31 tháng 8, 2013

VÀ Ở XA RẤT XA, VẪN CÒN NHỮNG NGƯỜI THUẦN PHÁC

Nguyễn Ngọc Tư - Không nhất thiết phải đem nhiều quần áo.

Có bao nhiêu kiên nhẫn tranh thủ nhét chật chỗ trống trong ba lô. Cất chúng vào chỗ tiện tay nhất bởi đi đường thường phải xài.

Không ra khỏi biên giới, loanh quanh trên dãi đất này, đi có nghĩa là sống chung với bất tiện.

Như thể chạy trời không khỏi nắng, hiển nhiên như nhà xe thề thốt chạy suốt tuyến không rước khách dọc đường, nhưng họ luôn dừng xe lại đón lũ lượt người lên.

Ui chao cái chị đó bộ dạng thiệt là nheo nhóc, chạy bỏ sao đành.

Xe đi nửa chừng anh tài xế ghé qua nhà thăm bồ, anh ấy vào đó đủ lâu cho những mường tượng úi a úi à nóng hai gò má.

Sốt ruột cũng chẳng thay đổi gì, tụi mình nhận ra sống chậm khỏe tim từ những chuyến xe kiểu vậy.

Đi dạo cho thẳng cẳng chân, hoặc lấy sách ra đọc, rủ thằng nhỏ ngồi cạnh chơi mấy ván cờ ca rô.

Nhiều khi cách bến đến chỉ hai cây số, xe khách tụi mình đi sẽ ghé đổ dầu, ở đó đang bày ra mâm nhậu nên anh lơ sà vào uống vài cốc, gấp gì.

Đời dài lắm.

Công lý đi đường là công lý của anh lơ cùng anh tài xế, họ tính tiền gấp ba giá thỏa thuận ban đầu chỉ vì quên xăng dầu lên giá, tụi mình không thông cảm không xong.

Máy bay cũng vậy, cũng cái hãng này hôm trước khách chỉ trễ năm phút họ hủy vé, giờ họ trễ nửa ngày, từ điển của các hãng bay la liệt từ “xin lỗi”, nhưng không có chữ “bồi thường” cũng như “công bằng”.

Nên anh phi công có hứng chí mời bạn gái vào buồng lái vọc phá mấy cái nút điều khiển cho biết máy bay kỳ diệu làm sao, xong chụp ảnh khoe lên facebook thì tụi mình cũng chỉ có thể cười trừ thôi.

Nói theo kiểu anh tài xế chạy tuyến Đồng Văn lúc làm xiếc trên con đường bên mép vực, “Ai thì cũng chỉ một cái mạng thôi. Cùng ngồi một xe, em mà có bề gì thì bọn này cũng đi đứt”.

Tụi mình nhận ra rốt cuộc thì cũng có công bằng, thứ mà lúc chết chúng ta sẽ nhận được trong tình trạng cùng nằm thẳng cẳng. Ai cao sang ai hèn kém, đâu có phân biệt khi nằm dưới vực.

Những chuyến xe khách buộc ngồi lên đùi nhau sau khi không còn chỗ trống nào để kê thêm ghế, những chuyến tàu lặc lè người và nước tràn lé đé tận be, những món ăn trong sân bay đắt như thể mì tôm tẩm vàng, những quán bên đường hầm hè buộc khách nên biết điều mà đói bụng.

Bất cứ người nào ưa hẹn hò với chân trời cũng đã từng trải qua những mỏi mê ấy, không phải vì xa.

Và nơi xứ lạ, ai mà ngờ cả giọng nói của tụi mình cũng tráo trở hại thân, tô bún cá bị tính giá gấp đôi, xe ôm chạy đường vòng chỉ vì tụi mình nói bằng thứ thổ ngữ miệt rừng.

Tụi mình có lần cũng dại chê ly nước sấu có con ruồi, lúc trả tiền mới hay ruồi chết đuối cũng đắt đỏ gần bằng ly nước.

Cứ hít thở sâu là được, và nghĩ cả đời tụi mình chỉ gặp chị hàng nước ấy một lần thôi, nếu phải duyên thì thắm lại, bạc kiểu này chắc không trông mong ở lần sau rồi.

Người bán hàng chắc là cũng nghĩ vậy, thu hái một lần cho mãi mãi.

Mắc gì trông theo nước chảy qua cầu.

Những bất tiện đó cứ phơi ra trên con đường tụi mình đi tìm cái gọi là vẻ đẹp tiềm ẩn.

