29 tháng 9, 2012

LỜI NÓI DỐI DÀI NỬA THẾ KỶ

Đào Tuấn - Suốt hơn nửa thế kỷ qua, không phải đợi lời kêu gọi “hy sinh”, “chia sẻ”, những người dân Yên Bái, Hòa Bình từ nửa thế kỷ trước và giờ là Bắc Trà My, Quảng Nam, đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho dù Tổ quốc có khi lại là của một ai đó.

Hy sinh đến độ họ chẳng còn gì ngoài đôi bàn tay trắng và một cuộc sống dưới mức nghèo khổ.

Năm 1959, khi Thác Bà, công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng, tròn 8.913 hộ với 5,3 vạn người dân đã phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, quê hương bản quán, bỏ lại đình chùa, miếu mạo, mồ mả ông bà tổ tiên để dắt díu nhau lên rừng xanh núi đỏ, vạt núi san sông, “đặt bát hương” dựng xây quê hương mới.

Tất cả “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”.

Tháng 9-2012, tức hơn nửa thế kỷ sau đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã tận mắt chứng kiến cảnh “Không ít đồng bào của hơn 50 xã đã hy sinh tất cả vì chính dòng điện vẫn sống trong cảnh đèn dầu leo lét.

Điện, đường, trường, trạm… vẫn tạm bợ lều lán; trường mầm non vẫn dùng cái bếp cũ của nhà dân.

Và cay đắng nhất, là lời than vãn của một trong số 5,3 vạn dân thủa nào: “Chúng tôi bị bỏ quên trong xó rừng này. Chúng tôi như hạt thóc rơi trong kẽ cái hòm cũ”.

Và chạnh lòng nhất, là lời thổn thức của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương, bà Lương Thị Lầm -người trực tiếp vận động, tổ chức di dân cho thủy điện Thác Bà, sau chẵn 50 năm, rằng: “Hóa ra tôi đi vận động năm ấy, nghĩa là tôi nói dối, nói phét với dân ư? Chúng tôi bảo là nhà máy hoạt động thì sẽ có điện cho bà con, bà con được dùng đầu tiên. Vậy mà!”.

Một lời nói dối dài đến nửa thế kỷ, đối với sự hy sinh lặng thầm của những người dân, trong riêng rẽ phạm trù thủy điện, hay lớn hơn là sự phát triển của Tổ quốc, có thể nói là không có giới hạn, không gì đo nổi, và cũng chẳng thứ gì có thể bù đắp được.
 Đến hôm qua, bên trên sự tăm tối của người dân vùng thủy điện lại có thêm một sự đòi hỏi hy sinh. Và một lời nói dối.

Báo cáo đánh giá tác động của thủy điện Sông Tranh 2 được báo chí “phanh phui” với phần đánh về động đất dài 195 chữ, với kết luận to đùng: “Hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không gây khả năng động đất kích thích”. Và một trong những “tác giả” là cái tên quen thuộc: TS Lê Huy Minh, với phát ngôn nổi tiếng sau này “Động đất là bình thường”.

À!. Thế là ban đầu nhà khoa học này kết luận: “không gây khả năng động đất kích thích”, và sau đó khi động đất xảy ra (ngay cả khi mức nước ở Sông Tranh 2 đang nằm dưới mức nước chết) thì ông mang mác Tiến sĩ ra để giải thích đó là chuyện…bình thường.

“Bình thường” chính là vô số và ngày càng dày thêm những trận động đất kích thích từ việc thủy điện tích nước?.

“Bình thường” có nghĩa là xảy ra đến 7 trận động đất trong chỉ 12 tiếng đồng hồ?.

Và bình thường, và khoa học, và trung thực đến mức nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập phải thốt lên: “Bây giờ tôi thật sự băn khoăn là có nên tin vào các nhà khoa học hay không vì họ nói không nhất quán gì cả!”.

Dường như sự không nhất quán rất khác xa với nghĩa của từ trung thực.

