27 tháng 8, 2011

HÃY CHO TÔI LÊN ĐƯỜNG

Mai Thanh Hải Blog - Bài hát của Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, do Ca sĩ Ái Vân trình bày, ngay tháng 3/1979, khi lính Trung Quốc ào ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc, bắn giết bộ đội - nhân dân, phá hoại toàn bộ nhà cửa kho tàng, cơ sở vật chất của 6 tỉnh biên giới phía Bắc...


Những hình ảnh, thước phim tư liệu của một thời, không thể nào nói được khác về độ chân thực, tính lịch sử... Mình lại phải lưu vào đây, để làm tư liệu sau này vậy!..

26 tháng 8, 2011

CHỈ NHÌN THẤY, Ở THÁI LAN

Tấm biển này đặt ở ngay Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, từ Lào sang Thái Lan, bên sông Mê Kông. Vừa bước chân xuống đất Thái, tấm biển này đã đập vào mắt, khiến ai cũng ngạc nhiên, thích thú và cảm thấy rất bình an vì được "Quân đội bảo vệ". Hình ảnh các nam nữ Quân nhân, đại diện cho các lực lượng Thủy - lục - không quân, cảnh sát rất xinh đẹp, tươi cười với nụ cười, đôi tay chào rất đặc trưng Thái, hình như chỉ có ở Thái Lan và chỉ người Thái mới quan tâm đến mọi cách tiếp thị, giới thiệu du lịch. Lại chạnh buồn khi nghĩ đến du lịch Việt Nam: Bao năm, cứ quanh đi quẩn lại mấy khẩu hiệu - hình ảnh cũ mèm đến thuộc lòng, có khi chỉ 1 hình ảnh PR cho ngành Du lịch, cũng bị kiện lên kiện xuống vì bản quyền ảnh, cuộc sống nhân vật...  Chẳng biết bao giờ mới khá khẩm lên được và khách du lịch đến 1 lần, còn muốn quay thêm lần nữa?. Khách trong nước còn không giữ được, nói gì đến khách ngoài?..

VĂN NGHỆ BỜ HỒ

Mai Tiến Nghị - Tối Chủ nhật, ông bạn “Đếch nói nữa…” lại lò dò sang nhà mình. Sự lạ, khi hắn sang chơi vào cái thời điểm ấy, vì buổi tối, hắn thường bị vợ cấm ra khỏi nhà. 

Vừa vào đến cửa hắn đã bô bô:
- Thủ đô bây giờ vui thật!.

À! Thì ra hắn đi Hà Nội về. Chắc là lên thăm con!… Và sang đây là để khoe với mình về chuyện Thủ Đô.

- Thủ đô thì bao giờ chả vui mà phải khen!.

- Không! Mấy Chủ nhật trước có vui vậy đâu. Tớ vừa xuống xe, đáp xe buýt lên Bờ Hồ, gặp giời mưa, vậy mà thấy múa hát tưng bừng!. Chỗ nào cũng múa hát!. Ngay ở chỗ Bờ Hồ cũng có đến 4-5 đám múa hát rộn ràng!

Điều này thì mình biết vì trên Đài nói là "Múa hát mừng Tết Độc lập". Mình hỏi:

- Chắc là hay lắm nhỉ?.

- Được cái bổ mắt!..

- Sao lại bổ mắt?.

- Thì toàn bọn con gái mặc quần đùi, áo may ô khoe đùi trắng lôm lốp, vú vế thỗn thện như ấm tích, rốn sâu như cái chén… Nhảy như choi choi, mồm uốn éo ngợi ca, ca ngợi… cuộc sống tươi đẹp vững vàng tiến lên thiên đường Chủ nghĩa xã hội… Chả như đám gái quê nhà mình cẳng như cẳng cò, đen như chân trâu, người thẳng đuỗn như cá rô đực, mồm lúc nào cũng quàng quạc chửi chồng!..

Mình phải vội bịt mồm hắn lại: "Đàn bà nó nghe thấy thì chết bây giờ!".

Hắn trợn mắt thì thào:

- Dưng mà... đếch có người xem!. Chỗ nào đông được vài ba chục người. Còn lại diễn cho Giời xem, đất xem. Thế mới lạ!..

Mình trêu: "Vậy mình ông ngắm thoải mái!. Sướng quá còn gì!".

Hắn bảo:

- Đếch chịu được!. Vì mấy cái loa inh tai nhức óc. Loa ở sân khấu. Loa ở ngoài đường. Loa ở trên xe. Loa cầm tay, thi nhau hô trật tự. Cứ như chửi nhau! Mấy lị, đứng xem mà cũng run!..

- Vì sao?.

- Toàn thấy Công an là Công an. Công an áo vàng. Công an áo xanh. Công an Cơ động. Người đeo băng đỏ nhan nhản. Dùi cui nhăm nhăm. Khiếp! Chả nhẽ có mấy đứa con gái mặc quần đùi mà phải huy động lực lượng bảo vệ cẩn thận thế. Lại có cả Công an cầm biển cấm chụp ảnh. Mà ở chỗ Bờ Hồ, trái tim Thủ đô lại cấm chụp ảnh. Định giở điện thoại ra chụp nhưng lại sợ bị bắt!…

- Mình làm gì nên tội mà sợ bị bắt?.

- Thì bị bắt rồi sẽ có tội. Bao giờ mà chả thế. Vậy là mình chuồn!..

"Thật chả ra làm sao. Có vậy mà cũng kể!" - Hắn hình như thấy sự vô duyên của mình, còn cố vớt vát:

- Dưng mà tốn kém quá, lãng phí quá!. Tớ cứ cho rằng mỗi đám hát í vậy, cũng phải mất hàng trăm triệu… tiền sân khấu, buồm bạt, loa máy, diễn viên ăn uống tập luyện, Công an bảo vệ, xe cộ đón đưa… Mươi đám như vậy tốn tiền tỷ chứ chả chơi.

Mà lại đếch có ai xem. Rõ dớ dẩn. Trong khi đó mình ở quê làm bục mặt để đóng thuế cho Nhà nước. Trên cứ hô hào tiết kiệm, tiết kiệm… Thằng dân làm lấm mặt để các ông tiết kiệm kiểu ấy à?..

Thằng này lại bắt đầu chuyển giọng tiêu cực đây. Mình phải giải thích:

- Thì đây là hoạt động chính trị để chào mừng…

Hắn ngắt lời:

- Chào mừng cái gì?. Chào mừng lạm phát tăng vọt à?. Chào mừng giá cả leo thang lên giời à? Chào mừng…

Chợt hắn đưa tay bịt mồm: "Cái mồm!. Cái mồm!. Đếch nói nữa không lại bảo là… Thôi tao về!"

Và hắn đứng dậy... Về!..

25 tháng 8, 2011

CHỮ "NHẪN" TRONG CUỘC ĐỜI ĐẠI TƯỚNG

Mai Thanh Hải Blog - Hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bước qua tuổi 100, ở độ tuổi "xưa nay hiếm" (hôm nay cũng là ngày sinh nhật Nhạc sĩ/ Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo). Nghĩ mãi, chả biết viết gì, bởi với Đại tướng, mọi lời ca ngợi - tung hô đều vô nghĩa và Đại tướng chỉ muốn dung dị, đời thường. Thưa Đại tướng! Chúng con chỉ xin được nói 1 câu "Chúc Đại tướng khỏe", như những lần Đại tướng xuống với bộ đội và cả đoàn quân hô, đến vỡ to lồng ngực và rền vang trong tim: "CHÚC ĐẠI TƯỚNG KHỎE!"...


Xin được đăng lại bài của năm trước, viết về Đại tướng
------------------------------------------------------------------------

Tờ báo mình làm, sáng nay có một bài của GS. Nguyễn Lân Dũng, đặt tên là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức" nhân kỷ niệm  sinh nhật lần thứ 100 của ông. Ngồi ở cuộc họp giao ban, mình ngứa mồm định nói rằng: "Bài này, thực không hiểu là viết về "bác Giáp", về GS Nguyễn Lân "bố tôi", hay viết về chính "tôi"- GS Nguyễn Lân Dũng.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại ngậm miệng, nhẫn đi một tí có lẽ là hơn nhất. Chẳng phải là sự trí nhẫn, mà biểu hiện bên ngoài là sự bình thản, đã giúp Đại tướng thượng thọ trăm tuổi, vượt qua bao cơn "bạo bệnh" đó sao.

