14 tháng 3, 2013

Ở QUY NHƠN CÓ QUÁN PHỞ "TRƯỜNG SA"...

Mai Thanh Hải - Buổi sáng, Thành - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) nhắn tin: "Sáng nay, anh Thoa vẫn bán phở bình thường và buổi chiều, anh ấy nói sẽ thắp hương cho đồng đội hy sinh ngày 14/3/1988".

Mình đọc xong, tự dưng cứ thần người, chả biết nên nhắn lại động viên Thành và anh Thoa thế nào.

Lê Minh Thoa quê ở Bình An, Tây Sơn, Bình Định. Học xong phổ thông, Thoa nhập ngũ và được cử đi học chuyên ngành máy tàu tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân (Phường Cát Lái, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh).

Đầu tháng 3/1988, khi Chiếc dịch CQ-88 đi vào chặng nước rút, Lê Minh Thoa theo tàu vận tải HQ-604 của Lữ đoàn 125 ra làm nhiệm vụ xây dựng - bảo vệ chủ quyền ngoài đảo Trường Sa.

Trận chiến đấu sáng ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma, tàu vận tải HQ-604 bị các tàu chiến đấu của Trung Quốc bắn chìm khi đang thả neo cho Phân đội Công binh Trung đoàn 83 bốc dỡ vật liệu xây dựng xuống đảo.

Khi đó, Thoa đang làm việc trong hầm máy, nghe súng nổ dữ dội, tàu nghiêng mạn, nước tràn vào ào ạt (do đạn pháo xuyên thủng), vội chạy lên boong và chứng kiến cảnh các thủy thủ trên tàu bị chết, bị thương nằm la liệt, một số khác bị rơi xuống biển nhưng cũng bị trúng đạn của Trung Quốc, trên đảo chìm Gạc Ma.

Cả Phân đội Công binh Hải quân và tổ chốt giữ đảo cũng trần lưng hứng đạn pháo của địch...

Tàu HQ-604 chìm hẳn, Lê Minh Thoa ngụp lặn dưới biển, may mắn túm được quả bí ngô (thực phẩm dự trữ trên tàu) làm phao cứu sinh.

Lúc này, trên vùng biển vẫn còn 1 số cán bộ chiến sĩ tàu HQ-604 và Công binh Hải quân sống sót, cuống cuồng tìm mọi thứ bấu víu, la hét.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực tìm sự sống của bộ đội đều vô ích bởi tàu chiến Trung Quốc thả xuồng, cho lính ngồi trên dùng câu liêm, lưỡi lê phi, đâm thẳng vào những người sống sót.

Lê Minh Thoa thoát được do mỗi lần xuồng địch đến gần, lại lặn xuống, tay vẫn túm chặt cuống quả bí ngô và tới ngày hôm sau, mới được tàu Trung Quốc quay lại, vớt lên bắt làm tù binh.

Thoa là 1 trong 9 người lính Hải quân tham gia trận 14/3/1988 bị Trung Quốc bắt giam, đánh đập, tra khảo và hành hạ trong suốt 4 năm trời. Mãi đến 1992, cả 9 người lính mới được phía Trung Quốc trao trả tại Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và được đưa về nghỉ ngơi - hồi phục tại Trại An dưỡng của Quân chủng Hải quân, tại Quảng Ninh.

Hết những ngày an dưỡng, Thoa xin được ở lại phục vụ quân đội và được chuyển công tác về Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân.

Thế nhưng hành trình tìm về cuộc sống thực của Thoa mới thực cam go và vất vả.

Ra quân theo chế độ, gọi là "một cục" đấy nhưng cũng chả thấm vào đâu.

Thoa quyết định vào TP.Hồ Chí Minh kiếm sống, bằng thứ nghề rất trái, nhưng chỉ có thể kiếm được suất cơm - cốc trà đá khi ấy: Xe ôm.

Khốn nỗi Sài Gòn đất chật người đông, nghề gì - chỗ nào cũng phải giành giật nhau để sống, quá xa lạ với người lính biển như Thoa.

Đứng đầu đường đợi khách, khuôn mặt hiền khô - lớ ngớ, lại cộng thêm giọng Bình Định nặng trịch của Thoa trở thành "mục tiêu" cho những người làm công tác trật tự hè phố xua đuổi, bắt bớ.

