14 tháng 3, 2013

VIẾT CHO CON GÁI, TỪ TRƯỜNG SA


Trường Sa, ngày 24/4/2008

Con gái yêu của Ba!

Ba đang ở đảo Cô Lin - nơi gọi là đảo chìm, nằm trên rặng san hô xa tít, thăm thẳm và xung quanh mây trời.

Nơi đây đúng 20 năm trước, 64 chú – bác bộ đội Hải quân đã hy sinh.

Gọi là hy sinh theo đúng câu chữ trong văn phạm và những giấy tờ hay trong các buổi lễ nghĩa.

Chứ nói đúng ra, các chú, các bác ấy bị lính Trung Quốc giết chết bằng đạn tiểu liên AK bắn gần, bởi lưỡi lê sắc nhọn, bởi báng súng nặng trịch và đại đa số đều chìm xuống biển, mất xác.

Các chú, các bác ấy nằm xuống cũng chỉ vì cái dải san hô xanh thẳm, xa hút trước mặt ba và con, nếu chỉ nhìn trên bản đồ trong google và dù có phóng to đến cỡ nào thì con cũng khó mường tượng ra, để rồi con sẽ hỏi: “Chỗ đó là gì?”.

"Chỗ đó" là đất đai của Tổ quốc mình, con ạ!.

Con chưa hiểu thế nào là Tổ quốc, bởi con còn bé lắm chưa học đến những bài văn, thơ trong sách Tiếng Việt nên chưa hiểu được.

Thế nhưng, có bao nhiêu người quyền cao chức trọng, giàu có, cũng chẳng hiểu được khái niệm Tổ quốc.

Mù mờ và hồn nhiên, nhiều người còn ví: Tổ quốc chỉ đơn giản là những đêm hát Karaoke, đám con trai – con gái ôm nhau gào lên bài hát cách mạng hoành tráng trong hơi bia rượu, thuốc lá ngoại sặc sụa…

Buồn cười thế đấy nhưng đó lại là sự thật. Ba chợt nhận ra vậy bởi những ngày sống ở đất liền, Ba cứ cắm đầu vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo làm tròn trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ.

Việc viết lách luôn nhìn thấy mặt trái của cuộc sống và cũng luôn thất vọng, cay nghiệt. Hở ra một chút là thở dốc, là ngủ vùi để sang hôm sau lại sấp ngửa đi làm, lo toan bề bộn.

Nhiều lúc, Ba cứ nghĩ mình là cái máy, chỉ biết làm việc, làm việc và làm việc.

Thế nhưng đến hôm nay, khi đã lênh đênh cả tuần trên biển.

Mở mắt là thấy biển, quay sang 4 phía đều thấy biển.

Đi ngủ ban đêm, tỉnh giấc tưởng có con đạp chân vào mặt ba cũng thấy biển.

Biển ngoài này xanh biếc hoà với trong vắt mây trời, mặn mòi mùi gió, Ba mới thấm thía thế nào là Tổ quốc.

Tổ quốc đơn giản chỉ là bình minh đỏ rực trên đảo Song Tử, nơi có cây đèn biển nhẫn nại cả đêm chớp mắt sáng cho những con tàu tỏ đường thông lối.

Tổ quốc là màu xanh của biển cả dưới mạn tàu, nơi có những con cá chuồn thấy động, bay vút lên đầu ngọn sóng như thể mơ ước bay cao, bay xa cùng cánh hải âu bàng bạc.

Tổ quốc là hòn đảo nhỏ, nơi có các chú bộ đội ở cùng quê mình, cùng giọng nói nhà mình, có vợ và em bé cũng ở gần nhà mình.

Tổ quốc là nơi có màu xanh của câu phong ba, cây bàng vuông, cây tra biển trổ hoa trắng tinh, toả màu hương ngan ngát…

Xa hơn nữa, ba thấy Tổ quốc của mình ở góc phố Hà Nội, nơi đấy Ba thường ngồi đánh vật với câu chữ đến đêm khuay, nơi có 2 mặt trời nhỏ là con và em Khoai say nồng trong giấc ngủ thiên thân...

Tổ quốc gần gũi và thân thương, như thể những người gần nhất, cạnh bên nhất và bình dị nhất và không thể thiếu được, ở ngay bên mình, trong nhà mình con ạ!..

Ở đảo chìm Cô Lin này, qua mắt thường và qua độ zoom của ống kính máy ảnh Nhật (một cường quốc đã từng thua trận trên đất nước mình), Ba nhìn thấy chiếc tàu hiện đại của Trung Quốc đang ngang nhiên án ngữ trên biển.

Chiếc tàu ấy lớn quá, hiện đại quá. Nhưng dù có lớn và hiện đại thế nào thì nó cũng giống như chiếc tàu buôn gắn đại bác của Tây Dương đã từng lừng lững tiến vào Sài Gòn, khiến bao nhiêu người Việt mình khiếp đảm về cái gọi là “văn minh phương Tây” khi ấy.

Ban đầu là sợ, nhưng rút cục, những người Việt vẫn đánh chìm những thứ của “văn minh phương Tây” kềnh càng ấy.

Ông cha mình là vậy, Tổ quốc mình là vậy và những người Việt chân chính của chúng ta là vậy.

Hôm nay chúng ta có thể choáng ngợp, có thể ngập ngừng vì cái gọi là “định hướng”, đã ngăn cản ý nghĩ, việc làm của người ta.

Nhưng rút cục, cái cũ cũng sẽ bị đào thải để nhường chỗ cho những điều mới mẻ…

Cái mới ấy, đơn giản là Ba muốn kể cho con gái yêu và rất mực thông minh của Ba.

Không lâu nữa, con sẽ cùng bạn bè chế tạo ra những con tàu hiện đại hơn, hoành tráng hơn để đánh đuổi những con tàu đang chắn trước mặt Ba và đồng độ của Ba hôm nay.

Con và bạn bè sẽ khẳng định được vị thế Tổ quốc, để không phải quỵ luỵ, nhường nhịn và nuốt nước mắt khi những người con lính bị bắn chết, bị đâm chết bằng lưỡi lê, bị ngắt quãng tuổi thanh xuân 19-20 bằng dao găm oan nghiệt…

Máu nào chẳng đỏ, nước mắt nào chẳng trong.

