17 tháng 8, 2012

LỜI CẦU XIN CỦA CON MỘT NGƯỜI LÍNH

Cay xè mắt khi đọc những dòng quặn đau của con một người lính (cháu Võ Thị Thanh Thúy, sinh ngày 24/2/1990, hiện đang là sinh viên năm thứ 4, Đại học Đà Nẵng), nức nở kể và cầu xin đồng bào cứu Ba mình.

Đó là Cựu Thiếu úy Võ Duy Ngân, Sĩ quan QĐNDVN đã từng làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Cam Pu Chia (hiện đang ở Đội 10, thôn3, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Vẫn biết là trên đời này, còn nhiều rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng cùng quẫn như trường hợp người Cựu Chiến binh này, thì mình rất ít gặp.

Không hiểu đã có lý do gì khiến người Cựu Chiến binh "không có chế độ" sau thời gian phục vụ trong Quân đội, tham gia chiến đấu, đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba - Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang Hạng Ba, thế nhưng có điều rất thật là những gì cùng quẫn - khốn cùng đang đè nặng lên mái nhà của người cha liệt giường và 2 đứa con gái đang tuổi đi học.

Và nữa: Cứ xót xa, đắng họng trước con dấu đỏ chót và lời xác nhận "đúng sự thật" của Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú, tên Nguyễn Đình Yên vào lá đơn đầy nước mắt của cháu bé.

Dẫu biết là "thủ tục hành chính" khô khan, nhưng dòng chữ - con dấu chứng nhận vẫn nhoi nhói trong ngực với câu hỏi về tình đồng loại ở mảnh đất "Quảng Nam yêu thương".

Mình bao năm gắn bó với Quảng Nam qua những chuyến công tác và yêu mảnh đất này, từ những câu hát về những tên đất huyền thoại, oai hùng. Bao lần thấm thía tình đất từ "Quế Trà My thơm hương rừng man mác", xuống đến "mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non", điểm thêm "Làn sóng xô long lanh nước Thu Bồn/ Dâu bắp lên xanh rờn", qua "Duy Xuyên tiếng thoi dệt/ Lúa nhớ chiều Hoà Vang"... Để rồi rưng rưng hoài niệm: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Chứ rượu hồng đào chưa nhấm mà đã say/ Lời hát xưa nghe sao thắm đượm tình/ Sao xuyến trong tim mình"...

Thế nhưng khi đọc những dòng của con gái Cựu Chiến binh Võ Duy Ngân, mình cứ băn khoăn hỏi: Liệu có thật là "Con chim cũng bay về đâu nghĩa nặng tình sâu", với "Đồng xanh lúa khoai bốn mùa tươi màu đất lành" và liệu có khiến người "đã qua đây rồi chân bước không đành", như trong lời hát nữa không?..

Vẫn biết Quảng Nam còn rất nghèo, còn rất nhiều việc phải lo và những năm qua đã làm rất tốt công tác chăm lo cho những TBLS, Mẹ VNAH, người có công...

Nhưng, mình chắc: Bất cứ ai đọc những dòng cầu xin này, của con 1 người lính, cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành - Đoàn thể liên quan và như vậy, liệu những gì mà địa phương đã làm được, còn giữ được lòng tin?..

Và mình cũng chắc: Mọi sự chia sẻ - giúp đỡ sẽ đến được với người Cựu Chiến binh đang nằm liệt, với những đứa con của anh đang côi cút - bơ vơ. Điều này là có thật, bởi chúng ta đều máu đỏ da vàng.

Mọi người có thể giúp đỡ, động viên cháu Võ Thị Thanh Thúy qua số: 0979519359.
 
TB: Lúc 15h00 ngày 17/8/2012, anh Bùi Ngọc Quang (http://www.facebook.com/thangnguoi), Giám đốc Công ty Điện hoa trực tuyến TP.HCM (Ciao Flora), quê tại Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam (cùng quê với anh Võ Duy Ngân) đã đứng ra làm đầu mối tiếp nhận mọi sự ủng hộ, giúp đỡ anh Ngân.

Mọi sự ủng hộ, xin gửi: Bùi Ngọc Quang, STK 0371003947007, Ngân Hàng Vietcombank (VCB), Chi nhánh TPHCM.

Ghi rõ trong lý do gửi: Ủng hộ bố con anh Ngân - Quảng Nam.

Mọi sự ủng hộ, sẽ được cập nhật liên tục trên FB và Blog Mai Thanh Hải.

Chân thành cảm ơn các bạn!..

TB 2: Cập nhật mọi sự ủng hộ trên trang của Cty Điện hoa Trực tuyến Ciao Flora

Ngày 17.8.2012, chúng tôi đã nhận được món tiền đầu tiên...
NGÀY THAM CHIẾU SỐ TIỀN HỌ TÊN NỘI DUNG
17/08/2012 Q346 - 0000232 300,000 NGUYEN XUAN TRUONG GIUP EM THUY CON ANH NGAN GD TIEN MAT
17/08/2012 VNCK - 0028632 500,000 NGUYỄN CAO VĂN IBVCB.1708120138013001.Ho tro gia dinh anh Ngan
18/08/2012 VNCK - 0034733 1,000,000 VC KHOA THÀNH IBVCB.1808120239131001.Giup be Thuy con anh Ngan!
19/08/2012 350,000 Chưa rõ người chuyển, vui lòng gửi email kèm số tham chiếu để xác minh, cám ơn. IBVCB.1908120070453001.Ung ho bo con anh Ngan - Quang Nam
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN XÁC NHẬN HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

Kính gởi: UBND xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Tôi tên là: VÕ THỊ THANH THÚY, sinh ngày 24/2/1990. Là con ông VÕ DUY NGÂN, sinh năm 1965, hiện ở tại đội 10- thôn 3- Bình Tú- Thăng Bình- Quảng Nam.

Tôi viết đơn này xin xác nhận gia đình tôi có hoàn cảnh như sau:

Ba tôi khi còn trẻ là bộ đội đã từng tham gia hoạt động ở Campuchia, là Sĩ quan, cấp bậc Thiếu úy. Nhưng sau khi ra quân đến nay, Ba không được hưởng chế độ gì.

Ba tôi lập gia đình, sinh được ba người con. Ba cưới vợ được 6 năm thì mẹ tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo “Tai biến mạch máu não”(năm mẹ 29 tuổi), phải nằm tại chỗ, không có khả năng lao động, phải nhờ vào sự chăm sóc của Ba và chị em tôi.

