19 tháng 10, 2013

TAN NÁT QUẢNG SƠN...

Mai Thanh Hải - Mình biết Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình) hôm trước về thăm quê cùng ông anh Thủ trưởng. 

Buổi sáng hôm ấy, dậy sớm giữa bạt ngàn màu xanh lúa xung quanh căn nhà cấp 4 đặc trưng miền Trung và căng ngực hít mùi lúa còn nồng nàn đơm sữa.

Thấy mình đứng im ngáp ngáp, bà chị rủ mình: "Đi chợ Quảng Sơn nhé!" và quả thật, hôm ấy lâu lắm rồi mới gặp lại được 1 phiên chợ quê thân thuộc, gần gũi và nhiều bản sắc như vậy, với Quảng Sơn nằm cạnh dòng sông Son e ấp trong sương sớm, bảng lảng khói sương và ngại ngùng như cô gái quê rất đẹp, giấu nhan sắc trong vòng eo qua xóm làng trầm mạc ven sông.

Đẹp, yêu kiều, bình dị, thân thương như thế, chả thế mà Quảng Sơn là quê hương của Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân và mấy Quảng của Quảng Trạch, sinh ra rất nhiều tướng Hải quân.

Những ngày này, tất tưởi cùng mọi người AABC lo hàng cứu trợ miền Trung và đang vận chuyển 1 chuyến hàng đầy ặc xe 2,5 tấn hàng vào Hà Tĩnh, phối hợp cùng BBooj Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, vẫn đau đáu: Quảng Sơn giờ tan tành, nát bươm như thể bị bom B52 ngày xưa, sạt cả sông Son và tan cả chợ.
Quảng Sơn ơi! Sau chuyến hàng Hương Sơn, Hà Tĩnh này, chúng mình sẽ vào lại Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình) - Quê hương của những người lính Hải quân, nhé!..
-------------------------------------

QBĐT - Người dân xã Quảng Sơn (Quảng Trạch) chưa kịp hoàn hồn sau cơn bão số 10 lại phải hứng chịu dòng lũ dữ và trận lốc xoáy kinh hoàng xảy ra vào sáng 16-10 cuốn phăng đi chút tài sản còn lại. Ngày 17-10, khi nước lũ bắt đầu rút xuống, các lực lượng mới tiếp cận được xã Quảng Sơn. Khung cảnh bao trùm hai thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn là sự tan hoang, đổ nát và tang thương.

Ông Trần Ngọc Tiếp, Phó Chủ tịch xã Quảng Sơn nghẹn ngào cho biết: Lốc xoáy làm 400 ngôi nhà tại hai thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn sập và tốc mái, trong đó 30 nhà sập hoàn toàn. Hậu quả lớn hơn rất nhiều so với trận bão số 10 đổ bộ trước đó.

Chưa kịp hoàn hồn sau cơn bão số 10, người dân lại tiếp tục bàng hoàng vì lốc xoáy, nước lũ đã ập về cùng lúc vào rạng sáng ngày 16-10. Trong đêm tối, ngươi dân chỉ kịp chạy tránh lũ còn tất cả tài sản, vật dụng, lương thực của bà con bị ướt, bị lũ cuốn trôi hoặc chìm sâu trong bùn đất.

Trong các thôn của xã Quảng Sơn thì thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất về tài sản và người. Chiếc ca nô cứu hộ, cứu nạn của lực lượng Bộ đội biên phòng vật lộn hết sức vất vả với dòng lũ dữ mới đưa chúng tôi mới tiếp cận được với thôn Hà Sơn, một vùng cồn bãi được bao quanh bởi Rào Nan nơi nước lũ đang cuồn cuộn đổ về. Rời ca nô, tiếp tục lội trong dòng nước lũ sâu gần 1m trên con đường từ bến đò vào thôn, chúng tôi mới tiếp cận được với người dân.

