28 tháng 6, 2013

ÂM THANH CỦA KÝ ỨC

Doãn Dũng - 1. Mới vào hạ, nắng đã chói chang. Khán giả ngồi đợi xem trình diễn văn chương, liên tục dùng khăn giấy chấm mồ hôi trên trán. Họ còn rất trẻ, đi hội Đọc sách thấy lạ đứng lại xem.

Lẫn trong đám khán giả trẻ, ở hàng ghế thứ hai, có người đàn ông đứng tuổi, chốc chốc lại chụm đầu rì rầm với một Thượng úy Hải quân.  

Sân khấu rộng bằng dăm manh chiếu, ngổn ngang những chiếc thùng caton đạo cụ mầu xanh cỏ úa, dùng cho tiết mục trình diễn truyện ngắn: “Những vòng đồng ký ức”.

Phía sau sân khấu, các diễn viên  thay quần áo, khoác lên mình bộ quân phục mới tinh còn thơm mùi hồ.

Tác giả truyện ngắn vừa cài khuy, vừa khen: “Quân phục bây giờ đẹp quá. Thời bọn tớ mặc K82, trông như khố tải”. 

Phía dưới, người đàn ông đứng tuổi hướng camera lên sân khấu, lẩm bẩm: “Chuẩn bị xuất kích!”. 

Một giai điệu trầm buồn vang lên, tác giả bước ra sân khấu. Đầu anh ta hơi cúi xuống, hai tay chắp sau lưng, dáng điệu suy tưởng, chầm chậm bước trong tiếng nhạc. Anh ta từ từ ngẩng lên, mắt nhìn vào khoảng không vô định, giọng kể đều và trầm: “Ngày ấy, chúng tôi chốt trên điểm cao Z4… Chúng tôi làm những chiếc vòng tay bằng vỏ đạn, đeo để theo dõi thời gian. Cứ hết một tuần vòng, tôi lại nhét một viên sỏi vào túi cóc  ba lô. Thỉnh thoảng tôi mang sỏi ra đếm: “À!. Mình đã sống thêm được ngần này ngày!”. 

Người đàn ông đứng tuổi nhỏm hẳn dậy, một tay cầm máy quay, tay kia bám chặt vào vai Thượng úy Hải quân ngồi bên cạnh. Cánh tay lồi lõm, sẹo nham nhở. 
* * *

Ngọn núi như con thằn lằn khổng lồ dán mình trên mặt đất. Mỏm  Z4 ở phần đuôi, là nơi thấp và gần địch nhất. Hôm nay đại đội 3 đã bẻ gãy bốn đợt tấn công của địch.

Đại đội trưởng Toại đang nhoài người trên bờ hào dùng ống nhòm quan sát trận địa. Quần xắn đến gối để hở hai cẳng chân đen đúa. Ngón chân tòe ra như nan quạt, bám đầy bùn đất.

Dũng, chiến sỹ thông tin 2W đập đập vào  Toại: “Anh Toại!. Trung đoàn trưởng gọi!”. Toại tụt xuống, chui vào hầm,  nói như hét vào tổ hợp: “Báo cáo thủ trưởng! Đại đội 3 vẫn kiên cường giữ vững trận địa.  Quân số thương vong lớn, đạn sắp hết. Xin trung đoàn cho dự bị xuất kích!”.

Dũng ngồi bó gối, lưng tựa vào vách hầm, chăm chú nhìn các búi cơ trên khuôn mặt gày gò của Toại chuyển động như sóng lượn.

Dường như đã đọc được câu trả lời qua nét mặt ấy, cậu vẫn hỏi khi Toại đặt tổ hợp xuống: “Tình hình thế nào đại trưởng?”.

Toại rút hộp tiếp đạn AK ở trong bao xe, vỗ vỗ vào lòng bàn tay rồi vứt toẹt vào góc hầm, thủng thẳng nói: “Đường vận động bị pháo địch chia cắt, áp chế”.

Toại quay sang Dũng hỏi: “Mày còn băng đạn nào không?”. Dũng lắc đầu: “Em còn vài viên. Để xem thằng Hanh còn không”. Toại bảo: “Anh lấy hết của nó rồi”.

Thằng Hanh là liên lạc đại đội, bị thương nằm trong góc hầm, thều thào: “Em còn một quả na, nhưng  cho em giữ đi. Nhỡ đâu…”, Hanh nói nửa chừng thì dừng lại, không biết là bị ngất hay sợ gở mồm!? Tóc Hanh bết máu khô, cứng đơ, xù ra như búi rễ tre. Mặt xám ngoét như người chết rồi.

