27 tháng 7, 2013

THÁNG NĂM NÀY, GIÓ THỔI DỌC TRƯỜNG SƠN

Mộ chí các Liệt sĩ Hà Nội tại Nghĩa trang Trường Sơn
Mai Thanh Hải - Những chuyến công tác vào sâu phía Nam, nếu đi theo đường bộ, mình đều cố gắng đi theo đường Hồ Chí Minh, bằng ôtô.

Bắt đầu từ Thanh Hóa, rừng núi đã bắt đầu nhuốm màu linh thiêng, huyền thoại, rưng rưng ký ức thời chiến tranh.

Năm trước, đúng dịp 27/7, mình và cu Thuần đã hẹn trước sẽ vào Nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho các anh chị.

Nhưng hôm đó, cả 2 anh em đều bận nên không đi được.

Thật kỳ lạ, cả ngày mình cứ bứt rứt không yên, mọi việc trong ngày chẳng đâu vào đâu.

Cu Thuần cũng vậy.

Rút cục, buổi chiều, 2 anh em quyết định: "Thay nhau lái xe trong đêm, vào thắp hương cho các anh chị".

Một đêm thức trắng, xe chạy liêng biêng giữa rừng núi mờ ảo, sương khói linh thiêng.

Đường vắng không 1 bóng người, nửa đêm tới địa phận Quảng Bình, qua đèo Đá Đẽo, hang 8 Cô... có những lúc sương mù đặc quánh xung quanh, đèn vàng soi sương cũng không nhìn thấy đường.

Tụi mình lầm rầm khấn vong linh các Liệt sĩ và thật kỳ lạ, sương mù tan ngay, trả lại đường cho xe chầm chậm trôi giữa ánh trăng cuối rừng dịu nhẹ.

Buổi sáng, đến Cam Lộ lúc mặt trời vừa hé mắt khỏi rừng cao su.

Rửa mặt, thay quần áo tinh tươm và ôm bó hoa cúc trắng, nhẹ chân đặt lên Tượng đài, thắp hương bó hương trầm, cúi đầu thành kính, ngẩng đầu lên, bó hương cháy rừng rực giữa trời Quảng Trị xanh ngắt, cao lộng.

Đến từng khu mộ của những anh chị quê hương Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây, cẩn thận thắp từng nén nhang trên mộ Liệt sĩ, thấy người nhẹ bẫng, đầu sạch bong mọi suy nghĩ... trước những người đang nằm đó, mãi mãi tuổi thanh xuân.

Một ngày ở Nghĩa trang Trường Sơn, buổi trưa nằm ngửa trên cỏ, nhìn bầu trời giới tuyến năm nào trong veo, cao hút, tự dưng thấy mình quá nhỏ bé, vô nghĩa trước trùng điệp những người nằm xuống.

Ngày 27/7, xin được thắp trên mỗi ngôi mộ Liệt sĩ nén hương tưởng nhớ, tri ân.

Mỗi gia đình trên đất nước này được bình yên trong hòa bình như hôm nay, có công lớn của các anh chị - những người đã ngã xuống, những người còn đang sống với thương tật, bạo bệnh, di chứng chiến tranh trong đầu.

Xin đăng lại bài thơ của Nhà thơ Văn Công Hùng, ra đời cách đây gần 15 năm, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị tinh khiết, nhất là Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
-------------------------------------


THÁNG NĂM NÀY GIÓ THỔI DỌC TRƯỜNG SƠN

Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn, tôi lặng lẽ lần qua từng khu rừng lá đổ. Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng, gió thổi hoài rát ruột lắm gió ơi.
Nữ chiến sĩ xăng dầu Trường Sơn

Ngày chia tay em kẹp tóc mảnh mai, dáng nhỏ thó đưa mắt nhìn rất vội. Vịn thành xe mưa giăng giăng ngõ tối, hương ngọc lan thảng thốt tỏa sau hè.

