13 tháng 8, 2011

RỪNG BẦN

Nguyễn Ngọc Tư - Chiếc ghe máy đi chậm rãi trên lòng rạch đang buổi nước ròng. Hai ông cháu chủ ghe làm tôi nhớ cái truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, dù ở đây nhiều bần, ít mắm. Thằng nhỏ đen thui, da mốc cời trên mình chỉ dính cái quần cộc, nằm gối đầu lên ông già cũng đen thui mốc cời chỉ quần cộc trên người. Họ đưa tôi ra gần cửa biển, chỗ một cồn cát nghe nói khá đẹp. Nước biển trong, tắm được. Người ta hay ra đó chơi, thằng nhỏ quảng cáo ngắn gọn.

Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng. Những trái bần xanh gây ra một phản xạ ứa nước miếng, ê răng cho những ai từng nếm thử chúng, dù chỉ một lần. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng không thấy chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống.

Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu, buồn buồn. Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng và lạnh. Cảnh này mà có thả cụ Charlie Chaplin vô giễu thì cũng không cười nổi. Riêng cái tên bần thôi đã nghe có chút ngậm ngùi rồi.

Chiếc ghe tấp vô bờ, thả tôi lên cồn, ông già dặn cứ chơi vui chừng nào về cũng được. Tôi lang thang giữa những rẫy dưa hấu tàn mùa, chỉ còn mấy trái đèo nằm chèo queo trên cát. Những gốc cây dạt lên bãi sau cơn biển động nằm chỏng gọng. Vài người đàn bà đi mót củi không nói cười.

Đơn độc giữa bãi biển là căn chòi canh giữ của hợp tác xã nghêu giống, nóc cắm ngọn cờ le lói. Xóm cồn nhà nào cũng thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Báo viết cồn cát này sắp bị biển nuốt mất, nhưng mấy thím đang ngồi làm cỏ rẫy thì lia mũi dao về phía trời ngó bộ rất coi thường, “ối người xứ này đất bồi thì ở đất lở thì đi, lo cũng không khỏi...”.

Lội bộ mỏi chân nên ghé một nhà có ông già đang ngồi tư lự, hỏi nhà mình sống bằng nghề gì, ông tỉnh bơ cười, “qua ăn trộm”. Mắt không hề chớp. Thì ra là trộm nghêu giống của hợp tác xã mà chính ông cũng là xã viên. Hồi trước nhà ông có vài công đất rẫy nhưng bị sóng nuốt mất rồi, giờ không cào nghêu trộm thì chết đói. Ông nói không trông mong gì cái ban chủ nhiệm toàn là vơ vét lấy cho đầy túi họ.

Đang ngồi có người đàn ông tạt vô uống mấy ly trà, nói vài câu qua quýt, còn vô bếp lục nồi ra chiều thân mật lắm. Chừng khách đi rồi ông già mới nheo mắt khinh bỉ nói, “Phó chủ nhiệm hợp tác xã đó, như mật thám hồi chiến, suốt ngày đi thăm dò, bếp nhà qua mà có thịt là nó biết qua cào nghêu của nó…”.

Nhưng trong bếp không có gì ngoài mấy con cá kho quéo, dưa hấu non xắt nhỏ xào mở tỏi. Ông già thấy tôi hơi xót cho bầy con nít lủ khủ đầy nhà nên hạ giọng thầm thì, “thịt heo bà vợ qua giấu trên giàn củi, đợi khuya mới cho tụi nhỏ ăn…”

Sau chi tiết đó thì tôi thấy cái xóm cồn nhỏ này trở nên thênh thang. Mấy chục nóc gia bị cắt vụn bởi cuộc chiến giành giật miếng ăn. Biển nuốt đất nên trả lại cho người một bãi nghêu, được nghêu thì tình người hao khuyết.

Chòm xóm mặt cười với nhau mà lòng lạnh. Như màu trăng giữa nắng. Như cây bần, như rừng bần, đứng kề mà như rời ra, cô độc.

Tôi bỏ ra chỗ chiếc ghe đang đậu chờ dưới mé rạch. Ông già đang nhả khói hơi ngạc nhiên, hỏi sao tôi chơi ít vậy. Tôi than xóm này buồn quá.

Ông ờ ờ quăng điếu thuốc hút dỡ xuống rễ bần, nói nhẹ bâng, “Mấy bữa trước, ngay trân đêm hội lăng Ông, có người ăn trộm nghêu bị bắn què giò…”

Câu chuyện làm tôi muốn lập tức quay về, nhưng thằng nhỏ cháu của ông già chạy chơi đâu mất. Ông già réo gọi hoài không được, sợ du khách phật ý nên rốt cuộc ông già bỏ thằng nhỏ lại.

Ghe đi một đoạn thì thấy trên bờ thằng nhỏ dọt theo kêu ngoại ơi ngoại. Ông già lầm lì như không ngó thấy. Thằng nhỏ chạy dọt qua khỏi đầu chiếc ghe rồi lội càn xuống đu mũi ghe leo lên.

Ướt ròng, thằng nhỏ ôm bàn chân đang chảy máu ,chắc bị miểng ốc cắt, lấm lét ngó ông già. Nếu không liều nó sẽ phải lội bộ ba cây số, luồn qua bao vạt rừng bần, qua một con rạch mới có thể về đến nhà.

Suốt chặng đường từ mé biển về tôi ngồi giữa cơn im lặng của hai ông cháu. Trời im gió, những cây bần lặng yên không vẫy.

Trả tiền công cho ông già xong bỗng nghe thằng nhỏ thỏ thẻ, “có tiền thì khuya nay mình khỏi đi cào nghêu, hả ngoại ?”.

Rừng bần thì đẹp lắm, nhưng buồn…

11 tháng 8, 2011

HÔM NAY, CON GÁI MIU TRÒN 10 TUỔI

10 năm trước, đêm ngày 11/8/2001, con gái Mai Trần Tường Linh chào đời. Mới sinh ra, gái bé tí, khóc oe oe, mẹ Hằng lại mệt, ngủ thiếp đi nên ba Hải bế con trên tay đến tận sáng bạch, mẹ tỉnh dậy cho bú, con i ỉ khóc dỗi như 1 con mèo con, nên cả nhà đặt tên là Miu.

Con ra đời chưa tròn tháng, ba Hải phải khoác ba lô vào biệt phái Tây Nguyên 2 năm. Tháng năm đằng đẵng, thi thoảng xin tranh thủ, bắt xe đò, ngồi tàu hỏa mấy ngày ra với con. Ở với con vài ngày, vừa quen hơi, lại khoác ba lô vào với núi rừng xa xôi, cách trở nghìn trùng.

Bây giờ thì con đã lớn, năm nay lên lớp 4 nhưng đã sắp thành thiếu nữ và biết giúp ba mẹ làm nhiều việc nhà, đảm đương chức trách chị cả với em Khoai còn bé.

Con đã lớn và con rất ngoan. Chúc mừng sinh nhật con gái Miu - 10 tuổi.
-------------------------------------------------------------------------
MIU TỪ BÉ ĐẾN LỚN















10 tháng 8, 2011

CHUYỆN NHỎ Ở SÀI GÒN

Mai Thanh Hải Blog - Những câu chuyện cảu Người Lữ hành Kỳ dị mộc mạc nhưng rất đáng yêu, gần gũi, làm nhẹ đầu hơn, lòng mềm hơn và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Đọc xong, thấy càng yêu Sài Gòn - Thành phố nhộn nhịp, ồn ào như tính cách người phương Nam, nhưng cũng gần gũi, yêu thương và đùm bọc nhau, như tính cách của người Việt. Sài Gòn ơi! Yêu và nhớ quá!..