Người dân đầu tiên chúng tôi gặp là ông Mai Văn Thế. Ông vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết:  Mấy chục năm qua mới thấy một trận lốc xoáy và lũ quét kinh hoàng như thế này. Sau trận lốc xoáy và lũ quét mọi thứ trong nhà gần như đều bị cuốn đi hết, dân trong làng không có gì để ăn, kể cả nước uống, ai ai cũng kiệt sức và phờ phạc. May mà có lực lượng quân đội tiếp tế kịp thời cho được ít lương thực và nước uống không thì không biết sẽ ra sao.

Mặc dù nước lũ đã rút xuống rất nhiều, song nhiều tuyến đường trong thôn vẫn ngập sâu trong nước gần 1m. Cảnh tượng bao trùm cả thôn là sự đổ nát, tan hoang chẳng khác gì nơi đây vừa phải hứng chịu một trận B52 rải thảm như đã từng xảy ra ở xã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

100% nhà dân trong thôn nhẹ thì bị tốc mái, sập một phần tường nhà, nhiều nhà dân chỉ còn lại là một đống đổ nát. Tài sản trong nhà không bị lũ cuốn trôi thì cũng bị dập nát, không có bất cứ một thứ tài sản nào còn nguyên vẹn. Gia súc, gia cầm cũng chẳng còn được mấy con còn sống sót sau cơn lốc xoáy và dòng nước lũ đi qua thôn. Cây cối, cột điện đổ ngổn ngang. Bùn đất lấp kín hết nền nhà, đường làng ngõ xóm dày từ 20cm đến hơn 50cm.

Sáng ngày 17-10, chúng tôi còn chứng kiến được cảnh bà Mai Thị Con (85 tuổi) đang còn bị mắc kẹt trên mái nhà, thấy bộ đội nên kêu cứu.

Đích thân đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng đã trực tiếp leo lên gác nhà thăm hỏi, chuyển mì tôm, nước uống cho bà.

Sau đó ông lệnh cho các chiến sĩ đưa bà xuống nhà để con cái chăm nom. Trong trận lốc xoáy và lũ vừa qua, nhà bà Con bị ngập sâu, bà cụ ở một mình nhưng rất may được con cháu đến đưa lên trên gác cao trú ẩn. Gần hai ngày nay bà phải tự xoay xở một mình trên căn gác giữa mưa to gió lớn, phía dưới lũ cuồn cuộn đổ về. Khi mọi thứ trở lại bình thường thì nhà bà cụ cũng không còn gì nữa, ngay cả tấm di ảnh của liệt sĩ Phạm Văn Cạt, em chồng cụ cũng theo dòng nước cuốn trôi. Bà cụ kể lại: Khi đó gió rít mạnh và cuốn đi mọi thứ, may các con cháu đưa lên đây, hai ngày phải chịu đói khát. Khổ lắm!..

Cách nhà bà Con không xa nhà bà Mai Thị Quy bị lốc xoáy san phẳng toàn bộ ngôi nhà gỗ ba gian. Điều hết sức kỳ diệu đó là bà cháu bà đã thoát chết trong gang tấc khi toàn bộ ngôi nhà đổ ập xuống sau cơn lốc xoáy. Đứa cháu ngoại đang học lớp 10 của bà bị gỗ và gạch ngói đè lên bị thương nặng và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Trạch. Riêng bà Quy bị vùi trong đống đổ nát, nhưng rất may không bị thương. Bà kể: Khi nhà sập thì tui không còn biết gì nữa, lâu sau tui mới bò dậy được và giơ tay kêu cứu, may mà những người hàng xóm và con trai tôi chạy đến kịp thời mới cứu ra được nhưng cháu gái thì bị thương giờ không biết thế nào rồi. Gạt nước mắt bà lặng lẽ ngồi trên đống đổ nát của ngôi nhà như hy vọng tìm lại một vài thứ đồ đạc còn sót lại.

