó này, ghét cái khách sạn to tổ bố đứng chính ình sau, hỏng hết cảnh biển

Nhà văn Lê Hoài Lương lọ mọ leo lên tận phòng thờ nhà anh Thoa, đứng lặng nhìn các Bằng, Giấy khen tặng Thoa

Ra đa Hải quân trên đỉnh núi cao cạnh TP. Trạm này, nghe nói nhìn kỹ cả Biển Đông. Nhưng nhìn để... mà nhìn, nhỉ?

Đèn biển chắn trên phường Hải Cảng

1 đám đánh bạc đang say sưa sát phạt nhau, đối diện KS mình ở

Nhà văn Lê Hoài Lương về nhà anh Thoa uống bia với ốc hút để có... thực tế sáng tác. Hí hí! Mình cũng ăn theo

6 tháng 10, 2011

PHÍA TẤM

Nguyễn Ngọc Tư - Nửa đêm lội mạng, thấy đèn bạn sáng le lói, hỏi: "Có gì vui không?". Bạn nói: "Không! Đang chán đời, thấy người ăn thịt người, ngao ngán quá!".

Bạn chìa ra những đường dẫn dài ngoằng, kêu: "Đọc thử coi có nghe tanh không?. Có buồn ói không?".

Loạt bài đó họ viết về vụ cướp tiệm vàng chấn động cả nước, với những thông tin chi tiết về gã cướp theo kiểu sợi tóc chẻ làm mười sáu, mà trước giờ chỉ Brad Pitt, Tom Cruise, Tạ Đình Phong… mới được (hay bị) quan tâm theo kiểu ấy trên báo lá cải. “Cả em bé nạn nhân còn sống sót duy nhất trong vụ đó cũng bị ăn thịt, em ơi!” - Bạn dùng hình dung từ, mà tôi nghe ghê ghê.

Phản ứng về sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ cướp, có người phẫn nộ thốt ra hai từ “súc vật”: Một đám đông bất chấp, cố xộc vào giường bệnh của em bé hãy còn đang đau đớn hoảng loạn, như thể chất người của họ bị rơi mất ở đâu rồi, mất trong lúc chen lấn, mất mà không hay mất.

Tôi nhớ hội chợ những năm 80, khi chúng tôi cũng giẫm đạp lên nhau để coi những thai nhi dị dạng ngâm hóa chất, cũng ngó nghiêng, trầm trồ, cũng thấy thỏa mãn như vừa xem cây dừa ba ngọn, rắn hai đầu...

Không hay đó cũng là những sinh linh, những cuộc làm người dang dở, không biết đấy cũng là đồng loại.

Đám đông năm xưa - đám đông bây giờ, vô tâm cũng hơi giống nhau, chỉ khác là em bé nạn nhân này còn sống và hồn xác đang trải qua những cơn sang chấn hãi hùng.

Đám đông ấy không phải hiếu kỳ ghé mắt qua cho thỏa cơn tò mò, mà như thợ săn lao mình vào một cuộc săn, quyết bắt bằng được con mồi.

Họ có học. Họ nhiều chữ. Họ cũng có danh vị nhà này nhà nọ. Bạn hỏi tôi nên xếp họ vào phía nào, ác hay rất ác?..

Những khi nói chuyện thiện ác nghe chơi, bạn chia người ác làm hai loại: Ác và rất ác, vô tâm và cố tình.

Anh nhà văn đem sách của đồng nghiệp liệng vào thùng rác chỉ đơn giản là ghét, nhưng đổ cả bia thừa vào thùng rác ấy thì anh có sự cay nghiệt.

Cưa đốn một cái cây không nhẫn tâm bằng ken gốc cho cây chết dần mòn.

Ngồi mài một con dao thật bén, nấu nồi nước thật sôi để sát thương người là do ác tính, không phải vì một cơn nóng giận bất ngờ...

Tình cờ, luôn có một khoảng trống nào đó, dù rất chông chênh để cho người ta dừng lại, giật mình. Và tình cờ, có người nắm bắt được khoảnh khắc đó, có người bỏ lỡ.