--------------------------------------------------------------------------------------------
1.
Đó là một con hẻm khá rộng rãi ở giữa nhưng hai đầu  thì nhỏ xíu, chỉ chạy lọt chiếc xe máy, nối hai trục đường chính ở Quận 3. 
Trong hẻm nhà cửa san sát, nhà mới xây cao 3 - 4 tầng cũng nhiều, mà nhà cũ, mái tole gác gỗ cũng sin sít, nhiều nhà dùng phía trước để buôn bán nhỏ, bán đồ ăn hoặc tạp hóa, nhiều nhà mở tiệm gội đầu hoặc đặt biển công ty mà chẳng có nhân viên.

Dân cư trong hẻm hầu hết đều biết nhau, cũng có một vài người mới dọn tới hoặc thuê nhà trong hẻm nhưng họ nhanh chóng làm quen với cư dân hẻm.

Bà chủ nhà trọ của tôi được gọi là cư dân lâu đời nhất của hẻm, hơn 60 năm. Bà là người cất nhà đầu tiên trên đất này. Bà kể, lúc bà vô Sài Gòn năm 16 tuổi, cả nhà bà đi trên một cái ghe.

Lúc đó hẻm này, từ đầu đến cuối, là một con rạch rộng và sâu, bơi chừng vài chục sải mới sang bờ, tuy thông với nhiều rạch khác nhưng nước ở rạch này lại trong veo, đáy toàn cát. Bờ bên này, chỗ nhà trọ tôi ở, là một cái bến thuyền tấp nập suốt ngày đêm.

Cha của bà đã dựng cái chòi đầu tiên trên bến, đúng chính chỗ căn nhà bây giờ, lúc đó ban đêm gió từ những con rạch thổi lồng lộng đến nỗi muốn cuốn bay mọi thứ.

Có nhiều sông rạch, nhiều đầm lác, nhiều rừng dừa nước đã biến mất, nhường chỗ cho phố xá và những con hẻm đầy nhà, đầy người, ở Sài Gòn.

2.
Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe, nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người. Vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh, anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và dày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.

Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu.

Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự.

Anh gọi cụ là ngoại: "Ngoại ơi!. Ngoại à!". Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.

Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ sofa có cái bàn kiếng sạch bóng  và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi.

Mãi sau cụ già nói với anh: "Qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này, cả dòng họ Qua gom tiền lại cũng mua không nổi!".

Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: "Dạ! Con biết. Sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe. Đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại!". Anh cười, coi bộ hiền khô.

3.
Một góc ngã tư giao lộ giữa hai con đường thuộc loại đông nhất nhì Sài Gòn, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.  Bên Cảnh sát Giao thông phân công 2 anh sĩ quan đến trực ở ngã tư này để giải quyết nạn ùn tắc và xử phạt mấy phương tiên chạy ẩu, nhất là mấy chiếc xe hơi rẽ trái sai luật.

Hai anh sĩ quan này có lẽ thuộc loại vất vả nhất trong ngành, vì thời gian của 2 anh hầu hết đều phải đứng ngoài nắng ngoài mưa để phân luồng và điều chỉnh đèn tín hiệu. Chỉ cần 2 anh vắng bóng một lúc là cái ngã tư lại nùi nùi một mớ xe cộ.

Chỗ 2 anh đứng, có một cái tủ điện chìm, lúc nào cũng có nước uống. Sáng thì café, nắng lên thì trà đá, chiều thì có nước đá chanh… Mỗi khi uống hết nước thì anh sĩ quan trẻ hơn băng qua đường đem trả những cái ly cho một quán cóc gần đó. Quán cóc vỉa hè nhưng lúc nào cũng có khách ngồi.

Lát sau bà chủ quán lại bưng qua một món thức uống mới, đúng lúc tôi đứng gần đó. Anh sĩ quan lớn tuổi hơn quay qua nói, hình như cốt để cho tôi nghe: "Bà này bả cho tụi tôi uống nước miễn phí cả tháng nay, nói hoài mà hông chịu cầm tiền. Mời không uống nữa nghen bà!". Bà già cười lớn, ha hả: "Mấy chú làm việc cực khổ. Tui đãi miếng nước. Chuyện nhỏ xíu mà. Mấy chú uống cho tui dzui!".

4.
Dạo này Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn.

Một lần ông xe ôm chở tôi, xin phép tấp vô lê uống ly trà đá. Tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.

Tôi hỏi ông xe ôm: "Trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú?". Ổng nói: "Cũng nhiều. Tùy mình biết chỗ mà ghé uống. Trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú. Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi!".


5.
“Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu. Hết muốn coi báo!” - Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3. Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.

Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Công an, Pháp luật… Thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san.

Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.

Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.

Nguồn hình minh họa: Mạnh Hải

CHÂN DUNG BÀ CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN TÂN TẠO

Bà Đặng Thị Hoàng Yến
Người Cao tuổi - Sau khi Báo Người cao tuổi đăng bài "Vấn đề bạn đọc quan tâm: "Tri ân" các cụ hay mua chuộc cử tri" (số 941) và bài "Sự thật về ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến" (số 942), trưa ngày 6-8-2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến chủ động gọi điện cho Tổng Biên tập Báo Người Cao tuổi thông báo rằng các bài viết sai sự thật, phản ánh theo nội dung báo chí nước ngoài về bà và cho biết sẽ có Luật sư đến gặp để làm rõ.

Khi Tổng biên tập Báo Người cao tuổi hỏi bà bài viết sai những gì? Bà Yến lí giải ba chi tiết. Một là, nêu quê bà ở Hải Phòng là không đúng. Bà khai quê quán ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh là nơi bà được sinh ra (sinh ở đâu khai quê ở đó). Hai là, trong đời bà chưa bao giờ biết đến vụ án nào đó như báo nêu bà từng bị khởi tố. Ba là, bà xuất cảnh đi Mỹ là được cấp VISA cùng giấy phép đầu tư nước ngoài, tại sao lại viết là trốn?...

Bà Hoàng Yến sinh ra ở đâu?

Trong tiểu sử tóm tắt của bà Đặng Thị Hoàng Yến (khai theo mẫu số 3/BCĐBQH) ngày 12-3-2011 được niêm yết ở các điểm bầu cử tại 4 huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và Thủ Thừa ghi quê quán: Phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh; nơi ở hiện nay: Căn 31, đường 1A, Tổ ANND 01, khu E, City Tân Đức, ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An.

Ngoài các chức danh báo đã nêu, bà Hoàng Yến còn là Chủ tịch diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ; thành viên Hội đồng tư vấn các nước ASEAN - ASEAN BAC (...). Xin nói thêm, bà Yến là Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo từ năm 2007 (sau khi ở Mỹ về nước) nhưng trong tiểu sử ứng cử ĐBQH bà khai là chức vụ đó đảm nhiệm từ 1-1994 đến nay.


Trong khi Tổng biên tập Báo NCT chỉ đạo phóng viên tiếp tục xác minh, trả lời chính xác quê bà Yến thì hồi 8 giờ ngày 7-8-2011 (Chủ nhật), trong chương trình Khách mời của VTV3 do nhà báo Lại Văn Sâm dẫn chương trình, ngồi đối thoại với ông Đặng Thành Tâm (em ruột bà Đặng Thị Hoàng Yến) ĐBQH TP Hồ Chí Minh, TGĐ Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn ông Tâm được VTV 3 xác định là người giàu nhất Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán (dòng chữ chạy trên màn hình). Nhiều người cho biết, bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng có nguồn vốn "nặng kí" tại chứng khoán không kém gì em trai. Khi nhà báo Lại Văn Sâm phỏng vấn về nguồn gốc gia đình, quê hương thì ông Đặng Thành Tâm hồ hởi nói: Cha tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ là người Hải Phòng. Chị em tôi đều sinh ra ở đó (Hải Phòng).