Anh Nguyễn Tiến Hừng (43 tuổi) bần thần đứng trước ngôi nhà đổ nát của mình. Toàn bộ gia sản của anh không còn gì ngoài cái giường chông chênh và lấp đầy bùn đất, mái nhà bị tốc và sập, rất may cả 5 người trong gia đình đều không bị thương. Anh cho hay: Hai vợ chồng lam lũ làm nông, tích cóp, vay mượn mãi mới được hơn 100 triệu để xây ngôi nhà cách đây 3 năm nhưng sau trận lốc và lũ vừa qua đã cuốn đi tất cả. Giờ vợ và các con thơ đang đi ở nhờ nhà người thân, chỉ mình anh cặm cụi nhặt từng cuốn sách, đồ dùng còn sót lại.

Còn rất nhiều cảnh tượng hết sức thương tâm khác mà chúng tôi không có điều kiện để kể ra đây. Đi đến đâu chúng tôi cũng đều chứng kiến nỗi đau khôn cùng của người dân khi mà gần như toàn bộ tài sản mà họ đã tằn tiện tích cóp được gần như cả chục năm trời, nay bỗng nhiên tan biến hết chỉ trong chốc lát bởi dòng lũ dữ và sau trận lốc xoáy vừa xảy ra. Nhìn ai cũng bơ phờ, mệt mỏi, hậu quả kép của lốc xoáy và lũ lụt gây ra là quá lớn đối với người dân quanh năm bám ruộng, lam lũ làm nông. Có thể tính thiệt hại bình quân mỗi gia đình khoảng từ 20 đến 100 triệu đồng, số tiền quá lớn để họ có thể ổn định sinh hoạt như cũ.

Rời thôn Hà Sơn, chúng tôi tiếp tục băng qua dòng lũ dữ để đến với thôn Linh Cận Sơn. Tuy không bị cô lập và chia cắt bời sông Rào Nam và dòng lũ dữ, song thôn Linh Cận Sơn cũng chịu thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản. Ngoài việc thiệt hại hết sức nặng nề về tài sản như thôn Hà Sơn thì tang thương cũng đang bao trùm lên nhiều ngôi làng trong thôn Linh Cận Sơn. Tính đến thời điểm ngày 17-10 thôn Linh Cận Sơn có 2 người chết và 13 người bị thương nặng, trong đó có nhiều người đang trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi ở ngay đầu thôn đó là hàng chục người vây quanh một ngôi nhà đổ nát hoàn toàn. Ai cũng rơm rớm nước mắt khi thấy một bé trai đang đi trên đống đổ nát của một ngôi nhà để nhặt những mẫu giấy rách nát còn sót lại do bị ngâm trong nước và những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt trẻ thơ. Cậu bé  đó là Phan Ngọc Trung, học lớp 6 và cha của cậu bé là anh Phan Xuân Sơn đã chết trong trận lốc xoáy vừa qua, còn mẹ cháu là chị Trần Thị Lĩnh bị thương nặng.

Cháu Trung khóc không thành lời cho biết: Ba cháu chết rồi, mẹ cháu bị thương nặng đang cấp cứu tại bệnh viện, giờ cháu không biết phải làm sao nữa. Cháu chỉ ra đây nhặt lại những mẫu giấy giao hàng của ba mẹ cháu thôi. Trong trận lốc xoáy vừa qua, hai vợ chồng anh Phan Xuân Sơn không về nhà mà ở lại quán bán hàng tạp hóa đầu làng và cơn lốc đến đã làm cái quán nhỏ sập đổ. Anh Sơn bị tường nhà đè chết tại chỗ, vợ anh Sơn là chị Trần Thị Lĩnh bị thương nặng và đã được đưa đi cấp cứu. Chị Lĩnh bị gãy xương vai, cột sống và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Anh Sơn mất để lại ba người con, trong đó có hai người con đang con nhỏ. Người con đầu là Phan Thị Lan tuy đã tốt nghiệp Trung cấp Y được hai năm, nhưng vẫn chưa xin được việc làm và hiện đang đi làm thuê ở Phú Quốc.