Ba hiểu điều ấy bởi ba đã gặp những người mẹ ở Quảng Bình - những người đẻ ra các chú, các bác đã nằm xuống ở ngay trên vùng biển Ba đang neo tàu.

Người mẹ nào chẳng xót xa, chẳng vật vã và không thể sống yên hàn khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại hy sinh, khi vẫn còn qúa trẻ.

Càng không thể sống nổi khi những giọt máu đó chết vùi trong lòng biển vì đạn quân dụng, vì lưỡi lê, vì dao găm của những kẻ đang nhơn nhơn tươi cười trên màn hình tivi mỗi ngày, mỗi đêm…

Thế mới biết nỗi đau câm lặng, nén lại là đáng kính phục con ạ.

Như Ba - Đã từng câm lặng trước ngôi nhà dột nát, hoang tàn của bà mẹ Quảng Bình có người con độc nhất hy sinh trên vùng biển Trường Sa này.

Những lúc ấy, Ba chỉ nghĩ: Con phải học tốt hơn, giỏi hơn để Ba mẹ không tủi hổ, để những người con đất Việt không xấu hổ ngậm đắng nuốt cay và con sẽ giỏi để làm tiếp những gì mà ba và bè bạn của Ba đã, đang và sẽ làm cho đất nước này; cho Tổ quốc này và cho vùng biển đảo thân thương nơi xa tít, thăm thẳm này.

Con gái yêu của Ba nhé!..

Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma
12 giờ 2 phút ngày 24/4/2008 (trước lúc làm lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14-3-1988)

Ở QUY NHƠN CÓ QUÁN PHỞ "TRƯỜNG SA"...

Mai Thanh Hải - Buổi sáng, Thành - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) nhắn tin: "Sáng nay, anh Thoa vẫn bán phở bình thường và buổi chiều, anh ấy nói sẽ thắp hương cho đồng đội hy sinh ngày 14/3/1988".

Mình đọc xong, tự dưng cứ thần người, chả biết nên nhắn lại động viên Thành và anh Thoa thế nào.

Lê Minh Thoa quê ở Bình An, Tây Sơn, Bình Định. Học xong phổ thông, Thoa nhập ngũ và được cử đi học chuyên ngành máy tàu tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân (Phường Cát Lái, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh).

Đầu tháng 3/1988, khi Chiếc dịch CQ-88 đi vào chặng nước rút, Lê Minh Thoa theo tàu vận tải HQ-604 của Lữ đoàn 125 ra làm nhiệm vụ xây dựng - bảo vệ chủ quyền ngoài đảo Trường Sa.

Trận chiến đấu sáng ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma, tàu vận tải HQ-604 bị các tàu chiến đấu của Trung Quốc bắn chìm khi đang thả neo cho Phân đội Công binh Trung đoàn 83 bốc dỡ vật liệu xây dựng xuống đảo.

Khi đó, Thoa đang làm việc trong hầm máy, nghe súng nổ dữ dội, tàu nghiêng mạn, nước tràn vào ào ạt (do đạn pháo xuyên thủng), vội chạy lên boong và chứng kiến cảnh các thủy thủ trên tàu bị chết, bị thương nằm la liệt, một số khác bị rơi xuống biển nhưng cũng bị trúng đạn của Trung Quốc, trên đảo chìm Gạc Ma.

Cả Phân đội Công binh Hải quân và tổ chốt giữ đảo cũng trần lưng hứng đạn pháo của địch...

Tàu HQ-604 chìm hẳn, Lê Minh Thoa ngụp lặn dưới biển, may mắn túm được quả bí ngô (thực phẩm dự trữ trên tàu) làm phao cứu sinh.

Lúc này, trên vùng biển vẫn còn 1 số cán bộ chiến sĩ tàu HQ-604 và Công binh Hải quân sống sót, cuống cuồng tìm mọi thứ bấu víu, la hét.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực tìm sự sống của bộ đội đều vô ích bởi tàu chiến Trung Quốc thả xuồng, cho lính ngồi trên dùng câu liêm, lưỡi lê phi, đâm thẳng vào những người sống sót.

Lê Minh Thoa thoát được do mỗi lần xuồng địch đến gần, lại lặn xuống, tay vẫn túm chặt cuống quả bí ngô và tới ngày hôm sau, mới được tàu Trung Quốc quay lại, vớt lên bắt làm tù binh.

Thoa là 1 trong 9 người lính Hải quân tham gia trận 14/3/1988 bị Trung Quốc bắt giam, đánh đập, tra khảo và hành hạ trong suốt 4 năm trời. Mãi đến 1992, cả 9 người lính mới được phía Trung Quốc trao trả tại Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và được đưa về nghỉ ngơi - hồi phục tại Trại An dưỡng của Quân chủng Hải quân, tại Quảng Ninh.

Hết những ngày an dưỡng, Thoa xin được ở lại phục vụ quân đội và được chuyển công tác về Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân.

Thế nhưng hành trình tìm về cuộc sống thực của Thoa mới thực cam go và vất vả.

Ra quân theo chế độ, gọi là "một cục" đấy nhưng cũng chả thấm vào đâu.

Thoa quyết định vào TP.Hồ Chí Minh kiếm sống, bằng thứ nghề rất trái, nhưng chỉ có thể kiếm được suất cơm - cốc trà đá khi ấy: Xe ôm.

Khốn nỗi Sài Gòn đất chật người đông, nghề gì - chỗ nào cũng phải giành giật nhau để sống, quá xa lạ với người lính biển như Thoa.

Đứng đầu đường đợi khách, khuôn mặt hiền khô - lớ ngớ, lại cộng thêm giọng Bình Định nặng trịch của Thoa trở thành "mục tiêu" cho những người làm công tác trật tự hè phố xua đuổi, bắt bớ.

Thêm nữa, những "đồng nghiệp" xe ôm cũng chả muốn miếng cơm của mình bị cướp mất, nên hè nhau bắt nạt - đánh đuổi.