Một mình Ba phải vất vả với nghề nông và phụ hồ để nuôi chị em tôi ăn học và chăm sóc thuốc men cho mẹ.

Cuộc sống gia đình tôi nhiều năm qua cho đến nay rất khó khăn về kinh tế. Mẹ tôi sau 18 năm bại liệt thì qua đời vào tháng 2-2011.Hiện chị em tôi chỉ còn mình Ba là chỗ dựa tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, vào lúc 20h ngày 14-07-2012, Ba tôi trên đường đi làm phụ hồ về, không may xảy ra tai nạn va tổn thương nặng: Chấn thương sọ não “Tụ máu não, phù não, bị di chứng não phần não bị chết”; Gãy xương gò má, gãy xương tay; phổi tổn thương nặng.

Chị em tôi đều không có tiền để lo cho Ba. 

Chị gái tôi không nghề nghiệp lại mắc bệnh nan y “Xuất huyết giảm tiểu cầu”, tiền điều trị nhiều và phải nuôi 2 đứa con nhỏ.

Tôi và em tôi còn đi học: Tôi chuẩn bị vào năm 4 Đại học Sư phạm Đà Nẵng; em gái tôi học cấp III trường THPT Thái Phiên (Hà Lam- Thăng Bình-Quảng Nam).

Chị em tôi không có gì để bán, tài sản gia đình chỉ còn ngôi nhà nhưng rao bán không ai mua vì còn mang tang mẹ.

Chị em tôi đã thế chấp nhà vay, cộng thêm tiền mượn, tiền cho của bà con được 40 triệu đồng, nhưng đã nộp hết tiền viện phí, thuốc men trong 20 ngày nằm viện vừa qua.

Hiện giờ Ba tôi vẫn còn nằm trong phòng phẫu thuật- gây mê hồi sức ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trong tình trạng còn rất yếu, tiền viện phí thuốc men rất lớn đối với gia đình tôi, lại không được hưởng BHYT.

Chị em tôi đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn về khoản Viện phí thuốc men cho Ba.

Tôi xin cam đoan những điều nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật. Xin chính quyền địa phương xác nhận hoàn cảnh gia đình tôi.

Tôi chân thành cảm ơn!

Bình Tú, 49- 08- 2012

Người làm đơn

Võ Thị Thanh Thúy
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hình gia đình Cựu Chiến binh Võ Duy Ngân, do Mai Thanh Hải nhờ bạn Bùi Ngọc Quang (Hà Lam, Thanh Bình, Quảng Nam) ghi lại chiều 16/8/2012. Khi gửi hình, bạn Quang nhắn: "Gia đình con bé, không có gì để bán, anh ơi!".
Bàn thờ vợ CCB Ngân, mới mất tháng 2/2011
Huân chương Chiến công Hạng Ba tặng cho CCB Võ Duy Ngân
 
 
 


Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang tặng cho CCB Ngân
 

HÌNH ẢNH CCB VÕ DUY NGÂN ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BV ĐA KHOA ĐÀ NẴNG (do bạn Nguyễn Thu Hồng chụp)


 
 
 


16 tháng 8, 2012

"NHIỀU TỜ BÁO PHÍA BẮC HÀNH XỬ VỚI PV THIẾU TÍNH CON NGƯỜI"...


Câu chuyện "Cà phê... chửi sếp" của Nhà báo Mạnh Quân, tưởng như rất... tầm phào, nhưng lại phản ánh một thực tế rất đáng báo động, đã tồn tại từ nhiều năm nay trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đúng như Mạnh Quân đề cập: "Ở không ít tờ báo, nhất là báo phía Bắc và báo của Bộ, Ban ngành…cách hành xử của sếp báo với các Nhà báo, Phóng viên (PV) nó thiếu tính con người, thiếu nhân văn, tệ hại hơn ở nhiều cơ quan nhà nước khác. Có khi chẳng là vì cái gì đâu, có những người chỉ muốn hành người khác để biết cho biết rằng, ta có quyền, ta được hành…và có người lại thấy sung sướng, hả hê khi nhân viên của mình phải khổ, phải chịu mình".

Tự dưng mình lại nhớ đến một gương mặt Tổng Biên tập (TBT) mà tụi mình đã từng cắn răng "phục vụ" vài năm, sau không chịu nổi, phải ra đi:
 Vừa được điều chuyển về lãnh đạo tờ báo, cậu mới được... nhận Thẻ Nhà báo và triển khai ngay việc "ăn uống" theo cách "lớn bùi, bé mềm", tự việc gạ gẫm bóng gió khiến cán bộ phóng viên lũ lượt đến nhà quà bánh, phong bì cho đến mút mát chấm phẩy khi tuyển người, đề bạt và vẽ ra các Chương trình - dự án, kiếm phần trăm...

"Sếp" thế, có đến mục thất, tờ bào cũng chả phát triển, tăng tiara, hút quảng cáo được.
----------------------------------------------------------------
Hôm qua rảnh việc, tụ tập với mấy bạn PV các báo ra café cột cờ Hà Nội. Chuyện chán, xoay sang chủ đề: "Chửi sếp!". Không ngờ vui đáo để, khiến một số bạn PV bàn khác, cũng phải sang hóng chuyện.

Chuyện bắt đầu thế này: Bạn T, PV một tờ báo có Trụ sở trong TP.HCM bảo: "Chỗ anh Quân có tuyển người không, cho em sang?".

Hỏi sao. Bảo: "Cái thằng sếp trưởng nó đì đọt em khiếp quá. Nó phát hiện tuổi em kị nhất với nó. Nó nói với mọi người: Từ hồi em về, Văn phòng gặp nhiều chuyện, anh làm gì cũng không đâu vào đâu…Thế là bài vở của em chỉ có một tí gì thôi là nó gạt, vứt bài em đi!"

Bó tay, lại còn có lí do thế nữa. Tiếc là bên mình cũng cơ bản đủ dùng, thời buổi khó khăn chắc khó tuyển thêm. Bảo: "Em yên tâm đi, em viết rất khá, lo gì không có chỗ?".

PC, báo PT góp chuyện:

- Em mới cú đây này!. 3 năm trước, lẽ ra được ký hợp đồng dài hạn rồi. Đến đúng ngày Hội đồng Biên tập họp xét cho ký hđ dài hạn, thằng Trưởng Ban em nó mới bịa ra chuyện là có phản ánh em tống tiền doanh nghiệp 500 ngàn đồng!.