Toại xách súng lao ra ngoài, còn ngoái cổ lại dặn: “Thằng Dũng cấm bỏ máy đấy. Việc của mày là ở trong này”. Dũng không nói gì, với tay chỉnh lại cái máy 2W mầu xanh, kiểm tra lại tần số. Chiếc anten trông như đuôi cá đuối, lách qua cửa hầm, bị buộc cong lại cho khỏi lộ vị trí.

Thằng Hanh hỏi: “Còn nước không?” Dũng bảo: “Hết rồi. Mà mày cũng không được uống, ra hết máu”.

Thằng Hanh khóc, tiếng khóc khè khè như người lên cơn hen. Nó bị dính mảnh cối từ trưa, người thủng lỗ chỗ như cái tổ ong. Dũng an ủi:  “Sắp tối rồi, bọn C25 sẽ vào khênh mày ra”.

Bên ngoài, văng vẳng tiếng rên của thương binh xen lẫn tiếng đùng đoàng lúc xa  lúc gần. Dũng cảm giác là mình nghe được tiếng rên, chứ thực tình tai cậu điếc đặc, đạn cối 82 nổ gần mà nghe bép bép như pháo tép của trẻ con.

Đại đội trưởng Toại men theo bờ hào, nhiều đoạn phải bò. Ụ chiến đấu trước đó gá khẩu 12,7 mm, nay chỉ còn là hố đất. Khẩu súng  bị ném ra xa, mỗi nơi một mảnh. Lòng hào nhớp nháp máu. Đất đồi trộn với máu thành một lớp bùn trơn nhầy.

Cả đại đội chỉ còn gần hai chục tay súng. Thương binh đã được chuyển vào những  hầm chưa bị đạn pháo cày nát. Thằng bị nhẹ chăm sóc thằng bị nặng. Mùi máu tanh lòm.

Toại đỡ một tử sỹ nằm vắt trên thành hào, cạnh khẩu đại liên K53 hết đạn, bảo: “Xuống đây em nhé. Đừng để dính thêm mảnh nào nữa”

Cái xác vẫn còn ấm, ruột xổ ra một đống xám xịt. Mấy cậu lính mặt ám khói đen xì, ôm súng ngồi bệt dưới lòng công sự, nhướn mắt nhìn Toại. Ánh mắt chăm chắm mong đợi tin tốt lành từ anh.

Anh định lên giây cót thay cho C phó chính trị - chúng ta sẽ chiến đấu đến người cuối cùng - nhưng lại đổi ý, chỉ tay về phía mỏm núi gần nhất, nói: “Dự bị đã xuất kích. Các em yên tâm. C5 ở Z2 cũng sẽ chi viện cho chúng ta”.

Những ánh mắt chậm rãi chuyển sang hướng khác, lách qua  bờ hào sụt chỉ còn ngang đầu gối, lần theo những xác chết nằm rải rác xuống đến chân núi rồi lẫn vào rừng cây đại ngàn. Toại hít một hơi thật sâu nhưng không dám thở mạnh sợ giống tiếng thở dài. Anh đẩy hơi ra từng nhịp ngắn như bị nấc cụt.

C phó Quân sự hi sinh ngay loạt pháo đầu tiên khi đang kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại khu vực tiền duyên. Anh bị mảnh pháo chém xả vai bay mất tay phải.

C phó chính trị bị thương nặng trong trận trưa nay, cũng không chắc qua khỏi. Liệu có đợt thứ năm không? Anh không biết.

Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, nếu chúng tấn công lần nữa, mỏm Z4 sẽ không giữ được. Sức tàn đạn kiệt rồi. Anh đã gọi cho tiểu đoàn trưởng xin các mỏm khác chi viện nhưng không được. Các C kia cũng đang căng người ra đánh trả.

Chỉ còn hi vọng vào dự bị của trung đoàn, nhưng pháo địch đã khống chế được con đường vận động chặn bước tiến của cánh quân này.

Chưa bao giờ anh mong trời tối đến thế. Bóng đêm hay đi kèm với bất trắc, nhưng lúc này, bóng đêm là thần hộ mệnh cho anh và đồng đội. Địch sẽ lui quân khi trời tối.

Đang tháng năm, mặt trời sắp khuất sau dãy núi phía tây mà nắng vẫn chang chang.

2. Trên sân khấu, tác giả ngồi trên bục gỗ được phủ một lớp vải dù. Bên cạnh là những thùng caton sơn xanh. Cậu diễn viên nằm gối đầu lên đùi nhà văn. Họ đang truyện trò.
- Hay là ta chuồn!
- Chuồn há? - Tay diễn viên chồm dậy - Ý mày nói đào ngũ? Điên à? Sao không biến ở dưới kia đi, lên đến đây rồi còn kêu chuồn.
- Mày có sợ chết không? – Nhà văn đứng dậy hỏi.
- Chết hả? Tao không sợ. Chết là hết. Tao chưa vợ con, vướng bận gì...