Thoa chuyển sang chạy xe ban đêm, hú họa đón khách trên những con đường xa vắng, hun hút đèn vàng.

"Ngủ ngày, cày đêm" - Thói sinh hoạt khác thường của Thoa, cộng với vẻ mặt ngơ ngác - rụt rè, đã khiến bà chủ nhà trọ sinh nghi và sau một thời gian theo dõi, bà chủ te tái lên Công an Phường báo cáo "hành tung bất thường".

Ngay lập tức, một tốp Cảnh sát ngồi xe Zeep lao ngay xuống nhà trọ, xông vào tra hỏi.

Khổ nỗi lúc ấy, Thoa chỉ có mỗi cái Chứng minh thư nhân dân đã cũ, chả có gì chứng nhận là quân nhân - bộ đội, nên người chỉ huy Công an Phường ra lệnh lục soát đồ đạc.

Lục tung chiếc hòm tôn mang về từ những ngày sống trong doanh trại, Công an Phường lôi dưới đáy lên cả tập... những Huân huy chương, từ Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì - hạng Ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng cho Trung úy Lê Minh Thoa do "Đã có thành tích phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam" cho đến Huân chương Chiến công hạng Ba, do Chủ tịch nước Võ Chí Công tặng cho Trung sĩ Lê Minh Thoa, ngay cuối tháng 12/1988 do "đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa", những chiến sĩ Công an mới sững sờ, buông tay câm lặng.

Thoa kể: "Người chỉ huy tổ công tác của Công an phường hôm ấy đã không nén nổi, trừng mắt quát bà chủ: Bà có biết đây là ai không?." và bùi ngùi: "Sau đó, chính người chỉ huy Công an Phường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi được... hành nghề xe ôm ban ngày, ở chỗ tốt nhất trong địa bàn. Lâu quá rồi, không nhớ tên người chỉ huy ấy, để cảm ơn!"...

Dẫu "làm ăn tốt", nhưng rồi Thoa vẫn phải về quê cưới vợ, theo tâm nguyện của bố mẹ già.

Số phận đưa đẩy, Thoa lấy được cô vợ ở TP.Nha Trang và mang số tiền chế độ, vay mượn bà con để có gian hàng nhỏ, bán đồ lặt vặt trong Chợ Đầm.

Cuộc đời nghiệt ngã, một lần nữa lại chơi trò may rủi với người cựu binh Trường Sa: Vài năm chung sống vợ chồng, cô vợ sinh cho Thoa 2 cô con gái và 1 cậu con trai kháu khỉnh, nhưng vướng vào hụi họ, mất sạch và cô vợ đâm đơn ly hôn, bỏ đi biệt tích, để lại đứa con thứ 3, mới 4 tháng tuổi, vẫn còn bú mẹ.

Không còn đất sống, Thoa mang đứa con còn ẵm ngửa về lại Bình Định, xin làm chân phụ bếp cho 1 nhà hàng tại TP. Quy Nhơn. Đi làm từ sáng đến đêm, con út phải gửi bà hàng xóm thuê giữ, nên khi có người... để ý, đến "tâm sự" với bạn gái, Thoa cũng lúc lỉu khoác con trước ngực, với bình sữa đút trong túi quần, kèm theo.

Chả hiểu vì duyên số tiền định hay quá ấn tượng với hình ảnh gà trống mướt mải chăm con, mà cô gái ở TP. Quy Nhơn tên Trần Thị Thu Hà đã vượt qua mọi lời dèm pha, châm chọc, đồng ý lấy Thoa và dĩ nhiên, nuôi cả đứa con, vốn không phải do mình dứt ruột sinh ra.

Bây giờ, gia đình nhỏ của Thoa đã có thêm 1 cậu con trai, thành 4.

Mình đi qua Bình Định, rẽ vào thăm cựu binh Lê Minh Thoa. Căn nhà bé tý mang số 5D, chừng 15m2 mà vợ chồng Thoa sống cùng bố mẹ vợ, nem nép nằm bên hè phố Tăng Bạt Hổ (TP. Quy Nhơn, Bình Định), dưới vòm cây trứng cá rung lá, đón gió lành luồn qua góc phố, vào từ biển.

Mấy năm, từ khi lấy vợ, Thoa sống bằng cái nghề chẳng liên quan đến tàu bè, súng pháo đã học và quen thuộc trong mười năm quân ngũ, đeo đến cấp hàm Trung úy QNCN: Bán phở - luộc ốc.

Tờ mờ sáng, cả nhà đã dậy, kê bàn ghế, dọn bát đũa bán phỏ - mì cho bà con lối xóm. Buổi trưa nghỉ khoảng tiếng đồng hồ. Đầu giờ chiều lại lụi hụi luộc ốc, pha mắm, loanh quanh bên rổ ốc, bụng thầm mong bán hết vào cữ đêm, để khỏi phải mút ốc trừ cơm...

Mình vào Quy Nhơn, anh Thoa bỏ việc bán phở, ra ngồi với mình và Tường Thành, Nhà báo Mai Thìn (Đài PTTH Bình Định), Nhà văn Lê Hoài Lương (Hội VHNT Bình Định), ngồi ven bờ biển nhìn ra tượng đài Trần Hưng Đạo, vươn tay chỉ ra biển chỉ huy thủy quân và nghe hồi ức của anh Thoa, đúng ngày 14/3/1988, ngập tràn máu và nước mắt giữa biển thăm thẳm hút sâu.

Thoa buồn buồn: "Bao năm quân ngũ, vẫn trau dồi binh nghiệp bằng công việc làm Bảo vệ Dân phố, với mức phụ cấp hơn 100.000 đồng, mỗi tháng" và sâu mắt nhìn ra biển, bùi ngùi: "Chỉ mong được 1 lần ra lại Trường Sa, thăm chiến trường xưa đổ mắt và thắp hương cho đồng đội, dù phải bỏ bán phở - bán ốc, cũng đặng lòng!"...

Nghe vậy, mấy anh em tụi mình chỉ biết im lặng: Đến mấy tấm Giấy chứng nhận Huân huy chương, cũng phải cuốn lại trong túi nilong vì không có tiền mua khung gỗ, ép lại treo trên tường như những người khác, nữa là?..

