4 tháng 5, 2013

NHẠT MUỐI VƠI CƠM MIỆNG VẪN CƯỜI

(Nguồn hình: Xóm Nhiếp ảnh)

TÀU SĂN NGẦM HQ-15


Tàu HQ-15  là sản phẩm của Liên Xô được chuyển giao cho Việt Nam từ năm 1984 và thuộc diện hiện đại vào hồi đó. Vũ khí trên tàu bao gồm : Phía trước tàu HQ-15, hai ụ pháo 37 ly và một ụ pháo 76 ly. Dàn phóng thủy lôi gồm 5 quả tự tìm mục tiêu. Phía sau tàu, ngay dưới buồng chỉ huy, hai ụ pháo 25 ly.

Tàu được trang bị thêm một dàn phóng ngư lôi và đặc biệt là 2 dàn bom chìm, mỗi dàn 12 quả có sức công phá cực mạnh. Tầm pháo của HQ-13 đặc biệt chính xác trong bán kính 80-100km.

Tàu chiến hạng trung này dài 92m, cao 18 m và có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Dù Hải quân Việt Nam gần đây được trang bị nhiều tàu chiến hiện đại, nhưng với khả năng tác chiến trong điều kiện thời tiết khắc nhiệt nhất trên biển, nên bộ đôi tàu chiến này vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong huấn luyện tác chiến, tuần tiễu và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

(Nguồn số liệu: Báo Tiền phong)

3 tháng 5, 2013

ĐI VÀO RỪNG SÂU, MÀ THĂM CÁC CON MƯỜNG NHÉ!..

Áo ấm Biên cương - Rời Mường Nhé, kết thúc chuyến trao tặng quà cho gần 2.000 học sinh và gần 200 giáo viên rồi, bay vào phương Nam đầy nắng rồi, nhưng điện thoại cứ thi thoảng lại rung lên nhè nhẹ các cuộc điện thoại - tin nhắn của anh em Biên phòng, giáo viên háo hức kể chuyện học sinh đồng loạt khoác áo mới, diện ủng mới đi học và tí tách cắn từng hạt kẹo, để dành.

Tuân, Chính trị viên phó Đồn 415 Nà Khoa sáng nay còn tấm tắc với mình: "Cả Đồn, cả xã buồn vì chỉ được 2 ngày Đoàn lên vui vầy, xong lại về ngay!" và ngập ngừng: "Năm học sau lại lên nhé! Ít hàng thôi cũng được!. Gần chục năm kể từ khi thành lập, xã - Đồn mới được đón đoàn từ Hà Nội lên đông vui thế này ấy!"...

Nghe thầy cô, bộ đội háo hức, thế nào mình lại nhớ đến chuyện năm kia, cũng tại Mường Nhé:

Tụi mình mang áo ấm (của "Cơm có thịt" anh Trần Đăng Tuấn) lên tặng riêng học sinh Mầm non toàn huyện.

Đón tiếp nhóm mình (mình, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Nhóm PV ANTV) là 1 nữ lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, ăn diện ngất trời, nước hoa thơm lừng, hàng hiệu tiền nghìn USD từ túi xách đến điện thoại và nhất là vàng, đeo đỏ từ tai, cổ cho đến cổ tay - ngón tay...

Lãnh đạo này "điều" hẳn 1 xe riêng 2 cầu 7 chỗ của "Cty Xây dựng của riêng" để chở bản thân, thấy tụi mình chen chúc trên chiếc xe 29 chỗ (mượn bên Trung tâm Truyền hình CAND), nên ngoắc tay gọi sang, bảo 'Lên đây cho đỡ chật". Thấy "lãnh đạo huyện miền núi" vậy, ngứa mắt lắm nhưng cũng 2 ngày chen chúc trong các bao áo, từ HN nhúc nhắc chạy lên, mệt và cứng người, nên đành sang ngồi nhờ.

Có ngồi bên xe nữ lãnh đạo, mới thấy cán bộ những huyện mới được quan tâm như Mường Nhé giàu có - kiếm chác và... buồn nôn đến tột cùng.

Suốt chặng đường từ Thị trấn Mường Nhé lên xã Sín Thầu, nữ lãnh đạo chỉ oang oang iPhone chỉ đạo việc "qua xanh - quân đỏ" đấu thầu đoạn đường Chính phủ mới đầu tư, không coi cánh báo chí đang ngồi dưới là cục gì.

Đã vậy, khi đến Sín Thầu, tụi mình vào trao áo - mặc áo cho bọn trẻ, nữ lãnh đạo lườm nguýt bắt xong nhanh, bắt lái xe bấm còi hối thúc.

