31 tháng 12, 2012

NGHE ĐÀI BÁO GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC


Mai Thanh Hải - Bản tin Thời tiết sau Thời sự VTV hôm nay, cứ nói đi nói lại chuyện trên đỉnh Mẫu Sơn, Phan Xi Păng có băng giá, khiến khách miền xuôi, vừa tò mò vừa tranh thủ 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, hùng hục chạy lên xem băng tuyết, đến lao cả xe vào nhau, bẹp dúm đầu.

Mình chắc: Khối người, nghe tin này, lại càng háo hức rủ nhau lên xem "băng giá trắng trời", lại lênh phênh chụp hình - quay phim khoe với nhau và cười phớ lớ khi được lên chơi cùng băng giá...

Và mình lại nhớ đến những gương mặt đau đớn đến cứng lại của đồng bào trong giá rét, khi ngồi thu lu bên đường, bán những cân thịt trâu thịt bò - "đầu cơ nghiệp" của mình bị chết rét, phải xẻ thịt mang bán cho khách vùn vụt qua đường, hòng kiếm lại từng đồng từng hào để mua gạo nuôi chính bản thân mình, gò lưng thay trâu kéo cày sau những ngày rét mướt, vào mùa vụ...

Mình nhớ lại những bản vùng cao biên giới mùa băng giá, cả gia đình - dòng họ túc trực 24/24 như trực chiến trong chuồng trâu, để đốt lửa, pha nước muối và thấp thỏm thở - ngừng cùng hơi thở của "đầu cơ nghiệp"...

Và mình ám ảnh, không thể quên nổi những gương mặt trẻ thơ tím tái xúm xít quanh đống lửa, để duy trì sự sống, trong nỗi bế tắc - chờ đợi đến kiệt quệ...

Và thấy buốt trong ngực, khi nghe giọng cô phát thanh viên đều đều: "Nhiệt độ ngày mai ở vùng núi phía Bắc hạ xuống còn - 3 độ C", như thể gió mùa Đông Bắc đang ào ạt tràn về, từ những gương mặt thiên thần tím tái trên biên cương...

Mọi sự ủng hộ vật chất cho trẻ em vùng cao - biên giới có đồ ấm, thực phẩm, đồ dùng học tập, xin theo dõi tại Chương trình https://www.facebook.com/AoAmBienCuong, cụ thể việc đóng góp - ủng hộ: Tại đây.

Hoặc Website: http://aoambiencuong.com/
*****

(Nguồn hình: http://xomnhiepanh.com/)

30 tháng 12, 2012

MANG MÙA XUÂN RA THỀM LỤC ĐỊA

Xuân đã cận kề, khi nhân dân cả nước còn đang tất bật chuẩn bị đón Xuân thì tại các nhà giàn DK1 không khí đón Xuân đã bắt đầu.

Mùa biển động, sóng gió luôn cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7 nhưng không ngăn được hành trình của đoàn Công tác của Vùng 2 Hải quân ra thăm, chuyển quà, chúc Tết của đất liền tới những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Những con tàu HQ ngược sóng, ngược gió mang mùa Xuân tới với những người con của Tổ quốc.

Tàu có lúc nghiêng ngả hai bên mạn tới 40 - 450, tốc độ đôi khi chỉ đạt 4 đến 5 km/giờ nhưng bằng tất cả tấm lòng, vượt qua chuyến hải hành hàng nghìn cây số đầy sóng gió, những mặt hàng, quà tết, nhu yếu phẩm, trang thiết bị vật chất - tinh thần, được cán bộ, chiến sĩ các tàu HQ chuyển đến đầy đủ, chu đáo cho các nhà giàn.

Có nhà giàn đoàn công tác được tay bắt mặt mừng chúc nhau những lời tốt đẹp đầu Xuân nhưng không ít những nhà giàn đoàn công tác đành phải chuyển hàng qua dây và chúc tết “qua loa” (qua máy thông tin từ trên tàu).

Trước ngày xuất phát của một số Đoàn Công tác ra thăm, chuyển quà, chúc Tết 2013 của đất liền với 15 nhà giàn DK, xin giới thiệu một số hình ảnh chuyển hàng, thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 dịp năm trước 2012 của tác giả Xuân Cường, đăng trên Trang CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ.
*****

VÌ BÌNH YÊN BẦU TRỜI

Tác phẩm đoạt giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi toàn quốc ảnh báo chí "Đất nước - Nhịp sống hôm nay" của tác giả Nguyễn Trung Trực. (Nguồn: CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ)

HÀ GIANG - CHÂN DUNG CUỘC SỐNG

4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, khối người kêu buồn và lại rủ nhau "phượt", theo kiểu "lên xem dân tộc", khiến mình chỉ còn cách lắc đầu.Ừ! Những ngày này, lại khối "con Kinh" hì hục chạy lên Tây Bắc chỉ trỏ, nhìm ngắm và hùng hục đuổi theo người già - trẻ con chụp hình, khiến người lớn thì ghét, trẻ con thì sợ.
Đến với đồng bào mà theo cái kiểu ấy, sao có thể sẻ chia - chung sức và ngồi với nhau, tìm hiểu nhau, đồng điệu cùng nhau được?.
Thế nên mình rất thích góc nhìn cuộc sống theo góc chân dung của những người bạn, đã gắn bó máu thịt - hơi thở cùng vùng cao, biên cương và những gương mặt đồng bào mình trên ấy, như bạn Loay hoay đây.