Thế nhưng có điều mình chắc chắn: Nếu những người dân Quy Nhơn biết rằng ngay bên cạnh họ, có những người lính như anh Thoa, đổ máu để chiến đấu giữ Trường Sa và hiện đang nuốt mọi tâm trạng vào sâu trong tim, để gắng sống bình thường trong nỗi lo cơm áo, thì họ sẽ đến với anh, ăn 1 bát phở, nhấm 1 đĩa ốc, cho anh có thời gian nằm ngủ, đỡ phải díp mắt ngủ gật ế hàng...

Và lúc ấy, biết đâu cái hàng ăn bé li ti ở số 5D - Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn (Bình Định), lại được truyền nhau bằng cái tên, kiểu như "Quán phở Trường Sa", thì vui biết bao nhiêu?..

Ước mơ vậy, có quá lớn không, anh Lê Minh Thoa nhỉ?..












13 tháng 3, 2013

MUỐI RẤT MẶN, Ở AN BANG

Mai Thanh Hải - Mình kể lại chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương "đào ngũ" khỏi Trường Sa và nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc, qua comment, email, điện thoại.

Một chị ở Bình Dương có chồng đóng quân ngoài đảo An Bang, kể: Cuối tháng 3 vừa rồi, anh chồng nghe tin có đoàn Bình Dương ra thăm, cứ thấp thỏm đợi các đồng hương.

Sau nghe tin Bình Dương không ra, mấy anh em cùng quê buồn hẳn, ghen tỵ ra mặt với anh em quê TP. Hồ Chí Minh, có đến mấy đoàn đạp bão gió, ra tận nơi, thăm mọi ngóc ngách của đảo

Hôm rồi, có 1 Đoàn cao cấp của Bộ T... ra thăm đảo (điểm khó tiếp cận nhất Trường Sa), anh chồng cùng anh em lái xuồng, quanh co gần 1 tiếng đồng hồ mới lên được. Anh em đưa xuồng lên bãi cát, vội vã về phòng thay quân phục khô ráo ra nói chuyện, giao lưu với khách và nghe Văn công hát.

Thế nhưng nói chưa hết câu chuyện, bộ đội mới nghe được đúng 1 bài hát, thì các bác cao cấp Bộ T đã đứng dậy... đòi về.

Anh em lại phải thay quần áo công tác, huy động bộ đội toàn đảo giữ xuồng, chắn sóng, lạch tạch cả tiếng đồng hồ, đưa các bác ra lại tàu đậu phía ngoài. 

Anh chồng ngoài đảo tâm sự qua điện thoại với chị vợ: "Sao các bác nhạt quá?. Chả hiểu cho bộ đội, mong ngóng có đoàn ra để được giao lưu, được nghe hát. Vậy mà chả ai quan tâm hỏi han gì, trao được mấy gói bánh quy rồi về!"...

Mình nghe xong chuyện của anh chị, cũng chẳng biết nói thêm gì, ngoài câu: "Đó chỉ là số rất ít, những người thờ ơ với Tổ quốc, đồng bào!" và cứ quay quắt với mặn mòi An Bang.

An Bang - Đảo mang cái tên nghe cứ hun hút ấy nằm ở 7 độ 52’ 10” vĩ độ Bắc, 112 độ 54’ 42” kinh độ Đông.

Đảo nằm tận cùng phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Thuyền Chài 22 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Trường Sa 72 hải lý về phía Đông Nam.

Đảo nằm trên nền bãi san hô ngập nước, cấu trúc của đảo như một cây nấm san hô khổng lồ tạo nên.

Do đó khi đào công sự, bộ đội thường gặp những chỗ võng nước. Thuỷ triều lên, các hầm hào công sự rất dễ bị ngập nước.

Bờ đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng cao 2m. Bờ Bắc, Đông và Tây của đảo là những bãi cát hẹp.

Đây là đảo nhỏ chạy dài theo hướng Bắc Nam. Hàng năm từ tháng 4-7 mùa gió Tây Nam, bờ Nam của đảo được bồi thêm một bãi cát dài, từ mép nước bãi cát này đến rìa ngoài bãi san hô ngập nước khoảng 30m.

Do cấu trúc san hô của đảo An Bang dựng đứng nên 4 mùa sóng vỗ,  việc ra vào đảo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ  đã không thể vào được đảo.

Ra với An Bang dịp biển lặng tháng 4- 5, việc vào đảo cũng không hề đơn giản.

"Đặc sản" của An Bang là sóng dữ.

Có khi vài chục bộ đội trai tráng, khỏe mạnh đánh vật với cái xuồng, nhưng cũng chả giữ được xuồng đứng yên cho người nhảy xuống, mà thậm chí còn bị sóng tạt, đến đứt cả chân.

Thế nhưng chỉ cần ào 1 cái là cái xuồng đã bị sóng đánh bay vèo phát, nằm gọn gàng trên bãi cát, để lại trong lòng xuồng mấy chục khuôn mặt khách khứa từ đất lền thất thần, ngơ ngác, xanh như tàu lá và... nôn ọe ầm ĩ.

Cũng như đảo Phan Vinh, trên đảo An Bang không có giếng nước ngọt, chất đất là cát sạn, san hô nên trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn.
 Trước sự khắc nghiệt đó, bộ đội trên đảo An Bang đã phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để trồng cây.

Đảo đã không phụ công người, trải qua hơn 3 thập kỷ cải tạo, đảo An Bang từ đảo bãi đá san hô trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây bàng vuông, phong ba, muống biển... 

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi rõ: Đầu tháng 3/1978 tình hình khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Trung đoàn 146 (nay là Lữ đoàn 146, Đoàn Trường Sa) đã cử đồng chí Cao Anh Đăng làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Nguyễn Mã làm Phó chỉ huy cùng với cán bộ, chiến sỹ đặc công Đoàn 126 hành trình theo tàu HQ-601.

Đúng 20 giờ ngày 10/3/1978 ta đã triển khai xong nhiệm vụ đóng giữ đảo.

