3 tháng 8, 2013

GIÁO SƯ

Đàm Hà Phú -... Kính tặng Giáo Sư Lợi

Thực ra không ai biết lý do từ đâu họ gọi ông là Giáo Sư, chỉ một số người lớn trong hẻm biết, biết nhiều nhứt có lẽ là Tư Danh.

Nhưng cũng không mấy người muốn nói, đại khái cư dân trong hẻm biết rằng đó là một người đàn ông lịch lãm, trí tuệ và nghiện rượu.

Họ gọi ông là Giáo Sư vì nghe đâu trước đây ông có dạy học ở Đại Học Sài Gòn, gọi riết thành quen tên, Giáo Sư thành như tên của ông, đến nỗi cái quán nhậu không tên chỗ ông hay ngồi ở ngã ba của hẻm cũng dần dần bị gọi là quán Giáo Sư, hay ông xe ôm hay chở ông đi đây đi đó cũng bị gọi luôn là xe ôm Giáo Sư.

Trong hẻm, sau Tư Danh thì vợ chồng anh Tư Xe Ôm luôn được Giáo Sư tín cẩn nhứt.

Giáo Sư dáng cao ráo, có lẽ đã ngoài bảy mươi, mái tóc bạc lưa thưa nhưng luôn được chải nếp cẩn thận, trên túi áo ngực của ông luôn có một cây lược nhỏ, được gài chung với một cây bút pa ke chánh hiệu.

Trừ những lúc quanh quẩn trong nhà thì hầu như lúc nào ông xuất hiện cũng bảnh bao, dù chỉ là loanh quanh trong hẻm rồi đi uống rượu, quần khaki màu sáng, áo sơ mi trắng ngắn tay có áo lót phía trong, giày xăng đan có quai hậu.

Ông luôn đi đứng khoan thai, ánh mắt luôn toát lên nụ cười tươi, dù có tỉnh hay say thì cũng ít ai thấy ông không cười.

Ông nói giọng bắc, thứ giọng bắc năm tư đã pha trộn, người trong hẻm rất thích nghe ông nói chuyện, có người chỉ xin ông nói đi nói lại chữ “Xài Goòng”, nghe đã lỗ nhĩ gì đâu.

Nhìn bề ngoài ông khác hẳn với những người còn lại trong hẻm, nói chung nếu bất chợt nhìn lại một cách dò xét, ông như một mẫu người lưu cữu từ đầu thế thế kỷ 20.

Cư dân trong hẻm ai cũng mến Giáo Sư.

Ông thường xuất hiện từ 10 giờ sáng, đi một vòng hẻm, chào hỏi hết thảy mọi người, bất kể nam phụ lão ấu, ông luôn chào họ với kiểu chào cũng lịch lãm không kém, hơi cúi đầu và nghiêng mình kiểu một quí tộc châu âu thời trung cổ: "Chào cô Sáu, hôm nay khỏe hả cô Sáu, chào chị Hai, hôm nay khỏe hả chị Hai!"… tất nhiên cư dân trong hẻm không ai lại đi đối đáp với ông theo kiểu cách dị kỳ của ông, họ chỉ mỉm cười hoặc gật đầu, lễ phép hơn thì họ “Cảm ơn Giáo Sư!”, vậy thôi.

Ông ăn một dĩa cơm tấm hoặc một tô hủ tíu, đó là bữa sáng kiêm luôn bữa trưa của ông, rồi ông ra quán Tư Danh uống café.

Quán Tư Danh không có ghế nhựa, dù là quán bình dân nhưng bàn ghế mây, kiểu mây từ xưa cũ, đó là quán ông thích.

Khi Giáo Sư vào thì ông ngồi chỗ quen, con Lành phục vụ sẽ đem cho ông một ly café đen không đường, rồi nó vào mở một trong mấy cái đĩa nhạc ông thích.

Đôi khi Tư Danh ra ngồi với ông, ngôi thinh vậy thôi, không nói câu nào.

Bất luận trong hẻm ai ra hay vào quán Tư Danh, nếu có ông ở đó thì phải luôn chào ông.

Mỗi khi có người chào mình, Giáo Sư sẽ kéo ghế, đứng dậy, nghiêng mình đáp lễ.

Đôi khi ông ngủ trưa luôn trong quán café hoặc về nhà ngủ chút.

Buổi chiều xế là ông ra quán nhậu. Gu của ông cũng lạ, ông sẽ uống bia Sài Gòn, không đá, mỗi ly bia sẽ pha với một ly rượu nhỏ.

Ít khi ông ngồi một mình, thường thì anh Tư Xe Ôm sẽ ngồi với ông, hoặc luôn có một người khách nào đó, ở đâu đó, chạy xe máy hoặc đi xe ôm tới, ngồi uống cùng ông.

Đôi lúc trong cuộc rượu ông nói chuyện bằng tiếng Pháp, có lúc lại nói tiếng Anh, đa phần lúc say ông sẽ nói tiếng Pháp nhiều hơn.

Tùy bữa uống nhiều uống ít, nhưng ông thường về nhà tầm 9h tối.

Không bao giờ lè nhè hay chân nam đá chân xiêu như những kẻ say khác, Giáo Sư vẫn đi khoan thai, vẫn chào hỏi mọi người trước khi vào nhà.

