3 tháng 1, 2013

ĐẾN CHĂN CŨNG CHẲNG CÓ MÀ ĐẮP


Mai Thanh Hải - Lên đến điểm Trường Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái), trao ủng và áo mới cho bọn lít nhít.

Thấy chúng phúng phính má, chúm chím môi ấm rực, thấy yên tâm và an lành vô cùng.

Thế nhưng, khi quay lại xem chúng nó ngủ trưa, nhìn cả lũ nằm xếp cá co ro, ủng cởi ra và khoanh chặt tay vào túi áo: ngủ - Tự dưng cái cảm giác yên lành bay sạch.

Khổ thân các con.

Giường chả có, chỉ kê tạm mấy tấm gỗ cuối lớp, nhường cho bọn be bé nằm, bọn lơn lớn thì trải chiếu rách, nằm ngay trên nền đất lạnh, chẳng tất chân, chẳng chăn mỏng, chẳng cả gối đầu, trong cái lớp học vách gỗ, gió lạnh lùa vào rin rít.

Vài ngày nữa, quay lại 5 điểm Trường xã Pá Hu, trao đồ ấm cho hơn 500 đứa lít nhít từ Mầm non cho đến Tiểu học, mở máy tính xem lại những hình ảnh về bọn lít nhít, đứa em nữ PV nhìn thấy mấy hình chúng nó ngủ trưa thế này, bật khóc chạy ra ngoài, lát sau quay về với 2 cái chăn bông, đặt vào tay mình:: "Mang giúp em cái chăn lên cho chúng nó!".

Ừ! Mình sẽ mang chăn của em lên, trong chuyến hàng tuần sau và mình cũng nói hộ chúng nó: "Cho các con xin thêm, mấy tấm chăn!"...
*****

Tìm hiểu về các hoạt động mang đồ ấm - thực phẩm - trang thiết bj phục vụ học tập, cho trẻ em miền núi, biên giới, xin đọc tại Trang Áo ấm Biên cương (đọc ở đây).

Mọi sự giúp đỡ, chung tay ủng hộ, xin đọc: ở đây.



ÔNG THANH RA HÀ NỘI


Mạnh Quân FB - Tin ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội, thực ra được phát đi, lan truyền trên FB từ hơn một tuần trước, nhưng hôm qua, các báo mới chính thức đăng tin. 

Nhiều người mừng vì đã nghe, đã biết những gì ông nói và làm ở TP. Đà Nẵng thì thấy ông là một nhà lãnh đạo quyết đoán, có tư tưởng đổi mới...

Nhưng cũng không nhiều người nghĩ là ông sẽ làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Mình cũng thích ông Nguyễn Bá Thanh.

Chưa từng nói chuyện với ông, nhưng họp tổ ở Quốc hội, nghe ông “chém” về đề tài nào là ra đề tài đó, rất có hướng đi…

Tất nhiên, không phải cái gì ông nói (và có thể ông làm) cũng đúng. Ví dụ như là khi ông nói: "Nếu các Ngân hàng không giảm lãi suất, thì ông kêu người dân chuyển tiền gửi Ngân hàng khác…", thì câu đó rất là không ổn.

Cái câu này này, ông Nguyễn Quang A cũng đã chê ỏng, chê eo…

Nhưng biết sao được?. Lãnh đạo cũng có thể lúc đúng, lúc sai lầm.

Đúng nhiều hơn sai, sai nhỏ… Không gây ra hậu quả đáng tiếc nào thì tốt rồi.

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng không phải là người cởi mở lắm với báo chí. Ở Quốc hội mà phỏng vấn được ông thật vô cùng khó khăn. Ông từ chối từ trong ánh mắt.

Nhưng không phải người nào không cởi mở với báo chí là người đó dở, chuyên chế...

Có những người khá kín cửa với báo chí nhưng vẫn hay. Ông Thanh là thế.

Nhưng cũng mong, khi ông làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương, anh em báo chí dễ tiếp cận hơn chút, có nhiều thông tin hơn chút…

Ít ra cũng được như thời ông Trương Vĩnh Trọng, cựu Trưởng Ban của Ban Nội chính Trung ương cũ (đã bị giải thể trước đây, nay tái lập lại).

Ông Trương Vĩnh Trọng cũng khá cẩn trọng với báo chí, nhưng đôi khi, cũng có vụ này vụ kia, ông thông tin cho báo chí được.

