Mới đi đảo về, lại quấn quýt lo Tây Bắc, chuẩn bị cho những chuyến hàng của Áo ấm biên cương lên vùng biên giới địa đầu Lai Châu, trong năm học mới 2013-2014. Trên ấy, cũng có mấy tháng nghỉ hè như dưới xuôi đấy, nhưng khái niệm "sinh hoạt hè", quá xa xỉ và lạ lẫm. Mình hỏi anh em Biên phòng mấy tỉnh giáp biên về chuyện nghỉ hè của trẻ con, nghe nhiều lời thở dài buồn: "Bé tý cũng phải làm đủ việc cùng bố mẹ, vì có chỗ nào chơi vui - trông coi đâu?" và thậm chí: "Nhiều đứa phải theo bố mẹ sang Trung Quốc làm thuê!". Sắp Tết Thiếu nhi 1-6 rồi, dự định lên tặng quà cho 1 bản, rành mạch địa đầu, kề ngay cột mốc biên giới, để đỡ nén một câu thở dài, thương bọn lít nhít biên cương. Ai quan tâm đến 1 câu thở dài này, đọc và chung tay cùng chúng mình nhé: https://www.facebook.com/AoAmBienCuong (Nguồn hình: Xóm Nhiếp ảnh). |
25 tháng 5, 2013
TRÊN CON KHÔNG CÓ NGHỈ HÈ
ĐỪNG DÙNG TỪ "BUÔNG THẢ", ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI THẦY.
Đào Tuấn - Đừng bao giờ dùng từ “buông thả” đối với những người thầy, cho dù đó có thể là sự buông thả.
Vụ mại dâm mà Công an TP.HCM vừa “hốt” ngay lập tức đã “gây bão” trong dư luận.
Hãy nhìn trong những từ khóa liên quan “Mại dâm nam”; “nghiện hút”; “Quý bà”, và…”Thầy giáo”.
Không khó để nhận ra, dư luận sốc nặng chính từ tình tiết một thầy giáo phải đi bán dâm.
Thế là từ nay, công cụ tìm kiếm sẽ mặc định thêm một cụm từ “thầy giáo bán dâm”.
Nhưng thưa các bạn, với tư cách là một người học trò, đã từng là học trò, bạn có thấy đau đớn khi người thầy của mình, những người có khi chúng ta còn trọng hơn cha mẹ phải ẩn mặt dấu tên che thân phận kiếm tiền bằng cách bán đi thứ của cải lớn nhất là thanh danh.
Có bao giờ bạn nhìn thấy đằng sau 4 chữ “thầy giáo bán dâm”, là nỗi khốn khổ cam chịu đến cùng cực của không chỉ một câu chuyện, không chỉ một thân phận?.
Giữa Thủ đô, ở Đông Anh, báo chí có lần sót thương nói đến chuyện những cô giáo mầm mon phải ra chợ bán bánh rán, làm ô sin để lấy nghề phụ nuôi thân khi nghề chính chỉ cho họ đồng lương bọt bèo đến mức sau hàng chục năm quá quen với sự tủi nhục mà mỗi cuối tháng nào đến ngày lĩnh lương các cô cũng muốn khóc.
Ở Hải Phòng, một cô giáo đã bật khóc nức nở khi bị rình bắt dạy thêm như rình bắt trộm, bị lập biên bản như bắt… mại dâm ngay trước mặt học trò.
Đừng bao giờ trách người thầy khốn khổ “sao không kiếm việc gì khác mà làm”.
Tháng 11 năm ngoái, trong một buổi tọa đàm về hình ảnh người thầy, Nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP. HCM Hồ Thiệu Hùng, đã nói ra một sự thật là: Trong khi luôn miệng khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thì những thầy cô giáo hưởng một mức lương không bằng một lái xe của nhân viên ngành điện.
“Nguyện vọng số 1 của nhà giáo là sống được bằng lương để có thể toàn tâm toàn ý dốc sức tại lớp, để có thời gian chăm sóc học sinh, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học và cả nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Một đòi hỏi chính đáng và rất tối thiểu mà mấy đời bộ trưởng của “ngành quốc sách hàng đầu” chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được”.
Hôm nay, câu chuyện của ngành “Quốc sách hàng đầu” lại được nhắc lại khi trước Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch đã thẳng thắn phê bình ngành Giáo dục là “phiến diện”, là “không đánh giá đúng thực trạng xã hội” khi chỉ biết “cấm dạy thêm”, dù “chưa chắc nó đã phải là xấu”.
