12 tháng 4, 2013

VIẾT CHO NGƯỜI XA THÁNG TƯ

Hậu Khảo Cổ - Tháng tư…

Trên những con đường Hà Nội, gánh hàng rong thong thả màu vàng mơ chùa Hương, vòng xe đạp tinh khôi những bông loa kèn trắng…

Tôi gọi tháng Tư Hà Nội là mùa dịu dàng, khi đông đã qua mà hạ còn ngập ngừng chưa đến.

Tháng Tư.

Mỗi sáng mỗi chiều sương giăng mờ đường phố.

Quán bên đường thơm mùi café…

Tháng Tư ơi sao vẫn làm người ta ngần ngại khi muốn ngồi xích lại gần nhau...

Tháng Tư.

Đêm bên Hồ Gươm vừa quen vừa lạ. Lòng vẫn mềm khi nhắc về chuyện cũ dù lời nói như bông đùa.

Bạn chắc đã quên sao mình còn nhớ mãi…?

Tháng Tư. Một lời nhắn vu vơ… hẹn rồi nhưng không gặp. Uh, cuộc đời đôi lúc cũng là mạng ảo mà thôi…

Tháng Tư đi… nhớ hẹn tháng Năm về…

Tháng Tư…

Trên những con đường Sài Gòn hoa lẫn trong nắng vàng đầu hạ. Cánh điệp vàng bay theo từng làn gió mát. Hoa bò cạp rực rỡ từng chùm đong đưa theo dòng xe hối hả.

Tôi gọi tháng Tư Sài Gòn là mùa thương nhớ, khi người ra đi và người ở lại mãi mong một ngày được về lại bên nhau…

Tháng Tư.

Cái nắng cuối mùa oi bức làm người ta chỉ mong tìm một nơi bóng râm mát mẻ, ngồi đó và trò chuyện về thời đã qua, thời mà ta chia tay chỉ vì phải chia xa như thế…

Tháng Tư.

Nơi bạn ở hoa mùa xuân tràn đường tràn phố.

Hơi ấm quay về sau một mùa đông giá lạnh.

Xe chạy trên xa lộ mang theo lời ca nhắn nhủ “về đây nghe em, về đây nghe em…”.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, cuộc sống dẫu dài nhưng cuộc đời mỗi người là hữu hạn.

Tháng Tư ơi hãy để bạn tôi trở lại Sài Gòn…

(2010)

11 tháng 4, 2013

DẶM DÀI BIÊN GIỚI: NÀ KHOA

Mai Thanh Hải - Chuẩn bị chuyến hàng thứ 6 trong năm học 2012-2013 lên Mường Nhé (Điện Biên), gia đình Aó ấm biên cương cứ chộn rộn suốt.

Lo lắm chứ: Cả 1 xã biên giới đất Nà Khoa, nhưng rộng như cả tỉnh Bắc Ninh, với 18 thôn bản nằm cheo leo - vắt vẻo trên núi, xa hút trong rừng già, ngập ngừng ven suối, có đến 1.974 đứa trẻ trong danh sách đối tượng thụ hưởng hàng quà, với tổng giá trị hàng hóa cho từng ấy đứa, tính sơ sơ cũng đến 350 triệu đồng.

Không co giò chạy vạy, xin xỏ, lấy đâu ra đủ hàng - quà cho tụi lít nhít chúng nó?..

Trong khi đó, Long - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 415 Nà Khoa, mỗi ngày lại gọi điện thông báo về thời tiết - tình hình và cứ lo: "Đường sá khó đi, địa hình hiểm trở - phức tạp, sợ các anh chị em trong Đoàn, toàn người thành phố, có đi nổi không?" và thầm thì: "Em huy động mấy con ngữa thồ, đón sẵn để chở những chị em nào mỏi chân, không đi nổi!".

Mình phì cười: "Chị em họ đi suốt rồi, năm rồi những 3 Đồn Biên phòng, xa xôi vất vả chả kém gì Nà Khoa đâu!", khiến Long phấn khởi: "Thế thì các anh chị cố gắng lên nhé!. Trên này, giáo viên học sinh đang tíu tít chặt lá lợp lại mái nhà, đan cây ken chặt vách lớp và chờ áo ấm, bánh kẹo đấy!"..

Nghèn nghẹn khi nghe Long kể: Xã có 18 điểm Trường, thì 16 điểm tranh tre nứa lá lụp xụp vách tre mái lá, trẻ con đi học có đứa dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ 2 tiếng qua núi - xuyên rừng mới đến Trường. Hôm nào mưa gió, bọn trẻ túm tụm ở lại cùng cô giáo hoặc Tổ Công tác Biên phòng, khiến cô thầy - bộ đội lại lục xục cả đêm thức, nhường chăn - giường cho chúng nó xếp nằm, như xếp cá khô...

Nà Khoa đường xa, có khi cả tháng, thầy cô - bộ đội mới có dịp ra thị trấn mua lương thực - thực phẩm, mang vào ăn dần tháng tiếp, nên thiếu thốn, từ hạt muối đến lon gạo. Tấm bánh, cái kẹo là đồ xa xỉ với bọn trẻ và đứa nào ốm lắm, nằm bệt, mới được cô thầy thưởng cho 1 cái kẹo, gọi là "bồi dưỡng ốm đau"...

Mình 2 lần lên Mường Nhé, xa lắm.

Tuốt 2 ngày đêm, xe mới từ Hà Nội đến nơi. 3 đêm nằm ở Đồn BP A Pa Chải, Leng Su Sìn, cứ chập chờn tiếng chim kêu khắc khoải ngoài rừng sâu thẳm, đen đặc như thể người xưa về lay cây, gọi hỏi. Buổi sáng dậy, sương ướt đầm trên chăn vải, mặn chát hơi muối và sự sống, có khi chỉ là tiếng mõ trâu lốc cốc, lẩn quất trên nương...

Ấy thế nhưng A Pa Chải, Leng Su Sìn còn tốt chán, so với Nà Khoa hun hút, xa xăm, có khi cả năm mới có 1-2 đoàn dưới TP. Điện Biên lên làm việc.

Vất vả lắm, thiếu thốn lắm, có lên mới biết, nhưng bao năm qua, suốt dải biên cương 53 km đường biên - cột mốc, những người dân, bộ đội, con trẻ vẫn bền gan giữ từng gang đất, một tấc không đi một ly không dời...
Cũng bao năm qua, mọi thiếu thốn - cực khổ đã lặn hết vào trong lồng ngực những lít nhít con trẻ, chỉ toát lên trong ánh mắt con trẻ đen láy, tròn vo, luôn chờ đợi những điều dịu ngọt như viên kẹo, ấm áp như manh áo, của những tấm lòng đồng bào phía dưới xa cột mốc.

Và hành trình của chúng mình, cũng chỉ mong như những viên kẹo - tấm áo, làm ấm lòng những háo hức, đợi chờ, trên biên giới cheo leo...
*****
Tìm hiểu về hành trình chuyến đi: http://aoambiencuong.com
Trên FB: https://www.facebook.com/AoAmBienCuong

9 tháng 4, 2013

BẮT TỪNG CON ỐC, NHẶT TỪNG MẨU RÊU...


Điện Biên - Tây Bắc có đặc sản cá suối thơm ngon, thịt dai và chắc ở từng thớ thịt, mẩu xương.

Điện Biên - Tây Bắc cũng có món ăn chế biến từ rêu đá, đặc trưng người Thái, rất mềm và cũng rất thơm...

Thế nhưng, lên Điện Biên - Tây Bắc mùa này: Cuối mùa hoa ban là mùa giáp hạt, mùa đói - chu kỳ quen thuộc bao nhiêu năm qua, từ đời này sang đời khác, nhìn theo các lòng suối cạn, thường gặp cảnh những đồng bào mình, ơ hờ lật đá - vầy nước tìm bắt từng con cá nhỏ, cấu từng lá rêu xanh...

Trong số những bóng gầy tìm nguồn sống, thấp thoáng những khuôn mặt con trẻ, bé tý có khi chỉ bằng cái nấm, cũng bệt xuống lòng suối, lăn đá bắt cá, run rẩy nhặt rêu...

Những người gắn bó với Tây Bắc - Điện Biên nhìn thấy tụi trẻ, chép miệng: "Mùa giáp hạt, tụi trẻ con học sinh Nội trú đói, nên cũng phải lần mò xuống suối, lên rừng kiếm cái ăn qua bữa, lấy sức lên lớp!" và lắc đầu: "May thì bán được cho khách du lịch dưới xuôi tò mò, kiếm tiền đong gạo. Nếu không lại mang về, đổ nước suối nấu thành canh, ăn không!"...

Tháng 4 dịp này đúng cuối mùa hoa Ban - giáp hạt. Bao năm rồi, hé mùa hoa đẹp là lại vất vả, đói nghèo, ơi Tây Bắc - Điện Biên!...
-----------------------
* Theo dõi hoạt động đang giúp đỡ học sinh Mường Nhé (Điện Biên), tại: ĐÂY và ĐÂY

CON HẾT CƠM RỒI...

Con ăn hết cơm rồi, nhưng vẫn rất đói. Cô ơi! Còn gì ăn không?...

(Cảm ơn bạn AnAn và Hệ thống Siêu thị T-Mark đã đồng ý ủng hộ các con Nà Khoa, Mường Nhé, Điện Biên 50 thùng mì tôm, trong chuyến hàng thứ 6 của Áo ấm biên cương lên biên giới Mường nhé, sắp tới đây. Xin nhớ là mỗi gói mì tôm của các anh chị, sẽ thành 1 nồi canh nấu với rau, cho các con ăn thêm ở từng điểm Trường, mỗi bữa).

Nguồn hình: Xomnhiepanh.com

7 tháng 4, 2013

"SORRY AIRLINES"+ "DELAY AIRLINES" = VIETNAM AIRLINES


Đào Tuấn - Nhắc đến Vietnam Airline (VNA), hẳn nhiều người sẽ mỉm cười nghĩ đến diễn viên hài Công Lý với “Bài ca Sorry Airline” nổi tiếng.

Người khác sẽ thở dài trước những chướng tai gai mắt. Hoặc tệ hơn, sẽ chửi thề

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu hôm 4/4/2013 bất ngờ ký một công văn gửi VNA và một số Hãng Hàng không khác yêu cầu “chấn chỉnh thái độ và chất lượng phục vụ hành khách trên các chuyến bay và tại các Cảng Hàng không”.

Công văn này có nhắc tới “chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên Hàng không trên một số chuyến bay và tình trạng hủy chuyến bay..”, dù là trong phòng khách VIP.

Có lẽ là không vô tình, công văn không nêu đích danh, nhưng nhắc tới “kể cả một số hành khách là khách ưu tiên và cán bộ cấp cao Nhà nước”.

Nhắc đến VNA, hẳn nhiều người sẽ mỉm cười nghĩ đến diễn viên hài Công Lý với “Bài ca Sorry Airline” nổi tiếng. Người khác sẽ thở dài trước những trướng tai gai mắt.

Hoặc tệ hơn, sẽ chửi thề.

Người cần phải cảm ơn, không phải là Thứ trưởng Tiêu, khi cái công văn chấn chỉnh này giờ là quá chậm trễ, và cũng chẳng ai tin là văn hóa sẽ được tạo lập luôn và ngay chỉ sau một mệnh lệnh hành chính chung chung.

Người cần cảm ơn chính là vị “Cán bộ Cao cấp Nhà nước” nào đó, khi ông bị đối xử và có phản ứng về những điều người dân vẫn bị đối xử và không bao giờ dám phản ứng, nếu không muốn bị gô cổ, phạt tiền, thậm chí, bị “cấm bay”.

Nếu bạn không nhớ, thì xin nhắc lại, người từng bị còng tay như tội phạm là một HLV tuyển Taekwondo Quốc gia chứ không phải diện quần thoa, hay thư sinh trói gà không chặt như đa số “khách bị hành”.

Hồi đầu năm 2011, sau vụ còng tay, cư dân mạng đã sáng tác ra một nội quy mới, dành cho khách hàng của “Hãng Sorry Airline”, đến giờ vẫn là câu chuyện cười ra nước mắt:

1. Khi bạn không gọi đồ ăn, nếu Tiếp viên mang đến cho bạn, bạn bắt buộc phải ăn vì nếu không sẽ bị khép vào tội “Dám bật lại Tiếp viên”.

2. Khi hành khác đã lên máy bay nếu muốn xuống phải được sự đồng ý của Tiếp viên, nếu không sẽ phải xuống theo phương song song với mặt đất.

3. Khi hành khách trọn đời không muốn bay với Sorry Airline, hãy lên báo và có ý kiến “góp ý, xây dựng”.

4. Đừng bao giờ cố gắng tranh cãi với Sorry Airline, hoặc bạn sai hoặc Sorry Airline luôn đúng.

5. 80% tiếp viên của Sorry Airline là bất lịch sự, 20% còn lại thì không biết “lịch sự” nghĩa là gì.

6. Nếu bạn bay với Sorry Airline và chuyến bay của bạn đến sân bay đích đúng giờ, bạn nên xem lại đồng hồ, có thể bạn đã bị trễ chuyến 24 tiếng.

Thưa thứ trưởng Tiêu, những điều ông hôm nay ra công văn chấn chỉnh đã ít nhất tồn tại từ bấy giờ.

Lê la sân bay đã trở thành “Chuyện thường ngày ở huyện”.

18% số chuyến bay bị chậm, hủy. 540 chuyến bay phải “sorry” chỉ trong mấy ngày tết. Và, với một giọng dịu dàng nhất, chúng ta được giải thích là do “Lỗi kỹ thuật”.

Xin lỗi là một hành vi văn hóa, đáng được trân trọng, nhưng một lời xin lỗi sáo rỗng, với một lý do nhạt toẹt “sự cố kỹ thuật” nói đi nói lại cả vạn lần, tạo ra sự bất bình, ức chế đến nỗi người ta gán luôn cho hàng hàng không là “Sorry Airline” thì nói thật, đó không còn là văn hóa nữa.

Êm ái quá, êm ái đến phát sởn da gà. Cười nhạt quá, lạnh quá, đôi khi nó giống với việc nhe răng.

Liệu có văn hóa nào tạo lập trên sự độc quyền?..

Có người nói lối hành xử của ngành Hàng không y như ngành điện, lơ mơ là cắt điện liền, không nói nhiều.

Và lối hành xử đó chỉ có thể tồn tại khi khách hàng của những ngành này không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác.

Trong những lời đàm tiếu về “Sorry Airlines”, có những điều hoàn toàn nghiêm túc: “Từ Sorry Airlines, Hiệp hội Hàng không thế giới đưa ra định nghĩa mới về hãng Hãng không mẫu mực như sau: “Một hãng Hàng không mẫu mực là hãng hàng không biết tha thứ cho khách hàng khi… chính họ sai”; “Sorry Airline không có thời gian để sửa hình ảnh của mình bởi vì họ quá bận rộn trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước”..

Khi người dân đàm tiếu, diễu nhại, có nghĩa họ không còn tin vào sự nghiêm túc nữa rồi...

* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại.
* Một số hình ảnh của thành viên OF, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

RÁCH NÁT NÀ KHOA


Mai Thanh Hải - Tạm bợ, cũ nát... là hình ảnh những ngôi trường bằng tranh tre, nứa lá ở ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào thuộc xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Tương tự, cuộc sống - học tập của thầy cô, học trò ở xã có diện tích ngang ngửa tỉnh Bắc Ninh này, cũng cơ cực - thiếu thốn - rách rưới và thậm chí, có nơi còn cả đói khát.

Thế nhưng, vượt qua khó khăn, các thầy cô vẫn bám trường để "cõng chữ lên ngàn".

Ở Nà Khoa, do nhà quá xa nên các học sinh Tiểu học - THCS hầu như phải ở trọ trong khu Nội trú hoặc tự dựng lều ở bán trú, loanh quanh cạnh lớp học - điểm Trường.

Những khi rảnh rỗi, các em thường đan lưới đánh cá hoặc bắt những con vật trong rừng, để cải thiện bữa ăn là chuyện thường

Chính vì sự quá vất vả, rách nát, thiếu thốn và cơ cực này, Nà Khoa được chọn là điểm đến trong chuyến đi thứ 6 (năm học 2012-2013) của Chương trình Áo ấm biên cương, từ ngày 26-30/4/2013.

Chương trình có sự giúp đỡ - tài trợ của các Tổ chức, tập thể, cá nhân hảo tâm và sự phối hợp thực hiện của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên.
***
Tìm hiểu về hoạt động của Chương trình Áo ấm biên cương trên FacebookTẠI ĐÂY
Trang Website chính thức của Áo ấm biên cương: http://aoambiencuong.com
Tìm hiểu: Kế hoạch chuyến đi, Cách thức ủng hộ, Liên hệ ủng hộ