Ngay cả lúc thấy mỏi mòn nhất, cũng không lấy điểm đến ra để dỗ dành mình.

Xứ Việt khét tiếng chịu chơi đồ giả, kiểu như núi thật phá đi để làm núi giả, đốn trụi rừng để đắp mấy con rồng con hươu cao cổ xi măng, đánh sập cái chùa cổ hàng trăm năm để xây chùa mới sơn phết long lanh.

Cảnh sắc giả trơ thiên địa kiểu vậy tụi mình gặp hoài, bất chấp có đi đến một hay hai ngàn cây số.

Ngồi ru cho thất vọng thiu thiu ngủ sau một hồi dâng lên nghẹn họng, tụi mình nghĩ cái dặm đường vừa trải qua đó, nó đáng giá hơn nhiều.

Đi chơi tức là chơi trên những dặm đường giữa bến đầu và bến cuối.

Chơi có nghĩa là dặm dài hít bụi, ngắm cảnh vật lướt qua cho trí tưởng tượng chạy rong.

May mắn đôi khi từ tụi mình mà ra, ai cũng được nhận những cái cười trong veo của những thiếu nữ Bắc Hà má rực trong cái nắng thu sóng sánh, chỉ cần đừng ngó họ qua ống kính máy ảnh.

Tụi mình chưa bao giờ nguôi hy vọng, chen lẫn giữa mớ bất tiện mang tên con - người sẽ nhận được an ủi của cỏ cây, sương đỉnh núi và mưa lưng đèo.

Và xa, rất xa trong rừng thẳm hay xó núi, vẫn còn những người thuần phác, chỉ nhìn thôi mà chữa lành được bao vết thương.
-------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản
* Hình ảnh miền Nam sau ngày giải phóng, đăng tren Corbis, chỉ có tính chất minh họa.

28 tháng 8, 2013

MẶN CHÁT TRƯỜNG SA

GM FB - Sáng ngồi phòng Trực ban, tình cờ gặp một anh bộ đội Hải quân đến gửi Đơn khiếu nại.

Lâu rồi mới nhìn thấy một người lính trở về từ đảo, anh mặc nguyên quân phục hải quân, đội cả mũ bảo hiểm gắn quân hiệu, tay phải cầm tập hồ sơ, tay trái cầm túi bánh trung thu đỏ chói...

Anh ấy sinh năm 1975, đi bộ đội đã 20 năm rồi, chục năm biên chế ở Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), tăng bo qua các đảo của Trường Sa đầy sóng gió thiêng liêng nhưng giờ vẫn chỉ đeo quân hàm Trung úy QNCN.

Trông anh già hơn cái tuổi 39, dáng gầy sạm, đen nhẻm nhưng rắn rỏi, đuôi mắt rạn vết chân chim như bị muối biển ăn mòn nhưng rất hay cười...

Anh chào tôi rất chính quy, nói năng nhỏ nhẹ có phần quá khiêm nhường, rụt rè đúng kiểu người ở biển lâu không về đất liền nên ngại đông người, né va chạm xô bồ...

Anh kể chuyện mà buồn lắm, rằng anh đi lính ở đảo lâu ngày, mải mê với sóng với gió, với canh trời giữ biển mà không giữ được nhà, canh được gia đình yên ổn ở quê hương.

Ở xa khơi ngoài kia, những người lính cứ vật lộn với biển, với cuồng phong, với khắc nghiệt của thiên nhiên và âm mưu thù địch... nhưng tại làng, tại xóm, tại gia đình thì lại bất ổn, biến thiên muôn sự.

Quê anh ở một xóm nghèo của đồng bằng sông Hồng, thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, bao đời nay người ta vẫn mưu sinh nhọc nhằn bán mặt cho đất, bán lưng cho giời.

Thế rồi anh đi lính, ra tận Trường Sa, xa lắm, ở nhà mẹ già, vợ dại, con thơ còm cõi nuôi nhau... chờ ngày con, chồng, cha họ trở về!.

Thế rồi vài năm sau anh đi xa, ở nhà có cái ao bèo nhỏ chưa đầy 200m2 từ đời ông bà, tổ tiên để lại lâu lắm rồi.
Trung úy Trung nấu nướng phục vụ Đoàn Công tác ra TS trên tàu HQ-571

Bấy lâu cái ao cũng chẳng để làm gì, có ít rau muống, mấy vạt bèo tây, dăm ba con cá còi lặn ngụp... vậy mà đùng một cái, chính quyền xã thu hồi về làm đất của chung.