Giáo Sư sống một mình, bà vợ ông đã mất mấy năm trước.

Giáo Sư có hai người con, một gái một trai, con trai ông sống ở Mỹ còn cô con gái sống ở Canada, họ đều ở chỗ rất lạnh.

Mỗi năm hai người con thường phân công về thăm ông ít nhất một lần, đem theo dâu rể và mấy đứa cháu ông.

Họ không gọi ông ba, cha hay tía, gọi ông là papa.

Họ ít giao du với cư dân trong hẻm, nhưng cũng như ông, họ rất lịch thiệp.

Đôi khi nói chuyện với ai đó, họ thường thanh minh rằng: "Papa không chịu qua bển với tụi này, papa sợ lạnh!".

Giáo Sư cũng hay đỡ lời cho con mình, ông nói: "Mấy đứa nó kêu tôi qua bên đó (À, ông là người hiếm hoi vẫn xưng “tôi”), nhưng tôi không đi, bển lạnh lắm, có lúc dưới dê rô luôn, tôi già rồi, chịu lạnh không được!".

Một lần, lúc uống rượu với Tư Xe Ôm, Giáo Sư mời vợ chồng Tư Xe Ôm về ở chung.

Vợ chồng anh Tư cũng dễ thương, anh Tư trước làm bốc xếp ở chợ đầu mối, rồi tham gia đánh nhau, bị đi tù hết mấy năm.

Ra tù thì mất nhà, nên vợ chồng thuê cái nhà trọ cuối hẻm, anh Tư chạy xe xôm còn chị vợ thì bán xe thuốc lá ngoài lộ.

Anh Tư có một đứa con trai, nhưng nó lấy vợ ở miệt Bạc Liêu, nhà vợ có nhiều công chuyện mà ít con trai nên thằng con anh bị bắt rể luôn ở dưới, lâu lâu nó đón xe về, cho anh anh chị tiền bạc, vài ký tôm cua, vậy thôi.

Mấy bữa sau đó thấy vợ chồng Tư Xe Ôm trả nhà trọ, qua nhà ở luôn với Giáo Sư.

Từ có chị Tư lo cơm nước, Giáo Sư không ăn ở ngoài nữa, nhưng rượu thì vẫn uống ở quán.

Mới đầu, khi biết nhà mình có anh chị Tư qua ở với papa, hai người con của Giáo Sư cũng vui, thậm chí ngỏ lời biết ơn anh chị Tư, đi về thể nào cũng quá cáp như ân nhân.

Nhưng một hôm, lúc Giáo Sư say rượu, ông nói rằng ông thật vui vì có anh chị Tư ở chung, rằng vài bữa ông chết sẽ cho lại cái nhà này cho anh chị Tư.

Từ sau câu nói đó, hai người con của Giáo Sư về thường hơn, những lúc anh chị Tư vắng nhà thì họ tranh cãi với Giáo Sư nhiều hơn, họ nói rất nhỏ, còn Giáo Sư thì thường hét lên giận dữ, nhưng cũng không ai biết họ nói chuyện gì, vì thường Giáo Sư sẽ nói bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp.

Đó là lần hiếm hoi họ thấy Giáo Sư nổi giận, dù hai người con luôn tỏ vẻ kính trọng, lễ phép với ông.

Sau đợt cãi nhau đó, cô con gái hầu như về ở hẳn với Giáo Sư , còn anh chị Tư lại dọn ra nhà trọ ở.

Cô con gái cấm hẳn ông uống rượu, nói cấm thì hơi quá nhưng cô hầu như chặn cửa không cho ông ra ngoài.

Thi thoảng lắm, lúc cô đi với bạn, ông tranh thủ ra quán chút, dù không được lịch sự như trước, chỉ với bộ đồ pi da ma và đôi dép, tranh thủ làm vài ly bia pha với rượu rồi về, cái dáng đi không còn khoan thai, mà lật đật trông tội nghiệp.

Cô con gái của ông thật cao tay, là cô đôi lúc cũng tự nhận mình như thế, cô ngăn được ông uống rượu là việc nhỏ, việc lớn hơn là cô thuyết phục ông sang tên lại ngôi nhà ông đang ở cho một người cậu, là em của mẹ cô, đang ở miệt Thủ Đức.

Giáo Sư biết việc này, ông buồn lắm, nhưng ông không nói gì, thuận theo luôn.

Rồi Giáo Sư bịnh.

Ông nằm viện gần một tháng ròng, khi về nhà thì ông ốm hơn trước rất nhiều, nhưng ánh mắt vẫn toát lên vẻ tươi cười như cũ.

Cô con gái phải quay về Canada sau một tháng vất vả chăm ông.

Người ta lại thấy ông như xưa, xuất hiện lúc 10h sáng, lịch lãm đến kỳ dị, và uống bia pha rượu với chú Tư vào buổi chiều.

Lịch lãm trở lại được hơn tuần lễ nữa thì Giáo Sư mất.

Chỉ có Tư Danh là biết, nhắn với Tư Danh trước, rồi bấm máy gọi cho con xong là ông đi.

Khi các con ông về, thì mọi người trong hẻm đang lo hậu sự cho ông chu đáo.