Vậy là, đã rõ. Ông bố là cán bộ tập kết ra Bắc. Bà Yến sinh ngày 1-6-1959 mà bà khẳng định với TBT Báo Người cao tuổi rằng: Tôi sinh ra ở đâu thì khai quê quán ở đấy! Chẳng lẽ dưới thời Mỹ - Diệm, mẹ bà Yến năm 1959 vào Sài Gòn đẻ con ở quận Phú Nhuận xong lại ra Hải Phòng cho đến ngày miền Nam giải phóng?.

Những ai trong vụ án lấy cắp tài liệu mật của Nhà nước?

Năm 1998, lực lượng an ninh kinh tế khá chật vật trong cuộc đấu tranh với nhiều đối tượng thuộc đường dây chạy thầu một số dự án điện (chuyên án AB98), trong đó bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến (thành lập năm 1997) là đối tượng chính, mắt xích chủ yếu của đường dây này. Qua điều tra, xác minh bà Hoàng Yến đã lập và điều hành một đường dây móc nối vào nội bộ các cơ quan Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Điện lực Việt Nam...) nhằm thu thập tin tức, tài liệu bí mật, cung cấp cho Tập đoàn nước ngoài (ABB) đấu thầu và trúng thầu một số dự án điện lớn của Việt Nam.

Cơ quan Điều tra an ninh kinh tế đã xác định các đối tượng: Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến; Lâm Minh và Nguyễn Duy Bình, nhân viên văn phòng Công ty ABB tại Việt Nam; Phạm Hữu Hòa, lái xe cho ông Võ Hồng Phúc (khi ấy là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và một số đối tượng khác. Ngày 2-3-1998, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt bí mật Nhà nước trong việc đấu thầu các dự án điện". Đồng thời bắt, khám xét, khởi tố và tạm giam 3 bị can (Lâm Minh, Nguyễn Duy Bình và Phạm Hữu Hòa) về tội nêu trên theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Hình sự; riêng Nguyễn Duy Bình có thêm hành vi phạm tội "tiêu hủy tài liệu bí mật của Nhà nước".

Vụ án này thu lại được nhiều tài liệu mật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và Bộ Công nghiệp. Vào thời điểm đó, bà Hoàng Yến đã trốn (thực chất được sự can thiệp của...). Qua khai thác, cả ba bị can bị bắt đều nhận hành vi phạm tội, khai báo rõ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến móc nối, chỉ đạo, bày cách lấy cắp tài liệu mật để cung cấp cho ABB.

Khi kết thúc điều tra, bà Yến và một số đối tượng bị A17 (Bộ Công an) đưa vào diện cấm xuất cảnh trong 2 năm (từ 16-10-1998 đến 16-10-2000). Sau khi Tổng cục An ninh giải tỏa lệnh cấm xuất cảnh (13-9-2000) bà Yến nỗ lực cho một kế hoạch mới để năm 2002 xuất cảnh đi Mỹ, lưu trú ở Hoa Kỳ đến năm 2007. Tại xứ người, bà Yến kết hôn với một Việt kiều Mỹ. Người này từng phạm tội trộm cắp bị cảnh sát Hoa Kỳ phạt tù một năm...

Chồng của bà Hoàng Yến là ai?

Năm 2007 về nước, bà Hoàng Yến ngồi ngay vào ghế Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo. Năm 2008,
Jimmy Trần, chồng bà từ Hoa Kỳ vào Việt Nam và họ thành lập ngay Công ty CP phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land) và cùng điều hành doanh nghiệp này.
Jimmy Trần


Người chồng đó của bà Yến là Trần Dũng (tức Jimmy Trần) sinh ngày 27-12-1955 quê ở Quảng Bình, Quốc tịch Mỹ, có hộ chiếu số 461772602 cấp ngày 21-9-2009.

Ở bên Mỹ, ông ta cư trú ở 1440 Memorian, Houston, Texas 77024USA.

Sang Việt Nam cư trú ở căn hộ số 5 tầng 20 (2005R1), chung cư Everich, số 940B đường 3/2, phường 15, quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
Jimmy Trần từng bị bắt ngày 18-1-1990 tại Hu-xtơn (Tếch - dát) về tội trộm cắp, bị phạt tù 01 năm. Sang Việt Nam, Jimmy Trần làm Tổng giám đốc Công ty CP phát triển đô thị Việt Nam từ ngày 1-10-2008 đến 20-5-2010 do bà Yến kí quyết định bổ nhiệm.

Trong thời gian này, Jimmy Trần đã chiếm đoạt khoảng 210 tỉ đồng của Vietnam Land và các nhà thầu khác, bằng các thủ đoạn: Buộc các nhà thầu phải đặt cọc từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng sau đó chiếm đoạt (Công ty Cà phê Cỏ May 200 triệu đồng, Công ty Hữu Nghị 100 triệu đồng...).

Tại công trình nhà máy nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang), việc san lấp mặt bằng Jimmy Trần chiếm đoạt chênh lệch lên đến gần 200 tỉ đồng. Công ty CP xuất nhập khẩu xây dựng thương mại Hải Thành xác nhận khi kí hợp đồng nạo vét bùn giá 35.000 đ/ m3 yêu cầu chi lại cho ông ta 6.000 đ/ m3 (riêng hợp đồng này cũng chiếm đoạt 7,2 tỉ đồng).v.v... Jimmy Trần còn thực hiện một số hành vi phạm pháp khác như nhờ ông Ma Anh đứng tên mua căn nhà số 5 tầng 20, chung cư Everich số 940 đường 3/2 Lê Đại Hành, Quận I, TP Hồ Chí Minh, với giá hơn 4,1 tỉ đồng và đã bị ông ta chiếm đoạt...

Jimmy Trần còn cùng với Tô-mát Huỳnh và Phạm Nha Thi ở Mỹ thiết lập đường dây chuyển tiền bất hợp pháp từ Việt Nam về Mỹ và ngược lại. Sau khi Công ty Vietnam Land và các nhà thầu tố giác, Jimmy Trần đã trốn về Mỹ ngày 5-7-2010 và đang bị truy nã (Quyết định truy nã số 324/ANĐT ngày 24-9-2010 của Bộ Công an).

Bà Hoàng Yến có bị xúc phạm danh dự?

Bà Hoàng Yến kí đơn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ việc Báo Cựu chiến binh Việt Nam truyền bá nội dung phản động, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự ĐBQH... Bà cho rằng "ông Trần Nhung đã giả mạo và lợi dụng uy tín của đồng chí Tổng Bí thư để phục vụ cho ý đồ tống tiền"...

Sự thật bà Yến chi tiền tỉ để "lôi kéo và mua chuộc cử tri" ở 4 huyện của tỉnh Long An trái với Nghị quyết của UBTVQH là có thật sao lại cho là vu khống?.

Theo báo cáo của các ông Nguyễn Bá Luân, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Vân, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Huệ v.v... thì bà Hoàng Yến đứng ra tổ chức lễ "tri ân cán bộ lão thành cách mạng" được ông Trần Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh "duyệt" kế hoạch, đồng ý cho tổ chức ngày 29-4 (riêng lãnh đạo Tỉnh ủy không biết việc này). Ngoài 1.300 đại biểu dự (mỗi đại biểu được nhận 500.000 đồng), bà Hoàng Yến còn tổ chức trao tặng kỉ niệm chương (đặc biệt) cho rất nhiều người, chỉ riêng huyện Đức Huệ có 40 người được nhận. Trong đó có cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chỉ huy trưởng BCHQS, Trưởng Công an huyện...).

