19 tháng 9, 2012

NGÀY MAI HÀNG LÊN CAO BẰNG

Gần 900 suất quà cho toàn bộ bọn trẻ con xã biên giới Xuân Trường (Cao Bằng) đã được chia vào túi gọn gàng, đóng thùng cẩn thận.

Những áo khoác, cặp sách, vở, bút, mũ len, sách truyện, khăn quàng đỏ, bánh kẹo...ngổn ngang cả 1 tầng nhà là thế, sau 2 buổi từ chiều đến đêm, qua tay bao người nâng niu đóng gói, nay nằm im thin thít trong các thùng giấy, ghi to đùng điểm Trường nơi đến, dù tít tắp lưng chừng núi lưng chừng đèo, 4 mùa mây trắng phủ quanh và hình như cũng sốt ruột, muốn đi xa lắm lắm...

Đã hết đâu, còn những gạo thơm, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bột canh, muối tinh, sữa đặc, thuốc men, sách truyện, đồ chơi.. chất ngần ngật, cũng được "dán nhãn" cho đủ 15 điểm trường, đủ 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS) và đồ tặng riêng cho Đồn Biên phòng (hệ thống âm thanh - hình ảnh, máy in)...

Tối nay, hàng được bốc lên đủ xe tải 3,5 tấn do Cty của Trần Việt Phương cho mượn và sáng mai cùng túc tắc đi cả ngày lên Bảo Lạc, thêm chặng đường đi bộ - thồ ngựa ngày mai, chia nhau đến trao tận tay lũ trẻ con lít nhít, ở từng điểm Trường xa gần trong nguyên 1 ngày kia (21/9).

Cũng xin được cập nhật các khoản ủng hộ trong 2 ngày hôm nay:
- Nhà sách Hương Thủy: Sách (trị giá 1.500.000 VND)
- Cháu Nguyễn Đức Minh (Lớp 3A1, Trường THQT Đống Đa, Hà Nội), chuyển hết 1.000.000 VND tiền tiết kiệm cho các bạn (mua sách 300.000 VND, chuyển tiền mặt mua đồ: 700.000 VND).
- Cô giáo Phạm Hà (Long Biên, Hà Nội): Quần áo, khăn mặt, muối tinh và 1.000.000 VND
- Chị Cẩm Hà (TP.HCM): 3 thùng đồ chơi và 01 bộ chăn gối, rất xinh và mới cứng.
- anh Sơn (DN Xây dựng Đông Anh, HN): 100 hộp sữa đặc có đường
- Bạn Nguyên Minh: 3 thùng dầu ăn
- Qua Tài khoản VCB:

Ngày giao dịchSố tham chiếuTrạng thái (+/-)Số tiềnMô tả
18/09/20120595 - 0006879+4,000,000.00 /Ref:P33698355{//}/Ref:P33698355{//}NGO THI NHAN UNG HO TRE EM XUAN TRUONG CAO BANG CHO MA I THANH HAI

Đặc biệt cảm ơn các bạn, các Tình nguyện viên 2 ngày hôm nay đã lăn lóc nhận - vận chuyển - bốc vác và đóng hàng từ chiều đến tối, chấp nhận nhịn đói.

Thưa với mọi người!. Ngày mai hàng sẽ lên Cao Bằng, trao tận tay tụi lít nhít biên giới xa xôi.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÓNG HÀNG

30 chiếc chăn bông dày khự (150 X 220) do Tổng cục Hậu cần sản xuất (anh Hải, Học viện Biên phòng tặng) 
Vở viết chữ và chăn giữ ấm
3 thùng đồ chơi do chị Cẩm Hà (TP.HCM) chuyển ra tặng

Băng dính dán thùng của Vịt teo
Cặp sách cho toàn bộ học sinh Tiểu học và THCS (593 chiếc)

Chống đói bằng mì tôm
Mũ len cho tụi lít nhít quá đẹp về kiểu dáng, màu sắc nên cũng... thử làm đẹp tý

Trong mỗi cặp sách (quà cho học sinh Tiểu học, THCS) là 10 cuốn vở, 3 bút và 1 hộp kem đánh răng
Chả có lối mà đi

Ngồi ra cả ngoài đường
Hàng đóng xong, chờ gửi bớt sang nhà hàng xóm

Điểm trường Phìn Sáng, phải đóng riêng cho nam và nữ
Lũng Rạc thì đủ trong 1 thùng to

 
 
Áo rét cho toàn bộ 247 hs Mầm non. Hàng chất lượng cao do DN Việt Nam sản xuất chứ không phải của Tàu khựa. Toàn bộ áo rét do Cty Bia rượu - Nước Giải khát AROMA (trụ sở tại Hưng Yên) mua ủng hộ.