Thêm nữa, những "đồng nghiệp" xe ôm cũng chả muốn miếng cơm của mình bị cướp mất, nên hè nhau bắt nạt - đánh đuổi.

Thoa chuyển sang chạy xe ban đêm, hú họa đón khách trên những con đường xa vắng, hun hút đèn vàng.

"Ngủ ngày, cày đêm" - Thói sinh hoạt khác thường của Thoa, cộng với vẻ mặt ngơ ngác - rụt rè, đã khiến bà chủ nhà trọ sinh nghi và sau một thời gian theo dõi, bà chủ te tái lên Công an Phường báo cáo "hành tung bất thường".

Ngay lập tức, một tốp Cảnh sát ngồi xe Zeep lao ngay xuống nhà trọ, xông vào tra hỏi.

Khổ nỗi lúc ấy, Thoa chỉ có mỗi cái Chứng minh thư nhân dân đã cũ, chả có gì chứng nhận là quân nhân - bộ đội, nên người chỉ huy Công an Phường ra lệnh lục soát đồ đạc.

Lục tung chiếc hòm tôn mang về từ những ngày sống trong doanh trại, Công an Phường lôi dưới đáy lên cả tập... những Huân huy chương, từ Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì - hạng Ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng cho Trung úy Lê Minh Thoa do "Đã có thành tích phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam" cho đến Huân chương Chiến công hạng Ba, do Chủ tịch nước Võ Chí Công tặng cho Trung sĩ Lê Minh Thoa, ngay cuối tháng 12/1988 do "đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa", những chiến sĩ Công an mới sững sờ, buông tay câm lặng.

Thoa kể: "Người chỉ huy tổ công tác của Công an phường hôm ấy đã không nén nổi, trừng mắt quát bà chủ: Bà có biết đây là ai không?." và bùi ngùi: "Sau đó, chính người chỉ huy Công an Phường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi được... hành nghề xe ôm ban ngày, ở chỗ tốt nhất trong địa bàn. Lâu quá rồi, không nhớ tên người chỉ huy ấy, để cảm ơn!"...

Dẫu "làm ăn tốt", nhưng rồi Thoa vẫn phải về quê cưới vợ, theo tâm nguyện của bố mẹ già.

Số phận đưa đẩy, Thoa lấy được cô vợ ở TP.Nha Trang và mang số tiền chế độ, vay mượn bà con để có gian hàng nhỏ, bán đồ lặt vặt trong Chợ Đầm.

Cuộc đời nghiệt ngã, một lần nữa lại chơi trò may rủi với người cựu binh Trường Sa: Vài năm chung sống vợ chồng, cô vợ sinh cho Thoa 2 cô con gái và 1 cậu con trai kháu khỉnh, nhưng vướng vào hụi họ, mất sạch và cô vợ đâm đơn ly hôn, bỏ đi biệt tích, để lại đứa con thứ 3, mới 4 tháng tuổi, vẫn còn bú mẹ.

Không còn đất sống, Thoa mang đứa con còn ẵm ngửa về lại Bình Định, xin làm chân phụ bếp cho 1 nhà hàng tại TP. Quy Nhơn. Đi làm từ sáng đến đêm, con út phải gửi bà hàng xóm thuê giữ, nên khi có người... để ý, đến "tâm sự" với bạn gái, Thoa cũng lúc lỉu khoác con trước ngực, với bình sữa đút trong túi quần, kèm theo.

Chả hiểu vì duyên số tiền định hay quá ấn tượng với hình ảnh gà trống mướt mải chăm con, mà cô gái ở TP. Quy Nhơn tên Trần Thị Thu Hà đã vượt qua mọi lời dèm pha, châm chọc, đồng ý lấy Thoa và dĩ nhiên, nuôi cả đứa con, vốn không phải do mình dứt ruột sinh ra.

Bây giờ, gia đình nhỏ của Thoa đã có thêm 1 cậu con trai, thành 4.