Tháng 11/1978, Hải quân Malaixia đã cho tàu chiến đấu vây ép đảo An Bang trong suốt 11 ngày đêm, nhưng cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, không sợ hy sinh, kiên quyết bám trận địa  sẵn sàng chiến đấu cao, bình tĩnh đối phó với địch, buộc chúng phải rút khỏi khu vực.
***

Mùa biển lặng này, An Bang ở nơi tít tắp xa xôi nên không có nhiều Đoàn ra thăm như Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Nhưng chắc chắn một điều, An Bang luôn là dấu son trong ký ức của những người đã một lần đến với đảo.

Cũng như câu hát hôm rồi, mình nghe Bình, Chính trị viên HQ-936 hòa tiếng ghi ta bập bùng trước mũi tàu, dưới đêm trăng vằng vặc: "Ơi Sinh Tồn ơi, An Bang hay Thuyền Chài. Đồng đội tôi canh giữ suốt bao năm" khiến cả bọn nhoài ra mạn tàu, ngóng mắt về chấm đèn biển chớp mắt đưa đường.

Sống ở biển, nhất là nơi tận cùng phía Nam quần đảo, không chỉ nước mà gió cũng mặn, nên bộ đội quen với mặn mòi. Thế nên đồng đội người Bình Dương, đừng vì "vài bác nhạt nhẽo" mà tủi buồn nhé!..

Cả nước vẫn mặn mòi, sẻ chia và thương nhớ với những người con máu đỏ da vàng giữ đảo, ở nơi mang tên An Bang tít tắp, xa xôi...

Phản hồi của độc giả và người trong cuộc:

- "Chuyến đi của các bác Bộ T... khởi hành ngày 28/4/2012, kế hoạch lúc đầu là 6/5/2012 về, nhưng các bác ấy đòi rút bớt 1 ngày, hôm nay đã về bờ rồi. Thời gian bị rút ngắn, trừ hơn 3 ngày đi về, chỉ còn hơn 4 ngày thăm 10 điểm đảo và DK1. Các bác cưỡi ngựa xem hoa, muốn đi ít ngày nhưng xem được nhiều hoa, mới nên nỗi!"

- "Công bằng mà nói, đoàn đó đông, lên An Bang vất vả, mất nhiều thời gian. Từ khi người đầu tiên lên được đảo đến khi người cuối cùng từ đảo về tàu cũng mất vài ba tiếng. Lẽ ra đoàn công tác nên dành nhiều thời gian cho An Bang hơn".

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Kéo xuồng thắng sóng
Đã đưa xuồng lên với đảo
Chiến thắng
Sóng vẫn cố vớt vát kéo lại xuồng
Tường bê tông chắn sóng, cho đảo bình yên
Hải đăng An Bang phía cuối đảo
Cổng vào đảo
Tuổi còn trẻ con đấy, nhưng vẫn lặn lội ra với An Bang (ảnh: Phạm Thái)
Đẩy xuồng, đưa khách về tàu
Sóng tràn lên, chỗ 2 chàng lính giả vờ... đọc thư
Cả đảo cùng chào

11 tháng 3, 2013

THÁNG BA HOA GẠO SÔNG ĐÀ

Mai Thanh Hải - Người U Ní ở vùng biên giới Bát Xát, Lào Cai ít khi nhắc lại việc mình được đổi tên là dân tộc Hà Nhì. Lý do rất đơn giản: Họ muốn giữ tên dòng họ để bảo vệ, nuôi dưỡng huyền thoại về cây mộc miên (cây gạo) - linh hồn của người anh hùng nơi biên giới.

Chuyện ngày xưa kể lại rằng: Xưa kia, vùng đất địa đầu của người U Ní, đêm đêm thường bị kẻ thù xâm lấn. Chúng kéo nhau lẻn sang, nhổ những chiếc cột mốc biên giới, cắm sâu sang bên địa phận của người U Ní, để hòng xâm lấn đất đai của người U Ní,

Những người con trai, con gái của dòng tộc U Ní đã bao đời anh dũng chiến đấu, đến hơi thở cuối cùng với lời nguyền “Nếu hy sinh, sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được”.

Trời cao đã nghe thấy được những lời nguyền và gieo xuống phía bên này cột mốc biên giới, những hạt giống cây gạo.

Những cây gạo ở đây có sức chịu đựng sương gió, thời tiết khắc nghiệt phi thường và cứ mọc, nở hoa đỏ rực rỡ dài suốt theo đuờng biên giới.

Lên Bát Xát mới thấy: Không ở đâu có những bông hoa gạo nở to và rực rỡ như nơi đây.

Những bông hoa có đường kính như cái bát ăn cơm, 5 cánh xoè rộng, xoay như chong chóng rơi lã chã như những đốm lửa xẹt vào không gian.

Đặc biệt, hoa gạo chỉ mọc ở phần đất đường biên của người U Ní. Còn phía bên kia biên giới, tuyệt nhiên không có bóng dáng cây gạo.

Những người già của tộc người U Ní kể: Mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ni, những bông gạo lại rơi và cháy loá, khiến quân thù tưởng đó là linh hồn của những người lính U Ni hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ni thoát khỏi chiến tranh.

Có lẽ từ đó mà có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo”. Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc, thì vua Nam Việt là Triệu Đà đã tặng một cây gạo cho vua của nhà Hán vào thế kỷ 2 TCN, từ đó Trung Quốc mới có hoa gạo.

Ở Bát Xát, khi người U Ní vùng biên bước ra khỏi căn nhà đất đầy kín, đặt vai vào cổ trâu, đi những đường cày đầu tiên... thì hoa gạo bắt đầu nở.
 Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa có cung màu đẹp tuyệt như ở đây: Trời xanh trong văn vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người nhìn được vào tận cõi vô cùng. Sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày... - Nhà văn Ma Văn Kháng đã sững sờ tả như vậy khi lên với Bát Xát năm 1979 - Năm Trung Quốc xua quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta và co kéo, nổ súng hòng chiếm đất của ta cả chục năm sau:

"Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp.

Trong cái ngẫu hứng tài tình của tự nhiên ấy, ta cứ nghĩ tới một sự sắp xếp cố tình của con người.