(Nguồn hình: Xóm Nhiếp ảnh)

28 tháng 12, 2012

ĐỒNG ĐỘI BIÊN PHÒNG


Mai Thanh Hải - Sáng 27/12/2012, Đại diện Chương trình Áo ấm Biên cương đã cùng đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã về gia đình Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa (công tác tại Đồn Biên phòng Cô Ba, Bảo Lạc, Cao Bằng) tại xã Nam Trung, Tiền Hải, Thái Bình thăm và trao quà ủng hộ gia đình chữa trị 2 con của Trung úy Nghĩa bị bệnh hiểm nghèo về máu.

Tại gia đình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Việt Nam, thay mặt toàn thể lực lượng đã trao số tiền giúp đỡ của BĐBP là 100 triệu đồng.

Đại tá Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cũng trao số tiền giúp đỡ của BCH BĐBP Cao Bằng cho Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa 20 triệu đồng.

Hoàn cảnh gia đình của Trung úy Nghĩa được Ban Điều hành Chương trình Áo ấm Biên cương phát hiện trong chuyến công tác lên Đồn Biên phòng Cô Ba.

Ngay trong ngày, tại Đồn Biên phòng Cô Ba, dưới sự chứng kiến của toàn bộ cán bộ chiến sĩ trong Đồn, Ban Điều hành đã trích Quỹ Áo ấm Biên cương giúp đỡ 5 triệu đồng và kêu gọi các thành viên trong Đoàn công tác ủng hộ 17 triệu đồng.

Đặc biệt, một số anh chị em Ban Điều hành là Phóng viên các Báo đài Trung ương và địa phương đã chuyển thông tin về hoàn cảnh khó khăn của Trung úy Nghĩa đến các đồng nghiệp, để phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân rộng sự chia sẻ - giúp đỡ cả ở trong và ngoài nước.

(Hình: Đại diện Chương trình Áo ấm Biên cương chụp ảnh lưu niệm với đại diện BĐBP Việt Nam, BĐBP Cao Bằng và gia đình Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa).
---------------------------------------
CHUYỆN GIA ĐÌNH MỘT NGƯỜI LÍNH


Tuổi trẻ - Phải mất hơn 10km đường rất xấu từ Đồn Biên phòng Cô Ba ra thị trấn Bảo Lạc, rồi đi hơn 100km từ thị trấn về thành phố Cao Bằng để chuyển tiếp một chuyến xe nữa về Thái Bình, trung úy Nguyễn Khả Nghĩa mới được gặp mặt hai đứa con trai bệnh tật của mình.

Chặng đường này rất quen với Nghĩa gần 10 năm nay, từ khi cậu con trai lớn của anh bị phát hiện mắc chứng bệnh máu không đông bẩm sinh Hemophilia, rồi đứa con trai thứ hai của anh ra đời cũng mắc bệnh giống anh trai.

Hậu phương không yên
Ngày 18-12-2012, chị Đào Thị Hường, giáo viên ở Tiền Hải, Thái Bình, vợ trung úy Nghĩa, lại dẫn hai con trai lên Viện Huyết học - truyền máu trung ương.

Mới đầu tháng, mẹ con chị vừa ở đây về.

Chứng bệnh máu không đông khiến chị phải giữ gìn bọn trẻ kiểu “nâng trứng, hứng hoa”: không để con đi bộ quá... 100m, nếu không cháu sẽ đau đớn; không để con đùa nghịch, bị ngã, bị trầy xước dù chỉ một vết nhỏ, nếu không cháu sẽ chảy máu không thể cầm.

Người phụ nữ này vừa đi dạy học, chăm sóc hai con, vừa lo mọi việc từ giỗ chạp, cưới hỏi, họ hàng, nội trợ trong nhà. Nhưng biết làm sao được, chồng chị, anh Nguyễn Khả Nghĩa là bộ đội biên phòng ở tận đồn Cô Ba, Cao Bằng, một năm được ưu tiên lắm chỉ về nhà vài lần phép.

Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, bệnh máu khó đông Hemophilia là bệnh lý làm cản trở quá trình đông máu bình thường. Bệnh xuất hiện tương đối hiếm, tỉ lệ khoảng 1/8.000 và thường thấy ở trẻ trai hơn là trẻ gái.
Bệnh lý này có liên quan đến các nhiễm sắc thể giới tính. Hemophilia là một rối loạn di truyền có liên quan đến nhiễm sắc thể X, có thể truyền từ mẹ sang cho con trai. Tỉ lệ trẻ trai bị di truyền Hemophilia từ mẹ có rối loạn này là 50%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai (Viện Huyết học - truyền máu trung ương), người đang điều trị cho hai cháu Trọng Anh và Nhật Khánh, kể từ đầu năm đến nay tháng nào hai bé cũng vào viện, trung bình ba ngày/đợt. Đầu năm rồi cháu nhỏ bị xuất huyết não rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Mai, hiện nay dù đã có đủ chế phẩm điều trị cho bệnh nhân Hemophilia, nhưng phải làm sao có thuốc ở nhà để khi các cháu bị chảy máu được tiêm ngay một mũi, rồi chuyển tiếp đến bệnh viện. Nếu không quá trình đi đường kéo dài nhiều giờ, các cháu sẽ rất đau đớn...

Mối tình đẹp giữa anh bộ đội Nghĩa và cô giáo Hường nảy nở sau khi họ gặp gỡ trên chuyến xe đi Cao Bằng năm 2000.

Hai năm sau, một đám cưới giản dị được tổ chức với phong cách nhà binh, khách mời có rất nhiều anh bộ đội quân hàm xanh.

Sau đó nữa là một cậu con trai, bé Nguyễn Khả Trọng Anh ra đời, hạnh phúc thật chả ai bằng dù lúc ấy cô giáo Hường mới ra trường lương chưa đến 500.000 đồng, cộng với lương của anh bộ đội mới qua hàng lính trơn, vợ chồng đưa nhau đi sinh con mà chỉ có vỏn vẹn 700.000 đồng trong túi.

Vậy mà bé ra đời hôm trước, hôm sau đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương tận Hà Nội vì mắc chứng bệnh máu không đông Hemophilia. Người có căn bệnh này phải gắn bó với bệnh viện suốt đời.

Từ Cao Bằng, Nghĩa quyết định chuyển vợ con về Thái Bình với ông bà ngoại, chỉ còn anh ở lại với đồn biên phòng. Một đứa con ốm đau, tháng nào cũng phải đi bệnh viện đã là quá sức với họ.

Năm 2008, sau nhiều đắn đo họ sinh thêm một đứa con là Nguyễn Khả Nhật Khánh, nhưng mới 6 tháng tuổi bé lại phát bệnh, cũng là chứng máu không đông Hemophilia.

“Cháu ra đời vợ chồng tôi chưa kịp ăn mừng đã phải đón nhận hung tin. Lương tôi mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, chồng là lính biên phòng không dám tiêu gì, gửi hết cho vợ khoảng 10 triệu nữa. Nếu con đi viện một tháng một lần thì tạm đủ, còn tháng nào đi viện hai lần là phải đi vay” - cô giáo Hường buồn bã tâm sự.

10 năm đau khổ

Mười năm nay hai vợ chồng trung úy Nghĩa lay lắt, quay quắt với việc lo cho hai con đi lọc máu hằng tháng. Sức khỏe, kinh tế, tinh thần gần như kiệt quệ thế nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, Nghĩa đã động viên vợ tiếp tục cuộc chiến giữ sự sống cho hai con trai.

Thời gian cứ trôi qua một cách vô tình, người mẹ tần tảo, mệt nhọc ngày này sang tháng khác bồng hai con trên quãng đường ngót trăm cây số từ Thái Bình về Hà Nội để duy trì sức khỏe cho các cháu.

Người bố ở xa chỉ biết dõi theo ba mẹ con qua sóng điện thoại với cõi lòng tan nát khi nghe tiếng rên rỉ đau đớn vì bệnh tật của các con mình.

Anh Bế Xuân Chiến, chính trị viên đồn biên phòng Cô Ba, sau khi về thăm nhà trung úy Nghĩa, đã không ngờ người đồng đội của mình lại khó khăn đến thế.

Anh Chiến kể: “Năm 2007, anh Nghĩa mới về công tác ở đội vận động quần chúng đồn Cô Ba. Trước đây anh ấy ở tỉnh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên... xin lên biên giới để được hưởng lương cao hơn một chút, đỡ đần thêm cho vợ con ở nhà. Nhưng mỗi lần anh ấy về quê, chúng tôi vẫn vận động anh em góp thêm chút gì đó giúp các cháu. Nhưng bây giờ gặp hai cháu rồi, mới thấy những gì đã góp cho gia đình Nghĩa quả là ít ỏi”.

Nhà báo Tạ Hoài Phương, phóng viên Đài PT-TH Cao Bằng, cho biết đồn Cô Ba là một trong những đồn biên phòng khó khăn nhất của huyện Bảo Lạc, mà Bảo Lạc là huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng.