Tôi kêu: "Vụ ác tính ác tâm này khó phân biệt quá, không có biên giới rõ ràng gì hết!". "Làm người mà, sao dễ được!" - Bạn cười.

Có lần khi đi bảo tàng tỉnh chơi, thấy mấy cái vành tai, bàn tay, ngón chân… của những du kích bị địch xẻo đem ngâm rượu, bạn kêu: "Trời hỡi trời!". Họ trưng bày những hiện vật này bâng quơ cùng một dãy, xếp cùng một kiểu với những mẫu vật được ướp phoocmaldehit khác.

Chứng tích tội ác chiến tranh nằm cách mẫu vật cá nước ngọt bằng ba bước chân.

Nếu lơ đãng người ta sẽ lướt qua những phần cơ thể chết đó như lướt qua những con cá trèn, cá thác lác, cá kèo.

Người ta sẽ dửng dưng như không, sẽ chẳng chút bàng hoàng, lơi bước khi ngang qua dấu vết tội ác.

Trưng bày tội ác mà không gây giật mình, thì trưng bày làm chi.

Đoạn cuối của vụ chị Tấm báo thù thì ai cũng thuộc nằm lòng, cũng hả hê nhưng bao nhiêu tuổi đời người ta mới nhận ra đó là một vụ ăn thịt người?.

Cái không khí huyễn hoặc biến ảo thần kỳ của cổ tích làm người ta quên lửng chi tiết man rợ đó, và lớp lớp trẻ con nhẹ nhõm thản nhiên như thể Cám qua đời vì đau răng, còn mụ dì ghẻ chết vì sặc muối ớt.

Và những người đang cố nhìn cho bằng được em bé nằm đau kia hẳn đã từng rất say mê cổ tích, từng vô tư đứng về phía chị Tấm, tưởng là chị ấy rất hiền...
-----------------------------------
* Hình ảnh minh họa bài viết do MTH đưa vào và đã được sử dụng trên nhiều trang mạng xã hội.

* Hình ảnh trong bài viết chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết của tác giả

GẶP MẸ, NHỚ MUA GIÙM TẤM VÉ!..

Mình rất ít khi mua vé số, vì có mua cũng không thể nào trúng (có lẽ do mình không có duyên nợ, năng khiếu và nhất là thích thú chuyện may rủi). Mình cũng ít khi tin về "hoàn cảnh nghèo khó" của một số người hành khất (có lẽ vì đặc thù nghề nghiệp của mình, biết quá rõ về những mặt trái của muôn mặt xã hội)... Thế nhưng, khi nhìn cảnh này, mọi điều bực dọc, nghi ngờ đều tan biến, để lại niềm trân trọng, thiêng liêng và cao cả từ tận đáy lòng. Gương mặt ngây ngô nương náu của người con khuyết tật, chỉ có thể tồn tại trên lưng người Mẹ thật và nụ cười che chở của Mẹ, chỉ nở khi địu trên vai mình, giọt máu đã đứt ruột sinh ra... Cuộc sống dẫu vất vả, bon chen và cực nhọc, nhưng chắc chắn, tất cả đều nhỏ bé - tầm thường trước Mẹ và con. Cùng cực như thể bị dồn đến chân tường rồi, nhưng vẫn phải sống, không phải vì mình, mà vì con và cuộc sống của con. Cuộc đời - Còn đáng sống và cần phải sống lắm, từ chính câu chuyện của Mẹ con. Xin mọi người, nếu gặp Mẹ trên hè phố tấp nập - bộn bề, nhớ mua giùm Mẹ và con mấy tấm vé số!.. 

5 tháng 10, 2011

"LẮC KON CU"...

Chân đèo Violac
Mai Thanh Hải - Hồi ngày xưa biệt phát miền Trung Tây Nguyên, mỗi lần đi từ đồng bằng lên cao nguyên, tụi mình thường chọn Quốc lộ 24 qua đèo Violac (Lắc), qua Kon Tum (Kon) và tới Pleiku, Gia Lai (Cu).