Nhớ vài lần đến nhà ông Trương Vĩnh Trọng, lần đầu đến thấy ông để chai rượu đế nút lá chuối khô và mấy cái bánh đa trên bàn. Nghĩ ông giản dị.

Sau, lần nào cũng thấy thế, vẫn vị trí đó, cái bánh đa vứt vẫn chỏng chơ… mới thấy là ông “Phan Diễn”.

Mong là ông Nguyễn Bá Thanh không “Phan Diễn”!..

HY SINH


Thiềm Thừ - Chiều 28/12/2012, tôi chứng kiến cảnh vợ con Trung úy Bùi Minh Nam bịn rịn chia tay anh, trước khi anh lên đường ra đảo Song Tử Tây.

Trong khi cậu con trai Bùi Minh Đức mới 2 tuổi, chưa hiểu gì về sự chia ly, cứ vô tư chào kiểu con nhà binh với các chú, chị Trần Thị Loan (vợ Nam) lặng lẽ khóc, mắt đỏ hoe.

Chiều ngày 02/1/2013, tôi lại gặp đôi mắt đỏ hoe ấy trên bến Quân cảng Cam Ranh (Vùng 4, Hải quân).

Sau ít ngày về đất liền, Trung úy Bùi Minh Nam lại ra Trường Sa, lần này anh làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết.

Vợ chồng họ lại phải xa nhau. Đằng đẵng...

Để bờ cõi Tổ quốc được vẹn toàn, đã có biết bao sự hy sinh âm thầm, lớn lao!..
*****

Tiếp tục tham gia đóng góp, mua sắm một số đồ dùng phục vụ đời sống văn hóa - tinh thần của bộ đội Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo vùng Đông Bắc, đặc biệt trong dịp Tết đến Xuân về (đọc bài trước: GỬI QUÀ TẾT CHO TRƯỜNG SA 2 hoặc Ở ĐÂY):

- Anh Nguyễn Kinh Kha, TGĐ Cty Rượu bia - Nước Giải khát AROMA (thương hiệu rượu VODKA MEN và SÂN ĐÌNH) cũng hứa: Cty sẽ đồng hành cùng Chương trình.

- Bạn Đỗ Hương Ly (Hàng Đào, Hoàn Kiếm, HN) và Phạm Thúy Hằng (Quán Sứ, Hoàn Kiếm, HN): 2.000.000 VND

Xin được cảm ơn những tấm lòng hướng về biển đảo, rất thiết thực và bình dị:

1/ PGS.TS Nguyễn Phương Tùng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam): 2.000.000 VND
2/ Chương trình Áo ấm Biên cương: 3.000.000 VND
3/ Một Doanh nghiệp giấu tên tại Hải Phòng hứa sẽ ủng hộ 10.000.000 VND.

MỌI TẤM LÒNG, XIN GỬI:

Mai Thanh Hải,
STK: 0011002663078, Sở Giao dịch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK-VCB).
(Đề nghị ghi rõ: Gửi quà cho Bộ đội Hải quân Vùng 1).

Mọi sự ủng hộ sẽ dùng để mua các dàn nghe - nhìn (màn hình tivi, amply - tăng âm, đầu DVD karaoke, bộ loa, micro, đầu thu kỹ thuật số), máy thu thanh, bàn bóng... (theo danh mục cần thiết của BTL Vùng 1 Hải quân) và được chuyển theo tàu Hải quân, trao tận nơi cho các đơn vị ngoài đảo, kịp thời phục vụ cán bộ chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, đón Tết âm lịch vui tươi, ấm áp.

*****

2 tháng 1, 2013

HUẤN LUYỆN DÙ

CLBNACS - Để trở thành phi công lái máy bay quân sự thì một nội dung không thể thiếu đó là phải được huấn luyện và thực hành nhảy dù.

Phần thực hành nhảy dù là một nội dung mà các học viên luôn mong đợi.

Để có được cảm giác khi thả mình ở độ cao hàng nghìn mét mỗi học viên phải trải qua một quãng thời gian huấn luyện lý thuyết và thực hành.

Xin gửi tới bạn đọc các một số hình ảnh của buổi huấn luyện luyện thực hành nhảy dù cho các học viên của Trường Sỹ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) vào một ngày nắng đẹp tháng Tư, tại TP biển Nha Trang.
*****

Vũ Ngọc Hoàng (Thực hiện)

GỬI QUÀ TẾT CHO "TRƯỜNG SA 2".

Mai Thanh Hải - Lâu nay, cứ nói đến bộ đội Hải quân canh giữ đảo tiền tiêu Tổ quốc là người ta nghĩ ngay đến Quần đảo Trường Sa thuộc Vùng 4, mà ít người biết rằng: Còn rất nhiều các đảo, quần đảo khác nằm dọc theo hình chữ S, bao năm nay được trấn giữ bởi các đơn vị Hải quân Vùng 1, 2, 3 và Vùng 5.

Ở đây mình muốn nhắc đến một số đảo quan trọng trong cụm đảo Đông Bắc, nằm trong Vịnh Bắc Bộ do Vùng 1 Hải quân quản lý.

Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân (hoặc Bộ Tư lệnh vùng A) nằm bên này Cầu Bính, nhưng các đơn vị nằm ở khắp vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các đảo trong Vịnh Bắc Bộ.

Trong số các đảo, quan trọng, hiểm yếu và gian khổ, vất vả nhất phải kể đến các đơn vị đóng quân ở đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, Cát Bà (TP. Hải Phòng) và Đảo Trần (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), đảo Trà Bản (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

Quan trọng nhất trong những đảo trấn giữ Vịnh Bắc Bộ là đảo Bạch Long Vĩ.

Đảo có tổng diện tích khoảng 2,5km2 đến 4km2 (tùy theo thủy triều), nằm trên 1 trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước.

Nhân dân trên đảo phần lớn là những thanh niên xung phong từ các tỉnh duyên hải Bắc Bộ ra lập vùng kinh tế mới với số lượng khoảng hơn 1.000 người, chủ yếu làm nghề khai thác nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Sát cánh với những người dân là bộ đội, đáng kể nhất là các lực lượng hợp thành thuộc Vùng 1 Hải quân làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ đảo và ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, toàn lính trẻ biền biệt xa nhà và mỗi năm may lắm  mới được vào đất liền hay đón khách đất liền ra thăm 1-2 lần, khổ hơn cả lính Trường Sa.

Tiếp sau phải kể đến Đảo Trần thuộc huyện Cô Tô (Quảng Ninh). Trên đảo có Trạm Ra đa 480, thuộc Tiểu đoàn Ra đa đối hải 151, Vùng 1 Hải quân.

Tiếng là lính biển, nhưng bộ đội áo yếm đóng quân tít trên núi cao, phương tiện đi lại khó khăn (chủ yếu là đi bộ).

Nằm ở độ cao gần 200m so với mực nước biển, mỗi khi hành quân lên đài quan sát này, cán bộ, chiến sĩ của trạm phải đi bộ gần 1 tiếng, bởi đường đi khó khăn, trơn trượt do sương mù ẩm ướt.

Quãng đường này cũng là đường "thử sức" cho bộ đội mang lương thực tiếp tế cho nhau hàng tuần.

Thế nhưng, khó khăn này vẫn là "muỗi" so với việc: Để quan sát được mục tiêu, chiến sĩ luôn đối mặt khó khăn bởi thời tiết, hướng gió, đặc biệt là những khi sương mù, biển động...

Ấy thế nhưng, xứng đáng với danh hiệu "đôi mắt thần" ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc vùng Đông Bắc, trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ trên Trạm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan sát, quản lý vùng biển 24/24 giờ, không để Tổ quốc bị bất ngờ.

Bên cạnh đó, "mắt thần Hải quân" Đảo Trần còn phục vụ đắc lực việc quan sát các mục tiêu phục vụ công tác Biên phòng - Cảnh sát Biển, như bắt giữ phương tiện buôn lậu, đẩy đuổi tàu bè nước ngoài xâm lấn trái phép, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão...

Cũng là "mắt thần Hải quân" vùng Đông Bắc, Trạm Rađa 485 (Tiểu đoàn Ra đa đối hải 151) trên đảo Trà Bản (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), có Đài Rađa đối hải cao nhất miền Bắc, nằm ở độ cao 484m so với mực nước biển.

Ở đây, sương mù quanh năm, đụng vào thứ gì cũng ẩm ướt, nên công tác bảo dưỡng, bảo quản khí tài rất vất vả.

Mỗi khi ngủ dậy, các chiến sĩ trên đài quan sát lại lấy túi nilon bọc chăn chiếu để tránh bị ướt và cũng như Trạm Rađa 480, nước ngọt là hàng hiếm, nên lính ta phải chắt chiu từng giọt.

Cung đường lên đài quan sát, dài hơn 7 km đường rừng núi, mất 2 - 3 tiếng mới lên tới nơi.