Chẳng cần lý do chính đáng, xã tự làm cái giấy thu hồi là thu thôi, gia đình toàn phụ nữ, người già, trẻ em chẳng biết bấu víu vào đâu, lại gọi anh về.

Dù đơn vị cũng đã có giấy giới thiệu anh là bộ đội ở Trường Sa nhưng người ta vẫn phớt lờ mọi việc, cố ép bằng được cái ao nhà anh về làm ao làng, ao xã...

Cực chẳng đã, anh xin nghỉ phép về, vác đơn thư đi kiện, mồ hôi cứ mướt mải, người xe nháo nhào cả lên, các cơ quan công quyền thì vẫn hành chính...

Anh mệt mỏi lại nhớ ngoài kia, ở đó anh hay đọc tấm biển khẩu hiệu mỗi sáng thức dậy: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương"...

Anh đi lính Trường Sa, lấy biển cả là nhà, đảo là quê hương thế mà ở quê nhà xa xôi kia, người ta bạc ác, tệ hại với gia đình, vợ con anh, liệu anh có yên tâm, vững vàng và sẵn sàng để chết cho Tổ quốc hay không???.

Nghĩ mà buồn, còn bao nhiêu những người lính như anh, chấp nhận gian khổ, hy sinh cho quê hương, dân tộc này mà hậu phương ở nhà không được bảo toàn, chăm lo trọn vẹn!.

Cay đắng làm sao.

Chia tay chúng tôi, anh cứ rụt dè, luống cuống đưa túi bánh cho chị bạn cùng cơ quan rồi nói: "Em ở đảo về, chẳng có gì, có cái bánh trung thu gửi cho các cháu. Chị nhận cho em vui!".

Chị bạn không dám nhận, khẳng khái trả lời: "Em không nhận đâu, anh cầm về cho các cháu, bọn em chưa giúp gì được cho anh, có gì mà nhận quà chứ. Anh ở đảo về thế này là vất vả lắm rồi. Bọn em sẽ cố gắng giúp anh hết khả năng, anh về với gia đình đi!"..

Anh lại cầm chồng đơn và túi bánh ra cửa, không quên bắt tay chào và cười rất đỗi hiền hậu.

Nhưng đâu đó, váng vất trong ánh mắt người lính đảo ấy vẫn là một nỗi buồn trĩu nặng, sâu thẳm và bão bùng hơn cả sóng biển Trường Sa kia!

Mặn chát lắm!..
-------------------

27 tháng 8, 2013

TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỒNG BÀO?..

GM FB - Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết trung thu rồi, mấy bữa nay đi làm về buổi tối thấy nhộn nhịp lắm.

Phố xá tấp nập, rực rỡ trang hoàng những cửa hàng bánh trung thu đủ loại.

Có những hộp bánh cả trăm ngàn, cả triệu bạc mà có lẽ ít người bỏ tiền ra mua để mang về ăn, có chăng là quà cáp biếu xén, gửi gắm đâu đó mà thôi…

Phú quý sinh lễ nghĩa quả chẳng sai, cuộc sống ở thành phố có vẻ đang ngày một đi lên trông thấy.

Nhìn quanh cái tết của trẻ em mà hình như thấy người lớn bận rộn và lo toan nhiều hơn chứ ko thấy niềm háo hức mong chờ ở lũ trẻ.

Nhớ hôm đến nhà anh bạn chơi, cô con gái mới học cấp 2 mà nằng nặc đòi mua cái điện thoại I-phone loại mới ra cả chục triệu, rồi anh bạn cũng tặc lưỡi: “ờ thích Ai phôn thì mua Ai phôn có gì đâu”…

Lên cơ quan mở máy tính ra đọc thấy toàn chuyện ồn ào quanh mấy cuộc thi truyền hình thực tế hay chuyện trăm tỉ, ngàn tỉ bê bối, tham nhũng, thất thoát…

Thấy nặng nề quá!

Hôm rồi đi làm từ thiện cùng mấy người bạn ở một xã vùng cao huyện Bát Xát, Lào Cai, thấy đám trẻ vẫn nhếch nhác lắm.

Có đứa mặc cái quần không thể rách thêm được nữa, ướm cho nó cái quần mới mà nó cứ rụt rè mãi ko dám thử… chẳng hiểu vì sao.

Tặng quần áo cho bọn trẻ xong rồi mới thấy có mấy đứa lùi hụi đi từ trên dốc xuống, mồ hôi mồ kê đầm đìa, mặt đỏ bừng.

Quần áo thì trao hết rồi, sức mọn chẳng mang được nhiều nên đành nhìn các em đến sau đứng nép ở hàng rào, mắt sáng lắm mà cứ chực ngân ngấn nước…

Về Hà Nội lại lên FB phát động 1 chương trình khác, thấy người ấn nút  “like” thì nhiều mà người ủng hộ thì neo lắm…

Xem ra nói vẫn dễ hơn làm dù việc thật nhỏ nhoi!.

Sáng xách xe chạy đi lấy túi đồ của mấy người bạn quyên góp được, rồi mang về nơi tập kết để chuyển đi ngót 600km…

Chỗ đồ ấy không nhiều đâu nhưng cũng đủ vui rồi, vài cuốn sách, mấy bộ quần áo, ít đồ chơi thôi, nếu đến được miền đất núi cao xa ấy, chắc là ý nghĩa lắm!.

Chị bạn gọi điện bảo chuyến này muốn mua mấy chục tấm phản cho lớp học ở vùng cao (giá 400 nghìn đồng một chiếc) mà vẫn chưa quyên góp đủ…

Trộm nghĩ, giá cái số “mất mát” “bỏ túi” cả nghìn Mỹ Kim kia mà trích ra 1 ít nhỉ, chắc đủ mua cả thêm ít tôn để lợp cho lớp học vùng cao không dột ướt mùa mưa này…

3 năm trôi qua sau chuyến đi Mường Tè năm ấy, mà hình ảnh 2 đứa trẻ La Hủ ngồi bên đường vẫn chưa thể nguôi ngoai. Không biết giờ này chúng ra sao, chúng có biết ngày trung thu không nhỉ?..

Năm ấy, mấy anh em phóng viên trẻ rong ruổi xe máy cả ngàn cây số lên tới xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Trên đoạn đường hơn 40km, từ Đồn Biên phòng vào Trạm Kẻng Mỏ (nơi sông Đà chảy vào nước Việt) đã gặp 2 đứa trẻ người La Hủ nhem nhuốc, trần truồng, run rẩy, ngơ ngác ngồi trông nhau trong căn chòi dựng ven đường.

Bên cạnh chúng là nồi cơm nguội vàng ệch, vón cục, đặt trên mấy thanh củi đã nguội lửa.

Dừng lại chụp ảnh, hỏi han hai đứa trẻ nhưng chúng không hiểu gì mà chỉ mở đôi mắt to đen láy với cái nhìn sợ sệt.

Anh bạn đồng nghiệp động lòng quá, không đứng dậy nổi và cứ tự trách mình sao không mang theo gói bánh, cái kẹo nào cho chúng, đành rút tờ tiền 50.000 đồng ra đưa cho hai đứa nhỏ rồi vội vã quay đi thật nhanh, giấu vội đi đôi mắt sắp ướt...

Đem nỗi trăn trở đó nói với các anh Bộ đội Biên phòng ở Đồn 311 Ka Lăng, các anh bảo: "Với số tiền 50.000 đồng đó, gia đình 5 đến 6 người La Hủ có khi sống được cả tháng!".

Nghe thì khó tin, nhưng sự thật là như vậy.

Với họ, rau ở rừng, nước ở suối, ngô cằn cỗi trên nương, tiền có chăng chỉ để mua ít muối, ít dầu hỏa, ít thuốc đau bụng mà thôi…

Thời gian trước, có người vào FB “góp ý” rằng việc đi miền núi như vậy chỉ để thể hiện vài kỹ thuật chụp ảnh và khẳng định mình đã đặt chân đến nơi nào đó.

Đồng thời cho rằng việc quyên góp quần áo, sách vở cho người dân chỉ là hành động “bố thí”, khi đem cho những thứ mình không dùng được nữa…

Thật buồn! Đất nước vẫn đang trên đà phát triển với nhiều thành tựu đáng mừng, Đảng, Nhà nước vẫn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo, giúp người nghèo ấm no, hạnh phúc hơn.

Nhưng có lẽ, những người có thu nhập cao được tính bằng “vé”, bằng “đô”, tiền lương, thưởng bằng cả năm, cả đời làm lụng của những gia đình bình thường… cũng cần có trách nhiệm chia sẻ cho những người còn khó khăn.

Hãy giúp người nghèo không chỉ là bằng tình cảm, sự tự giác, mà hãy trở thành trách nhiệm đối với chính đồng bào mình…
----------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả

TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG CƠM?..

