29 tháng 4, 2011

RA ĐẢO NÀO!

Ngày mai lên tàu ra đảo. Mọi người ở nhà vui nhé! Chúc những ngày nghỉ hạnh phúc, yên lành!..


Trong những ngày đi vắng, tôi đã viết sẵn 1 số Entry, cài tự động xuất bản vào từng ngày giờ cụ thể. Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ cập nhật bài viết, trao đổi với mọi người bằng 3G của Vịt teo.

"GIAN DỐI" TRONG DANH SÁCH ỨNG CỬ ĐBQH KHÓA XIII?

Mai Thanh Hải Blog - Ngay sau khi Báo Nhân dân số ra sáng nay (29-4-2011) công bố Danh sách những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã đặt dấu hỏi "Phải chăng là có gian dối trong Danh sách ứng cử ĐBQH" và nêu ra một trường hợp cụ thể: Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) với "Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ". Mình vào google tra đến toét mắt, mãi mới thấy "Học hàm, học vị" của ứng viên mà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã đưa ra, tại một VĂN BẢN  ngày 22-02-2011: "Quyết định Bổ sung và điều chỉnh nhân sự Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhiệm kỳ VI (2007-2012), do Thượng tọa Thích Trí Tịnh ký ban hành. Tại danh sách kèm theo văn bản này, trong đó tên Thượng tọa Thích Thanh Quyết được ghi rất cụ thể "4. Phó Trưởng ban: TT. TS. Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh)"... Mình nghĩ: Chắc ứng viên là Tiến sĩ Phật học. Cụ thể ra sao, có lẽ đọc Blog Nguyễn Xuân Diện mới rõ:

---------------------


PHẢI CHĂNG LÀ CÓ GIAN DỐI TRONG DANH SÁCH ỨNG CỬ QH?

Sáng nay, Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - công bố một phụ trường 40 trang: Danh sách những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. (Chư vị có thể xem ở đây).
Tôi lướt qua một lượt, phát hiện thấy ở trang 32, ở Đơn vị Bầu cử số 1 tỉnh Quảng Ninh có ghi danh Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) [ảnh bên, nguồn: internet], số thứ tự 4,

- Tại cột Trình độ học vấn: Tiến sĩ

- Tại cột Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ.

- Tại cột Nghề nghiệp chức vụ: Thượng tọa, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo việt Nam, Phó Viện trưởng học viện phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Thật kinh hồn! A Di Đà Phật. Theo tôi được biết, Ông Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) chưa phải là Giáo sư hay Phó Giáo sư. Vậy thì rõ ràng việc ghi như thế, trong một sự kiện chính trị lớn của đất nuớc như thế này là một điều nghiêm trọng.

Vậy thì sự gian dối này là của ai? Của Ông Thích Thanh Quyết, hay là của Hội đồng Bầu cử quốc gia, hay là của Báo Nhân dân?

Hơn nữa, việc đưa thông tin Ông Thích Thanh Quyết là: "Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông" vào mục Nghề nghiệp chức vụ đã đúng chưa?

Kính đề nghị Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ Chủ tịch Quốc hội và là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử khóa XIII chỉ đạo làm rõ, nếu thấy sai, cần đính chính và thông báo đến rộng rãi cử tri cả nước.

Nguyễn Xuân Diện

Mời chư vị đọc thêm các bài viết có liên quan đến Thượng tọa Thích Thanh Quyết: Bài 1, Bài 2, Bài 3, Bài 4.

28 tháng 4, 2011

QUỐC HỘI - NHÌN TỪ PHÍA TÔI

Một điểm bỏ phiếu bầu cử ĐBQH-HĐND tại Hà Nội
Mai Thanh Hải Blog - Buổi chiều, con gái đi học về, vác xe đạp cong đít loanh quanh trong ngõ. Một lúc, thấy con chạy thình thịch, mặt tái nhợt, hổn hển: "Tên của Ba ngoài bảng tin đầu ngõ và bị... đánh dấu bằng bút đỏ". Mình và vợ trợn mắt, chẳng hiểu vì sao, cũng cong mông chạy ra. Ối Giời! Thì ra ông Tổ trưởng Dân phố nghỉ hưu chục năm nay, mới được bầu "khóa mới" (sau khi ông Tổ trưởng cũ xin nghỉ để... chạy xe ôm), dán danh sách cử tri và cẩn thận dùng bút màu đỏ, đánh dấu những người... giới tính Nam. Đứng 1 lúc, mới thấy rất nhiều đàn ông trong khu cũng được các "chíp hôi" mách lẻo và hùng hục chạy ra xem: "Tại sao lại bị ghi tên lên bảng và bị đánh dấu bằng bút đỏ". Mặt ai cũng tái nhợt, cứ như sợ có tên trong "danh sách đổ rác không đúng nơi quy định", trong Khu Tập thể nhà mình.