Kinh nghiệm chống khát và tiếp sức trên đường lên đài quan sát của bộ đội là nhấm nháp những chùm mây rừng mọc khá nhiều trên đường đi, y như lính Biên phòng.

Anh em kể: Trung bình mỗi phiên trực kéo dài một tuần, nhưng cũng có khi vì nhiệm vụ đột xuất, phải ở lại trên đài quan sát đến 2 tháng.

Tiểu đoàn radar đối hải 151 gồm 8 Trạm đóng quân phân tán từ đảo Trần (Quảng Ninh) đến Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), có nhiệm vụ: Quan sát 24/24 giờ trong ngày, phát hiện và báo cáo kịp thời các mục tiêu trên biển về Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng, phục vụ trên xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra.

Là đảo giống Trường Sa, các đảo vùng Đông Bắc cũng thừa thãi nước mặn mà khan hiếm nước ngọt. Đến mùa khan hiếm nước, các chiến sĩ phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt.

Là vùng biên đảo tiền tiêu giống Trường Sa, những người lính Hải quân trên các đảo Đông Bắc cũng đối mặt với bao âm mưu cướp đảo, lấn biển của bọn "lạ" nhưng không lạ. Cả đêm cũng như ngày, chế độ trực canh luôn duy trì gắt gao, chỉ cần 1 hồi kẻng báo động là đạn lên nòng, pháo giương cao, tàu khởi động máy, bộ đội gọn gàng mũ sắt, sẵn sàng đánh trả - đuổi dạt quân ăn cướp nhăm nhe.

Là bộ đội, đóng tít ngoài đảo xa, muốn nghỉ tranh thủ như đồng đội trong đất liền cũng khó, nên lính đảo Đông Bắc cũng như lính đảo Trường Sa đành nén nỗi nhớ đất liền - người thân vào trong ngực, thi thoảng mới nhè nhẹ hé mở cùng màn hình ti vi xem theo giờ quy định, cuộc điện thoại hiếm hoi và ao ước cháy bỏng con trai, lúc gặp tóc dài - lưng cong văn công ra đảo biểu diễn, thăm hỏi bộ đội, năm vài lần...

Và xa xôi, vất vả, gian lao, thiếu thốn lắm lắm...

Chả thế mà mỗi năm vài lần, giống như Trường Sa, đều đặn có những chuyến tàu xuất phát từ Hải Phòng hay Quảng Ninh, chở Văn công, khách từ đất liền ra thăm, động viên và tặng quà cho bộ đội.

Dĩ nhiên, không thể "tiếng tăm" như Trường Sa, dù nhiệm vụ - đặc thù và sự vất vả chả có gì khác nhau, nên cái sự quan tâm, cũng chỉ dừng lại ở những người thông hiểu và chế độ trang cấp của quân đội.

Chả thế mà ra với đảo Đông Bắc mùa gần Tết biển động, cũng là tàu HQ đấy, nhưng cứ lồng lộn lên xuống, vật phải đổ trái, tiến ngược lùi xuôi chống chọi với biển động cấp 5-6, hết thảy khách và phân nửa thủy thủ nằm bê bệt, nôn hết mật xanh mật vàng, vượt biển gần cả ngày mới ra tới nơi, không còn sức để gật gù lời nhận xét của thuyền trưởng đã bao năm đi biển Trường Sa, bây giờ vẫn thi thoảng tăng cường vào Trường Sa: "Thời tiết biển trong đó êm hơn nhiều. Không lắm bất thường như ngoài này!"...

Chả thế mà ra với đảo Đông Bắc, cứ chạnh lòng nhìn những thứ phục vụ đời sống văn hóa - tinh thần của bộ đội, từ màn hình tivi, đầu thu, đài casette... cho đến bàn bóng, cọc lưới bóng chuyền, hoặc phủ bạt để trong góc, hoặc hoen rỉ vì nước biển, hơi nước sương mù, mà thèm có những chuyến hàng đầy đặn, tỷ thứ trên đời mà mọi người cứ "đều như vắt chanh", gửi ra cho lính đảo Trường Sa.

Vẫn biết: Cùng đồng đội đảo xa, cùng sẻ chia gian lao vất vả, nên lính tráng chả bao giờ có ý nghĩa ấy.

Nhưng mình vẫn cứ ước: Mọi người biết nhiều thêm về lính đảo Đông Bắc, bởi ngoài này vẫn được ví như "Trường Sa thứ 2", thì những người ra với đảo như mình, đỡ chạnh lòng biết bao nhiêu?..

