30 tháng 3, 2013

KHÔNG THỂ LÃNG QUÊN...


Mai Thanh Hải - Hồi còn sống, bố mình thường hoài niệm về những năm đằng đẵng quân ngũ.

Bố kể: "Đánh Mỹ, đồng đội mất xác nhiều lắm, nhưng chiến tranh bảo vệ biên giới, ngay trên đất mình nhưng cũng chẳng khác bao nhiêu" và dặn: "Nếu có đi công tác, đến đâu có Nghĩa trang Liệt sĩ thì nhớ vào thắp hương, nếu không có hương thì châm 1 điếu thuốc hoặc đốt vài ngọn cỏ cũng được. Những người chết trẻ thiêng lắm và nếu mình thật lòng, được phù hộ nhiều!"...

Lời nhắn của bố, đeo đuổi suốt hành trình làm báo của mình, khi đến với những vùng đất biên cương - chiến trường xưa giữ đất, cắm chốt của những người lính, từ 1979 đến bây giờ, trên dặm dài từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

Mấy năm qua, khi hành trình làm báo đã nhẹ tênh, nghiêng về Áo ấm biên cương thiện nguyện, càng có dịp lên kỹ với những tấc đất địa đầu, nên mình mới có cơ hội tìm đến từng bia mộ nghĩa trang của từng huyện - xã vùng biên, lưu tên các chú bác, anh chị vào khuôn hình máy ảnh còi.

Đất nước gian lao, thời thế bấp bênh, đến người sống có khi cũng còn bị quên lãng, nữa là người đã nằm xuống.

Biết vậy, nên khi đứng giữa những Nghĩa trang Liệt sĩ, giăng giăng bia mộ của những người ngã xuống khi còn rất trẻ, trong những năm đánh trả quân xâm lược, bảo vệ biên giới, chỉ thấy buồn tủi, khi thấy ngập tràn lạnh lẽo, hoang vắng và hình như có cả lãng quên...

Càng buồn hơn, khi tìm thông tin về liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới trên mạng internet, ô tìm kiếm chỉ là màu trắng trơn, vô hồn...

Và mình, đã nương theo lời nhắn của bố, làm những việc mà bố sẽ mỉm cười.

Hành trình dọc biên cương của Áo ấm biên cương, rất nhiều những người bạn đã có lúc tò mò, nhưng khi biết ý nguyện của mình, đều đồng lòng - sát cánh: Mỗi chuyến đi lên biên giới, đều dừng lại ở các Nghĩa trang liệt sĩ dọc đường, dâng hoa - thắp hương và cẩn thận chụp ảnh từng bia mộ, lưu danh tên người ngã xuống, để hình thành 1 khuôn dữ liệu, giữ mãi đến muôn đời sau.

Mấy ngày tới, sẽ có 1 trang website ra đời, với chức năng ghi danh - tìm kiếm những người đã ngã xuống trong khi bảo vệ biên giới, với sự giúp sức của rất nhiều người bạn mình, tuy rất trẻ và xa tít biên giới phía Bắc, nhưng nặng lòng với Tổ quốc và chấp nhận làm không công, mang tiền nhà ra để thiết kế trang, mua tên miền...

Mình ghi ơn các bạn nhiều lắm...

Và nữa: Biết đâu, trong hành trình ghi ơn - lưu danh này, chúng mình gom góp được chút sơn, cân xi măng, chút bột màu để tô lại những bia mộ liệt sĩ đang nằm hiu quạnh ở những Nghĩa trang liệt sĩ hoang vắng, như Nghĩa trang liệt sĩ huyện Xín Mần (Hà Giang) này, để người sống biết rằng, nơi đây có những người đã ngã xuống, thì quý biết bao nhiêu?..

Mình, ghi ơn mọi người nhiều lắm!...
*****

29 tháng 3, 2013

MẤY DÒNG THƯ...


Dear anh Hải!.

Tôi chưa được 1 lần gặp anh nhưng theo dõi những hoạt động của anh cùng với những người bạn của anh, cá nhân tôi cảm thấy như bị cuốn theo mọi người.

Tôi cảm thấy dường như tình yêu đất nước, yêu quê hương và những con người Việt Nam trong tôi rõ rệt hơn, nhiều hơn...

Tôi mong muốn được đóng góp một chút tấm lòng nhỏ của mình vào các hoạt động Áo ấm Biên cương.

Thưa anh, tôi ở Sài Gòn nên quần áo và vật dụng chắc có lẽ khó có thể vận chuyển được. Vậy nên, có lẽ chỉ có thể là tiền anh nhỉ?.

Tôi mong muốn được đóng góp 300.000 VND/tháng cho năm 2013. Và tôi sẽ gửi one off (một lần) cho cả năm/12 tháng. Tổng cộng là 3.600.000 VND.

Ngoài ra, những trường hợp nào đặc biệt, có lẽ tôi sẽ gửi cụ thể sau.

Nếu được, anh cho tôi biết số tài khoản của Hội, tôi sẽ theo đó để gửi cho Hội.

Trân trọng!

Nguyễn Thu Hương

28 tháng 3, 2013

CHÙA ƠI LÀ CHÙA...

THẦY CÔ CŨNG PHẢI SỐNG


Mai Thanh Hải - Mỗi chuyến đi của Áo ấm biên cương (AABC) lên vùng cao, ngoài quần áo, sách vở, đồ dùng, đồ ăn cho bọn trẻ... khi nào cũng có 1 hộp vuông vắn được ghi danh mục "Hộp thực phẩm", tặng riêng cho các thầy cô giáo ở các điểm Trường.

Đơn giản thôi: Bột canh, muối tinh, mì chính, dầu ăn, nước mắm, cá khô, sữa đặc, mì tôm... tùy theo khả năng tài chính chuyến đi và sự ủng hộ hàng của mọi người.

Thành viên mới, không biết nên thắc mắc: "Thầy cô có lương của Nhà nước rồi mà!". Ừ! Chưa đi nên chưa biết đấy thôi, các thầy cô hết thảy đều trẻ trung, mới rời ghế nhà trường, từ miền xuôi lên tít núi cao vận động, van vỉ để có học sinh đến lớp học.

Đồng lương có đấy, nhưng cũng phải ăn phải uống phải mặc, mà những thứ đồ hàng ngày ấy, từ cân gạo đến mớ rau - con cá, đều phải gửi mua hoặc lặn lội vác lên từ thị trấn, để khô úa, vàng vọt và lay lắt ăn trong cả tuần.

Thêm mỗi năm đi hàng nghìn km về thăm quê hương, người thân

Và thêm nữa, mỗi bữa trưa của học sinh, đều hết thảy bỏ tiền túi mua thêm gói mì tôm, nấu thành nồi to lõng bõng nước, thành canh để chan vào bát cơm không thức ăn, khô không khốc của trẻ, cho yên tâm - đành lòng...

Thế nên, các thầy cô vất vả và thiếu thốn, đến khó tưởng tượng nổi.

Muốn trẻ con có cái chữ, các thầy cô phải có sức mà đứng lớp - dạy dỗ. 1 thùng thực phẩm với những thứ mang lên từ miền xuoi, có thể chỉ là sự động viên và các thầy cô biết chất trong vài ngày thôi, để rồi vẫn trở lại cuộc sống thiếu thốn thường nhật, bao năm bao tháng nay.

Thế nhưng đó là món quà của AABC và cũng rất mong, khi trong chuyến hàng lên Nà Khoa, Mường Nhé, Điện Biên, ngày 27-30/4 tới đây, vẫn có hộp thực phẩm với những vật dụng thường nhật, tặng cho gần 100 thầy cô bám bản, bám đường biên giữ đất, dạy học trò...

Mong chờ sự ủng hộ của mọi người, bởi các thầy cô cũng cần phải sống...
***
- Theo dõi hoạt động của Chương trình Áo ấm biên cương: TẠI ĐÂY
- Cách thức ủng hộ: TẠI ĐÂY
- Theo dõi hoạt động và mọi cập nhật, tương tác của AABC trên FB: TẠI ĐÂY
----------------------------------------------------------------------------