Sở dĩ hay đi cung này, vì bên cạnh việc ngắm rừng núi hoang vu, hùng vĩ, ít người qua lại, còn vì... gần hơn được cả trăm km (so với cung đường chạy vào Bình Định, ngược lên Pleiku theo Quốc lộ 19) và anh em lái xe, tiết kiệm vài trăm nghìn tiền xăng từ con Uoat cũ kỹ biển 80B, dành tiền ý ăn cơm dọc đường cho tụi mình.

Nhớ lại ngày xưa cũ, cách đây cả chục năm, thấy sao mà khổ cực đến vậy. Khổ nhất là cái chuyện... thiếu đói, thèm cơm (mà đã không no cái bụng thì chả thiết cái gì nữa. Hi! Hi!).
Thị trấn Ba Tơ

Chả thế mà bao năm, mình vẫn nhớ cái quán cơm bụi lụp xụp ở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi), tụi mình hay dừng lại ăn trưa, trước khi vượt đèo Violac lên Tây Nguyên.

Quán ấy, thường chỉ bán cho những cán bộ công chức ở huyện nghèo xơ xác Ba Tơ và mỗi khi đến lượt tụi mình vào gọi cơm, bà chủ quán người địa phương cũng chiếu cố, cho thêm mấy thằng Hà Nội chúng mình, mỗi đứa 1 miếng thịt mỡ, chan thêm muôi nước thịt.

Vừa chan, bà vừa lầm bầm: "Tụi mi lại lên Tây Nguyên hả? Trên ý tình hình ra sao, mà toàn thấy người Bắc lên công tác. Lính trán trẻ con như tụi mi, lên đó chịu được rừng thiêng, nước độc không, mà bày đặt tăng cường với lại biệt phái?".

Tụi mình nghe vậy, chỉ biết cười và cắm đầu chấm cháy cơm với nước thịt, cho đến căng bụng, để có sức vượt đèo, đẩy xe và... đêm gần sáng, đến Pleiku mới lại được ăn tối.
Trường lũy Quảng Ngãi

Chuyến đi này, từ ngã ba Thạch Trụ (Quảng Ngãi), ngược lên Kon Tum, ngẩn ngơ dừng lại giữa trung tâm thị trấn Ba Tơ, tìm lại quán cơm của bà chủ quán tốt bụng, nhưng mãi không thấy. A lố hỏi anh bạn thổ địa ở TP. Quảng Ngãi, lão này cười lăn: "Quán ấy, bị giải tỏa làm đường rồi!".

Đèo Violac của 10 năm trước. Ký ức trong mình là những lúc còng lưng, đẩy đến... phọt cơm, cho con Uoat già nua, giãy đành đạch 4 bánh, lao lên khỏi ổ voi nhầy nhụa đất đỏ, mới sạt xuống đầy đường, sau trận mưa rừng thối đất thối cát...

Là trong veo màu trời, trên những tán cây rừng rậm rạp còn nguyên sinh, giữa im lặng rì rào con đường nhỏ tý, vắng hoe, đi vài tiếng đồng hồ mới gặp tốp đồng bào đeo gùi đi lấy mật ong, kiếm rau rừng...
Trên đỉnh đèo, giữa Quảng Ngãi và Kon Tum

Là ngẩn ngơ trước những rừng thông Măng Đen, trầm lặng đứng so vai bên đường, trong cái lành lạnh sương mây muôn thủa...

Là rưng rưng quỳ gối, nâng nhẹ cánh hoa dã quỳ vàng óng ả, thấy mình tan vào cả màu vàng bất diệt, nở òa trước con dốc, báo hiệu đã đặt chân mình lên vùng đất Tây Nguyên...

Đèo Violac bây giờ: Mặt đường nhựa của "bọn tư bản giãy chết" hồi nào còn óng ả, chắc lụi, bây giờ be bét ổ voi, ổ gà, trơ ra toàn đá, oằn mình chịu đựng những chiếc xe tải hạng nặng, chở gỗ từ rừng ta, rừng bạn về xuôi...