Bên dưới, người đàn ông đứng tuổi thò tay trái xuống bóp bóp bắp chân, quay sang Thượng úy Hải quân hỏi chẳng ăn nhập với tình huống trên sân khấu: “Cái thùng kia là thùng gì cháu nhỉ? Nếu là thùng đạn thì to quá”. Thượng úy trả lời: “Sân khấu mà chú, đạo cụ mang tính ước lệ thôi”. Người đàn ông gật gật đầu rồi quay lên xem tiếp.
* * *

Làng Gạo nép mình bên dòng sông Miện xanh ngắt, cách mặt trận khoảng hai chục cây số. Cổng làng có cây gạo trăm năm, to bằng mấy người ôm. Từ xa đã nhìn thấy cây gạo cổ thụ cao vút, ra hoa đỏ rực in trên nền trời xanh thẳm.

Đây là ngôi làng kinh tế mới của người dưới xuôi đi khai hoang cuối những năm bảy mươi.

Đơn vị Toại chuyển quân từ Lao Cai sang, doanh trại chưa có nên ở nhờ nhà dân.

Toại ở nhà ông bà Phùng ngay đầu làng.

Chiến sự xảy ra, con cái chạy loạn về quê cũ, chỉ còn ông bà và con Mực ở lại trông coi vườn tược lợn gà. Ông Phùng bảo: “Cả đời tao chạy giặc. Vừa chạy giặc đói lên đây chưa ấm chỗ lại chạy nữa sao? Già rồi, chết có gì mà tiếc!”.

Nhà ông Phùng có cây trám trước sân, cành lá sum xuê,  bóng mát che kín mảnh sân  đất nện.

Thằng Phúc mới ba tuổi, nó hay thơ thẩn chơi với con Mực dưới gốc cây. Cả ngày Toại lăn lộn ngoài thao trường. Thằng Phúc được ông bà Phùng để mắt trông nom. Ông bà già cũng đỡ buồn còn anh bớt đi nỗi lo họa sông nước.

Ba tháng trước Toại nhận được điện của cô em gái: “Anh về gấp giải quyết chuyện gia đình”. Vợ Toại  theo một tay lái xe đường dài, để lại lời nhắn: “Anh Toại! Em không thể sống trong cảnh nghèo khổ, có chồng cũng như không thế này. Em vào Nam trước, khi nào ổn định sẽ đón con vào sau. Chúc anh tìm được hạnh phúc”.

Chẳng biết gửi thằng Phúc cho ai, Toại đành ôm con lên đơn vị.

Thằng Hanh trọ ở nhà  bên cạnh. Bên ấy chủ nhà đi sơ tán hết.

Bữa trước Trung đoàn trưởng gọi Toại lên. Ông hỏi: “Thằng bé đã quen sống với lính chưa?”.

Toại cười, nụ cười meo méo như sắp khóc: “Quen ngay chứ ạ. Cháu vui lắm, đùa nghịch suốt ngày”.

Trung đoàn trưởng gật gù, ông xoay xoay chén trà trong lòng bàn tay. Chén trà nguội ngắt mà ông chưa uống. Toại biết ý, hỏi: “Thủ trưởng có điều gì khó nói phải không ạ?”.

Trung đoàn trưởng ngẩng lên, nắm lấy tay Toại, bảo: “Tớ rất hiểu hoàn cảnh của cậu. Nhưng trên vừa quyết định đơn vị ta sẽ lên thay chốt. Tớ nghĩ mãi chưa tìm ra phương án nào thuận lợi cho cậu…”.

Toại ngắt lời: “Thủ trưởng cứ yên tâm, em có cách xử lý…”.

Từ Trung đoàn bộ về đến Đại đội 3 mất nửa tiếng trên con đường đất như một dải lụa bám theo bờ sông.

Dáng Toại cao gầy, lầm lũi dưới ánh trăng. Anh chợt nhận ra trăng ở đây không giống những nơi anh từng qua, nó có màu biếc xanh. Tiếng dế kêu nỉ non buồn thảm.

Bên kia, thỉnh thoảng lại ré lên tiếng cười lanh lảnh của lũ con gái trường Trung cấp Sư phạm tắm sông. Tiếng cười lan trên mặt nước, vượt sang bên này bóp nghẹt trái tim trong lồng ngực lép kẹp của Toại. Anh bước nhanh hơn, như chạy.