100 tuổi. Chỉ có sự bình thản đến ghê gớm của một một bản lĩnh phi thường, hoặc một sự nhẫn nhịn hơn người mới giúp người ta có thể chiến thắng cả thời gian đến như thế.

Tác giả Lê Mai đã viết: "Giữa những ngày chiến tranh cực kỳ khốc liệt, ông vẫn chơi đàn piano. Hình như, âm nhạc làm cân bằng con người ông. Ông đã ngồi đệm đàn đàn piano để Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi hát". Giữa mặt trận, một ông Tổng Tư lệnh đệm đàn cho người Nghệ sỹ nhân dân hát bài hát ngợi ca người lính của mình, thật là một hình ảnh xúc động, hiếm có.

Nhưng có nhiều cuộc chiến không ác liệt bởi súng nổ và máu đổ. Có những điều còn đáng sợ hơn cái chết. Có những kẻ thù còn nguy hiểm hơn kẻ thù ngoài mặt  trận. Mình rất muốn được hỏi ông rằng: "Ông phải ngồi thiền nhiều nhất là khi nào? Thời chiến hay thời bình?".

Đến nay, vẫn còn tồn tại trong dân gian câu chuyện về "bài thơ chữ Nhẫn" mà cứ 10 người thì 9 cho rằng đó là bài thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người còn lại chắc không biết là của ai). Có những câu thế này:


Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn sát nhau.

(Bản phổ thông dùng chữ "tàn hại"- Tại hạ để chữ tàn sát)

Cách đây ít lâu, có người khẳng định đây là bài thơ của Cụ cử Tử An Trần Lê Nhân (1888-1975) người làng Bát tràng đồng soạn giả Cổ học tinh hoa, từng làm quan đốc học tỉnh Hưng Yên. Và bài thơ này sau đó được Giáo sư Trần Văn Hà đọc tặng cho Đại tướng.

Trên tạp chí “Thế giới trong ta”, Giáo sư Trần Văn Hà (người cháu, gọi giáo sư Trần Lê Nhân là bác ruột) đã kể lại trong một dịp đến chúc tết “Thầy Võ" , Giáo sư đã đọc để Đại tướng nghe bài thơ “Nhẫn” này.

Còn Đại tướng khi nghe xong thì vẩn vơ, dáng vẻ trầm ngâm. Nhưng thôi, dù là thơ của ai thì Nhẫn vẫn là một chữ cả đời phải học, dùng trăm năm không cũ, không hết.

Thế đâu là hình ảnh về sự bình thản của ông?.
Đoạn dưới đây trích từ bài viết của nhà báo Huy Đức:

"Tiếng vỗ tay như vỡ tung Cung Hữu Nghị Việt Xô khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn giọng: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch HCM và Bộ Chính Trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”. Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng Tướng Giáp, từ lâu ông đã có 1 gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng, những giọt nước mắt của những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh trên má họ; lăn khi, tiếng vỗ tay vẫn cứ kéo dài. Hôm ấy là ngày 6/5/1994, tại Hà Nội, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.


Bài diễn văn dài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ vỏn vẹn có 59 từ nói về Tướng Giáp, lại được viết rất công thức, “rào đón” bằng cả “Bộ Chính Trị” và “Bác Hồ”. Sở dĩ, chúng có thể tạo ra sự rung động đặc biệt đến vậy, là vì đó là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, cái tên Võ Nguyên Giáp lại  được nhắc đến trong 1 buổi lễ chính thức. Điện Biên Phủ là 1 chiến thắng  “chấn động”, 1 chiến thắng đưa Võ Nguyễn Giáp trở thành 1 bậc tướng huyền thoại. Nhưng, năm 1984, khi chuẩn bị số đặc biệt mừng 30 năm Điện Biên, vào giờ chót, 1 tờ báo lớn đã phải “bóc” hình Tướng Giáp".

Tác giả Lê Mai viết: Năm 1984, giữa lúc thế giới và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ thì người ta giao cho ông Giáp kiêm thêm chức phụ trách Uỷ ban Sinh đẻ có kế hoạch. Việc đó, dù quan trọng, nhưng ai làm cũng được. “Họ” ghen tỵ với tài năng của ông, với hào quang của ông, với sự yêu mến của nhân dân dành cho ông?.
“Họ” muốn viết lại lịch sử, muốn phủ định vai trò của ông? “Họ” bảo, thôi cất cái mũ phớt đi được rồi (ám chỉ hình ảnh Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt, đứng trước hàng quân). “Họ” tâng bốc, đồng chí (….) là Tổng Công trình sư của đường lối đánh Mỹ và là Tổng Tư lệnh trên thực tế. Chỉ một câu đó thôi, đã phủ nhận hai nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhớ lại: Năm 2004, vào dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp hỏi Đại tướng về một trong những nhiệm vụ dân sự mà ông đã đảm nhiệm là Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia Dân số và  sinh đẻ có kế hoạch. Tôi tưởng đấy là câu hỏi "nhạy cảm" nhưng ông cười và trả lời: Chắc có nhiều điều thêu dệt lắm phải không? Thực ra, khi đó, chính anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trực tiếp "nhờ" tôi gánh vác vì theo tập quán Quốc tế, với vấn đề quan trọng này thì phải cấp Thủ tướng phụ trách mà anh Tô quá bận. Đối với tôi, đấy là một nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành...

Mình tin là Sử gia họ Dương đã nói thật. Tin cả câu trả lời của tướng Giáp cũng thật. Nhẫn đã đến độ "Mưa to (coi) như mưa nhỏ. Mưa nhỏ như không mưa" thì quả là đã đạt đến hai chữ TRÍ NHẪN

Liên quan đến quan điểm về chữ nhẫn của Tướng Giáp, trong một cuộc giao lưu gần đây một bạn đọc đã đặt câu hỏi: "Tôi có cảm giác chữ NHẪN xuyên suốt trong Bác Giáp. Nghe nói, Bác Văn luôn khuyên cán bộ dưới quyền phải biết nhẫn, biết kiềm chế?". Bà Võ Hòa Bình, con gái của Tướng Giáp đã trả lời như sau: "Những khi bạn bè, đồng chí, người thân hoặc chính bản thân ông gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy".

Còn Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người mấy chục năm theo Tướng Giáp thì đáp: "Hiểu chữ Nhẫn có rất nhiều cách hiểu. Để mọi người hiểu quan điểm của mình, cần phải thuyết phục và có thời gian. Đấy cũng là Nhẫn. Để thực hiện việc nào đó, cần thuyết phục mọi người để họ hiểu và đi vào hành động, cũng cần thời gian. Đấy cũng là Nhẫn. Trong khoa học, để ra một chính sách một chiến lược về khoa học, có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng để đi tới thống nhất, Đại tướng cũng phải thuyết phục. Đấy cũng là chữ Nhẫn". (Trích đến đây thì mình hết kiên nhẫn trước sự kiên nhẫn của Đại tá Huân trong việc giải thích chữ Nhẫn).

Viết đến đây, mình chợt nhớ là mình đã điện hỏi chị Lương Thị Bích Ngọc, đồng hương Quảng Bình và cũng là người tổ chức buổi giao lưu bên Bee. Chị Ngọc rối lên rằng: "Tế nhị lắm! Phải bỏ nhiều câu hỏi lắm". Lại than: "Giờ tao còn đang run đây!".

Vì sao, đến giờ làm một cái giao lưu trực tuyến tôn vinh người Anh hùng dân tộc, vẫn còn phải ngó trước ngó sau, bỏ cái này thêm cái kia vì "tế nhị" thì quả thực, mình không hiểu được.