Bên đường, đèo, thi thoảng lại gặp những đoạn rào chắn an toàn giao thông, bị tháo - dập phá, lấy đi hết cả phần sắt thép, trơ lại những cọc tiêu thưa thớt...

Dọc đường, vẫn gặp những tốp đồng bào, quần áo rách rưới, mặt xanh màu đói, vơ vẩn bên đường, tìm vào rừng đào củ, gỡ măng...
Mình cách đây 10 năm, ở ĐăkGlei-Kon Tum
Rừng thông thơ mộng của Măng Đen, bây giờ vẫn còn, nhưng san sát biệt thự - căn hộ đủ màu xanh đỏ, hình dáng, của các "đại gia" khắp nước, tìm lên xí đất.

Đổ dốc xuống Tây Nguyên, thấy đầy trong mắt những rừng cao su ngắn tun ngủn, mới trồng theo cái Chương trình gọi nôm na "Chặt rừng, trồng cao su", chả lấy đâu ra đất cho dã quỳ dại, náu mình...

Kon Tum đón mình bằng trận mưa trắng xóa, dai nhanh nhách. Ngay đoạn Kon Rẫy, vách đất ven đường đổ sạt đánh ùm như mìn, may mà xe chưa kịp bò đến đó.

Cứ tưởng sẽ nằm chết dí giữa rừng, may phúc làm sao gần đó, có 1 xe xúc đất công trình. Đợi gần 1 tiếng chờ thông đường, con "Phò Đeo Nơ" 2 cầu gầm cao cũng ìn ịt bò qua đống đất - đường nhầy nhụa, be bét hướng về TP. Kon Tum.
Mình ngày xưa, hơi bị... trẻ

TP. Kon Tum - Đến bây giờ, mình chả hiểu sao, cái phố thị loe ngoe vài con đường, lơ thơ những ngôi nhà khập khiễng bé tý 2 bên, cũng được "lên hạng thành phố"?.

Ký ức của mình, vẫn vẹn nguyên những tháng công tác ở Kon Tum dài đằng đẵng, sáng nào cũng nhịn ăn vì chẳng có tiền, gần đến trưa đã thấp thỏm ra vào, đợi kẻng cơm.

Bữa cơm trưa hồi ấy, tụi mình đứa nào cũng múc đến 3-4 bát canh lơ thơ rau, mênh mông nước và trợn mắt húp, cho cái bụng đỡ sôi ùng ục và máu có nước, được đẩy lên đầu. Những buổi tối Kon Tum mới thật là buồn, xem hết Thời sự trên tivi, đã thấy bà con lạch xạch khóa cửa đi... ngủ. Tụi mình, tivi chả có, đành giết thời gian buổi tối bằng cách đọc tất cả những thứ gì có... chữ.

Giờ nghĩ lại, vẫn thấy buồn cười cảnh: Lật chỗ nào, cũng thấy nhét các loại sách báo - Tạo chí - Hướng dẫn (thậm chí cả... Nghị quyết của Trung ương, huyện, tỉnh) cũ mới, nhăn phẳng. Điều này cũng lý giải: Tại sao đến bây giờ, sách báo toàn phát hành tốt ở các địa phương, vùng sâu cho đến vùng xa.
Rừng thông Măng Đen

Qua Kon Tum, lẩn mẩn giữa trời mưa gọi bà bạn. Mãi mới thấy choe chóe trong máy: "Đang Hội thao đơn vị, đợi xong rồi đi nhậu, hỉ?". Ối Giời! con mụ "kẹt xỉ" này bây giờ lại máu ăn chơi thế nhỉ?.

Ngày xưa, mỗi dịp cuối tuần, vợ chồng nhà mụ toàn kéo mình về nhà nhậu. Nói là nhậu, chứ làm đủ món Bắc (và nhất là nấu nhiều cơm) để mình đỡ nhớ nhà, tủi thân và cũng là dịp để mình có "một bữa no".

Tò mò hỏi, mụ bạn cười phe phé: "Ông xã đi công tác, con gái đầu vừa nhập học ĐH An ninh trong Sài Gòn. Ông đến nhà, không ra ngoài nhậu thì... đéo ai nấu cho mà ăn!". Kinh! Hoàn cảnh thế thì tớ lượn đây.