Thở phào quay về, con gái cứ hậm hực mãi chuyện "ba Hải bị... gạch đít" và phải giảng giải mãi, con mới lờ mờ hiểu nguyên nhân. Kết thúc chuyên đề "phổ cập kiến thức bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND)", tự dưng lại nhớ đến câu chuyện của Nhà báo Trần Đăng (Phóng viên Thường trú Báo Lao động tại Quảng Ngãi) kể lại chuyện "Vận động - Bầu cử". Câu chuyện dù xảy ra đã lâu, chỉ gói gọn ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa, tính Thời sự và cả... bài học kinh nhiệm, nhất là dịp bầu cử tới đây.
__________

 QUỐC HỘI NHÌN TỪ PHÍA TÔI
Ghi chép của TRẦN ĐĂNG

Các ĐBQH họp tại Hội trường
Kỳ họp cuối cùng của QH khóa 11 vừa bế mạc tại Hà Nội, đặt dấu chấm hết cho 1 nhiệm kỳ đầy biến động của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước. “Biến động” ở đây, không phải là thay người đứng đầu của cơ quan lập pháp này, khi nhiệm kỳ chưa hết, hoặc thay hàng loạt các Bộ trưởng (là những ĐB của QH), mà là những biến động theo chiều hướng tích cực cho đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của QH.

Cái tên Việt Nam được cả thế giới nhắc đến không phải là một đất nước chỉ biết cầm súng và đánh giặc, mà là một đất nước thật sự năng động, thật sự cầu thị và luôn luôn quẫy đạp để vùng thoát khỏi sự trì trệ, bảo thủ. Sự xuất hiện của Việt Nam với tư cách là thành viên của tổ chức WTO, sau 12 năm bền bỉ là một minh chứng cho sự năng động và cầu thị đó. QH khóa 11 đã khép lại, nhưng những gì mà các Đại biểu đã làm được (hoặc không làm gì cả) sẽ còn hằn mãi trong bộ nhớ của cử tri, trong đó có tôi.

Là nhà báo, nếu tính “nhiệm kỳ” như QH thì tôi cũng có “thâm niên” gần …4 nhiệm kỳ (18 năm) nên tôi có cái may mắn là được “tháp tùng” các ứng cử viên của nhiều khóa (lên rừng có, xuống biển có), để vận động bầu cử. Tôi xin được chép ra đây những chuyện mà mình được chứng kiến, hoặc được nhìn thấy (trên tivi), những gì diễn ra suốt một thời gian dài vừa qua. Nhìn từ phía tôi - Dù là phía của một Nhà báo, hẳn sẽ không khỏi có những thiên kiến mang tính chủ quan, mong bạn đọc, nhất là những người đã từng là ứng cử viên hoặc ĐBQH ở tỉnh (Quảng Ngãi), thể tất cho.

Còn nhớ, năm 1994, hình như là chuẩn bị bầu cử QH khóa 8 thì phải. Năm ấy, tôi đặc biệt chú ý chi tiết này: Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi có ứng cử viên tự do. Đó là ông Đinh Tấn Phước, bấy giờ là Phó Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Lê Khiết. Ông Phước là một Đảng viên nên rất tin vào những gì Đảng nói. Chính vì có niềm tin ấy mà ông xông lên … tự ứng cử. Hành động này nằm ngoài dự kiến của Ban Bầu cử ĐBQH tỉnh nhà. Đảng và Nhà nước luôn hô hào tự do dân chủ trong ứng cử, bầu cử. Có người tin và ra ứng cử để thực hiện quyền tự do ấy. Nên không có lý do gì cản đường họ được.