Biền biệt em đi, biền biệt mẹ chờ. Chiều tựa cửa ngóng hoài về phương ấy. Phương ấy ơi, phương ấy là nỗi nhớ, Trường Sơn mờ ngăn ngắt một màu xa.

Những con đường hoàn thành, những đoàn quân đi qua. Trùng trùng quân đi hướng về chiến thắng. Chỉ những cánh rừng là im lặng, chiều mỏng manh bóng con gái nhạt nhòa.

Đôi vai mảnh mai kia bao lần làm trụ đỡ cầu phà, bao lần em đứng làm cọc tiêu cho xe qua bến. Mà mưa bom  bão đạn...Tiếng con gái ngọt ngào nâng bước những đoàn quân .
Các cô gái Thanh niên xung phong Trường Sơn

Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em, chỉ gặp biết bao điều bình dị. Ngang dọc những cánh  rừng con gái , nào đâu em thức ở phương nào?

Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi ngày xưa em qua bằng một đời con gái.

Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc.

Lại gặp những vai tròn con gái, lại những tiếng cười trong trẻo tuổi hai mươi...

Em lẫn vào cây vào đất vào rừng, vào hôm nay khói hương nhòa nước mắt. Anh xin thay em chắp tay dõi về phương Bắc, một dáng chiều tựa cửa phơ phơ...

23/4/1999

Cô gái Giao liên

Tải đạn

Vượt suối, băng rừng

ĐỒNG ĐỘI NẰM, BẤT TỬ VỚI TRƯỜNG SA


Mai Thanh Hải - Ra đảo, mình qua thăm "chúng nó" và gọi tên em - cháu như hồi "chúng nó"còn sống.

"Chúng nó" trẻ lắm, toàn những năm cuối 8x và đầu 9x.

Có đứa trong "chúng nó" có khi vừa nhập ngũ, huấn luyện tân binh xong và ra đảo được 2-3 tháng, đã ngã xuống, khi tuổi đời thảng thốt chưa bước sang con số 19.

Thương lắm, "chúng nó" ngơ ngác những ngày đầu ra đảo, chưa kịp quen với con nước - thủy triều, nhưng khi phát hiện đồng đội lính cũ bị nước cuốn, nhảy ngay xuống cứu, vật lộn với dòng chảy nhưng đuối sức, cả 2 anh em cùng chìm xuống nước, khi tàu trực vớt được thi thể lên, cả 2 vẫn nắm chặt tay nhau, như chấp nhận.

Mỗi lần ra Trường Sa, lên mấy đảo nổi, việc đầu tiên của mình là lúp xúp ra với chúng nó, nằm dưới rười rượi bóng dừa Nam Yết hay lúp xúp cỏ lông chông Trường Sa Lớn và tất tưởi thắp cho "chúng nó", mỗi đứa 1 điếu thuốc thôi, nhìn chúng nó rạng rỡ cười tươi, thi nhau thả no khói thuốc ngon lành...

Mà lạ lắm nhé!. "Chúng nó" nằm xuống rồi, nhưng vẫn lêu bêu cái tính đùa vui, dỗi hờn chiến sĩ: Đoàn ra đảo, ào ào đến thắp hương, khấn vái.

Chúng nó hết thảy đều nghiêm trang, khói hương tỏa thẳng tắp lên cao vút bầu trời; đoàn đến thắp hương, xong rồi lên Hội trường nghe báo cáo hoặc loanh quanh thăm đảo, chỉ loanh quanh ở lại những người thân quen - tình cảm, chúng nó hình như đứng dậy đùa vui nghịch ngợm, khói hương lúc cuộn vòng tròn, lúc nghiêng trái, ngả phải và níu tay người đang dùng dằng không nỡ rời xa chúng nó: "Mấy khi ra đảo, ở lại chơi kể chuyện đất liền cho chúng cháu nghe đi!"...

Châm điếu thuốc vào từng bát hương rồi, quay đi quay lại đã chỉ còn đầu lọc, giống như lâu lắm rồi, chúng nó nhịn thuốc, có điếu, hút lấy hút để.

