10 tháng 8, 2012

MẮC KẸT Ở XUÂN TRƯỜNG

Xã Xuân Trường nằm ở khu vực biên giới, thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Xã có vị trí: phía Bắc giáp xã Khánh Xuân và Trung Quốc; phía Đông giáp Trung Quốc, hai xã Cần Nông và Lương Thông của huyện Thông Nông; Nam giáp xã Hồng An, xã Phan Thanh; Tây giáp xã Phan Thanh, xã Khánh Xuân...

Xuân Trường có diện tích 84,92 km², dân số năm 1999 là 3.548 người, mật độ dân cư đạt 41,8 người/km².

Xã được chia thành 19 xóm: Cao Bắc, Bản Chuồng, Cốc Kạch, Lũng Mật, Lũng Pù, Lũng Pèo, Lũng Rạc, Mù Chảng, Nà Đoỏng, Nà Chộc, Phìn Sảng, Phia Phoong, Thua Tổng, Thẳm Tôm, Thiêng Lầu, Sà Phìn, Phìn Sảng, Bản Thán, Tả Sáy

Trên địa bàn Xuân Trường có một số ngọn núi như Bó Héc, Cô Péc, Đin Đeng, Lắm Côm, Lẫm Cũm, Phia Phoong, Pờ Cả Tản và các lũng:Áng Lỏng, Phát, Quang, Tày Đủm, Tràm. Xuân Trường có hồ Thâm Lẩm cùng các dòng suối Cốc Tả, Piêng Pán, Tả Nọi.

Đồn Biên phòng Khánh Xuân (Đồn 147) đóng trên địa bàn xã.

Ở nơi khó khăn về KTXH, điện lưới mới có cách đây 1 năm và đường đi hết sức vất vả, chỉ mùa khô xe máy mới vào được đến Trung tâm xã, mùa mưa đường sạt lở liên tục, chỉ còn cách cuốc bộ hoặc khênh xe máy từng chặng, vượt con dốc 22 khoanh, ra tới Trung tâm xã Khánh Xuân phía ngoài.

Mình vào Xuân Trường, từ nơi xe dừng, phải đi bộ đúng 6 tiếng đồng hồ đường rừng, vượt Cổng Trời cao hun hút, cứ vài trăm mét lại vượt qua những đoạn núi lở, đá treo lủng lẳng trên đầu, thi thoảng lại rơi ầm phát, nuốt hết cả đường. Vào đến Đồn Biên phòng Xuân Trường, mọi người trong Đoàn nằm vật ra sân, không nhúc nhích nổi chân tay.

Hiện nại thì mình đang mắc kẹt trong xã, ở Đồn Biên phòng 3 đêm nay vì trời mưa liên tục, sạt lở lia chia, khiến 3 tuyến đường núi vào đây bị tắc nghẽn. Trong xã, cũng đã cạn kiệt xăng dầu, muối và Ban Chỉ huy Đồn đã phải xuất 1 phuy xăng dự trữ để phục vụ công tác...

Xuân Trường bị cô lập rồi và hôm nay tụi mình sẽ được bộ đội đưa ra theo đường cắt rừng, vượt núi đá, tránh các đoạn sạt lở nguy hiểm. Vừa hành quân... tiễn khách, vừa gùi xăng dầu - gạo muối vào cho dân...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ngược lên hun hút, đến 5 tiếng đồng hồ mới tới Cổng Trời và phải vượt qua 9 khoanh dốc này, mới nhìn thấy X.Trường
Mấy ngày vơ vẩn, lang thang chờ đợi đường thông...
Những đoạn sạt lở, phải có bộ đội giúp đỡ
 
 

6 tháng 8, 2012

ĐIỆN THOẠI CÔNG NGHỆ CAO

Doãn Dũng - Năm 1997, dân chơi điện thoại di động nháo nhác vì thị trường xuất hiện một loại điện thoại mới của hãng Philip, có chức năng quay số bằng giọng nói.

Lúc ấy mình còn trẻ, mới hăm sáu hăm bảy tuổi, cũng mê mẩn các thể loại điện thoại.

Ngay lập tức, chiếc máy Erison mình đang dùng trở thành cục chặn giấy không hơn không kém.

Mình với bạn mình, mỗi người mua một cái điện thoại Philip, giá đâu chừng sáu trăm đô gì đó.

Chiếc máy điện thoại mầu xám tro, chỉ to hơn chiếc bật lửa zippo một chút, phía trên thò ra mẩu ăng ten dài cỡ đốt ngón tay, trông rất hiện đại và bắt mắt. Máy lưu được 5 số điện thoại có khả năng quay bằng giọng nói. Nguyên tắc hoạt động thực ra rất đơn giản. Mình chỉ việc chọn một số điện thoại bất kì trong phone book, bật chế độ ghi giọng nói, rồi phát âm để máy lưu lại.