Sau bao nhiêu gợi ý gần xa để ông Phước rút, ông Phước vẫn không chịu rút. Thế là … để luôn!. "Liên danh" khi ấy có ông Trần Anh Kiệt (Chủ tịch UBND tỉnh), ông Nguyễn Văn Được (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Hôm ấy, lên xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng để vận động bầu cử. Trước khi các ứng viên trình bày với cử tri về “chương trình hành động” của mình, họ được bà con người Cor ở đây cho uống rượu, gọi là rượu “kết nghĩa anh em”. Ông Phước chỉ “bưng lên để xuống”, uống “làm phép” chứ không dám chơi tới bến (ông Phước không uống được rượu). Nhìn thấy “đối thủ” chỉ “nhấp môi”, ông Được “đế” 1 câu làm ông Phước chột dạ: “Tui ở miền núi hoài nên biết, hễ chơi với bà con dân tộc là chơi tới cổng luôn. Ông mà chơi trây nhớt như vậy, họ không bỏ phiếu cho ông đâu!”. Không biết vì sợ rớt hay câu nói khích của ông Được, ông Phước bưng ly rượu (hồi đó chỉ có rượu mía, anh em hay gọi là rượu “thuốc rầy”) và “ực” một hơi, hết một ly bự. Xong ông ta … lăn kềnh ra sàn nhà.

Bà con Cor hôm ấy rất vui khi thấy một ông ứng viên chơi hết mình với đồng bào. Dù vậy, kỳ bầu cử QH lần ấy, ông Phước vẫn rớt như mít ướt! Không những thế, ông còn phải trả giá cho cái sự “tự ứng cử” của mình như thế nào sau đó nữa, chuyện ấy thì chắc là mọi người còn nhớ. Tôi phải nhắc lại “sự kiện ông Phước” để thấy rằng, giữa việc kêu gọi tự do dân chủ (trong ứng cử) với thực tế thời ấy, còn có khoảng cách hầm hố.
ĐBQH trả lời phỏng vấn ngoài hành lang cuộc họp

Thế nhưng, đến QH khóa 11 vừa qua. Thời thế đã khác. QH lần này, tiếp tục “khác”. Khác ở đây được hiểu theo hướng tích cực. Ông Võ Thành Tân, Tổng Giám đốc Cty Sách Thành Nghĩa, một người con của Nghĩa Hành tha phương tận Sài Gòn và thành đạt, giờ cũng “xông lên” tự ứng cử ĐBQH. Ông Tân hoàn toàn có khả năng trúng cử, chứ không còn “ứng cử cho vui” như ông Phước dạo nào. Điều đó còn tùy thuộc rất nhiều vào cái “tài”... vận động của ông ấy.

Bây giờ mà liệt kê, ở tỉnh ta có bao nhiêu ĐBQH trong các khóa vừa qua, thì chắc cử tri sẽ không nhớ. Song, họ sẽ nhớ những người thay mặt mình phát biểu trên diễn đàn của QH qua các kỳ họp.

Bắt đầu từ QH khóa 10, các cử tri có cái sướng là được nhìn thấy những “ông Nghị” của mình đang họp tại hội trường Ba Đình qua các cuộc tường thuật trực tiếp trên tivi. Có ĐB phát biểu rất hăng. Song cũng có ĐB chỉ ngồi ngáp vặt. Nếu có phát biểu thì cũng chẳng trúng trật gì.
Vừa phỏng vấn, vừa chụp hình

Còn nhớ năm 1999, trận lụt lớn đang tàn phácác tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Ngãi), đã thu hút sự quan tâm của đồng bào cả nước. Một biên tập viên VTV hỏi 1 vị ĐBQH của Quảng Ngãi: "Nhà của bà có bị nước lũ nhấn chìm không?". Sau một hồi ấm ớ, bà này thật thà: “Khi sáng, đứa con trong quê điện thoại ra nói rằng nhà mình chẳng sao cả. Nhà tôi ở thị xã nhưng chỗ rất cao. Chỗ tôi ở mà ngập lụt, cả thị xã sẽ chìm trong nước!”. Anh biên tập viên VTV thật sự chưng hửng trước câu trả lời “thật như đếm” này của bà ĐB. Người ta hy vọng qua phát biểu của “bà Nghị” này sẽ gợi lòng trắc ẩn của đồng bào cả nước, để còn “xin xỏ”  cứu trợ nhưng chẳng ngờ, bà ta giội cho một gáo nước (không lụt)!.

