22 tháng 10, 2011

HÌNH ẢNH TÀU KHÔNG SỐ BỊ BẮN CHÌM TẠI VŨNG RÔ, PHÚ YÊN?..

Tấm hình này được chú thích là "Tàu chở vũ khí tiếp tế cho VC bị bắn chìm tại Vũng Rô, tỉnh Phú Yên" 1965 (nguồn). Mình không rành tiếng Anh lắm nên đành đăng tải, nhờ bạn đọc dịch nghĩa hộ. Nếu quả đúng như vậy, thì tấm hình này cũng có giá trị, trong tư liệu về "Đoàn tàu Không số", đang được tuyên truyền rầm rộ, thời gian này và giúp cho công tác sưu tầm tài liệu về "Đường Hồ Chí Minh trên biển", có kết quả nhiều hơn.

À! Mà mình đang ở Hải Phòng. Chiều nay có ai rảnh, ra vỉa hè Trần Hưng Đạo uống bia, ngắm phố Cảng chiều dần buông và nghe chuyện "Tàu Không Số", thì liên lạc nhau, ngồi buôn dưa, nhá!..

ĐI VIẾNG "BÁC" GADDAFI...

Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Biết tin Gaddafi chết, mình liền gọi điện cho Kim Châng In, thì gặp thằng con nó Kim Jong-un nghe máy.

Mình hỏi:

- Bác Fi mất rồi đấy, nhà mày biết chưa?.

- Dạ, nhà cháu biết rồi!.
...
- Thế đi viếng bác Fi, bố mày định bỏ phong bì bao nhiêu?.

- Cháu cũng không biết. Vì bố cháu nghe tin bác Fi chết thì lăn đùng ra ốm!.

- Tại bố mày hoảng quá ý mà!. Thôi!. Mày cứ bỏ hộ bố mày phong bì hai trăm!.

- Vâng ạ!..

21 tháng 10, 2011

CUỐI TUẦN, XEM THỜI SỰ VTV1 VÀ ĐỌC LẠI BÀI CA NGỢI "NHÀ LÃNH ĐẠO KADDAFI" TRÊN BÁO NĂNG LƯỢNG MỚI

Ấn phẩm "Năng lượng mới" của PVN
Petrotimes- “9 Tập đoàn Truyền thông xuyên quốc gia đang nắm và phân phối hơn 90% lượng thông tin trên thế giới theo hướng có lợi cho bọn trùm quân sự - công nghiệp bằng những ngón xuyên tạc cực kỳ thâm hiểm trong nhiều tin tức trọng đại đối với toàn nhân loại”

Chuyện xưa kể rằng:

Mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ thì một kẻ hớt hải chạy đến báo: 

- Tăng Sâm giết người!

Bà liếc nhìn kẻ báo tin rồi tiếp tục công việc. Con trai bà vốn hiền lành có một.

Một lúc sau, một kẻ khác lại chạy đến báo:

- Tăng Sâm giết người!

Bà mẹ giật mình và hơi lo nhưng vẫn tiếp tục công việc.

Một khắc đồng hồ sau đó nữa, lại có kẻ hớt hải chạy đến báo:

- Tăng Sâm giết người!

Bà mẹ liền bật dậy rồi hốt hoảng chạy ra khỏi nhà.

***
PV Báo Năng lượng mới đi giầy đen, cưỡi la trên đường tác nghiệp
Hẳn nhiều người đã biết chuyện này. Và sau này, trùm phát xít Goebbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền của Đức Quốc xã đã từng nói: “Sự thật là điều không có thật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần”.

Nhưng rất ít người biết rằng, hiện nay, 9 tập đoàn truyền thông xuyên quốc gia đang nắm và phân phối hơn 90% lượng thông tin trên thế giới theo hướng có lợi cho bọn trùm quân sự – công nghiệp bằng những ngón xuyên tạc cực kỳ thâm hiểm trong nhiều tin tức trọng đại đối với toàn nhân loại.

Mang tính chất thời sự nóng hổi là việc chúng dựng lên đủ thứ chuyện về quốc gia và xã hội Libya biến nhà lãnh đạo Muammar Kadhafi thành ma quỷ cũng như đã từng dựng nên chuyện Saddam Hussein của Iraq chế tạo vũ khí giết người hàng loạt.

Tất nhiên, trong cuộc sống và trong cung cách lãnh đạo đất nước, ông Kadhafi cũng bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chuyện tham quyền cố vị và gia đình trị. Nhưng Libya và ông Kadhafi có nhiều điều không như hệ thống tuyên truyền của Mỹ, EU rêu rao.

Người ta đã vạch trần nhiều cảnh dân chúng biểu tình hoặc binh lính Kadhafi đàn áp dân chúng đều được dàn dựng ở Qatar. Và khôi hài cũng như rẻ tiền là cảnh dân Libya mà lại chống Kadhafi bằng cờ Ấn Độ!. Rồi còn cả chuyện tay trùm  Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia thừa nhận là đã quay video ở nước ngoài thành cảnh ở Libya để… tuyên truyền.
"Nhà lãnh đạo Kaddafi" (từ dùng của Năng lượng mới) khi còn sống

Trong bài “Libya: Facts & Analysis” (Libya: Sự kiện & Phân tích) của Helen Shelestiuk, đăng trên mạng left.ru của Nga, tác giả này viết: “Khi được hỏi xem Kadhafi đã áp bức đồng bào mình như thế nào thì vị Đại sứ Nga tại Libya vừa bị bãi nhiệm là ông Vladimir Chamov, đã nói: Sao lại áp bức?.

Người Libya được hưởng tín dụng 20 năm không phải trả lãi để xây cất nhà, 1 lít xăng chỉ khoảng 14 cent, thức ăn cho dân nghèo thì miễn phí và họ có thể mua một chiếc jeep KIA Hàn Quốc mới toanh với giá 7.500USD”.