Năm 1986, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng phát biểu: "Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý…Trong đấu tranh tư tưởng, có khi một người nào đó bị đánh giá là sai, rồi với thời gian, ý kiến của người đó chịu được thử thách, là đúng thì chúng ta thẳng thắn công nhận cho đúng mức, bằng không sẽ có trường hợp kỳ quặc sau đây: Người đúng luôn luôn phải sai và người sai luôn luôn phải đúng! Một thứ số mệnh rất khó hiểu”.
Bình luận về chuyện này, tác giả Lê Mai viết: Bản lĩnh lớn của ông là ở chỗ, không bao giờ ông thanh minh cho cá nhân mình bất cứ việc gì. Kể cả với những người “xấu chơi”, ông vẫn giữ thái độ hoà nhã, cư xử nhã nhặn. Bởi, tầm văn hoá của ông cao hơn hẳn họ. Cũng có người không đồng ý với ông điểm này, điểm khác, song đặt mình vào hoàn cảnh của ông để mà hành động, thật không đơn giản chút nào. Hành động bao giờ cũng cao hơn mọi lời nói!.

Bài học lịch sử là: Người nào định xoá bỏ lịch sử, người đó sẽ bị lịch sử xoá bỏ! Đó là quy luật!.

Năm nay Vị tướng của nhân dân đã tròn trăm tuổi, nhưng vẫn còn rất nhiều dấu hỏi xung quanh cuộc đời ông. Chẳng hạn, về hồi Mậu Thân, (Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, Mậu Thân là một khoảng trống trong sử liệu), cái hồi mà Hữu Thỉnh viết:

Có trận đánh trở về
Nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát
Thừa đến nỗi những người sống sót
Cũng không nỡ nhận mình là may

Hay câu chuyện Thành Cổ, nơi mà vị Tướng "tiếc đến từng giọt máu của lính" có lẽ đã khóc khi nghe những câu thơ Lê Bá Dương "Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm".

Vì sao hồi Mậu Thân, Tướng Giáp được đưa sang Bungari "nghỉ ngơi"?. Vì sao hồi đánh Thành Cổ, ông lại không được quyết định chiến thuật?... Tất cả đều là những khoảng trống.

Bản thân những gì viết về Tướng Giáp cũng có những "khoảng trống", đến nỗi Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: Thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết.

Đoạn kết dưới đây lấy lại của Nhà báo Huy Đức:

Năm 1975, kết thúc chiến tranh.

Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cho thôi chức Bí thư Quân ủy trung ương, thôi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946.

Năm 1982, ông không còn là Ủy viên Bộ Chính trị.

Năm 1983, ông được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Sinh đẻ có kế hoạch.

Năm 1983, dân gian làm thơ: “Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”.

Cũng trong năm 1983 ấy, ông về quê, thảnh thơi đi bộ ra chợ Tréo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chợt hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe “bún chấm ruốc” từ miệng vị Tướng lẫy lừng, không hiểu sao, òa khóc...

Đào Tuấn

TỔ TRƯỞNG DÂN PHỐ

Đinh Vũ Hoàng Nguyên (tiếp theo Phần 2) - Hoan Xồm tuổi khoảng bốn mươi, là cháu gọi vợ ông Cứ bằng cô ruột, nhà cũng ở khu dưới. Vợ ông Cứ mất đã 7-8 năm, nhưng gã này với ông Cứ vẫn qua lại thân tình.

Ngày trước Hoan Xồm đi tù về, hai vợ chồng nghèo tướp, ông Cứ liền xin cho đi học lái xe. Vài năm gần đây, Hoan Xồm lái xe tải chạy mấy tỉnh phía Bắc, xem ra tiền nong rủng rỉnh, xây được nhà. Thỉnh thoảng xe tải của gã dừng trước ngõ để dỡ hàng. Có lúc hàng chất thành đống to, gã hô lũ trẻ con bọn mình bê vào nhà cho gã. Bê xong, gã phát cho mỗi thằng ba nghìn.

Dạo ông Xích đang vận động mọi người trong khu bầu mình làm tổ trưởng, ông Cứ nói với Hoan Xồm:

- Báu gì cái chức mõ chả ra mõ, lý chả ra lý. Trước là tổ trưởng mỗi khu dưới nó dễ. Dân xóm đành rằng máu chó, nhưng tính từng người mình biết, nói phải là nhà nào cũng nghe. Giờ thêm cả cái khu trên!.

Mà tao ngại nhất dây với mấy lão về hưu! Hôm tao lên thu tiền làm cỗ Trung thu cho bọn trẻ con, mỗi hộ góp năm trăm.

Có cái lão nhà trên đó bảo tao: "Xét ở quan điểm của thực hữu luận, cái con khỉ gì gì… thì trẻ em là quyền lực của thế hệ thứ ba, nhân loại tiến bộ xác lập những quyền không thể chối cãi của trẻ em là…. ". Tao bảo “Tôi chỉ lên thu mỗi hộ năm trăm”.

Lão ấy bảo: “Vấn đề không phải là tiền, mà tôi muốn biết những người sử dụng đồng tiền ấy có hiểu rõ về mục đích hướng trẻ em tới quyền tham gia tới các giá trị cộng đồng hay không?”.

Thế là tao nói: “Hôm nào tổ chức Trung thu cho bọn trẻ, danh sách những hộ nào đóng tiền sẽ có trên bảng tin, nhà bác không đóng thì thôi. Trẻ con bây giờ nó tinh, ai tốt với nó nó biết!”, rồi về. Nhưng cái lão ấy chập, chứ mà biết điều, hôm sau lại mang tiền xuống nhà tao nộp.

Hoan Xồm bảo:

- Cháu lạ gì mấy lão trí thức về hưu, cứ ra điều ta đây cống hiến này nọ. Nên giờ làm thì đéo làm, nhưng lý luận đầy mình!

- Mà lại còn có tay, tao thông báo đi họp Tổ Dân phố, thế là tay ấy bảo từ trước đến nay hắn chỉ đi họp nếu có giấy mời đàng hoàng, còn không có giấy mời thì miễn dự. Có lộn mề không?.

Tao nghe cái con mụ Thấn nó chửi ra rả hàng sáng, cũng không mệt bằng gặp mấy cái lão cựu cán bộ ấy. Còn cái nhà ông Xích mà thích làm Tổ trưởng thì tao nhường ngay, tao còn cảm ơn, chứ việc gì phải đi vận động!..

- Cậu không được nhường!.

- Sao lại không nhường?.
- Cậu làm Tổ trưởng lâu năm, ai người ta cũng tin. Ngay cái con mụ Thấn bị động đực kinh niên chửi chả chừa ai, cũng chưa bao giờ chửi cậu. Mà cháu đây, đi buôn hàng biên giới, thỉnh thoảng cũng phải đánh xe về qua nhà đổ hàng.

Cái lão Xích mà làm tổ trưởng, nhỡ nó lên cơn hoắng, nó suốt ngày hoạnh họe xe đỗ sai qui định, hay hàng mình bốc xuống nó chim cú chim lợn… Sợ thì cháu chả sợ, nhưng rách việc!.

Mà cái loại người hèn và bẩn như lão Xích, đôi khi nó thèm thấy thằng khác chết còn hơn cả thèm tiền. Nên cậu không nhường được!..

- Hóa ra mày xúi tao tiếp tay cho mày buôn lậu à?.

- Ngày xưa cháu chỉ biết đi tù, giờ mới kiếm được cái nghề đi buôn. Tròn méo gì thì cũng là nghề! Mà thực ra, cháu làm việc này là chung tay cùng nhà nước, phục vụ đời sống nhân dân. Cậu làm Tổ trưởng thì cháu yên tâm phục vụ nhân dân hơn. Cậu phải nghĩ thoáng thoáng thế chứ!.

Thế rồi lần ấy ông Cứ ra ứng cử.

(Còn tiếp)





24 tháng 8, 2011

GẶP MẶT CÁC CỰU CHIẾN BINH THAM GIA TRẬN HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA 14/3/1988

Mai Thanh Hải Blog - Các bạn Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa nhờ mình thông báo về Chương trình "Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội", sẽ tổ chức đầu tháng 9/2011, tại TP. Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên, những người lính đã tham gia trận hải chiến Trường Sa 14/3/1988, bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sagặp lại nhau và kể lại diễn biến vụ việc...

Mình thấy đây là hoạt động rất bổ ích và đáng quan tâm. Mong mọi người động viên, ủng hộ những người trẻ, đã có những hành động thiết thực giữ gìn chủ quyền biển đảo.
-----------------------------------------------------------------

TTDL Hoàng Sa trân trọng gửi đến bạn Thư ngỏ chương trình “Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội” mà chúng tôi đang thực hiện trong tháng này. Mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn.

Để xem thông tin chi tiết, tiến độ thực hiện cùng các hoạt động liên quan bạn có thể truy cập tại đây:

http://vongtronbattu.hoangsa.org/ (các hoạt động tri ân)
http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=61090 (chương trình 2.9.2011)

Nội dung thư ngỏ:

    Thư ngỏ chương trình
“Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội”

“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng”

Hơn 20 năm trước, có những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng đã hiên ngang chống chọi lại kẻ thù tàn bạo với tham vọng bành trướng ngàn năm, trong một cuộc chiến không cân sức. Người nằm xuống hòa dòng máu đào vào đất mẹ, biển cha; người còn sống mang trở về những câu chuyện về đời yêu, đời
lính, và giờ thêm cả những câu chuyện về đời thường.

Thời gian dù qua nhanh đến đâu, cuộc sống dù vất vả thế nào thì cũng không làm nguôi được nỗi nhớ đến những người đồng đội - những người chung ý chí, cùng thề sống chết giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Đã có nhiều cuộc gặp mặt như thế diễn ra trên khắp nơi trên dải đất Việt Nam.

Tiếp tục chuỗi chương trình “Vòng tròn bất tử - Tri ân chiến sỹ” mà Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa HoangSa.Org đã thực hiện từ tháng 7/2009 đến nay, chúng tôi dự định tổ chức buổi gặp mặt tất cả những cựu chiến binh đã tham gia hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. Mỗi người một số phận, một miền đất nước, và chưa bao giờ có cơ hội gặp nhau sau 23 năm. Chương trình mong là cầu nối, để những người chiến sỹ
Hải quân năm xưa được gặp lại nhau, cùng nhau kể lại ngày đau thương của Hoàng Sa – Trường Sa và gửi gắm niềm tin của mình vào thế hệ đang tiếp bước bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước; dẫu người gửi máu xương lại đảo xa, nhiều hơn nhiều lắm người trở về.

Chương trình dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 02/09/2011 tại Khu du lịch Suối Lương - Đà Nẵng; và để thực hiện được chương trình này, chúng tôi cần sự giúp đỡ của tất cả các bạn. Chúng tôi mong rằng mình sẽ chiếc cầu nối đưa các bạn đến với lịch sử, và chính các bạn sẽ là người đi trên lịch sử và làm nên những điều tốt đẹp hơn.

Dự kiến chi phí cho chương trình:

Chi phí dự kiến:
- Chi phí đi lại: 20.000.000 ( Khoảng 27 khách mời)
- Chi phí sinh hoạt: 300.000/người/ngày x 27 ( người) x 2 ( ngày) = 16.200.000
- Quà lưu niệm: 100.000 x 27 = 2.700.000

Tổng: 38.900.000
Chi phí phát sinh dự trù: 10% x 38.900.000 = 3.890.000
Tổng cộng: 42.790.000 ( Bốn mươi hai triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng)

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

- Paypal của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa: http://hoangsa.org/forum/donate.php
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Bến Thành
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Đài Trang
Số tài khoản: 0331003946764
Swift code: BFTVVNVX 00

Sau khi chuyển khoản các bạn vui lòng gửi email xác nhận về địa chỉ: info@hoangsa.org

Tiêu đề: Hỗ trợ buổi gặp mặt các gia đình thương binh - liệt sỹ CQ 88
Số tài khoản - ngân hàng chuyển khoản:
Chủ tài khoản:
Ngày chuyển khoản:
Số tiền:

Lưu ý:

- Tổng chi phí nêu ở trên không bao gồm chi phí của các thành viên Ban tổ chức.
- Trong trường hợp còn tiền sẽ được bổ sung vào quỹ để tiếp tục hoạt động tri ân chiến sỹ tại địa phương khác.

Các hoạt động dự kiến:

- Giao lưu gặp mặt giữa cựu chiến binh - khách mời - thành viên và trực tuyến với bạn đọc
- Tham quan du lịch TP Đà Nẵng

Rất mong nhận được sự giúp đỡ các bạn.

Xin chân thành cám ơn!


Ban Tổ chức chương trình
Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa

HoangSa.Org

PR CHO CU PHÁT

Dành 1 Entry PR cho Cu em mình. Nói là "Cu em" bởi tự nhận là "Cu" (Cu làng cát) và là em của mình. Sinh ra, lớn lên và đang làm việc ở tận miền Trung, nhưng bài viết thì phủ sóng trên toàn thế giớ, toàn việc nhớn. Rất kinh!. Hi! Hi!..

Vài lời của Cu

"Culangcat sống trong môi trường blog chưa đầy một năm.

Hồi đầu thấy cái yahoo 360plus xài được, nhưng càng xài càng cà dựt

lại có khi hư trêu ngươi, đứng tim vì pos bài, lại có khi như ngọn đèn treo trước gió.

Chưa lên một tuổi nhưng đành giã từ, qua địa chỉ mới này, mong bà con ủng hộ.

http://culangcat.blogspot.com/"

"NHÀ NƯỚC NÀO THÈM ĂN BỚT"...

Đinh Vũ Hoàng Nguyên  (tiếp Phần 1)- Ông Cứ đi thu tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Qua nhà Hồng Cối bán bún chả, vợ Cối nói:

- Đóng thì cháu chả tiếc - Vợ Hồng Cối nhặt ba tờ năm trăm trong ngăn bàn: Nhưng chả hiểu mình đóng thế này có đến tay người cần nhận hay không, hay mà lại bị ăn chặn?.

- Tức là mày bảo tao ăn chặn à?

- Cháu không nói chú, chú ở đây thế nào ai chả biết! Cháu nói là nói cái bọn Nhà nước ý, nó ăn bớt!.

- Này! Này! Bọn nào là bọn Nhà nước? Mày ngồi bán hàng ở đây, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Nhà nước có thương mày, nên mày mới có chỗ mà ngồi. Chứ mà Nhà nước làm nghiêm thì vợ chồng mày bắn xới lâu rồi. Mà tiền nhà mày đóng, chẳng qua mua được mấy gói mì tôm, Nhà nước nào thèm ăn bớt!.

- Thì cháu cứ nói thế! Không đúng thì thôi!. – Vợ Hồng Cối cười giả lả, kiểu cười trừ.

Hồng Cối mắng vợ:

- Con đĩ này, câm! Cái loại mày cứ mở mồm là ăn nói bậy bạ, có hôm ông vả cho mấy chưởng, gẫy mẹ nó hàm đừng có kêu! – Quay sang ông Cứ, Hồng Cối cười: Cụ tổ trưởng đừng chấp! Con vợ cháu đang mọc răng khôn, nó ngứa, nên hay nói cùn!..

- Tao mà thèm chấp chúng mày!!!. Mà mày cũng chừa cái thói vũ phu đi? Mày mà còn tẩn vợ, có ngày tao đưa lên Phường. Đây! Sổ đây! Ký đi!.

Ông Cứ đi tiếp đến nhà mụ Thấn. Lão Thông nộp một nghìn. Mụ Thấn từ trong nhà loe xoe chạy ra, ngó quyển sổ trên tay ông Cứ, rồi quát lão Thông:

- Đóng thêm một nghìn hai nữa! – Mụ Thấn quay sang ông Cứ nói: Bác ghi cho nhà em đóng tổng cộng là hai nghìn hai!.

- Sao hôm nay đóng nhiều thế?.

- Thì nhà cái con mẹ Đểnh đóng hai nghìn, nhà em lại thua nó chắc!.

- Ơ! Thế nhà này định đóng tiền ủng hộ đồng bào, hay thi tiền với nhà bà Đểnh? Mà này, đóng vào rồi là không có rút lại đâu nhé!.

- Bác coi thường nhà em thế!. Mà tổ sư thằng giời! Mày làm mưa bão lũ lụt, để nhân dân miền Trung phải khổ sở. Mày hú hí trong háng vợ nên mới đui mới mù…. Giời đánh thánh vật cả họ hàng hang hốc nhà mày…

- Thôi thôi, thôi! Để dành bài này sáng mai mà chửi! Tôi đi đây!

- Vâng, nhà bác đi ạ!... Mày cứ rúc đầu hú hí nữa đi! Rồi có ngày giời đánh thánh vật họ hàng hang hốc nhà… mày…

Lão Thông ngồi đấy, bảo:

- Hôm nay bà chửi đích danh giời. Mà bà lại còn “giời đánh thánh vật”, thì hóa giời đánh giời à?

- Thì thì… thì! Bà nhầm, mà mày biết vợ mày nhầm mà mày không nhắc sơm sớm… Mà giời có tự nó đánh nó thì cũng chẳng phải việc của mày.

Rời nhà mụ Thấn, ông Cứ qua nhà Hoan Xồm. Gã này đóng mười lăm nghìn. Ông Cứ nói:

- Mai tao tuyên dương mày trên bảng tin của Khu!.

Hoan Xồm hềnh hệch, bảo:

- Cháu đéo cần! Cậu đừng ghi tên cháu lên, kẻo lại có đứa ghen ăn tức ở!..

(Còn nữa)
------------------------------------------------------------------------------
* Tít bài viết được Mai Thanh Hải Blog thay đổi.

Hình ảnh trong bài viết chỉ có tính chất minh họa và lấy nguồn từ anh Gúc.

23 tháng 8, 2011

Ở SÀI GÒN

Đàm Hà Phú - Tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu. Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ. Vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì.

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta thương nó bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.

Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991, trên một cái xe cấp cứu. Không phải xe chở tôi, là tôi quá giang xe cấp cứu chở một bệnh nhân viêm màng não từ bệnh viện Khánh Hòa chuyển viện vào Chợ Rẫy.

Tôi nhớ như in khi người tài xế lần đầu vào Sài Gòn đã đi vào đường một chiều và bị hàng loạt xe gắn máy suýt đụng phải. Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn 2 chỉ vàng trên tay để nhét vô vớ vì nghe nói cướp ở Sài gòn sẳn sàng chặt tay bạn chỉ để cướp một chỉ vàng.

Ngày đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là Sài Gòn quá lớn và quá đông.

Tới bây giờ, ấn tượng của tôi cũng vẫn là Sài Gòn quá lớn và quá đông.

Sài Gòn lớn. Tôi đồ nó phải lớn hơn cả Singapore hay HongKong. Từ ruộng đồng Hóc Môn ra đến biển Cần Giờ, từ vườn cây Thủ Đức mút đến miệt Bình Chánh xa xôi. Ở đâu cũng là đất Sài Gòn.

Câu nói ấn tượng nhất về Sài Gòn tôi nghe từ một ông già đã 40 năm chạy xe xích lô: “Không thằng nào dám vỗ ngực nói mình biết hết đất Sài Gòn”.

Sài Gòn đông. Ngoài đường, trong chợ, hàng quán…đều ngùn ngụt người. Từ khu Chợ Lớn đầy người Hoa nói tiếng Hoa đến khu Dân Sinh kiếm cái gì cũng có, mà không có người ta cũng kiếm cho bằng được.

Từ những đường phố luôn tấp nập người xe đến những cái chợ bán buôn thâu đêm suốt sáng. Đâu đâu cũng đầy người, càng ngày càng đông. Tôi dám cá rằng hơn phân nửa số người bạn gặp ở Sài Gòn đều không phải là người Sài gòn chính gốc. Như tôi.

Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.

Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng, đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác.

Từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này.

Ở Sài Gòn, bạn hay chứng kiến những tai nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên, nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, mạnh ai nấy đi, thậm chí họ cũng chẳng nhìn nhau.

Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái ví lòi ở túi quần sau.

Ở Sài Gòn, bạn dễ thấy những quán xá tạm bợ và tối giản đến không ngờ, nhiều quán cà phê chỉ với một cái lon bò húc làm biểu tượng vậy mà một ngày bán không dưới 300 ly café bằng cách bưng đến tận nơi.

Có một xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối mà doanh thu hằng ngày lên đến cả chục triệu.

Có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè mà sau ba năm đã mua được căn nhà mặt tiền to vật ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình.

Ở Sài Gòn có nhiều bạn trẻ mặc đồ như tây, ngồi ở café máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi uống café cóc ở vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc cho thuê.

Ở Sài Gòn bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, người ta có thể mua cùng một món đồ với giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy.

Có nhiều nữa, nhiều thứ nữa ở Sài Gòn mà tôi muốn viết mà vẫn không viết được, tôi xin kết bằng một câu chuyện nhỏ, của tôi.
Công việc đầu tiên mà tôi làm để sinh nhai ở đất Sài Gòn này là làm bốc xếp ở cảng. Một bữa tối nọ, chừng hơn mười giờ, trời mưa lớn, tôi đạp xe từ cảng về sau ca làm. Đói, lạnh và mệt làm tôi lả đi, tôi tấp đại xe đạp vào một mái hiên và ngồi bệt xuống, ngủ thiếp đi.

Đột nhiên tôi chợt thức vì tiếng cửa sắt kéo ra, một người phụ nữ mở cửa và hỏi thăm tôi bằng giọng nam bộ rất phúc hậu. Bà mở rộng cánh cửa cho tôi vào, bà đưa cho tôi một cái áo để thay và chỉ ít phút sau, bà lại xuất hiện với một tô mì gói nghi ngút khói, có cả mấy cọng ngò. Bà chỉ nói gọn: “Ăn dzô là phẻ liền hà”. Mà thiệt tình, ăn hết tô mì tự nhiên tôi thấy “phẻ” quá, có lẽ vì từ đó, tôi không nghĩ mình có thể sống ở đâu tốt hơn mảnh đất này. Tôi “phẻ” luôn từ đó đến giờ.

Tôi chịu không thể nhớ căn nhà ấy, nó nằm đâu đó trên đường Lý Chính Thắng. Tôi cũng chịu, không nhớ nổi gương mặt người đàn bà ấy, như mọi người đàn bà ở thành phố này. Bạn đừng nói tôi vô ơn.

Ở Sài Gòn, nói chuyện đó chỉ nhận được một cái khoát tay và câu trả lời trớt quớt: “Bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi!”.

Rồi tôi cũng giúp một người khác như thế, rồi tôi cũng nói giọng Sài Gòn, tôi cũng khoát tay khi người ta cảm ơn: “Bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi!”.

Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Vậy đó!..

ĐỘC TÀI

Tác giả Huy Đức
Quê choa  - Đại hội Đảng XI đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư từ tháng Giêng năm 2011. Nhưng, nhân sự chủ chốt đều đã được quyết định từ ngày 22-12-2010, bởi Hội nghị 14 của Trung ương khóa trước.
Cũng như các tân Tổng Bí thư, ông Trọng chỉ có thể thay đổi cán cân quyền lực khi chuyển dịch được một số vị trí chủ chốt trong Chính phủ và trong các Ban của Đảng.

 Trong gần 7 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Trọng vừa là Chủ tịch Quốc hội, vừa là Tổng Bí thư. Quốc hội Khóa XII khi ấy vẫn còn 2 Kỳ họp và người từng đề nghị thành lập Ủy ban Điều tra độc lập vẫn đang là Phó Chủ nhiệm một Ủy ban. Đặc biệt, với cương vị Bí thư Đảng Đoàn, ông Trọng có gần như toàn quyền để cấu trúc một Quốc hội có thể giám sát từng bước đi của Chính phủ. Chỉ cần ông tái đề cử những Đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông… thì thông điệp chính trị mà cử tri và Thủ tướng nhận được từ ông sẽ là mạnh mẽ.

 Rất tiếc, cũng như những nhiệm kỳ trước, chỉ có 33,4% số Đại biểu Khóa XII được đưa vào Quốc hội Khóa XIII. Những cán bộ được Đảng cử đi làm Đại biểu của dân, sau một nhiệm kỳ nghe tranh luận và tham gia tranh luận công khai, kỹ năng đại biểu vừa mới nhích lên đã bị cho về hưu hoặc chuyển đi làm việc khác. Năng lực lập pháp và giám sát bị thất thoát. Công việc phê chuẩn nhân sự Chính phủ lại phải đặt vào tay của những người lần đầu đặt chân tới nghị trường. Những gì mà trong Trung ương, trong Bộ Chính trị không tiện nói với nhau cũng không có cơ hội được nói ra trong cơ quan dân cử.

 Ngày 11-7-2011, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Bùi Quang Bền được điều ra làm Thứ trưởng Bộ Công an. Ngày 7-8-2011, một cựu Bí thư khác của Kiên Giang, Đại tướng Lê Hồng Anh, được điều sang Thường trực Ban Bí thư. Đành rằng về lý thuyết, trong Đảng không có bè cánh, cục bộ địa phương. Nhưng, nhìn “đội hình” ấy không ít người băn khoăn về vai trò của Tổng Bí thư mà ông Trọng đang nắm giữ.

 Những người quan sát ông Nguyễn Phú Trọng từ khi đang là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản không bất ngờ lắm khi ông bỏ qua những cơ hội này. Nhưng, nhiều người vẫn kỳ vọng vì ông là một trong hai người trong “tứ trụ” có đời sống cá nhân khả kính.

Chủ tịch Trương Tấn Sang không ít lần từ chối cám dỗ biệt thự Phùng Khắc Khoan để giữ căn phố lầu xây trên nền đất 4x16m ở Thạch Thị Thanh mà ông được cấp từ hồi làm Bí thư Huyện ủy. Nhiều nhà lãnh đạo tỉnh rất cảm kích trước cái cách mà ông Nguyễn Phú Trọng tế nhị trả lại quà cáp, phong bì.

Hai con của Tổng Bí thư hầu như không có điều tiếng “cậy thế, cậy quyền” còn vợ ông thì được những người gần gũi mô tả như là một phu nhân mẫu mực. Nhưng, Đảng Cộng sản, mà ông đứng đầu, đang là một Đảng cầm quyền. Sự liêm chính là cần thiết, nhưng vai trò của ông không chỉ là để bảo vệ thanh danh của một cá nhân.

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đi từ một nền độc tài tập thể sang độc tài cá nhân. Nếu để cho điều đó xảy ra thì sẽ là thảm họa cho cả dân và Đảng.

Hãy về từng xóm, từng thôn, gặp những người dân phải bán ruộng để tìm đường cho con thoát khỏi sự bế tắc ở nông thôn, kể cả để được vào học ở các trường của Quân đội, Công an…, mới thấy tương lai trong sạch của chính quyền là vô vọng. Công lý đang là một thứ rất xa xỉ với thường dân. Hãy về các tỉnh để coi chủ nhân những căn nhà to đẹp nhất là ai.

Chi phí tham nhũng nằm ở trong ký thịt, mớ rau. Chi phí tham nhũng đang lấy hết lợi nhuận của các nhà đầu tư. Nhiều tên tuổi lớn đang phải xoay xở để có được những khoản vay đảo nợ và vay để trả lãi ngân hàng; có không ít đại gia đã thực sự “chết lâm sàng”; tiền bạc vẫn vào túi quan tham, trong khi những người làm ăn chân chính thì chỉ mong giữ vốn.

“Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Không có nền độc tài nào có thể giúp cho một quốc gia phát triển lâu bền. Phải lựa chọn cho Việt Nam một mô hình mà quyền lực nhà nước được kiểm soát để những kẻ tha hóa khó có thể tồn tại. Việt Nam không thể mời Bill Clinton, hay Tony Blair… về lãnh đạo như mời các huấn luyện viên bóng đá cho đội tuyển quốc gia.

Nhưng đừng lấy lý do khác biệt về văn hóa để không tiếp thu những thành quả mà trí tuệ loài người xưa nay đúc kết. Loay hoay cải tiến cái mô hình nhà nước đã thất bại ở nhiều nơi cũng giống như năm 2003, khi thế giới chuẩn bị xuất xưởng Boing 7E7, Airbus 380, Việt Nam vẫn loay hoay chắp vá từ những mảnh máy bay cũ của Liên xô để ráp những chiếc Vam I, Vam II, bay được 45 phút rồi để 6-7 năm nằm đắp chiếu.

Hãy nắm lấy cơ hội sửa đổi Hiến pháp 1992, không chỉ để cứu vãn tình thế của Đảng hiện nay mà còn đem lại chút hy vọng vào tương lai Dân tộc.

Có rất ít người tin vào khả năng tự thay đổi của Chính quyền Cộng sản. Nhưng cũng có không ít người sợ hãi cách mạng sau những gì mà họ đã chịu đựng kể từ năm 1945. Những người nổi dậy đã vào đến Thủ đô Tripoli nhưng Lybia cũng phải trải qua nhiều tháng trong chiến tranh, hàng ngàn người chịu thương vong và con đường phân chia quyền lực phía trước cũng có thể còn nhiều đau đớn.

Sự mỏi mệt của nhân dân cũng có thể coi như là một cơ hội của Chính quyền, nên tìm một lối thoát cho cả hai bằng một tiến trình cải cách. Trước khi Quốc hội thay thế bản Hiến pháp hiện thời và Đảng dân chủ hơn trong cách chọn người. Sự liêm chính của cá nhân Tổng Bí thư phải giúp đánh thức lương tri các đồng chí của ông, phải trở thành sức mạnh chính trị để hạn chế sự lộng quyền trong Đảng.

 Trước khi các nhánh quyền lực nhà nước có thể kiểm soát nhau một cách chính danh. Sự phân công trong Đảng cũng có thể tránh được độc tài cá nhân: Người nắm quyền lực kinh tế thì không được dính dáng tới Quốc phòng, An ninh; người nắm Quân đội, Công an thì không có trong tay báo chí, Quốc hội và các đoàn thể.

Đành rằng, Đảng lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Bộ Chính trị sẽ bàn bạc và quyết định tập thể, nhưng tiền bạc và sự sợ hãi cũng có khả năng chi phối các lá phiếu.

Người dân còn xuống đường để biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc là còn kỳ vọng vào Chính quyền Việt Nam. Đừng để sự phẫn uất khiến họ quay lưng. Chính quyền độc tài nào cũng cần sự trung thành của Quân đội và An ninh. Nhưng, ngay cả chính quyền độc tài thì cũng cần dân.

Đừng quá sợ hãi các “thế lực thù địch” mà sợ luôn cả nhân dân. Ngay cả các vụ án Chính trị thì Chính trị cũng phải đứng trên An ninh chứ không phải là ngược lại. Đừng nghĩ lấy lại được vài lô đất của nhà thờ là thành công. Điều Chính quyền cần là giáo dân, là sự đoàn kết quốc gia, chứ không phải là vài thầy tu dễ bảo.

 Cơ quan điều tra thì có quyền bắt người, nhưng phải để cho Viện Kiểm sát cân nhắc trước khi phê chuẩn và hãy để Luật sư làm tròn bổn phận. Ngay cả bị cáo là Cù Huy Hà Vũ, thì cũng phải để cho Tòa án độc lập, nếu tòa thấy vô tội thì phải để Tòa trả tự do. Tuyên giáo cũng phải cân nhắc chính trị trước các yêu cầu của cơ quan Công an. Đừng vì áp lực mà để cho các công cụ truyền thông nhà nước trở nên lố bịch.

Chính quyền có hơn 700 tờ báo, có VTV, nhưng người dân cũng có internet. Không giống Bắc Triều Tiên, Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người có thể tiếp cận với những tiếng nói đa chiều. Đảng chỉ có thể gặt hái được lợi ích Chính trị khi công lý chiến thắng, chứ không phải cứ nhất định là cơ quan điều tra chiến thắng.

Huy Đức (Nguồn: Quê Choa Blog)

NGHỆ THUẬT LÀM QUEN VỚI BẠN GÁI

Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Cách đây khoảng chục năm, mình lúc ấy tiệm cận tuổi ba mươi. Mình là con một, nên ông bà già cũng muốn mình lấy vợ. Nhưng chờ mãi, hai cụ cũng chẳng thấy mình đem cô nào về ra mắt.

Bà bác mình nói với ông bà già mình: “Thằng này có khi dát quá, nên không biết cưa gái!”. Ông bà già mình bảo: “Chả biết nữa!”

Thế rồi có lần bà bác đi hiệu sách, thấy ở đó có bày quyển Nghệ thuật làm quen với bạn gái, bà mới mua về tặng mình. Bà nói: “Chứ mà mày dát, là vì mày không biết cách nói chuyện, không có kinh nghiệm tán gái. Đọc những quyển thế này người ta hướng dẫn cho, sau có gặp con gái cũng đỡ lắp bắp…”

Bác mình nhiệt thành thế thì đương nhiên mình cảm ơn. Nhận xong, mình cất trong đống sách lộn, cũng chẳng mở xem lần nào.

Thế rồi gần chục năm sau, mình cũng lấy vợ.

Một lần, vợ mình lục lọi đống sách cũ, thấy cái quyển Nghệ thuật làm quen với bạn gái này. Vợ mình lật xem mấy trang, mặt tự nhiên thẩn thẩn. Thế rồi vợ mình nói:

- Em mới đọc có mấy trang cái quyển này, tự nhiên đối chiếu lại mình, thấy mình nhẹ dạ quá!

- Nhẹ dạ là sao?

- Thì đây nhé, trong sách này người ta nói: “Khi tiếp cận một đối tượng nữ, nhất thiết lời ăn tiếng nói của bạn phải lịch sự, từ tốn, hòa nhã, và tuyệt đối không văng tục”. Thế mà ngày xưa, từ một đứa cả đời chưa bao giờ nói bậy là em, đi với anh ba hôm, em bị nhiễm cái tật văng “Đéo”!.

- Thế là tội của anh à?
-  Lại còn không nữa?. Đây này, sách này họ lại còn viết: “Trước khi đi gặp bạn gái, có thể bạn nên đánh răng, hơi thở thơm tho sẽ tăng sự thiện cảm ở bạn gái” – Đọc xong, vợ nói tiếp – Đi chơi cùng em, chả biết trước lúc đi anh có đánh răng không. Nhưng có lần anh đợi em dưới nhà, em thấy anh băm bổ chạy ra xin thuốc lào mấy ông đang đánh cờ, rít sọc sọc, mồm hôi mù!.

Vợ lại mở sách đọc:

- “Về trang phục đương nhiên bạn phải chỉn chu, tốt nhất bạn nên bỏ áo trong quần, trang phục của bạn đứng đắn sẽ làm bạn gái sớm trao gửi sự tin tưởng”. Trong khi anh đến gặp em, lúc nào cũng nghễu nghện cái quần đùi. Em hỏi: "Tại sao đi với em, anh toàn mặc quần đùi thế?", thì anh bảo: “Để lúc nào tụt, nó nhanh!”.

- Rồi sao nữa?

- Sách họ nói: “Để bày tỏ tình cảm với bạn gái, bạn có thể chọn hình thức viết thư, trong thư bạn nên lồng tình cảm của mình trong các biểu hiện thiên nhiên, như mây mưa gió lá trăng sao…, lời lẽ sẽ bay bổng hơn. Bạn cũng có thể trích một số đoạn của nhạc Trịnh Công Sơn trong lời thư..." - Đây này, họ viết mẫu đây này: “Dù ở nơi xa xăm này anh vẫn từng đêm âm thầm ru: Ngủ đi em đôi môi lửa cháy /Ngủ đi em mi cong cỏ mượt…” - Đấy, sách hướng dẫn thế. Trong khi hồi yêu anh, em đi công tác, về nhà nhận được mẩu giấy. Mở ra, thấy ghi: “Đồ ngu, anh yêu em!”.

Mình nghe vợ kể một thôi, chả biết nói gì! Một lát, vợ nói tiếp:

- Cái quyển này là quyển Nghệ thuật làm quen với bạn gái. Em mới đọc có ba trang, đã thấy ngày xưa mình hố quá. Chả được hưởng tí nghệ thuật làm quen nào vẫn đâm đầu lấy anh. Giờ mà đọc hết quyển này nữa, đối chiếu lại hồi ấy, khéo em đập đầu tự tử, vì uất!!!.

TÌNH YÊU THỜI XỊT LỐP

Nàng đang đi chợ, xe bỗng xịt lốp.Vào hàng vá xe, nàng choáng váng gặp lại người tình cũ thời sinh viên.

Chàng vẫn vậy, phong trần, nam tính và hấp dẫn. Giờ làm chủ tiệm vá xe.

Kỷ niệm cũ ùa về trong nàng: Ngày xưa, 2 người yêu nhau lắm. Nhưng vì chút hiểu lầm. Nên chia tay.

Nàng giờ đã chồng con đề huề. Còn chàng vẫn lãng tử.

Vá xe xong, nàng ra về, lòng ngổn ngang.

Tối đó, đang xem tivi cùng chồng, nàng bảo: "Em sang nhà ngoại, sáng mai về!". Vẫn dán mắt vào tivi, chồng dặn với: "Sáng mai về sớm em nhé!".

Nàng đi như bay ra khỏi nhà. Đến nhà chàng vá xe. Nhưng hồi hộp. Chỉ dám núp gốc cây nhìn vào.

Và, thật bất ngờ.

Dưới ánh trăng vàng. Lung linh mơ màng.

Chàng mở cửa. Bước líu ríu về phía nàng.
Tim nàng đập rộn ràng. Chàng như cảm nhận được. Tiến về phía gốc cây, nơi nàng đứng.

Và rồi

Dưới ánh trăng vàng. Lung linh mơ màng.

Nàng thấy. Chàng đang... RẢI ĐINH RA ĐƯỜNG

Những cái đinh nhọn hoắt. Chĩa lên trời.

Dưới ánh trăng vàng. Lung linh mơ màng.

(Nguồn: Tuân Phẹt)

"ÔNG LÊ NIN Ở NƯỚC NGA"...

Mai Thanh Hải Blog - Mình là mình phục và thần tượng Ông Lê Nin lắm.

Ngay từ hồi bé, còn đi học Trường làng, cái bọn chíp hôi thò lò mũi xanh, quần rách lòi cả chim, hở hết mông chúng mình, đã phải gân cổ ê a cắm mặt vào sách giáo khoa, vừa gào như con vẹt vừa sụt sịt quệt nước mắt nước mũi, dưới tiếng "cộc cộc" từ cái thước to đùng của cô giáo, gõ xuống bàn, báo hiệu "bắt đầu đọc/ xuống hàng":  

"Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Cũng vầng trán rộng thênh thang
Y như trán Bác mênh mang đất trời

Cũng đôi mắt đẹp sáng ngời

Y như mắt Bác đang cười với em
Cũng yêu các cháu thiếu niên
Y như tình cảm thiêng liêng Bác Hồ.


Ông Lê nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam".


Bài thơ này có tên là "Ông Lê Nin" và hình như là của Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đọc xong bài này, tụi mình phục luôn cả tác giả Trần Đăng Khoa, quá là... "thần đồng".