Không ai muốn sau một ngày đứng lớp mệt mỏi phải xách cặp đi dạy thêm. Có phải đi dạy thêm thì chắc chắn cũng không phải để làm giàu.
Không sống được bằng đồng lương chết đói. Không kiếm được tiền bằng chính nghề nghiệp của mình. Vậy thì các thầy cô giáo sẽ phải sống thế nào và bằng cách gì đây?!
Cô giáo dạy nhạc đi hát đám cưới kiếm tiền. Cô giáo mầm non đi làm ô sin. Và giờ, một thầy giáo đi bán dâm, thực ra cũng chẳng phải trộm cướp của ai, để mỗi lần nhận số tiền 200-300 ngàn đồng.
Đừng bao giờ dùng từ buông thả đối với những người thầy, cho dù đó có thể là sự buông thả.
-----------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại
* Hình ảnh đã đăng trên trang Xóm Nhiếp ảnh chỉ có tính chất minh họa.
24 tháng 5, 2013
GẶP CHÚNG Ở TRƯỜNG SA
Không thả neo... |
23 tháng 5, 2013
"KHẢO CỔ" Ở ĐẢO XA?..
Mai Thanh Hải - Những người đi biển ít khi mang những đồ vật của biển như vỏ ốc, san hô... về nhà.
Bởi họ quan niệm: "Của biển phải để ở biển, nếu có lấy cũng phải trả lại cho biển 1 thứ gì đấy tương tự. Nếu không, rất... đen đủi".
Và nữa, những thứ của biển ấy, có mang về cũng phải để ở nơi công cộng, tuyệt nhiên không thể làm của riêng trong nhà.
Tuy nhiên, nhiều người mới ra đến biển lại không để ý hoặc bỏ qua chuyện ấy, nên lính đảo mới có câu "Nhặt nhạnh đảo xa", để vui đùa - nghiền ngẫm.
Đi cùng các Đoàn Công tác ra Trường Sa, không khó để nhận biết những háo hức, tò mò trong rất nhiều người.
Cái sự háo hức ấy, nếu chuyển thể thành việc tìm hiểu cặn kẽ đời sống bộ đội, động viên thăm hỏi, về bờ tuyên truyền ý thức chủ quyền biển đảo là một nhẽ.
Nhưng háo hức chỉ để chụp ảnh lưu niệm về khoe, lần tìm - xin xỏ những kỷ vật của đảo, để rồi về minh chứng "có quà Trường Sa" lại là một nhẽ khác và một số ít thôi, những người ra thăm đảo, đã khiến không ít anh em bộ đội... buồn cười.
Khách ra thăm, cả đảo đôn đáo ăn mặc bảnh bao sạch sẽ, xếp hàng từ cổng chờ khách ùa vào bắt tay.
Xong màn chào hỏi, các đơn vị - cụm chiến đấu - phân đội lại khẩn trương về doanh trại mình, ngồi sẵn trước bàn ghế sạch bong, ấm chén như lau như ly, đợi khách đi qua đôn đáo mời ghé qua uống nước, hỏi chuyện đất liền - tâm tình quê hương (trong bàn này, anh nào mà gặp được... cận đồng hương thôi, là cũng rú lên sung sướng, hạnh phúc lắm rồi).
Vài tiếng trên đảo, đủ để "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng với chúng mình, chả bao giờ hết chuyện.
Ngược lại với ít người, chỉ quấy quá hỏi han, nhát gừng trò chuyện với bộ đội, còn thực sự mắt thì dán chặt vào quả bàng vuông vẫn còn non tơ - mềm oặt, nhăm nhăm... đòi bẻ, để "mang về làm kỷ niệm, cháu nhá!".
Chỗ nào không có bàng vuông hoặc bị Đoàn trước bẻ trụi lủi, mấy bác "sưu tầm" thế nào cũng mắt trước mắt sau tìm ra bờ đảo, lội xuống cát, chui vào bãi cọc chống đổ bộ, trèo cả lên đống đá công binh, mắt cắm xuống mong tìm 1 con ốc vẹo, mẩu san hô gãy, tỉ mẩn đút túi, khệ nệ bưng lên, mắt bừng sáng như "địa chủ được mùa ngô", ra chiều hạnh phúc, mặc kệ cho Sĩ quan Điều hành gào thét mau mau ra tàu, cho kịp con nước...
Nhìn những cảnh ấy, khối bộ đội cười thông cảm: "Mấy thứ vỡ vẹo, bỏ đi ấy, lấy làm gì cho nặng?. Lại khổ tổ tàu dọn dẹp, khi khách lên bờ!"...