Ngôi nhà anh Mai Xuân Phụ, người thứ hai bị chết trong trận lốc xoáy, giờ chỉ còn khoảng 2/3 bộ khung nhà, còn phần mái trống trơn. Lực lượng thanh niên trong thôn đang cố gắng che tạm tấm bạt trước thềm để lập bàn thờ cho anh và nơi trú ngụ cho người người thân. Chị Phạm Thị Cúc, chị gái vợ anh Phụ kể lại: Hôm xảy ra lốc xoáy, anh chỉ ở nhà một mình, vợ và các con đi làm ăn xa. Khi lốc xoáy xảy ra, cả bức tường đè lên người anh Phụ khiến anh chết tại chỗ. Hết lốc xoáy thì nước lũ lại ào ào đổ về nên mọi người đi mượn quan tài và khâm liệm một cách đơn giản để nhanh chóng đưa đi chôn cất nhưng khi đưa quan tài lên đò chuyển đi thì đò chìm và mọi người phải buộc dây để di chuyển lên vùng núi và nhờ bộ đội chôn cất.

Gia đình mệ Trần Thị Thuận (80 tuổi) đang trong cảnh hết sức bi kịch khi có đến 3 người đang nằm viện trong tình trạng tính mạng hết sức nguy kịch. Chị Trần Thị Lài-con dâu của bà Thuận cho hay: Lốc xoáy và lũ đã đánh sập hoàn toàn hai ngôi nhà của anh Mai Xuân Hợi (con trai bà Thuận) và nhà của mẹ chồng mình là bà Thuận. Hiện bà Thuận, anh Hợi và cháu Mai Thị Mỹ Linh (con gái anh Hợi) đang nằm viện với các chấn thương rất nặng, đặc biệt là chấn thương sọ não và có người đã được mổ não. Khả năng vượt qua cơn nguy kịch của bà Thuận và cháu Linh là hết sức mong manh…

Trận lốc xoáy và lũ lụt qua đi, người dân nơi đây nghèo lại càng nghèo hơn. Chân đi khập khiễng do bị mái tôn cứa vào, trưởng thôn Trần Ngọc Giới vẫn lặn lội đi thông báo cho người dân để nhận mì tôm và nước uống của các đơn vị cứu trợ. Khuôn mặt bơ phờ vì mệt mỏi, ông Giới cho biết: Hiện tại người dân nơi đây rất khó khăn về lương thực và nước uống, những người bị thương đang đi cấp cứu cũng không biết chết hay sống.

Những ai đến Quảng Sơn vào những ngày qua trong lòng đều quặn lên nỗi xót xa, do vậy hãy chung tay để giúp đỡ người dân nơi đây vượt qua khó khăn này.
Đức Thành

18 tháng 10, 2013

CÒN GÌ KHỐN KHỔ HƠN?.

Đào Tuấn FB - Sáng qua, thấy Báo Quảng Bình có bài trách móc có những cơ quan ở ngay chính Quảng Bình 2 năm giời “quay lưng” với lời kêu gọi góp Quỹ Vì người nghèo.

Nghĩ bụng, cái thằng mặt mày hung hãn cô hồn thế mà hãn trong sáng.

Là vì nhớ đến cái hôm thím Doan, trước Quốc hội thống thiết “Các đồng chí ơi. Ăn của dân không từ cái gì các đồng chí ạ!”.

29 hộ được làm nhà thì thằng Chủ tịch Mặt trận cấp xã ăn của dân đến 21 căn. Cái nhà lù lù ra đó mà nó còn xơi cả căn thì cái gì mà nó không ăn?..

Nghĩ bụng cái thằng nom thế mà ngu. Tự nhủ mài ngu thì cứ quỹ chứ bố đéo ngu nhé!.

Nhưng tối nay em rớt nước mắt.

Trên truyền hình quốc gia, một người mẹ già nói với các con thế này “Nếu nước lên cao quá thì mẹ sẽ bỏ tay ra. Mình mẹ trôi đi thôi nhé”. Bà cụ nói chuyện tử biệt sinh ly thản nhiên như không.