Những ngày gần Tết này, những chuyến tàu chở hàng Tết ra với Trường Sa - DK bắt đầu rời Cam Ranh, Cát Lái, Vũng Tàu... hướng ra phía đông hừng sáng, lặc lè nghĩa tình của cả nước vì Trường Sa thân yêu.

Cũng những ngày này, những con tàu ra với các đảo Đông Bắc cũng bắt đầu chuẩn bị cho 1-2 tuần tới nhổ neo rời Hải Phòng, chuyển quà Tết nghĩa tình ra với đồng đội khơi xa.

Khác với Trường Sa đầy nắng và gió, đảo ngoài này rét buốt lắm, mặc áo bông dầm chân giữ đảo, lính áo yếm ai cũng run cầm cập, nhưng vẫn ngóng chờ những ngày gần Tết, tàu trong bờ chở đào, quất, thịt, gạo, bánh chưng, để ngoài đảo xa vời cũng đủ Tết quê hương...

Và mình lại mong: Chuyến tàu ra đảo Đông Bắc sắp tới, mọi người cùng chung tay đóng góp để có vài giàn âm thanh, mấy màn hình tivi, dăm chiếc đài cùng một số đồ phục vụ đời sống văn hóa - tinh thần cho bộ đội ngoài đảo, thì lính nhà mình sẽ vui biết mấy?..

Niềm vui này hẳn của sự nắm tay sẻ chia, tựa vai thông hiểu và cao hơn cả là nghĩa tình bờ bến - đảo xa, lòng nhớ thương của người thân xa cách và đáp đền từ nơi yên ấm hậu phương với những người ngoài tiền tuyến xa xôi, giữ biển trời cho sau lưng sáng đèn, vui nhạc, ấm áo, no cơm...

Nơi tiền tuyến đảo xa Đông Bắc, chúng mình gọi đó là: "Trường Sa thứ 2"...
*****
Vùng 1 Hải quân có nhiệm vụ làm nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo phía Bắc của Tổ quốc.
Ở các đơn vị tàu, Đoàn viên thanh niên đã thể hiện được bản lĩnh của người chiến sĩ Hải quân khi vượt qua sóng gió để thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nhiều chuyến tàu của Vùng nhận lệnh ra khơi trong giông bão, trong các ngày lễ, tết để xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta; nhiều tàu nhận nhiệm vụ trực liên tục, dài ngày trên biển nhưng tinh thần, ý chí quyết tâm của bộ đội không giảm sút.  
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ, Đoàn viên thanh niên các đơn vị còn tích cực, chủ động trong tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục thiên tai, bão lụt. Hình ảnh những con tàu HQ-634, HQ-635, HQ-951… vượt lên sóng dữ ra khơi tìm kiếm, cấp cứu ngư dân các địa phương trong bão tố đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người lính biển đối với nhân dân. Tiêu biểu cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn là Đoàn viên, thanh niên Hải đội 4, Biên đội tàu K62 (Lữ đoàn 170), Hải đội 137…  
Ngay sau khi bài viết này được đăng tải, một số bạn đọc đã liên hệ, đề nghị được đóng góp, mua sắm một số đồ dùng phục vự đời sống văn hóa - tinh thần của bộ đội Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo vùng Đông Bắc, đặc biệt trong dịp Tết đến Xuân về.
Xin được cảm ơn những tấm lòng hướng về biển đảo, rất thiết thực và bình dị:

1/ PGS.TS Nguyễn Phương Tùng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam): 2.000.000 VND
2/ Chương trình Áo ấm Biên cương: 3.000.000 VND
3/ Một Doanh nghiệp giấu tên tại Hải Phòng hứa sẽ ủng hộ 10.000.000 VND.

MỌI TẤM LÒNG, XIN GỬI:

Mai Thanh Hải,
STK: 0011002663078, Sở Giao dịch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK-VCB).
(Đề nghị ghi rõ: Gửi quà cho Bộ đội Hải quân Vùng 1).

Mọi sự ủng hộ sẽ dùng để mua các dàn nghe - nhìn (màn hình tivi, amply - tăng âm, đầu DVD karaoke, bộ loa, micro, đầu thu kỹ thuật số), máy thu thanh, bàn bóng... (theo danh mục cần thiết của BTL Vùng 1 Hải quân) và được chuyển theo tàu Hải quân, trao tận nơi cho các đơn vị ngoài đảo, kịp thời phục vụ cán bộ chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, đón Tết âm lịch vui tươi, ấm áp.