Hôm rồi ở Nam Yết, đảo thì toàn dừa với lại phong ba, bão táp, chưa bao giờ có cây bàng vuông, nhưng mấy chị ở Hội PN, cứ nằng nặc túm áo Trung tá Hòa, Chính trị viên phó của Đảo, đòi: "Kiếm cho tôi cây bàng vuông, mang về chùa trồng kỷ niệm", khiến Hòa nhăn như bị: "Nhưng đảo không có cây ấy!".
Qua đảo chìm Đá Lát, mấy chị em thấy khung Công binh treo lủng lẳng con ốc treo đầu cước, liền kéo nhau sang trò chuyện - hát hò và dĩ nhiên đều thẳng tưng: "Xin con ốc", khiến cả khung ngẩn ngơ, hụt hẫng.
Chàng Thượng úy chỉ huy, cười lắc đầu cùng bộ đội và... hào phóng nhặt hết cả chỗ vỏ ốc sau bếp, chắc mới bắt và luộc ăn hôm trước, biếu các chị.
Chưa hết, mấy chị nhanh mắt nhìn thấy vài con ốc to chưa luộc, nhanh miệng xin luôn.
Bộ đội lại cười, tặng luôn cho rảnh, thành 1 bao đầy, lặc lè 2 người khiêng xuống xuồng, cười tít mắt, khoái khoái là...
Lên đến Nhà giàn DK1/18 - Phúc Tần, chưa làm việc xong, đã có người níu tay Đại úy Hùng, Chỉ huy trưởng hỏi: "Có con ốc, cho tôi xin làm kỷ niệm", khiến tụi mình tròn xoe mắt: Từ mặt nước xuống đáy biển cả trăm mét nước, duy tu bảo dưỡng mấy cột thép cắm xuống san hô, phải là người nhái mặc đồ chuyên dụng, các vàng bộ đội cũng không lặn được xuống đấy mà ốc với ếch!..
Cũng may là anh em nhà giàn mới được tàu cá của ngư dân đánh bắt ngoài đảo, tặng cho rổ ốc ăn đổi bữa cá, vỏ vẫn đang phơi ngoài hiên, nên bộ đội đưa hết vào... tặng, mới tạm yên cái vụ "không ngoan cũng phải có quà".
Mình ra đảo không nhiều, nhưng cũng đủ để chia sẻ với bộ đội, đằng đẵng cả năm ngoài đảo, không bóng dáng khách đất liền, gương mặt đàn bà con gái, cái nhu cầu rất thật: Được hỏi han, tâm tình, nói chuyện...
Người khách ra đảo, chí ít chắc cũng phải ý thức được việc đơn giản là "chào hỏi", trước khi tìm hiểu, biết rõ và thấm thía đời sống của người lính nơi xa xôi, để về "tuyên truyền, giáo dục người khác" trong đất liền.
Bỏ qua điều giản đơn ấy, để chăm chăm tìm kiếm - xin xỏ những thứ không đâu về làm kỷ niệm, thì khái niệm "biển dảo Trường Sa" có khi chẳng hình thành nổi, nữa là có được cái ý thức: "Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".
Tin mình đi: Nếu chân thật, hòa đồng với bộ đội, anh em chả tiếc gì mấy thứ kỷ niệm, tuy rằng phải chật vật tìm, cặm cụi làm và nâng niu cất giữ.
Còn nếu cứ đi "thăm và làm việc" với suy nghĩ "đi nghỉ ngơi, an dưỡng", thà rằng ngồi ở nhà đọc sách, xem báo, nghía tivi cho đỡ tốn tiền của, công sức phục vụ - chăm lo của bộ đội.
Nữa: Ai ra đảo, cũng chăm chăm tìm vỏ ốc, san hô... về làm kỷ niệm, có khi bên Hải quân ban hẳn lệnh.... "Cấm nhặt nhạnh", để mỗi khi có khách ra thăm, bộ đội không phải nhấp nhổm dõi mắt, trông coi an toàn cho những "nhà khảo cổ"; ở mỗi nơi tàu về bờ, cho bộ phận Hậu cần - Lễ tân bán hẳn một số kỷ vật lấy từ Trường Sa, phục vụ trong chuyến đi (vỏ ốc, san hô, hoa ốc, mũ cối, dép rọ, túi bảo quản...) cho khách thăm đảo, số tiền này có khi thừa sức đóng chiếc xuồng CQ...
Như thế, các cụ nói là: "Ích nước, lợi nhà". Thật!. Mình nói thật đấy!..