Ngày 4-5-2011 Truyền hình cáp VBC của Tập đoàn Tân Tạo về đơn vị bầu cử số 1 tại xã An Ninh Đông quay chương trình bà Yến tiếp xúc cử tri có làm phỏng vấn. Theo quy định, kênh VBC của Tân Tạo chỉ được phép phát sóng chương trình ca nhạc, chiếu phim mà không có chức năng phát sóng về thời sự chính trị. Rõ ràng kênh VBC (Tân Tạo) vi phạm pháp luật. Ông Liêm, Giám đốc Đài VBC báo cáo với cơ quan An ninh điều tra việc phát sóng về thời sự có liên quan đến công tác bầu cử Quốc hội là thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn Tân Tạo nhằm mục đích làm tư liệu cho bà Đặng Thị Hoàng Yến...

Trong thời gian trước ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, bà Yến hoạt động rất tích cực ở 4 huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và Thủ Thừa. Ngoài các điểm tiếp xúc cử tri, bà về nhiều xã và hứa hẹn cho nông dân, phụ nữ vay vốn làm kinh tế, xây cầu, trường học, như ở xã Mỹ Thuận Bắc, bà Yến hứa sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng để xây cầu và nhà tình nghĩa... Tuy nhiên, cho đến kì họp Quốc hội lần thứ Nhất, bà Yến chưa cấp 8 tỉ đồng vốn XĐGN cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ 4 huyện và tiền tài trợ xây trường, làm cầu, làm nhà tình nghĩa cho địa phương nào.

Những thông tin nêu trong bài viết này là sự thật, liệu bà Đặng Thị Hoàng Yến có còn cho là vu khống?

Vũ Phong

GIÁ PHÓNG VÀ KHÍ TÀI ĐIỀU KHIỂN TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG VÁC VAI KIỂU IGLA

TriumfvnGiá phóng và khí tài điều khiển tên lửa phòng không vác vai kiểu Igla, được thiết kế để phục vụ phóng đạn tên lửa phòng không vác vai, một cách tự động, bằng điều khiển từ xa, từ các phương tiện chiến đấu trên bộ, trên mặt nước hay trên không theo các chế độ phóng khác nhau (phóng phát một, phóng liên tiếp từ 2-8 đạn, hoặc phóng loạt 2 đạn từ 2 ống phóng khác nhau).

Cấu hình:

• Giá phóng linh hoạt (có thể gá tới 4 khối phóng)
• Bộ khí tài thông tin và điều khiển (1 bộ)
• Bộ giắc cắm đấu nối cáp lệnh
• Bảng điều khiển
• Bộ đồng bộ ngắm
• Bộ khí tài kiểm chỉnh
• Bộ dụng cụ sửa chữa và linh kiện phụ tùng thay thế

Thông số kỹ thuật cơ bản:

Số đạn tên lửa trên mỗi khối phóng (quả): 2
Loại đạn tên lửa: Igla-1, Igla, Igla-S
Số đạn tên lửa tối đa đã được kích hoạt nguồn trong chế độ sẵn sàng phóng (không thay khối nguồn dùng một lần trên đạn): không dưới 4

Chế độ ngắm bắn:
- (a) ngắm thẳng trục đạn
- (b) ngắm lệch trục đạn ±10 độ

Thời gian sẵn sàng phóng kể từ thời điểm tiếp nhận phần tử (giây): 6,5
Thời gian trung bình giữa các lần phát sinh hỏng hóc (giờ): 500

Giá bán ước tính (không bao gồm đạn): US$ 500.000


9 tháng 8, 2011

HI! HI! EM LÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI! HI! HI!...


Mai Thanh Hải Blog - Thế là kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIII đã xong. Như thằng Híp ê a làn điệu chèo hay chầu văn gì đấy, mình chả nhớ nhạc, chỉ nhớ mỗi lời: "Chia xong xuôi, tất cả lại về! Chơi cho xong, tất cả lại về! Ì ỉ ì! Ì ỉ ì!" và cũng chỉ 1 kỳ đầu tiên, các phóng viên chuyên theo dõi Nghị trường hóng hớt vỉa hè, biết ngay cái gọi là "chất lượng Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)" dư thế nào. Chả biết đến giữa và cuối kỳ, các "cụ Nghị" có... phát tiết ra được gì nữa không?..

Với mình, ấn tượng nhất là ĐBQH khóa XIII có tới 10 người làm trong ngành Kiểm sát, từ ông tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình cho tới cô Chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ của VKSND tỉnh Hòa Bình, người dân tộc Mường ở rõ xa (đó là chưa kể bác cả Viện trưởng Tối cao Trần Quốc Vượng sang giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng).

"Đông binh lắm tướng", nên ngay kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới, ngành Kiểm sát đã khiến bà con... rung rinh, bởi những phát ngôn cực kỳ ấn tượng, đúng theo kiểu... con nhà Luật. Này nhé:

Bác ĐBQH - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát (VKSNDTC) Đỗ Văn Đương, quê Tứ Kỳ, Hải Dương ta thì tuyên bố xanh rờn: "Lạm phát ở Việt Nam chưa phải là cao" và dẫn chứng chuyện mớ rau, quả cà ở tận... nước ngoài. Khiến bà con nghe xong, loay hoay  hỏi: "Ông này chắc chưa bao giờ tiêu tiền... Việt? Chưa bước chân ra chợ?"...

Vẫn chưa kinh bằng bác ĐBQH - Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền, quê nghe đâu Quan họ Bắc Ninh chuyên ngồi tựa mạn thuyền, hát "Em đi chợ sớm/ Em ngồi í i ị dưới gốc cây đa", rất cao hứng và lãng mạn cách mạng giữa Hội trường: "Nhiệm kỳ QH này, cố gắng lấy lại... quần đảo Hoàng Sa" và có ý... "phê bình Chính phủ" trong vấn đề biển đảo.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền đang phát biểu

Nghe lời phát biểu của ông này, các ĐBQH mặt xám ngoét, các em Phòng Tư liệu của Văn phòng Quốc hội, ngồi nghe - bóc băng ghi âm, tuy ít tuổi nhưng cũng giật nẩy người, phải cấp tốc xin ý kiến lãnh đạo để cắt bỏ đoạn "phát biểu tế nhị", trước khi đưa lên Trang Thông tin của Quốc hội. Riêng bà con ta, nghe xong thì lắc đầu: "Chắc sống trên Sao Hỏa!". Ấy thế mà bác Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng "ngồi tựa mạn thuyền" này làm ĐBQH đến khóa thứ 2, chứ không phải "chân ướt, chân khô" đâu nhé!..

 Hết ngành Kiểm sát đến khối "đại gia". Kỳ họp này, trong các buổi thảo luận tại Hội trường có Truyền hình trực tiếp trên sóng VTV và trong các bản tin Quốc hội trên VTV1 lúc 19 giờ vàng, hình ảnh các "đại gia" hăng say phát biểu, cắm cúi ghi chép được phản ánh nhiều nhất, kỹ nhất và... nhiệt tình nhất. Thế nhưng chả hiểu sao, một số bà Nghị đại gia của khóa này lại bị "soi mói" nhiều. Đơn cử:

1 nữ đại gia thuộc dạng "doanh nhân đại thành đạt" của Hà Nội, ngay trước khi bầu cử đã bị dư luận xôn xao, cho là "khai man chức danh Tiến sĩ để ứng cử ĐQH". Chả biết sức ép từ "báo lề trái" mạnh hay tiền của bà này đè chết người, mà trước ngày diễn ra bầu cử, Báo Đại Đoàn kết (Cơ quan của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đăng bài to đùng với đầy đủ tài liệu, chứng cứ để nằng nặc bảo vệ: "Ứng cử viên ĐBQH Châu Thị Thu Nga không khai man lý lịch".