---------------------------------------------------------------------------------
HÌNH ẢNH VỀ MỘT SỐ ĐƠN VỊ TÀU, RA ĐA, BẢO VỆ ĐẢO KHU VỰC ĐÔNG BẮC

(Bài viết có sử dụng hình ảnh của NSNA Bùi Đăng Thanh và Thành viên Diễn đàn OF)


1 tháng 1, 2013

SẮC MÀU BIÊN CƯƠNG


Mai Thanh Hải - Khái niệm Biên giới, với mình là kỷ niệm về những xa xôi, thăm thẳm và gian khó đến không thể tưởng tượng nổi, mà mình đã may mắn được đặt chân đến, với những đồng đội mang quân hàm xanh, từ những thủa còn đi bộ, gùi cõng cả ngày đường mới tới được mái nhà tranh, bên trên phần phật cờ đỏ sao vàng, bộ đội gọi là Đồn - Trạm, rồi nằm vật ra, thở hắt như sắp chết...

Thiếu thốn lắm lắm: Từ giọt nước, hạt gạo, nắm muối ăn, mảnh chăn ấm cho đến những sự thèm khát rất đời thường: Vòng eo con gái, tiếng nói đồng hương, giọng trẻ bi bô, môi cười chia sẻ... nhưng vẫn trung trinh bám bản, giữ mốc từ khái niệm "Tổ Công tác Biên phòng", vài đứa chụm đầu ăn ngủ dưới mái bạt, lều tranh, quanh năm gió lùa hun hút, buốt lộng óc.

Gian khổ lắm lắm: Quân trang được cấp phát không chống nổi cái rét ùa ra từ lòng núi đá, đi ngủ mặc nguyên áo bông ngoài 5-6 lớp quần áo, mũ bông Biên phòng bịt kín tai, mấy đứa co ro nằm úp thìa, chất 3-4 cái chăn vẫn run cầm cập... nhưng mỗi chuyến xuống địa bàn, vẫn lụi hụi gấp theo tấm chăn, cởi chiếc áo bông nhường cho người già - trẻ nhỏ đang tím tái chờ hơi ấm nhịn nhường.

Ý tưởng về Chương trình "Áo ấm biên cương" hình thành trong đầu mình, khi dịp gần Tết 2011, đi công tác trên APaChai (Mường Nhé, Điện Biên), đón Noel ngay vùng đất Ngã ba Đông Dương, ngồi bên bếp lửa trong bếp ăn Đồn Biên phòng 405, run cầm cập tránh rét, thấy Trung tá Trìu - Đồn trưởng sùm sụp mũ lên, hỏi mới biết: "Mũ bịt tai và áo bông dài, quân trang riêng biệt của Biên phòng miền núi, cả Đồn không còn chiếc nào, bởi anh em nhường cho dân hết!".

Lên Cao Bằng, ngồi với Đại tá Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP Cao Bằng, thấy anh Tuấn cứ thở dài: "Vừa mới ký điện gửi các Đồn, nhắc anh em nhường chăn đệm, quần áo bông cho đồng bào, trên ấy đang rét lắm" và kể: Cứ mùa rét buốt, đồng bào lại kéo đến cổng Đồn Biên phòng, kêu "Đồn ơi! Rét lắm!"...

Và thế là Áo ấm biên cương chính thức ra đời, với những thành viên tình nguyện "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", vừa lăn lóc với "miếng cơm manh áo" thường nhật, vừa dành chút thời gian còn lại để sẻ chia, vận động và góp từ đồng tiền, chút sức để có những manh áo ấm, đôi ủng, tấm chăn, chiếc gối, thực phẩm cho lũ trẻ lít nhít vùng cao, góp sức cùng đồng đội Biên phòng giữ canh cột mốc.

Một năm vất vả, tất bật với những người nặng tình với Áo ấm biên cương và bắt đầu 1 năm mới, chắc chắn sẽ vất vả - tất bật hơn nữa bởi Chương trình đã đi vào quy mô, cần triển khai nhiều hơn nữa ở rất nhiều địa bàn biên cương Tổ quốc.

Xin gửi tặng mọi người sắc màu biên cương, trên những vùng mà chúng mình đã - đang và sẽ đến.

Chúc mừng năm mới 2013 và rất mong mọi tấm lòng, đồng hành cùng chúng mình: Áo ấm Biên cương
*****

* Bài viết có sử dụng một số hình ảnh đăng trên trang xomnhiepanh.com và một số mạng xã hội khác.