Ối chao! Thì ra thiên nhiên cũng muốn tham gia vào đời sống con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc. Mà còn bằng cây cỏ.

Và như vậy, những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức hẳn hoi trong việc xác định ranh giới Quốc gia..". - Khái niệm về cột mốc Quốc gia, biên cương Tổ quốc không "đao to búa lớn", ngôn từ tra từ điển cả ngày cũng chịu, mà đơn giản chỉ là những thân hoa gạo rực lửa.

Những tháng năm dọc ngang biên giới, cứ dịp cuối xuân - chớm hè, đến đâu lòng cũng rạo rực, rạng lên màu đỏ hoa gạo.Kết thúc những chuyến trèo đèo lội suối, về với đồng bằng, lại ấm lòng khi thấy bừng bừng sắc hoa đỏ.

Ở các vùng đồng bằng miền Bắc, đầu làng thường trồng cây gạo.

Vào độ cuối những ngày rét, cây gạo bắt đầu trút lá, khi chỉ còn trơ trọi những cành cây khẳng khiu, thì những nụ hoa bắt đầu nhú.

Hoa gạo rơi là cả một trời thơ mộng. Thiếu nữ thả hoa gạo xuống dòng sông, uớc mơ mình gặp được người anh hùng; đám trẻ con nhặt hoa gạo thổi tung lại lên trời để làm chong chóng…

Ngày cuối tuần, những người bạn thân đưa gia đình, cùng với gia đình mình về thăm nhà mình: Cái làng nhỏ nằm giữa trùng điệp bãi ngô xanh ngắt, bên sông Đà lặng lờ nước chảy và dịp này ngập trong tiếng ríu ran chim sáo, dưới bừng bừng màu hoa gạo ấm nóng, rừng rực...

Bỏ qua mọi ưu phiền, lo lắng và toan tính thường nhật, cả bọn kéo nhau ra cây gạo ngoài bãi, tán gạo đầu làng, vòm gạo bên vệ đường làng, lướt chân trần trên cỏ, ngả lưng trên xào xạc lá ngô, cảm nhận màu sắc - hương vị - không gian hoa gạo và chùng mắt, mềm cười nhìn lũ trẻ tung tăng bên thân cây xù xì, giữa thảm hoa rơi đỏ rực.

Cuộc sống, hình như cũng rất cần khoảng lặng thiên nhiên, quá khứ...

Hoa gạo trên biên cương là cột mốc biên giới.

Về làng, hoa gạo đứng đầu làng như một người lính gác ngày đêm, đưa tiễn bao lớp trai làng lên đường ra mặt trận, hay ra đi lập nghiệp xứ người cho thỏa chí trai, rồi lại lặng thầm đón họ về.

Chợt nhớ đến câu chuyện về những cây gạo trên Cao Bằng, mạn Quảng Uyên, Trùng Khánh, có Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ, chốt thác Bản Giốc… những bông gạo đỏ rừng rực cháy như khẳng định chủ quyền, như ghi màu máu của bao người trẻ đã ngã xuống bên cây, như niềm tin nhen nhóm và cháy lên bất tận.

Niềm tin ấy, không chỉ vững chãi nơi biên cương mà còn kéo dọc sông Đà, về đến tận làng mình...

Về làng ven sông, hình như hoa đỏ rực, như tình yêu nồng thắm dành cho Tổ quốc, trong tim những đứa trẻ dại khờ!..

10 tháng 3, 2013

LEN ĐAO - BAO NĂM RỒI CHONG MẮT?..

Mai Thanh Hải - Ở nhiều đảo chìm ngoài Trường Sa, khách được lên thăm các vọng gác trên nóc đảo, tinh ý sẽ thấy vài sợi dây ni lông chằng chịt trên chòi, treo đầy những vỏ hộp, ống bơ và chiến sĩ trực canh, khi nào cũng nắm tay lên sợi dây đó, nhất là khi trực canh ban đêm.

Lý do rất đơn giản nhưng cũng rất khốc liệt: Nếu trong trường hợp địch đánh chiếm đảo, tiêu diệt chiến sĩ trực canh bằng súng bắn tỉa, giảm thanh thì khi ngã xuống, ngón tay người lính vẫn kịp kéo dây, gây tiếng động báo cho đồng đội...

Trên vọng gác của đảo đá Len Đao, bao năm nay cũng có những sợi dây ni lông treo đầy vỏ hộp, ống bơ như thế.

1/ Đảo Len Đao cùng với 2 đảo đá Cô Lin và Gạc Ma (Gạc Ma hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nổi như 3 cạnh của hình tam giác, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo đường tiếp tế của Hải quân Việt Nam cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Căn cứ và tàu hộ vệ tên lửa trực của lính Trung Quốc trên đá Gạc Ma
Len Đao nằm ở vị trí 90 45’ 40” độ vĩ bắc; 1140 21’ 50” độ kinh đông, cách đảo Cô Lin 6,4 hải lý về phía Đông, cách đảo nổi Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía Đông Nam.

Đảo được hình thành nhờ bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý.

Bề mặt tương đối bằng phẳng, khi thuỷ triều xuống thấp bãi san hô nổi lên khoảng 0,5 m, khi thuỷ triều lên cao bãi ngập khoảng 1,8m chất đất chủ yếu là cát và đá san hô.

Bãi cát san hô quanh đảo lấy tâm là nhà lâu bền, cứ xoay một vòng là hết một năm. Vào tháng 3, tháng 4 gió mùa Đông Bắc bãi cát dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo.

Tàu Hộ vệ tên lửa của Trung Quốc tại khu vực biển Gạc Ma - Len Đao
Vào mùa gió Tây Nam bãi cát lại dịch chuyển về phía đông bắc của đảo. Hàng năm bãi cát càng nhiều nên thềm san hô dần mất đi do vậy việc đánh bắt hải sản của đảo gặp rất nhiều khó khăn.

2/ Nói đến Len Đao, không thể không nhắc đến Chiến dịch Bảo vệ chủ quyền năm 1988 (CQ-88) của Quân chủng Hải quân.

Những người lính biển vẫn nhớ: Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao, trước 6 giờ ngày 14/3/1988. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ sáng ngày 14/3/1988 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.