Nhưng rồi khi kể đến 2 con bò với một con heo bị trôi mất, bà cụ òa lên khóc nức nở.

Các đồng chí ạ, nông dân thì làm gì có tiền?.

Con bò con heo là cả hiện tại, là cả tương lai, là tiền ăn học cho con thơ, là tiền đau ốm cho cha già. Trôi đi coi như là mất hết!.

Thế nên đôi khi có những điều mình buộc phải tin, chứ không phải vì một thằng Chủ tịch Mặt trận mà mặc kệ đồng bào đang đói khổ, đang thèm đến từng miếng cơm.

Nhìn mà xem, còn gì khốn khổ hơn khi đồng bào phải chạy lụt cho ngay cả những người đã khuất.
-----------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt.

17 tháng 10, 2013

NƯỚC CHẠM MÁI NHÀ, NGƯỜI DÂN HƯƠNG KHÊ (HÀ TĨNH) ĐÓI - RÉT

 














Nguồn hình: TTO

TRƯỜNG MẦM NON SẬP DO BÃO, 98 TRẺ EM PHẢI ĐI HỌC NHỜ

QBĐT - Từ sau khi bão số 10 đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình, 98 em học sinh Mầm non tại điểm Trường thôn Phúc Kiều (xã Quảng Tùng,huyện Quảng Trạch) phải chuyển qua học tạm tại Hội trường thôn do trường học trước đó đã bị bão xô đổ.

Hội trường thôn nằm cách điểm trường này không xa, nhưng chật chội và nóng bức. Tại điểm trường cũ hiện tại chỉ còn 4 bức tường. Mái và phần nối mái cùng bàn ghế, đồ dùng đã bị bão phá hỏng.

Cô Nguyễn Nữ Tri Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Tùng cho biết: Riêng điểm trường này tổng thiệt hại  hơn 2 tỷ đồng.

Huyện Quảng Trạch cũng đánh giá đây là trường học bị thiệt hại nặng nhất trong cơn bão.

Được biết, Trường mầm non xã Quảng Tùng có 4 điểm trường tại 4 thôn Sơn Tùng, Phúc Kiều, Di Luân, Di Lộc, với tổng số 324 học sinh.

Điểm trường tại thôn Phúc Kiều được xây dựng vào năm 2011 với 4 phòng học, nhà xe, nhà bếp, giếng nước. Đầu năm 2013, nhà trường đã xây thêm 1 phòng học nữa để đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng học sinh.

Lan Chi

ÁO XANH ĐÁNH GIẶC LŨ

Lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong việc cứu dân, sơ tán dân, khắc phục hậu quả lũ lụt. Ở các địa phương, mọi lực lượng như BCHQS, Biên phòng, Công an đều đưa xuồng, người lái và lực lượng cứu hộ tới các vùng ngập khó cứu dân (tỉnh Hà Tĩnh, mỗi lực lượng được lệnh xuất 3 xuồng cứu hộ, hoạt động tại 1 khu vực huyện). Tại một số địa phương khác, lực lượng Quân đội còn sử dụng xe lội nước để cứu dân...

Hình ảnh được đăng tải trên Báo Quảng Bình, Báo Hà Tĩnh (ĐÂYĐÂY), một số PTTTĐC khác và FB cá nhân GM 

VKSND TỈNH QUẢNG BÌNH 2 NĂM LIỀN "TRỐN" QUỸ "VÌ NGƯỜI NGHÈO"

QBĐT - Theo thống kê của UBMTTQVN tỉnh Quảng Bình, năm 2012 (tính từ thời điểm tháng 10-2012 đến nay), có tới 65 đơn vị không tham gia (quyên góp Quỹ "Vì Người nghèo"), trong đó có nhiều đơn vị hành chính và không ít doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh 2 năm liền "quay lưng" với lời kêu gọi của UBMTTQVN tỉnh, mặc dù đã có công văn nhắc nhở
***
Từ nhiều năm qua, truyền thống "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều"... đã được khơi dậy mạnh mẽ ở tỉnh ta.

