9 tháng 3, 2012

CHIẾN THẮNG CỦA "CON BUÔN"...

Đào Tuấn - Tháng 3 năm ngoái, ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã xảy ra một câu chuyện hy hữu: UBND xã phải làm cái việc “xác nhận nông dân” cho bà con, để họ được “quyền” đi mua dầu chạy máy.

Một bản xác nhận với triện Quốc huy đỏ chót, đi… xe đạp 13 km đến trung tâm huyện, xếp hàng vài giờ đồng hồ để mua được hơn 10 lít dầu “hạn mức”.

Bấy giờ ở ĐBSCL những chiếc máy gặt đập, máy bơm, máy cày nằm xếp xó vì thiếu dầu. Nông dân không sạ được vì “hôm trước mỗi người còn được mua 1 can, đến hôm sau chỉ được mua 200.000 tiền dầu”.

Tình hình xăng dầu khan hiếm đến mức Petrolimex Long An buộc phải yêu cầu các địa phương xác nhận cho nông dân quyền mua xăng dầu.

Cụ thể, các cửa hàng Petrolimex chỉ bán trực tiếp xăng, dầu vào phương tiện đủ chạy được 100km. Còn xăng dầu cho sản xuất nông nghiệp thì bán không quá 200.000 đồng/lần.

Không chỉ ở Long An, bất chấp các tuyên bố “sẽ kiểm tra”, “sẽ rút giấy phép” của liên Bộ Tài chính- Công thương, khắp nơi xuất hiện tình trạng các Cửa hàng đóng cửa, trùm mền, thậm chí…buộc chó.

Sau áp lực của... giới con buôn, ngày 24/2/2011, giá xăng được “điều chỉnh” tăng lên mức 19.300 đồng/lít, mức giá mà báo chí bấy giờ chạy những hàng tít lớn “Xăng tăng giá kỷ lục”, “Mức tăng cao nhất trong lịch sử”.

Và cũng chỉ hơn 1 tháng sau “mức tăng cao nhất trong lịch sử” đó, ngày 29/3, giá xăng phá sâu kỷ lục cũ để thiết lập một “kỷ lục lịch sử” mới 21.300 đồng/lít.
Áp lực của giới con buôn, trong những ngày đầu tháng 3/2012 này đã lặp lại gần như “nguyên văn”: Không chỉ dừng ở mức độ găm hàng, bán giỏ giọt nữa, các Đại lý khắp nơi Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Đắc Nông, TP Hồ Chí Minh…thậm chí đóng cửa, treo biển hết hàng.

Và bất chấp các tuyên bố của Bộ Công thương về việc “không để…”, “sẽ rút…” - Một chủ cây xăng ở TP Hồ Chí Minh thậm chí còn thẳng toẹt với báo giới: Với mức chiết khấu chỉ hơn 200 đồng mỗi lít, Doanh nghiệp chỉ còn mấy chục đồng lời cho mỗi lít xăng. Chi phí hoạt động của cây xăng mỗi ngày hơn 2.000.000 đồng, tiền lời bán xăng chỉ vài trăm nghìn nên không thể tiếp tục chịu đựng mãi. “Đóng cửa là đương nhiên”- Bà này đàng hoàng nói. Và đây là một lời thách đố thực sự.

“Con buôn” có lý do của họ. Lời thì bán, lỗ thì ngừng. Tiền là thứ “trách nhiệm” duy nhất, chứ không phải những thứ chung chung như nghĩa vụ, hay cao cả hơn là…"an ninh năng lượng".

Với áp lực mà họ tạo ra, bắt nguồn từ những nhùng nhằng về triết khấu, xăng dầu không tăng mới lạ, không lập kỷ lục lịch sử mới lạ.

Chỉ có điều, giá xăng tăng chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi Bộ Công thương tuyên bố: "Cụ thể tăng tháng 3, tháng 4 hay tháng nào trong thời gian tới phải bàn trong gói kịch bản chung". Một cú đánh úp đúng nghĩa.

Nói xăng tăng giá là chiến thắng của giới con buôn là vì thế.

Bởi hiện tượng “cây xăng đóng cửa”, mà Bộ Công thương 48 giờ trước đó vẫn tuyên bố: Đảm bảo nguồn cung “mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm” không để thiếu hàng…là báo cáo không trung thực.

Bởi khi chính lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa nhận: "Lượng nhập khẩu 2 tháng đầu năm đã giảm 31,7%", thì những giải thích rằng “nhu cầu giảm”, thay vì nói đúng bản chất vấn đề là: Doanh nghiệp đầu mối giảm “nhập lỗ”- là lời biện minh rất ngớ ngẩn, rất thiếu trách nhiệm.

Không chịu hiểu đúng thì làm sao có thể xử lý!.

Ngẫm ra, kỷ lục 22.900 đồng của “hôm nay”, có lẽ, sẽ lại rất nhanh bị phá, bởi theo Bộ Tài chính, mức “điều chỉnh” này chỉ tương đương 12,5% - 41% mức cần theo Nghị định 84. “Nếu tính đủ thuế theo barem thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng 4.200 - 6.500 đồng một lít”.

Không thể loại trừ rằng chỉ vài ngày tới sẽ lại tái diễn áp lực... con buôn.

2 nhận xét:

  1. điện tăng xăng tăng lại đè nặng lên bát cơm của người dân thôi

    Trả lờiXóa
  2. Dân còn chấp nhận ngu (ngu, giả vờ ngu cũng vậy) thì phải chấp nhận bị hành. Đơn giản vậy à!

    Trả lờiXóa