Thằng Phúc gà gật ngồi trên khúc củi khô ngoài sân chờ bố. Con Mực phủ phục bên cạnh. Hoa trám rụng trắng sân. Toại lao tới xốc con lên, dụi mặt vào bụng.

Thằng Phúc tỉnh ngủ cười sằng sặc. Mùi nước đái hoi hoi len lỏi ngấm vào từng phế nang của Toại. Con Mực chạy vòng quanh, thỉnh thoảng lại nhảy cỡn lên, cào hai chân trước vào đùi Toại.

Thằng Hanh từ sân bên kia, nói vọng sang: “Anh Toại ơi, em bị chó cắn ra nhiều máu quá”.

Toại kẹp nách thằng Phúc, nhảy qua bức tường đất chỉ cao ngang bẹn, bảo: “Đi đứng làm sao mà thế này”.

Thằng Hanh cởi trần, mặc quần đùi, bắp chân trái nhìn rõ vết chó cắn, máu chảy ròng ròng. Toại cúi xuống xem vết thương, hỏi: “Chó nhà ai?” Hanh nói: “Em không biết, chắc chó hoang”.

Toại giục: “Qua C24 ngay đi. Chó dại thì phiền đấy”. Hanh nhanh nhảu: “Bệnh xá trung đoàn không có thuốc chó dại đâu. Chắc lại chuyển em lên viện 93 thôi!”. Toại bảo: “Đi luôn đi”.

Thằng Hanh vâng vâng rồi xách chiếc ba lô tập tễnh bước, bóng nó nhanh chóng khuất sau lùm  găng.

Toại ru thằng Phúc ngủ rồi dậy thu dọn. Đồ đạc của Phúc có nhiều nhặn gì! Mấy manh áo vá, vài món đồ chơi làm bằng vỏ đạn. Toại cẩn thận xếp từng thứ vào ba lô.

Đúng rồi, còn cân đường tiêu chuẩn mới nhận hôm qua. Chiếc áo chưa giặt của Phúc chua như mẻ. Mùi mồ hôi của con làm anh bần thần.  Anh không cất vào ba lô mà để riêng một chỗ. Còn cái gì nữa không nhỉ? Toại tháo cái vòng bằng đồng ở cổ tay, thả vào ba lô rồi treo lên cột.

Toại chui vào màn. Thằng Phúc đang ngủ rất say bỗng xoay ngang người, gác một chân lên mặt Toại. Anh không ngủ được. Thằng Phúc gác thêm cái chân nữa lên ngực anh. Anh cứ để nguyên như thế và mong đêm thật dài.

“Em không thể sống trong cảnh… có chồng cũng như không” - Toại nghe câu nói ấy lần đầu trong đợt nghỉ phép cách đây ba năm, khi vợ sinh thằng Phúc.

Anh mang về tặng vợ chiếc lọ hoa kì công làm từ vỏ đạn cao xạ 37 mm.

Lần nghỉ phép tiếp theo lọ hoa đã không còn, vợ anh đổi được ba cân gạo.

Giờ vợ anh đã vào Nam. Toại thở dài. Cha mẹ đã mất, Toại tính gửi thằng Phúc cho cô em gái mới lấy chồng xóm trên.

Tiếng gà eo óc vang lên từ cuối xóm. Toại nhẹ nhàng gỡ chân thằng Phúc ra. Thằng Phúc ngủ mê, nói lảm nhảm: “Bố… bố”. Còn một ống bơ gạo nếp mang từ bên kia sang, Toại nấu lên rồi gói tất vào một tấm lá chuối. Mùi cơm nếp bốc lên thơm ngậy.

Anh khoác chiếc ba lô trên lưng, đặt thằng Phúc ngồi lên hai vai. Hai tay nắm  cổ chân, thằng Phúc ôm đầu bố ngủ gục. Trăng vẫn chưa lặn.

Con Mực chúi đầu, theo gót bố con anh đến gốc gạo thì dừng lại, ngửa cổ sủa một hồi mới quay về.

Thị xã Hà Giang mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách xuôi, một chuyến ngược.

Trái lại, xe kéo pháo, xe chở đạn, xe chuyển quân vào ra kìn kìn không ngớt. Thị xã bây giờ chỉ toàn lính. Bến xe khách cũng đặc lính, những người lính có phép và không phép. Kiểm soát quân sự đi lại như con thoi.

Toại đi quanh xe, hỏi với lên: “Có đồng hương nào Quốc Oai, Hà Sơn Bình không?”. Một cái đầu thò ra trả lời: “Có Phúc Thọ đây”. Toại nói: “Đồng hương cho tôi gửi cháu về quê được không?”. Người kia bảo: “Được!”.