Mùa này sương mù suốt ngày đêm, nước sạch rất thiếu nhưng có nước giặt quần áo thì phải hong lửa mới có thể khô được. Các anh bộ đội vẫn đang ở nhà tạm.

Hoài Phương nói: “Mới đây khi đến đồn Cô Ba, biết các con anh Nghĩa đang ở bệnh viện, chúng tôi đã gọi điện cho hai cháu rồi bật loa to cho cả đồn cùng nghe. Hôm ấy cả đồn đã ứa nước mắt cảm thương hoàn cảnh gia đình anh Nghĩa, chị Hường”.

LAN ANH

TRÊN NÀY LÚC NÀO CŨNG NHƯ MÙA ĐÔNG


Mai Thanh Hải - Hình ảnh do một cán bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) mới ghi lại được trong chuyến công tác lên xã vùng cao - đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng.

Mình lên Tà Xi Láng tầm 2004-2005, khi tỉnh Yên Bái huy động toàn bộ sức dân, thanh niên, bộ đội, công an trong tỉnh, tập trung đào núi mở đường, phá thế cô lập từ Văn Chấn và trung tâm xã.

Hồi ấy, mình và Mạnh Hùng, Văn Thành (Ban Thời sự, VTV) đi bộ mất cả ngày đường mới lóp ngóp chui vào được Trung tâm xã, chén được bát mì nấu với rau cải còn dính đất của bộ đội, xong ngã vật bên bếp lửa, trong nhà bạt dã chiến của bộ đội, ngủ phát đến sáng bạch, mới cà nhắc đi chụp ảnh - ghi hình - phỏng vấn.

Ký ức của mình về Tà Xi Láng hồi ấy đơn giản: Là một xã thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái , phía bắc giáp xã Bản Mù , phía Tây giáp huyện Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La), phía đông và nam giáp huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Dân cư ở đây 100% là người H' Mông, sinh sống bằng nghề làm nương và đi rừng hái củi , ngoài ra còn tham gia vận chuyển gỗ pơ mu lậu.

Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, bị chia cắt bởi vực sâu ,núi cao, vách đá dựng đứng... nên đường vào Tà Xi Láng cực kỳ khó khăn.

Trước đây chỉ có đường mòn dân sinh, nay đã được mở rộng khoảng 4-5m , nhưng sạt lở thường xuyên khiến con đường vào hay bị ách tắc, rất nhiều đoạn chỉ đi vừa bánh xe máy.

Độ dốc của con đường này cũng thật khó tưởng tượng: 15-20%.

Mới cách đây khoảng hơn 10 năm , Tà Xi Láng nổi tiếng là "Vựa Pơ mu" của miền tây Yên Bái. Đến nay gần như rừng Pơ mu đã bị xóa sổ , lác đác cũng chỉ còn sót lại dăm ba khoảng rừng trên tít non cao.

Cuộc sống của người H' Mông ở Tà Xi Láng còn rất khó khăn, 1-2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là điều vẫn xảy ra.

Do độ dốc lớn việc canh tác khó khăn, mùa màng lúc được lúc mất, dân trí rất thấp nên đa phần trẻ em ở Tà Xi Láng thất học , mặc dù có trường ngay tại trung tâm xã nhưng để vận động được người đi học không phải chuyện dễ...

Trong 16 xã thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thì Tà Xi Láng và Bản Mù là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn...

Vài năm không lên, thi thoảng đọc báo Đảng địa phương, hơi hơi hy vọng vào "sự đổi đời" của bà con trên ấy, bởi các bạn viết khéo và hay quá.

Hôm nay, nghe bạn cán bộ huyện gọi điện: "Bọn em muốn xin cho trẻ con trên này ít áo ấm và ủng cao su cho trẻ con, kẻo rét quá, chúng nó nghỉ học hết, trường lớp vắng tanh", mình ngạc nhiên: "Ơ!. Tưởng trường lớp xây kiên cố hết rồi cơ mà!".

Bạn cán bộ huyện cười buồn: "Gửi ảnh anh xem, kẻo lại bảo là nói ngược đồng nghiệp!" và ví von: "Ở ít trên này, 4 mùa đều như mùa đông!"...

Mình xót xa: Lạnh đến 2-3 độ C, đến trâu bò còn lăn ra chết, thì bọn trẻ con chân trần, phải hùng hục chạy đi chạy lại trong sân dày đặc sương mù cho ấm người, học thế quái nào được mà bảo "Các em học sinh mầm non và tiểu học, trung học cơ sở vượt qua quãng đường đất lầy lội bởi những cơn mưa sương, đôi chân còn lấm lem bùn đất, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dắt tay nhau đến lớp", hở người?..
---------------------------------------------------------------------------------------