THOÁT ĐẰNG GIỜI


Nguồn: Xóm Nhiếp ảnh

CHƯA CÓ LỐI THOÁT, THƯA BỘ TRƯỞNG PHÁT

Đào Tuấn - Dù rất cảm động trước sự cảm động của Bộ trưởng khi ông đọc những bức tâm thư lấm lem mồ hôi nước mắt của người trồng lúa. Nhưng nông dân chưa nhìn thấy “con gì cây gì”, chưa thấy lối thoát trong câu trả lời của ông, thưa Bộ trưởng Phát!.

Hồi đầu tháng 8, một nông dân ở Long An gửi một bức tâm thư tới Bộ trưởng Cao Đức Phát với một câu hỏi, cũng là nỗi khắc khoải của nông dân cả nước: Xin Bộ trưởng hãy chỉ cho dân trồng cây gì và nuôi con gì?.

24 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, người nông dân khốn khổ ở Long An chỉ học được một bài học là hạt lúa “chỉ giúp nhà nông không đói, chứ không làm họ hết nghèo”.

Bởi ngay khi nông dân đạt thành tựu 8 tấn/ha, thì trong khi những người chồng thất thần cân lúa, những người vợ, giờ đã là “chị ba tám tấn” ngồi ghi sổ mà nước mắt tràn trụa.

Càng được mùa càng rẻ.

Càng nhiều tấn càng lỗ.

Càng cấy nhiều càng nghèo.

Nhưng câu hỏi của người nông dân thực ra hoàn toàn không phải là cây gì, con gì, bởi nó đang đề cập đến vấn đề lớn nhất của cả nền nông nghiệp mà cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã dùng hai chữ “khuyết tật”.

Chính xác là một nền nông nghiệp khuyết tật khi “Sản xuất ra sản phẩm không biết bán cho ai, không biết thị trường của mình ở đâu”.

Và một nền nông nghiệp khuyết tật đến nỗi “khối im lặng khổng lồ” bỏ ruộng ở khắp nơi, như một lời tố khổ thầm lặng.

Bởi thế, câu trả lời của Bộ trưởng Phát trong chương trình dân hỏi nhà nước trả lời được sự chờ đợi của nông dân, của những người quan tâm đến số phận của họ.

Và đây là tất cả những gì Bộ trưởng có thể nói, với một giọng nói buồn thảm và không có lấy một nụ cười: “Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do thời gian gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp”; “Việt Nam vẫn duy trì quỹ đất lúa, tuy nhiên trên đất lúa bà con vẫn có thể chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ đang rà soát để quy hoạch lại cây trồng trên đất lúa, tùy theo tình hình của từng địa phương sẽ lựa chọn những cây trồng phù hợp”. Cây ngô chẳng hạn.

Và, theo một đề án nào đó, thu nhập của nông hộ sẽ “tăng gấp 2,5 lần”.

Chỉ có điều, đó là điều xảy ra trong thì tương lai 2020, khi Bộ trưởng có lẽ đã về hưu, và thậm chí, lại rạch ròi chỉ ra những “khuyết tật” của nền nông nghiệp.

Thật buồn.

Tư lệnh ngành nông nghiệp chỉ nhìn thấy sự mất cân đối đến khủng hoảng giữa đầu vào và đầu ra, điều mà bất cứ nông dân nào cũng nhìn thấy.

Thế còn giá gạo “cuối bảng xếp hạng”?.

Thế còn lợi nhuận trung túi trùng trùng tầng lớp trung gian từ tư thương đến công thương?.

Thế còn con gì, cây gì, khi hạt ngô ở vương quốc Ngô Sơn La có những khi đỏ bầm màu máu?.

Năm 2008, sau khi loạt điều tra của NTNN công bố con số chấn động “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp”, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bãi bỏ hàng loạt khoản phí nhằm giảm gánh nặng cho người dân, trong đó có thủy lợi phí.

Năm 2013, số khoản phí, ngoài vô số các loại thuế, mà mỗi hạt thóc, củ khoai, con lợn, con gà phải gánh, là “từ 20-50” tùy từng địa phương, và trong đó có thủy lợi phí.

Liệu có ở đâu, có nền nông nghiệp nào mà một quả trứng, có khi phải chịu 3 lần phí kiểm dịch?.

Còn chuyển đổi vật nuôi cây trồng ư?.

Giải pháp đó nó cổ như những giai thoại từ cả chục năm nay xung quanh vẫn chỉ là chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Dù rất cảm động trước sự cảm động của Bộ trưởng khi ông đọc những bức tâm thư lấm lem mồ hôi nước mắt của người trồng lúa.