Cậu sùi bọt mép: “Mịa nó! 500 ngàn, có thằng nào điên đi tống tiền 500 ngàn?. Thế là em 3 năm nay, mới được vào hợp đồng dài hạn!”.

H, em PV báo V theo dõi mảng xây dựng, bất động sản phụ họa:

- Nói chung, làm nhân viên không được hơn sếp anh nhỉ?. Trước Tết, em không hiểu sao sếp điều em qua mảng củ chuối là Khoa học công nghệ - mảng em biết gì đâu, chưa từng làm?. Sau mới ngỡ ra là, mình làm Xây dựng ngon ăn quá, kiếm được cái xe ôtô đi làm, mà sếp vẫn đi xe máy. Mấy lần nói chuyện ở cơ quan, chém gió cũng hơi quá, thấy sếp mặt lạnh, bỏ vào phòng là biết rồi. Giờ nghĩ ra, mình ngu quá!. Hi! Hi!..

Mình bảo chúng nó:
 - Đúng quá đi rồi. Có nhiều cái dại đối với một nhân viên: Một là tỏ ra khôn hơn sếp, hai là giàu hơn sếp, thứ ba, nhất là với các cô nữ: xinh đẹp, diện, mặc quần áo đẹp, được nhiều người khen hơn sếp… Mắc cả mấy điều đó thì đừng hỏi tại sao mà bị đì?. Nay bị chuyển sang việc này, mai việc khác hoặc là việc phải làm cho ngày mai, đến chiều nó mới giao!. Hê! hê!.

Chúng nó quay sang hỏi:

- Anh thì sao?. Cũng làm qua nhiều báo, anh gặp thằng sếp nào khốn nạn như sếp bọn em không?..

-Tớ hơi bị may, toàn làm cho các Văn phòng Đại diện báo Sài Gòn. Các báo Trụ sở Sài Gòn như Tuổi trẻ, Thanh niên, TBKTSG, Pháp luật Thành phố... Nói chung cư xử văn minh hơn các báo ngoài Bắc nhiều. Nó ít có cái lệ, phóng viên phải quỵ lụy, để ý thái độ của sếp. Không phải rượu tây, quà cáp.. thăm hỏi sếp dịp lễ tết.

Nói chung, TBT, các Phó TBT nhiều báo lớn trong Sài Gòn là họ đàng hoàng, PV có quan tâm đến sếp thì cũng như kiểu chơi với nhau, ngoài giờ làm việc là anh em thôi.

Như báo tớ, tất cả là vì công việc, ai có việc gì, làm tốt hay làm dở, có bàn thì đem hết lên diễn đàn mà góp ý, bình luận. Kể cả sếp nhỏ, sếp nhỡ…có gì làm chưa đúng, nói chưa đúng, PV “phang thẳng cánh” ngay!. Hi! Hi!..

Tớ nhớ là hồi còn làm thử việc ở Báo Tuổi trẻ, Văn phòng Hà Nội. Cuối năm, nghe anh em nói có đứa còn qua nhà anh Bùi Thanh, đem quà cáp, bị anh Bùi Thanh mắng cho trận, đuổi thẳng cổ về từ cổng.

Đấy, làm sếp là phải như thế!. Công bằng và công tâm, lấy thành công của nhân viên là thành công của mình.

Chứ có đâu như nhiều ông bà sếp báo ngoài Bắc, nhân viên nó không chịu bợ đỡ, luồn cúi, thăm hỏi, chiều chuộng mình…thì giở đủ trò làm khó cho nó, chẳng coi lợi ích cơ quan ra gì.

Một bạn phóng viên báo G mới đến góp chuyện:

-Anh không biết thôi. Nhiều thằng sếp báo còn tởm lắm í!. Như báo em ngày xưa, sếp TBT hẳn hoi, đứa nào vào báo cũng phải đến nhà ông ấy, thế nọ, thế kia. Muốn vào hợp đồng dài hạn cứ phải tiền. Lão ấy tởm đến độ, PV tranh thủ kiếm cái hợp đồng quảng cáo đâu về, vừa trình ra, sếp nó bảo: "Ah!. Chỗ này bạn tao, tao nói nó mấy lần, giờ mày qua, nó mới nhớ ra, Ok đấy". Thế là Pv lại nhăn răng cười mà nhường lão dsdeer lão tự lấy % hoa hồng hợp đồng bỏ túi.
Có nhiều bài vở của PV nộp lên, lão còn dìm đấy, rồi tự xào xáo lại, gửi qua báo khác. Sau bọn em phải bẫy, ghi âm tất cả lại, làm đơn kiện nên lão bị mất chức đấy.

Nhưng bây giờ lão lại qua làm TBT một cái Tạp chí. Khổ thân anh em Tạp chí đấy quá!..

Mấy đứa khác bảo:

- Uh!. Với các loại đấy nó là quái vật rồi, phải tìm cách chiến đấu, hợp sức nhau loại nó đi thôi, Không loại được thì mình out, việc gì phải làm dưới trướng của nó cho khổ đau. Mà các loại sếp thiếu công tâm, hèn mạt thì có làm đó, cũng không có hậu vận!. Hic!. Hic!..

Haiza. Chuyện vớ vẩn, hóa ra nhiều ví dụ thế.

Bèn chép miệng tổng kết: Nói chung, ở không ít tờ báo nhất là báo phía Bắc và báo của Bộ, Ban ngành…cách hành xử của sếp báo với các Nhà báo, PV nó thiếu tính con người, thiếu nhân văn, tệ hại hơn ở nhiều cơ quan nhà nước khác.

Có khi chẳng là vì cái gì đâu, có những người chỉ muốn hành người khác để biết cho biết rằng, ta có quyền, ta được hành…và có người lại thấy sung sướng, hả hê khi nhân viên của mình phải khổ, chịu mình.

Khốn nạn thế!..

Theo phân công của anh em, mình về ghi lại buổi chém gió, chửi sếp hôm nay, để xem anh em đồng nghiệp còn ai ấm ức, có ví dụ nào góp thêm và thiếu điều nữa: Góp ý các giải pháp đối phó với loại sếp không đàng hoàng như thế nào?.

Hôm qua, có bạn PV còn đề xuất: Hay là ta góp tiền, mở quán cà phê tên là “chửi sếp”. Đảm bảo đông khách cực kỳ, tha hồ cho PV các báo, rồi cả các ngành khác đến mà sả stress như bọn này hôm nay. Hi!. Hi!..
---------------------
* Hình ảnh ăn uống, ẩm thực trên Diễn đàn OF chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả Mạnh Quân.
 

15 tháng 8, 2012

PHÊN DẬU CAO BẰNG

Mai Thanh Hải - Các thôn bản của xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) nằm lọt thỏm trong biển mây. 

Mùa hè, ngày nào quang quẻ lắm, cũng chỉ có nắng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều và đêm ngủ vẫn phải đắp chăn bông.

Mùa đông, cả xã co quắp trong cái lạnh buốt, túa ra từ trùng trùng núi đá, ùn ùn gió mùa đông Bắc từ bên kia biên giới tràn sang.

Trung tá Nguyễn Hồng Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng  Xuân Trường (Đồn 147, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng) kể lại câu chuyện khiến mình ám ảnh mãi: Rét quá, đồng bào kéo lên kêu: "Đồn ơi! Rét quá!", khiến Ban Chỉ huy phải lệnh cho Quản lý xuất chăn bông dự trữ và vận động cán bộ chiến sĩ nhường lại vỏ chăn cho những gia đình thiếu chăn áo nhất...

Mình có thói quen từ rất lâu rồi, hồi mới làm báo là trước khi đi công tác đâu đó, phải tìm để biết mọi thông tin về nơi đến, từ lịch sử, vị trí địa lý, lịch sử, kinh tế... Tuy nhiên, khi "sớt gúc gồ", mình thất vọng thực sự, bởi ngoài những thông tin cực kỳ đơn sơ của wikipedia tiếng Việt, tất cả là con số 0.

"Xuân Trường là một xã của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Phía Bắc giáp xã Khánh Xuân và Trung Quốc; phía Đông giáp Trung Quốc... Xã có diện tích 84,92 km², dân số năm 1999 là 3.548 người, mật độ dân cư đạt 41,8 người/km² và được chia thành 19 xóm (Cao Bắc, Bản Chuồng, Cốc Kạch, Lũng Mật, Lũng Pù, Lũng Pèo, Lũng Rạc, Mù Chảng, Nà Đoỏng, Nà Chộc, Phìn Sảng, Phia Phoong, Thua Tổng, Thẳm Tôm, Thiêng Lầu, Sà Phìn, Phìn Sảng, Bản Thán, Tả Sáy). Trên địa bàn Xuân Trường có một số ngọn núi (như Bó Héc, Cô Péc, Đin Đeng, Lắm Côm, Lẫm Cũm, Phia Phoong, Pờ Cả Tản) và các lũng (Áng Lỏng, Phát, Quang, Tày Đủm, Tràm) cùng hồ Thâm Lẩm, các dòng suối Cốc Tả, Piêng Pán, Tả Nọi"...

Hài hơn là Wikipedia hồn nhiên: "Đồn Biên phòng Đồng Mu đóng trên địa bàn xã".

Thông tin mông lung vậy, nhưng vẫn nhất quyết lên phên dậu Cao Bằng, qua tuyến đường Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Mê - Bảo Lâm - Bảo Lạc, theo sự chỉ bảo của các "thổ công, thổ địa".

Lọ mọ từ 8 giờ sáng, giữa chiều mới lên tới Bảo Lạc và chạy thêm gần 10 km đến xã Khánh Xuân. Trung úy Lâm, Cán bộ Tỏ Công tác của Đồn 147 đang chốt tại đây, đón tụi mình, lo lắng: "Mưa cả tuần, hiện cả 3 tuyến đường (Quốc lộ 34 - Lũng Pán - Hồng An - Xuân Trường; thị trấn Bảo Lạc - Khánh Xuân - Xuân Trường; Hà Quảng - Thông Nông - Xuân Trường) đều sạt lở nghiêm trọng, phải đi bộ - tăng bo xe máy vài tiếng đồng hồ!".

Tụi mình lục xe, kiểm tra lại đèn pin: "Thế mình đi, nhỉ?". Trung úy Lâm rút điện thoại báo cáo và quay lại dứt khoát: "Đồn trưởng đề nghị Đoàn ở lại ngủ đêm tại Tổ Công tác, sáng mai mới đi được. Hiện có vài điểm cao ướt nước, sập xuống đường bất cứ lúc nào. Đêm tối có chuyện gì xảy ra, việc cứu hộ - cứu nạn rất khó khăn!".

Ối Giời! Nói thế thì bố ai dám đi. Lục tục xách đồ, chia nhau nằm úp thìa trong phòng chật chội mà UBND xã Khánh Xuân, nhường cho Tổ Công tác.

Buổi sáng, sương mù õng ẹo gí vào mặt từng thằng, lôi dậy. Húp vội bát mì tôm ngâm nước sôi, thu dọn đồ gọn nhẹ nhất, đút trong ba lô và xắn quần, xỏ giầy vải - dép quai hậu, theo chân mấy anh em Tổ Công tác Biên phòng và Công an huyện, vào Xuân Trường.

Mình không kể nhiều về chặng đường đi bộ cả chục km, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, men qua những triền núi, cánh rừng mà chỉ nói vài chi tiết:

Ban đầu, thấy những tảng đá long chân, chênh vênh trên đầu, ở đoạn sạt lở, cả bọn còn co cẳng chạy qua. Nhưng về sau, có cả quả núi nằm trên, cũng chả còn sức mà chạy;

Chặng đường đầu, gặp mưa còn lấy áo mưa ra mặc, về sau, chỉ lấy áo mưa bọc máy móc, không buồn che người, mặc cho hơi nóng trong người toát ra trong mưa lạnh, nhìn ai cũng mù mịt nhưng khói là khói;

Đứng dưới đường; nhìn lên 12 đoạn dốc chồng xếp nhau trên vách núi, phía tít trên là mờ ảo sương mây Khau Mè Pia “Cổng Trời”, muốn bật ngửa trở lại, mặc anh em Biên phòng đứng sau ủn đít: "Sắp tới rồi. Khắc đi khắc đến!" và mỗi đoạn dốc, lại bíu vào đá mà nghỉ, chân cứng nhắc không ngồi nổi;

Lên đến Đồn, cả bọn nằm vật, la liệt trước cổng khiến anh em ngồi đợi trong Hội trường, ùa ra tưởng... ngất xỉu...

Xuân Trường - Mình đã nghe và đã đến cái địa danh Xuân Trường của tỉnh Nam Định, san sát nhà cửa - chóp nhà thờ và sung túc, đầy đủ lúa gạo - cá muối - khói rơm thơm.

Nhưng ở Xuân Trường của tỉnh Cao Bằng này, chỉ toàn núi đá, sương mù, lưa thưa vách gầy nhà tranh, mệt ngoài bám vào triền núi đá, để sống.

Mà cũng phải bám vào đá, vào vách núi để mà sống, mà tồn tại chứ còn cách nào?..

Cả xã chỉ có duy nhất thung lũng Đồng Mu bằng phẳng trồng được ít lúa nước, mùa khô cạn như chảo rang, mùa mưa thấp thỏm mất mùa bởi lũ quét trên núi cao ộc về.

Thứ lương thực triền miên, chủ đạo bao năm qua, đến nhà nào cũng thấy rặt ngô là ngô (thay cơm) treo đầy gác bếp và bí xanh lổn nhổn góc nhà (thay thức ăn).

Thứ duy nhất bán được ra tiền là quả Mắc cọp mọc hoang dã trong vườn, trên núi với vị giòn giòn - chan chát, ăn xong rồi mới thấy vị ngọt đầu môi.

Mà lạ!. Hình như Trời đất cũng thương người dân Xuân Trường khốn khó, nên cái thứ quả "trời cho" này thơm ngọt đến kỳ lạ, đến mức người ta "phong vượt cấp" thành... quả Lê với câu ca từ xa xưa "gái Đồng Khê, lê Xuân Trường", dẫu rằng quả lê đó, nặng trịch trên vai người, luồn rừng - vượt núi gần chục km mới ra tới thị trấn và bán với giá rẻ mạt, để thương lái đưa về xuôi - sang bên kia biên giới làm vị thuốc tẩm bổ cho kẻ nhiều tiền...

 Lẩn mẩn tìm hiểu, mới ớ ra: Đúng 1 năm trước, trung tâm xã mới có điện và cho đến nay, điện sáng vẫn là thứ xa xỉ với các thôn bản vùng cao khác. Đến nỗi mỗi dịp Lế Tết - cuối tuần, bà con trên núi ùn ùn đổ xuống cái vạt chợ nằm cạnh UBND xã, lơ thơ mấy hàng tạp hóa, để mua bán thì ít mà ngắm điện, xem xe máy chạy ẻn ẻn phần nhiều.

Hôm trước khi lên Xuân Trường, đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng bảo tụi mình: "Nếu khó khăn quá thì sẽ xin... ngựa thồ của Đồn!", khiến mình trề môi: "Thâm sơn cùng cốc như Biên phòng Lai Châu, còn xóa biên chế ngựa, nữa là...". Thế nhưng lên đây, mới thấy là có những việc "không tin được, dù đó là sự thật".

Buổi chiều ở Đồn, trời "giải lao" tạnh mưa, tự dưng nghe lộc cộc ngoài vách tường và tiếng hí rất đặc trưng... ngựa.

Ngó đầu ra, mấy cậu chiến sĩ Đội Vũ trang đang hì hục dắt ngựa lùa ngựa vào chuồng và cười: "Một số ngựa thồ vận tải còn gửi trong nhà dân đấy ạ!" khiến ý định: "Mơ màng phi ngựa kình kịch, trên đường tuần tra biên giới" của mình, đứt cái phịch.

Thiếu tá Minh, Chính trị viên phó của Đồn Xuân Trường kể: Những Tổ Công tác của Đồn nằm trên địa bàn núi cao, giáp cột mốc, xa dân, địa hình hiểm trở, toàn phải chặt cây - đan lá thành lán ở, suốt 4 mùa sương mù nhớp nháp, quần áo không bao giờ được khô. Mỗi lần tiếp tế lương thực - thực phẩm cho anh em, người đi chả nổi nên phải huy động... sức ngựa, mới xong.

Ngay sáng hôm sau, mình lại chứng kiến cảnh Tổ Công tác của BCH BĐBP Cao Bằng, trước khi lên Thôn bản xa, ai cũng cột theo 1 túi nhựa tròn vo. Hỏi ra mới biết: Phải mang sẵn gạo - thực phẩm, khi nào đói hoặc là tự nấu hoặc là tìm vào nhà dân nhờ nấu, bởi "đồng bào cũng chẳng có mà san sẻ cho mình!"...

Khó khăn thế, vất vả thế nên chuyện đi học cái chữ của con trẻ vùng biên giới Xuân Trường, gian nan đến cùng cực. 

Mình lên Xuân Trường đúng dịp tụi trẻ con vẫn đang nghỉ, chưa phải đi học hè - học thêm như con trẻ dưới xuôi.

Thế nhưng, lang thang các bản, vẫn thấy chúng nó vơ vẩn chơi đầu nhà, tha thẩn bế em, cắm mặt tẽ ngô, khệ nệ khuân củi...

Hỏi chuyện chuẩn bị năm học mới, đứa nào cũng im lặng quay đi. Khi về, tìm hiểu mới biết: Chúng nó không có khái niệm chuẩn bị. Vào năm học mới, tất tật sách vở - quần áo, đứa bé dùng lại của đứa lớn. Những đứa nào không có, đành chấp nhận... học chung.

Cô Hòa, Giáo viên Trường Tiểu học Xuân Trường kể: "Mùa đông, học sinh đến lớp phải mang theo củi, để đốt thành đống lửa xua đi cái rét, mới học được!".
Còn Trung tá Nguyễn Hồng Vinh, Đồn trưởng Biên phòng Xuân Trường thì thở dài: "Cứ dịp này (trước năm học mới), cán bộ chiến sĩ đi phép - tranh thủ đều có thói quen thu gom, xin sách vở - quần áo cũ, mang lên cho bọn trẻ con, gọi là động viên chúng nó đến lớp!" và lắc đầu: "Năm học này, toàn xã có trên 500 học sinh, giúp thế nào cho đủ?".

Ừ!. Biết giúp thế nào cho đủ, khi mà suốt dọc hơn 30 km đường biên giới Đồn phụ trách, cũng có từng ấy điểm trường chon von trên núi cao và gấp mấy chục lần từng ấy, những đứa trẻ - thế hệ tương lai bảo vệ biên cương, thiếu từ cái ăn, cái mặc, cái đọc, cái viết?. Lại nhớ đến cảnh gặp dọc đường Bảo Lạc: Cậu bé chắc học THCS, buộc tập vở mới sau xe đạp, qua chỗ xóc, mấy cuốn rơi xuống mặt đường lép nhép nước mưa. Cu cậu vứt xe ven đường, lấy vạt áo lau từng mép giấy dính bùn, gượng nhẹ...