Ngay sau thời điểm này, ở phía Gạc Ma - Cô Lin, các tàu chiến đấu Trung Quốc đã bất ngờ nổ súng vào phân đội Công binh Hải quân đang xây dựng trên đảo Gạc Ma, bắn cháy - chìm 2 tàu vận tải của ta, làm 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân hy sinh, bắt sống 9 người và chiếm đảo Gạc Ma.
Leo Đao nhìn từ trên đường từ tàu vào

Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam khiến tàu bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3/1988.

Trước tình hình ngày càng phức tạp, yêu cầu giữ đảo ngày càng khẩn trương và bí mật, Đại tá Lê Văn Thư Chỉ huy trưởng Vùng 4 trực tiếp chỉ huy lực lượng xây dựng nhà cho đảo.

Ngày 9/7/1988, nhà đã làm xong và bàn giao cho cán bộ, chiến sỹ Len Đao bảo vệ đảo...

3/ Trước hôm tàu rời Quân cảng Cam Ranh, mình lếch thếch ra chợ Mỹ Ca mua cả chục kg ớt, chanh tươi, bưởi chua, đóng gói mang xuống tàu, khiến các chú đi lần đầu nhìn mình như thể nhìn mấy anh em cửu vạn ngoài chợ Long Biên.
Một phía của đảo

Lại thêm cả chục thùng rượu Vodka Men in dấu đỏ chót "Quà biếu tặng - Không được bán" của lão Kinh Kha từ Hưng Yên gửi tặng Đoàn Công tác và nếu có thể thì... nhấm nháy cho đảo chút tý ty (vì ngoài đó, lệnh cấm bia rượu ban hành từ lâu, được tuyệt đối chấp hành, chỉ được sử dụng chút chút dịp Lễ Tết gọi là, cho bộ đội đỡ nhớ nhà), được đóng gói kín mít trong túi bảo quản đen sì, nên đám tò mò "áo hoa quần màu", xoành xoạch chụp ảnh từ lúc mới đặt chân đến Cam Ranh, càng ngạc nhiên không hiểu.

Thế nhưng khi chuẩn bị vào Len Đao, thấy mình xách túi ớt, chanh, bưởi tươi xuống đảo, các anh chị "áo hoa quần màu" mới à lên, ra vẻ thông hiểu.

Mà có là đầu đất mới không hiểu là bộ đội đảo chìm thiếu cái gì, khi đóng quân ở cái nhà gọi là lâu bền cho oách, chứ thực ra là dạng lô cốt bê tông, nhô lên ở giữa biển xa kia.
Nấu nướng bằng bếp dầu
Ở đảo nổi đã cực, ở cái lô cốt xây trên bãi san hô ngập nước này, sự cùng cực còn tăng lên gấp vạn lần. Thứ duy nhất không phải chở từ đất liền ra là nắng, gió và không khí.

Thứ để nuôi sống con người, sau nữa là mấy con cá nhỏ lờ vờ mắc cạn ngay rìa đảo, được nhặt vội vàng khi nước rút chiều hôm.

Lạch tạch ngồi trên xuồng chuyển tải vào đảo, khối "áo hoa, quần màu" nghiêng hết mặt xuống biển, nhìn làn nước trong vắt, nhìn rõ đáy và hít hà chỉ trỏ san hô nhiều màu, ao ước có thể nạy được lên mang về Hà Nội ngắm chơi.

Ừ! Đẹp thế đấy, nhưng cái đẹp này không ăn được, không nuôi sống con người được và hôm nay nó vẫn còn đẹp, là phải đổi bằng máu - tính mạng của bao lính trẻ...

Mà đâu chỉ có máu đã đổ xuống, ngay lúc này những chủ đảo Len Đao cũng đang chắt máu mình vào cuộc sống thiếu thốn, gian truân mà không biết trước sẽ phải bỏ mạng, lúc nào.
Téc nước ngọt quý giá trên đảo

Cậu chiến sĩ người Ninh Thuận, ở Len Đao đã gần 1 năm nay khi thấy mình lọ mọ mở thùng nước dự trữ, biết ngay loại thổ công thổ địa nên cười tươi, hở răng trắng lóa: "Mấy hôm trước có mưa, tụi em bịt cả giao thông hào, lô cốt làm chỗ... trữ nước, nên các anh cứ yên tâm rửa tay!".

Nói thế chứ, ở ngoài này nước được ví như máu, họa có lơ đãng - vô tình đến cấp gần Trâu Quỳ, mới rửa mặt - kỳ chân bằng nước ngọt của lính, chỉ sau có chặng đường ngồi xuồng chuyển tải từ tàu vào đảo, như một số "áo hoa, quần màu".

Chui vào bếp với lính, họng cứ khô lại khi thấy đống vỏ đồ hộp cà, măng, rau, dưa, thịt, cá, hoa quả... được giấu kỹ phía sau chạn bát.

Thấy mình sờ những vỏ hộp nào được rửa sạch, mài nắp nhẵn nhụi, cậu chiến sĩ ngượng nghịu: "Để hôm nào mưa, mang ra hứng nước. Nếu không thì cũng để trồng rau hoặc làm dây báo động!" và thú thật: "Cất đi kẻo các anh chị nhìn thấy, lại thương lính gian khổ!".
Đồ ăn chính, lâu dài, liên tục của lính đảo Len Đao
Rõ khổ!. Khổ đến cùng cực mà cũng phải giấu, không cho khách biết.

Mình thì lạ gì: Lính đảo chỉ được tắm 2 ngày 1 lần và phải tắm bằng nước mặn, xong mới đứng vào chậu, tráng người bằng 1 ca nước ngọt để lấy nước tráng tưới rau.

Đặc biệt ngoài đảo chìm, lính ta không có khái niệm... xà phòng tắm, bởi nước có xà phòng tưới vào, rau chết sạch.

Ở Len Đao, đến đâu cũng thấy rau trồng tận dụng: Treo trên cửa; kề bên ụ pháo; vắt vẻo trên mặt nước; rậm rạp trên sân thượng...