Lại nghe xoe xóe: "Ngại nhậu thì lượn đi, tôi cũng đang dở việc, đợi đến chiều, có mà ông phát rồ!". Ừ thôi! Chào nhá! Hẹn gặp lại sau vậy. Tính lại, chỉ có mỗi nhà mụ bạn làm mình thấy yêu Kon Tum. Hi! Hi!..
Mẹ con gặt lúa

Lại lẩn mẩn trong mưa, sang Pleiku. Con đường 19 ngày xưa chạy giữa mênh mông đất đỏ, vào mùa vàng rực hoa dã quỳ và tím ngắt bông cỏ tranh, bây giờ đầy ự nhà dân, xưởng chế biến sắn - cà phê - gỗ lạt.

Cứ lẩn mẩn những lần chạy xe máy giữa Gia Lai - Kon Tum trong ngày mà phát khiếp. Bây giờ, có bò ra đường này giữa đêm, cũng chả sợ rắn - sợ ma và sợ... bị uýnh.

Sang đến Pleiku vẫn chưa hết mưa. Lão cụ Văn Công Hùng, í ới với mình từ mấy hôm trước, sẵn sàng "quần áo, nước hoa", đội mưa ra tận ngoài đường đón mình và dẫn vào thăm nhà, đang chỉ có 1 mình con chó Bim xinh như cục bông, hí hớn chạy đi chạy lại trông nhà.

Hỏi "bà xã anh đâu", lão cụ hị hụi vào nhà bưng ra cả két bia 333, đặt phịch lên bàn, nổ bôm bốp mời thay nước trà, nhẩn nha: "Biết nhà có khách. Vợ anh đi... làm đầu!".
Mình và lão cụ Văn Công Hùng, cùng... đầu trọc

Ối Giời! 2 lão cụ ở trông căn nhà phố núi, để 2 đứa con gái làm ăn dưới Sài Gòn phồn hoa. Hoàn cảnh này, chắc là "thì tương lai" của mình quá!..

Uống hết 3 lon bia, tụi mình phi thẳng ra... quán nhậu, chả biết khách sạn nghỉ đêm ở đâu nữa.

Vừa vào quán, đã bị... nhận diện "do đã đọc nhiều trên Blog" và kéo sang bàn cả chục "thổ địa Pleiku", làm tới mấy ly bia.

Ngoan ngoãn chối từ và lật khật về bàn mình, lão cụ Văn Công Hùng hào hứng gạ... chơi rượu bản địa. Có ngồi la đà thế này, mới thấy là mình uống cũng hơi bị khỏe.

Ngồi rỉ rả trò chuyện, mới biết là Pleiku quá nhiều món "cao lương mỹ vị", mà ngoài Bắc, mới nghe đã chết khiếp, sờ tay giữ chạt ví tiền. Đơn giản như mấy món chế biến từ cá Anh Vũ, mang lên từ xã Biển Hồ, các "thổ địa" Pleiku lắc đầu: "Ở đây, đi nhậu là bình thường. Lên Tây Nguyên, tìm thịt rừng mới khó!".
Bác Minh nhà mình bây giờ đầu cũng... trọc

Mình thì ăn gì, uống gì cũng được. Thế nhưng nghe chuyện "hết rừng", cứ lẩn mẩn: "Khi nào thì người ta không gọi Tây Nguyên xanh, mà sẽ gọi là... Tây Nguyên trọc?".

Hình như, cứ lẩn mẩn nhiều quá, nên mình bị xỉn quắc cần câu, buổi đêm về đến phòng nghỉ là nằm vật, ngủ như "chó con say sữa". Chả biết khi mình đi ngủ, có bị "lắc - con - cu" không nhỉ?.. Giàng ơi!..

Buổi sáng ở Pleiku, lão cụ lần khân cả giao ban buổi sáng, nằng nặc dẫn mình đi ăn sáng đặc sản của Phố Núi. Món này giống y như phở khô, bóp nước tương và húp nước thịt cùng tú hụ giá đỗ trần. Gì thì gì, chứ đi xa là mình kiêng cái món giá đỗ lắm.