Thậm chí, Báo Đại Đoàn kết còn phán như... Hội đồng Bầu cử Trung ương: "Như vậy từ trình độ học vấn, chuyên môn đến việc công nhận học vị Tiến sỹ cho bà Nga chỉ còn là vấn đề thể thức. Trong khi đó trong tiểu sử tóm tắt bà Nga khai là trình độ chuyên môn Tiến sỹ Quản trị kinh doanh và đang là Nghiên cứu sinh- Tiến sỹ Quản trị kinh doanh là có thể chấp nhận được. Việc “nâng cao quan điểm, chụp mũ” cho ứng cử viên Châu Thị Thu Nga là khai man lý lịch trong lúc bà Nga đã qua 3 lần hiệp thương và chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày bầu cử QH là một điều rất không nên, cần được các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm". Oách chưa?. "Tính phản biện" đấy!..

Ở đời, việc "vạch áo cho người xem lưng" có thể là chẳng tốt đẹp gì. Nhưng trong trường hợp này, tại thời điểm này, có khi lại... thành công: Bà Châu Thị Thu Nga vẫn trúng ĐBQH (với loạt chức danh to đùng: Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng, Chủ tịch CLB vườn ươm doanh nhân trẻ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần Tập đoàn đầu tư Xây dựng nhà đất). Tuy nhiên, đối tượng ngậm bồ hòn  lại chính là Báo Đại Đoàn kết và người nhét, là "bà Nghị" mới toanh.
ĐBQH Châu Thị Thu Nga

Câu chuyện đại thể: Báo Đại Đoàn kết tổ chức một sự kiện, đại loại là Chương trình hàng Việt, có tổng kết - phát động tiếp và dĩ nhiên có phải có truyền hình trực tiếp trên 1 kênh truyền hình nào đấy, cho người nhàn tản có cái mà xem.

Có thể do mối thân tình bằng giả, có thể ĐBQH Châu Thị Thu Nga vốn là "bà trùm" bất động sản, lắm tiền nhiều nhà cửa... nên Báo Đại Đoàn kết cũng trân trọng viết giấy, mời Thu Nga đến dự. Tưởng bà ĐBQH sẽ đến... trả ơn bằng cách đến dự cho oách. Ai ngờ đúng đến giờ khai mạc, chuẩn bị lên sóng trực tiếp VTV, bà tân ĐBQH mới cùng bầu đoàn thê tử kéo đến, nằng nặc đòi Ban Tổ chức đón tiếp như nghi lễ của nguyên thủ quốc gia. Khi yêu cầu chưa được đáp ứng, bà tân ĐBQH lập tức quay ngoắt người, kéo cả bầu đoàn đùng đùng, giận dữ ra về, để cả Hội trường ngác ngơ...

Nói đến tân ĐBQH Thu Nga, phải nhắc thêm đến nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo (ĐBQH Long An). Ngay ngày đầu tiên váy áo xúng xính, ngực đeo phù hiệu ĐBQH đỏ chót, hớn hở vào Hội trường Bộ Quốc phòng tham dự kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, bà Hoàng Yến đã ăn trái đắng khi Báo Cựu Chiến binh Việt Nam đăng bài "Cần xem xét tư cách ĐBQH khóa XIII của bà Đặng Thị Hoàng Yến" trong mục "Chống tiêu cực".
ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến

Thế nhưng hài nhất, với mình đó là đoạn Video Clip ghi hình bà Hoàng Yến đọc lời Khai mạc Lễ trao giải thưởng Hoa Trạng nguyên gì đó, được VTC phát trực tiếp. Nữ doanh nhân này... đổi vị trí công tác cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận (nay là Bộ trưởng) sang... "Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải" và "Hi! Hi!", "Hí! Hí!" cười suốt, đến mấy phút hình trên sóng.

Cả nhà mình xem đoạn Clip này, cũng "Hi! Hi!" "Hí! Hí!" suốt, đau hết cả bụng. Bây giờ, nhắc đến ĐBQH - Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, mình vẫn cười bò. Thậm chí, những lúc rảnh rỗi, cứ nhớ lại mấy gương mặt ĐBQH khóa XIII là cười. Hi! Hi! Em là ĐBQH! Hi! Hi!..





8 tháng 8, 2011

MÙI CỦA MÂY TRỜI


Nguyễn Ngọc Tư - Mùi long não trên người bà già xộc lên mũi tôi trong lúc giúp bà cài dây an toàn. Bà hỏi mở cửa sổ được không, một câu hỏi khiến tôi phải bật cười, như ngay trước đó bà hỏi trên này có nhà vệ sinh không hay là phải ghé dọc đường làm cái chuyện không ai thay thế được. Chúng tôi đang ngồi trên chiếc máy bay sẽ cất cánh trong giây lát nữa.

Ngay từ khi bước chân lên khoang máy bay bà già đã than ngộp thở quá, kêu ca máy bay mắc tiền mà hôi mủ (?!). Nếu không bị con cái ép đi máy bay một lần cho biết, bà sẽ đi xe đò, loại xe cùi bắp để mở cửa cho gió vô, dễ ngủ. Ở nhà cũng vậy, có thả cửa thì mới ngủ thả cửa được. Tôi thấy hơi mắc cười thầm nghĩ thói quen này sẽ là thảm họa khi đi…tàu ngầm.

Ẩn ức về chuyện kẹt trong những lốp kính dày không bao giờ được mở, dù hệ thống điều hòa trên máy bay đã làm người ta so vai vì lạnh, bà già vẫn tiếp tục kể về những cây sứ cùi, cây ngâu bên ngoài cửa sổ nhà mình, về hai cánh cửa gỗ bị mưa nắng làm cho thâm sì nứt nẻ...

Câu chuyện gợi lên một cơn nhớ lơ tơ mơ những cửa sổ nhà ngoại hồi tôi còn ở đó. Cũng mở toang suốt, ngủ dậy trước nhất nhìn qua khung cửa, thấy lấp ló một ngày. Những bữa mưa gió lớn buộc phải đóng cửa lại, tôi thấy bức bối ngộp như sắp đứt hơi đến nơi rồi. Và qua cái cửa đêm đêm gió đắp cho đứa trẻ tôi mùi của những cái nắp lu chầm bằng lá dừa nước đã lâu ngày mục rã. Mùi rêu dậy trên những mảng tường tuổi gấp mấy lần tuổi tôi.

Người quê không đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài dù cửa đóng then cài. Bởi những cánh cửa lá sách ở gian nhà xưa dù đóng kín rồi vẫn len lỏi vào nhà một thứ khí trời trong veo trong vắt, chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi. Trăng và nắng vẫn lọt sáng qua những khe lá. Dường như người và thiên nhiên không bị bứt rời nhau.

Từ hồi bỏ quê về chợ, không gặp lại cái không khí ấy nữa, tôi đã chặn mùi hoàng lan cồn cào buổi chạng vạng bên ngoài cái cửa kiếng kín bưng, rồi thở bằng không khí lạt lẻo lờ lợ phả ra từ máy điều hòa. Cũng đôi lần ngó ra ngoài nghĩ, nếu mở cánh cửa, tỉ mẩn lọc cho kỹ, chắc trong mùi khói xe có mùi cỏ cháy, mùi cơm khét bên nhà hàng xóm, hay hương đất tanh tanh sau mưa.

Vậy thì những đụn mây trùng trùng như núi kia có mùi gì, cái tầng khí quyển âm mấy chục độ này có mùi gì ? Tôi sực nghĩ vậy khi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, khi lướt qua chỗ bà già đang tuyệt vọng ngọ nguậy trong cái dây an toàn thít chặt, tôi bất giác cũng có ý muốn mở cái cửa sổ này. Chỉ là tò mò thôi, không phải để thở như bà già vẫn tưởng bất cứ cánh cửa nào mở ra đều cho người ta hít thở.

Và lúc gió phi trường phả cơn nóng hầm hập đón hành khách chếnh choáng bước những đầu tiên lên mặt đất, bà hít hà khoan khoái rút ra kết luận đi máy bay chỉ được cái nhanh, còn lại chán, không có cảnh gì coi, mà lại ngộp muốn chết. Rồi bà ngạc nhiên hỏi bây không thấy tù túng à ?