Thêm điếu thuốc nữa và cùng châm, đứng trò chuyện, thấy đầu mình trống rỗng đến khôn cùng.

Con người ta sinh ra để mưu cầu sống hạnh phúc.

Những người cha người mẹ sinh ra, nuôi nấng "chúng nó" cao lớn lộc ngộc, gửi vào Quân đội và tồ te ra đảo, chả ai nghĩ đến việc con mình sẽ nằm xuống, mãi mãi trinh trắng - dại khờ.

Mình đã có lần không khóc nổi, cắn môi đến bật máu khi người mẹ của 1 trong đứa "chúng nó" gào lên: "Có chiến tranh đâu mà con tôi lại hy sinh?. Trả lời tôi đi!", còn ông bố thì lặng lẽ úp mặt vào bộ quân phục còn nồng mùi biển, cậu cán bộ Chính sách sẽ sàng lấy ra từ balô, bàn giao quân tư trang liệt sĩ...

Và khi mình đăng những hình này, sẽ có rất nhiều người hỏi, giống như bao người khác ra đến tận Trường Sa rồi, thắp hương mộ Liệt sĩ rồi, vẫn thảng thốt: "Ơ! Sao lại hy sinh?"...

Có những câu hỏi, không nên trả lời, bởi mọi sự giải thích đều là vô nghĩa, trước những người trẻ trắng tinh, đã ngã xuống cho người khác sống yên lành.

Ra thăm Trường Sa, thấy bộ đội tươi cười trong quân phục chỉnh tề, đen giòn chắc chắc, với cuộc sống vật chất đủ đầy gần như trong bờ, đừng nghĩ là sướng.

Ở nơi địa đầu gian khổ, bất trắc với lê giương sẵn, đạn lên nòng này, mọi tình huống - hành động có khi phải trả bằng máu và mạng sống.

Người đến thăm ra tàu rồi, bộ đội lại cẩn thận gấp quân phục cho vào đáy ba lô (hết ngày dài cho đến đêm thâu, chỉ toàn đực rựa loanh quanh mấy mét vuông nhìn nhau, thì đâu cần quần là áo lượt), lôi quần đùi áo cộc hay cởi trần, căng mắt nhìn ống nhòm, màn hình ra đa canh biển giữ trời và trước hết là giữ mạng sống cho chính mình, đồng đội.

Cái chết ư?. Chỉ trong tích tắc và bất thần lắm: 1 cơn bão biển, 1 lúc chiều cường, 1 ca gác đêm hay 1 tình huống từ những kẻ tham lam bên ngoài lăm le hướng đến.

Ngã xuống rồi, người nào may mắn có chuyến tàu vào, thì được nằm trong túi tử sĩ theo tàu đi ngay vào bờ, làm lễ truy điệu.

Những đồng đội hy sinh ngoài đảo chìm, chả có đất mà chôn, lại nằm trên tay anh em, tạch tạch ca nô sang đảo lớn, nằm chung nhau thành khu nghĩa trang nhỏ, gần chục năm sau mới có dịp về với bố mẹ, quê nhà...

Và, bạn có tin không: Rất nhiều người không tìm thấy thân xác, nơi các anh ra đi, đồng đội đành vụng về xây 1 am thờ nhỏ, ghi lại tên để mãi nhớ không quên.

Mình đã gặp những am thờ nhỏ như vậy trên đảo chìm Tốc Tan, trên đảo đá Phan Vinh, nằm lặng lẽ bờ sóng, nhìn thẳng ra biển trông ngóng phần xác, hương hồn.

Đời lính, những tưởng chỉ đổ máu thời chiến.

Nhưng không!. Ngay trong thời bình, khi người ta tưởng chỉ cần làm giàu - xài sang là "quốc thái, dân an", vẫn có những người lính, tuổi 18-20 có khi lóng ngóng chưa biết 1 nụ hôn, vòng eo con gái, thầm lặng ngã xuống trong tay đồng đội, không có người thân - gia đình cạnh bên, cũng không cần 1 bài báo - lời kêu gọi ủng hộ nào, chuyển dòng giúp đỡ.

Và mình, mỗi lần ra với "chúng nó", nhìn bia mộ do đồng đội tự tay đúc - viết, mỗi tháng lại mờ tịt vì muối biển; gặp những bàn thờ của mỗi đứa trên đầu mộ, bung biêng trong gió táp, đến nỗi anh em phải lấy túi bảo quản đen sì, chắn xung quanh như chuồng chim câu... - Mình lại mong đến những bia mộ làm hẳn bằng đá, chữ vuông thành sắc cạnh, sao đỏ uy nghiêm trên đỉnh và trên bia, thế nào cũng có ảnh "chúng nó" lồng trong khung kính, tươi cười với người ngang qua.

Mỗi một sự hy sinh, không thể kể được bằng lời. Chỉ nghẹn lại ở trong tim buốt nhói. Đồng đội nằm, qua mọi mùa dông bão. Thấy đắng trong lòng: Bất tử với Trường Sa.

Hà Nội, 22/5/2013
------------------------------------------------------

26 tháng 7, 2013

KHÔNG CÓ BÀI CA, KHÔNG GHI DANH SỬ SÁCH, NHƯNG CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG TÂM TRÍ NHÂN DÂN

Thắng Còng FB - Ngày xưa, khi là lính Vị Xuyên (Hà Giang), cứ mỗi lần đi chiến dịch về, là mình chuồn ngay về Hà Nội mấy hôm.

Nổi tiếng là tự do vô kỷ luật, đến nỗi khi luận công khen thưởng hồi giữa năm 1985, Đại úy Tâm người Thái Bình là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn phải nói: "Ông này đi chiến dịch nào cũng xung phong đi, nhưng cứ về đến hậu cứ là chỉ mấy hôm sau tự động bỏ về nhà mấy hôm, đề nghị Đại đội đưa lên Trung đoàn phạt giam mười hôm".

Và thế là y án, hai hôm sau vệ binh Trung đoàn xuống Đại đội lôi mình lên Trung đoàn phạt giam 10 hôm và chỉ còn được cái Bằng khen có ghi rõ là "Lập thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đấu chống quân Trung quốc xâm lược".

Các Thủ trưởng chả thông cảm cho thằng lính trẻ gì cả.

Thực ra hồi đó mình trốn về, chỉ muốn kể chuyện cho bạn bè mình biết, về cuộc sống của những thằng lính đang chiến đấu nơi biên cương, rồi lại lên đơn vị ngay, bởi nếu ở nhà lâu là lại ăn lẹm vào tiêu chuẩn gạo của bố và em.

Khi về Hà Nội, mình mới thấy là mình kể không ai tin: Vị Xuyên đang có một cuộc chiến, mà đã có bao nhiêu những người lính Hà Nội đã nằm xuống.

Cũng bởi khi đó, trên toàn tuyến biên giới chỉ có Vị Xuyên là nóng bỏng, còn lính Lạng Sơn về thì nói chuyện là yên ắng lắm, và chúng nó thỉnh thoảng vẫn dẫn con buôn sang Trung Quốc đánh hàng tâm lý về.

Nói chuyện với bạn bè hay gia đình, thì ai cũng cho là mình nói phét, chắc chỉ có đụng độ với vài thằng Thám báo, như chương trình "Kể chuyện cảnh giác" vẫn đọc vào lúc 7 giờ tối thứ Bảy hàng tuần.

Thôi thế thì mất công mình về và lại lên Hà Giang, mặc bộ quần áo rằn ri của lính đặc công đổi cho, khoác thêm khẩu AK báng gấp của mấy ông trinh sát Sư bỏ lại Trạm phẫu, đi ra thị xã "lấy le" với mấy em Trường Sư phạm được rồi.

Nói như vậy để thấy: Những người lính bọn mình ngày đó, sau những ngày tháng gian khổ trên chiến trường, thì khi về tuyến sau, cũng muốn mọi người biết đến và cũng có một tý quan tâm.

Ví dụ như dân nơi đơn vị ở trọ, thì thịt ngan làm bữa cơm và mời vào uống rượu, để nghe kể chuyện đánh nhau với Trung Quốc.

Còn các em gái xinh tươi ở thị trấn Ngọc Đường hay ở Trường Sư phạm, thì háo hức được các anh bộ đội hẹn tối nay gặp, để được nghe các anh kể chuyện chiến đấu đến tận đêm khuya.

Bây giờ cũng thế, những người lính già cũng muốn các thế hệ sau biết đến cuộc chiến gian khổ, của cha anh ngày trước.

Họ chẳng đòi hỏi công trạng hay chế độ gì, mà chỉ muốn đơn vị của họ và lớn hơn nữa là Mặt trận Vị Xuyên với cuộc chiến kéo dài 5 năm, phải có nhiều người biết đến.

Tiếc là dư âm của trận 12/7/1984 quá lớn, nên nó đã che phủ phần nào những chiến công khác của những người lính Vị Xuyên như: Đánh lấn dũi lấy 685, đánh bình độ 300-400, đánh chiếm A6b và chống phản kích thành công đánh bại Sư đoàn 199 (Quân đoàn 67) của Trung Quốc... khiến cho các CCB của Trung Quốc bây giờ kể lại vẫn còn kinh.

Sắp đến 27/7, các báo nói nhiều về sự tri ân với các Liệt sĩ và thương binh nhân ngày này, các Nghĩa trang Liệt sĩ mọi người và đồng đội của các anh cũng đến thắp hương tưởng nhớ tới các anh.

Chúng tôi - Những người lính may mắn trở về thì kể lại về sự hi sinh anh dũng của các anh, kể lại truyền thống của đơn vị, nhớ lại những ngày tháng ở Hà Giang, cũng là thể hiện một nỗi nhớ khôn nguôi về đơn vị và về các anh.

Không có những bài ca, không có ghi trong sử sách, nhưng các anh mãi nằm trong tâm trí của đồng đội và nhân dân.

Và cũng qua các câu chuyện kể về đơn vị, về các anh, lớp con cháu sau này cũng luôn ghi nhớ công lao của những người lính, đã nằm xuống vì sự vẹn toàn của Tổ quốc.

Đã gần 30 năm, nhưng anh Đặng Việt Châu vẫn nhớ từng tên các anh - Những người đồng đội đã kề vai sát cánh cùng nhau xung trận hôm 12/7/1984 và nay vẫn nằm lại đâu đó nơi núi rừng biên cương của Tổ quốc

"Tuổi xuân xung trận giữ đất biên thuỳ.
Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý.
Tiến, Công, Ký, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm...
Đã nằm lại: Nơi thung sâu Nậm Ngặt...
Nơi khe cụt đồi xanh...
Tuổi xuân gửi lại chốn này!!!

Tháng Bảy - Tháng nhớ về đồng đội, nhớ về đơn vị, nhớ những ngày gian khó...

"HOT GIRL BÀ TƯNG" BIỂU DIỄN NGÀY 27/7/2013

 Hoạt động ngay cạnh Doanh trại QĐNDVN và hình như nơi biểu diễn, cũng là của đơn vị Quân đội đó cho thuê. Ai có nhu cầu thưởng thức, qua số 19 - Trần Khánh Dư - Hà Nội, ngay sát Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (giáp chỗ cây xăng của BTL BĐBP cho tư nhân thuê và bị cháy đùng đùng, suýt nổ tung cả Thủ đô vừa rồi) mà xem, nhá!... (Bổ sung lúc 20h ngày 26/6/2013: Lúc 17h chiều nay (26/7/2013), các pano trên đã được dỡ bỏ. Ghi nhận sự cầu thị của cơ quan chức năng và đơn vị tổ chức sự kiện).

25 tháng 7, 2013

ĐAU NHỨC NHỐI, DI VẬT TRƯỜNG SA...

Mai Thanh Hải - Sau khi Hạ sĩ Hoàng Đặng Hùng (chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa (ngày 25/7/2004) khi mới tròn 20 tuổi, anh em trong đơn vị chuyển về gia đình vẹn nguyên quân tư trang, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của em, từ ngoài đảo.

Mình không lạ gì cái gọi là "gia tài lính đảo" với ít nhất là hòm gỗ, thùng tôn kèm với lỉnh kỉnh túi tắm, ba lô, thế nhưng cái buổi sáng 30/7/2012, khi bố em là Trung tá Hoàng Đăng Tuấn (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) xách ra cái va ly vải nhẹ tênh, trong buổi truy điệu, sau quá trình cả báo chí - gia đình gian nan "đấu tranh" với nhiều "cơ quan quản lý nhà nước" của TP. Hải Phòng, để em được nằm trong Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ngô Quyền (sau 8 năm nằm ngoài Trường Sa), mình hơi bất ngờ.

Lại thêm bất ngờ nữa là từ hồi biết được tin con hy sinh, nhận lại đồ dùng của con, cả bố Tuấn lẫn mẹ Thúy (cùng mang cấp hàm Trung tá - QNCN, công tác tại Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) đều giữ nguyên những thứ đồ trong đó, gọn gàng như thể chờ đợi 1 điều kỳ diệu, chờ con chân sáo ùa vào nhà, xách va ly ra đảo công tác xa như hôm nào...

Và những sự bất ngờ, đều vỡ òa thành những giọt nước mắt, khi tận mắt nhìn thấy "gia tài" của người lính đảo, ngã xuống ở tuổi 20, cách đây vừa tròn 8 năm ròng: 2 bộ quân phục xuân hè, 1 áo khoác thu đông, 1 màn tuyn, 1 đèn pin, quần đùi - áo may ô, bàn chải - thuốc đánh răng - xà phòng tắm, sổ Đoàn viên - quân trang - giấy khai sinh... Thứ quý giá nhất của em, có lẽ là những lá thư nhà, được cẩn thận bọc kín trong 2 lần giấy báo - ni long.

Và những giọt nước mắt của hết thảy những người chứng kiến, đọng lại trong nỗi đau xót đến cùng cực, khi nhìn thấy cảnh mẹ Liệt sĩ Hùng - Trung tá Nguyễn Thị Thúy, mê sảng miên man, ôm chặt những di vật của con vào ngực, lập bập gọi tên đứa con trai độc nhất, mà chị đã nuôi nấng - chăm sóc suốt 18 năm và nhận lại tin con mình ngã xuống ngoài đảo xa, sau 2 năm khi con nhập ngũ, mãi mãi trẻ trung ở tuổi 20.

Cuộc đời này có rất nhiều nỗi đau, nhưng mình chắc chắn, nỗi đau lớn nhất - xót xa nhất là của người bố, người mẹ chưa già, nhưng mất con trong tích tắc, khi đã nuôi con khôn lớn và phải cắn răng lại, chịu đựng sự xa cách nơi con nằm, gần 10 năm, mới nhận được con nhẹ bẫng trong thùng tôn, nuốt nước mắt để đôn đáo lo cúng giỗ cho con trẻ...

Đất nước bình yên ư?. Không phải! Bởi ở đâu đó ngoài đảo xa - biên giới, vẫn có những người lính ngã xuống, hàng ngày hàng tuần mà ít người sống đầy đủ - toàn vẹn trong đất liền, dưới đô thị biết được.

Đất nước hạnh phúc ư? Không phải! Bởi ở đâu đó trong mỗi con phố, miền quê, vẫn có những người bố người mẹ, người em đêm đêm khóc thầm, gọi tên người thân không bao giờ về lại...

Ngàn lần! Vạn lần!. Ghi lòng tạc dạ những gương mặt người lính ngã xuống...

Vạn lần! Triệu lần!. Biết ơn những ông bố bà mẹ đã sinh thành, nuôi nấng và cống hiến giọt máu của mình, để giữ đất nước thân thương, trong nỗi đau - xót xa không thể ai có thể hàn gắn...

Đất nước này, chế độ này và những người đang sống trên dải đất hình chữ S này mắc nợ các anh chị, những người cha mẹ, anh chị em người thân liệt sĩ nhiều lắm. Những sự nợ nần, không thể trả bằng đồng tiền chế độ, ưu đãi trợ cấp mà còn bằng cả sự sống, yếu ớt chờ đựng, trong mỗi giọt máu - con tim...

(Bài viết đã đăng ngày 31/7/2013, nay đăng lại dịp 27/7/2013)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Gia tài" của Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng, hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa ngày 25/7/2004
Từ cái kim sợi chỉ cho đến quân phục - ba lô
Không còn gì nữa

 
 
 
Mẹ khóc con

Tìm hơi ấm của con
 
Cạn nước mắt

Con sẽ sống mãi, trong cuộc đời bố mẹ...


126 LIỆT SĨ, NẰM LẶNG LẼ Ở XÍN MẦN

Mai Thanh Hải - Hành trình Áo ấm biên cương, đến các địa bàn biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, nơi mà từ hơn 30 năm trước, đã nổ ra cuộc chiến tranh đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, đằng đẵng từ trước ngày 17/2/1979, chính thức kết thúc vào 10 năm sau (1989) và từ đó đến ngày hôm nay, vẫn có những cán bộ chiến sĩ ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương... tụi mình luôn ghé qua các Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS).

Ghé qua NTLS không để chơi, đó là điều chắc chắn.

Ghé qua NTLS để cùng dâng hoa lên Đài tưởng niệm cho những người đổ máu đào, giữ từng tấc đất cha ông và sau đó chia nhau thắp hương cho từng ngôi mộ, đọc từng cái tên thân thuộc khắc trên bia đá - xi măng với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, đơn vị, cấp bậc - chức vụ, ngày hy sinh, nơi hy sinh... để người nằm dưới mộ, ít nhất không bị lãng quên.

Ghé qua NTLS, để cùng chia nhau đến từng ngôi mộ, cẩn thận chụp lại bia mộ ghi thông tin, mang về và lại phân công, chia nhau "chuyển hóa" những dòng chữ mòn vẹt trên bia đá cũ kỹ, thành thông tin liệt sĩ tươi mới - bất tử trên trang Thông tin về Liệt sĩ hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, có tên trang rất bình dị: http://saobiengioi.vn

Ở các NTLS biên giới phía Bắc, đại đa số các Liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, đều rất trẻ, quê biên giới hoặc đồng bằng Bắc bộ và những người lính trẻ ấy, những ngày nay vẫn ngã xuống, trong màu áo Biên phòng.

Và cũng có đến các NTLS này, mới thấm thía cái cảnh hoang vu, buồn tẻ như thể bị quên lãng, khi thấy cửa NTLS đóng kín mít, cây cỏ mọc thoải mái, mộ phần cũ kỹ rêu phong, bát hương hoang lạnh, tượng đài tróc vữa lở vôi...

Vẫn biết, mỗi dịp gần ngày 27/7 và Tết nhất, người ta sẽ huy động nhân lực đến dọn cỏ, quét vôi ve, thắp hương đốt mã... khiến NTLS như được xây mới.

Thế nhưng, cái ngày "hoành tráng" ấy đếm được trong mấy đầu ngón tay, khi mà cả năm có đến 360 ngày và sự hoang lạnh, khiến mình cứ tưởng: Những người ngã xuống bị lãng quên?..

Như NTLS huyện Xín Mần (Hà Giang), mà tụi mình ghé qua hôm rồi:
------------------------------------------------------------------------------------
Thông tin về 126 Liệt sĩ đang nằm tại NTLS huyện Xín Mần (Hà Giang), xin xem chi tiết tại Trang Thông tin: http://saobiengioi.vn