Đọc nhiều, nghe nhiều - càng phục, càng thần tượng nên mình không thích, và... ghét ai đó, cứ nói khác về "Ông Lê Nin của mình", ví như: "Lê Nin đang ở nước Nga/ Đánh đùng một cái ông ra nước ngoài/ Lê Nin đang ở nước ngoài/ Đánh đùng một cái ông nhoài về Nga"...

Hoặc nói chuyện Ông Lê Nin có tượng ở Hà Nội, đối diện Đại Sứ quán Trung Quốc (dạo này, cứ sáng Chủ nhật, chỗ Ông đứng, toàn được các chú Công an căng hàng rào, đuổi người tập thể dục vươn thở, mấy đôi lứa không có tiền vào nhà nghỉ, đành phải than thở mặn nồng ngoài ghế đá gốc cây.... để hết chỗ "tụ tập trái pháp luật, mang theo một số băng rôn, biểu ngữ và hô khẩu hiệu, gây huyên náo, mất trật tự công cộng" - Từ của Báo Hà Nội Mới), mình không đồng ý với cách viết: "Ông Lê Nin ở nước Nga/ Nhưng ông lại đứng vườn hoa nước mình/ Ông Lê Nin ở nước mình/ Nhưng ông lại đúng dân tình nước Nga"...

Viết thế là sai quan điểm, vớ vẩn cho đăng tên lên Báo Hà Nội Mới hoặc vồ như vồ ếch, tống lên xe BUS,đưa ra Mỹ Đình, bắt nhịn đói qua trưa, chết giờ...

Mình cũng rất phục Nguyên soái Stalin cũng ở bên Nga, lãnh đạo tài tình và đánh quân phát xít Đức rầm rầm. Chẳng thế mà trong "Tập thơ Việt Bắc, 1954" của nhà thơ Tố Hữu, sáng tác tháng 5/1953, có nguyên 1 bài thơ về Stalin với nhan đề "Đời đời nhớ ông" với câu thơ bất hủ: "Yêu biết mấy, nghe con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!"...


Thế nhưng hôm nay, xem câu chuyện của 1 người Việt bước chân đến nước Nga, chụp lại những hình ảnh Ông Lê Nin mặt buồn rười rượi, tay cầm cờ ngồi trên bậc đá với đầy đủ lễ phục, hoa đại lễ cài trên ngực áo, giữa Quảng Trường Đỏ lịch sử và được tác giả ghi rõ rành, rành mạch là: "Người ra Quảng trường đỏ, chụp ảnh với khách du lịch, kiếm chút tiền còm sống qua ngày, nhưng không có chân dài và ngực đẹp như PD Thái Lan nên Người cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, lại còn bị cảnh sát đuổi"... Tự dưng thất vọng quá: Chả có lẽ bên nước bạn Nga, lại hành xử... ngố đến như vậy?..

Càng buồn khi xem hình Stalin ngồi dưới hầm với lời bình: "Nguyên soái Stalin cũng theo chân Lãnh tụ ra Quảng trường kiếm ăn, bị Cảnh sát đuổi, chạy tuốt vào đường xuống xe điện ngầm"...

Từ câu chuyện này, đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có ý kiến chính thức với các đồng chí Nga, phản đối việc đóng giả lãnh tụ, đi chụp ảnh với khách du lịch, lấy tiền và đứng ngồi bô nhếch, ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự công cộng và văn minh đô thị.

Nếu cần, có thể mời các đồng chí Nga sang học tập kinh nghiệm bảo vệ uy tín của Đảng - Chính phủ Việt Nam nói chung và bảo vệ uy tín, danh dự của cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Đảng - Chính quyền - Đoàn thể nói riêng. Bất luận trong trường hợp nào, cũng phải gìn giữ như "con ngươi trong mắt mình"... Vớ va vớ vẩn là đưa lên HTV, Hà Nội Mới, An ninh Thủ đô ngay đấy. Nhá!..

(3 hình chụp nhân vật Lê Nin, Stalin tại Quảng trường Đỏ - Nga, do tác giả giaophuong, thành viên Diễn đàn Otofun.net thực hiện, hình còn lại, tìm qua google, trên mạng Internet)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nhân dịp này, cũng đề nghị các ngành chức năng của ta tặng lại các đồng chí Nga bài thơ của Tố Hữu, viết hình như dịp Stalin từ trần, bài thơ là à à à à:

ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi

Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày

Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người

Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con


Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng


Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.





(5-1953)



22 tháng 8, 2011

TÀU HỘ VỆ TÊN LỬA HQ-012 LÝ THÁI TỔ BẮT ĐẦU LÀM NHIỆM VỤ

Tàu Hộ vệ tên lửa HQ-012 tại quân cảng Cam Ranh, Vùng 4 Hải quân, sáng 22/8/2011
Mai Thanh Hải Blog - Sáng nay (22/8), tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ tiếp nhận tàu HQ-012 Lý Thái Tổ. Các đồng chí Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng, các Tổng cục và Quân chủng Hải quân đã đến dự.
Kéo cờ Tổ quốc trên tàu

Tàu Hộ vệ tên lửa HQ-012 Lý Thái Tổ do Công ty ROSO BOPNE XPORT/Liên bang Nga sản xuất, có chiều dài 102 mét, chiều rộng 13,7 mét, lượng giãn nước 2.100 tấn, có thể chịu được sóng gió cấp 10 - 12. Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công.

Tại lễ tiếp nhận tàu, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến phát biểu nhấn mạnh, trong xu thế hội nhập và phát triển, đặc biệt với những tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại, sự bùng nổ của kinh tế tri thức cũng như những thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống có tính toàn cầu…đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với sự phát triển ổn định, bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. 

Việc tăng cường sức mạnh quân sự, phù hợp với mỗi bước phát triển của kinh tế và yêu cầu của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một thực tế khách quan hiện nay và cũng hết sức bình thường của mỗi quốc gia, dân tộc. Chúng ta chủ trương đầu tư các trang bị quân sự hiện đại, từng bước thay thế các trang bị thế hệ cũ, lạc hậu, theo lộ trình gắn kết với sự phát triển và khả năng đảm bảo của nền kinh tế đất nước là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế hiện nay…
Vũ khí trên tàu HQ-012

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến căn dặn, mỗi cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, Sỹ quan, thủy thủ tàu HQ-012 Lý Thái Tổ nói riêng, cần ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm để quản lý, bảo quản và sử dụng có hiệu quả con tàu hiện đại mang tên vị vua nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tàu Hộ vệ tên lửa HQ-012 Lý Thái Tổ do Công ty ROSO BOPNE XPORT/Liên bang Nga sản xuất, có chiều dài 102 mét, chiều rộng 13,7 mét, lượng giãn nước 2.100 tấn, có thể chịu được sóng gió cấp 10 - 12. Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công.
Theo thiết kế, tàu HQ- 012 Lý Thái Tổ có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm, đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.
Vũ khí trên tàu bao gồm: pháo hạm đa năng AK-176, 8 ống phóng tên lửa chống tàu Uran-E, hai pháo cao tốc AK-630, một tổ hợp phòng không OSA-MA, hai ống phóng ngư lôi 533mm, đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-27M hoặc Ka-31.

Tàu HQ-012 Lý Thái Tổ được biên chế chính thức vào Lữ đoàn 162 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ quản lý vùng biển phía nam miền Trung từ Phú Yên vào đến phía bắc tỉnh Bình Thuận và đảo Phú Quý, đặc biệt là quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Phó Đô Đốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến trao Quốc kỳ và quyết định cho BCH tàu HQ-012

Ống phóng tên lửa chống tàu
Hải quân Việt Nam hiện đã có trong biên chế 2 tàu Hộ vệ tên lửa hiện đại

Toàn cảnh tàu HQ-012 Lý Thái Tổ

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các Bộ ngành liên quan và địa phương chụp hình lưu niệm bên tàu HQ-012

Chuẩn bị làm lễ chào cờ trong buổi Lễ

Pháo hạm trên tàu

Pháo AK-176 đa năng

Ống phóng tên lửa chống tàu

Thủy thủ đoàn của tàu HQ-012 thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4, Quân chủng Hải quân