Cũng là may, ĐB này còn có tiếng nói (dù không cần thiết), nhưng có ĐB suốt 5 năm đi họp, mà chẳng thấy mặt ở đâu cả, dù chưa bao giờ vắng mặt tại Hội trường Ba Đình. Nghe nói Thư ký Đoàn ĐBQH của tỉnh chuẩn bị một bài “đít-cua” ba trang giấy để vị ấy lên …đọc tại diễn đàn, nhưng vị này nhẩm mãi cả buổi tối mà đọc không trôi chảy, thế là im luôn.
Chụp hình ĐBQH phát biểu tại Hội trường

Suốt 5 năm trời, mỗi năm là 2 kỳ họp QH. Các vị ĐB của tỉnh vác ô ra vô Hà Nội không biết bao nhiêu lần, tốn  không biết bao nhiêu tiền của của dân, nhưng chẳng nói được câu nào cho dân mát ruột, hỏi làm ĐB như thế thì để làm gì?. Tôi phải nhắc lại điều đó để chúng ta cẩn thận hơn với việc bỏ phiếu cho các ứng viên ĐBQH khóa này. Bỏ phiếu cho người làm được việc, nói tiếng nói của dân chứ không phải bỏ phiếu để họ đi họp, tốn tiền dân...

Nhìn vào danh sách các ứng cử viên ĐBQH khóa 12 mà Ban Bầu cử của tỉnh vừa chốt lại, đã thấy hiện lên những “ông Nghị” tương lai. Những “ông Nghị” này liệu có làm ăn được gì không hay là chỉ biết đi họp?. Câu hỏi này không dễ trả lời.

Theo phân bổ, cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH, thì Quảng Ngãi chúng ta được bầu 7 ĐB, trong đó có 2 ĐB của Trung ương về ứng cử tại địa phương. Nếu không có gì “đột biến” trong kỳ bầu cử QH lần này, thì 2 vị ở Trung ương về ứng cử, coi như chắc 2 suất. 5 suất còn lại, 16 ứng cử viên phải “đấu” với nhau. “Cơ cấu định hướng” của 5 vị ấy là: 1 ĐB lãnh đạo chủ chốt. (Theo danh sách thì ông Phạm Minh Toản, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh được xem như lãnh đạo chủ chốt), 1 ĐB chuyên trách, 1 ĐB Tòa án, 1 ĐB Công đoàn, 1 ĐB thuộc các ngành giáo dục, văn hóa nghệ thuật, y tế, lao động thương binh và xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh và các thành phần khác.

Lại thêm cái khoản “cơ cấu kết hợp” này nữa: 2 dân tộc (1 Hrê, 1 Cor), 1 ngoài Đảng, 1 trẻ tuổi (dưới 40), 1 đến 2 tái cử. Thoáng nhìn danh sách sẽ dễ nhận ra ai sẽ là những “ông Nghị” rồi! Ví như cơ cấu Tòa án 1 người, nhưng có đến 3 ứng viên gồm 1 Chánh án, 1 Phó Chánh án, 1 Chánh tòa kinh tế. Trật thế nào được!.

Chuyện ai trúng cử, ai rớt có lẽ không được cử tri quan tâm lắm (họ nghĩ ai trúng cử mà chẳng được). Điều họ quan tâm nhất là: Các vị ĐB của họ sẽ phát biểu những gì qua mỗi kỳ họp?. Có đáp ứng được nguyện vọng của họ không? Hay lại chỉ biết đi họp và ngáp vặt?..
Tranh thủ phỏng vấn lúc ĐBQH ngồi nghỉ

Sự cố chậm trễ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã làm “nóng” nhiều phiên họp của QH khóa 11, song các ĐB của tỉnh Quảng Ngã (nơi trực tiếp hưởng lợi từ nhà máy này), lại không nói được gì, hoặc có nói thì cũng không để lại ấn tượng gì cho cử tri. Hóa ra những người hay “đấu” tại nghị trường về Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại là những ĐB không phải ứng cử tại Quảng Ngãi! Thú thật, nếu không có những phát biểu đầy trách nhiệm và hết sức quyết liệt của một số ĐB tại các kỳ họp QH vừa qua, thì còn khuya, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới... "tái khởi động". Quyền lợi của cử tri mình, có cả con em mình trong đó nữa mà mình “mần thinh”, liệu có xứng đáng là ĐB của dân không?.

Hiện tại, các cuộc tiếp xúc cử tri đang tiến hành. Không còn bao lâu nữa, các chân dung đại diện cho dân sẽ hiện lên. Người ta đang kỳ vọng vào ĐB lần này sẽ “làm ăn ra trò” tại Hội trường, qua các kỳ họp, chứ không phải bầu lấy có, để suốt 5 năm không nói được câu nào, như các nhiệm kỳ vừa qua...