Có thể nói, phần lớn người nghèo và những cảnh đời bất hạnh đã được cộng đồng chia sẻ, dù ít hay nhiều, bằng cách này hay cách nọ.

Chỉ nói riêng phong trào quyên góp Quỹ "Vì người nghèo", từ đầu năm 2012 đến nay, cả tỉnh đã tiếp nhận gần 62 tỉ đồng ủng hộ từ các nhà hảo tâm trong nước và trong tỉnh.

Trong đó, có những đơn vị có truyền thống làm tốt công tác từ thiện xã hội như Cty Cao su Việt Trung, BIDV Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Chi nhánh Ngân hàng TMCP ngoại thương Quảng Bình...

Những nghĩa cử tốt đẹp trên đã giúp rất nhiều hộ nghèo có nhà ở, thoát khỏi bệnh tật, phát triển sản xuất...; hay đơn giản chỉ là một suất quà nhỏ nhưng đã giúp họ ấm lòng hơn trong ngày Tết...

Đáng buồn là, trong lúc phần lớn các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị hưởng lương từ ngân sách, các hộ tiểu thương và hầu hết các hộ dân đã thoát khỏi cảnh nghèo trong toàn tỉnh rất tích cực tham gia ủng hộ Quỹ "Vì Người nghèo", thì vẫn còn những đơn vị, doanh nghiệp... làm ngơ!

Theo thống kê của UBMTTQVN tỉnh, năm 2012 (tính từ thời điểm tháng 10-2012 đến nay), có tới 65 đơn vị không tham gia, trong đó có nhiều đơn vị hành chính và không ít doanh nghiệp.

Chẳng hạn, VKSND tỉnh 2 năm liền "quay lưng" với lời kêu gọi của UBMTTQVN tỉnh, mặc dù đã có công văn nhắc nhở.

Hay các đơn vị khác như Bệnh viện Y học cổ truyền, Ban Quản lý chuyên ngành GTVT, Chi nhánh điện cao thế Quảng Bình, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn, Chi nhánh ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn-Quảng Bình... cũng vậy.

Vẫn biết, ủng hộ người nghèo là tự nguyện chứ không bắt buộc.

Nhưng trong khi cả xã hội cùng hướng về họ với nhiều nỗ lực khác nhau, coi đó vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm, thì việc vẫn còn không ít người đang dửng dưng với những cảnh đời khốn khó, xem ra thật khó lòng chấp nhận!.

Cớ sao lại tự làm "nghèo" mình như thế?..

PV
----------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại.
* Hình ảnh minh họa đã được đăng tải trên Báo Quảng Bình và các PTTTĐC khác.

16 tháng 10, 2013

MỚI TÌM THẤY THI THỂ 1 CÔ GIÁO BỊ LŨ CUỐN TRÔI

QBĐT - Chiều 16/10/2013, thi thể của cô giáo Nguyễn Thị Lộc, giáo viên Trường Tiểu học Liên Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã được tìm thấy cách vị trí bị nạn khoảng 300 mét.

Sau đó, thi thể cô Lộc đã được đưa về cho gia đình an táng.

Hiện còn một cô giáo khác là cô Nguyễn Thị Đinh Hương, đang mang thai cũng đang mất tích tại vị trí nói trên. Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm.

Được biết, cô Lộc nhà ở xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới. Cô có một con đang học lớp 5. Cả hai cô đều ở nội trú trong trường.

Vào sáng cùng ngày, nước lũ lên nhanh, trường được nghỉ, hai cô cùng nhau chạy xe về nhà. Khi qua đoạn tràn thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) thì bị nước cuốn trôi.

Lan Chi                                                                                          

QUẢNG BÌNH QUÊ TA ƠI?..

Hình ảnh mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình, do các Phóng viên Báo Quảng Bình thực hiện (Nguồn)


Nguồn: