14 tháng 5, 2011

HÁT TIẾNG NGƯỜI MÔNG?..

Sân trường THCS xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái
 Mai Thanh Hải Blog - Mình rất dốt về đàn ca sáo nhị, nhất là món hát hò. Thế nhưng lên vùng đồng bào H Mông ở Tây Bắc, mình lại rất rành những bài hát - điệu nhạc về (chứ không phải của) đồng bào, đến mức thuộc lòng. Cũng chẳng phải "nghiên cứu, tìm hiểu" gì cả. Đơn giản chỉ bởi quay đi quẩn lại chừng ấy năm, đến đâu cũng vẫn chỉ có những tiếng sáo, điệu khèn và lời hát ấy phát theo băng, qua loa phóng thanh ở các Hội nghị, Hội chợ, Lễ hội, Tết nhất... và tất nhiên, tuôn như cháo qua mạng nhện truyền thanh mỗi sáng, trưa, chiều, tối ở hầu như các thị tứ, thị trấn có đồng bào H Mông sinh sống.

Em luôn có... 3 băng
Về "nhạc không lời", đầu bảng và rất quen thuộc phải kể đến tiếng sáo Mèo (xin lỗi đồng bào và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, đóng đô tại con phố đẹp nhất Hà Nội. Vẫn biết là phải gọi đúng chuẩn là "H Mông, Mông", nhưng có những khi, từ này phải để nguyên bản, không nên chuyển nghĩa, bởi cứ răm rắp chuyển đổi, có khi lại thành... trò cười. Ví dụ như bài hát: "Người Mèo ơn Đảng" của nhạc sĩ Thanh Phúc có thể chuyển thành "Người Mông ơn Đảng", nhưng khi thể hiện, đố ai hát được thành "Đây rừng núi lưng đèo người... Mồng ca hát") của NSND Lương Kim Vĩnh, với các tác phẩm như "Đêm trăng bản Mèo", "Mùa xuân xuống chợ", "Trăng lên gọi bạn", "Ngày hội"...

Gọn gàng đeo sau lưng
Về bài hát, tất nhiên phải xếp "Người Mèo ơn Đảng" của Nhạc sĩ Thanh Phúc lên hàng đầu, bởi nói như Báo Quân đội nhân dân thì bài này đã "trở thành bài hát truyền thống tự hào của đồng bào dân tộc Mông" và được đồng bào hát khi đi nương làm rẫy, ở chợ phiên, họ hát ở nhà riêng, buổi vui hội họp, lúc gặp bạn bè…".

Tiếp theo đó là bài "Người Mông ơn Bác" (mình không biết là của ai, nhưng đã được nghe ca sĩ Vi Hoa của Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng trình bày), đại loại: "Núi rừng ơi! Nhớ năm xưa đón Bác về thăm! Con suối hát lời thương, tiếng Bác như lời thương; Rừng xanh thay áo mới, mùa xuân ơn Người!... Người Mông quê em rộn vang tiếng ca, núi rừng quê em rộn vang tiếng khèn; Bác Hồ về ánh sáng bừng lên, Bác Hồ về no ấm làng dân. Vui tiếng sáo, vui tiếng khèn; Người Mông quê em đời đời ơn Bác, Bác Hồ kính yêu!...

Sau đó mới đến bài: Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Ngọc Quang), Phiên chợ vùng cao (Trọng Kiêm), Chợ tình Sa Pa (Phan Long), Mùa xuân em đi chợ tình (Đinh Tiến Bình), Cô giáo về bản (Trương Hùng Cường), Cô giáo vùng cao (Hoàng Long - Hoàng Lân), Người Mèo có chữ rồi (Huyền Tuân) và Cô giáo bản Mèo (Thế Cường), Trước ngày hội bắn, Phiên chợ ngày xuân, Giai điệu bản xa...

Bẵng đi 1 dạo, mới đây trên "sân khấu ca nhạc" xuất hiện lời hát Rock gào thét về người H Mông với nhan đề: "Cướp vợ - Tục lệ người Mông" do nhóm Ngũ Cung sáng tác và biểu diễn. Lời bài hát có mấy đoạn thế này: "Bản Mèo ánh trăng sáng/ Tay dắt cương giấu con ngựa dưới sàn/ Chàng trai người Mông vắt em yêu ngang lưng ngựa đó/ Ngựa mang thiên thần lên đỉnh núi/ Người H'mông uống rượu ngô ăn thắng cố/ Xoè váy hoa chọi hoạ mi, phóng ...". Mình nghe lời hát, giai điệu là lạ chợt nghĩ: Sao nhóm Ngũ Cung không cất công trèo lên lưng chừng dãy Hoàng Liên, đến Mường Khương, Bát Xát (Lào Cai), Mù Căng Chải, Trạm Tấu (Yên Bái), Xín Mần, Mèo Vạc (Hà Giang), biểu diễn vài buổi, xem thử đồng bào có rút dao quắm, đuổi rẽ đất xuống núi tìm nơi "ngựa phi", "váy hoa", "chim họa mi"?..
Cùng khênh nào

Nói chơi vậy chứ, mình nhiệt liệt vỗ tay ủng hộ Ngũ Cung viết bài hát về người H Mông. Bởi thực tế, bao bài hát mà các "cây đa, cây đề" sáng tác từ hồi các Ngũ còn cởi truồng đến giờ, vẫn còn "sức sống mãnh liệt" và vẫn được phát đi phát lại qua mấy đời 1 gia đình người H Mông bởi lý do rất đơn giản: Không có ai sáng tác bài hát cho đồng bào, về đồng bào. Nếu có sáng tác thì cũng đa số phục vụ một đợt phát động, phong trào nhất nào đấy, hát đi hát lại vài lần trên sân khấu, bị chết yểu ngay sau đó...

Lên Tây Bắc bây giờ người ta thường gặp cảnh những chàng trai, cô gái người Mông xúm quanh chiếc... đài cát sét chạy băng (đĩa CD, MP3), vác chiếc đài rồng rắn kéo nhau xuống chợ, ra vệ đường "giao lưu văn hóa". Lời hát phát ra từ đôi loa của những chiếc cát sét, đặc sệt tiếng của đồng bào dân tộc hoặc tiếng nhạc cụ khèn, kèn lá, sáo, dỏng đến đỏ tai cũng không nghe thấy giai điệu của những bài hát như: "Người Mèo ơn Đảng", "Phiên chợ vùng cao"... mà người ta vẫn bảo là "bài hát truyền thống của người Mông".

Những băng, những đĩa CD đút vào trong chiếc cát sét, đa số mua từ bên kia biên giới. Tịnh không thấy vai trò của ngành "Văn hóa - Thông tin" của tỉnh và Trung ương trong đó. Buồn!


Sành điệu để... cưa nàng
Chị em mình là nhất

Xấu hổ


Bọc kỹ kẻo dính mưa

Xách kiểu "nửa kín nửa hở"

LƯƠNG THIỆN VÀ ĐỒNG CẢM...

Điện Biên, Tây Bắc tháng 5-2011
Mai Thanh Hải Blog - Bù đầu với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những mưu toan - ganh đua và những việc đao to búa lớn... Có những lúc, tự dưng thấy mọi căng thẳng trong đầu chùng lại, những toan tính vụt bay mất, nén lại tiếng thở dài và chợt thấy khóe mắt cay cay khi để ý đến những đồng bào lam lũ xung quanh mình. Cuộc sống vẫn khắc nghiệt và tuôn chảy, như nó vốn thế. Nhưng tại sao không dành nhiều hơn những phút mình chính là mình: Con người vô tư, trong sáng, gần gũi và lương thiện với những người sống xung quanh mình?. Để lòng nhẹ nhàng hơn, để đồng cảm và chia sẻ với nhau, với cuộc đời và với chính bản thân lòng mình, vốn tinh khôi...

Sau 1 tuần mưu sinh, mời mọi người rảnh rang xem một phim ngắn nhé! Rất ý nghĩa!.

Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc. 

11 tháng 5, 2011

VIẾT CHO CON TỪ TRƯỜNG SA

Mai sau con lớn, con làm bộ đội Hải quân
Mai Thanh Hải Blog - 4 giờ sáng mới về tới Hà Nội. Lại lẩn mẩn bật máy tính, đọc những câu chuyện của bè bạn. Một lúc, nhìn ra cửa sổ, đã thấy rực hồng nơi chân trời. Một ngày mới sắp bắt đầu. Cái áng mây màu hồng máu giống như nham thạch núi lửa mình lặng nhìn bây giờ, giống như mỗi buổi sáng, sau chuyến hành trình dài 1-2 ngày đêm, tàu vận tải mới đến Trường Sa, thở dài dừng lại thả neo, trước khi vào đảo bắt đầu chuyến công tác và mọi người ùa lên boong, ngắm ban mai rạng hồng nơi địa đầu Tổ quốc. Tự dưng lại nhớ  đến những câu chữ mà mình đã viết cho con gái yêu, trong nghẹn ngào ngay trên boong tàu buổi trưa nào đó, ở vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, giữa lòng quần đảo Trường Sa yêu thương...
-------------------------------

Con gái yêu của Ba!

Ba đang ở đảo Cô Lin - nơi gọi là đảo chìm, nằm trên rặng san hô xa tít, thăm thẳm và xung quanh mây trời. Nơi đây đúng 20 năm trước, gần 70 chú – bác bộ đội Hải quân đã hy sinh. Gọi là hy sinh theo đúng câu chữ trong văn phạm và những giấy tờ hay trong các buổi lễ nghĩa. Chứ nói đúng ra, các chú, các bác ấy bị lính Trung Quốc giết chết bằng đạn tiểu liên AK bắn gần, bởi lưỡi lê sắc nhọn, bởi báng súng nặng trịch và đại đa số đều chìm xuống biển, chết mất xác. Các chú, các bác ấy nằm xuống cũng chỉ vì cái dải san hô xanh thẳm, xa hút ấy. Nhìn trên bản đồ trong google và dù có phóng to đến cỡ nào thì con cũng khó mường tượng ra cái khoảng biển xanh đó. Chắc con sẽ hỏi: “Chỗ đó là cái gì?”.

"Chỗ đó" là đất đai của Tổ quốc mình, con ạ! Lát nữa (bây giờ là 11 giờ 30 phút), đúng 14 giờ, Ba và mọi người trong Đoàn công tác sẽ làm lễ thả hoa, tưởng niệm những người đã nằm xuống cách đây 20 năm trước. Mọi người trong phòng ở của Ba trên tàu HQ 996 nói: Sẽ thả xuống biển, nơi những người đã nằm xuống đấy đủ cả bia, rượu, thuôc lá, ớt xanh, kẹo cao su… vì “trần sao, âm vậy”. Ba cũng làm như vậy với mọi người và Ba cũng muốn thả xuống đấy cả tâm tình, tấm lòng của Ba mẹ, của con và em, của ông bà, cùng bao nhiêu người khác nữa ở đất liền, để những người trai trẻ đã nằm xuống đấy không uổng phí, không chạnh lòng.

Con chưa hiểu thế nào là Tổ quốc. Con còn chưa học đến những bài văn, thơ trong sách Tiếng Việt nên chưa hiểu. Thế nhưng, có bao nhiêu người quyền cao chức trọng, giàu có, cũng chẳng hiểu được khái niệm Tổ quốc. Mù mờ và hồn nhiên, nhiều người còn ví: Tổ quốc chỉ đơn giản là những đêm hát Karaoke, đám con trai – con gái ôm nhau gào lên bài hát cách mạng hoành tráng trong hơi bia rượu, thuốc lá ngoại sặc sụa…

Buồn cười thế đấy nhưng đó lại là sự thật. Ba chợt nhận ra vậy bởi những ngày sống ở đất liền, Ba cứ cắm đầu vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo làm tròn trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ. Việc viết lách luôn nhìn thấy mặt trái của cuộc sống và cũng luôn thất vọng, cay nghiệt. Hở ra một chút là thở dốc, là ngủ vùi để sang hôm sau lại sấp ngửa đi làm, lo toan bề bộn. Nhiều lúc, Ba cứ nghĩ mình là cái máy, chỉ biết làm việc, làm việc và làm việc.

Thế nhưng đến hôm nay, khi đã lênh đênh cả tuần trên biển. Mở mắt là thấy biển, quay sang 4 phía đều thấy biển. Đi ngủ ban đêm, tỉnh giấc tưởng có con đạp chân vào mặt ba cũng thấy biển. Biển ngoài này xanh biếc hoà với trong vắt mây trời, mặn mòi mùi gió, Ba mới thấm thía thế nào là Tổ quốc.
Cả nhà mình vào bộ đội

Tổ quốc đơn giản chỉ là bình minh đỏ rực trên đảo Song Tử, nơi có cây đèn biển nhẫn nại cả đêm chớp mắt sáng cho những con tàu tỏ đường thông lối; Tổ quốc là màu xanh của biển cả dưới mạn tàu, nơi có những con cá chuồn thấy động, bay vút lên đầu ngọn sóng như thể mơ ước bay cao, bay xa cùng cánh hải âu bàng bạc; Tổ quốc là hòn đảo nhỏ, nơi có các chú bộ đội ở cùng quê mình, cùng giọng nói nhà mình, có vợ và em bé cũng ở gần nhà mình; Tổ quốc là nơi có màu xanh của câu phong ba, cây bàng vuông, cây tra biển trổ hoa trắng tinh, toả màu hương ngan ngát… Xa hơn nữa, ba thấy Tổ quốc của mình ở góc phố Hà Nội, nơi đấy Ba thường ngồi đánh vật với câu chữ đến đêm khuay, nơi có 2 mặt trời nhỏ là con và em Khoai say nồng trong giấc ngủ thiên thân...

Tổ quốc gần gũi và thân thương, như thể những người gần nhất, cạnh bên nhất và bình dị nhất và không thể thiếu được, ở ngay bên mình, trong nhà mình con ạ!..

Ở đảo chìm Cô Lin này, qua mắt thường và qua độ zoom của ống kính máy ảnh Nhật (một cường quốc đã từng thua trận trên đất nước mình), Ba nhìn thấy chiếc tàu hiện đại của Trung Quốc đang ngang nhiên án ngữ trên biển. Chiếc tàu ấy lớn quá, hiện đại quá. Nhưng dù có lớn và hiện đại thế nào thì nó cũng giống như chiếc tàu buôn gắn đại bác của Tây Dương đã từng lừng lững tiến vào Sài Gòn, khiến bao nhiêu người Việt mình khiếp đảm về cái gọi là “văn minh phương Tây” khi ấy.
Bình minh trên đảo Song Tử Tây

Ban đầu là sợ, nhưng rút cục, những người Việt vẫn đánh chìm những thứ của “văn minh phương Tây” kềnh càng ấy. Ông cha mình là vậy, Tổ quốc mình là vậy và những người Việt chân chính của chúng ta là vậy. Hôm nay chúng ta có thể choáng ngợp, có thể ngập ngừng vì cái gọi là “định hướng”, đã ngăn cản ý nghĩ, việc làm của người ta. Nhưng rút cục, cái cũ cũng sẽ bị đào thải để nhường chỗ cho cái cũ… Cái mới ấy, đơn giản là Ba muốn kể cho con gái yêu và rất mực thông minh của Ba.

Không lâu nữa, con sẽ cùng bạn bè chế tạo ra những con tàu hiện đại hơn, hoành tráng hơn để đánh đuổi những con tàu đang chắn trước mặt Ba và đồng độ của Ba hôm nay. Con và bạn bè sẽ khẳng định được vị thế Tổ quốc, để không phải quỵ luỵ, nhường nhịn và nuốt nước mắt khi những người con lính bị bắn chết, bị đâm chết bằng lưỡi lê, bị ngắt quãng tuổi thanh xuân 19-20 bằng dao găm oan nghiệt…

Máu nào chẳng đỏ, nước mắt nào chẳng trong. Ba hiểu điều ấy bởi ba đã gặp những người mẹ ở Quảng Bình - những người đẻ ra các chú, các bác đã nằm xuống ở ngay trên vùng biển Ba đang neo tàu. Người mẹ nào chẳng xót xa, chẳng vật vã và không thể sống yên hàn khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại hy sinh, khi vẫn còn qúa trẻ. Càng không thể sống nổi khi những giọt máu đó chết vùi trong lòng biển vì đạn quân dụng, vì lưỡi lê, vì dao găm của những kẻ đang nhơn nhơn tươi cười trên màn hình tivi mỗi ngày, mỗi đêm… Thế mới biết nỗi đau câm lặng, nén lại là đáng kính phục con ạ.

Như Ba - Đã từng câm lặng trước ngôi nhà dột nát, hoang tàn của bà mẹ Quảng Bình có người con độc nhất hy sinh trên vùng biển Trường Sa này. Những lúc ấy, Ba chỉ nghĩ: Con phải học tốt hơn, giỏi hơn để Ba mẹ không tủi hổ, để những người con đất Việt không xấu hổ ngậm đắng nuốt cay và con sẽ giỏi để làm tiếp những gì mà ba và bè bạn của Ba đã, đang và sẽ làm cho đất nước này; cho Tổ quốc này và cho vùng biển đảo thân thương nơi xa tít, thăm thẳm này. Con gái yêu của Ba nhé!..

Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma
12 giờ 2 phút ngày 24/4/2008 (trước lúc làm lễ tưởng niệm 67 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14-3-1988)

10 tháng 5, 2011

"ĐỪNG ĐỐT"...

GS. Ngô Bảo Châu
Mai Thanh Hải Blog - Đó là nhan đề của một bộ phim vừa sản xuất trong nước. Mình rất thích bởi... tựa đề phim nói lên nhiều điều, cả trong quá khứ và hiện tại. Hôm nay, nhờ mẩu 3G của Vịt teo mà ở nơi miền núi xa xôi này, mình đọc được bài viết mà rất nhiều người gọi là "cú phản đòn mông muội và... ngu xuẩn", đối với những dòng ngắn gọn nhưng súc tích của GS. Ngô Bảo Châu. Lại nhớ cách đây mấy hôm, tự dưng nhận được 1 cú điện thoại "không số" gọi cho mình, tự xưng "bảo vệ văn hóa tư tưởng" và vặn vẹo mình: "Sao viết bài MÁU VẪN ĐỔ Ở TRƯỜNG SA  lại cứ viết như có súng nổ thế? Viết về Trường Sa phải... máu nên, nhưng cũng phải đúng đường lối". Mình cười: "Những người lính nằm xuống ở Trường Sa đều là Liệt sĩ. Gần 70 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong ngày 14-3-1988 cũng vì súng đạn đấy" và hỏi: "Bạn đã ra Trường Sa bao giờ chưa?". Người bên đầu dây "không số" lúng búng: "Đấy là em nhắc thế! Chúc bác khỏe nhé" và tắt máy đánh bụp. 

Quay lại bài báo viết về GS, Ngô Bảo Châu của "báo ngành", mình cứ vẩn vơ: Bạn đọc bây giờ không phải là những "con cừu" như trước, nên viết kiểu "phản đòn" cũng đừng viết cho... cừu đọc. Đừng đốt những lời nói thật, góp ý chân thành của những con người nhiệt huyết. Đến bếp cồn thân thiện với môi trường, đốt cháy rồi vẫn còn cặn ở đáy, màu rất đen.

Chẳng biết nói gì hơn, xin trân trọng giới thiệu  Bài viết trên trang Anh Ba Sàm  bàn về câu chuyện này. Chỉ muốn nói: Muốn bảo vệ được văn hóa, ít nhất cũng phải có văn hóa. Muốn định hướng tư tưởng, phải định dạng xem tư tưởng là gì. Việc bảo vệ văn hóa - tư tưởng là cần thiết, nhưng phải có phương pháp bảo vệ thế nào để người ta "tâm phục, khẩu phục", chứ bảo vệ theo kiểu "đốt đuốc lao vào kho xăng" như bài viết đăng trên Báo Công an nhân dân thế này, chỉ gây tác dụng ngược mà thôi...
------------------------------

VỀ SỰ NGỘ NHẬN CỦA GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU

Đôi lời: Bài viết này được lên trang Công an Nhân dân, mục Sự kiện-Bình luận hơn 1 giờ trước. Nhưng độc giả của BS đã loan tin từ bữa qua, khi đọc trên báo giấy An ninh Thế giới Giữa tháng.  Thật thú vị khi thấy bài viết này, lại trên một tờ báo của Bộ Công an. Bởi nhiều lẽ:

1-     Sau hơn 1 tháng, hầu như báo chí quốc doanh im hơi lặng tiếng, nhường “sân chơi” cho cư dân mạng áp đảo tuyệt đối bằng những lời ngợi khen lần lượt với ba con người cùng ba sự kiện đình đám hiếm thấy, có liên quan với nhau: TS Cù Huy Hà Vũ trước tòa án, GS Ngô Bảo Châu với đôi bình luận về vụ này, và SV Nguyễn Anh Tuấn với Đơn tự thú “tàng trữ” tài liệu của TSCHHV, nay cũng đã có được một bài … tàm tạm.

2-     Một trong những lý do để “im hơi” là tính hai mặt của tuyên truyền. Không nói ra thì thôi, nói ra thì những gì cần che đậy kỹ lại phơi bày ra nơi thiên hạ, điều mà dân gian gọi bằng “bới thối”, là “vạch áo cho người xem lưng”. Ngàn vạn người vốn không biết bài viết của GS NBC, nay lại lao lên mạng tìm kiếm, nhất là lại về những con người mà họ vốn ngưỡng mộ. Và họ sẽ biết không chỉ có vậy. Niềm tin nơi họ khó mà đặt được vào một tay viết vô danh tiểu tốt chưa bao giờ nghe trên làng báo, mà chắc chắn sẽ ở GS NBC, vẫn đang được bộ máy tuyên truyền của nhà nước ca ngợi hết lời, các vị lãnh đạo muốn gắn cả tên tuổi mình vào.

Tính hai mặt còn ở chỗ người đọc, khi được bài báo này kích thích trí tò mò, sẽ biết được nội dung còn lại trong bài viết của GS NBC, thì chút giá trị nếu có từ bài báo trên ANTG sẽ mất hết. Bởi vì dấu hỏi quá lớn là giả sử nếu tin vào những gì bài báo đánh giá TS CHHV, bằng những lối bôi lem vu vơ, thì đâu cần phải “bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng” và bày ra “phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật” với “ ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ, mà hệ quả là “cố tình làm mất thể diện quốc gia”?

Cái sự “bới thối” còn được tiếp tục khi một sự việc đã bắt đầu qua đi, ít được trao đổi nữa, thì giờ đây lại sẽ tiếp tục được bình luận, mà “trận địa” vẫn nghiêng tuyệt đối về phía “phi chính thống”. Chưa hết! Người ta sẽ soi xét kỹ hơn, nhiều hơn tới lối hành xử của chính quyền với GS NBC trong thời gian tới, trong khi đó lại đang là một nan đề.

3-     Sai lầm to nghiêm trọng nhất của bài báo này là ở chỗ đã không sử dụng tội trạng tày đình của TS CHHV do quan tòa tuyên để phản bác đánh giá cao của GS NBC đối với ông – như một người anh hùng, mà lại quanh quẩn dựa vào mấy chuyện đời tư cho tới nay hiếm ai được biết. Như vậy lại mặc nhiên công nhận những nhận xét của GS NBC đối với ông quan tòa là đúng đắn, tức giá trị của những lời buộc tội quá yếu, nay “ta” phải lôi mấy chuyện đời tư ra để phủ nhận hình ảnh người anh hùng thôi.

Dại nữa là người viết còn dựa vào cả việc cố tình thể hiện sai lệch hành động tự ứng cử chức Bộ trưởng của TS CHHV, từng được chính báo chí quốc doanh đưa đậm nét, và lờ đi hành động đẹp của ông khi quyết liệt bảo vệ Đồi Vọng Cảnh nhiều năm trước. Cái này trong quyền Anh kêu bằng “uýnh dưới thắt lưng”, nó chỉ làm hại ngay chính người viết và tờ báo.

4-     Còn rất nhiều điều để góp cho bài báo này, nhưng xin được nhuờng lời cho độc giả. Chỉ một lần nữa mong các “cơ quan chức năng” nên có bài bản trong công tác tuyên truyền, tránh lối chụp giựt, “đau đâu chích đó” kiểu như trong quản lý kinh tế, phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội, … để khỏi lặp lại cách tranh đấu này ít ra là với vụ Đơn tự thú của SV NAT (lúc này đã có tới 413 phản hồi riêng trên trang BS).

(Để tiện cho bà con theo dõi, xin đăng bài của GS NBC ở cuối, còn ai muốn đọc 269 phản hồi của độc giả, xin trở lại bài đã đăng tháng trước: 446. Về sự sợ hãi )
—–
An ninh Thế giới Giữa tuần -  Công an Nhân dân, mục Sự kiện-Bình luận

Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu

11:32:00 10/05/2011

Giờ đây, hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về “anh hùng” Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.

Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar,  vua Arthur, hoàng đế Charle-magne…

Trong blog cá nhân của mình  (blog Thích học toán – entry ngày 13/4/2011), GS Ngô Bảo Châu đã so sánh: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”. Phát biểu ấy, dù vô tình hay cố ý, đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.

So sánh ấy thật sự là một điều đáng tiếc cho hình tượng của Hector, hoàng tử thành Troy, vua Turnus của người Rutuli hay tráng sỹ Kinh Kha người nước Vệ. Những con người ấy trong tất cả những điều kiện tương ứng của thời đại đã đạt tới tầm vóc của anh hùng nhờ vượt lên những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Kể cả ham muốn sống với họ cũng trở thành nhỏ bé khi đi đến cùng những giá trị tinh thần của mình.

Cù Huy Hà Vũ sống trong một thời đại khác. Dù sức mạnh bạo lực không còn được tôn vinh nhưng giá trị của nhân cách và trí tuệ vẫn là những yếu tố bất biến để tạo nên một anh hùng. Cù Huy Hà Vũ đã làm gì để đạt tới một tầm vóc như vậy?

Đây là một câu hỏi không khó trả lời. Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.

Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: “Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?”. 

Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều. Nhiệt huyết thì do bố truyền lại, đức tài thì tự mình phong cho mình. Hơn nữa với cách trả lời trên thì gần như duy nhất Vũ là người có đức có tài hoặc cái đức cái tài của Vũ hơn hẳn thiên hạ. Ứng cử vào một chức vụ liên quan nhiều đến văn hóa, ngay từ vốn văn hóa ứng xử cơ bản Vũ đã hiểu hết chưa?

GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là mục đích của tất cả những hành động trên của Cù Huy Hà Vũ là gì? Liệu nó có phải vì đất nước, vì dân tộc như một số người vẫn thổi phồng hay không?

Nhìn lại cả quá trình, Vũ chưa bao giờ biết hy sinh cho xã hội. Vũ kiên quyết giữ căn nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như một tài sản cá nhân thay vì chấp nhận để Nhà nước xây dựng một phần thành Bảo tàng Xuân Diệu, một công trình mang tính cộng đồng. Những đơn kiện chẳng giống ai chỉ là những scandal nhằm đánh bóng tên tuổi Vũ. Chỉ khác với giới nghệ sỹ đánh bóng mình trên sân khấu, Vũ đánh bóng mình trên vũ đài chính trị. Và chi tiết thể hiện ham muốn quyền lực mang tính chất cá nhân lớn nhất của Vũ chính là việc tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin năm 2006. Cứ giả sử Vũ muốn cống hiến thật thì đó cũng là một cống hiến có điều kiện, một điều kiện không hề khiêm tốn.

Có những kẻ muốn biến Vũ thành anh hùng. Bằng những tụng ca đầy tính từ, Cù Huy Hà Vũ đã được đẩy lên đến tận mây xanh. Dân chủ đã trở thành những chiêu bài chính được đưa ra trong những ý kiến cá nhân đó. Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ. Một người có trí tuệ không bao giờ chấp nhận một tư cách như Vũ làm anh hùng. Trường hợp còn lại, họ hiểu Vũ không đủ khả năng làm anh hùng nhưng vẫn biến Vũ thành anh hùng thì đây là những hành động đơn thuần nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân. Vũ khoác lên bộ y phục lóng lánh của những mỹ từ, trong khi giá trị thực cũng chỉ là một con bài trong tay kẻ khác mà thôi.

Chỉ có điều đáng tiếc ý kiến của GS Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội đó. GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân. Có điều chính GS hình như cũng không lường trước được hết những tác động từ những phát biểu của mình.

Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.

Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Việc phân tích từng câu nói, mổ xẻ từng ý tứ của Ngô Bảo Châu tưởng như để thể hiện sự tôn vinh, hóa ra lại trở thành một sự lợi dụng. Chân lý không quan tâm đến người phát ngôn. Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng. Có những kẻ cần sự nổi tiếng, cần niềm tin mà những người Việt Nam đang đặt trên hình tượng Ngô Bảo Châu. Về mặt phương pháp cũng không khác gì việc thổi Cù Huy Hà Vũ lên thành một anh hùng để thực hiện những toan tính cá nhân.

Việt Nam rất cần những anh hùng. Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước. Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới. Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính chất thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên.

Ngược lại, việc tạo nên những anh hùng một cách áp đặt hay thổi phồng những cá nhân không xứng đáng chỉ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội và sự sụp đổ của niềm tin. Đó chính là những thảm họa của văn hóa và chính trị. Cho nên bất kỳ người trí thức nào trước khi tạo ra những so sánh cần sự cân nhắc kỹ càng.

Ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”. Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về “anh hùng” Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.

Quý Thanh

(Ghi chú: Hồi 17h11′, tức sau khi Công an ND đăng bài này 6 tiếng đồng hồ, Đất Việt đã đăng lại, dưới tựa đề GS Ngô Bảo Châu quá tùy tiện… khi phát ngôn.
—-

Về sự sợ hãi

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ GS. Ngô Bảo Châu

Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.

Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn.

Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

GS Ngô Bảo Châu

"TIẾN SĨ 6 THÁNG" LÀM THỨ TRƯỞNG: TIỀN LỆ XẤU?..

Mai Thanh Hải Blog - Việc"Tiến sĩ 6 tháng" Nguyễn Văn Ngọc lên làm Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương (tương đương Thứ trưởng) đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Được sự giúp đỡ của bạn đọc, chúng tôi đã phát hiện thêm một số sai phạm của ông Ngọc trong thời điểm làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái (trước khi lên giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái). Nhiều cán bộ, Đảng viên, lão thành cách mạng đã khẳng định: "Đây là tiền lệ xấu trong công tác cán bộ".

(Xin xem Báo Tiền phong phản ánh việc ông Nguyễn Văn Ngọc tùy tiện cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm) và tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát việc lấy Bằng Tiến sĩ của ông Ngọc)

NHÂN THÂN "TIẾN SĨ 6 THÁNG" - TÂN THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN NGỌC

(đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản)

Ông Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1955, tại Hưng Yên. Ông Ngọc đã từng đảm nhiệm các cương vị công tác: Giám đốc Sở Công nghiệp, Bí thư Thành ủy Yên Bái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái.

Ông Ngọc đã tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái 3 khóa liên tục, từ 1995 đến 2010; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 khóa từ 2000 đến 2010./.
------------------------

* Bài phản ánh sai phạm của ông Nguyễn Văn Ngọc đăng trên Báo Đại Đoàn kết:

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH CHỐNG LỆNH THỦ TƯỚNG

Coi thường quy hoạch của Chính phủ

Cuối năm 2007 và đầu 2008, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (nay giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương) liên tiếp ký một số giấy phép cho doanh nghiệp vào khai thác chì kẽm tại khu vực 2 xã Cẩm Nhân và Xuân Lai (huyện Yên Bình).

Cụ thể: Cuối tháng 11-2007, ông Ngọc ký giấy phép số 2111/GP-UBND (22-11-2007) cho Cty TNHH khai thác chế biến tuyển quặng Thông Đạt được khai thác tại mỏ chì kẽm Làng Trang (Xuân Lai, Yên Bình). Giấy phép số 04/GP-UBND (2-1-2008) cấp cho Cty TNHH Khánh Minh tại mỏ chì kẽm Cây Luồng (Xuân Lai, Yên Bình); giấy phép số 34/GP-UBND (8-1-2008) cấp cho Cty TNHH Việt Hùng tại mỏ chì kẽm thuộc xã Xuân Lai; giấy phép số 164/GP-UBND (25-1-2008) cũng cấp cho Cty TNHHT Việt Hùng tại mõ chì kẽm tại xã Cẩm Nhân, lân cận đó...

Cuối tháng 12-2008, Tổ Công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh phát hiện: "Việc cấp phép khai thác liên quan đến khu vực đang điều tra đánh giá chì kẽm".

Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái giải thích: Ngày 23-7-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 116/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến 2020. Mục tiêu của việc điều tra được nêu cụ thể: "Điều tra, đánh giá tiềm năng các loại khoáng sản, trọng tâm là sắt, titan, đồng, chì - kẽm, quặng phóng xạ, kaolin, felspat, khoáng chất công nghiệp... làm cơ sở quy hoạch thăm dò, phát hiện các mỏ mới, phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng...".

Kèm theo quyết định này là "Danh mục các diện tích điều tra đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020" nằm ở Phụ lục II và trong đó ghi rõ: Quặng chì kẽm vùng Cẩm Nhân, Yên Bình, Yên Bái với toạ độ cụ thể, có diện tích 107 km2, với 6 thân quặng chì kẽm (dày 0,9 - 2,5 m, dài 200 - 1.400 m, trong đá vôi, hàm lượng Pb+Zn: 5,32 - 13,67%), khởi công trước năm 2010 và hoàn thành năm 2010...

Giải trình tại văn bản số 72/BC-UBND (21-4-2009), UBND tỉnh Yên Bái lại đưa ra văn bản cũ hơn quyết định 116/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng để... bao biện: "Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng chì - kẽm giai đoạn 2006-2015, có xét đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 176/2006/QĐ-TTg ngày 1-8-2006, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có khu vực chì kẽm nào nằm trong quy hoạch này".

"Khi Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản thì ngay Bộ chủ quản cũng không được cấp giấy phép khai thác khoáng sản vào khu vực này, huống chi chỉ là cấp tỉnh?" - Một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Yên Bái khẳng định vậy và đọc điều 2 trong quyết định: "UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho việc triển khai công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch trên phạm vi quản lý hành chính" để nhấn mạnh: "Đừng lấy lý do này khác để biện minh cho sai phạm của mình!"...

Lờ tịt hay giấu nhẹm?..

"UBND tỉnh Yên Bái đã cấp 4 giấy phép khai thác quặng chì kẽm, trong khu đang điều tra đánh giá theo quyết định số 382/ĐCKS-ĐC ngày 9-8-2008 của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (ĐC-KSVN) là chưa đúng theo quy định của pháp luật về khoáng sản!" - Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên.

Ông Cù Đức Đua, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái còn nói rõ trong văn bản gửi lên UBND tỉnh: "Theo toạ độ thực tế do Liên đoàn Địa chất Tây Bắc cung cấp thì các điểm mỏ tại vùng chì kẽm Cẩm Nhân, được tỉnh cấp phép (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc ký), đều nằm trong khu vực Liên đoàn đang điều tra, đánh giá chì - kẽm theo đề án Đánh giá triển vọng quặng chì - kẽm vùng Cẩm Nhân, Mỹ Gia, Yên Bình, Yên Bái , được Cục ĐC-KSVN phê duyệt tại quyết định số 382/ĐCKS-ĐC". Giám đốc Cù Đức Đua cũng cho biết: "Liên đoàn Địa chất Tây Bắc đã gửi Bản đăng ký nhà nước hoạt động của Đề án cho Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái ngày 27-8-2009"...

Làm việc với báo chí, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc vẫn nằng nặc: "Do Cục ĐC-KSVN... bắn toạ độ sai nên tôi mới cấp mỏ chì kẽm vào khu vực Cẩm Nhân-Xuân Lai!" và cho rằng: "Tôi chỉ có tý trách nhiệm của người đứng đầu chứ chẳng có gì phải kiểm điểm cả!". Không mất thời gian tranh cãi, ông Nguyễn Văn Thuấn, Q. Cục trưởng Cục ĐC-KSVN khẳng định: "Về các vấn đề liên quan đến khu vực Đề án Đánh giá triển vọng quặng chì-kẽm vùng Cẩm Nhân, Mỹ Gia, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Các giấy phép khai thác do UBND tỉnh Yên Bái cấp tại khu vực này đều được ký vào tháng 1-2008 (sớm nhất vào tháng 11-2007), sau khi có các văn bản pháp lý phê duyệt, công bố toạ độ diện tích khu vực điều tra địa chất Cẩm Nhân - Mỹ Gia!".

Đầuh tháng 6-2009, Q. Cục trưởng Cục ĐC-KSVN Nguyễn Văn Thuấn đã ký văn bản số 945/ĐCKS-KS gửi UBND tỉnh Yên Bái thông báo: "Trên diện tích điều tra đánh giá, đã xác định 9 thân quặng có triển vọng, phân bố tại khu Cẩm Nhân và Xuân Lai. Tại khu Xuân Lai, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản. Đối chiếu cho thấy, diện tích của 3 giấy phép khai thác trên trùng với một phần diện tích phân bố của 2 thân quặng!.." và cương quyết: "UBND tỉnh xác định các vấn đề liên quan đến khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và làm việc với Bộ Công thương, thống nhất đưa khu vực Cẩm Nhân vào Quy hoạch quặng chì kẽm của cả nước để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thăm dò, khai thác!"...

Dư luận đặt ra câu hỏi: Trong câu chuyện này, ông Ngọc và một số cán bộ đã giả như không biết hay đã... giấu biến các văn bản pháp lý phê duyệt, công bố toạ độ diện tích khu vực điều tra địa chất Cẩm Nhân - Mỹ Gia, Yên Bình?.

Tại Kết luận số 796-KL/TU (14-11-2008) về xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quản lý khoáng sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã khẳng định “Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phụ trách quản lý khoáng sản, được Hội nghị Thường vụ Tỉnh uỷ kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động khoáng sản đối với vi phạm của Sở Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng UBND tỉnh về chấp hành các quy định, trình tự, thủ tục trong hoạt động khoáng sản. Mức xử lý này là quá nhẹ.

9 tháng 5, 2011

BÍ THƯ - CHỦ TỊCH/ TIẾN SĨ - NHÀ THƠ

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trong buổi.... phát hành đĩa CD ca nhạc
Mai Thanh Hải Blog - Câu chuyện Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương nhận Bằng Tiến sĩ Quản lý Nhà nước rình rang tại Học viện Hành chính Quốc gia (77-Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) ngày 07-5-2011 vừa qua, đã khiến người dân trong tỉnh đặt dấu hỏi về một số bất thường trong Hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Nguyên khóa XII (nhiệm kỳ 2011-2016) của ông Đương.

Cụ thể: Ngày 07-5-2011, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Đương mới nhận Bằng Tiến sĩ Quản lý Nhà nước, nhưng trong danh sách người ứng cử ĐBQH  khóa XIII, được Công bố ngày 26-4-2010 (kèm theo Nghị quyết số 351/NQ-HĐBC, do Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng ký ban hành), thì trong phần lý lịch đã... ghi sẵn: "Trình độ học vấn: Tiến sĩ; Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Quản lý Nhà nước, Kỹ sư chế tạo máy". Tương tự, từ cuối tháng 4-2011, cổng Thông tin Điện tử tỉnh Thái Nguyên, công bố  Danh sách những người ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII (2011-2016) , phần lý lịch cá nhân cũng rành mạch "Trình độ học vấn: Tiến sĩ; Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Quản lý Nhà nước, Kỹ sư chế tạo máy"...

Bí thư Nguyễn Xuân Đương (thứ 2 từ phải qua)

Người ta không khó khăn gì khi tìm hiểu, bởi  Tiểu sử tóm tắt của ông Phạm Xuân Đương đang được đăng trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. Vấn đề đặt ra ở đây là việc công bố Học hàm, Học vị trong khi chưa được nhận, liệu có đúng với những "Điều kiện, hồ sơ, danh sách người ứng cử ĐBQ" ( xem), do Văn phòng Quốc hội đã hướng dẫn các địa phương?. Phải chăng, khi chưa nhận được Bằng Tiến sĩ, cơ quan đào tạo (trong trường hợp này là Học viện Hành chính Quốc gia) cũng phải cấp một loại giấy tờ gì đó Chứng nhận (giống như cấp Giấy Chứng nhận Tốt nghiệp cho các cháu học sinh tốt nghiệp PTTH, vào phòng thi Đại học, Cao đẳng, THCN và dạy nghề) là Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương đã học, đã... biết kết quả và sẽ trở thành Tiến sĩ Quản lý Nhà nước?..

Điều này rất cần thiết để Bí thư Nguyễn Xuân Đương bước vào... phòng thi.

Cũng xin được nói thêm, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương còn là Nhà thơ. Một số bài thơ của ông đã được các Nhạc sĩ trong tỉnh phổ nhạc. Ấn tượng nhất là ngày 29/12/2009, Đài Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Thái Nguyên tổ chức lễ khai trương kênh truyền hình TN1 hòa mạng truyền hình Cáp Việt Nam và giới thiệu, phát hành đĩa Ca nhạc "Tình yêu Thái Nguyên" (xem tin ở đây). "Cũng trong dịp này, Đài PT-TH Thái Nguyên đã tổ chức gặp gỡ , giao lưu với các văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh và phát hành đĩa DVD ca nhạc : Tình yêu Thái Nguyên . Đây là đĩa ca nhạc đầu tiên do Đài PT-TH Thái Nguyên sản xuất  và phát hành . Đĩa ca nhạc gồm các bài hát phản ánh tình yêu của tác giả thơ Phạm Xuân Đương – 1 nhà quản lý ở Thái Nguyên đã có nhiều năm gắn bó, với nhiều kỷ niệm với mảnh đất và con người Thái Nguyên". (nguyên văn)

Ông Đương (áo trắng) tặng hoa ông Quân (thấp, giữa) sau buổi diễn

Gần đây, một bài thơ của ông Đương đã được Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân phổ nhạc và sau đó, tác giả Nguyễn Thụy Kha đã viết 1 bài dài ngoẵng, ca ngợi: "Nhờ đôi cánh của âm nhạc, nhiều bài thơ đã bay vào bất tử" (bài viết "Gặp gỡ trong hồn dân tộc" - Báo Lao động). Báo Thái Nguyên cũng đăng tin phản ánh  Biểu diễn bài hát “Vinh quang hồn dân tộc” trong Ngày âm nhạc Việt Nam đầu tháng 9-2010. Hiện tại, khi truy cập vào Trang Truyền hình trực tuyến của Báo Thái Nguyên điện tử, sẽ ngay lập tức được  nghe - xem bài hát.

Xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Thụy Kha đăng trên  Báo Lao động. Hi! Hi! Hu! Hu!..
-------------------------------------
Tác phẩm và dư luận:
 
Gặp gỡ trong hồn dân tộc 
Thứ Bảy, 18.9.2010 | 11:31 (GMT + 7) 
Ở trong đời, cuộc gặp gỡ giữa thơ và nhạc thường là cuộc gặp gỡ thường rất lý thú. Nhờ đôi cánh của âm nhạc, nhiều bài thơ đã bay vào bất tử.
 
Nhưng cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương thì lại là cuộc gặp gỡ còn đặc biệt hơn...

Nhạc sĩ đỗ Hồng Quân đang chỉ huy dàn nhạc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đang chỉ huy dàn nhạc.

Trước Tết Canh Dần năm 2010, tình cờ trong khi làm tuyển tập thơ - nhạc về Thái Nguyên cùng một nhà xuất bản, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã gặp gỡ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương. Trong tiếp xúc, lúc câu chuyện đã tới hồi vui vẻ, ông Phạm Xuân Đương đã cao hứng đọc cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bài thơ của mình làm để tưởng nhớ những chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Lưu Xá (Thái Nguyên) thời chống Mỹ.

Bài thơ ấy đã gieo vào lòng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhiều tình cảm. Ít lâu sau, ở Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã nhận được bài thơ của ông Phạm Xuân Đương nhưng đã được nâng cao, khái quát, mở rộng thành bài thơ viết về hồn thiêng sông núi. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã cảm xúc mà viết thành một bài hát theo hình thức hợp xướng với hai lĩnh xướng nam trầm và nữ cao cùng dàn hợp xướng. Viết xong, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân gởi lên Thái Nguyên cho ông Phạm Xuân Đương.

Ở Thái Nguyên, thơ của ông Phạm Xuân Đương đã từng được các nhạc sĩ Tú Anh, Hoài Nam và Quang Vinh phổ nhạc. Song lần này, người phổ nhạc lại là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN. Ông Đương rất vui, có lời phúc đáp cùng nhạc sĩ và rất mong tác phẩm được phổ biến. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã bàn với nhạc sĩ Hoàng Lương thực hiện phần phối âm, phối khí và dự định thu thanh bằng Dàn hợp xướng cùng Dàn nhạc Đài Tiếng nói VN, nhưng đến ngày thu thanh thì trời đổ mưa rất to, mưa suốt ngày, nhất là nhạc sĩ Hoàng Lương đột ngột ngã bệnh. Vì vậy, phương án thu thanh này đã không thực hiện được.

Một tiết mục trong Ngày âm nhạc Việt Nam.    Ảnh: Nguyễn đình toán
Một tiết mục trong Ngày âm nhạc Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Phải đến thời điểm sát gần ngày hội Âm nhạc VN lần thứ I (3.9.2010) vào ngày 29.8.2010, tác phẩm mới được thu trực tiếp bằng Dàn nhạc Giao hưởng VN cùng Dàn Hợp xướng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương với lĩnh xướng giọng nam trầm của NSƯT Quốc Hưng và giọng nữ cao của nghệ sĩ Hồng Nhung (giải Sao Mai 2009) tại Nhà hát Giao hưởng VN. Do quyết tâm cao của toàn thể nghệ sĩ, tác phẩm đã được thu thanh với hiệu quả âm thanh không ngờ.

Đoàn Thái Nguyên nhân xuống Hà Nội tham gia Ngày Âm nhạc VN đã được chứng kiến sự kiện này. Nhiều người đã từng nghe bài thơ của ông Phạm Xuân Đương nhưng khi nghe nó được chắp cánh bằng âm nhạc Đỗ Hồng Quân thì đã rưng rưng xúc động và đón nhận chân thành. Có gì linh ứng giữa những người đã khuất với tác giả thơ, tác giả nhạc cùng anh em nghệ sĩ biểu diễn khiến cho tác phẩm ngay lập tức đã xác định được tầm vóc của nó. Tác phẩm “Vinh quang Việt Nam” - nhạc: Đỗ Hồng Quân, thơ: Phạm Xuân Đương - đã được vang lên trong Ngày Âm nhạc VN, sẽ vang lên trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Nghe và nhìn vào tác phẩm, thấy tác giả thơ đã chọn cách cô đọng để mô tả hồn dân tộc Việt Nam trong những người đã khuất và những người đang sống: "Qua năm tháng theo chiều dài lịch sử / Đất nước tôi vang mãi bản tình ca / Hồn dân tộc là hùng thiêng sông núi / Là biên cương, biển đảo quê hương…".

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã thổi vào đấy chất trang trọng sâu lắng của một giọng si giáng trưởng trầm hùng qua lĩnh xướng nam trầm của Quốc Hưng. Sau giọng trầm và giọng ngâm (vocalise) của dàn hợp xướng, giọng nữ cao vút lên với một khoảng tám đứng, với những nốt giáng bất thường khiến cho ta cảm thấy hồn dân tộc đang rạo rực trong ta: "Hồn dân tộc các anh hùng liệt sĩ / Những người con đã ngã xuống đất này / Hồn dân tộc là quê hương, là sức mạnh / Đấu tranh cho đất nước trường tồn ...".

Cùng gặp gỡ trong hồn dân tộc là tâm hồn một ông Chủ tịch tỉnh từng nhiều năm công hiến tuổi trẻ tại khu Gang Thép với tâm hồn một Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN đã từng theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky, từng chứng kiến những năm tháng hào hùng của dân tộc bằng cặp mắt thanh xuân.
Nguyễn Thuỵ Kha

8 tháng 5, 2011

OÁCH NHƯ... BÍ THƯ NHẬN BẰNG TIẾN SĨ

Xe đỗ hẳn lên vỉa hè
Mai Thanh Hải Blog - Cá nhân nhận Bằng Tiến sĩ và có hàng chục người đi theo vỗ tay, chúc mừng là chuyện bình thường. Thế nhưng, những người "yểm trợ" đó lại là những cán bộ, công chức Nhà nước, nhất loạt ngồi xe công vụ biển xanh, đi hàng trăm km thì không bình thường chút nào. Càng không thể bình thường khi chủ nhân của tấm Bằng Tiến sĩ đó lại là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương

Sáng hôm qua (7-5-2011), ngày nghỉ cuối tuần thứ Bảy và cũng là ngày Kỷ niệm 57 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng chục xe công vụ biển xanh của tỉnh Thái Nguyên đã đỗ tràn vỉa hè, xuống tận lòng đường trước cổng Học viện Hành chính Quốc gia (Số 77, Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, TP. Hà Nội). Tò mò hỏi ra mới biết: Những chiếc xe công vụ này chở vài chục cán bộ, công chức của tỉnh Thái Nguyên (và có thể có cả những cán bộ làm việc ở các cơ quan Trung ương) đến "yểm trợ", chúc mừng Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương nhận Bằng Tiến sĩ.

Câu chuyện này đã được các phóng viên của VTC News phản ánh, đăng tải lúc 18h20 cùng ngày. Ngay sau đó vài tiếng đồng hồ, bài viết đã bị rút xuống. Tuy nhiên, các mạng xã hội khác ( Nguồn 1, Nguồn 2 ) đã trích dẫn, sao lưu khiến dư luận không thể không bức xúc: Việc riêng tư, cá nhân mà cũng rầm rộ, "tiền hô hậu ủng" như vậy, liệu dân có tin những sự "chỉ đạo, điều hành"? Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý kiến "quan đầu tỉnh coi Trời bằng vung"?...

Trong khi dư luận cán bộ, Đảng viên và nhân dân cả nước đang xôn xao việc nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc lấy Bằng Tiến sĩ chỉ trong 6 tháng bằng tiền Nhà nước ở Trường Đại học... dỏm , tuy bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, nhưng mới đây vẫn leo lên chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương (tương đương Thứ trưởng). Việc rình rang trong khi nhận Bằng Tiến sĩ của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương cũng cần được xem xét nghiêm minh, chấn chỉnh và công khai trước dư luận để lấy lại niềm tin trong Cán bộ, Đảng viên và nhân dân - Nhất là trong dịp "Bầu những người có đức - có tài làm Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp" tới đây...
----------------------------------------------
Bí thư Tỉnh ủy nhận bằng Tiến sĩ, xe công nối đuôi
07/05/2011 18:20

(VTC News) - Hàng chục chiếc xe ô tô công biển xanh của tỉnh Thái Nguyên với các nhãn hiệu hạng sang đã xếp dài trên vỉa hè bên ngoài trường vào ngày Bí thư Tỉnh ủy nhận bằng Tiến sỹ.

Ghi nhận của PV VTC News  vào sáng ngày (7-5) tại cổng trường Học viện Hành chính Quốc gia cho thấy, hàng chục chiếc xe ô tô biển xanh gắn biển kiểm soát 20 (Thái Nguyên) đỗ trước vỉa hè  lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ. Phía trong cổng của trường cũng có rất nhiều xe ô tô mang biển kiểm soát 20 khác đậu ở đây. Phần lớn các ô tô nhãn hiệu Toyota Camry; Lancer; Atils… như: 20A - 000.17; 20B - 1945; 20B - 1035; 20A - 00036; 20B - 1747…đỗ dọc lề đường Nguyễn Chí Thanh thu hút rất đông sự chú ý của người đi đường.

Khi PV VTC News tiếp cận để chụp ảnh các xe công này, đã gặp lại sự phản ứng của một số người đứng gần đó. Một người trong số này tự xưng là Công an Thành phố, (không nói rõ thành phố nào) sau đó lại tự xưng là ở Bộ Công an rồi nói với phóng viên rằng: “Thôi, chỗ này là người nhà...”. Cũng theo lời của người đàn ông này thì hôm nay Bí thư tTnh ủy Thái Nguyên xuống Hà Nội để nhận bằng Tiến sĩ.

Đến 11 giờ cùng ngày. Những chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát xanh này vẫn đang nằm ở bên ngoài cổng trường. Nhiều người dân có mặt tại đây đã phải thốt lên: “Đúng là Bí thư Tỉnh ủy đi nhận bằng Tiến sĩ có khác! Thế mới sang chứ!”
Chật cả trong sân lẫn ngoài đường
Trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Thế Đề, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xác nhận thông tin về việc Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương hôm nay chính thức nhận bằng Tiến sĩ tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Trả lời câu hỏi về việc có quy định nào của tỉnh về việc điều xe công đi “chúc mừng” lãnh đạo của tỉnh nhận bằng Tiến sĩ hay không?. Ông Đề cho biết: Việc các xe công đi chúc mừng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, không nằm trong mục quy định nào của tỉnh. Tuy nhiên, hôm nay, có một số cán bộ có giấy mời của trường gửi tới cho các cá nhân đã học ở đây xuống chúc mừng 2 người thầy giáo của mình (nhưng không công tác ở Thái Nguyên) cũng nhận bằng Tiến sĩ. Đồng thời, nhiều người cũng tiện đường xuống Hà Nội thăm “anh em” sau đó tiện đường ghé qua.

Ông Đề cho biết, mình cũng có mặt trong buổi trao bằng Tiến sĩ hôm nay, do có công việc đi công tác, nên tiện thể ghé qua. "Vậy các vị lãnh đạo này có đi cùng đoàn không?". Ông Đề trả lời: "Tất cả mọi người không cùng nhau đi mà khi xuống đó mới gặp nhau!".

Theo Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về Tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Cty nhà nước đã nêu rõ: Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với việc mua sắm, trang bị phương tiện đi lại không đúng thẩm quyền, vượt tiêu chuẩn, định mức gây thiệt hại tài sản, kinh phí của nhà nước thì người ra quyết định phải bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại không đúng quy định thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan cũng phải bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lý kỷ luật theo quy định....

VTC News sẽ tiếp tục thông tin với độc giả về sự việc này.

Quang Tùng – Phan Mạnh

ĐÓNG CỌC KIỂU... VIỆT NAM

Mai Thanh Hải Blog - Một đoạn Video Clip có lẽ là "độc nhất vô nhị", đặc sắc, sáng tạo và rất... "bản sắc Việt Nam". Xin mời mọi người xem, cười thật to thư giãn cuối tuần. Cười cho nhẹ lòng và thấy cuộc sống này còn nhiều điều rất đáng yêu lắm! Chúc mọi người ngủ ngon!.