Sau đó muốn gọi cho số đấy thì không mất công bấm số lách chách, chỉ gần nói đúng câu đã ghi, máy tự động nhận tín hiệu, phân tích tần số âm thanh rồi kết nối với số máy cần gọi tương ứng. Quả là tuyệt vời.


Số điện thoại của bạn, mình lưu câu: “Đồ chó!”. Mỗi khi cần liên lạc, mình chỉ cần kêu: “Đồ chó, đồ chó!”, tức thì máy bạn mình đổ chuông.


Riêng đối với số điện thoại của vợ, mình huýt sáo cho ngạo nghễ.


Bạn mình cũng chẳng phải tay vừa, muốn gọi cho mình, hắn rủa: "Đồ con lừa!". Hai thằng gặp nhau khoe khẩu lệnh rồi hi hí ha há cười sướng.


Được mấy hôm "đồ chó", "đồ con lừa", thì hai thằng cũng chán.

Nhiều lúc ở chỗ đông người, tự nhiên hét lên như thế, người ta nghĩ là hâm, nên lại sử dụng phương pháp truyền thống là bấm số lách chách. Tính năng hiện đại chìm vào quên lãng, chả thằng nào thèm nhớ nữa.

* * *


Bẵng đi một thời gian, vợ mình phàn nàn: “Máy của anh thế nào ấy, hay gọi cho em mà không thấy nói gì!”. Mình bảo: “Chắc tại anh ngồi vào máy!”. Đề phòng bất cẩn, mình sử dụng bao da rồi gài vào thắt lưng, không đút túi quần nữa.


Vợ vẫn phàn nàn là máy tự động gọi, thường vào lúc 5h giờ chiều. Mình phán đoán khả năng mình đeo dây bảo hiểm ô tô, dây thít vào bụng, thít cả vào máy khiến máy quay lại số mới gọi gần nhất chăng? Mình thôi không cài dây an toàn nữa.


Tình hình vẫn không khả quan.


Mình sắp phát điên với chiếc máy điện thoại thì tình cờ phát hiện ra nguyên nhân. Máy thường tự động kết nối vào lúc mình đi làm về, thời điểm đường đông, mình phải bấm còi ô tô. Dạo này còi sắp hỏng, kêu khè khè như bị tịt mũi.


Mình tắt luôn chức năng này, từ đó máy điện thoại của vợ được yên.


Mình  đem chuyện này buôn với bạn: “Kì lạ thật. Máy móc hiện đại chó gì mà nhầm tiếng huýt sáo với tiếng còi ô tô!”. Bạn phán đoán: “Khả năng lúc mày thu  có tạp âm, có tiếng còi ô tô lẫn vào chẳng hạn!”.

Mình trả lời: “Khả năng thế, phòng làm việc của tao ngay đường cái, ô tô tàu bò ầm ầm suốt ngày!”.

Bạn mình đắc chí cười hô hố: “Cho mày chết. Tao đọc sách hướng dẫn nên phải đợi nửa đêm yên tĩnh, đóng cửa lại thu âm mấy lần mới chuẩn. Trong vắt luôn! Đến tiếng đập cánh của muỗi cũng không thể lạc vào!”.

Nói rồi bạn đóng cửa, đặt máy lên bàn, vỗ tay bộp bộp mấy tiếng. Máy tự động kết nối, đằng kia vợ bạn "A lố a lồ!".

Bạn nghiêng nghiêng nhìn mình, đắc ý: “Huýt sáo gọi vợ mà đã kinh à? Vỗ tay nhé. Như xiếc thú luôn!”.

* * *


Khoảng hơn một tháng sau, nửa đêm, mình đang say giấc thì có tiếng chuông cửa gấp gáp.

Không ngờ lại là bạn mình, tóc tai bù xù, mặt mày bơ phờ nhợt nhạt, xách theo một cái túi to đùng.

Bạn bảo: “Cho tao tá túc nhà mày một thời gian!”. Mình bảo: “Vào đi. Cứ tự nhiên!”.


Bạn vứt uỵch cái túi xuống đất, nằm thượt trên chiếc đi văng ngoài phòng khách.

Mình hỏi: “Sao? Bùng nhà à?”.

Bạn chồm dậy, mếu máo: “Thế là xong rồi mày ạ!. Chiều nay tao hẹn con bồ đi khách sạn. Lúc ấy…ấy… thế chó nào, máy lại nghe nhầm thành tiếng vỗ tay!”...
------------------------------------------------------------
* Hình ảnh trong bài chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết