10 tháng 3, 2012

HÔM NAY VỀ QUÊ HẢI PHÒNG

Mai Thanh Hải - Ngày giỗ bố, cả nhà lại chất nhau lên xe về quê Hải Phòng, như thói quen thường lệ mấy năm qua.

Năm nay, chả biết thời tiết thuộc cái thể loại gì mà mưa nắng thất thường, về quê thấy đâu cũng buồn buồn - ươn ướt và nồm giời rất nặng nề. Hay là "đời sống chính trị" từ Tiên Lãng bên cạnh, lây sang quê An Lão mình nhỉ?.

Hỏi chuyện mấy chú bác, ai cũng lắc đầu: "Ngột ngạt lắm, hết thời tiết đến cường hào" khiến mình chả dám hỏi thêm, kẻo lại bị chửi: "Chúng mày học hành xong, kéo nhau đi xa, để bọn ở đâu về làm cán bộ, đè đầu cưỡi cổ bọn tao!".

Thôi!. Các bác cứ yên tâm đi. Hải Phòng đợt này sẽ có nhiều sự thay đổi đấy. Và nhắc lại quê Hải Phòng mình, sao không đăng lại cái bài mình viết, từ hôm lâu?..
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mình dân Hải Phòng "đòm trước, cướp sau" nên rất ghét đứa nào, khi nói chuyện, biết mình dân đất Cảng, thường "à" lên vẻ thông hiểu và lau tau kể đặc sản Hải Phòng "Chợ Sắt, bánh đa cua và... Đồ Sơn".

Mình biết thừa là cái đứa ấy, thi thoảng lại trốn vợ, xuống Đồ Sơn "thăm và làm việc" với chị em ở "Tổng Công ty Đóng gạch Trung ương", chứ biết gì về đất Hải Phòng?..

Bởi cái chất Hải Phòng, nó không nhờn nhợt lộ mặt mà thấm sâu vào máu, từ những thời khắc thân thuộc, cận kề - Giống như những gì mình hoài niệm về quê mình, từ mặn mòi - vất vả đến chát mặn, đất biển Đồ Sơn.

Mình nhớ lần đầu tiên được ra biển, là Đồ Sơn. Hồi ấy, mình học cấp I, thi học sinh giỏi Văn toàn thành phố, được giải nhì.

Bố mình lọc cọc đạp xe chở mình từ quê ra Nhà Hát Lớn nhận giải rình rang cờ hoa, phát biểu.

Phần thưởng của mình là chiếc cặp sách to đùng, bên trong đựng cả chục cuốn vở, sách truyện, hộp bút màu (nhận xong phát, xuống ghế ngồi là mình mở cặp, hé nhìn trộm luôn) và 1 bữa ăn no thịt cá lần đầu tiên trong đời.

Hết phát quà, tuyên dương và... chống đói, bố mình ngồi ngoài ăn bánh mỳ lại lóc cóc đón mình.

Thấy chiếc cặp to quá, nhà lại xa, bố không cho mình ôm, sợ ngã và lấy dây chun buộc sau xe, bắt mình quặp chân giữ.

Mình phải thức dậy từ sáng, ngồi xe mấy tiếng đồng hồ trời nắng, lại... ăn no căng rốn nên chỉ 1 chốc là ôm chặt bố, nhắm mắt ngủ khò khò. Đang ngủ, chợt thấy thiêu thiếu cái gì nên tỉnh dậy, nhìn xuống thì... không thấy cặp.

Mình khóc váng, bố mướt mải mồ hôi dừng lại, người đi đường mới bảo: "Qua đoạn đường tàu, mấy thằng ăn cướp chạy theo cắt dây và ôm cặp chạy mất rồi!".

Bố mình quay lại tìm, xin chuộc cũng không được vì đường tàu dài hun hút, nghiện ngập - giang hồ ngán gì bố mình, dù là bộ đội mặc nguyên quân phục trên người.

Hôm đó, mình khóc sưng mắt, về đến nhà, mẹ dỗ khản cổ vẫn khóc, đêm ngủ cũng nấc nức nở. Bố mẹ mình thức cả đêm trông mình, vỗ lưng và vỗ về.

Thế mà mình trẻ con không biết, mấy ngày sau vẫn giận dỗi, tiếc nuối và thi thoảng lại nức nở khóc òa tiếc phần thưởng. Bây giờ nghĩ lại, mới thấy là mình trẻ con và càng thương bố mẹ.

Chính vì cái vụ mất phần thưởng này mà sau đó, bố mình đạp xe nửa ngày cho ra chơi Đồ Sơn. 2 bố con dậy từ 5 giờ sáng, mình gật gà ngồi sau theo nhịp lắc xóc ốc của đường xấu, mãi rồi bố mình cũng hô: "Đến biển rồi!".

Mình choàng mở mắt: Phía trước là mênh mông sóng nhảy múa, tung hứng một trời sao nhấp nháy những đốm nắng đọng trên đầu sóng; gió ào ạt thổi; hơi mặn, mùi biển níu đầu mũi. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên mình biết nghịch cát, ăn kem và uống nước có đá lạnh...

Bây giờ, mỗi lần đưa cả nhà về quê, thế nào mình cũng vòng xe chở cả 3 gái ra làm vòng Đồ Sơn hoặc ngồi vỉa hè làm trận hải sản, để kể lại chuyện đi biển ngày xưa, để cả nhà mở hết cửa kính, căng ngực hít mùi biển, ngắm đường phố - hoa cỏ - núi rừng.

Hôm nào có nhiều thời gian, lại chui lên Biệt thự Hoa Lan chính hiệu người Pháp xây dựng, vợ chồng ra hành lang ghếch chân đọc sách, ngắm biển, lũ trẻ con thì chân trần chạy uỳnh uỳnh trên sàn gỗ bóng loáng vân xanh...

Mình thích một Đồ Sơn lặng lẽ, trầm uất với những thăng trầm thời gian nuốt vào trong ngực.

Mùa đông buồn thật đấy, lạnh lẽo co ro thật đấy.

Nhưng vào mùa hè, lại căng trần sức biển, xởi lởi đón từ "đại gia" xuống "giải đen", đến công chức - doanh nghiệp trốn vợ xuống "làm tý chị em" và cả những người dân lam lũ, chen ních nhau trên chiếc ôtô khách già nua, cũ kỹ chung tiền thuê được, ra với biển, tựa gốc dừa, ngồi xổm trên bờ cát nhai bánh mỳ, uống trà đá ngắm biển - Như mình của thời thơ bé...

Cởi mở, chân thành nhưng cũng dễ giận, dễ hờn - Thế mới là Hải Phòng.

Mình yêu một Đồ Sơn chân chất, thật thà và lam lũ kiếm từng con cá, mẻ tôm. Ban đêm, cả vạn chài đổ ra biển theo những luống sáng trắng li ti trong lòng mẹ biển.
Sáng sớm hừng đông, thuyền mủng chật bến, tanh nồng mùi cá và thoăn thoắt bán mua dưới ánh nắng mai vừa hửng, xua đi mọi mây mù.

Ăn sóng - nói gió và chân chất, thẳng băng - Thế mới là Hải Phòng.

Mình nhớ một Đồ Sơn đỏ chót hoa gạo trên bờ cát, cạnh biển mặn, giống cột mốc đánh dấu chủ quyền; rừng rực màu phượng cháy, hết mình cho ước vọng đi xa...

Một Đồ Sơn thơ mộng, thanh bình với đêm khe khẽ mùi hoa Ngọc Lan luồn quan khung cửa, trong rì rào biển hát.

Một Đồ Sơn mịn màng cát dưới gót chân, khe khẽ nước vuốt ve từng nốt hằn trên bờ sóng, cởi trần trên kè đá cùng những người bạn, ôn chuyện xưa, nói chuyện nay và nghĩ đến tương lai sáng sủa, thoáng đãng và tự do.

Có muốn, có ước và tin tưởng - Thế mới là Hải Phòng với bình dị khát khao đổi thay từ sú vẹt đầm lầy, thành nơi quần tụ bốn biển, 8 hướng anh em không chịu sống nhục, sống hèn, dẫu áo cơm, gông xiềng áp bức...
---------------------------------------
* Hình ảnh minh họa trong bài viết là 2 bạn Miu Khoai và mẹ Hằng, trong những lần về quê nội Hải Phòng. Hôm nay về quê Hải Phòng, thời tiết lành lạnh nên chả ra được với biển Đồ Sơn, cho trẻ con nô đùa - chạy nhảy trong Hoa Lan. Buồn hơn là bạn Khoai lại ốm lê lết cả tuần nay từ Viện về nhà, cuối tuần mà vẫn chưa khỏi nên bạn chả về thăm quê Nội được. Thật buồn!.

KHÔNG MUỐN RỜI XA CÕI TRẦN

Vẫn biết là sống khó lắm nhưng vẫn phải sống, vì đã trót đầu thai làm con người, ở kiếp này. (Nguồn hình: OF)

9 tháng 3, 2012

KHÓC CHO VƠI BỚT KHỔ

Mai Thanh Hải -Trong mỗi gia đình miền núi, người phụ nữ là khổ cực nhất bởi họ vừa phải lo chuyện sinh đẻ, chăm sóc con cái - thành viên gia đình, vừa phải làm lụng ruộng vườn, nương rẫy kiếm sống nuôi cả nhà.

Những hình ảnh này, mình ghi được ở phiên chợ miền núi Hà Giang: 2 mẹ con ngồi 1 góc trong hàng rượu, rầm rì nói chuyện cả buổi.

Người con - không trẻ hơn mẹ bao nhiêu tuổi vừa uống rượu vừa khóc, vừa kể những chuyện cực khổ mà mình chịu đựng trong cái gia đình, mà mình đã phải gồng mình lên chịu đựng bao nhiêu năm nay... Lời kể của người con gái cứ nghẹn ngào, nấc lên từng chập và nước mắt tràn trên má, chảy từng giọt, nặng nhọc trút xuống chén rượu rung rung trên tay.

Người mẹ - cũng không già hơn con gái bao nhiêu, mặt mũi nhăn nheo vất vả gió sương, lặng nghe con kể chuyện và cũng ực từng chén cùng con, như thể nước mắt đong lại, thành chén.   

Mình đứng xa ghi lại hình ảnh 2 mẹ con và ngồi gần, nghe lại câu chuyện của 2 mẹ con qua lời lịch lõm bõm của cu Tuân Biên phòng, cứ thấy nghèn nghẹn nơi cổ: Gặp nhau uống rượu để khóc, để kể hết những gì mình đã - đang chịu đựng, cũng là cách vơi bớt nỗi khổ, trên miền núi cao cùng cực...
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đã gần hết 1 chai
Câu chuyện riêng chỉ của 2 người, giữa ồn ào phố chợ
Con khổ quá, mẹ ơi!..

Nghe con kể chuyện mà buồn

Khoanh tay khuyên nhủ gì đây
Cháu hóng chuyện

Không khóc nổi, giụi mũi thôi
Nước mắt của con
Mẹ cũng khóc theo con đấy...

SÀNH ĐIỆU NHƯ HÀNG HIỆU

Mình đặt tên hình này là "sành điệu như hàng hiệu", xem cho cuối tuần thoải mái. (Nguồn hình: OF)

CHỢ THỊT RỪNG VIỆT NAM TRÊN ĐẤT... TRUNG QUỐC

Mai Thanh Hải - Cái gọi là "Chợ đường biên A Pa Chải" nằm ngay đoạn nối Việt Nam - Trung Quốc, trên đường biên A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên) và chia thành 2 khu bán mua: Đông đúc, nhộn nhịp nằm bên đất Trung Quốc; hiu hắt, đơn điệu nằm phía Việt Nam.

Cứ 10 ngày là chợ lại họp 1 phiên, vào đúng ngày có số 3 (mồng 3, 13, 23 dương lịch), thu hút người bán mua của cả vùng rộng lớn cả 2 bên Việt Nam - Trung Quốc.

Mình lên Mường Nhé, ngược lên ngã ba biên giới A Pa Chải - nơi 1 con gà gáy, cả 3 quốc gia (Việt Nam, Lào, Trung Quốc) đều nghe tiếng, lăn lóc xong việc, anh em Đồn Biên phòng 317 gạ gẫm: "Ở thêm 1 ngày, sáng mai đi chợ Trung Quốc!".