Ừ!. Xuân Trường đâu có phải xa lạ gì đâu, mà cứ như bị cách biệt, quên lãng thế này?.

Lên đến mảnh đất địa đầu này, mình mới biết: Xuân Trường là bí danh của đồng chí Hoàng Văn Nhủng, Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến đánh đồn Pháp ở Đồng Mu (Bảo Lạc) đêm mùng 4 rạng ngày 5/2/1945 của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tên anh đã được đặt cho địa danh nơi ngã xuống: xã Xuân Trường.

Hoàng Văn Nhủng, quê ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng). Năm 1936, khi mới 18 tuổi, Hoàng Văn Nhủng và em trai Hoàng Văn Vân được giác ngộ và tham gia hoạt động Cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc viên.

Năm 1939, cả 2 anh em bị mật thám bắt, tra tấn dã man, giam giữ khoảng nửa năm, nhưng kiên quyết không khai. Được trả tự do, 2 anh em lại tiếp tục hoạt động. Để che mắt bọn mật thám, anh Nhủng lấy bí danh Xuân Trường.

Giữa năm 1940, Xuân Trường cùng với một số cán bộ Cách mạng tiêu biểu của Cao Bằng được cử đi học quân sự tại Hoàng Phố, Liễu Châu, Trung Quốc. Đầu năm 1944, Xuân Trường về nước và hoạt động chủ yếu ở vùng Lục Khu, Hà Quảng.

Tháng 12/1944, Xuân Trường là một trong những đội viên vũ trang xuất sắc của châu Hà Quảng được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Sau trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần (Nguyên Bình) thắng lợi, Tiểu đội của Xuân Trường cùng với anh em trong Đội trở về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi hành quân lên đánh đồn Đồng Mu - Pù Đôn (nằm ở  xóm Nà Đoỏng, xã Đồng Mu, Bảo Lạc, có nhiệm vụ kiểm soát đường từ Đồng Mu sang Sóc Hà, Hà Quảng và đường từ Pác Lũng, xã Huy Giáp sang Ba Bể, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn).

Đêm 4/2/1945, Đội VNTTGPQ dưới sự chỉ huy của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hồng Sâm, Đàm Quang Trung đã thực hiện tấn công tiêu diệt địch và đồng chí Xuân Trường hy sinh ngay trong lúc xông vào nhà chỉ huy. Anh hy sinh tuổi đời còn rất trẻ, chưa có gia đình.

Ngày 19/8/1961, Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mình về Hà Nội, đã hỏi rất nhiều người: "Ai là Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta? Hy sinh ở đâu?" và đều nhận được những câu trả lời trật lất hoặc lắc đầu không hiểu...

Không thể trách, bởi có ai nói, ai kể, ai nhắc lại cho mọi người biết đâu?.

Ngay nơi mà người chiến sĩ đầu tiên của Quân đội ta ngã xuống, bây giờ vẫn chỉ đơn độc 1 tấm đá trong khung vòm xi măng, dựng trên bờ thành xanh rì rêu phong, ghi những dòng đơn giản - ngắn gọn, nhắc tên, địa điểm, thời gian (mà nghe đồng bào kể lại: Hồi xưa Tướng Đàm Quang Trung về thăm lại chiến trường xưa, huy động dựng lên)... Quá nhỏ bé, sơ sài so với bao tượng đài, bia tưởng niệm đâu đâu!.

Cũng ngay gần nơi người chiến sĩ đầu tiên ngã xuống, một tấm bia ghi rành mạch "Danh sách các Liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống giặc ngoại xâm" và trong số đội hình 42 người đã ngã xuống đó, tên tuổi của 3 chiến sĩ nằm lại trong những ngày đầu, tháng đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược 2/1979, được tô đậm nét.

Và cũng ở nơi thịt xương các anh tan vào từng thớ đất, gốc cây, ngọn cỏ... - Bao năm qua, cả dải biên cương Xuân Trường được giữ gìn nguyên vẹn, qua cả chục năm đánh trả quân xâm lược, qua vài chục năm giằng co phân giới cắm mốc.

Sự toàn vẹn lãnh thổ ở vùng phên dậu Cao Bằng này, không "đao to búa lớn" như người dưới xuôi vẫn thường giảng giải, mà rất giản dị - gần gũi, từ việc giữ nguyên từng bờ đất, hòn sỏi, lũng suối cho đến vị ngọt của quả lê Xuân Trường, mùi thơm hạt gạo Đồng Mu và cả nỗi vất vả, truân chuyên, thiếu thốn trĩu trên vai anh lính Biên phòng, người già thôn bản, đứa lít nhít tới trường.

Mình rời Cao Bằng, cùng với đội hình hành quân của những lính trẻ Biên phòng 18-20 tuổi, băng rừng, men núi, gập người qua những vòng cung sạt lở, đứng chênh vênh định ào xuống vùi lấp.

Trẻ trung lắm! Tươi tắn lắm! Tíu tít lắm!. Nhưng cũng trách nhiệm lắm, khi nhận nhiệm vụ ra ngoài thị trấn gùi muối, thồ xăng dầu cho vùng Xuân Trường bị cô lập, do đường sạt lở - tắc nghẽn bấy lâu...

Quãng đường xuống núi ngắn lại, có lẽ vì cảm thấy những vất vả của mình chả là gì so với những gì đã, đang hiện diện ở Xuân Trường.

Chia tay nhau, đám lính trẻ rối rít túm tay: "Nhớ lên với chúng em nhé!. Trên này cả năm, có khi chẳng có khách dưới xuôi lên thăm!" khiến mình mới chợt nhớ việc: Vào "gúc gồ" tìm kiếm, chỉ có đúng 3 thông tin về Đồn Biên phòng Xuân Trường (Đồn 147), của Báo Cao Bằng.

"Yên tâm! Mọi người dưới xuôi chắc chắn sẽ quay lại sớm với các em, với tụi lít nhít trẻ con biên ải Xuân Trường!". - Hình như lời hứa của mình khiến lính trẻ vui lắm.

Chả thế mà khi đã vẫy đến mỏi tay, không nhìn thấy màu áo xanh Biên phòng nữa rồi, tiếng cười lính trẻ vẫn vẳng lại giòn tan, lăn dài trên triền núi, hòa cùng bát ngát lá xanh, trời xanh, nơi phên dậu Cao Bằng...

2 giờ sáng ngày 16/8/2012, tại quê An Lão (Hải Phòng)

CÁI THÓI TINH TƯỚNG

Mạnh Quân - Vừa gọi điện sang Văn phòng Quốc hội (VPQH), hỏi một chị về cái thằng Trần Hải Lê, Chuyên viên VPQH (sinh năm 84) mà tung kungfu, đạp ngã ngất em Caddy ở sân golf Đại Lải là thằng nào?.

Được biết chú ta ở Vụ Đối ngoại VPQH, vào VPQH từ năm 2003 hay 2004 gì đó, làm ở Ban Công tác Lập pháp.

Năm 2007, Ban này giải tán thì chú sang Vụ Đối ngoại và hình như giờ làm Thư ký cho ông nào đó.

Theo chị thì thằng này, bố cũng không phải là quan chức mà bố mẹ kinh doanh, buôn bán ở nước ngoài, nhà cũng khá giàu có.

Cu cậu quản lý mấy khách sạn. Cách đây 5-7 năm đã đi xe sang. gái theo hàng đàn.

Cũng có tính ngông nghênh, ra vẻ đại gia...

Trẻ, giàu sớm nên tinh vi, tinh tướng, coi người như cỏ rác nên chỉ vì cáu giận vì phát bóng hỏng, co chân đạp cô caddy ngã dúi dụi.

Chú này chơi golf bằng thẻ VIP của một ông cũng có chức hàm khá là N.Đ.K.

Nhưng mình e là cái thói tinh vi, tinh tướng, coi dân thường như cỏ rác ấy cũng không phải ít. Thỉnh thoảng nó vẫn xảy ra chỗ này, chỗ kia...

Mình rất thích là những thằng tinh vi thế này gặp những thằng tinh vi khác, thế là uýnh nhau lộn bậy, vui phết.

Ví dụ như thằng kia, gặp phải mấy chú Cảnh sát 141, nó chẳng cần biết gia thế mày thế nào, cứ tinh vi, thọc cho mấy phát vào bụng đã rồi tính sau. Hê hê

Năm ngoái, có một chú Thứ trưởng một Bộ hẳn hoi, cũng tinh vi tinh tướng, con nhà dòng dõi, con quan to đi xe vào trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, lao xe vào chỗ khu vực Nguyên thủ, bị chặn lại.

Chú lao ra nói thế này thế kia, An ninh nó nhịn. Đến lúc lái xe của chú cũng lao ra nói, An ninh nó không nể nữa, lấy bộ đàm đập cho phát vào mồm, máu me toe toét.

Chú kia bèn lấy phích nước nóng phi vào.

Lộn xộn, Công an tóm cả mấy thằng đó về đồn (trừ chú Thứ trưởng).

Sau chú ức, nhờ một tờ báo viết, ý mình oan quá. Nó đếch viết, Hê hê!..
-------------------------------------------

14 tháng 8, 2012

KHÁCH VIP SÂN GOLF - CHUYÊN VIÊN QUỐC HỘI - ĐÁNH NGƯỜI

Câu chuyện 1 Chuyên viên Văn phòng Quốc hội (VPQH) sinh năm 1984, mới 28 tuổi nhưng đã là khách VIP của CLB Sân Golf Đại Lải (Vĩnh Phúc) từ gần 3 năm nay khiến mọi người ngỡ ngàng.

Mà không ngỡ ngàng mới lạ, bởi mức lương Chuyên viên Vụ Đối ngoại, VPQH, có tích cóp cả đời, không ăn không uống... cũng không thể bước qua cổng Sân Golf Đại Lải được.

Tuy nhiên, khi đã vượt qua cái ngưỡng "ngỡ ngàng" này, người ta sẽ chẳng ngỡ ngàng khi nghe chuyện cậu "Chuyên viên VPQH" thành thạo môn thể thao quý tộc, nhiều tiền từ hồi còn 25 tuổi (mới tốt nghiệp Đại học) thản nhiên đánh người phục vụ mình dã man, tàn bạo giữa ban ngày ban mặt, ngay trên sân cỏ toàn những gương mặt đại gia - quan chức chỉ vì phút nổi cáu vô cớ và người bị đánh lại là đàn bà con gái - đã phục vụ cậu ta gần 3 năm nay, khiến phải vào Bệnh viện cấp cứu.

Sự việc xảy ra vào chiều 12/8/2012, chị Phạm Thị Tuyết (25 tuổi, nhân viên Câu lạc bộ golf Star Đại Lải, Vĩnh Phúc là nữ caddy - xách đồ, nhặt bóng, kéo bao gậy, phục vụ khách chơi golf) được phân công phục vụ anh Trần Hải Lê (khách của CLB đã gần 3 năm nay).

Khi anh Lê đánh lỗ golf thứ 16 (sân 18 lỗ), chị Tuyết phát hiện trong khoảng cách 200m có một số người chưa đi ra khỏi vùng an toàn, nên nói chưa được đánh. Song anh Lê vẫn phát bóng và cú đánh bị hỏng.

Nữ caddy Tuyết cho biết: Ngay sau đó vị khách trẻ tuổi nổi xung, lao tới đạp vào đùi chị khiến ngã xuống vệ hồ nước gần đó, ngất tại chỗ. Đồng nghiệp đưa chị đi cấp cứu với chấn thương phần mềm đùi phải, tức ngực, không thể tự đi lại.

Tại Công an xã Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên, vị khách khai tên là Trần Hải Lê, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chuyên viên VPQH. Anh Lê thừa nhận “do bực tức nhất thời vì nhóm chơi trước đi chậm, và do cãi nhau với caddy Tuyết nên đã đá caddy gây thương tích"...

Một "bí mật" mới được phát hiện, là hôm ấy không chỉ có Chuyên viên VPQH Trần Hải Lê mướt mải lên Đại Lải chơi golf mà còn nhiều Cán bộ - chuyên viên khác của VPQH cũng tham gia.

Điều này được thể hiện ở chi tiết: "Một cán bộ VPQH, người cùng anh Lê đi đánh golf hôm đó cũng xác nhận vụ việc với cơ quan Công an" và dĩ nhiên cũng khẳng định: Việc chuyên viên VPQH đánh người diễn ra trước mắt những Cán bộ - chuyên viên VPQH khác "cùng hội cùng thuyền" với Trần Hải Lê 28 mùa xuân "tuổi trẻ tài cao" và những người này đều thản nhiên, không có phản ứng, mặc kệ đồng nghiệp của chị Tuyết đưa nạn nhân đi cấp cứu...