Khách tới viếng Giáo Sư đông vô kể, xe máy xe hơi đậu tràn hẻm.

Vợ chồng Tư Xe Ôm đeo tang trắng tiếp khách, như hai người con của ông.

Hôm đưa ông đi thiêu, cả hẻm đều đi, bọn thanh nên đi xe máy, còn người già đi hai chiếc xe bus lớn, rồng rắn đi tiễn ông.

Đến mấy ngày sau khi ông đi rồi, ở quán Tư Danh vẫn để ly café đen không đường ở chỗ cũ, ở quán Giáo Sư vẫn có một ly bia Sài Gòn, không đá, pha với một ly rượu nhỏ, cho ông.

Chừng hơn tháng sau khi Giáo Sư mất, Tư Danh kêu Tư Xe ôm qua nhà, đưa một bọc tiền.

Tư Danh nói: "Giáo Sư dặn là khi nào ổng chết mới đưa, đây là số tiền ổng để dành từ lúc con cái ổng gửi tiền về cho, có bao nhiêu ổng đưa tao giữ hết, không nhiều nhưng chắc đủ mua cái nhà, ở Gò Vấp hay đâu đó, cho vợ chồng bây có chỗ mà ở. Giáo Sư đã nói lời là giữ lời!".

Vợ chồng Tư Xe Ôm sụm xuống, khóc ồ ồ như con nít.
-----------------
* Hình ảnh cuộc sống và những gương mặt người dân Sài Gòn của tác giả Nhật Quang, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

MƯA BÃO, NGHE "BÀI CA THỊT CHÓ"


2 tháng 8, 2013

MẤY DÒNG THƯ TỪ "MÔI TÍM CHÂN TRẦN"

Ngày 01/8/2013

Gửi anh Mai Thanh Hải!.

Như bữa trước đã trao đổi với anh qua điện thoại, tôi muốn tặng "Áo ấm biên cương" một số CD của Album nhạc "Môi Tím Chân Trần", để các anh chị bán lấy tiền, giúp cho trẻ nghèo vùng biên giới phía Bắc.

Đến nay, công tác phối khí và thu âm cho album đã hoàn tất và tôi cũng đã lấy được giấy phép xuất bản.

Đĩa hát sẽ được phát hành trong tháng 8/2013 nhưng không bán ra ngoài.

Việc phát hành hoàn toàn dựa vào mạng lưới Tình nguyện viên Cơm Có Thịt, Ban Liên lạc Cựu Sinh viên KGU (Cộng hòa Moldova, Liên Xô cũ), Ban Liên lạc Cựu Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và Áo ấm biên cương.

Toàn bộ tiền bán đĩa được dành tặng trẻ nghèo vùng biên giới phía Bắc, thông qua các nhóm từ thiện nói trên.

Bữa trước qua điện thoại, anh nói đã phân công cho một người nào đó làm việc với tôi về Dự án này.

Tôi vẫn đợi nhưng không thấy ai liên lạc lại. Nhận được email này, rất mong anh trả lời ngay.

Thân mến!.

Trần Bắc Hải
--------------------------------------------

Anh/Chị kính mến!.

Xin Anh/Chị hãy bỏ ra 5 phút xem videoclip “Môi tím chân trần”đính kèm.

Miền biên cương nước ta có rất nhiều em bé quần áo chưa đủ ấm, cơm chưa đủ no.

Tôi xin phép đưa đến Anh/Chị những hình ảnh có thực, ghi nhận bởi các chương trình “Áo ấm biên cương” (tác giả Mai Thanh Hải), “Cơm có thịt” (tác giả Trần Đăng Tuấn) và một số tác giả khác, qua ca khúc “Môi tím chân trần”.

Trình độ tự biên, tự diễn chỉ có vậy, nhưng tôi rất mong được sự đồng cảm của Anh/Chị.

Ca khúc “Môi tím chân trần” sau khi được phối khí, thu âm chuyên nghiệp sẽ mở đầu cho đĩa nhạc “Môi tím chân trần” (MTCT), tác giả Trần Bắc Hải, dự kiến được xuất bản vào cuối năm 2013.

Toàn bộ số tiền “bán” đĩa hát MTCT cùng các đóng góp kèm theo sẽ dành tặng cho các em bé nghèo vùng cao.

Công việc phát hành Album MTCT đang được chuẩn bị.

NS Quỳnh Hợp, Biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM  là cố vấn chuyên môn âm nhạc cho MTCT, nhận trách nhiêm xin giấy phép xuất bản và điều phối các hoạt đông thu âm (bao gồm cả hòa âm, phối khí, chọn mời ca sĩ, recording, mixing...).

Đĩa nhạc do DIHAVINA xuất bản, sẽ in rõ thông tin là sản phẩm phi thương mại.

Đại diện cho Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ cho biết: Một số giảng viên trẻ của trường sẽ hát ủng hộ 2 bài cho MTCT.

Các bạn bè thân thiết có giọng ca như chuyên nghiệp có thể đăng kí tham gia thu âm nếu các anh/chị có khả năng và thời gian.

MTCT đã được một họa sĩ không chuyên nghiệp 14 tuổi  nhận lời đóng góp bằng việc sáng tác tranh bìa cho album.

Videoclip mà các bạn vừa xem là do một Kiến trúc sư đang làm việc tại TP.HCM giúp thực hiện.

MTCT dự kiến gồm 13 ca khúc.

Một số bạn hữu đã góp hoặc nhận lời góp chi phí thu âm cho 4 ca khúc.

Tác giả đã tự chi phí thu âm 3 ca khúc. Rất mong các mạnh thường quân tài trợ cho một hoăc nhiều bài trong 6 bài còn thiếu kinh phí thu âm, chi phí khoảng 5 triệu đồng/bài. Anh Nguyễn Thế Thịnh, cựu SV KGU và cựu HS NVT, nhận lời làm quản trị tài chính sẽ tiếp nhận tiền tài trợ về tài khoản 2020103718005 MB – CN Bắc Sài Gòn HCM và chuyển tiền cho cho nhà sản xuất.

Xin Anh/Chị ghi rõ tên và số điện thoại để chủ TK phản hồi khi nhận được tiền và công bố kết quả trên mạng  khi kết thúc đợt ủng hộ tiền cho phát hành đĩa CD.

Số tiền đóng góp cho việc sản xuất đĩa nếu còn dư cũng sẽ gộp vào cùng tiền bán đĩa và các đóng góp khác để gửi cho các bé vùng cao.

Tôi hy vọng gửi gắm toàn bộ việc bán đĩa nhạc cho các chương trình “Áo ấm biên cương”và “Cơm có thịt”, các Ban Liên lạc Hội Cựu sinh viên KGU, Hội Cựu học sinh Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi.

Rất mong sự ủng hộ của Anh, Chị.
Xin chân thành cảm ơn!..

Trần Bắc Hải

1 tháng 8, 2013

"BÀ THẢM SÁT"...

Thu Hồng - Nếu mình là bà, người đứng đầu cái ngành làm chết 20 đứa trẻ vì một chủng loại thuốc, thì việc đầu tiên mình làm là bỏ tiền ra, mời các chuyên gia hàng đầu, các tổ chức Y tế hàng đầu, thậm chí cả các hãng Dược liên quan hàng đầu thế giới, vào nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân của việc thảm sát hàng loạt kia, đến từ đâu. 

Không tìm ra nguyên nhân chính xác, thì mọi  biện pháp xử lí, y học hay hành chính, đều vô nghĩa. Bởi, cái chết sẽ còn tiếp diễn.

Một bạn trên facebook của mình, lập luận rằng việc thân nhân phải cùng chịu trách nhiệm trong việc chích thuốc ngừa cho các bé, tương tự như cam kết phẫu thuật khác, là hợp lí và tình.

Bạn đã sai về cơ bản. Việc phẫu thuật là thao tác bị động (chữa những cái đã rồi) của khoa học.

Phàm bị động không thể tránh được những rủi ro, thế nên ngành Y cần sự cảm thông của thân nhân bằng một tờ giấy chia sẻ trách nhiệm trước những rủi ro ấy.

Chích ngừa là hành động chủ động, trang bị thêm cho một sinh linh vừa bước vào đời ít vốn liếng để tồn tại khoẻ mạnh.

Khi đã chủ động gần như tuyệt đối đến thế, mà ngành Y lại "bán cái" trách nhiệm ấy cho thân nhân, kinh dị hơn, lái dư luận chuyển sang gam màu hình sự khi "bán cái" tiếp cho Công an, là hành động phi nhân tính, ngu xuẩn không cách  gi tha thứ.

Việc thứ hai, nếu mình là bà, mình sẽ tổ chức họp báo ngay lập tức sau tai nạn xảy ra, trước  xin lỗi gia đình nạn nhân và nhân dân, sau  trấn an dư luận bằng những chứng cứ khoa học về sự an toàn của vaccine, khuyến cáo cha mẹ vẫn  rất nên tiếp tục cho bé chủng ngừa, nhân danh một Bộ trưởng -một bác sĩ.

Dĩ nhiên, bà  không làm thế.

Bà giao cho  cơ quan chức năng đi tìm, lỗi ai nấy chịu.

Sòng phẳng một cách lạnh lùng, trước sinh mạng con người.

Không trân quý con người,  thì đúng là bà chỉ xứng đáng làm Bộ trưởng (riêng) xứ ta mà thôi.

Chứ  người thường, chẳng ai làm thế!..
-------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Nhân xưng trong bài viết, cũng được biên tập lại, cho phù hợp với trang MTH, thành thật xin lỗi tác giả Thu Hồng - Beo.
* Hình ảnh có tính minh họa trong bài viết, đã được đăng tải trên các PTTTĐC.

5 NĂM SÁP NHẬP HÀ TÂY VÀO HÀ NỘI: TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC?..


Nguồn hình: OF

31 tháng 7, 2013

XIN ÍT THÔI, CHỈ CÁI BÁT, TẤM KHĂN, CA NHỰA...

AABC - Cô giáo Ngọc, Hiệu trưởng Mầm non xã vùng cao biên giới chót vót Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) làm việc với mình và anh em Biên phòng Đồn Biên phòng 289 - Sì Lờ Lầu, cung cấp danh sách học sinh, cụ thể ở 10 điểm bản xa thăm thẳm của 2 xã Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải, đúng 450 đứa lít nhít từ 3 - 5 tuổi, toàn người Dao đỏ, Hà Nhì và người Mông...