VẠ VẬT CÙNG... VIETNAM AIRLINES

Tranh thủ đọc báo lúc... bơm dầu cho máy bay (chụp tại Sân bay Nội Bài)

Mai Thanh Hải Blog - Mình bay Vietnam Airlines (VNA) cách đây cả chục năm. Hồi đầu còn vé... quyển mấy tờ lòe xòe, còn giữ cuống vé để làm kỷ niệm, 1-2 năm đã đầy ự ngăn bàn. Bây giờ dùng vé điện tử, cuống vé hình như cũng kém chất lượng theo, để ngăn kéo mấy tháng, mực đen đã bay sạch, tấm vé trắng nhôm nhoam, chẳng nhìn thấy chữ nghĩa gì. Bay nhiều, đóng góp nhiều nhưng mãi mới làm Thẻ Hội viên Câu lạc bộ khách hàng thường xuyên, cũng do cô Đại lý bán vé cho mình tự dưng nghĩ ra và... làm hộ. Bay một số chuyến, hạng lên vù vù, tới Vàng.
Một vụ... cãi nhau

Có Thẻ Vàng cũng hay, làm thủ tục thuận tiện, có mải uống bia, đến muộn giờ bay, cũng được ưu tiên hàng đầu trong chuyến bay tiếp theo. Thế nhưng, có những lúc nhục vô cùng nhục. Đó là những khi, cả nửa năm không bay chuyến nào. Khi bay lại, vào quầy hạng C làm thủ tục, vênh mặt rút ra Thẻ Vàng, cô nhân viên Check - in giơ 2 tay lễ phép nhận Thẻ, giấy tờ, giấy in thông tin bay, lọc cọc gõ trên máy tính và... đứng phắt dậy quắc mắt: "Sao lại vào quầy này?", chỉ tay sang quầy phổ thông xếp hàng rồng rắn bên cạnh: "Sang kia đi".

Mình băn khoăn trong đầu: "Nhân viên tập sự, không biết đọc hay là... hoa mắt?", ú ớ chỉ vào tấm Thẻ Vàng vừa bị vứt toẹt trên mặt quầy: "Thẻ Vàng mà!". Nhân viên Hàng không nguýt dài: "Lâu không bay, bị xuống hạng rồi. Thẻ Bạc thì sang kia mà xếp hàng cho nhanh...". Ối giời! Tiên sư bố bọn làm Thẻ Vàng - Thẻ Bạc nhé! Nhục không còn đâu mà nhục. Ngượng không để đâu hết ngượng! Chỉ mong có cái lỗ nào đấy nó sụt xuống, kéo mình theo để đỡ thành "sinh vật lạ" trước cả đoàn khoai Tây đang... mỉm cười ý nhị, nhường chỗ cho mình ra và hàng trăm ánh mắt tò mò, theo dõi, thương cảm của đoàn rồng rắn bên cạnh.

Dĩ nhiên, sau "tai nạn" này, mình bái bai ngay cái Thẻ Vàng của VNA. Xếp hàng cùng bà con cho lành.

Thế nhưng, đi VNA, nhục nhất là chuyện chậm chuyến vì hàng tỷ lý do. Tất nhiên, đã được thông báo như vậy, có đi hỏi han, bức xúc cũng vô ích. Tử tế thì còn được VNA cho ăn tạm bữa nhẹ tại mấy nhà hàng chuyên mì tôm, phở gói. Thắc mắc nhiều, khỏi được ăn luôn.

Nhiều lần bị "câu lưu" ở sân bay như vậy, mình hay lang thang nhìn ngó, ngắm nghía và dĩ nhiên, đành phải mang điện thoại - máy ảnh ra chụp hình. Đó là chưa kể có những chuyến công tác đến các sân bay "trực thuộc tỉnh", thấy các khoai Tây bịt mũi chui vào WC, mặt đỏ tía tai xì xồ với nhân viên mặt đất, các nhân viên chỉ... cười (vì không biết khách nói gì), thấy buồn cho VNA kinh khủng. Cứ nói "khách hàng là Thượng đế", nhưng quả thật, với VNA thì điều này nghe chừng quá xa vời. Đi nhiều, bay nhiều, chứng kiến nhiều và thậm chí là... nạn nhân, mình rút ra... "chân lý": Dân ta quá khổ. Nhếch nhác, mệt mỏi, cam chịu bởi sự độc quyền truyền thống của "Cty Nhà nước". Thế nhưng, không chấp nhận, biết sử dụng dịch vụ của ai?..