Hết ăn sáng, dĩ nhiên phải ngồi vỉa hè uống cà phê rồi. Mình vốn không có thói quen uống cà phê, nhưng ngồi giữa Phố Núi, không thể không làm 1 ly đen đá, ngắm phố hít khí giời.
Mỗi Già làng Nguyễn Thịnh là tóc vẫn dài

Hồi trước ở Pleiku, cứ quanh quẩn đoạn phố Hùng Vương nối dài và đi các huyện. Bây giờ mới thấm thía: Phố rợp bóng cây, thân thẳng tắp thời gian, như chở che và gợi nhớ; con dốc cuồng chân em nữ sinh má đỏ hây hây, áo trắng ríu ran đi về khung hè vắng; sương mỏng mảnh đọng trên những nóc nhà cũ, đượm thời gian mới - cũ vĩnh hằng...

Níu kéo thế, gần gũi thế nên cũng chẳng về sớm với Quy Nhơn được. Gần buổi trưa, già làng Nguyễn Thịnh hối hả giục chạy đến Lê Thị Hồng Gấm, ngồi cùng mấy người bạn.

Già làng với mình thân cả chục năm nay, hồi mới tò te lên Tây Nguyên. Rất nhiều kỷ niệm và cực nhiều gắn bó. Có những điều, nhẩn nha nhắc lại, mới tiếc về một thời hồn nhiên, trai trẻ. Mỗi lần giật mình nhớ đến Tây Nguyên, trong đầu mình lại vẽ nguyên bản giò hoa lan gân guốc, bung hoa lấp lánh ngoài sân nhà già làng; màu hoa dã quỳ vàng trắng, tinh khiết sương đêm, nở thành vạt sau nhà...
Anh Trần Lâm, PV Báo NNVN tại Gia Lai thì tóc hơi... bạc

Ngồi bên nhau giữa quán lá yên tĩnh, trước mặt là xanh ngắt trảng cỏ cao nguyên, kể lại những chuyện từ hồi xa lắc, thấy ầng ậc nơi quầng mắt: Một thời thiếu thốn, vất vả, khó khăn đến như vậy, mà vẫn lăn lóc, quăng quật và biết lãng mạn, biết cảm nhận, để mà sống, để vươn lên. Tại sao, khi đã vượt qua lúc bĩ cực ấy rồi, hình như có lúc lại quên đi, không nhớ và sưng mắt lo "cơm áo gạo tiền"?.

Vẫn biết, cần phải sống bằng "áo cơm tiền gạo", nhưng nếu không giữ được chính con người mình trong trẻo, chia sẻ (bằng 1 phần như của ngày xưa thôi), thì mình còn là mình, hay là thành "máy kiếm cơm"?..

Mỗi người chỉ sống 1 lần trong đời và chuyện hoài niệm, ôn lại quá khứ, để sống ý nghĩa hơn với những người thân, cho 1 lần sống của mình khỏi phải tiếc nuối - Đó là điều đọng lại trong mình và những người bạn, khi gặp lại nhau ở vùng đất "Lắc - Con - Cu". Rời Cao nguyên lúc giời vẫn mưa, tự dưng lại ám ảnh màu vàng của dã quỳ mùa tới. Ừ! Đúng rồi! Đã sắp tới kỳ, dã quỳ nở vàng rực Tây Nguyên. Màu vàng của những niềm hy vọng, niềm tin vào ngày mai, ngày kia và cả tương lai, đang đợi phía trước...

UỐNG RƯỢU SÀI GÒN

Đàm Hà Phú - Có lần, tôi ngồi uống rượu trên nóc một chiếc tàu đò chạy tuyến Hậu Giang - Đồng Tháp. Tàu chạy chậm, giữa đêm. Thi thoảng những tàn cây bình bát, cây bần quẹt ngang, chúng tôi phải cúi rạp người, đưa tay nắm chai rượu, sợ đổ.