Gấu bông - đồ chơi do chị Cẩm Hà (TP.HCM) gửi ra tặng 3 thùng, toàn hàng "xịn" nên ai cũng xuýt xoa khen
Cũng của chị Cẩm Hà; Bộ chăn gối quá đẹp và mới (có đề xuất bán đấu giá, lấy tiền đó mua thêm bánh kẹo, bột canh, muối, dầu ăn cho các cháu. Chị Cẩm Hà tính thé có được không?)
Ngày thứ 2 đóng hàng, cũng là ngày sinh nhật của 2 thành viên, nên có tý lễ chúc mừng nhỏ, ngay tại... hiện trường

Thực phẩm tặng cho từng Điểm trường (ở bản xa)
 
Chia bánh kẹo thành từng phần, cho các cháu

Mệt
Sách truyện mới, cho Thư viện

Đóng hộp hết nhé!

17 tháng 9, 2012

QUỸ "GÓP ĐÁ XÂY TRƯỜNG SA" CŨNG BỊ BIỂN THỦ

Đọc những dòng này, chỉ thốt lên được 1 câu: "Khốn nạn!".

Cũng láng máng nghe đây đó chuyện này khác về tiền bạc, quà cáp gửi ra ngoài Trường Sa.

Nhưng để "bắt tận tay, day tận trán" đối tượng thế này (mà lại là Phó Bí thư Huyện Đoàn, đứng trong hàng ngũ "Hậu bị của Đảng"), thì đúng là hết nói...

Thông tin trên Báo Pháp luật TP.HCM
-------------------------------------------
Bị cách chức vì biển thủ quỹ “Góp đá xây Trường Sa”
 
(PL)- Ngày 16-9, một nguồn tin cho biết Huyện ủy Tánh Linh (Bình Thuận) vừa có quyết định đình chỉ chức vụ, đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Trần Văn Thông, Phó Bí thư Huyện đoàn Tánh Linh, vì đã để xảy ra sai phạm tài chính tại đơn vị.
 
Trong đợt vận động các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc, các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ “Góp đá xây Trường Sa”, ông Thông đã biển thủ hơn 50 triệu đồng để chi tiếp khách và chi vào các mục đích khác. Ngoài việc đình chỉ chức vụ ông Thông, UBND huyện Tánh Linh cũng đã chuyển hồ sơ sai phạm của ông sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.
PHƯƠNG NAM

16 tháng 9, 2012

QUÊ MÌNH CÓ BÁNH ĐA CÁ RÔ!..

Bạn cùng học thời đói khổ áo rách vai, quần thủng đít, lớn lên phải tha phương kiếm sống nơi xứ người.

Ở nơi xa ngái tuyết rơi, nhưng lúc nào cũng miên man nhớ quê, đến thành hoài niệm trong từng giấc ngủ - bữa ăn và thi thoảng lại u u nghèn nghẹt qua ống nói: "Về quê, chụp hình và kể chuyện xứ mình cho tôi nghe, ông nhé!"...

Mình về quê, cả nhà tống lên xe, chạy vút qua cầu Thanh Trì rung rinh trên mặt song Hồng, hòa vào dòng xe tải trống rỗng chạy xuống Cảng nhận hàng "bè bạn 5 châu" rồi lại lặc lè chuyển về mọi miền trong nước, để... tiêu thụ hộ "chúng nó", cơ đâu hơn 2 tiếng đồng hồ đã về tới quê.

Mọi người nói nhiều về đặc sản Hải Phòng. Đúng cũng có mà sai cũng có. Nhưng với mình, thích nhất là canh bánh đa.

Đến bây giờ và có lẽ là mãi mãi, không quên được bát đánh đa cua của mẹ anh Lương Văn Thành.

Bây giờ anh Thành làm Đại biểu Quốc hội, mới từ Viện trưởng VKSND TP. Hải Phòng chuyển lên VKSNDTC.

Chứ hồi tụi mình chơi với nhau, mình là sinh viên tò te và anh ý mới vừa ra Trường, thực tập xong và làm việc bên huyện, ngay sát vách nhà mình, ngày 20/24 giờ chui vào ăn ngủ và chém gió trong mái nhà mình nghèo nàn, xập xệ, cuối tuần mới lếch thếch đạp xe về lại nhà bên phố Lê Lai.

Mình hồi ấy đi học Đại học, đói lắm, toàn cắm ký nợ nần từ cái vé ăn đến vài đồng lót dạ. Đợt nào đói quá, cả phòng lại điểm danh hộ 1 thằng, tống nó về quê xin gạo sắn hay bất cứ cái gì có thể ăn được, mang lên cứu đói. Đến lượt mình, lếch thếch trốn tàu về đến ga Hải Phòng, xong đi bộ theo đường tàu ra cảng về tận Lê Lai, ngủ nhờ anh Thành 1 đêm trên gác xép để sáng hôm sau lại ngồi nhờ xe đạp sang quê An Lão.

Mấy tiếng ở nhà bác Thành có khi là hạnh phúc và sung sướng nhất của mình, trong tháng.

Này nhé: Buổi tối, sẽ được ăn no cơm trắng nóng hổi, với thịt - cá và nhất là món chả lá lốt mình thích.

Ăn xong, anh Thành đi tán gái, còn mình lại cặm cụi cùng bác gái làm hàng, chuẩn bị cho gánh bánh đa vỉa hè sáng sớm hôm sau, có khi đến tận nửa đêm, 2 bác cháu vẫn tỉ mẩn rửa rau, xếp bát và rán thịt, luộc tôm.

Buổi sáng, trước khi 2 anh em đạp xe sang huyện, bác gái cho mỗi anh em 1 bát bánh đa cua to tú hụ và vừa chan nước cho anh em, vừa lẩm bẩm chửi: "Sư bố chúng mày!. Chả biết sau này có làm được ông to bà lớn gì không, mà khổ cực chữ nghĩa thế!. Học hành mà làm gì khi sống như chết đói. Về đây tao nuôi, chả phải ăn uống như chết rồi thế này!".

Mãi mãi, mình vẫn nhớ cái câu chửi yêu rân rấn nước mắt của bác; cái gánh bánh đa cua buổi sáng, trước bản tin bằng gạch trên vỉa hè đường Lê Lai lầm lụi đá vỡ với chiếc bàn gỗ sứt mẻ, mấy cái ghế dài chụm xung quanh nồi nước dùng thơm phức, sôi sùng sục tỏa khói hạnh phúc đủ đầy; bát bánh đa đỏ lịm gạo đục, xanh mướt rau muống chẻ dài dai tai tái, thân tôm đỏ au nằm co mình, miếng chả cá thu thái vội vàng xuộm điểm xanh thì là li ti và những đốt chả lá lốt bọc thịt xanh đen vừa dai vừa giòn sừn sựt, ngầy ngậy gạch cua bám quanh bát sứ trắng phau...

Và ước mơ của mình, mãi mãi đọng lại cùng ký ức: Ra Trường, có tiền để được ăn nguyên 5 bát bánh đa đỏ buổi sáng và mua nguyên 1 con gà luộc, không cần chặt, cứ để thế xé ăn, cho đến no nê...

Bây giờ về Hải Phòng, chả cần phải phi xe từ An Lão sang Lê Lai, mới ăn được bát bánh đa cua, mà ngay ở thị trấn nghèo quê mình, cũng có đầy quán bánh đa cua, như thể món đại diện.

Và ở quê, mình thích nhất món bánh đa cá rô - Biến thể từ bánh đa cua, hợp với đồng chiêm trũng.

Quê mình nghèo, chả có thuốc lào như Vĩnh Bảo hút say như điếu đổ "đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên"; không có nhiều núi đá làm xi măng, đốt lò vôi mù mịt như Thủy Nguyên; chả có bãi bồi kiếm tôm vớt cá, tiện thể làm điểm vượt biên, mong sao thoát khổ như Kiến Thụy; không có nhiều đầm ao làm kinh tế và chống lại lũ cường hào thời đổi mới trong nỗi uất ức như anh Đoàn Văn Vươn bên Tiên Lãng; quê mình cũng chẳng có "Tổng Công ty Đóng gạch Đồ Sơn", ngàn ngạt thân phận cắn răng, náu mình trong cái vỏ "mắt xanh mỏ đỏ" để mỗi ngày làm mấy chục "phát", góp tiền còm gây dựng tương lai...

Quê mình chỉ có nước mặn, đồng chua và đến cua cá, cũng liu nhiu nuôi những thân phận người lửng lơ sống - Không tên tuổi, không ghi nhận nhưng rất đỗi bình dị, thân thuộc tuổi thơ:

Cữ tháng 3 tháng 4. Sau giờ học buổi sáng là đeo giỏ ngang hông, cầm cần câu ra bờ mương, buộc thân ốc mít vào dây chỉ, đặt xuống lòng mương cạn, nhấp nhử cho lũ cáy to nhỏ mắt tròn thô lố to hơn người, càng đỏ càng tím, tham ăn đến mức bị nhấc bổng len, đặ vào giỏ rồi, vẫn cố níu lại thân ốc xác xơ.

Cữ tháng 10. Nước từ sông Vàng ào ạt theo vòi bơm đổ vào đồng. Lạnh đến tím tái đấy, nhưng vẫn cởi truồng lặn ngụp đầu ương nước, nhặt những con cà ra to bằng bàn tay, xì xì lông lá khắp 10 càng và bó chặt bằng thân rơm, tấp tểnh chạy về khoe mẹ, đợi bữa tươi canh mồng tơi nấu với cà ra, thơm nức - ngọt lừ dưới mái rạ đồng điền.

Cữ tháng 7 tháng 8 nghỉ hè. Nắng hừng hực như thể mặt trời khạc ra lửa. Nước ngoài ruộng cũng nóng đến sủi bọt, khiến lũ cua đồng khôn lỏi, đào hang mãi tít trong lòng đất, cũng phải uể oải bò ra, tìm thân cỏ trú chân, để tụi mình, buổi trưa dắt díu nhau dưới vành mũ rơm, à à lao ra đồng nhặt cua, móc rốc, nhét đầy giỏ, kịp cho mẹ tất tưởi buổi chợ chiều, bán đổi gạo thay bữa cháo bằng cơm.

Cữ tháng 11. Con nước ngọt hiếm hoi dâng lên từ đất mặn, đùn lên những đám rươi to bằng vung nồi, cựa quậy khắp mặt ruộng, khúc mương... Lại hì hụi lục chái nhà tìm chiếc vợt, bố làm bằng vải màn dính vào khung sắt, lõm thõm bước thấp bước cao, theo người lớn, gượng nhẹ vớt từng con xanh đỏ, hất vào thau. Tối mịt về khoe mẹ và châu đầu xem mẹ cạo từng tý mỡ lợn sót lại trong cặp lồng, đánh tơi lên cùng lá gấc, thân gừng, quả ớt, gượng nhẹ kho dưới thân lá chuối cháy đen...

Và cá rô đồng. Cữ tháng nào cũng vậy. Cứ buông câu xuống ao. Đặt vó xuống mương hay đêm mưa mùa hè, chịu khó tỉnh dậy soi đèn đầu ngõ, thế nào cũng bắt được những chú cá rô đồng múp míp đầu, ăn chắc thân và cong veo đuôi, thân lốm đốm rằn ri ngáp miệng tiếc nước... 

Bây giờ, quê nghèo đến mức đến cả cáy, cả cà ra, cả cua, cả rươi cũng mất và người, cũng phải bỏ quê đi xa, mới kiếm được miếng ăn. Nhưng cá rô thì vẫn còn, để cùng nuôi người lần hồi, vất vả.

Ở quê mình, con cá rô bắt sống dưới ruộng - ao lên được làm sạch, đưa lên bếp luộc kỹ. Thịt cá được bóc thành tảng, để riêng. Xương - đầu đuôi lại được ninh nhừ, cho gia vị thành thứ nước dùng ngọt lừ - thơm nức. Bánh đa đỏ (hoặc trắng), là loại chỉ làm ở chỗ quen biết, đúng gạo quê được ngâm qua với nước, cho vừa đủ mềm.

Khách gọi hàng, bà chủ bốc bánh thả vào lòng bát, rụt rè nhúm tay bốc thịt cá, cân nhắc có nhiều quá hay không, sau đó mới chan nước dùng, thả thêm mấy thân dọc mùng xanh non, giòn sừn sựt...

Bát bánh đa cá rô tỏa khói ấm, huyền hoặc trong màu trắng - đỏ của bánh, trắng nõn thân cá, đỏ au nước dùng, xanh mởn dọc mùng... Vắt thêm quả quất chua thanh (Hải Phòng chỉ dùng quất, chứ ít dùng chanh), thả vài lát ớt đỏ mòng mọng, thêm tý chí chương (chứ không phải tương ớt) hơi vàng và đặc biệt là rổ rau sống thái rối, trộn cả rau muống, hoa chuối, húng, canh giới, thì là... - Mới thấy cuộc đời đáng phải sống, bởi có bát canh buổi sáng, đỡ đói lòng cho cả 1 ngày vật lộn kiếm gạo sau lưng...

Hôm nay mình đưa vợ con về quê Hải Phòng. Sáng dậy sớm, bởi lũ gà ở quê sáng nào cũng vậy, bảo nhau cong cổ gáy, lay ông mặt trời dậy và đẩy tít cái quầng sáng chát chúa ấy, lên cao tít trên ngọn tre; bởi tiếng xôn xao nói chuyện của người đi chợ phiên, đầu tháng...

Ra quán quen đầu đường ăn sáng canh bánh đa cá rô. Cô bán hàng, bao nhiêu năm vẫn tươi từ đầu môi đến ánh mắt, đã rạn chân chim, cuống quýt xoa đầu con gái: "Hôm nay lại về thăm bà à?. Chăm về đi nhé!" và giấu giếm ánh mắt tò mò của khách khác, khum tay che cái muôi ngần ngật những khói ấm, chan thêm lên bát ít trứng cá - vụn lườn thây lẩy nằm dưới đáy xoong, khe khẽ: "Quê mình nghèo nhưng có cơm có cá. Mệt mỏi, buồn phiền thì về với mẹ, với cô!".

Tự dưng, thấy nghèn nghẹn trong ngực vì tình nghĩa quê mình!..

Thu rồi - mùa lạnh!. Ai thèm ăn bánh đa cá rô đồng. Về An Lão quê mình. Nhé!..

(Viết tặng những đồng hương Hải Phòng của mình, đang ở nơi xa tít trời Nga.
Quê nội An Lão, 14h ngày 16/9/2012)





MÙA THU THIẾU NỮ

Nguyễn Thị Hậu - Một chiều tháng tám nhiều năm về trước có một cô bé đi chiếc xe mini thong thả dọc con đường lúc đó còn có tên 30 - 4, ghé vào công viên trưóc dinh Thống Nhất  cô ngồi bệt trên bãi cỏ, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng lan xa trong gió, nhìn vạt nắng nhạt cuối đường mà nhớ quá chừng mùa thu nơi cô vừa ra đi…

Nơi ấy có lá sấu rụng vàng vỉa hè, bà cụ hàng nước chè mỗi sáng sớm gom lá quanh gốc cây, từng nhát chổi gượng nhẹ như sợ làm đau những chiếc lá.

Khói bếp than vấn vít, hương chè Thái ngòn ngọt  chan chát ủ trong ấm tích quyện trong hơi sương mong manh… Thoáng dịu mát mùa thu đã hiện diện. Lòng người chùng lại, ngẩn ngơ…

Nơi ấy có đầm sen cuối hè hương hoa lẫn vào hương lá. Sen tàn lá già vẫn vướng vít bên nhau. Có lần cô đã ở bên đầm sen ấy cả ngày chỉ để  xem người ta câu cá, hái sen, cắt lá… mà hình như không chỉ có thế…

Nơi ấy có con đường vàng ánh đèn trong mưa hoa sữa, vành bánh xe lăn chầm chậm trong đêm, có người đưa cô về, để khi vô tình nghiêng đầu chạm nhẹ vào lưng người ấy, lần đầu tiên cô nhận ra mùa thu thiếu nữ…

Nhận ra để rồi chia tay.

Từ buổi chiều Sài Gòn bên nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ tháng tám về cô lại tìm đến khoảng không gian tĩnh lặng nào đó giữa thành phố đông đúc này, một mình, để lắng nghe dường như mùa thu thiếu nữ trở về…

Từ buổi chiều Sài Gòn bên Nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ mỗi thu cô lại kiếm cớ trở về nơi có những vỉa hè vàng lá sấu, nơi có đầm sen có con đường ngày nào…

Đầm sen đã mất xe đạp cũng chẳng còn…

Mùa thu thiếu nữ đã quá xa xôi…