Mình đi qua Bình Định, rẽ vào thăm cựu binh Lê Minh Thoa. Căn nhà bé tý mang số 5D, chừng 15m2 mà vợ chồng Thoa sống cùng bố mẹ vợ, nem nép nằm bên hè phố Tăng Bạt Hổ (TP. Quy Nhơn, Bình Định), dưới vòm cây trứng cá rung lá, đón gió lành luồn qua góc phố, vào từ biển.

Mấy năm, từ khi lấy vợ, Thoa sống bằng cái nghề chẳng liên quan đến tàu bè, súng pháo đã học và quen thuộc trong mười năm quân ngũ, đeo đến cấp hàm Trung úy QNCN: Bán phở - luộc ốc.

Tờ mờ sáng, cả nhà đã dậy, kê bàn ghế, dọn bát đũa bán phỏ - mì cho bà con lối xóm. Buổi trưa nghỉ khoảng tiếng đồng hồ. Đầu giờ chiều lại lụi hụi luộc ốc, pha mắm, loanh quanh bên rổ ốc, bụng thầm mong bán hết vào cữ đêm, để khỏi phải mút ốc trừ cơm...

Mình vào Quy Nhơn, anh Thoa bỏ việc bán phở, ra ngồi với mình và Tường Thành, Nhà báo Mai Thìn (Đài PTTH Bình Định), Nhà văn Lê Hoài Lương (Hội VHNT Bình Định), ngồi ven bờ biển nhìn ra tượng đài Trần Hưng Đạo, vươn tay chỉ ra biển chỉ huy thủy quân và nghe hồi ức của anh Thoa, đúng ngày 14/3/1988, ngập tràn máu và nước mắt giữa biển thăm thẳm hút sâu.

Thoa buồn buồn: "Bao năm quân ngũ, vẫn trau dồi binh nghiệp bằng công việc làm Bảo vệ Dân phố, với mức phụ cấp hơn 100.000 đồng, mỗi tháng" và sâu mắt nhìn ra biển, bùi ngùi: "Chỉ mong được 1 lần ra lại Trường Sa, thăm chiến trường xưa đổ mắt và thắp hương cho đồng đội, dù phải bỏ bán phở - bán ốc, cũng đặng lòng!"...

Nghe vậy, mấy anh em tụi mình chỉ biết im lặng: Đến mấy tấm Giấy chứng nhận Huân huy chương, cũng phải cuốn lại trong túi nilong vì không có tiền mua khung gỗ, ép lại treo trên tường như những người khác, nữa là?..

Thế nhưng có điều mình chắc chắn: Nếu những người dân Quy Nhơn biết rằng ngay bên cạnh họ, có những người lính như anh Thoa, đổ máu để chiến đấu giữ Trường Sa và hiện đang nuốt mọi tâm trạng vào sâu trong tim, để gắng sống bình thường trong nỗi lo cơm áo, thì họ sẽ đến với anh, ăn 1 bát phở, nhấm 1 đĩa ốc, cho anh có thời gian nằm ngủ, đỡ phải díp mắt ngủ gật ế hàng...

Và lúc ấy, biết đâu cái hàng ăn bé li ti ở số 5D - Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn (Bình Định), lại được truyền nhau bằng cái tên, kiểu như "Quán phở Trường Sa", thì vui biết bao nhiêu?..

Ước mơ vậy, có quá lớn không, anh Lê Minh Thoa nhỉ?..












5 nhận xét:

  1. Đề nghị cho đăng đ/chỉ + số fon của anh Thoa để mọi người có thể thăm hỏi,giao lưu

    Trả lờiXóa
  2. Xúc động quá, cảm ơn Mai Thanh Hải.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đã nghẹn ngào khi đọc về anh...

    Trả lờiXóa
  4. Tôi thường xuyên đọc các bài viết về biên gioi hải đảo của anh Hải. Rất sâu sắc và nhiều tư liệu. Bài về anh Thoa này, tôi cũng đã chia sẻ lên các trang XH để nhiều ng biết hơn..
    Tôi cũng rất mong đc tham gia các chương trình công tác xã hội vì biên giới hải đảo của A.
    A có thể cho biết số đt để liên lạc?
    Rất cam ơn!

    Trả lờiXóa
  5. Vâng, xúc động quá, cảm ơn Mai Thanh Hải.

    Trả lờiXóa