Thằng Phúc đã thức, nó ngơ ngác nhìn xung quanh rồi hỏi: “Mình đi đâu hả bố?”.

Toại vẫn để thằng Phúc ngồi trên vai, không dám hạ xuống vì sợ nó nhìn thấy đôi mắt ầng ậc nước. Toại trả lời: “Con về quê trước. Bố sẽ về sau”. Thằng Phúc bảo: “Bố về cùng con!”.

Toại nhét vào túi áo ngực bé xíu bằng hai ngón tay mảnh giấy ghi tên tuổi, địa chỉ quê quán của Phúc rồi dặn dò người lính đồng hương. Anh chép lại những thông tin của người lính kia lên vỏ bao thuốc lá, bảo: “Có dịp tôi sẽ qua nhà thăm đồng hương”.

Toại trao thằng bé và cái ba lô qua cửa sổ xe cho người lính rồi lùi lại một bước, nói: “Còn không về được thì xin đồng hương nhận của tôi…”.

Chưa dứt lời Toại sụp xuống, vòng tay làm một vái rồi quay đầu chạy. Thằng bé khóc, nhoài người ra cửa sổ gọi với theo: “Bố ơi… bố”.

Người lính đồng hương ngỡ ngàng nhìn Toại chạy như bị ma đuổi, mắng vốn: “Rồ à? Tự dưng bê người ta lên bàn thờ”. Anh ta quay sang nựng thằng Phúc: “Nín nào, chú cháu mình về quê nhé!”

Chạy một đoạn xa Toại mới dừng lại. Anh đứng trân trân nhìn chiếc xe khách đỗ trong bến cho đến khi xe lăn bánh hút tầm mắt. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má Toại.

Thằng Hanh đứng ở góc bến xe nhìn thấy hết. Nó đã có giấy đi viện 93.

Toại về đến nhà một lúc thì thằng Hanh cũng về. Nó nói: “Em không đi viện nữa”. Toại lo lắng: “Nhỡ dại thì sao?”. Hanh bảo: “Không dại được đâu anh ạ. Em biết con chó ấy rồi”. Toại nhìn Hanh, đùa: “Hay mày sợ tiêm hăm mốt mũi quanh rốn?”.

Thằng Hanh lắc đầu cười cười, đi cà nhắc nhưng vẫn leo qua bức tường lửng bằng đất sang sân bên kia. Ống quần bên trái xắn đến đầu gối, vết chó cắn đã khô miệng.

Chiều hôm ấy Dũng lưng đeo máy 2W có cái anten cao ngật ngưỡng, ba lô đeo trước bụng, tìm Toại thông báo: “Em ở C18  đi phối thuộc với đại đội anh”.

Dũng được phân về ở tạm cùng Hanh.

Thằng Hanh ngồi sau nhà, đang mân mê ngắm nghía cặp xương hàm chó còn đủ cả răng nanh nhọn hoắt. Đây là bảo bối của một đồng hương truyền lại. Thay vì tự thương bằng súng hay mìn 652A, cái hàm chó này nhẹ nhàng và kín đáo hơn rất nhiều. Chỉ việc đưa bắp chân vào khạp một cái, đầy đủ cả vết răng hàm lẫn răng nanh, tài thánh cũng chẳng phát hiện ra.

Thoáng có bóng người Hanh giúi vội cặp hàm chó vào đống củi.

3. Một loạt tiếng nổ vang lên qua cặp loa đại trên sâu khấu. Các diễn viên nháo nhào núp sau bục gỗ. Một giọng nói cất lên, hốt hoảng: “Chúng nó lên đông quá! Đánh hay là rút?”.

Giọng nói khác, quyết liệt: “Đánh!”. Một cánh tay giơ lên rồi vài ba cánh tay khác cũng chầm chậm giơ lên từ những vị trí ẩn nấp.

Những cánh tay đeo vòng đồng làm bằng vỏ đạn. Họ hát Quốc ca  trong tiếng súng nổ. Từng người một ra khỏi vị trí nấp, lao lên phía trước và gục ngã.

Thượng úy Hải quân cũng bị cảm xúc vở diễn cuốn đi. Anh đứng dậy giơ tay và hát. Cổ tay ánh lên mầu nắng của chiếc vòng làm bằng vỏ đạn.

“Gọi pháo bạn ơi. Xin pháo Sư đoàn đi”. Người cựu chiến binh gào lên da diết. Ông ta đã chuyển máy quay cho Thượng úy Hải quân. Đôi mắt người đàn ông nhìn những diễn viên trên sân khấu như nhìn những bức tượng vô hồn, luôn miệng gào xin pháo dội: “Gọi pháo đi. Anh Toại đã làm thế. Chúng tôi chấp nhận chết…”.

Rồi ông ta ngồi xuống ghế, hai tay bấu chặt vào đùi.
* * *

Ánh nắng sắp tắt thì lửa bùng lên nhoang nhoáng khắp ngọn núi Thằn Lằn.

Toại hét lên: “Giữ vững trận địa”. Tiếng thét của anh bị tiếng pháo liếm mất.

Đất đá bị thổi tung lên, rơi xuống rào rào. Khói bụi mù mịt không nhìn thấy gì.

Pháo nổ một chập dài thì ngớt.

Chân núi rộ lên tiếng súng bộ binh địch. Đạn cắm phầm phập vào núi đất. Tiếng súng đánh trả trên núi rời rạc thưa thớt.

Dũng rời máy thông tin xách súng lao ra chiến hào. Hanh nằm ngửa, hai tay ôm quả lựu đạn đã mở một bên chốt cài, đặt lên ngực, miệng mấp máy  không thành tiếng.

Toại nép vào vách hào, bắn phát một để tiết kiệm đạn. Nhìn thấy Dũng, quát: “Bật lê!”.

Tiếng hò reo của địch mỗi lúc một gần. Chúng đông như đàn kiến đang đu lên con thằn lằn.

Toại ra lệnh cho Dũng, giọng gấp gáp: “Liên lạc xin pháo Sư bắn trùm lên trận địa”.

Dũng chần chừ. Toại giục: “Nhanh lên!”. Dũng kê súng, chậm rãi bắn nốt những viên đạn cuối cùng.

Địch đã lọt vào chiến hào. Có tiếng rống lên như lợn bị chọc tiết.

Toại quay trở lại hầm. Dũng vịn vào khẩu AK tuốt lê sáng quắc, hai gối quì xuống nền hầm, tay trái run run cầm tổ hợp, đầu cúi xuống, mắt nhắm nghiền.

Toại hỏi: “Xin chưa?”. Dũng ngẩng lên nhìn Toại - đôi mắt ướt nhoẹt - lắc đầu.

“Sông Lô gọi sông Hồng. Nghe rõ trả lời!”

“Sông Hồng nghe rõ”.

“Sông Lô xin mưa rào lên đỉnh Z4. Nghe rõ trả lời”

Đầu máy bên kia im lặng.

Toại hét lên: “Sông Hồng nghe rõ trả lời? Nghe rõ trả lời”.

“Sông Hồng nghe rõ. Đồng chí tên gì?”

“Tôi, thượng úy Nguyễn Xuân Toại, Đại đội trưởng Đại đội 3”

Thằng Hanh mắt nhắm nghiền, người run lên từng cơn, lảm nhảm: “Anh Toại, em xin lỗi, vết răng chó…”

Toại nói: “Biết rồi”. Anh chậm rãi đặt tổ hợp.

Toại tiến lại gần rồi ngồi xuống bên cạnh, úp bàn tay lên những ngón tay Hanh, quay sang nhìn Dũng, bảo: “Nếu đứa nào về được, để mắt tới thằng Phúc hộ anh nhé”.

Dũng khóc nấc lên thành tiếng. Gật đầu.

Toại đứng dậy, xách súng lao ra chiến hào.

Trên trời có tiếng o o như tiếng bay của đàn ong khổng lồ.

Tiếp đến xoẹt xoẹt như cả trăm cái liềm cùng gặt lúa một lúc. Mặt đất rung rinh chao đảo.

Trận địa pháo ở phía sau được lệnh bắn cấp tập. Những khẩu pháo thi nhau khạc lửa. Con thằn lằn quẫy đuôi, đàn kiến tung lên, rơi xuống.

Dũng tỉnh dậy thấy mình bị ném vào góc hầm. Người đau ê ẩm nhưng tay chân còn đủ. Cậu nhìn thấy ánh sao trên trời và cố bò ra cửa hầm.

Tay Dũng chạm phải mái tóc máu khô của Hanh. Nó còn thở. Hanh vẫn giữ chặt quả lựu đạn trên ngực. Dũng phải gỡ từng ngón tay cứng ngắc mới moi ra được.

Bên ngoài có tiếng động, tiếng bước chân nhẹ lẫn tiếng sột soạt của quần áo. Dũng mím môi, một tay nắm chặt quả lựu đạn, ngón trỏ tay kia móc vào chốt chờ đợi.

Bốn năm bóng người ào vào. Dự bị đã lên đến nơi. Cậu Y tá sờ mũi Hanh, rút xi lanh trong túi cứu thương, chích một liều moocphin giảm đau rồi tiêm trợ tim chống sốc.