Nói đến đây, không thể không định nghĩa lại: "VPQH là cơ quan giúp việc của QH, có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ mọi hoạt động của QH, Uỷ ban thường vụ QH, Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của QH" và cao hơn: "QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam", để đặt câu hỏi: Những Cán bộ - chuyên viên VPQH có mặt ở sân Golf Đại Lải chiều 12/8 là ai?..

Đem Bảng lương của cả Cán bộ và Chuyên viên VPQH ra so sánh, hết thảy mọi người đều thở dài bởi quả thật, mức lương chính của những "công bộc của dân" này quá ít ỏi, nghèo nàn và phải co kéo lắm, mới đủ sống.

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở VPQH, mà còn đối với Cán bộ - chuyên viên của 3 Văn phòng còn lại: Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ?..

Thế nhưng cũng có một thực trạng không thể phủ nhận: Đã có Cán bộ - chuyên viên - công nhân viên nào của 4 Văn phòng này rơi vào tình cảnh đói nghèo, thiếu thốn, phải trợ cấp chưa?.  Hay là đi qua 2 Văn phòng được xem là "kém nhất về độ... oách" là Văn phòng Quốc hội (nằm trên đường Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội) và Văn phòng Chính phủ (nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội), người ta thấy cơ man là xe hơi đời mới, chen chúc đỗ chật vỉa hè, lòng đường...

Với đồng lương như thế, người ta dành dụm mua xe hơi đi làm đã khó, lại còn hàng tuần đi chơi Golf ở cách xa Hà Nội vài chục km, với 1 giờ chơi bằng vài tháng lương, liệu có nên đặt câu hỏi về mức thu nhập của những "công bộc của công bộc", thường ngồi ở đầu đường Hùng Vương?..

Lâu nay, ở các cơ quan đầu ngành Trung ương, đều ngầm hiểu quy luật: "Cha truyền, con nối": Bố mẹ nghỉ hưu, con thay vào. Quy luật này tạo ra một đội ngũ Cán bộ - Chuyên viên, được đánh giá "vừa hồng vừa chuyên", đội ngũ kế cận - thay thế các vị trí trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng: Bên cạnh việc thay tên bố mẹ trong bảng lương, các Chuyên viên trẻ này còn "tiếp quản" các mối quan hệ của bố mẹ, thậm chí còn phát huy triệt để hơn và dần trở thành những "hạt giống đỏ" - "tuổi trẻ tài cao", vừa có truyền thống "con ông này bà nọ", trình độ học hành đỗ đạt cao và chơi sang - chơi trội - chơi lắm tiền... và những đối tượng này, ngoài xã hội gọi là "cậu ấm cô chiêu" - COCC.

Và Chuyên viên VPQH trẻ tuổi Trần Hải Lê, có thể là một trong những "cậu ấm cô chiêu" - COCC như vậy. "Coi Trời bằng vung", bất chấp mọi quy phạm đạo đức - pháp luật, Chuyên viên Trần Hải Lê khiến một số caddy và nhân viên CLB Sân Golf Đại Lải tránh xa, bởi Chuyên viên Lê là người dễ nổi nóng, từng đánh chửi một số caddy khác.

Cách đây không lâu, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã phải gửi công văn đến các Bộ ngành - địa phương cảnh báo việc một số đối tượng giả danh Cán bộ - Chuyên viên VPCP để lừa đảo, làm tiền. Tương tự như vậy, mấy năm trước lãnh đạo VPQH cũng đau đầu khi một số đối tượng lấy "oai" VPQH để lừa đảo, xin việc và nạn nhân cứ nhè Trụ sở VPQH để... đòi tiền.

Mới đây nhất, khi tình trạng giả danh Chuyên viên VPCP rộ lên, lãnh đạo VPCP phải chỉ đạo UBND một số địa phương ký văn bản gửi các Sở ngành, địa phương trong tỉnh, cảnh báo việc giả mạo và thậm chí còn dành riêng 1 số điện thoại 08044949 chỉ để ghi nhận những thông tin giả danh...

Rất nhiều lần, chúng ta đã đặt vấn đề về chất lượng bộ máy giúp việc cho các cơ quan Đảng - Chính phủ và trong các cuộc Hội thảo - bàn bạc về chủ đề này, người lãnh đạo than thở thành quen chuyện "thiếu và yếu", "không thu hút được nhân tài", "chất lượng không đồng đều"... để rồi quên khuấy những câu hỏi về con số tuyển dụng, chất lượng đầu vào ở các cơ quan Trung ương...

Ở các cơ quan Trung ương, người ta "định vị" rất rõ 1 Cán bộ - Chuyên viên đến cơ quan lúc mấy giờ, bằng phương tiện gì, ăn sáng thức gì, mặc quần áo ra sao, nói chuyện gì trong giờ làm việc, thậm chí răng thứ mấy bị giắt thức ăn, sau bữa cơm trưa... - Tất cả để quy vào Thi đua khen thưởng, thăng chức - lên lương.

Chính vậy, người ta không có lý gì để không biết 1 Chuyên viên chíp hôi, chỉ làm công việc cạo giấy lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng, là khách VIP chơi Golf từ cách đây 3 năm, với chi phí mỗi giờ chơi tương đương 2-3 tháng lương; một nhóm Cán bộ - chuyên viên, lương của người cao nhất cũng chỉ gần 10 triệu đồng/tháng, tụ tập chơi Golf hàng tuần từ bao năm nay...

Và người ta không có lý do gì để không biết: Công chức - Đảng viên - Chuyên viên "tuổi trẻ tài cao" làm việc ở một cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Đảng - Nhà nước, lại có hành vi côn đồ hung hãn hơn cả đối tượng đứng ngoài đường, và hành vi mất hết tính người ấy, được cổ vũ bằng ánh mắt dửng dưng - rẻ rúm của những "đồng đội" cũng là Cán bộ - Chuyên viên làm việc ở cái nơi được gọi là Trụ sở VPQH, nằm to đùng ở đường Hùng Vương trái tim cả nước, có Cảnh vệ gác đêm ngày, nghiêm mật, uy nghi?.. 
---------------------------------------------------------
* Theo Tiền Phong: Sau sự việc xảy ra, Chuyên viên VPQH Trần Hải Lê bị trục xuất khỏi sân Golf, bị tạm giữ hành chính tại cơ quan Công an. Đêm cùng ngày, bố đẻ của Trần Hải Lê bảo lãnh cho con về nhà.
Giám đốc điều hành sân golf Đại Lải đã có đơn đề nghị cơ quan công an làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc.