14 tháng 2, 2013

ĐÈN LỒNG ĐỎ SAO VÀNG


Mai Thanh Hải - Cứ thắc mắc suốt: Sao những người sản xuất đèn lồng ở Việt Nam không sản xuất loại đèn đặc trưng, giá rẻ và chất lượng để đuổi cổ đèn lồng Trung Quốc đỏ vàng như thể nhà thổ, tuyên truyền những câu chữ sặc mùi chính trị kích động, khỏi những căn nhà - hè phố?"...

Câu hỏi đã được giải đáp khi chạy dọc QL5, đến Trạm Thu phí số 2 (xã An Hưng, huyện An Hải và phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng), gặp những ngôi nhà cũng đỏ rực đèn lồng, nhưng tịnh không 1 chữ Tàu mà vàng chói ngôi sao 5 cánh trên nền đỏ...

Hỏi ra mới biết: Những người dân cũng mua đèn lồng Tàu, nhưng lấy vải nhựa vàng cắt thành ngôi sao 5 cánh, dán đè lên những chữ Tàu loằng ngoằng, thành đèn lồng đỏ sao vàng, cực đơn giản - tiện lợi...

Cách làm này, có lẽ cũng là cách hay, trong khi chúng ta chưa tìm ra 1 loại đèn đặc trưng dân tộc treo trong các dịp lễ Tết...
-----------------------------------------------------------------------

12 tháng 2, 2013

TRÈO LÊN TƯỢNG TRẠNG TRÌNH


Mai Thanh Hải - Đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (người dân quen gọi là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), đặt tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, những ngày Tết này nườm nượp người đến chơi, thắp hương cầu khấn và nhất là các học sinh xin chữ.

Lịch sử còn ghi lại: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Tháng Tông tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).

Trạng Trình xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng, hồi nhỏ tuổi đã nổi tiếng thần đồng, được bố mẹ hết lòng dạy dỗ, rèn cặp nên năng khiếu thông minh ngày càng bộc lộ.

Dưới thời nhà Mạc, hai kỳ thi vào năm 1529 – 1532 Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ứng thi. Năm 1535, Trạng đổi tên từ Nguyễn Văn Đạt thành Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Hội ở Văn Miếu Mao Điền (Trấn lỵ Hải Dương) và đỗ đầu (Hội nguyên).

Tiếp đó vào thi Đình ông lại đỗ đầu ba giáp Tiến sĩ đạt danh hiệu Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên). Với thành tích thi cử ấy, ông được vua Mạc bổ nhiệm chức Đông các hiệu thu, Tả thị lang bộ Hình rồi Đông các Đại học sĩ, Tả thị lang bộ lại.

Tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.

Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy học, lấy biệt hiệu Bạch Am cư sĩ, sáng tác thơ ca, tập hợp các thi gia sáng tác, xướng hoạ. Am Bạch Vân đã trở thành Trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh…

Kể từ khi ông từ quan đến khi ông qua đời ở tuổi 95 là 43 năm. Trong 43 năm đó, “tiên sinh không tham dự quốc chính nhưng nhà Mạc vẫn kính như bậc thầy”.

Năm 1585 Trạng Trình ốm nặng, vua Mạc cử sứ giả và quan ngự y về thăm hỏi và chạy chữa bệnh. Từ phép biện chứng thô sơ của Dịch kinh và Lý học, Trạng Trình đã thể nghiệm sự đổi thay của hoàn cảnh xã hội giữa sống chết, đầy vơi, lên xuống, danh hư, thăng trầm, thịnh suy… của cuộc đời. Do vậy dân gian tin rằng sấm ký Trạng Trình là những tiên đoán về thời cuộc.

Sau khi Trạng mất, năm 1586 vua Mạc ban cấp cho làng Trung Am ba ngàn quan tiền để lập đền thờ, có gắn biển chính nhà vua đề chữ: Mạc Triều Trạng Nguyên tể tướng từ (Đền thờ quan tể tướng, Trạng nguyên triều Mạc), ban cho địa phương một trăm mẫu ruộng thờ.

Bây giờ, đền thờ Trạng Trình đã trở thành Tổ hợp với nhiều hạng mục nhà cửa, đền đài, vườn tượng, sân ao... và năm 1991, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh nhân tổ chức ở Vĩnh Bảo và Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, Bộ Văn hoá – Thông tin (Bộ VH-TT & DL) đã công nhận đền thờ Trình Quốc Công là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Thế nhưng cái thứ gây phản cảm nhất cho du khách khi đến trước tượng Trạng Trình thắp hương tưởng nhớ, cầu khấn là hình ảnh những "nam thanh nữ tú" co người hoặc bồng bế nhau trèo lên tượng, để chụp ảnh lưu niệm hoặc sờ bút, túm sách của Trạng Trình, hòng tìm sự thành đạt về con chữ, câu văn.

Nhiều cô cậu lớn bé, còn mang cả tiền lên... cọ vào tượng, lấy may dưới sự "yểm trợ" công kênh bồng bế của bộ mẹ - bạn bè, ngay trên đầu hàng chục hàng trăm khách đang chắp tay thắp hương phía dưới và ai cũng tròn xoe mắt, lắc đầu.

Chợt buồn: Tại đây, hàng năm TP. Hải Phòng đều tổ chức long trọng lễ tôn vinh học sinh, sinh viên xuất sắc của đất Cảng, liệu trong số những "nhân tài" có ai từng đạp lên đầu những người khác, leo lên sờ nắn tượng Trạng Trình, bất chấp biển cấm và sự nhắc nhở của bảo vệ bất lực và đám đông la ó phía dưới, như mình đã chứng kiến chiều ngày mồng 2 Tết, năm nay?..

Ước mơ làm quan, đỗ đạt, trưởng thành thì ai cũng có, nhất là những người biết cái chữ và theo sự học. Thế nhưng khao khát làm quan, nhiều chữ mà đến nơi linh thieng nhất là "các cụ", cũng không tha, thì e rằng thứ "quan" đó, không thật - chẳng bền...

Đạp lên cả văn hiến, trèo lên cả văn hóa và tín ngưỡng theo kiểu: "Gần Đền gọi Trạng bằng anh" thế này, chả trách Hải Phòng ngày càng hiếm người tài, ai muốn phát triển phải bỏ xứ làm ăn xa và đất Cảng, luôn có những chuyện động giời, ngay đến cuối năm còn bắt bớ, đánh đấm nội bộ...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

11 tháng 2, 2013

HOA DỌC ĐƯỜNG XUÂN


Mai Thanh Hải - Chạy xe giữa mênh mang đồi chè trung du dịu dàng, chợt bừng lên trước mắt căn nhà trên triền đồi, xung quanh hồng thắm hoa đào rừng mỏng mảnh mà bền chặt.

Dừng xe, vác máy ảnh, ông chủ nhà ló đầu khỏi hàng rào tre cũ, cười hiền: "Mấy cây đào trong vườn đẹp hơn nhiều, đưa các cháu vào đây mà chụp!".

Lạ thế!. Nhìn mặt người là tin ngay hồn hậu, khác hẳn những khuôn mặt ông bà chủ vườn bên Gia Lâm, Thuận Thành hoặc tít tắp Hà Giang, cứ gườm gườm nhìn khách lạ, nhăm nhăm xô đến thu tiền chụp ảnh, nếu giương máy chụp ruộng cải, mảnh tam giác mạch, cây mận cây đào...

Hỏi ra mới biết, ông chủ ngày xưa cũng lính Vị Xuyên (Hà Giang), bám chốt đánh nhau với Tàu gần chục năm và phân nửa thời gian ấy, đều đón Tết trên chốt, ngắm hoa đào thay bánh chưng, thịt mỡ, nên thành mụ mị hoa đào.

Hết súng đạn, trở thành hữu hảo, những người lính chốt của những năm 79-89 chả hòa hợp nổi giữa ký ức và hiện tại, nên ba lô con cóc về quê, bịt tai cặm cụi làm ruộng, trồng chè, om sắn, cắm cây...

Nhớ chốt, thèm biên, anh lụi hụi quay lại Hà Giang, tìm bứng mấy cây đào rừng ngay nơi mình đã sống - chiến đấu, lẩn mẩn mang về tận quê, ươm trồng gìn giữ, để có 1 đồi đào rừng, nở thắm rừng chè, như hôm nay...

Anh bảo: "Ngày xưa đói khát, khổ sở, chết chóc... nhìn hoa đào để mà tin vào những điều tốt đẹp phía sau. Bây giờ, tạm no đủ, lại nhìn đào để không quên những ngày gian khó, cảm nhận giá trị cuộc sống!" và lắc đầu: "Rất nhiều người tìm đến, trả giá rất cao mua 1 gốc đào, nhưng tôi không bán. Kỷ niệm một thời, đâu mua được bằng tiền?"...

Ừ!. Tiền bạc quan trọng thật đấy, nhưng sao có thể đắp đổi được quá khứ và thành thứ mua bán, đổi chác, những kỷ niệm đời người, vấn vít trong tim?..

Và đường Xuân của mình, đẹp - ý nghĩa hơn, từ những câu chuyện bình dị, mặn mòi như thế...
----------------------------------------------------------------------------------------------

10 tháng 2, 2013

"QUÊ TÀU"?..


Mai Thanh Hải - Đầu giờ chiều ngày mồng 1 Tết, mới sấp ngửa chạy từ "Chùa Bà Đanh khổng lồ" Hà Nội về quê Hải Phòng.

Cứ nghĩ đường 5 vắng lắm, như bao lần đầu năm mình tất tả lên lên xuống xuống, nhưng năm nay, có lẽ kinh tế yếu kém, tiền ít ăn dè, nên thiên hạ nhong nhong ra đường đứng hóng, làm đường 5 đông xe, chả kém ngày thường.

Về đến quê, ngỡ ngàng khi nhìn đâu cũng thấy rừng rực đỏ...

Cái sự đỏ cờ quạt, khẩu hiệu biểu ngữ, có nhẽ cũng quen, bởi đất nước mình nó thế, chả phải ngày Lễ Tết, lúc nào cũng băng cờ đầy đường, tạo công ăn việc làm cho khối anh Văn hóa thông tin, Tuyên huấn và cả những cửa hàng cửa hiệu cắt dán, làm băng rôn.

Mình ngỡ ngàng đầu năm, khi về quê hôm nay, là những chiếc đèn lồng đủ loại, từ màu đỏ đến vàng, trang kim óng ánh, cong queo chữ Tàu, treo khắp hè đường, cửa nhà, trong ngõ xóm.

Hỏi ra mới biết, mỗi chiếc đèn lồng như vậy, giá không dưới 100 nghìn đồng và người dân, được "vận động" mua - treo, theo hệ thống.

Quê An Lão mình nghèo, người dân bao đời nay, vẫn sấp mặt xuống đồng chiêm trũng kiếm con cá - mớ rươi và ước mơ thâu đêm, tựu trung lại chỉ đơn giản là phần thịt lợn đụng, ấm chân răng trong 3 ngày Tết.

Ước mơ lớn "đời sống văn hóa tinh thần", có chăng chỉ vươn đến những buổi háo hức ra sân kho xem xiếc thú, ca nhạc tạp kỹ - bán thuốc dạo và Chương trình phim ảnh lưu động, thành phố chiếu cố cho những vùng sâu xa

Thế mà bây giờ?..

100 nghìn đồng, có thể là không nhiều so với khát khao "nhà mình xinh, quê mình đẹp", nhưng đó cũng là mớ rau, con cá, cân thịt, chiếc bánh chưng ấm lòng ngày Tết.

Nhưng 100 nghìn là quá rẻ mạt, để hoàn tất việc "đồng hóa văn hóa" xa lạ, với từng người dân quê chân lấm tay bùn, chưa bao giờ biết đến mạng Internet và cũng chưa bao giờ tầm mắt vượt khỏi lũy tre làng, để biết đến khái niệm "bá quyền, bành trướng"...

Và liệu, trong những ngày Tết này, còn bao vùng quê khác, được cố ý hay vô tình châm lửa "đèn lồng", để mình tự dưng lo về ẩn họa "Phố Tàu", như ngày đầu năm mới, ở chính quê mình nghèo nàn, heo hút, xa xôi hôm nay?..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------