---------------------------------------------------------------------
NICK - CŨNG THƯỜNG THÔI!...
Cát-xê của Nick không hề nhỏ.
Anh cũng yêu cầu chế độ VIP cho đoàn tuỳ tùng lên tới hơn chục người.
Cho đến thời điểm tôi viết những dòng này, nghĩa là đã 2h sáng thì trên Facebook của tôi vẫn tràn ngập những lời cảm xúc về Nick Vujicic của bạn bè.
Thật dễ hiểu, với những gì mà chàng trai không tay, không chân đã làm được, anh xứng đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh.
Ấy thế mà, tôi vẫn không thể nào ngăn được tiếng thở dài...
Thở dài là bởi, với những trường hợp tương tự như Nick Vujicic tại Việt Nam, trong vòng 1 phút tôi có thể kể tên ra 5 gương mặt tiêu biểu.
Những người như Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu... đã làm được những điều mà ngay cả người thường cũng khó có thể làm được.
Hoàn cảnh của họ, tài năng và nghị lực của họ có lẽ không thua Nick là bao, ấy thế mà họ vẫn đang miệt mài đâu đó để tìm mọi cách sống qua ngày, nỗ lực để cống hiến cho xã hội nhưng không được mấy ai quan tâm.
Trong khi đó, những doanh nhân người Việt giàu có đã phải bỏ một số tiền khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng để mời Nick đến Việt Nam, nói chuyện về nghị lực sống, về đam mê vượt qua khó khăn (những điều mà người Việt Nam nói chung và những người khuyết tật nói riêng đã có thừa).
32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các Doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang ngập chìm trong khó khăn.
Có thể nói với một chiến dịch được cho là thành công về mặt truyền thông như Công ty Hoa Sen đang làm với Nick Vujicic, đó không hẳn là một sự lãng phí.
Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu Công ty Hoa Sen chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên... thì họ vẫn có thể tạo được một chiến dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền thông lẫn ý nghĩa xã hội.
Bởi những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những "cú hích" về tinh thần mà Nick đã mang tới.
Một anh bạn người nước ngoài của tôi tự hỏi, không biết tại sao truyền thông Việt Nam lại "điên cuồng" với Nick Vujicic như vậy.
Điều này thật ra không quá khó hiểu khi mà hệ thống các kênh trên truyền hình liên tục phát TVC về Nick gần như 30 phút một lần.
Là một người làm báo, tôi chưa bao giờ tôi thấy giới truyền thông Việt Nam lại "nhẹ dạ" đến như vậy.
Họ biết đằng sau một "Nick khuyết tật nghị lực" chính là một bệ đỡ truyền thông khủng khiếp đến từ các Công ty Phát hành sách của Mỹ.
Nói đơn giản hơn, Nick cũng chỉ là một sản phẩm truyền thông để người ta bán được sách mà thôi. "Anh ấy là một người phi thường, nhưng anh ấy cũng là một nghệ sĩ biểu diễn" - Bạn tôi nói.
Quả thật, với những gì đã thấy chiều nay tại sân bay, tôi nghĩ anh cũng có phần đúng.
Ít người biết được rằng Nick đến Việt Nam không phải do Công ty truyền thông mời, cũng không hẳn do một nhà xuất bản nọ "cầu khẩn" mà đơn giản đó chỉ là một trong các điều khoản hợp đồng mà đã ký với Nick.
Theo đó, để có thể phát hành sách của Nick tại Việt Nam, Nhà Xuất bản nọ buộc phải đảm ứng một yêu cầu là tổ chức một buổi diễn thuyết cho anh tại nước sở tại.
Ngoài những điều khoản trong hợp đồng xuất bản, hợp đồng mang Nick đến Việt Nam cũng bao gồm nhiều yêu cầu rất khắt khe, thậm chí những yêu cầu đó chỉ đến từ các ngôi sao... Hollywood.
Một trong những yêu cầu của Nick là: "Không có bất kỳ một cuộc gặp gỡ riêng nào với báo giới", những gì anh làm chỉ là diễn thuyết trước đám đông.
Giới thạo tin còn kể rằng một đơn vị tổ chức đã xin tài trợ vé máy bay cho Nick từ một Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam nhưng anh không chịu, yêu cầu của Nick là phải một Hãng có uy tín ở Việt Nam.
Anh cũng yêu cầu các chế độ VIP cho đoàn tuỳ tùng lên tới hơn chục người của mình.
Anh cần có người nếm trước đồ ăn (có lẽ vì thể trạng của anh không được tốt).