Thế nên thật khó trôi tai lời phàn nàn của một Tiến sĩ, rằng người dân “quá kém hiểu biết”.

Lại càng khó chấp nhận việc đòi hỏi một cách bất nhẫn “sự hy sinh” khi mà những người dân sống “dưới chân cột đèn” khó có thể “an tâm” để hy sinh nốt thứ duy nhất họ còn lại là tính mạng?..

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, không phải đợi lời kêu gọi “hy sinh”, “chia sẻ”, những người dân Yên Bái, Hòa Bình từ nửa thế kỷ trước và giờ là Bắc Trà My, Quảng Nam, đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho dù Tổ quốc có khi lại là của một ai đó.

Hy sinh đến độ họ chẳng còn gì, ngoài đôi bàn tay trắng và một cuộc sống dưới mức nghèo khổ.

Và chính vì thế, càng không thể đối xử với sự hy sinh bằng những lời nói suông thiếu trách nhiệm, chỉ để an dân, mà thực ra là dối dân, đã bắt đầu từ năm 1959.
***
Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết

28 tháng 9, 2012

ẤM NHỮNG MÙA TRĂNG

Mai Thanh Hải - Trước ngày Trung Thu, ngược lên biên cương Cao Bằng, tặng quà cho hơn 900 học sinh 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS) của xã Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Mấy ngày ở biên giới, đến các điểm Trường trao quà, cứ say sưa ngắm lũ lít nhít Mầm non (249 cháu) tranh nhau chụp mũ len mới, ôm chặt áo khoác chống rét mới.

Bọn 4-5 tuổi, be bé trạc củ Khoai nhà mình, dẫu sao cũng đã lớn và biết "dạ - vâng" khi cầm mũ áo. Còn bọn 18-36 tháng tuổi, có khi khóc ré, nước mắt lóng lánh vành mi, khi thấy người lạ đến gần.

Biên cương đã vào mùa lạnh, vùng núi đá Cao Bằng có khi nhiệt độ xuống dưới 10, thường thì bọn trẻ con tím tái mặt mũi, run cầm cập đón Tết Thiếu nhi ở đầu bản, hoặc "sang" hơn là lên sân Đồn Biên phòng.

Nhưng Trung thu năm nay, chúng đã được đón trăng ấm, cùng với bánh Trung Thu mà các bạn mình đã gửi lên, từ tận miền xuôi gần gụi và tụi mình cũng thấy ấm lòng, khi soi mình vào đáy mắt trong trẻo trẻ thơ.

Xin cảm ơn mọi tấm lòng đã đồng hành cùng Chương trình "Góp lạt buộc phên dậu Cao Bằng"...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bỗng dưng muốn khóc?
Đàn ông nên phải tươi cười
Nhếch môi?
Nghiêm nghị
Mắt xoe tròn lắng nghe
Áo vừa to vừa dày, nên phải khệ nệ bưng
Ở biên giới nên mũ len cũng theo kiểu Biên phòng
Em rất giống Gấu Puh
 
Ngạc nhiên chưa?
 
Oách xờ lách
 
Cười phe phé
Mắt 1 mí
Chảy mũi rồi kìa
Dạy cách buộc mũ
 
Thích không?
Kiếm tý... hơi?

27 tháng 9, 2012

THỒ HÀNG LÊN BIÊN CƯƠNG

Mai Thanh Hải - Lên xã biên giới Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng), mình chả phải nhà thơ nhà thiếc gì, cũng phải phì phò bật ra câu cho vần: "Chưa đi chưa biết Xuân Trường/ Đi rồi mới biết con đường rất kinh". 

Buổi sáng, xuất phát từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng (xe 3,5 tấn chở hàng do bạn Phương và Thịnh, Doanh nghiệp kinh doanh Gas và chất đốt bốc hàng từ đêm qua và chạy trước lên Cao Bằng), giời mưa lúc nặng lúc nhẹ như dằn dỗi, làm cả Đoàn, mặt ai cũng tái nhợt. Thêm những cú điện thoại đều đặn từ Xuân Trường báo về: "Vẫn mưa kéo dài từ hôm qua, chỉ xe 2 cầu có lái kinh nghiệm, may ra mới bò nổi dốc 3 tầng Hồng An, vào theo đường Lũng Pán!", lại càng lo: Không mang được hàng vào tận nơi cho bọn trẻ lít nhít, quá là đổ sập Chương trình.