Nhưng nông dân chưa nhìn thấy lối thoát, thậm chí, chưa nhìn thấy con gì cây gì trong câu trả lời của ông, thưa Bộ trưởng Phát!..
-------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại.
* Hình ảnh đã đăng trên trang Xóm Nhiếp ảnh, chí có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

26 tháng 8, 2013

6 NGƯỜI CÓ 5 CÁI THÌA...

AABC - Có những cảnh nghèo, mà chỉ nhìn thấy chút thôi là rã người, không muốn nói thêm gì nữa, ngoài ý nghĩ: "Cùng đồng loại (chưa dám dùng từ "đồng bào") với nhau, sao khổ đến thế"?.

Như trường hợp này: Ông bố ốm chết, còn lại bà mẹ La Thị Tùng (ở xóm Cộp My, xã Quang Trung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng), nuôi 5 đứa lít nhít trứng vịt trứng gà (2 đứa lớn phải nghỉ học, đi làm thuê cùng mẹ để nuôi gia đình).

Đói khổ và thiếu thốn đến mức: Bữa trưa chính chỉ là nồi cơm, ăn với muối trắng và 6 người, nhưng chỉ có 5 cái thìa, thay nhau hì hụi xúc, cho tồn tại qua ngày...

Và hình như, chính những cảnh này - người này, để chúng mình cố gắng làm tốt hơn AABC, mọi người nhỉ?.
--------------
Cảm ơn Nhà báo Lê Bình, Ban Thời sự - VTV đã vận động doanh nghiệp, ủng hộ 200 chiếc áo rét cho chuyến lên với Sì Lờ Lầu - Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), của Áo ấm Biên cương trong những ngày đầu năm học mới 2013-2014 tới đây.

(Hình: PV Hoài Phương - Đài PTTH Cao Bằng)

CẶP LỒNG DÙNG ĐỂ ĐỰNG CƠM

Mai Thanh Hải - Trong danh mục "đồ dùng học tập", hỗ trợ cho học sinh Tiểu học các tỉnh miền núi - vùng cao biên giới, những người "hoạch định chính sách" hình như chỉ say sưa với phần HỌC mà quên bẵng là muốn học được, phải có ĂN.

Thế nên mới có chuyện: Đến nhiều điểm Trường, điện chiếu sáng không có nhưng vẫn được cấp phát... đàn điện tử chạy bằng điện.

Thế nên mới có chuyện: Ở nhiều điểm Trường, phụ huynh nhận tiền hỗ trợ bữa ăn trưa từ Nhà nước, tiêu phéng vào các việc khác và bữa trưa của con em mình, chỉ đơn giản là muôi cơm mang từ nhà buổi sáng, để nhếu nháo ăn trưa với măng ớt, muối tiêu...

Nhìn bọn trẻ xách đồ ăn trưa, mới thấy rõ ràng khái niệm "cơm đùm cơm nắm": Nhà nào có điều kiện hoặc nhà trường nào năng động huy động, thì bọn trẻ còn có cái cặp lồng đựng cơm, che bớt hình ảnh đói nghèo. Nơi nào khó khăn, bọn trẻ đựng đồ ăn trong đủ loại bao dứa, túi ni lông, giấy báo... cho đến lá rừng, rất nhem nhuốc, lấm láp và mất vệ sinh.

Hình ảnh này, mình chụp bọn trẻ mang đồ ăn đến điểm Trường Tiểu học Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) và ngay khi nhìn thấy, bạn Khánh Hương Trịnh FB đã ngỏ ý tặng 40 chiếc cặp lồng, thêm bạn Thùy Dung Đào FB tặng 20 chiếc nữa, thế là 60/80 học sinh Mầm non - Tiểu học Háng Gàng khỏi phải đựng cơm trưa trong túi ni lông, bọc lá rừng, cho đỡ tủi thân...

Dẫu biết là chẳng đủ cho bao nhiêu con trẻ miền núi - vùng cao biên giới chưa biết đến vật dụng cặp lồng, nhưng ít nhất cũng vơi bớt xót xa, ở 1 điểm Háng Gàng!.
--------------------------------------------------------------------------------
* Tìm hiểu về hoạt động của Chương trìnhhttp://aoambiencuong.com
* Cập nhật mọi sự ủng hộTẠI ĐÂY
* Cách thức ủng hộTẠI ĐÂY