Cánh vận tải đặt Hanh vào võng được buộc hai đầu vào đòn tre rồi khênh đi.

Bên ngoài chiến hào, xác địch đè lên xác ta lẫn lộn.

Đại đội trưởng Toại hi sinh trên đường bò về hầm.

Súng hết đạn, lưỡi lê gãy.

Máu giặc két lại ở chuôi, chảy cả xuống ốp tay cầm.

Lưng Toại bị một mảnh pháo chém vỡ toang, chân phải dập nát.

Toại nằm ngửa, đôi mắt  nhắm hờ, các búi cơ trên mặt giãn ra không còn chuyển động.

Bàn tay anh đặt lên bao xe đã mở được nắp, bên trong không có hộp tiếp đạn nào, chỉ có chiếc áo trẻ con.

4. Người lính cuối cùng lao ra khỏi chỗ nấp. Tiếng súng phát ra từ cặp loa vẫn dồn dập.

Anh ta ôm ngực rồi ngã xuống sân khấu. Còn chút sinh lực cuối cùng, người lính móc những viên sỏi trong túi cóc ba lô.

Đôi môi nứt nẻ của anh khẽ mấp máy. Đôi mắt từ từ khép lại. Tay vẫn nắm những viên sỏi đang đếm dở.

Tiếng súng nhỏ dần rồi tắt.

Người đàn ông đứng tuổi rền rĩ: “Dũng ơi. Sao mày không xin mư…a …a…a?”

Trên sân khấu, tay nhà văn đang trong tư thế tựa lưng vào đồng đội, nhìn người đàn ông đứng tuổi, đôi mắt ướt nhoẹt...

Người đàn ông đứng tuổi mắng: “Đồ…  dát chết! Mày vẫn không thể một lần làm như anh Toại được! Không dám mở mồm ra gọi pháo…”.

Vở diễn kết thúc. Phúc - Người mang quân hàm Thượng úy Hải quân ngây người như pho tượng.

Câu chuyện đang đưa anh về miền kí ức xa xôi, về làng Gạo bên bờ sông Miện, về buổi chia tay ở bến xe và dáng chạy như ma đuổi của bố anh ngày nào.
* * *

Nghĩa trang ngun ngút mộ lính. Những ngôi mộ trầm mặc bám vào triền đồi.

Đài tưởng niệm hình ba khẩu AK chụm lưng tuốt lê tạc thẳng lên trời.

Dũng “nhà văn” ôm bó hương nghi ngút khói. Làn khói trắng quyện với nắng mai chuyển sang biêng biếc xanh, run rẩy mãi không tan.

Hanh cầm chiếc camera đang bật lại những hình ảnh quay hôm vừa rồi, đi lại giữa các ngôi mộ, thì thào: “Chúng mày dậy mà xem, thằng Dũng trình diễn truyện viết về chúng mày này”.

Đáp lại lời Hanh là tiếng lá cây xào xạc.

Trại viết Văn nghệ Quân đội

Sapa tháng 5/2013
DD

ĐƠN ĐỘC GIỮA... NHÀ BÁO

Không thể bình nổi câu gì bởi tự thân những gì trong hình, đã nói lên tất cả. Chỉ thấy buồn về nghề...
Lời bình của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trên FB:

"Bị cáo (Hoa hậu) Minh Xuân ngồi ghế bi cáo trong phiên xử.
Trước mặt là những kẻ cầm máy ảnh đang được gọi là (nhà báo) chĩa ống kính vào cô, bấm, chĩa ống kính vào cô, bấm, chĩa ống kính vào cô, bấm.
Đến như khi cô ngoảnh cười với ai đó cũng chạy tít gọi là nụ cười bí ẩn.
Đến như cô khóc thì gọi là nước mắt muộn mằn.
Đến như các cô cúi mặt thì gọi là phút giây ân hận.
Chưa xong, lại kéo nhau ra chụp ảnh những người trong gia đình, chụp và phỏng vấn, toang toác , toen hoét, xoèn xoẹt suốt ngày hôm qua.
Nhiều phiên tòa khác công bố xử công khai nhưng xử kín, thì không có nhà báo nào lên tiếng phản đối tòa vi hiến.
Những gương mặt tham nhũng nhơng nhơng đấy, chỉ dám rón rén vạch mặt.
Những vụ việc dư luận khát thèm thông tin thì len lén len lén đợi lệnh trên đã mới dám đưa tin.
Một cô gái bé bỏng, rất sai trong hành vi sống, nhưng cái sai ấy không đáng, không và một ngàn lần không đáng để các nhà báo say mê gọi tên, gọi hình, bình phẩm ra như thế, lôi cả nhà người ta ra nữa...
Chữ ấy là chữ ác.
Chữ ấy không làm nên sự tốt đẹp.
Chữ ấy là chữ điếm.
Chắc chắn như vậy".