Mãi khi về tới Hà Nội rồi, Ngọc mới gửi email cho mình, nội dung:

"Hôm rồi, em ngại quá, không dám xin thêm và cũng định xin chỗ khác, nhưng không được, nên mới gửi thư thế này. Nếu có thể được, AABC xin thêm cho các cháu học sinh trường Mầm non chúng em mỗi cháu 01 cái khăn mặt, 01 cái ca nhựa để uống nước , 01 cái bát con để ăn cơm. Em cám ơn anh và các anh chị AABC"...

Và mình lại xin ít bát con ăn cơm, khăn bông rửa mặt và cốc nhựa uống nước, cho 450 lít nhít Mầm non từ 2-5 tuổi, toàn xã Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), đúng địa đầu vùng cao biên giới, giáp với mấy bản Trung Quốc nhìn được bằng mắt thường, toàn đủ đầy - béo tốt...

Mọi sự ủng hộ, xin xem: Tại đây

BỘ TRƯỞNG THĂM DÂN

Đào Tuấn - Một tờ báo đã đặt câu hỏi “Vì sao” cho chuyến thăm “con Chủ tịch đảo Trường Sa” của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Dường như ngay trong câu hỏi đã có câu trả lời.

Vì bệnh nhân Nguyễn Viết Khuê, đang chuẩn bị mổ tại bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM, chứ không phải ở Trường Sa, là con của môt người cha đang công tác ngoài đảo.

Xin bạn đọc đừng để ý tới chức danh Chủ tịch huyện đảo của người cha, ông Nguyễn Viết Thuân - Phó Lữ đoàn trưởng Đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đồng thời là Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa.

Vì điều đó bất nhẫn với một người lính mà gia cảnh thật đáng xót xa.

Và vì điều đó còn không công bằng cả với chuyến thăm của Bộ trưởng Tiến nữa.

Bà đi thăm đứa con 18 tuổi vừa hoàn thành kỳ thi đại học, đang mắc bệnh hiểm nghèo của một người lính đảo có vợ bị ung thư. Thế thôi.

Có người sẽ ước giá như không có “sự cố Hướng Hóa” khi Bộ trưởng đã không đến thăm gia đình những cháu bé đã chết sau khi tiêm vaccine, dù có mặt ở Quảng Trị, dù cách Hướng Hóa chỉ một giờ xe chạy.

Có người sẽ bình luận đây là một sự sửa sai mang tính chất “đánh bóng tên tuổi”.

Có người sẽ đặt câu hỏi vào những “hành động quyết liệt” và những phát ngôn chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn tập trung các thiết bị hiện đại nhất trong khả năng có thể, để khám và điều trị miễn phí toàn bộ cho trường hợp đặc biệt này.

Nhưng ngay cả như thế, thì chuyến viếng thăm của Bộ trưởng xứng đáng nhận được những tràng pháo tay.

Bởi đó không chỉ còn đơn thuần là việc một vị Bộ trưởng Y tế tới thăm bệnh nhân mà lớn hơn, còn là sự quan tâm của những người sống trong đất liền với những người lính ngoài đảo.

Còn nhớ sau “sự cố Hướng Hóa”, một quan chức từ Văn phòng Quốc hội đã khẳng định “Bộ trưởng nên đến thăm và chia sẻ với các gia đình có các cháu bé bị tử vong” như một việc “chính khách bắt buộc phải làm”.

Tất nhiên, không có một tiêu chuẩn giấy trắng mực đen, không có một quy phạm về tiêu chuẩn buộc các chính khách phải thăm viếng từng trường hợp người dân.

Một chính khách cũng khó có thể quan tâm đến cuộc sống và số phận của từng người dân bằng từng chuyến viếng thăm.

Nhưng bản thân trong dư luận, trong phạm trù “đạo đức xã hội”, ở bất cứ đâu, đã đặt ra sẵn những quy phạm ứng xử bất thành văn về những điều mà một chính khách, một Bộ trưởng phải làm hoặc không được làm.

Cũng còn bởi trong bản thân hai từ chính khách, hay chính trị gia, đã hàm chứa trong đó chữ công, ngay trong công việc chính của một chính khách là gây ảnh hưởng đến số đông bằng các chính sách.

Liệu có chữ công nào có thể tách rời số phận của những người dân?.

Liệu một chính khách có thể đảm bảo một chữ công công bằng trong khi, vì một lý do rất không thuyết phục: “lịch trình đã kín” chẳng hạn, có thể thiếu nhạy cảm trong việc nên, hay cần, quan tâm riêng đến từng trường hợp.

“Tôi thiên về ý chị Tiến là một nhà kỹ trị nhiều hơn. Nếu không chị ấy đã đến thăm ngay các gia đình và tận dụng cơ hội để xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng”- Phó Chủ nhiệm VPQH, TS Nguyễn Sĩ Dũng bình luận.

“Trường hợp Bộ trưởng đang có mặt trên địa bàn mà không quan tâm đến công việc được cho là liên quan đến tâm của một người lãnh đạo thì tôi cho đó là điều đáng tiếc”- Nguyên Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Quốc Thuận cũng đã lên tiếng.

Có thể, không nhiều người dân hiểu kỹ trị, kỷ trị (pháp trị) hay nhân trị là gì.

Nhưng họ đủ cảm xúc và lý trí để vỗ tay tán dương hay lắc đầu bức xúc trước cách ứng xử của một chính khách.

Không phải ở đâu có vụ việc xảy ra thì nhất thiết Bộ trưởng phải đến nơi đó.

Và cảm xúc nhất thời của dân chúng, của dư luận về việc đến hay không đến của Bộ trưởng cũng sẽ qua đi rất nhanh, dù điều đó sẽ tạo thành ấn tượng.

Điều còn lại, để người dân, để dư luận nhìn nhận về một vị Bộ trưởng, một chính khách của mình là những ấn tượng nhiều khi sẽ không bao giờ phai trước những chính sách công mà các chính khách đã, đang và sẽ áp dụng với dân chúng.

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Quốc Thuận đã đúng khi cho rằng: Hiện tượng nhiều người phản ứng trước hành động không đến thăm gia đình 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin của Bộ trưởng Tiến mới đây chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Câu hỏi vì sao thì ngay bản thân Bộ trưởng cũng có thể trả lời được, nhưng tất nhiên, không phải trả lời chỉ bằng những chuyến thăm viếng...
-----------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh các Bộ trưởng khác, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

29 tháng 7, 2013

CỜ ĐÈN KÈN TRỐNG

TTO - Mấy ngày qua, cư dân mạng “dậy sóng” về sự kiện Thành đoàn Hà Nội huy động tới 1.000 thanh niên tình nguyện chỉ để thi công một đoạn đường giao thông nông thôn... 700m.

Nhiều ý kiến cho là cách làm phô trương, hình thức, không hiệu quả.

Sự việc diễn ra vào sáng 13/7/2013 tại địa bàn xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Quy cách đoạn “đường thanh niên” dài 700m, rộng 5m, tổng giá trị công trình 1,5 tỉ đồng.

Trong Lễ Khởi công, Ban Tổ chức cho biết dự kiến đoạn đường được hoàn thành trong ba ngày (13 đến 15-7).

Theo Thành đoàn Hà Nội, lực lượng huy động gồm thanh niên tình nguyện và các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Công việc chủ yếu của lực lượng tình nguyện là xúc cát, sỏi, ximăng đổ vào máy trộn, sau đó chuyển bêtông đã trộn đến điểm để san phẳng tráng bề mặt.

Trước đó chủ đầu tư (UBND huyện Thạch Thất) đã hoàn thiện các công đoạn quan trọng với khối lượng công việc khá lớn gồm thi công cốt đường (nền) và hệ thống thoát nước.

Công trình có chi phí đầu tư 3 tỉ đồng.

Với đoạn đường ngắn như vậy, nên 1.000 người chen nhau ken đặc.

Ông Chu Văn Bảy - chủ tịch UBND xã Phùng Xá - phân trần: “Ở đây là vấn đề tinh thần”.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thiết Cương (Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, là khách mời trực tiếp dự lễ khởi công công trình này) cho rằng lượng người tại công trường vào thời điểm thi công đông quá mức cần thiết.

“Nặng về phong trào, bố trí lực lượng đông như thế thì giẫm đạp vào nhau làm sao được? Như thế tính hiệu quả không cao” - Ông Cương nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngà (Bí thư Thành đoàn Hà Nội) giải thích: “Có thể giá trị ngày công lao động không phải là quá lớn nhưng thể hiện tinh thần của người trẻ với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thành đoàn muốn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ”.

Về số lượng 1.000 người tham gia công trình, bà Ngà lý giải hôm đó không chỉ tham gia thi công tại công trình mà còn kết hợp ra quân 9 đội hình về xây dựng nông thôn mới, dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Phùng Xá, do vậy ban tổ chức mới huy động cùng lúc đông đảo như vậy.

Theo bà Ngà, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức họp ban chỉ đạo liên quan tới chỉ huy công trường để rút kinh nghiệm các nội dung cho những công việc về sau, ngoài ra Thành đoàn Hà Nội cũng lưu ý những hạn chế cho các hoạt động xung kích khác của giới trẻ thủ đô.

LÂM HOÀI

* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải của TTO

28 tháng 7, 2013

SAO BIÊN GIỚI: TRANG THÔNG TIN VỀ LIỆT SĨ BẢO VỆ BIÊN GIỚI


* Người ta bảo: Những người ngã xuống vì sự nghiệp chung - vì đồng bào - vì đất nước, khi siêu thoát, linh hồn sẽ biến thành những ngôi sao đan trên vòm trời; những người ngã xuống trên cương vực bờ cõi, để giữ gìn đất đai tiên tổ, sẽ hóa thành những ngôi sao, sáng dằng dặc màu xanh...

* Những tháng năm được sống, được đi đến những vùng biên giới phía Bắc, đến đâu cũng nghe những câu chuyện, kể về bao người trẻ đã ngã xuống, khi còn trong trắng, để bảo vệ từng cột mốc - góc rừng - thửa ruộng - bờ suối vẹn toàn, không rơi vào tay quân bành trướng xâm lược và sự hy sinh của các anh chị, đã trở thành huyền thoại cho xanh rừng, âm vang suối, trắng muốt màu mây, cương nghị màu đá núi, cho linh thiêng gấm vóc địa đầu...