Tôi chỉ mất chưa đầy một giây cho việc trả lời không nhưng mất nhiều ngày sau để thắc mắc, tại sao tôi không thấy ngột ngạt chút nào ? Sao tôi không còn khao khát nối kết với tự nhiên, không thèm muốn được thở những thứ khí trời bên ngoài những cánh cửa, một thứ tự do mà bà cụ kia luôn khao khát ?

Ai đã làm gì tôi và tôi đã làm gì tôi, làm sao mà tôi không còn thường xuyên nhận ra mình đang trong tù đọng, hít thở tù đọng, yêu và sống giữa bầu không khí tù đọng ?

Bên ngoài những cánh cửa mà tôi thường tì mặt vào ngó mông lung, có lẽ chỉ cần mở ra sẽ ngào ngạt hoa ngâu hoa lài…

ĐBQH - CHỦ TỊCH HĐQT TẬP ĐOÀN TÂN TẠO ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN: "TRI ÂN" CÁC CỤ HAY MUA CHUỘC CỬ TRI?..

ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến
Mai Thanh Hải Blog - Rút cục, những ì xèo liên quan đến tân ĐBQH tỉnh Long An Đặng Thị Hoàng Yến (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo) cũng được đăng tải công khai trên Báo Người Cao tuổi (Cơ quan Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam). Mình thực sự thán phục các đồng nghiệp Báo Người Cao tuổi và Cựu Chiến binh Việt Nam, đã mạnh dạn nêu ra những câu chuyện tày trời, "ai cũng biết, chỉ vài người không biết", ra trước công luận. Mình biết: Để đăng được những bài như thế này, ở thời điểm này lên báo, các đồng nghiệp đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại, khó khăn (thậm chí là cám dỗ, đe dọa) và nhất là sức ép đến từ tứ bề. Có người bảo: "Nén bạc đâm toạc... tờ báo" và "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng... nhiều tiền", thế nhưng ở đời, cũng đừng nên bi quan - mất niềm tin quá. Cuộc đời này, xem ra vẫn còn nhiều điều, nhiều người để đặt niềm tin tưởng, hy vọng.
Trân trọng giới thiệu bài viết của Báo Người Cao tuổi 
----------------------------------------------------------------------

Vấn đề bạn đọc quan tâm

"TRI ÂN" CÁC CỤ HAY MUA CHUỘC CỬ TRI?
(Thứ Năm, 04/08/2011-6:09 PM)

Sau ngày diễn ra cuộc bầu cử QH khóa XIII, dư luận nhân dân tỉnh Long An, đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng, NCT, CCB rất bức xúc trước việc Chủ tịch UBND tỉnh Long An thất cử HĐND tỉnh, còn bà Đặng Thị Hoàng Yến, sinh năm 1959 Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo lại đắc cử ĐBQH khóa XIII, đạt tỉ lệ 62,36 số phiếu hợp lệ tại khu vực bầu cử số 1 tỉnh Long An. 

Sẽ không có gì đáng nói, nếu nữ doanh nhân này đủ đức, đủ tài và được cử tri tín nhiệm. Tiếc thay, con đường vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của bà Đặng Thị Hoàng Yến rất không bình thường, bởi bà có nhân thân xấu, lí lịch không rõ ràng, chồng có quốc tịch Mỹ, lại là phần tử bất hảo đã bị chính quyền Mỹ phạt tù, hoạt động kinh doanh có nhiều khuất tất. Đặc biệt, bà Yến đã dùng tiền để lôi kéo mua chuộc hàng nghìn cử tri, không đúng quy định về bầu cử.

Để chuẩn bị cho cuộc ra mắt cử tri thật ấn tượng, suốt mấy tuần lễ của tháng 4 năm 2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho cán bộ của Tập đoàn Tân Tạo làm việc với lãnh đạo các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An là nơi bà Yến ứng cử ĐBQH khóa XIII núp dưới "ý tưởng" nhân ngày 30-4 Tập đoàn Tân Tạo "tri ân" các cô chú đã tham gia kháng chiến, mỗi huyện chọn lựa 300 đại biểu. Vậy là 4 huyện có tổng số 1.200 đại biểu, cộng với đại biểu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể khoảng 100 nữa, tổng cộng là 1.300 đại biểu.

Do đại biểu ở xa nên Tập đoàn Tân Tạo ứng trước tiền xe ô-tô đưa đón, như huyện Đức Hòa được chi 10 triệu đồng để thuê xe ô tô. Ngày 29-4-2011, Tập đoàn Tân Tạo đã tổ chức cuộc gặp mặt để bà Yến đăng đàn diễn thuyết. Kết thúc cuộc gặp mặt, mỗi đại biểu được Công ty tặng một phong bì 500.000 đồng. Toàn bộ số tiền chi cho cuộc này là gần 700 triệu đồng.

Gọi là tri ân nhưng đó chỉ là vỏ bọc cho việc bà Yến tranh thủ sự ủng hộ của cử tri vì ai biết cũng vào ngày 22-5 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (Khoá XIII) và số đại biểu được mời đều là những cử tri có uy tín được nhân dân, chính quyền địa phương tin cậy.

Tiếp sau cuộc ra mắt cử tri rất ấn tượng này, bà Đặng Thị Hoàng Yến liên tục xuống các xã của 4 huyện nói trên để vận động sự ủng hộ của cử tri với những hứa hẹn giúp đỡ làm cầu, xây nhà tình nghĩa, giúp vốn làm kinh tế cho phụ nữ, nông dân, mỗi Hội 1 tỉ đồng, tổng cộng là 8 tỉ đồng. Thế nhưng, sau khi trúng cử vào Quốc hội, bà Yến lờ tịt việc này, đến nay các Hội phụ nữ, nông dân 4 huyện nói trên cũng chưa nhận được đồng tiền nào.

Điểm 2, điều 12 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2011-2016 nêu rõ: Ứng cử viên không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Như vậy, chỉ riêng việc bà Yến dùng tiền để lôi kéo mua chuộc cử tri, bà Yến đã vi phạm Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII và không xứng đáng là ĐBQH.

Nếu để “gột sạch” nhân thân và hàng loạt những sai phạm của bà Yến trong hơn 10 năm qua thì việc bà chi hàng tỉ đồng mua chuộc cử tri là chuyện nhỏ. Đó là việc hơn 10 năm trước, ngày 2-3-1998 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Thị Hoàng Yến với tội danh "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt bí mật Nhà nước trong việc đấu thầu dự án điện được quy định tại Điều 92 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam nhưng bà Yến đã trốn sang Mỹ cư trú.

Khi cư trú ở Mỹ, bà Yến đã kết hôn với Jimmy Trần và vợ chồng bà Yến có một biệt thự sang trọng ở thành phố Hu-xtơn, gần biệt thự và trang trại của cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ. Vợ chồng bà Yến nhiều lần tổ chức những cuộc tiếp tân đình đám để mời các đoàn Việt Nam, chủ yếu là những quan chức và những người có máu mặt trong giới kinh doanh.

Sau hơn 5 năm ở Mỹ, vợ chồng bà Yến quay về Việt Nam kinh doanh. Dư luận ngạc nhiên và đặt nhiều nghi vấn là làm thế nào mà vợ chồng bà Yến chỉ trong thời gian ngắn đã phất lên thành người giàu nhất Việt Nam? Thế nhưng, cái kim trong bọc cũng lòi ra, chồng bà Yến là Jimmy Trần lừa đảo chiếm đoạt 210 tỉ đồng của Công ty cổ phần đô thị Việt Nam. Khi có lệnh khởi tố và truy nã Jimmy Trần thì yđã cao chạy xa bay về Mỹ. Dư luận đặt câu hỏi: 10 năm trước bà Yến phạm tội chạy sang Mỹ trót lọt. Lần này chồng bà Yến phạm tội cũng chuồn sang Mỹ dễ dàng. Liệu có đường dây nào “bảo kê” cho bọn tội phạm này?

Hiện nay, dư luận TP Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang cũng rất bức xúc về nhiều dự án mà Tập đoàn Tân Tạo thực hiện như tham gia dự án nhiệt điện Kiên Lương, dự án các khu công nghiệp ở Long An, dự án bồi đắp, san lấp biển ở Rạch Giá, chứa đựng nhiều uẩn khúc. Đã có một số báo nêu các vụ việc này nhưng bà Yến đã tìm mọi cách chạy chọt, bịt lại. Hoặc như Tập đoàn Tân Tạo mở trường Đại học Tân Tạo, quảng cáo rùm beng là cách dạy tiên tiến, hiện đại nhưng thực ra là bê nguyên xi giáo trình của các trường đại học Mỹ và thuê người Mỹ dạy.

Một nữ doanh nhân có nhân thân như thế nhưng cử tri Long An cũng không biết gì vì bản lí lịch ứng cử viên ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến rất trong sạch, chỉ vẻn vẹn có 4 dòng: Từ 1976-1979: Sinh viên đại học. Từ 1980-1992 làm việc ở UBND phường 5, TP Hồ Chí Minh. Từ 1992-1993 Giám đốc đầu tư Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 1-1994 đến nay: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, Tập đoàn Tân Đức, Đại học Tân Tạo… Trong lí lịch ứng cử, bà Yến còn tuỳ tiện (hay có chủ ý) khai quê quán là phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, nhưng thật ra bà Yến quê ở Đông Hải, Hải An, Hải Phòng. Bà Yến đã giấu nhẹm việc bà dính vào vòng lao lí năm 1998, giấu nhẹm việc bỏ trốn sang Mỹ, việc lấy chồng quốc tịch Mỹ…

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến đội ngũ doanh nhân vì đó là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận kinh tế. Thế nhưng phải là những doanh nhân chân chính, làm giàu chính đáng và góp phần xây dựng quê hương. Việc Quốc hội khóa XIII có gần 40 doanh nhân là điều rất đáng mừng. Nhưng việc trong Quốc hội kì này có "doanh nhân bất hảo" như bà Đặng Thị Hoàng Yến là việc khó chấp nhận.

Dư luận mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ những vi phạm pháp luật của bà Đặng Thị Hoàng Yến để loại bà ta khỏi cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Kiến Thu







ĐBQH - VIỆN TRƯỞNG VKSND TỈNH LÂM ĐỒNG: "NHIỆM KỲ QUỐC HỘI NÀY, CỐ GẮNG LẤY LẠI... QUẦN ĐẢO HOÀNG SA"?.

Ông Nguyễn Bá Thuyền
Mai Thanh Hải Blog - Nói về Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), có rất nhiều từ ngữ "đao to búa lớn". Thế nhưng, chung quy lại là ở... địa vị pháp lý, đại thể: "ÐBQH là người được nhân dân trực tiếp bầu ra, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong QH". Theo đó, ĐBQH phải là người giỏi giang hơn... người dân nhiều cái đầu, nếu không "hô gió, gọi bão" được thì chí ít cũng phải "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người", nhấp môi cái, kiến trong tổ bò ra hàng đàn hàng lũ...

Ơ! Lý thuyết là như thế đấy. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng được như vậy. Khóa ĐBQH nào, cũng có ít nhất vài cô chú, buổi họp nào cũng có mặt trên Hội trường, mắt nhìn thẳng quân dung tưới tỉnh và rất hiếm khi phát biểu, thảo luận. Những đối tượng này, tụi mình gọi là "ĐB cơ cấu". Tuy không nói được gì (biết gì mà nói?), nhưng ít nhất cũng hiền lành, thật thà. Vẫn còn tốt chán.

Kinh nhất, khi đi đưa tin họp QH là gặp phải mấy vị liên tục bấm nút xin phát biểu, việc gì cũng thảo luận như... biết rồi, trong khi nói ra, cả Hội trường bụm miệng cười bò hoặc lắc đầu quầy quậy. Minh chứng rõ nhất trong chuyện này, đang được cả báo lẫn Blog đưa ra làm ví dụ, là phát ngôn về vấn đề Biển Đông của vị ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, chiều 5/8/2011 vừa qua.

Đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền, tham gia tới 2 khóa ĐBQH, không phải lơ ngơ mới trúng cử. Blogger Thu Hồng đã phải lắc đầu "Dân nào, Nghị nấy" và thở dài, bình: "Tại buổi thảo luận của QH chiều 5/8, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chủ động đấu tranh ngoại giao, có các biện pháp đồng bộ để nêu cao chủ quyền, phản đối những hành vi gây hấn. Chính phủ cũng đã có báo cáo hoành tráng (*)về vấn đề này. Tuy nhiên, ĐB vẫn chưa hài lòng, chưa yên tâm khi tình hình Biển Đông còn rất phức tạp. ĐB kỳ vọng nhiệm kỳ này “cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa”.

Cái này copy trên Dân trí.

Bữa trước đọc đâu đó, thấy nàng Hồng Ánh trả lời phỏng vấn đại để, tự dưng bị ấn tên vào danh sách ứng cử ĐB cuốc hội, có trúng thì vô đó trình bày các tâm tư nguyện vọng cá nhân mình, đã bật ngửa xém chấn thương sọ não. Bữa nay lại đọc thấy ý kiến trên của tân Nghị. Ngất hẳn.

Chưa bàn đến việc làm thế nào để trong 5 năm tới lấy lại được Hoàng Sa, bằng cách mang quân ra tử chiến với Tàu, Phi ,Mã, Đài Loan chiếm lại, hay dùng bùa yêu (đương) mang gái sang đổi đất (để thêm tên đường Chân dài XYZ cạnh đường Huyền Trân Công Chúa), mà chỉ nói về trình bác Nghị, đến báo cũng không hề đọc. Nỗ lực bền bỉ của Asean để đi đến thực thi DOC, bác là bác nhổ toẹt vào, tất.

(*) Hai chữ hoành tráng đã bị Dân trí cắt đi sau mấy tiếng đăng lên..".

Thôi! Nhà bác Beo cũng thể tất cho bác ĐBQH - Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền ấy đi. Tuy tham gia 2 khóa đấy, nhưng bác Thuyền có lẽ cũng bận trăm công nghìn việc, vừa họp ngoài Hà Nội, vừa thực hiện quyền Công tố, ngồi Tòa phán xét, kiểm tra - chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong tỉnh, lấy thời gian đây mà xem báo chí, đọc Nghị quyết - phổ biến của Ban Bí thư TW, "Tài liệu tham khảo đặc biệt" của TTXVN... mà biết về tình hình Biển Đông?.. Gớm! Người làm pháp luật, có mấy khi đọc sách?..

Trên tinh thần... hòa giải, xin cung cấp vài nét sơ lược về ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, đã đăng tải công khai: Nguyễn Bá Thuyền; Giới tính: Nam;  Ngày sinh: 03/02/1955; Dân tộc: Kinh; Quê quán: xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; Nơi cư trú (nơi ở hiện nay):  4K Bùi Thị Xuân, phường 2, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; Trình độ học vấn: Đại học; Nghề nghiệp, chức vụ (khi trúng cử):  Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp, chức vụ (hiện nay):  Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng; Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội...

Tiện đây, cũng đăng lại phát biểu của bác Thuyền, trước QH, chiều 5/8, cho rõ:
-----------------------------------------------------------------------------------------

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!.

Kính thưa Quốc hội!.

Sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp của 6 tháng cuối năm, chúng tôi cơ bản thống nhất. Có thể nói những tháng cuối năm năm 2010 và đầu năm 2011 tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi. Kinh thế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, hầu hết các nước trên thế giới và các nước phát triển đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Ở trong nước tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái những tháng đầu năm biến động mạnh và diễn biến phức tạp. Có thời điểm lãi suất tiền gửi 16-18%, có lúc cho vay trên 20%.

Trước tình hình này Chính phủ đã có Nghị quyết 11, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02 và Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 59 về ưu tiên hàng đầu trong năm 2011 là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Qua 4 tháng triển khai thực hiện chúng tôi thấy:

Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ tình hình kinh tế - xã hội những tháng gần đây đã có những chuyển biến tích cực, thu ngân sách đạt 55,1% và tăng 22,8% so với năm 2010, góp phần quan trọng vào việc thực hiện giảm bội chi ngân sách dưới 5% vào cuối năm 2011. Các chương trình đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực như hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, giải quyết trợ cấp thất nghiệp v.v... Đặc biệt chúng ta đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Trước tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp Chính phủ đã chủ động đấu tranh ngoại giao, được sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khu vực và quốc tế thông qua các cuộc tiếp xúc đàm phán song phương v.v... Có thể nói kỳ họp nào Chính phủ cũng báo cáo một bản báo cáo hết sức hoàng tráng và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, cử tri cả nước cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng:

Thứ nhất, thu ngân sách của chúng ta đạt cao nhưng chất lượng cuộc sống của người dân lại đi xuống. Bởi vì không phải do sản xuất phát triển mà chúng ta thu được ngân sách cao, mà do lạm phát tăng cao nên chúng ta thu được ngân sách cao cho nên chất lượng cuộc sống của người dân đi xuống. Cho nên nhân dân rất băn khoăn và lo lắng việc này. Tôi đề nghị Chính phủ cần phải sớm nghiên cứu vấn đề này.

Thứ hai, đồng tiền của chúng ta mất giá ghê gớm. Ngày xưa chúng ta phát hành tiền thì tính bằng tiền xu, nhưng bây giờ đi chợ tính bằng tiền nghìn, tức là mất giá đến 1.000 lần, lòng tin của nhân dân đối với đồng tiền bị giảm sút ghê gớm. Lãi suất ngân hàng quá cao cho nên doanh nghiệp và người dân không tiếp cận, nếu có tiếp cận được thì cũng không đủ trả lãi cho ngân hàng. Tôi đề nghị vấn đề này cần nghiên cứu. Đợt lạm phát lần trước chúng tôi đi giám sát thì các ngân hàng cho rằng chúng tôi đã cho vay dư nợ tín dụng hơn 30% mà ngân hàng quyết định dư nợ tín dụng không quá 20%, chủ yếu là thu hồi nợ. Lần này lạm phát tăng cao chúng ta cũng thắt chặt chính sách tiền tệ, dư nợ tín dụng quy định chặt hơn tức là dưới 20% thì càng khó khăn hơn nữa. Các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Đây là vấn đề mọi người hết sức lo lắng.

Thứ ba, tình trạng tham nhũng, tai nạn giao thông, tình hình biển Đông chưa có nhiều hướng làm. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta còn rất yếu cho nên vấn đề này cần xem lại. Tai nạn giao thông không được kiềm chế mỗi năm chết khoảng 12 - 15 nghìn, bị thương từ 25 đến 30 nghìn người. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Làm sao để nhiệm kỳ này, cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa (đoạn này đã bị cắt trong bản lưu tại Trang tin điện tử của Quốc hội). Tôi thấy những vấn đề tồn tại nêu trên trong Chính phủ mới cần phải có nghiên cứu để khắc phục làm sao điều hành trong Chính phủ mới tiến bộ hơn.

Về 8 nhóm giải pháp chúng tôi cơ bản đồng tình như Chính phủ nêu. Trong này có 2 báo cáo, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu 10 giải pháp, nhưng báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì có 8 giải pháp. Chúng tôi bổ sung thêm một giải pháp thứ 9 tức là kích cầu bởi vì nếu chúng ta thắt chặt chính sách tiền tệ thì chắc chắn đến cuối năm kinh tế sẽ suy giảm, đã suy giảm thì đương nhiên phải có gói kích cầu, nếu không có thì từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tôi đề nghị bổ sung thêm một gói kích cầu, tất nhiên gói kích cầu lần này tôi đề nghị phải khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và doanh nghiệp. Chúng ta đầu tư cho vay mới để tập trung cho sản xuất, không như lần trước chúng ta đầu tư kích cầu chúng ta lại dùng đồng tiền đó đáo hạn ngân hàng thì không mang lại lợi ích thiết thực. Cho nên kích cầu lần này phải kích cầu trực tiếp cho người nông dân, doanh nghiệp và khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Đối với Chính phủ mới người dân rất tin tưởng và kỳ vọng sẽ làm chuyển biến được tình hình kinh tế - xã hội, trong giai đoạn phát triển mới cử tri cũng đòi hỏi thành viên Chính phủ phải có trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết nhưng cái đầu phải lạnh và phải có bàn tay sạch thì mới điều hành đất nước được. Nếu trái tim nóng bỏng nhưng cái đầu cũng nóng, quyết định sáng đúng chiều sai đến mai lại đúng thì rất gay cho nên phải có cái đầu lạnh toát để nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và phải có bàn tay sạch.

Thứ hai là phải tiêu diệt được tham nhũng và kìm chế được tai nạn giao thông, quần đảo Trường Sa bây giờ do Trung Quốc chiếm cho nên chúng ta cũng phải kiên quyết chỗ này. Nhân dân bảo chống là chưa đủ mà phải tiêu diệt được tham nhũng, kìm chế tai nạn giao thông và duy trì được tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Đó là những vấn đề nhân dân gửi gắm, các Bộ trưởng phát biểu rất hay trước báo chí nhưng cử tri có gửi gắm là nếu như không thực hiện đúng lời hứa của mình thì phải thực hiện văn hóa từ chức, theo Điều 87 của Luật tổ chức Quốc hội hoặc Điều 88, bỏ phiếu bất tín nhiệm các Bộ trưởng nếu như không hoàn thành nhiệm vụ hứa trước cử tri.

Đối với cử tri Lâm Đồng nhân dịp kỳ họp này có kiến nghị với Đảng, Chính phủ và Quốc hội 6 vấn đề sau:
Thứ nhất, phải đầu tư xây dựng ngay con đường vận chuyển bô xit, nhà máy bô xit sắp xong rồi tốc độ vận chuyển rất lớn, nếu đi chung con đường đó thì không đảm bảo cho nên đề nghị cho khởi công xây dựng ngay đường vận chuyển bô xit.

Thứ hai, đề nghị trước mắt xây dựng con đường cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây, từ nhiệm kỳ trước chúng tôi đã kiến nghị rồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Thứ ba là cho nâng cấp ngay quốc lộ 20 và quốc lộ 27 để đảm bảo giao thông.

Thứ tư là đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Đông Trường Sơn từ Đà Lạt lên Đà Nẵng, việc này rất chậm đã 4 năm từ nhiệm kỳ trước đến nay mà mới làm một đoạn cũng chưa xong.

Thứ năm, theo nghị quyết của Chính phủ và nghị quyết của Đảng là xây dựng phát triển vùng Tây Nguyên, làm 3 hồ thủy lợi cho đồng bào dân tộc nhưng đã 10 năm mới làm được một cái, còn hồ Đạ Lây, Đạ Sị ở Cát Tiên và Đạ Tẻh là chưa làm.

Thứ sáu, chúng tôi đề nghị nâng cấp thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương và tỉnh Lâm Đồng về Bảo Lộc, trước đây là hai tỉnh. Đây là những kiến nghị của cử tri Lâm Đồng, chúng tôi sẽ theo dõi và theo đuổi cái này đến cùng. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.