Ngoài ra, số tiền cát-xê của Nick cũng không hề nhỏ (có người nói 22.000 USD, có người nói 200.000, con số chưa thể kiểm chứng nhưng kể cả 'chỉ' 22.000 USD thì đó vẫn là một con số quá lớn).
Tại sân bay chiều nay, khi Nick vừa hạ cánh, an ninh được thắt chặt thậm chí còn hơn cả khi cặp vợ chồng nổi tiếng của Hollywood là Angelia Jolie và Brad Pitt tới Việt Nam.
Tới mức, một cuộc cãi vã lớn đã xảy ra giữa Giám đốc Nhà Xuất bản và Tổ An ninh tại cửa VIP sân bay nội địa (Nick được sắp xếp ra cửa nội địa dù bay quốc tế) vì Tổ An ninh đã không cho vị Giám đốc này vào trong dù ông này lớn tiếng tuyên bố: "Tôi là Trưởng ban Tổ chức đây!".
Cánh báo chí bị buộc phải đứng ngoài xa cách cửa gần 150m và không thể tác nghiệp vì xe đón Nick đã đậu sát cửa, kính đen ngòm và dĩ nhiên Nick không có lấy một lời chào dành cho người hâm mộ thông qua báo giới.
Tối nay, những gì Nick chia sẻ thật ra không có gì mới, đó là điều mà bất kỳ một người khuyết tật nào (thậm chí cả người thường) cũng sẽ từng mắc phải.
Còn nghị lực sống ư, hãy hỏi những Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Bích Lan (người dịch sách của Nick), "Cô bé xương thuỷ tinh" Phương Anh... xem họ có nghị lực sống và vươn lên trong cuộc sống không?.
Hỏi họ xem họ có xứng đáng được tôn vinh không?.
Hỏi họ xem họ có xứng đáng được quan tâm nhiều hơn không?.
Khi mà số tiền 32 tỷ đồng đó, biết đâu lại chẳng gần bằng ngân sách của "Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020" đã được phê duyệt ấy chứ.
Trước khi buổi nói chuyện "Chào Việt Nam" của Nick diễn ra, giá vé chợ đen được đẩy lên con số 1,5 - 2 triệu đồng.
Một con số không hề nhỏ đối với đa số người Việt trẻ.
Nhưng nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ 2 triệu để nghe Nick nói chuyện về nỗi khổ, về nghị lực sống... trong khi họ sẵn sàng bĩu môi và không thèm bố thí một đồng cho người ăn xin tàn tật.
Vì đâu có sự khác biệt đó?.
Câu hỏi là: Tại sao lại là Nick mà không phải là một gương mặt cụ thể nào đó của Việt Nam, như Hiệp sĩ công nghệ Nguyễn Công Hùng chẳng hạn?.
Với những gì mà Công Hùng làm được, nếu anh được truyền thông Mỹ "o bế" như Nick, hẳn anh cũng nổi tiếng không kém và biết đâu một đơn vị nào đó lại chẳng bỏ cả trăm nghìn USD để mời anh tới nói chuyện?.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Nick và Nguyễn Công Hùng không phải là tài năng hay nghị lực, mà đơn giản chỉ là ở sức hút truyền thông.
Chẳng ai ngu để tin rằng một Công ty bỏ một đống tiền ra mời Nick về Việt Nam chỉ với mục đích từ thiện, xã hội.
Sức hút của Nick là quá lớn, đặc biệt là với sự tiếp tay của truyền thông, với những TVC được phát liên tục trên Truyền hình (và nhờ đó người ta bán được báo, thu được tiền quảng cáo, lại được tiếng là "hướng tới cộng đồng khuyết tật" dù sự thật mục tiêu cao cả này chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi).
Tại sao lại là Nick, tại vì anh ấy là... người nước ngoài.
Thật vậy, người Việt chúng ta vốn sính ngoại. Không ít lần các ngôi sao hạng B, C của nước ngoài tới Việt Nam phải ngỡ ngàng vì mình được... hâm mộ quá xá.
Các cụ ta nói cấm có sai: "Bụt chùa nhà không thiêng", là vậy..
---------------
* Hình ảnh về sự kiện Nick của PV Thuận Thắng (Tuổi trẻ TP.HCM) và một số PV Báo Điện tử khác, đã được đăng tải trên mạng xã hội FB và một số phương tiện TTĐC.
* Hình ảnh các bé khuyết tật, tật nguyền được các Thành viên trang Xóm Nhiếp ảnh ghi tại một số cơ sở Bảo trợ xã hội tại Hà Nội, TP.HCM, đã đăng tải trên trang XNA.
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không tải nhan đề nguyên bản của tác giả Phan Anh trên FB.
THƠ TẶNG NICK
Nguyễn Thế Thịnh - Chúng tôi rất khâm phục anh
Nhưng anh cũng phải khâm phục chúng tôi - Đất nước có rất nhiều người khuyết tật.
Anh không chân, không tay
Làm được rất nhiều thứ trên đời.
Đất nước chúng tôi nhiều người không não
Vẫn làm được một thứ anh không thể nào làm:
Quan!.
-------
* Hình ảnh đăng trên trang Xóm Nhiếp ảnh, chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài thơ của tác giả Nguyễn Thế Thịnh.
NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM: SỰ TẦM THƯỜNG
Quê Choa Blog - NQL: Bác NKĐ lại gửi cho Quê Choa một bài thơ thật hay. Cảm ơn bác so much!.
---------------------------------
SỰ TẦM THƯỜNG
Nguyễn Khoa Điềm
Bây giờ ta có thể bầu bạn với sự tầm thường
Vợ chồng sớm chiều treo mình lên cái đinh mắc màn
Bàn chuyện chạy chọt
Những đứa trẻ phải vào được lớp một
Đừng gieo vào đầu con những mơ ước xa xôi
Mơ ước nào cũng có giá.
Đôi người nhắc nhở rằng
Không phải độc lập tự do cao quý hơn tất cả
Mà chính là nhẫn nhục để ổn định.
Đức Phật từ bi
Xin người đừng mắng tôi
Khi tôi nói lắm kẻ muốn ngài ngậm miệng ăn tiền
Với tờ giấy bạc trên miệng.
Sự tầm thường thật kín kẻ
Mặc những tấm áo đúng thời tiết
Tụ tập trên các diễn đàn
Nói lời rỗng
Đồng phục các cuộc thảo luận đại sự
Luôn luôn tìm một mặt bằng để ngả lưng
Chúng ta có đủ mọi phong trào, các cuộc họp liên miên
Để chỉ nhõn sắm ra sự tầm thường
Tai quái.
Chúng ta coi sự sáng tạo là đáng sợ
Chúng ta ghét bọn “ chơi trội”
Cứ bày ra chuyện đâu đâu
Họ đâu biết tiếng “ keng” của sự cụng ly
Nói nhiều hơn tất cả !
Bây giờ các bí thư sẽ chạy ra đường
- Thay vì bước vào phòng họp –
Để xua cán bộ làm việc.
Bây giờ các nàng ca-ve học nói lời lịch sự
Để tham gia nhóm lợi ích.
Các bậc lão thành đang ngủ trong phòng máy lạnh,
Nhường chỗ cho sự tầm thường lên ngôi …
***
Đôi khi tôi tin rằng chúng ta thua cỏ
Vì cỏ có thể lụi đi để sống lại
Tốt tươi hơn
Mãnh liệt hơn
Trong khi sự tầm thường đóng bộ áo
Tang chế, nhạt nhòa
Cúi đầu
Đi sau cái chết
24.4.2013
------------------------------
* Hình ảnh đã đăng tải trên trang Xóm Nhiếp ảnh, chỉ có tác dụng minh họa, không liên quan đến bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập và bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm.
21 tháng 5, 2013
NGHE EM HÁT GIỮA TRƯỜNG SA
Mai Thanh Hải - Nhung là 1 trong 2 cô Văn công xung kích của Đoàn tỉnh Quảng Trị, tham gia chuyến công tác ra thăm và làm việc tại Trường Sa.
Nhung tên đầy đủ là Lê Thị Nhung, sinh năm 1990, chắc người Quảng Trị gốc bởi giọng nói đặc sệt xứ Quảng, nói nhanh khi giới thiệu với bộ đội, anh em các tỉnh ngoài miền Trung cứ ngơ ngơ ngác ngác, khiến Nhung cứ nắm tay áo mình giật giật: "Eng nì! Eng dịch giụp em với!".
Năm nay Đoàn Quảng Trị ra thăm Trường Sa có khoảng trên dưới 20 người, do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, sau là trưởng Ban ngành - huyện thị và dĩ nhiên không thể thiếu phóng viên - diễn viên.
Chả hiểu do tự ti trước Đoàn Hà Nội đông đúc, hùng hậu hay bản tính "giữ mình" riêng có của miền Trung mà Đoàn Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh chả dám trả lời phỏng vấn của VTV, cấp đầu ngành ngồi nói chuyện thì toàn chính sách - vật dụng cho đơn vị mình, thành viên be bé hơn thì cứ tối đến là đóng cửa giao lưu nội bộ...
Nghe chừng rất... sâu lắng và riêng tư.
Ngay chuyện văn công văn nghệ cũng vậy.
2 cô Văn công Nhung và Bình của Quảng Trị mới ra Trường và công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh, nên rất trẻ, so với cả chục thành viên Đội Văn nghệ Xung kích của Hà Nội, đến từ mấy nơi: Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương... và ai cũng cứng tuổi, bạo dạn, thiện nhiên sát sạt.
Chả hiểu vì đông "đè" ít, người lớn "nén" trẻ con hay không, mà mấy ngày đầu biểu diễn văn nghệ, tuy Nhung hát rất hay, được cả lính trẻ lẫn già vỗ tay nhiệt liệt, yêu cầu hát lại rất thật (chứ không phải yêu cầu "đãi bôi", do quá ngán lời ca, giọng hát, âm thanh), nhưng mỗi em chỉ được đúng... 1 bài, rồi phải trả micro, ngẩn ngơ đi vào trong tiếng hò hét, phát động của chàng MC Đoàn Hà Nội rất vô duyên, phản cảm: "Các chiến sĩ ơi, chúng ta máu lên. Chúng ta quậy đã đời lên!"...
Vẫn biết "má văn công, mông bộ đội", người trẻ lần đầu ra đảo dâng tràn cảm xúc, mong được hát phục vụ bộ đội hết mình, nhưng bộ đội cũng chịu, không "can thiệp" cho Nhung hát thêm được, bởi Đội Văn nghệ đặt dưới sự "chỉ đạo, điều hành" của 1 lãnh đạo Phòng Ban gì đấy thuộc TP. Hà Nội, rất hách.
Thế nhưng, cũng cái sự trẻ trung, thật lòng cống hiến "lời ca, tiếng hát" ấy, mà Nhung để lại ấn tượng và yêu quý thật lòng với bộ đội, ở mỗi điểm đóng quân.
Trường Sa mùa biển lặng, cũng là mùa các đơn vị Công binh hành quân từ bờ ra các điểm đóng quân, gấp rút chạy đua với thời gian để củng cố đảo.
Nói đến Công binh Hải quân, có rất nhiều chuyện để kể, nhưng tựu trung lại trong mấy chữ "gian khổ, thiếu thốn, vất vả, chịu đựng".
Chỉ 1 chi tiết rất nhỏ: Các Đoàn Công tác lên Đảo, ùa đến các đơn vị phòng thủ đảo, ríu rít hỏi han trò chuyện với bộ đội, điệu đà quân phục áo trắng quần xanh, mũ kê pi sáng sao lấp lánh.
Trong khi đó, lính Công binh vẫn quần đùi áo rách, trần mình dưới nước, trong nắng để vác đá, trộn bê tông, đóng cọc... khiến không ít người ra lần đầu, ơ hờ ngang qua hỏi rất vô duyên: "Các cháu là... công nhân à?".
Nhung biết những vất vả thật của bộ đội, nên đến mỗi đảo có Công binh, đều "trốn" khỏi vuông chiếu êm, bóng mát rượi, đủ đồ hộp - nước lạnh phục vụ Văn công, nhường cho các anh chị Hà Nội thảnh thơi ca hát, cho lính đảo thảnh thơi nghe hát, để lần mò trên bờ đá, lội chân dưới san hô, ra với bộ đội Công binh.
Công binh, dù là đặc thù, nhiệm vụ này khác, nhưng đều là lính trẻ, tuổi 18-20 cũng tuổi ăn tuổi ngủ, cũng áo yếm điệu đàng (khi trong bờ) và khao khát như lính phòng thủ đảo điệu đàng áo yếm.
Thèm gặp người đất liền, thèm nghe hát lắm đấy, nhưng phải nén lại, gồng lên, quay mặt đi, úp lưng xuống sóng mà làm việc.
Tủi thân, cứ tưởng bị bỏ quên...
Thế nên, sự có mặt của cô bé Văn công trẻ trung, trắng trẻo và... bé tý, khiến lính ta ngẩn ngơ, sung sướng đến tột bậc.
Chỉ huy gọi lên nghe hát, có chàng còn không tin là sự thật, cứ lắc đầu: "Chắc họ đi dạo, ai dám ra giữa nắng công trường mà hát?".
Chỉ đến khi giọng hát nghèn nghẹn của Nhung bíu từng thanh bê tông, lần qua từng viên đá, lảnh lót vang lên giữa công trường ngổn ngang, khét lẹt và chang chang nắng cháy, lính ta mới tin là thật, kéo tay nhau đứng ngồi xung quanh em, im lặng - bàng hoàng.
Ở đảo chìm Đá Lớn, khi nhìn thấy anh em Công binh đang trần lưng, rách tướp áo quần bê đá, trộn bê tông, Nhung đã níu thang gỗ, xuống tận mép sóng với anh em và đứng giữa nắng, khóc thật sự: "Bây giờ em mới thực sự thấy bộ đội Trường Sa gian khổ!" và nghèn nghẹn hát: "Ở 2 đầu nỗi nhớ, yêu và thương nhau hơn", khiến cả khung Công binh sát vào nhau, nước mắt chảy tràn trên má lính đen sạm, cùng với nước biển tong tong chảy xuống nền san hô khô cong, từ tướp táp áo quần...
Lên điểm chìm Đá Lát, quân số của đảo chỉ nhúm người, tất tưởi chia nhau ra làm việc với lãnh đạo Đoàn Công tác, bốc hàng dưới xuồng, trực canh, đón xuồng, trả lời phỏng vấn báo chí... Trong khi đó, Văn công thì cứ đòi... bộ đội ra nghe hát, rút cục Đảo trưởng phải cử 4 chiến sĩ, bỏ hết công việc ngồi nghiêm nghe hát.
Nhung hát 1 bài cùng các anh chị, rồi lẳng lặng men theo bờ bê tông, sang nhà tạm, hát cho vài chục bộ đội khung Công binh 131 đang lấp ló nhìn trộm, từ vách liếp lưu thưa.
Câu hát của em đau đáu, từ "Quảng Trị yêu thương" dành tặng những đồng hương Quảng Trị, cho đến tình tứ "Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội" lay vai mấy chàng lính Bắc Giang - Bắc Ninh, "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" tặng đôi chàng lính trẻ quê Sài Gòn - Long An, "Sợi nhớ sợ thương" dành riêng người lính già chỉ huy trải qua 20 năm củng cố đảo và quấn quýt "Nổi lửa lên em" với mấy anh nuôi đang nấu cơm ở đầu nhà tạm cạnh bên, vừa vun lửa sôi nồi vừa ngóng nhìn, hát theo bập bõm...
Trường Sa mùa người ta ra thăm đảo. Đoàn nào ùn ùn ra, cũng mang theo lỉnh kỉnh văn nghệ văn gừng các thể loại, tung tẩy son phấn xanh đỏ.
Nghe hát nhiều quá, lính ta cũng chai sạn với nhiều khuôn mặt bự phấn vô hồn, áo quần ngắn kệch và những lời ca điệu nhạc xì ít tin nhiều, gửi tặng đâu đâu...
Bộ đội mình bây giờ, ít nhất cũng học hết lớp 12, xem tivi gọi điện thoại - lướt mạng hàng ngày và sống ở nơi đầu sóng ngọn gió nhạy cảm - tinh tường, nên biết cảm xúc của người khác đưa đến mình, thật hay giả, nhanh lắm.
Và những cô văn công như Nhung, khom người chui dưới công sự, lập cập trèo thang gỗ, bấm chân trên ướt rượt bê tông, bặm môi lội qua san hô sắc nhọn, để ra hát giữa công trường rát nắng, bung biêng nhà tạm, hát đến khản cổ, nước mắt mình hòa cùng nước biển chảy xuống chân lính Công binh... thì mình tin là hát thật, tình cảm thật và yêu thật.
Thế nên, khi chia tay Đá Lát, chàng lính Công binh Hải quân tên Thọ, cùng đồng hương Hải Phòng đã nhảy ùm xuống biển, lôi lên 1 con ốc càng cua giấu dưới cột nhà vẫn còn ướt rượt, run run tặng Nhung và bảo: "Lâu lắm rồi, mới nghe em hát thật ở Trường Sa".
Và mình tin, những điều thiêng liêng về Trường Sa đó là thật.
Giống như chúng mình về bờ rồi, chợt nghe lại câu hát "Ở 2 đầu nỗi nhớ, yêu và thương nhau hơn", lại chung chiêng nhớ về đảo và lời em hát, thấm đẫm niềm yêu đồng đội, qua kỷ niệm một lần: NGHE EM HÁT GIỮA TRƯỜNG SA...
(Hà Nội, tháng 5/2013)
-------------------------------------------------------------------
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)