* Những tháng ngày được biết, đã thấm thía nỗi đau của những người cha, người mẹ, người vợ, người chị, người em, khi mà dưới đồng bằng - thành phố rõ ràng thời bình, nhưng chỉ ngược lên trên biên giới vài chục km, đã là pháo rơi mìn nổ, là điểm chốt tiền tiêu và cái chết, cứ hàng đêm lại lặng lẽ bám theo xe tải chở chồng - con - anh - em xuôi về hậu cứ, khập khễnh niềm đau trong sự vô tình quên lãng, kéo dài đến vài chục năm...

* Một trang Web như bao trang Web bình thường khác trên xa lộ thông tin internet, nhưng xanh biếc màu cây lá biên cương và nhấp nháy những tia xanh, như những ngôi sao xanh trên vòm trời đêm hè, nhìn từ 1 góc rừng, bờ suối...

* Trang Web ra đời, từ tâm trạng xót xa khi đến nhiều Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) nằm ở những khu vực núi rừng biên giới, xa quá nên hình như ít sự chăm chút, khiến có những ngôi mộ chôn cất những người lính hy sinh từ thời điểm 1978-1979 đến nay lạnh vắng, trùm cỏ cây, rêu phong trầm mạc và cô quạnh đến nao lòng...

* Trang Web ra đời, với mong ước rất đơn giản: Những ngôi mộ có thể bào mòn nét chữ, cỏ cây trùm phủ, nhưng tên tuổi những người đã ngã xuống, trong sự nghiệp bảo vệ - giữ gìn biên giới thì sẽ còn lưu danh mãi, không chỉ trong ký ức nhân dân - đồng đội, mà còn trên cả xa lộ internet vốn mênh mông.

Trang Web có tên SAO BIÊN GIỚI, với tên miền cụ thể: http://saobiengioi.vn là nơi lưu trữ - tập hợp và thu nhận mọi dữ liệu (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, ngày tháng năm hy sinh, nơi hy sinh, hoàn cảnh hy sinh, nơi an nghỉ) của những người đã ngã xuống, trong khi bảo vệ biên giới (đặc biệt là biên giới phía Bắc) và với những công cụ tìm kiếm hiện đại nhưng tiện dụng, có thể tra cứu thông tin - thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống...

* Do mới triển khai xây dựng, trong điều kiện gấp gáp và việc xây dựng thiết kế, trên tinh thần tình nguyện - phi lợi nhuận, nên dữ liệu vẫn còn sơ sài, mong được sự giúp đỡ - ủng hộ về thông tin NTLS, các phần mộ, hoàn cảnh hy sinh của các Liệt sĩ, từ mọi tổ chức - cá nhân.

Xin nhận được mọi sự góp ý, chỉ bảo chân tình để hoạt động của trang được tốt hơn.

Đặc biệt, rất mong sự cộng tác của các cô chú, anh chị và các bạn trong việc cung cấp tư liệu - thông tin - hình ảnh về các NTLS khác, đang nằm ở các thôn bản, xã huyện, tỉnh thành khu vực biên giới phía Bắc, để đăng trên trang, nhằm giúp thân nhân các Liệt sĩ nhận biết phần mộ người thân.

Cũng như việc đăng tải các yêu cầu tìm mộ Liệt sĩ, các câu chuyện về những Anh hùng Liệt sĩ khi còn sống, chiến đấu và hy sinh...

* Chân thành cảm ơn các anh chị và các bạn, đã động viên - giúp đỡ để có trang Thông tin tư liệu này và chúng tôi mong Sao biên giới là hành động đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhất, nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2013.

Xin truy cập: http://saobiengioi.vn

Hoặc liên hệ: Mai Thanh Hải; ĐT: 0989066681-091750050; email: thanhhai2006@gmail.com

MIỀN TÂY KHÔNG CÓ GÌ LẠ

Nguyễn Ngọc Tư - Rượu đến độ hăng, cuộc nhậu cũng đủ lâu, hai nhà cùng xóm rủ rê đổi vợ chồng cho… mới, chung đụng cũ xèo hoài chán thấy mồ.

Những người chứng kiến tưởng vì rượu nói chơi cho vui, nhưng sáng hôm sau hai bà vợ tỉnh bơ xách gói chuyển sang nhà của nhau sống với chiếu giường mới mẻ.

Họ nói hết tháng ai lại về chỗ nấy, có sao đâu.

Người kể chuyện nhẩm đếm bữa nay nữa là mười ba ngày họ đổi ngôi, chị nhớ vì buổi nhậu ấy ngay dịp đám giỗ má chồng mình...

Mấy câu chuyện kỳ khôi bạt mạng kiểu vậy vẫn thường lửng lơ trên những chuyến xe bus ngược xuôi liên huyện.

Chỉ mấy bà già là còn kêu: Quỷ thần ơi, vợ chồng với nhau đâu phải cái áo?.

Nỗi mệt đường dài bay biến, thay vào đó là hoang mang, tự hỏi: Những gì xảy ra dưới gầm trời này ta biết được bao nhiêu, những giá trị đạo đức đang sấp ngửa đến độ nào...