Lềnh phềnh vượt qua cung đường Lạng Sơn, đến Cao Bằng đã quá Ngọ, anh Nguyễn Danh Hải - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Cao Bằng bồn chồn đứng bên chiếc Santafe 2 cầu, đầy ứ hàng của Cty tặng Đồn Biên phòng và giáo viên học sinh, kéo cả bọn vào ăn vội, vừa ăn vừa thống nhất với Đại tá Phùng Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng và TBT Báo Cao Bằng Sầm Việt An: Cố gắng, bằng mọi cách có thể, đưa hàng vào Xuân Trường.

Lại hộc tốc lên xe nhằm hướng Bảo Lạc.

Chiếc xe 16 chỗ của cả Đoàn thuê từ dưới Hà Nội, thường chạy êm ro, giờ cứ vật vã trên mặt đường QL34 lổn nhổn đất đá, lở loét ổ trâu ổ gà, nhầy nhụa đất đỏ và rút cục, ì ạch bám theo chiếc Uoat của Biên phòng tỉnh.

Cuối giờ chiều mới vào đến Lũng Pán (điểm tập kết, bên này dãy núi đá, cách Xuân Trường gần 30km), vừa kịp chiếc xe tải chở hàng đến, lát sau mới thấy Santafe của anh Danh Hải và Toyota 5 chỗ của Phương - Thịnh hớt hải phi đến.

Trung tá Nguyễn Hồng Vinh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Trường, Thượng tá Thiểm - Trưởng Công an huyện Bảo Lạc và anh em Biên phòng, Công an đã đợi sẵn, mặt mũi ai cũng căng thẳng: Xe chở hàng 1 cầu không thể leo dốc được, xe Ipha 2 cầu dự phòng chở hàng vừa đứt phanh, cả Đoàn duy nhất có 2 xe Uoat của Biên phòng - Công an huyện và xe Santafe của anh Danh Hải là vào được...

Hơn 3 tấn hàng với gần 100 thùng, bao, túi và gần 20 con người, phải làm sao?..

Căng thẳng bàn bạc, nói chuyện như quát lên khi trời dần tối, sương mù bắt đầu ào xuống bịt mắt, cuối cùng thống nhất: Xe 16 chỗ ra thị trấn Bảo Lạc nằm chờ, xe chở hàng và xe 5 chỗ của Phương - Thịnh có việc gấp, nên cũng chỉ hạ hàng rồi lại quay đầu xuôi về Hà Nội; hàng bốc xuống, tập kết trong nhà dân ven đường và lùng sục thuê thêm 3 xe Uoat chuyên chở hàng của người dân (giá 1.200.000 VND/chiếc), vừa đủ đoàn 6 chiếc xe 2 cầu vừa chở người và hàng vào Xuân Trường, dưới sự dẫn đường - khóa đuôi của xe máy do anh em Biên phòng cầm lái, chỗ hàng còn lại sẽ thuê xe Uoat chở vào sớm, trong sáng mai...

Xúm vào bốc hàng, chọn lựa chất lên xe và dồn người, ơn Giời cũng đủ và bắt đầu rồng rắn, ngược núi đá biên cương.

Nói đến Xuân Trường là nói đến "đặc sản" sương mù, khí lạnh. Chả thế mà càng lên cao, mấy cái xe Uoat chuyên dụng chở hàng, có mỗi ghế lái và ghế phụ, xích sắt quấn bánh chất cả đống dưới chân, cứ rúm ró lại trước sương đặc như sữa, tưởng có thể cầm tay vo lại được và gió lạnh, thẳng thừng quật vào kính xe.

Ngoài trời lạnh đến 14-15 độ, nhưng trong xe nóng rực, phần vì hàng nhiều, người phải chen nhau thì ít, mà vì ai cũng thở hắt ra theo độ nghiêng của xe, dằn xóc của con đường, sợ đến tái mặt, thì nhiều.

Hết đường đá đến dốc đất, chiếc xe sầm sập lao lên rồi... từ từ tụt xuống, bánh giẫy tuyệt vọng trong hố bùn đất ven đường. Cậu lái xe, ban đầu mặc đến 2 áo sơ mi trong áo khoác, rút cục cũng cởi sạch, còn mỗi áo phông, thi thoảng lại kéo phanh, dừng xe lao xuống gõ cành cạch vào bánh trước, sửa cầu.

Ban đầu, việc dừng xuống đẩy xe, sửa cầu còn lạ. Sau rồi, cũng thành quen khiến cậu lái xe quay sang mướt mải mồ hôi động viên: "Các anh chị... nhắm mắt lại đi, khi nào em hô hẵng xuống!".

Ối Giời! Thì nhắm mắt suốt rồi, ai dám nhìn vực sâu hút - đen đặc, lở loét kề ngay bánh xe hiện mờ mờ trong sương và ánh đèn gầm vàng vọt?...

Hơn 3 tiếng đồng hồ, rút cục Đoàn xe cũng hùng hục phi vào sân Đồn Biên phòng Xuân Trường, trong những tràng vỗ tay của cán bộ chiến sĩ cả Đồn đang đứng đợi và nhất là những người, mặt vẫn còn tái dại, chân run lật bật, trên xe.

Hàng hóa được bộ đội khênh cất trong phòng ngủ thênh thang của Đội Vũ trang và bữa cơm tối của cả Đoàn bắt đầu, lúc 23 giờ đêm, ngấu nghiên và hùng hục, như chưa bao giờ được ăn.

Bây giờ, khi ngồi với nhau nói chuyện Xuân Trường, ai cũng lắc đầu quầy quậy: "Lúc ấy, sao mà hăng thế?. Chả ai sợ chết gì cả!".

Lại nhớ đến "khẩu hiệu" cứ lẩm nhẩm trên chuyến xe thồ hàng lên biên cương đêm ấy: "Trâu bò đi được thì người đi được" và cùng gật gù: "Chưa đi chưa biết Xuân Trường/ Đi rồi mới biết con đường rất kinh"...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 HÌNH ẢNH VẬN CHUYỂN - TẬP KẾT HÀNG HÓA VÀO XÃ BIÊN GIỚI XUÂN TRƯỜNG 

Dỡ hàng xuống Lũng Pán

Cẩn thận đồ điện tử
Đánh số từng thùng, từng bao cho đỡ lạc
Các bác cho chúng em gửi nhờ
Lại chuyển hàng lên xe Uoat chuyên dụng, hướng vào Xuân Trường
Thủ kho to hơn Thủ trưởng
Để hàng ở Đội Vũ trang, yên tâm quá còn gì
Tình nguyện... già
Làm dáng ngay cả khi đếm hàng
Tủ súng cũng chung với tủ hàng
Đại diện Cty Cổ phần giao nhận vân tải Vinalink (Chi nhánh Hà Nội) tặng CBCS Đồn BP Xuân Trường 01 máy in, 01 Âm ly; Cổ phần Thương mại Tổng hợp Cao Bằng tặng Đồn 01 màn hình Tivi Sam Sung 43 inch và 50 cặp sách.
Sáng hôm sau, lại bốc hàng lên Uoat, mang đến chia cho GV-HS điểm Trường Chính
Chật cứng 3 xe
Mỗi điểm Trường được nhận 5 thùng mì tôm
 
Ruột chăn bông và vỏ chăn

Các phần bánh kẹo, cho từng HS
Hàng của điểm Trường chính là nhiều nhất
 
 
Gần chục thùng sách vở, quần áo của GV-HS Trường THCS Hợp Giang, thị xã Cao Bằng gửi theo Đoàn đến X.Trường

 
Phút bình yên trước giờ xuất kích