Rau hình như sống bằng mồ hôi, nước mắt của lính nên thân gầy mà lá cứ xanh rời rợi, trong cẩn thận bịt bùng cót ép, gỗ thùng đạn, tránh gió biển chực luồn lách thổi bung.

Nhiều rau thế, nhưng cũng chả dám ăn. Mỗi ngày, nhà bếp chỉ dám vặt vài cọng, cẩn thận cho vào nước sôi nấu thành canh lõng bõng toàn nước là nước, chia nhau từng mẩu lá chín, ăn cho mát ruột, chống táo bón. Thức ăn còn lại, ngày qua ngày, quay đi quay lại là đồ hộp, đồ đông lạnh và... đồ khô. 

Len Đao nuôi rất nhiều chó, nhưng đặc biệt không bao giờ thịt chó.

Anh em bảo: "Chúng sống với mình, gian khổ cùng mình như thể đồng đội mình, người thân của mình, ăn thịt sao được!" và kể: Chó còn làm nhiệm vụ canh gác đảo ngày đêm. Nhất là chống biệt kích, người nhái ban đêm định tập kích đảo ban đêm...

Rời đảo, mình lấn bấn ở lại chờ chuyến cuối cùng. Mấy anh em đứng nói chuyện với nhau, bạn đồng hương sống trên đảo đã gần 1 năm mới thú thật: "Ông cho tôi xin điếu thuốc!".

"Ơ! Sao lúc nãy mời không hút?". Đồng hương mình ngượng nghịu: "Có các Thủ trưởng và khách nên không dám. Giờ nói chuyện lâu, biết chất đồng hương nên mới xin điếu cho anh em cùng hút. Đảo hết thuốc lá từ 2 tháng nay rồi, thèm lắm!".
Đồng hương "hoa cải đỏ" với mình, nhà ở Trần Thành Ngọ, học cùng PTTH

"Sư bố đồng hương. Đã là dân thành phố Hoa cải đỏ với nhau, lại còn khách khí?" - Nói bậy thế, nhưng nước mắt cứ rưng rưng: Bộ đội Trường Sa mình là thế đấy. Gian khổ, thiếu thốn chỉ căng mình chịu đựng, giấu hết đi dù đó là những chuyện rất bình thường, để người thân - đất liền yên tâm.

Quay sang cậu em Vinh Hải, PV Báo Lao động cũng đang thẫn thờ nghe chuyện. Vinh Hải nhanh nhảu: "Em còn 1 cây thuốc lá, xin được tặng các anh trên đảo!!".

Ừ! Cảm ơn Hải rất nhiều, ít nhất là tuy không biết hút thuốc nhưng cũng chuẩn bị được mấy cây thuốc Thăng Long đặc sệt chất Hà Nội, tặng cho anh em.

Xuồng chuyển tải về đến tàu, mình tót lên phòng lục lọi, còn đúng 1 thùng bưởi, hoa quả, chanh... dành cho cả chuyến đi. Gói lại hết và chuyển xuống cho đảo, cho đồng hương.

Thế là anh em mình có thuốc lá, có hoa quả tươi và chanh ớt tươi, thêm mấy chai rượu của lão Kinh Kha biếu tặng gửi lại cho đảo, để ấm lòng cả người đi kẻ ở.

Tưởng đã yên tâm, nhưng xuồng cập đảo rồi, mới đập đầu tiếc vì quên không sẻ nửa lọ muối vừng, cho đồng đội đang nhớ vị bùi vừng lạc đất liền. Trời ạ!. Cái đầu của mình sao ngu thế!..
Vẫy tay mãi, vẫn dùng dằng...

4/ Chào tạm biệt Len Đao, tay cứ bỏng lên bởi những bàn tay lính biển bóp chặt, níu mãi không rời, chợt nhớ đến 1 câu đáng nhớ nhất, bởi thật nhất trong bài viết giới thiệu dài ngoằng của Cục Chính trị Hải quân: "Trong hơn 20 năm qua, với lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của đảo luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, mưu trí, dũng cảm, bình tĩnh, sáng suốt quan sát, xử lý tình hình, đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù".

Thương đồng đội, bao nhiêu năm chong mắt giữ đảo trước mưu đồ xâm chiếm của lũ tham lam, ở ngay sát nách.

Càng thương hơn khi những sự thiếu thốn, từ thứ nhỏ nhất cứ đeo đẳng những người lính biển mãi, dù với họ vẫn còn rất nhiều, rất nhiều tháng năm nữa, phải chong mắt giữ Len Đao...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Các "cảnh khuyển" ra tận mép nước chào đón Thủ trưởng Đoàn công tác
Những người lính canh giữ Len Đao
Truyền hình vệ tinh phục vụ đời sống tinh thần bộ đội
Vườn ươm rau ven mép nước
Đồng hồ kỷ niệm của "Chúng tôi là Chiến sĩ"
Nơi hóng mát của bộ đội phải có điếu cày chứ (tuy rằng đã hết thuốc cả lá lẫn lào từ 2 tháng nay)
Treo điện thoại đợi sóng vì tín hiệu ở đây quá yếu
Tuần tra - canh gác
"Sĩ quan chỉ huy" điểm danh tụi đang đứng nghiêm trên... nắp bể
Bếp nấu của cả đảo
Vườn rau
Giả vờ hái rau để chụp hình thôi nhé!..
Lại 1 vườn rau nè!..
Bãi san hô có 1 khúc cây khô trôi dạt ở đâu đến
Vườn rau xanh và bể nước ngọt - Tài sản quý giá của toàn đảo...
Thức ăn - thực phẩm, đồ khô dự trữ của đảo
Chạn bếp dành để giữ đỗ xanh làm giá đỗ thôi nhé
Đồ hộp, đồ hộp và đồ hộp...
Sĩ quan giữ đảo Len Đao này có tên cực độc: Tưởng Nguyên Soái
Bọn "cảnh khuyển" này nhận ra mình là người quen nên ùa đến... giao lưu ngay
Mệt quá vì chạy đi chạy lại nửa ngày nắng, ngồi chụp hình lưu niệm cũng... nhăn nhó
Hẹn gặp lại Len Đao nhé!..