Rút cục, mình và nhóm PV ANTV không đi nhờ xe nữa, dừng lại Đồn Biên phòng A Pa Chải nghỉ, đợi hôm sau về. Còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến lại hì hục chui lên xe hàng, bó gối ngồi thu lu như cũ...

2 năm đã trôi qua, Mường Nhé đã khang trang hơn rất nhiều và cũng có thể lắm chứ, nhiều cán bộ (như vị nữ lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện) giàu lên vùn vụt nhờ những sự đầu tư từ TW sau sự kiện "Người Mông đòi lập Nhà nước riêng", mà người dân Tây Bắc gọi tắt là... "Bạo loạn".

Thế nhưng có 1 điều chưa thể thay đổi và cũng khó có thể thay đổi là Mường Nhé vẫn còn rất rất nhiều những đứa trẻ chưa bao giờ biết đến chiếc áo ấm, đôi ủng cao su màu sặc sỡ, cuốn vở trắng tinh, viên kẹo ngọt...

Mường Nhé còn rất nhiều thôn bản, mòn mỏi nhìn nhau sống cùng cực, khuôn mặt lạ duy nhất chỉ là những trai tráng Biên phòng mắt thâm quầng mất ngủ, da tái xanh vì sốt rét rừng, cặm cụi cùng người dân giữ đất, trông địa bàn và ước mơ của họ, đơn giản chỉ là gói mì tôm ăn thêm cho đỡ đói, tấm vải bạt che mưa nóc nhà, khi lốc gió cứ chiều chiều lại ào xuống, giật tung mọi cơ ngơi...

2 năm đã trôi qua, không biết bao nhiêu tỷ đồng của người dưới xuôi, lo lắng cho đồng bào mình biên giới, đã theo dự án này - chương trình nọ kìn kìn chuyển lên Mường Nhé để "phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình chính trị".

Bao nhiêu Đoàn - Đội - Hội từ Trung ương, Bộ ngành đã cưỡi máy bay, ngồi ôto máy lạnh, dung dăng dung dẻ vừa đi vừa "giao lưu - thăm thú" để lên đến Mường Nhé, làm việc 1 tý, thăm thú 1 tý, phát biểu 1 tý, vỗ tay 1 tý... rồi lại dung dẻ dung dăng về lại Hà Nội, xong chuyến "công tác Tây Bắc"...

Và liệu, có bao nhiêu con người thật như Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử lặc lè như con gấu ngủ đông, mặt núng nính những mỡ là bỡ, bóng loáng như cải chảo đại vừa rang cơm xong; những cán bộ huyện như vị nữ lãnh đạo Phòng Giáo dục, vàng đeo đỏ tay, hở mồm ra là nói chuyện phết phẩy - thời trang... đã vào được những nơi xa trung tâm huyện, đường tỉnh lộ để nhìn những đứa trẻ lít nhít, đang mỏi mòn thiếu thốn, như thế này?..

(Buổi trưa Sài Gòn 03/5/2013).
--------------------------------
HỌC SINH XÃ NÀ KHOA NHẬN QUÀ TẶNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH "ÁO ẤM BIÊN CƯƠNG"

2 tháng 5, 2013

VÀI SUY NGHĨ CỦA MỘT NGƯỜI MẸ...


Chào anh Mai Thanh Hải!.

Tôi vừa chuyển tiền vào tài khoản USD của anh tại NH TMCP Tiên Phong ủng hộ AABC $1,000 từ ngân hàng JP Morgan Chase tại Mỹ.

Đây là sự ủng hộ bước đầu, tôi mong được các anh chị trong chương trình dành chút thời gian trao đổi cách thức làm việc, để tôi có thể tiếp tục ủng hộ chương trình một cách thường xuyên và có hệ thống, trong tương lai.

Khi nào tiền về đến tài khoản, xin anh báo cho tôi được biết.

Mong là Ngân hàng của anh không thu phí tiền về, nếu có, chúng ta có thể trao đổi thêm để các cháu nhận được đủ tiền mà không phải trả phí.

Lần ủng hộ đầu tiên này, xin các anh chị mua dùm thịt hộp, rau quả khô cho các cháu bé, nếu còn thì có thể mua các sản phẩm sữa (nếu các cháu không uống được sữa bò thì có thể mua sữa đậu nành đóng hộp giấy có bổ sung canxi và vitamin).

Các anh chị có nhiều kinh nghiệm về chuyên chở và bảo quản, nếu đề nghị của tôi có gì không hợp lý mong được các anh chị góp ý.

Tôi đã lâu không sống ở Việt Nam nên không biết về giá cả, nhưng nếu không được trong lần ủng hộ này, thì trong các lần ủng hộ tới tôi muốn tập trung vào các nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu dinh dưỡng, vệ sinh, sức khoẻ và tinh thần của các cháu (ví dụ như: thực phẩm, chăn đệm, áo rét, thuốc và bàn chải răng, nước súc miệng, xà phòng, sách truyện cho trẻ em).

Vài suy nghĩ tỉ mỉ của một người mẹ, mong cách anh chị thông cảm.

Cảm ơn các anh chị rất nhiều vì đã tạo lập và góp công sức tiền bạc làm nên chương trình này.

Cám ơn các anh chị sẽ giúp tôi giúp đỡ các cháu nhỏ vùng cao!.

Mong được trao đổi thêm và tiếp tục cộng tác với các anh chị.

Kính thư!.

Phi Bi, sống ở San Francisco, Mỹ.

ẤM CẢ NÀ KHOA

Hoàn thành chuyến hàng thứ 6 trong năm học 2012-2013 tại 6 huyện biên giới - hải đảo, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Chuẩn bị những chuyến hàng tiếp cho năm học 2013-2014 với chuyến thứ 7 tại Lai Châu.

CHÀO CỜ TRÊN BIÊN CƯƠNG


Áo ấm Biên cương - Như thông lệ các chuyến công tác của AABC lên biên cương, buổi sáng đầu tiên ở Đồn Biên phòng 415 Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên), CBCS trong Đồn cùng các thành viên Đoàn Công tác thực hiện Lễ Chào cờ (hát Quốc ca, đọc 10 lời thề Quân nhân và giao nhiệm vụ), trước khi cả khách và chủ chia nhau thành các Tổ Công tác, đến từng Điểm trường để phát các phần quà đến tận tay giáo viên học sinh.

Còi tập hợp vừa vang lên, đúng lúc trời sầm sập đổ mưa như dỗi hờn, thách thức và nước, ào ạt đổ xuống cả tiếng đồng hồ.

Đành hoãn lại Lễ Chào cờ thiêng liêng, tất cả khoác áo mưa, xỏ dép nhựa, đội mũ cứng, lặc lè vác hàng đến các điểm Trường hun hút sương mây, nơi bọn lít nhít đang háo hức đợi, đến mấy ngày nay.

Sáng thứ 2 ở Đồn, khi việc trao quà đã xong gọn gàng cả ngày hôm trước, Lễ Chào cờ mới được tiến hành.

Đội hình 2 khối vuông vức, gọn gàng của bộ đội và Đoàn Công tác nghiêm trang hướng lên lá cờ Tổ quốc, gặp gió bay phần phật, đỏ chót giữa nền xanh thẳm núi rừng, ngút ngát mây trắng xa xăm.

Và khi lời hát Quốc ca vừa cất lên, mặt trời cũng thò đầu khỏi mây đặc quánh, đứng nghiêm trang, tỏa nắng xuống khoảnh sân Đồn Biên phòng tươi màu đất.

Bao lần tham dự các Lễ Chào cờ trên Đồn Biên phòng là bấy nhiêu lần rưng rưng.

Ở Đồn 415 Nà Khoa, niềm rưng rưng ấy còn nhân lên gấp bội, bởi giữa vùng rừng xa hút, vật vã đi từ đường Tỉnh lộ nửa ngày mới đến cái nơi hoang sơ, vắng vẻ như thể lãng quên, lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cọc tre đơn sơ, giữa mấy dãy nhà tre nứa cũng đơn sơ của Đồn Biên phòng khó khăn, xa xôi, vất vả nhất toàn lực lượng Biên phòng Điện Biên... như thể chấm son đánh dấu chủ quyền đất nước; như giọt máu thề giữ vững đường biên - cột mốc; như thể lời thề Quân nhân đùm bọc, che chở đồng bào...

Rưng rưng hơn, khi những người lính Biên phòng ở đây, sống trên tít tắp vùng biên, xa dân - trung tâm xã hơn chục km, cả tháng có khi mới có dịp xuống tới trung tâm, cả năm mới có vài ngày về quê thăm gia đình, người thân.

Niềm sắt son trong mỗi người lính, là màu đỏ cờ trước sân Đồn, là đỉnh chóp thiêng liêng cột mốc, là màu xanh quân hàm lấp lánh súng gươm và lời thề bảo vệ Tổ quốc - Nhân dân luôn ngân vang trong lồng ngực.

Và những chấm son, giọt máu đó là niềm tin cho mỗi đồng đội chúng mình, cùng khoác đồng phục AABC, hướng lên những vùng biên xa thẳm, trong hành trình cả cuộc đời: ĐI DỌC BIÊN CƯƠNG.
--------------------------------------------------------------------------------------------