Bữa rượu có ông chủ đò ôm cây guitare phím lõm, vừa uống vừa ca vọng cổ. Tê tái luôn. Cao trào nhất là khi ông ca bài “Ông lão chèo đò”.

Tôi nhớ cái giọng ông khi nói thơ Vân Tiên: “Nước giữa dòng có khi trong khi đục/ Người ở đời có lúc nhục lúc vinh/ Ngẫm ai vô sự như mình/ Đò ngang một chuyến/ Hò hơ…Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa...”. (trích lại)

2.
Hồi tôi quen Vũ Ngọc Giao, một lần anh đến phòng trọ tìm tôi lúc giữa đêm. Chúng tôi, Tôi, Nhựt và Giao, chẳng còn chỗ nào để uống với nhau, đành đập cửa tiệm tạp hóa mua được hai lít rượu và một gói thuốc.

Rồi cứ thế phóng thẳng xe máy ra xa lộ, đi đến một nơi, đâu đó ở Long An, chúng tôi rẽ vào một cánh đồng, tìm một chỗ trống và bày rượu ra uống.

Không đem theo cây đàn guitare nên chúng tôi chỉ uống rượu và đọc thơ suông, chúng tôi chỉ đọc một vài khổ hoặc một vài câu vì chẳng ai nhớ nổi nguyên bài, đọc thơ làm mồi.

Thi thoảng nghe một câu thơ hay, Giao lại nâng ly, tôi nhớ câu chúc rượu của Giao: “Chúc sức khỏe để giữ tư cách…”.

Đêm ấy sáng trăng, chúng tôi ngồi giữa đồng lúa đang trổ đòng, chung quanh sương giăng mờ mờ và tiếng cóc nhái kêu nẫu ruột. Chúng tôi trở về nhà khi trời tảng sáng, hết rượu.

3.
Nhựt có một người bạn rất giang hồ, tên Hiệp. Anh này chạy xe đò tuyến Mộc Hóa - Chợ Lớn, ngoài chở khách, anh còn tranh thủ chở thêm cá đồng từ Mộc Hóa lên Sài Gòn.

Một đêm nọ, Hiệp chạy xe lên tới Chợ Lớn và nhắn chúng tôi ra nhậu. Chúng tôi mua được rượu, nhưng không có gì làm mồi, may thay, trong mấy cái cần xé trên xe còn sót lại vài con cá lóc đồng, lúc ấy vẫn còn sống. Hiệp chạy đi kiếm được một vài hòn than tổ ong đang cháy của một xe hủ tiếu bỏ lại, chúng tôi nướng số cá ấy rồi đem lên mui xe nhậu.

Bữa rượu ấy rất vui, chúng tôi ngồi ngất ngây trên nóc mui xe đò, giữa đêm mùa đông gió lạnh quần quật, có thêm Tửng, một tay bán vải chợ Soái Kình Lâm.

Chủ yếu, chúng tôi ngồi nghe Hiệp kể chuyện vui buồn đời nhà xe và dọc đường gió bụi.

Tôi nhớ câu nói của Hiệp, mỗi khi nghe chuyện gì phức tạp, Hiệp đều phẩy tay: “Nặng phần trình diễn quá!”...

NGÀY TÁI LẬP TỈNH LÀO CÁI ĐÚNG LÀ 10/1....

Mai Thanh Hải Blog - Tấm hình mình chụp ở Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), rành rành tấm biểu ngữ ghi nội dung: "Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng 20 năm tái lập tỉnh Lào Cai 10/1/1991-10/1/2011". Có lẽ đây là minh chứng rõ nhất cho việc "định vị" ngày tái lập tỉnh, mà bà con tranh cãi - bàn luận mấy ngày qua.

Trân trọng giới thiệu chùm ảnh đã "chộp" được, lúc ngồi ăn sáng tại Thị trấn Khánh Yên, Văn Bàn

Bà con ngang qua, ai cũng ngước nhìn


Rành rành, nhé!

Ngày 10/1 chứ không phải... 1/10

Trước cổng công sở, tin chưa?

Nhìn từ... xoong chảo, nồi niêu

Và nhìn từ quán cà phê. He! He!..