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG

Mai Thanh Hải - Đến Pleiku (Gia Lai) đúng mấy ngày mưa nên đến đâu cũng mịt mù sương mây và ướt lướt thướt, đúng chất "Phố núi cao phố núi đầy sương", chẳng thăm thú được chỗ này chỗ khác, mang tính chất cao nguyên.

Thấy mình thở dài thườn thượt, bác Văn Công Hùng mách: "Thôi thì ra công viên Đồng Xanh mà xem mấy cái thứ na ná Tây Nguyên" khiến mình à nhớ ra cái khu vui chơi tổng hợp nằm ở xã An Phú, cách Pleiku khoảng 10 km, trên đường xuống Quy Nhơn - Bình Định.

Công viên này của Cty Cổ phần Gia Lai CTC và được giới thiệu trên website rất hoành tráng, đại loại:

"Nguyên là khu đất cằn cỗi và là sân phơi Hợp tác xã An Phú, công viên được đầu tư xây dựng từ năm 1998 với diện tích 14 ha. Qua nhiều năm vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác kinh doanh, đến nay công viên là công trình mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc Tây Nguyên. Hàng năm tiếp đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Công viên gồm nhiều khu vực: khu văn hóa tâm linh, khu văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vườn thú mi ni, khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu dịch vụ ẩm thực nhà hàng tiệc cưới…"

Đặc biệt, việc giới thiệu rất nhấn mạnh đến: "Khu Văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà Rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ, tượng Vua Hùng cao 6m, nặng gần 3 tấn gỗ mít sơn son thiếp vàng, kiến trúc văn hóa Việt bố trí sắp đặt hài hòa được thực hiện bởi các nghệ nhân từ thủ đô Hà Nội. Trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi. Cạnh đó, chùa Một Cột -“Tây Thiên Nhất Trụ” được xây dựng theo đúng nguyên mẫu của Chùa Một Cột Hà Nội gợi nhớ về kiến trúc tâm linh thiêng liêng bậc nhất của Thủ đô. Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình; các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này"...

Mình lọ mọ mua vé 20.000 VND vào thăm Công viên Đồng Xanh vắng ngắt cũ kỹ xuống cấp và dĩ nhiên phải tìm đến Khu Văn hóa tâm linh để tìm đến Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu dưới đế chân tượng 18 Vua Hùng không có những tấm bảng chú thích rành mạch về tên, húy, số tuổi, số năm làm vua, số vợ con cháu chắt...

Mọi lời bình, xin dành cho người đọc.

Mình chỉ nói rằng: Việc đưa số liệu (dù mãi khi xem hết các chú thích, phải thật chú ý mới phát hiện tấm biển "Ghi chú" quay ngược phía sau như đánh đố du khách "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước bức tượng được trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản 2006") cho dù có trích từ nguồn nào, cũng nên giải thích cặn kẽ, kẻo sự đánh đồng huyền thoại sự tích và đời thực, không chỉ gây thắc mắc khó chịu mà còn tạo tác dụng ngược, rất phản cảm với không chỉ du khách nước ngoài, mà ngay với người Việt.

Người xem, khó có thể tin một người sống được vài trăm năm, thậm chí gần 1.000 năm, cho dù đó là vua cháu ngày xưa và cho dù những lời chú thích này được ghi rành mạch bằng tiếng Việt, trong công viên "chính thống", chứ không phải công viên nhà của những người... "khác người" tự lập lên.

Người xem không dám trách các nhân vật trong lịch sử bởi huyền thoại thì luôn là huyền thoại, sự nghiên cứu - sưu tầm có chăng cũng chỉ gói gọn lại trong cứ liệu lịch sử.

Và người xem, chỉ biết lắc đầu: "Lạy con cháu Vua Hùng", khi đọc những dòng ghi chú sưu tầm từ huyền thoại, được ghi rành mạch giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngay nơi đang phấn đấu "đến năm 2015 khi xây dựng hoàn chỉnh đây sẽ là một công viên hiện đại, hấp dẫn bậc nhất của khu vực", mà thôi..

Thờ phụng Vua Hùng là điều rất đáng làm, không thể phủ nhận được. Nhưng thờ phụng kèm những chú thích không cần thiết, gây sự hoài nghi - phản tác dụng như ở Công viên Đồng Xanh Gia Lai như thế này, thì có khi cả nước có duy nhất ở TP Pleiku, nên mình cũng đành: "Xin lạy con cháu Vua Hùng!"..
-----------------------------------------------------------------------