Hồi đầu tôi thường phản ứng bằng ý nghĩ thiên hạ đồn thổi chơi thôi, chắc gì thiệt.

Giờ thì ngờ ngợ, biết đâu đó. Miền Tây chẳng gì là không thể.

Người ta vẫn kể chuyện năm ông nhậu xỉn kích nhau bơi qua sông, hai trong số ấy mãi mãi không lên bờ nữa.

Chuyện thằng nhỏ đi ở đợ, bị chủ hành hạ bằng những nhục hình thời trung cổ.

Chuyện hồn cô Ba xác chú Chín chữa ung thư bằng vuốt ve.

Chuyện cả một ấp xóm mấy chục nóc gia nhưng người học cao nhất chỉ đến nửa chừng lớp Bốn.

Chuyện lúa rớt giá cả vùng rủ nhau trồng mía, mùa sau mía chẳng ai mua họ chất thành đống đốt cho khói lên trời.

Chuyện những cô gái lấy chồng ngay sau cuộc gặp chú rễ một ngày, gọi tên nhau còn trật lất...

Có sao đâu, dân miền tây chịu chơi mà. Ai quan tâm lằn ranh của chịu chơi và liều mạng.

Bạn có lần dỗ dành, nói viễn tây nước Mỹ, miền tây nước Pháp cũng là xứ chịu chơi đó chớ, “Mà dân miền tây cá gô gột gẹt của em có máu lưu xứ giang hồ trong người, sẵn sàng bỏ xứ sở đất đai, đền đài để ra đi tìm đất mới, may mà biển kìm chân chứ không thì chẳng biết họ dừng lại ở đâu”.

Ờ!. Chắc nhờ chịu chơi nên mới có miền đồng bằng trù phú bây giờ, cú đốt tiền nịnh gái của công tử Bạc Liêu mới đi vào kinh điển, dân sông nước mới từ bỏ cái Koler tịch tang cải tiến máy xe chạy võ lãi xé gió lở bờ.

Cái hiếu khách, phóng khoáng cũng từ chịu chơi.

Ghé một nhà bất kỳ, cuộc nhậu lập tức bày ra, sau ba ly rượu xình xang ta sẽ biết có bao nhiêu lúa trong bồ, thêm ba ly nữa biết có bao nhiêu vàng dưới đáy tủ.

Phơ bày, dù mới gặp lần đầu.

Và vì chịu chơi nên đi đâu tôi cũng nghe giọng con gái xứ mình.

Cả cái day dứt của tôi hồi mười năm trước khi nghe tiếng tiếp viên trong quán tối, giờ cũng phai màu.

Có gì lạ đâu, nổi trôi bất tận.

Dường như không gì khiến người xứ này day dứt lâu.

Mấy cô dâu Việt bỏ mạng bởi bạo hành ở xứ người chẳng ngăn nổi tụi con gái ùn ùn xếp hàng chờ đàn ông ngoại quốc săm soi coi mắt.

Những cái chết chẳng gây xáo động là bao, ngoài cái tặc lưỡi ơ hờ, “chậc, sống chết có số hết, đâu phải cô dâu nào cũng giống cô dâu nào. Có sao đâu”.

Viết báo cứ phân vân không biết gọi sao cho chính xác, vô cảm hay bất chấp, hết mình hay sống không có gì để mất.

Nói là “bán mua” cứ sợ quá lời, khi người con gái mà ta mỉa mai là món hàng lại háo hức, rạng rỡ như thể đã lấy đúng người mình yêu.

Mỗi lần nhìn những con người lem luốc, quê mùa lơ ngơ trên bến xe miền Tây, rõ ràng là chỗ ấy đất bằng gió bụi nhưng như nhìn thấy họ đi cầu khỉ.

Chênh vênh chới với trên thân cây nhỏ giữa dòng.

Tâm thế qua cầu khỉ là cứ đi đã, đến bờ bên kia được hay không, có rơi xuống sông không, tính sau.

Như những đứa nhỏ phải bỏ học vì không có tiền đi đò, chẳng ai nghĩ đó là một cú đóng sập cửa của mặt trời chi cho ghê gớm.

Không học nữa thì đi mót lúa, cắm câu.

Có sao đâu.

Xứ này ưa nói “mút mùa lệ thủy”, “quăng nguyên con”, “chơi tới sáng” nên cũng có những cụm từ tự an ủi lúc thương đau : “có sao đâu”, “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”.

Dân gian miền Tây ít hoặc không xài “thảng thốt”.

Kể cả một bữa ta nghe tin thằng bạn dưới quê đang nằm viện ở Sài Gòn, vì biến chứng sau vụ tự bơm silicon vào cúc cu cho hoành tráng.

Mắc cười, nhưng không kinh ngạc.

Ta nhớ thằng đó hồi nhỏ cũng hụt chết một lần vì nuốt trộng con cóc sống, chỉ để chứng tỏ anh hùng.

Nhưng đêm nằm ngẫm nghĩ, cái dửng dưng kiểu này, là bởi ta vô cảm hay do miền Tây vốn chẳng có chuyện lạ nào.
-----------------------------
* Hình ảnh minh họa về đời sống xã hội các tỉnh phía Nam, giai đoạn 1975-1995 đã được đăng tải trên trang Corbi.