Mình lè lưỡi: "Chả dại! Hồi trước đã có mấy ông bà cán bộ Đảng viên 1 cơ quan Đảng ở Trung ương, lên chơi Lào Cai và sang nghía Hà Khẩu theo đường... tiểu ngạch. Vừa xuống thuyền, đặt chân sang đất nó, cả đống Cảnh sát - Biên phòng đã ngồi chờ sẵn và bắt đưa về, cải tạo lao động gần chục ngày, sau phải can thiệp mãi mới được thả về, ăn kỷ luật hết cả lũ!".  

Anh em nghe vậy cười lăn: "Chợ ngay trên đường biên, 1 bước chân là sang đó. Mình sang họ và họ cũng sang mình!", rồi động viên: "Lãnh đạo tỉnh huyện, Công an bộ đội cứ đến ngày này là đổ xô về đây, sang đất họ đi chợ mua đồ mà chẳng bị sao, anh lo gì?".

Buổi sáng, sương còn đặc quánh, đã nghe tiếng xe máy rú ga rầm rầm khiến mình giật mình bật dậy. Chả ngủ được, đành lụ xụ áo trong cái lạnh 7-8 độ, ra đường nghiêng ngó rồi lếch thếch dắt con xe Win, kì cạch phi lên xem chợ.

Trần đời, lần đầu tiên mình được chứng kiến cảnh mua bán - chém giết - chế biến - ăn thịt động vật hoang dã công khai và tràn lan như vậy, ở ngay chợ đường biên A Pa Chải. Dĩ nhiên, những cảnh này diễn ra bên phần đất Trung Quốc, nhưng "thượng đế" nhâm nhi, thưởng thức thịt rừng, thậm chí mua lại về nhà, đa số là người Việt.

Lẩn mẩn hỏi chuyện, mới té ngửa: Nơi tập trung dân của Trung Quốc cách chợ gần trăm km, bên đó lại chẳng có tý rừng rú, nên có bói cả năm cũng không tìm được con gì sống tự nhiên. Tất cả những loài, giống bán ở chợ A Pa Chải đều được bẫy bắt trong Vườn Quốc gia Mường Nhé, bởi chủ yếu là người Việt địa phương và mang sang bán cho tư thương Trung Quốc.

Đau hơn: Đám tư thương Trung Quốc mua được thú rừng tươi sống với giá rẻ, ngả dao thớt làm thịt - chế biến bán ngay lại cho khách Việt, với giá cao gấp đôi, ngồi đầy ngoài chợ.

Tươi sống và "hiếm có khó tìm" - Chả thế mà cứ đến ngày chợ, xe máy ôtô của cán bộ, công chức, doanh nghiệp làm đường, dự án xóa đói giảm nghèo... cứ rầm rập từ huyện lỵ Mường Nhé kéo lên A Pa Chải, tụ tập ăn nhậu thịt rừng, nói cười rổn rảng và xoèn xoẹt rút cả đống tiền trả cho chủ hàng Trung Quốc. Hình như lúc ăn nhậu "đồ hàng" của nước ta, tại đất ngoại, chả ông bà cán bộ - doanh nghiệp nào để ý đến câu: "Tự tay mình bóp dái mình" và thấm thía: "Người Việt ưu tiên dùng... hàng Việt"!. 
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chim rừng buồn xo bên đất ngoại
Nhím mắt tròn xoe
Bắt hết cả to lẫn bé
Lông nhím sau khi giết thịt, của riêng 1 quán rất nhỏ trong ngày
Chồn rừng hay loài gì đấy nhỉ?
Làm thịt sống
Thú rừng bị thui rơm, chờ mổ thịt
Đường từ chợ vào nội địa Trung Quốc
Thịt rừng sấy khô, gác bếp
Đầu nai vàng ngơ ngác...
Thịt rừng để trong tủ lạnh, mới mang ra
Mới nhú tý sừng, đã phải lên mâm
Bà chủ hàng người Trung Quốc
Đồ tể người Trung
Xót xa cho giống nòi
Bán đầu hươu nai làm đồ lưu niệm
Thịt rừng sấy khô, treo gác bếp
Đầu, chân móng vuốt làm đồ lưu niệm, bày cảnh
Co quắp, lăn lóc
Mua bán chim rừng
Rùa núi