Sau khi cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết giống với những điểm nêu trên, Helen Shelestiuk viết tiếp: “Kadhafi đã tích lũy hơn 143 tấn vàng. Ông còn hoạch định thành lập một khu vực không dùng đồng đôla mà dùng đồng dinar vàng để thanh toán giữa các nước. Lợi nhuận từ việc bán dầu mỏ được sử dụng cho phúc lợi của nhân dân và cho việc cải thiện điều kiện sinh hoạt. Rất nhiều tiền đã được dùng vào việc dẫn thủy nhập điền trên toàn quốc nhờ hệ thống thủy đạo ngầm (mà tiếng Anh gọi là GMR “Great Manmade River = Sông Nhân tạo Vĩ đại” – AC).
Vẫn là "Nhà Lãnh đạo", lúc vẫn còn sống

Do quy mô của nó mà hệ thống này được mệnh danh là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”. Nó cung cấp 5 triệu m3 nước mỗi ngày xuyên qua sa mạc và đã làm tăng đáng kể diện tích được tưới nước. 4.000km đường ống được chôn thật sâu để chống lại sức nóng.

Với công trình này, Libya đã có khả năng xúc tiến một cuộc “cách mạng xanh” thực sự theo đúng nghĩa đen của từ ngữ; nó giúp giải quyết hàng loạt vấn đề về lương thực, thực phẩm của châu Phi.

Và càng quan trọng hơn nữa, nó bảo đảm cho sự ổn định và sự độc lập về kinh tế (của châu Phi). Đã có lần Kadhafi nói hệ thống nước tưới này của Libya là một lời đáp hùng hồn cho Hoa Kỳ, kẻ vẫn cáo buộc là Libya ủng hộ khủng bố”.
"Nhà Lãnh đạo" chết thảm

Helen Shelestiuk cho hay: “Năm 2010, Kadhafi đã kiến nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc điều tra về trường hợp Hoa Kỳ và NATO xâm lược Iraq và đưa ra xét xử những tội ác về vi phạm nhân quyền đó.

Ông cũng đệ trình một dự thảo nghị quyết về trách nhiệm pháp lý của các nước thực dân trước kia và (những nước này phải) bồi thường thiệt hại vì trách nhiệm đó.

Tuyên truyền của phương Tây đã biến Muammar Kadhafi thành ma quỷ bằng cách mô tả ông như một tên bạo chúa bệnh hoạn và một kẻ thù khắc nghiệt đối với những nguyện vọng dân chủ của người Libya.

Không đúng. Libya có những cơ chế về dân chủ và về quyền giám sát của nhân dân: Những hội đồng công dân được bầu chọn và những cộng đồng tự trị (công xã), không thông qua danh sách kiểu Xôviết, không có thói quan liêu vô bổ, mà với một trình độ sinh hoạt và an ninh xã hội cao của công dân. Đó là một kiểu xã hội về nhiều phương diện rất giống với chủ nghĩa cộng sản.
Báo Năng lượng mới ngày ra mắt

Có phải vì thế mà bộ ba Hoa Kỳ, EU và NATO tấn công Libya hay không?

Sau đây là câu trả lời của Sigizmund Mironin: “Đất nước Libya, mà người ta miêu tả là một nền độc tài quân sự, thực ra là nhà nước dân chủ. Năm 1977, tại đây, nền Jamahiriya, một nền dân chủ hình thức cao, đã được tuyên bố; với nó, các thiết chế truyền thống của chính phủ bị bãi bỏ và quyền lực trực tiếp thuộc về nhân dân thông qua các ủy ban và đại hội của họ.

Quốc gia được chia nhỏ thành nhiều cộng đồng, thực chất là những “tiểu quốc gia tự trị” trong một quốc gia, có thẩm quyền đối với địa hạt của mình, kể cả việc trợ cấp bằng ngân quỹ. Mới đây, Kadhafi còn phát biểu những ý tưởng dân chủ hơn: phân phối lợi tức từ ngân sách một cách trực tiếp và đồng đều đến công dân. Theo nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Libya, những biện pháp đó sẽ phải có tác dụng loại trừ tệ tham nhũng và thói quan liêu”.
Giày đen "tác nghiệp"


Sigizmund Mironin đã khẳng định như thế.

Còn Maurice Gendre thì đặt câu hỏi: “Tại sao người dân Libya yêu mến Kadhafi?” và trả lời bằng cách cũng nêu lên những đặc điểm trên đây về đất nước Libya rồi kết luận: “Hiển nhiên là chẳng có gì lạ nếu các phương tiện truyền thông (đang giữ vai trò) thống trị không cung cấp cho công chúng bất cứ điều nào trong những dữ kiện đầy gợi ý về bản chất đích thực của chế độ ở Libya vì có khả năng những “người phẫn nộ” (từ dùng để chỉ những người biểu tình phản đối chính quyền – AC) khắp châu Âu sẽ đòi hỏi (ở chính phủ của mình) những tiến bộ xã hội kiểu Libya của Đại tá Kadhafi”.

Sự bưng bít đó không chỉ diễn ra trong phạm vi Hoa Kỳ, EU và NATO mà còn tác động đến công tác truyền thông của nhiều nước khác vì nhiều lý do: Tình nguyện “ăn theo”, thụ động nói theo vì không có những nguồn tin độc lập và (hoặc) trái ngược, hành nghề chỉ để hành nghề, v.v..
Nơi "Nhà Lãnh đạo" ẩn náu và bị lôi ra

Nhưng có những nhà báo công minh hơn Medvedev. Radija Benaissa, chẳng hạn, đã viết trên InvestigAction ngày 22/8/2011: “Kadhafi là một tên bạo chúa khát máu, tôi từng tin như thế rồi tôi đã thay đổi ý kiến”.

Và bà viết tiếp: “Tất cả những gì mà các phương tiện truyền thông của chúng ta (phương Tây – AC) đưa ra đều là dối trá. (…) Những cuộc thăm dò trong người dân cho thấy, ông Kadhafi nhận được ít nhất 90% người dân ủng hộ tại Tripoli và ít nhất là 70% trên toàn quốc”.

Thực ra những kẻ hiện nay đang lên án và tìm cách sát hại Kadhafi một cách hung hãn và tàn độc nhất thì lại đều từng chính là thân hữu với ông cả.

Chẳng thế mà Jean-Paul Pougala, trong bài “Quyển album gia đình của tôi”, đăng trên Camer.be ngày 3-9-2011, đã hài hước thác lời Kadhafi: “Những thằng đạo đức giả! Tất cả bọn chúng đều nói rằng mình luôn luôn là kẻ thù của chúng. Không thằng nào nhớ là đã quen và đã chơi với mình. Thế nhưng… với thằng bạn José Manuel Barroso, thì đó là chuyện sống có nhau, chết có nhau. Đây, mình với tên Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha. Đây, với thằng cố vấn được trả lương Tony Blair. Với thằng Pascal Lamy, lúc đó hắn còn là Ủy viên châu Âu chứ chưa là Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới. Với Romano Prodi, khi hắn còn làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Với José Maria Aznar, luôn luôn có chút dè dặt. Với José Luis Zapatero. Còn thằng này là Silvio Berlusconi. Bọn mình luôn luôn khăng khít. Đây, với Nicolas Sarkozy. Sau tất cả những gì mình làm cho hắn thì hắn âm mưu lật đổ mình. Không biết mình đã làm gì sai trái với hắn: Vụ máy bay Rafale? Vụ các trung tâm hạt nhân? Hay vụ nàng Cécilia của hắn? Còn đây, thằng nhóc mới toanh Barack Obama”.
Người dân Libya ăn mừng khi Kaddafi bị tiêu diệt

Bây giờ thì những kẻ phản bạn đó chẳng những xâm lược Libya để ăn cướp dầu mỏ, vàng và tiền của xứ sở này mà còn tìm cách truy sát Kadhafi vì nhiều lý do, mà quan trọng nhất, như Jean-Paul Pougala đã điểm lại, là:

1. Vệ tinh đầu tiên của châu Phi RASCOM 1.

Chính nước Libya của Kadhafi đã hiến cho toàn bộ châu Phi cuộc cách mạng đích thực đầu tiên thời hiện đại: Bảo đảm việc phủ sóng rộng khắp toàn châu lục về điện thoại, truyền hình, truyền thanh và nhiều loại hình ứng dụng khác như điều trị từ xa, giáo dục từ xa. Lần đầu tiên, việc kết nối được thực hiện với giá thấp trên toàn bộ lục địa cho đến tận những vùng hẻo lánh.
Ăn mừng

Năm 2006, nhà lãnh đạo của Libya đã đóng góp 300 triệu USD; Ngân hàng Phát triển châu Phi góp thêm 50 triệu và Ngân hàng Phát triển Tây Phi 27 triệu và từ ngày 26/12/2007, châu Phi đã có vệ tinh viễn thông đầu tiên của mình.

Thừa cơ hội, Nga và Trung Quốc cũng nhảy vào, lần này là để chuyển nhượng công nghệ và tạo điều kiện phóng thêm những vệ tinh mới, của Nam Phi, Nigeria, Angola, Algeria và một vệ tinh thứ hai của toàn châu. 300 triệu của Kadhafi là một cú giáng trời đánh, làm cho phương Tây mất đi không chỉ 500 triệu USA mỗi năm, mà còn hàng tỉ tiền nợ và tiền lãi mà món nợ này sẽ làm phát sinh cho đến… vô hạn, để duy trì sự “cướp cạn” đối với châu Phi.

2. Quỹ Tiền tệ châu Phi, Ngân hàng Trung ương châu Phi và Ngân hàng Đầu tư châu Phi.

Số tiền 30 tỉ USD mà Mỹ đã ăn cướp thuộc về Ngân hàng Trung ương Libya được dự định sẽ là phần đóng góp của Libya để hoàn tất việc thành lập Liên hiệp châu Phi thông qua 3 dự án hàng đầu: – Ngân hàng Đầu tư châu Phi, đặt ở Syrte (Libya);
Mừng hú

- Việc thành lập, ngay trong năm 2011, Quỹ Tiền tệ châu Phi với vốn là 42 tỉ USD, đặt tại Yaoundé (Cameroon); – Ngân hàng Trung ương châu Phi, đặt ở Abuja (Nigeria), nơi mà việc phát hành đồng tiền châu Phi sẽ đánh dấu sự cáo chung của đồng franc CFA; với đồng franc này Pháp đã chi phối nhiều nước châu Phi từ 50 năm nay. Kadhafi tự hỏi không biết mình đã làm gì khiến thằng Sarkozy không vừa lòng. Thì đây là một chuyện đó, ông Kadhafi!.

Quỹ Tiền tệ châu Phi (AMF) sẽ thay thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong mọi hoạt động và về mọi mặt.

3. Sự thành lập Hợp chúng Quốc châu Phi.

Để gây bất ổn và phá hoại Liên minh châu Phi đang đi theo hướng thành lập Hợp chúng quốc châu Phi (United States of Africa) dưới bàn tay thiện nghệ của Kadhafi, Liên minh châu Âu, mà Sarkozy là khởi xướng, định thành lập Liên minh vì Địa Trung Hải, gồm 27 nước châu Âu, một số nước Tây Á và Bắc Phi, nhằm cắt Bắc Phi ra khỏi châu Phi.
Vẫn là... ăn mừng

Bắc Phi là địa bàn của người châu Phi có nguồn gốc Arập, được xem là văn minh hơn phần còn lại của châu Phi.

Kế hoạch của Sarkozy không thành công và Liên minh vì Địa Trung Hải “chết non” vì không có sự tham gia của chiếc đầu tàu toàn châu Phi là Libya.

Trong cuộc họp thượng đỉnh mở đầu, Kadhafi đã không thèm đến. Thêm một chuyện nữa làm cho Sarkozy không vừa lòng.

Vì những chuyên đại loại như trên mà phương Tây, thông qua bọn bồi bút, bồi báo, đã không từ một thủ đoạn nào để bôi nhọ Kadhafi, từ cách ông dùng trang phục cho đến chuyện ông cho dựng chiếc lều của người Bedouin ở một số nơi ông đến thăm hoặc làm việc, kể cả khi đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Bộ trưởng Thăng (thiên) đến thăm Báo NLM

Khôi hài là trên thế giới, có quá nhiều người, chỉ biết xài có bản năng mà thôi để nghe theo báo giới phương Tây mà cứ ngỡ là mình biết thụ hưởng dân chủ!.

Xin hãy nghe Jean-Paul Pougala khẳng định: “Kadhafi là người châu Phi đã mở đường cho việc tẩy sạch nỗi ô nhục của tệ phân biệt chủng tộc. Kadhafi ở trong trái tim của hầu hết mọi người dân châu Phi như một con người độ lượng và giàu tinh thần nhân văn vì sự ủng hộ vô tư của ông cho cuộc chiến đấu chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Nếu ông là một kẻ vị kỷ thì chẳng có gì buộc ông phải nhận lấy sấm sét của phương Tây vì ông đã ủng hộ về tài chính và quân sự cho ANC (Đại hội Dân tộc Phi) trong cuộc chiến đấu chống lại tệ Apartheid”.

Libya là một đất nước có nhiều chính sách mà nhân dân nhiều nước trên thế giới nên mơ, chẳng hạn: Việc xài điện gia dụng được miễn phí; Nước dùng cho sinh hoạt cũng miễn phí; Công dân không phải đóng thuế nên cũng không có VAT; Các ngân hàng cho vay không lấy lãi; Sinh viên muốn đi du học nước ngoài được nhà nước cấp học bổng hàng tháng là 627,11 euro; Mỗi cặp vợ chồng mới cưới được nhà nước trả tiền mua nhà; Chăm sóc y tế được miễn phí. Các bệnh viện được trang bị siêu tốt, đến nỗi nhiều cơ sở y tế của phương Tây cũng phải ganh tị; Bậc trung học và bậc đại học đều miễn học phí…

An Chi

ĐƯA TIN VỀ QUỐC HỘI: "CHÚNG NÓ COI BỌN MÌNH NHƯ... CHÓ"?.

PV (áo sơ mi kẻ) đứng tựa cột, chờ được tác nghiệp ngoài hành lang QH
Mạnh Quân - ...Sáng sớm, 7h15 đã đến Văn phòng Quốc hội (VPQH) lục lọi, ghi lại các đề tài đăng ký để đẩy lên 4room, báo Toà soạn sớm.

Một lúc sau các Phóng viên (PV) theo dõi QH lục tục đến.

Sở dĩ ngày khai mạc Kỳ họp QH (Kỳ 2, QH Khóa XIII), thường phải đến rất sớm vì VPQH chỉ phát cho 30 Thẻ Sự kiện, để kèm theo cái Thẻ chính mới vào được Hội trường, tranh thủ phỏng vấn Đại biểu (ĐB) QH giờ nghỉ giải lao.

Nhưng lần này, chỉ mới biết qua một số thông tin, anh em bừng bừng phẫn nộ.

Số là kỳ này, mỗi ngày, VPQH chỉ phát cho 15 thẻ sự kiện, cho 15 Báo.
Rất hiếm khi có được ĐBQH nhiệt tình trả lời phỏng vấn thế này

Không rõ với tiêu chí nào: Có thể là Báo lớn, là Báo... ngoan ngoãn dễ bảo hay chọn ngẫu nhiên (cái này chắc chắn không phải ngẫu nhiên)... để được vào 15 phút kiếm tiền quý hoá ấy.

Thế là bất bình, đơn giản vậy thôi.

Mọi Kỳ họp trước, đã khốn khổ khốn nạn vì xúm vào tranh cướp Thẻ, tài liệu như hàng tôm hàng cá ngoài chợ rồi.

Bây giờ hạn chế như thế, thằng làm giỏi hay thằng làm kém, Báo nhỏ hay Báo lớn; 300 hay 400 phóng viên ...

Chẳng biết, cứ biết là có 15 Thẻ ấy, đứa nào may được cấp thì vào.
Khách Quốc tế được dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIII
Thế thì còn mần ăn gì nữa?. Cho dù là nhiều Báo vẫn được đăng ký thẻ B, là thẻ được vào trực tiếp Hội trường để chụp hình, nhưng cơ bản là đa số, mấy trăm anh em PV vẫn phải ngồi ở Trung tâm Báo chí đọc báo, buôn chuyện dài dài.

Chờ mấy thằng ở Hội trường về, thằng nào không đoái hoài đến chuyện phải làm "độc quyền" cho Báo, chia cho thì tốt.

Nói chung thì đa số các Báo chưa có chế độ trả nhuận bút cho đàng hoàng với các  tin, bài độc quyền, mà thường vẫn trả rất rẻ mạt (nhiều Báo vẫn trả 150-200 k/bài), nên anh em đa phần về một lúc, gỡ băng phỏng vấn, cũng chia cho thôi.

Nhưng dù thế nào, cũng vẫn cứ ấm ức.
Các ĐBQH chụp ảnh lưu niệm với TBT Nguyễn Phú Trọng

Tụ tập với nhau, chửi bới một lúc, chợt nhớ đang khát nước.

Ra ngoài tìm nước thì hỡi ôi, bình nước cạn còn 10 phân, mà nào thấy có cái cốc nào.

Lại càng thêm tức.

Mình bảo mấy anh em: "Tao khát quá, lấy tay vục nước uống, chúng mày đừng chụp ảnh nhé!".

Xong ra vẻ thế thật, thằng Trung - Báo Công an nhân dân bèn chụp một cái, cười ha hả, bảo "Em sẽ gửi cho anh". Nhìn ảnh, thấy chết cười.

Cuối giờ, thì cũng thấy bê vào một bình nước lọc với vài cái cốc như mọi khi: "Cho chúng mày! Mấy trăm cái miệng thì cũng châu vào đó mà uống!".

Thôi thì uống tạm, có là tốt rồi.
ĐBQH nữ xênh xanh áo đẹp, tạo dáng chụp hình
Dám đâu mong có ê hề nước ép trái cây, sinh tốc, bánh trái, hoa quả... như dành cho quan chức, ĐBQH trong Hội trường.

Quay vào, lại ngồi với giao ban qua mạng với cơ quan một lúc.

Thấy hôm nay bảo làm mấy tuyến chủ đề thế này, thế này... hot quá: Nào là làm phỏng vấn chuyện Đinh La Thăng cấm cán bộ chơi Golf, nào là tỉnh Nam Định không tuyển Công chức với người có Bằng Tại chức...

Anh em Báo khác thì bàn làm về giá điện, giá xăng.

Một lúc, cái số được cấp Thẻ Sự kiện ấy đến giờ vào Hội trường, hăm hở đi, liếc mắt nhìn lại anh em với vẻ thương hại.

Được độ 20 phút sau, chúng về. Thê thảm.
PV Đài Tiếng nói VN chờ được phép phỏng vấn ĐBQH

Ngọc Lan, TBKTSG về mặt hằm hằm. Hỏi ra là cả hội vào, quây mấy người, đều chẳng phỏng vấn được ai (sau mới biết  vẫn còn có anh Thăng nói vài câu).

Anh Vương Đình Huệ bắt tay với các nữ Nhà báo chúc mừng mấy câu nhân ngày Phụ nữ 20/10, rồi nhất quyết không giả nhời, lấy lý do là phải theo Quy chế: "Không phỏng vấn trong hành lang Hội trường" (có quy chế đó thật).

Còn anh Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng, nghe nói định trả lời PV nào đó, các PV khác ồ đến  (không chịu rút kinh nghiệm, từ từ thôi), bèn chạy tháo thân. Chán toàn tập. Bỗng bật cười.

Nghe  một nữ PV nào đó ngồi gần thốt lên: "Chúng nó coi bọn mình như là con chó!".
Sự thật của cái gọi là: "Theo dõi, đưa tin phản ánh các hoạt động của QH"

Lại có người nữa bảo rằng: "Thôi! Đừng có mà kêu nữa. Kêu nước rồi sẽ không có nước. Kêu cấp thêm Thẻ sẽ bị rút bớt Thẻ đi!".

Nghe thấy có lý, cả đám PV ngồi trên dưới mấy bàn cười ồ: "Đúng! Đúng! Đừng có kêu.

Cũng may buổi chiều, có vài chú vào Hội trường cũng có tranh thủ hỏi thêm được tý. Mỗi người vài câu ngắn. Đỡ một ngày thất bát...

--------------------------------------

* Tít bài viết do MTH đặt và bố cục bài viết cũng được chọn theo chủ đề, không giống với nguyên bản
* Hình ảnh minh họa trong bài lấy từ TTXVN và phóng sự ảnh của VietNamNet

20 tháng 10, 2011

THƯ GỬI BÁC CẦU ĐƯỜNG "THĂNG THIÊN"

Bác kính mến!.

Hôm qua cháu vào lớp 1. Trường cháu học cách nhà không xa, nhưng vẫn trái tuyến, vì nhà cháu ở bên kia đường thuộc quận khác, nên ngày nào cháu cũng phải trèo qua dải phân cách, rồi đi bộ dọc lòng đường đến trường.

Chắc bác hỏi tại sao cháu không đi trên vỉa hè?.

Vỉa hè nhà cháu vẫn đang được đào bới từ hồi khai giảng… năm ngoái.

Qua đoạn đào ấy là một loạt quán bò nướng và bia hơi. Mà cháu sợ mùi bò nướng và bia hơi lắm, giống mùi bố cháu tỏa ra khi về nhà muộn ấy.

Hết quãng bò và bia thì đến khúc các chú Cảnh sát và Thanh tra giao thông lập chốt chặn bắt xe vi phạm.

Xe vi phạm nhiều nên dựng kín vỉa hè rồi bác ạ.
Cháu cũng không thích bố cháu chở bằng xe máy đến trường.

Ầm ĩ mà khói lắm.

Ai cũng thích bấm còi, giống như em cháu lái ôtô đồ chơi ấy.

Về chuyện đi xe máy. Kể ra, bố cháu cũng tài ghê cơ.

Bị bao nhiêu xe khác tạt qua đầu, rồi ôtô lấn làn đường... thế mà bố cháu vẫn lách được qua mấy cô bán hàng rong, vượt qua đầu xe buýt, luồn dưới mớ dây cáp điện, lướt qua một cái cống mất nắp… xong là cho xe khác “ăn khói” ngay - bố cháu bảo thế. Nhưng cháu cứ sờ sợ thế nào ấy.

Cứ sáng ra, cháu ngủ dậy là thấy tivi báo hôm trước có mấy chục người chết vì tai nạn giao thông.

Gần nhà cháu có một anh đang học Đại học đua xe máy bị ngã, may mà đội mũ bảo hiểm nên không chết. Nhưng mẹ anh ấy bảo bây giờ khi đi ngủ anh ấy vẫn cứ đòi đội mũ bảo hiểm.

Cháu nghe bố cháu bảo sắp cấm xe máy đi trong thành phố, rồi bố cháu lầm bầm: “Thế thì đi bằng mắt à?”.

Cháu cũng không hiểu "đi bằng mắt" là thế nào?.

Nhưng bố con cháu thử đi một lần bằng xe buýt từ nhà đến chỗ bố cháu làm rồi: Chỉ 5 cây số, phải mất 4 lần chuyển xe, đi bộ 2 đoạn, nhảy qua 1 chỗ đào đường và chui dưới cục bêtông của 6 cái cần cẩu mới tới.

Đi học mà mang cặp sách to như cháu, thì chú phụ xe đòi tính 2 vé cơ.

Bác ạ!. Hôm nọ, cả nhà cháu về quê. Đi qua Đại lộ Thăng Long thấy to lắm, đẹp lắm nhưng xóc xóc.

Bố cháu bảo: "Đường mới tinh đấy", nhưng cháu lại thấy xóc hơn đường cũ, được làm cách đây mấy chục năm.

Cháu chỉ thích 2 bên đường cảnh rất đẹp. Có rất nhiều hồ nước và các bạn be bé như cháu bơi lội, câu cá thỏa thích (chả như cháu, cuối tuần mới được bố cho đi bể bơi).

Nhưng bố cháu bảo: Đấy không phải là hồ bơi, mà là hố thi công làm chết mấy anh chị lớn rồi.

Cháu chả hiểu thế nào!. Chứ cháu nghĩ: Làm gì có ai đào được hố to như thế, sâu như thế ở ngay bên đường rồi để đấy cơ chứ?.
Cháu về quê chơi vui ơi là vui.

Ở nhà quê ít xe máy lắm, nên bọn cháu đi ra đường thoải mái.

Có một buổi chiều bọn cháu đi xem dân làng chặn ôtô tải chở đá không cho đi qua làng.

Các ông các bà ở làng bảo: Toàn xe chở quá tải, lại không chịu đóng tiền làm đường, nên không cho đi qua.

Các chú lái xe cãi, bảo là: Trong phương án khai thác mỏ đá làm gì có tiền làm đường, với lại tiền đường thu qua xăng rồi còn gì.

Hơn nữa, các chú ấy đã được các chú Cảnh sát giao thông “thông cảm” cho đi lâu nay rồi.

Nhưng dân làng nhất định không chịu thông cảm bác ạ!.

Đến tận hôm cháu đi, vẫn thấy các chú lái xe mắc võng đu đưa ở đầu làng. Còn dân làng vẫn trải chiếu uống rượu, với đánh tú lơ khơ ở giữa đường…

Thôi cháu đi ngủ đây, sáng mai cháu lại dậy sớm để đến trường.

Chỉ có điều cháu chưa biết mai sẽ chọn cách nào để đi đến trường đây: Đi bộ trèo qua dải phân cách, đi xe máy hay đi xe buýt.

Thôi việc này tạm thời để bố cháu toàn quyền quyết định vậy.

Cháu chào bác!

PHAN ANH (TTCT)

______________________________

(Tái bút: thư này là cháu đọc cho chị Ôsin nhà cháu đánh máy đấy. Cháu chả biết chị ấy đánh có đúng không. Khi cháu biết chữ, cháu sẽ kiểm tra lại. Nếu sai, cháu sẽ mách bố cháu cho chị ấy “ra đường” ngay!).

3 NGƯỜI PHỤ NỮ NHÀ MÌNH

3 người phụ nữ của mình rất yêu Tổ quốc và thề quyết giữ gìn "biển đảo quê hương" (là mình đấy. Hi! Hi!)
Đây là yêu Quê hương nhá! Thi thoảng cuối tuần, lại về quê chơi với bờ cỏ, bãi ngô...


Thế nhưng đi chơi xa, mình toàn hùng hục lái xe, để 3 người phụ nữ lăn quay ra ngủ ở ghế trên và khoang sau. Hu! Hu!
Là phụ nữ nên rất thích chụp hình... He! He!
Tất nhiên, trước khi chụp hình, phải làm đủ các loại dáng và thế này gọi là... tạo dáng

3 người phụ nữ nhà mình đều... đồng tính với mình: Thích đi chơi lang thang và rất bộ đội - Chén ngay mì tôm tự nấu ven đường, ở nơi khó khăn - thiếu thốn (không bán đồ ăn), mà không ai kêu ca gì cả...

Là phụ nữ nên thích hái hoa là đương nhiên rồi...

Dọc đường thiên lý Bắc Nam, 3 nữ nhà mình khỏe như không, cứ dừng xe lại là sẵn sàng thăm thú, chụp hình
Xòe ô che nắng

Bến nước ven sông quê
3 nữ nhà mình rất khoái mua sắm, đó là đương nhiên. Nhưng ngày Tết, 3 nữ cón có thêm ý thích đi chợ hoa

Đây là nhảy cao nhá! Chắc muốn bay lên, bay lên ý mà. Hi! Hi!
Ngày 20/10, mình đi mua hoa tặng 3 nữ nhà mình đây...

TẶNG CHỊ EM, NHÂN NGÀY 20/10: "DUYÊN TÌNH LẬN ĐẬN"...

Tuân Phẹt - Mình có cô em họ cũng vào loại xinh xắn. Hơn 30 tuổi rồi nhưng vẫn chưa chồng. Cũng chỉ tại không dám liều. Sợ lấy chồng như... nuôi con đề: Nuôi con này lại về con khác.

Những năm cuối 80, lúc ấy còn đang học cấp 3, trên Ti vi chiếu một bộ phim gì đó của Ấn Độ, nội dung mình cũng chẳng nhớ rõ.

Đại khái là có một anh yêu một chị, tình duyên trắc trở vì mối thù truyền kiếp của hai họ, rồi họ nhảy xuống sông Hằng, để được bên nhau mãi mãi.

Mình không thích phim Ấn Độ lắm. Cái mình không thích nhất là diễn viên đang đánh nhau, lúc gay cấn nhất thì dừng lại múa hát chán chê, rồi mới đánh nhau tiếp. Chính vì thế, mặc dù rất đói khát phim ảnh, nhưng nếu bật Ti vi lên, mà thấy diễn viên có nốt ruồi giữa trán, là mình không xem.

Cô em họ mình thì ngược lại: Rất thích phim Ấn Độ. Mà cô ấy xem phim cũng khác lạ, tình huống bi lụy trong phim khiến các bà các cô sụt sùi lấy khăn chấm nước mắt, thì cô ráo hoảnh. Nhưng cảnh diễn viên nam chính đánh nhau bị thua, thì cô ấy lại khóc rưng rức. Hóa ra, xem phim chỉ để... ngắm diễn viên nam đẹp trai.

Một thời gian sau, cô giới thiệu cậu bạn trai với mình. Trông cậu này có nét Ấn Độ. Tóc để rợp gáy, mái bồng bềnh. Đôi mắt to tròn mầu nâu hơi ươn ướt dưới làn mi rậm rạp. Quần áo của cậu ta rất mốt: Quần bò mốc có khóa kéo ở đầu gối, áo phông kẻ gắn con cá sấu trên miệng túi.

Cô em nức nở: “Đẹp giai không anh?. Bao nhiêu đứa thích anh ấy mà em chiến thắng!”.

Tiếp xúc với chàng trai này vài lần, mình bảo: “Thằng người yêu mày đần đần thế nào ấy, được mỗi cái mã. Giống như con công đực có bộ lông sặc sỡ!”.

Vài tháng sau thấy cô em mặt buồn so, hỏi thăm thì cô bảo: “Chia tay Con Công rồi, chỉ được mỗi cái mã. Người đâu mà nhạt như nước ốc ao bèo, chả biết làm cái gì. Đến cái lốp xe đạp của em bị non hơi cũng không biết bơm, chán kinh!”.

Khi cô ấy khoảng 20 tuổi, đã vào Đại học, lại mang đến giới thiệu mình một anh chàng khác.

Chàng này xét về mẫu mã thì thua Con Công, nhưng mặt mũi góc cạnh cũng không đến nỗi nào. Đặc biệt, chàng hoạt bát, nhanh nhẹn, rất galant với phụ nữ và nói chuyện có duyên làm nhiều lúc mình phì cười.

Mình bảo: “Thằng này có vẻ được đấy nhỉ. Biết làm nhiều trò khỉ!”.

Cô em mình hất cằm đầy vẻ hãnh diện, buông một câu cảm thán: “Chuyện! Người yêu em mà lị!”.

Tình yêu với Con Khỉ kéo dài đâu vài năm thì chấm dứt. "Gần chùa gọi bụt bằng anh" - Những thế mạnh trước đây của Con Khỉ hấp dẫn em mình thì nay trở nên quen thuộc nhàm chán.

Nhàm chán với người này nhưng vẫn mới lạ với khác.

Em họ mình buồn bã mất một thời gian, gặp mình, bảo: “Thà đau một lần còn hơn đau nhiều lần anh ạ!. Con Khỉ bắt cá nhiều tay quá!”.

Mình an ủi: “Thôi, không chịu được nhiệt thì bỏ, thiếu gì đàn ông!”.

Ra trường một thời gian, cũng đến tuổi lấy chồng được rồi.

Cô em mình lại có một anh chàng khác, hiền lành ít nói. So với Con Công và Con Khỉ thì anh chàng này kém nổi bật hơn hẳn. Cô em bảo: “Đau tim với Con Khỉ lắm rồi!. Giờ yêu anh này cho yên bình!”.

Mình bảo: “Nó như Con Lợn ấy nhỉ, suốt ngày chỉ ụt à ụt ịt!”.

Con Lợn rất hiền, bảo gì làm nấy. Con Lợn là công chức nhà nước, cả ngày ở cơ quan chỉ đọc báo, uống nước trà và ngủ gật. Hết giờ làm việc đến trình diện ở nhà em mình, tối đi về nhà ngủ với mẹ. Ngày nghỉ nếu không bị em mình điệu đi đâu, thì chỉ ở nhà ăn no rồi ngủ tít mít.

Lương ba cọc ba đồng nên Con Lợn chi tiêu cũng rất tằn tiện. Hôm sinh nhật cô mình, em mình phải chi tiền mua quà để cậu tặng lấy lòng mẹ vợ tương lai.

Nhiều lúc em mình nổi cáu, Con Lợn khoanh tay cúi đầu chịu trận đầy cam phận.

Đàn ông như Con Lợn là ngoan, nhưng thối chí, an phận với cuộc sống nhạt nhòa, nên cũng không thành đôi với em họ mình được.

Duyên tình em mình lận đận, đến gần 30 thì kiếm được một Con Bò.

Anh chàng này khỏe, chăm chỉ làm việc. Công to việc lớn gì ở nhà em mình, từ gánh nước bổ củi đến ma cưới hỏi đều thấy Con Bò xắn tay làm nhiệt tình như con cháu trong nhà.

Mà chẳng phải chỉ việc nhà, kiếm tiền ngoài xã hội cũng rất khá. Hơn ba mươi tuổi đầu đã có nhà lầu xe hơi.

Hình thức cũng được, chẳng kém Con Công xưa kia là bao nhiêu. Tính tình vui vẻ, nói năng hoạt bát như Con Khỉ. Chẳng chơi bời bài bạc, ngoan ngoãn như Con Lợn.

Rốt cục thì em mình cũng đến số, cả họ nhà mình mừng.

Ấy vậy mà cũng không thành mới tệ. Lần này em mình câm như hến, chẳng giải thích lý do chia tay.

Thấy vậy, mình cũng không dám hỏi.

Ba mươi rồi, gái già rồi, đổi tính đổi nết sợ lắm!..

Cho đến mãi sau, một hôm em mình phấn khích vì mới mua được cái váy đẹp, mang sang nhà mình khoe.

Mình mới lân la cà khịa: “Đấy! Già quá rồi, kiếm được cái váy níu kéo tuổi xuân là khoe nhặng lên. Ngày xưa Con Bò hay thế mà lại bỏ!. Đồ hâm!”.

Em mình liếc nhìn xung quanh xem có ai không, rồi cúi đầu, nháy mắt thì thầm: “Khoản kia yếu lắm!. Hỏng rồi!”.

Thì ra là thế, Mình bảo: “Mày phải kiếm một thằng vừa Công, vừa Khỉ, vừa Lợn, vừa Bò lại phải là Dê. Xin về... Vườn thú mà làm việc, may ra gặp!”.

Em họ mình cười lóe xóe. Vừa đi về, vừa ngoái cổ lại bảo: “Số em nó khổ thế đấy, anh ạ!”...

19 tháng 10, 2011

BÁO MẠNG VÀ BÁO GIẤY...

Tuổi trẻ Cuối tuần - Chuyện nghe được trong quán bia

- Nghe nói báo mạng sẽ thay thế báo giấy...

- Vô lý, làm sao có chuyện đó được!

- Sao không được?

- Rồi lúc đó lấy gì mà đập ruồi, cha nội?..
-----------------------------------------------------

18 tháng 10, 2011

THƯ GỬI BÁC Y TẾ

Bác kính mến!.

Hôm qua bà cháu mệt, bà bảo: “Tao già rồi, đằng nào cũng ốm. Thế nên phải tranh thủ ốm trước đi, kẻo mấy hôm nữa tăng viện phí thì lại khổ con, khổ cháu!”.


Bà cháu là người “thời sự” nhất nhà. Cháu nghĩ là vì bà chịu khó nói chuyện với tivi suốt cả ngày, nên cái gì bà cũng biết.

Bố cháu gắt: “Bà cứ lẩm cẩm. Đã ốm thì lúc nào chả khổ. Ốm mùa hè còn khổ bằng mấy mùa đông. Mùa đông lạnh nên chen nhau còn âm ấm một tí, chứ mùa hè bốn người nằm một giường, có thi nhau quạt thì cũng chỉ hắt nóng từ người này sang người kia thôi”.

Nhưng hình như bà cháu ốm thật, nên bố con cháu đưa bà vào Bệnh viện.

Bệnh viện đông vui tấp nập y như trường cháu ngày khai giảng ấy bác ạ.

Bệnh nhân nằm đầy hành lang, còn người nhà thì vắt vẻo cả trên lan can.

Cháu nghe có chú than thở: “Vào tận đây mà còn bị trộm móc sạch cả ví tiền với điện thoại. Trong túi còn đúng 10.000 đồng, vừa đủ trả tiền gửi xe máy qua đêm”.

Bà cháu bảo: “À!. Bệnh viện này tao vào rồi, từ hồi sau giải phóng. Nhận ra ngay quang cảnh phòng ốc, mọi thứ vẫn y như cũ, chỉ khác là ngày xưa quét ve xanh, bây giờ lại sơn vàng!”.

Có lẽ bà cháu phải mổ đấy bác ạ.

Thế là khi bố cháu đưa bà đi làm thủ tục nhập viện, cháu phải đi ra tận hiệu thuốc ngoài cổng để mua phong bì cho bố cháu.

Kể cũng lạ bác nhỉ, hiệu thuốc mà cũng bán cả phong bì nữa! Nhưng cháu hiểu rồi, bố cháu bảo hiệu thuốc bán tất cả những gì thiết yếu dùng trong Bệnh viện.

Bố cháu dặn mua luôn cho bố cháu vỉ thuốc cảm cúm nữa để dự phòng bố cháu bị ốm trong lúc xếp hàng đóng viện phí và nộp Thẻ Bảo hiểm y tế.

Mua phong bì thì dễ rồi, chả ai hỏi gì cháu cả.

Nhưng khi cháu hỏi mua thuốc cảm cúm, thì bác bán thuốc khuyên cháu nên mua kèm một lọ thực phẩm chức năng, dành cho sản phụ mới sinh em bé.

Cháu giải thích cho bác ấy là bà cháu, bố cháu và cháu nữa đều không sinh em bé, nên không dùng được loại thực phẩm ấy đâu.

Bác bán thuốc thở dài, rồi bảo cháu: “Thôi vào dặn bố nếu cần siêu âm, xét nghiệm gì cho bà, thì cứ liên hệ với bác, cho nó nhanh”.

Cháu chả hiểu làm sao bác ấy lại làm “cho nó nhanh” được, nhưng sợ bố cháu chờ nên cháu không dám hỏi rõ.

Lúc ấy bỗng có một bác, hình như là Thanh tra thì phải (cháu đọc được trên bảng tên của bác ấy), đến hỏi bác bán thuốc: “Mua bán gì? Hóa đơn chứng từ đâu?”.

Bác bán thuốc chỉ ngay cháu bảo: “Báo cáo anh, con bé này đòi mua tiền chất ma túy!”.

Bác thanh tra nói gọn lỏn: “Phạt! Tiền phạt chuyển khoản qua hệ thống liên ngân hàng ngoài quốc doanh nhé. Cấm lưu cuống phiếu chuyển tiền đấy!”.

Thế là cháu hiểu ngay không phải bác ấy phạt cháu rồi, vì cháu làm gì có tài khoản?.

Khổ thân bác bán thuốc, mặt bác ấy xanh lại, tay bác ấy run run mân mê một cái phong bì...

Cháu quay vào viện tìm mãi mới thấy bà và bố cháu.

Bố đang dùng xấp hóa đơn viện phí xòe ra để quạt mát cho bà.

Bố con cháu lại đưa bà về nhà vì hôm nay là thứ sáu cuối tuần, mà Bệnh viện thứ hai mới có kết quả xét nghiệm và hội chẩn.

Bà cháu bảo: “Biết thế này tao ốm sớm từ đầu tuần. Nhỡ tăng giá ngay, tuần sau mổ một nhát bằng tuần này mổ mười mấy nhát còn gì!”.

Bố cháu lại làu bàu: “Bà cứ lẩm cẩm”!.

Nhưng cháu thấy hình như bố cháu sai.

Bà cháu già thật nhưng có phải lúc nào cũng lẩm cẩm đâu, bác nhỉ?.

Cháu chào bác nhé! Cháu chúc bác luôn mạnh khỏe để không phải vào bệnh viện...

PHAN ANH (Tuổi trẻ Cuối tuần)