Post một số hình đã ghi được, qua những lần bị chậm chuyến bay như vậy:



Phòng chờ sân bay hay... nhà trọ


Rất cẩn thận khi ở cạnh..."Ngân hàng lông vịt và phát triển lung tung"

Giấc ngủ nơi trần thế
Cẩn thận kẻo mất cả xe đẩy
Cuối cùng cũng... được bay
Người tàn tật à? Kệ nhé!
Tiếp viên làm dáng
Vừa tránh nắng, vừa buôn dưa


27 tháng 4, 2011

"NHÀ NƯỚC" THUA... NHÀ HÀNG

Hộp đựng danh thiếp "có một không hai" tại BQL KKT C

Mai Thanh Hải Blog - Lần vào làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế (BQL KKT) lớn nhất nhì khu vực miền Trung. Được dẫn lên phòng làm việc riêng của lãnh đạo BQL, mình hơi bị choáng khi nhìn thấy trên bàn làm việc của vị lãnh đạo, chình ình chiếc hộp gỗ tự đóng to đùng, chia ra các ngăn đựng Card (danh thiếp) của các ngành nghề trong xã hội . Tò mò hỏi: "Sáng kiến xuất phát từ đâu?". Vị lãnh đạo vốn dân xứ Quảng, trả lời thẳng tưng, không thèm giấu giếm: "KKT hoạt động cầm chừng, lẹt đẹt nhưng suốt ngày đoàn này đến chào, đoàn kia vào thăm quan, rồi kiểm tra, học tập, làm việc, định hướng... đến phát mệt. Nhiều đoàn, nhiều người và nhiều VIP quá. Ai cũng đưa danh thiếp nên đóng cái hộp, phân loại, để khi cần liên hệ cho tiện và... dễ nhớ!". Nhìn số danh thiếp trong hộp, chẳng biết nói gì...

Hỏi kỹ, vị lãnh đạo bỏ bàn làm việc, khệ nệ bưng hộp đựng danh thiếp ra và giải thích:

- Nhóm NHÀ BINH bao gồm: Quân đội, Công an, Hải quan (các thể loại từ cấp Bộ, Tổng cục cho đến cấp xã, phường, thị trấn)... Chuyên đến kiểm tra, kiểm soát và kiểm điểm

- Nhóm NHÀ BÁO. Tất nhiên là các loại từ báo hình, báo nói, báo viết, Tạp chí, Cty Truyền thông đến viết bài, xin quảng cáo. Đủ các loại, từ Trung ương đến các địa phương.

- Nhóm NHÀ NGHỀ: Các Trường đào tạo, Trung tâm dạy nghề - cung cấp lao động... đến đặt vấn đề cung cấp nhân lực, đào tạo nhân lực và cả xin đất mở trường, chờ... tương lai

- Nhóm NHÀ HÀNG: Nhiều danh thiếp nhất bởi các nhà hàng ăn nhậu, đấm bóp, cắt tóc gội đầu, karaoke không chỉ trong địa phận tỉnh, khu vực mà còn mở rộng ra các địa phương khác. Lý do chật: Khi đi công tác, hoặc tháp tùng các sếp đến điểm công tác (ví như đi "Xúc tiến đầu tư"), phải có chỗ "thư giãn, nhảy múa". Ngoài ra, các doanh nghiệp - đối tác cũng thường mời đến những nơi "hay hay" để chiêu đãi, tranh thủ và lãnh đạo được "gia chủ" cho địa chỉ, lần sau còn quay lại, được đón tiếp... người nhà.

- Nhóm NHÀ GIÀU: Toàn các "đại gia" đến xin đất, lập Cty hay các Doanh nghiệp, Tổng Công ty, Tập đoàn... muốn làm ăn với KKT, địa phương. Nhóm này đông đúc nhất nên ngăn chứa danh thiếp chật căng. Thế mới hay miền Trung "chó ăn đá, gà ăn sỏi", được rất nhiều "nhà giàu" quan tâm.

- Nhóm NHÀ NƯỚC: Danh thiếp lèo tèo vài cái. Lãnh đạo chẳng giải thích, bê lại bàn luôn...

"HỌC TẬP CHÍNH TRI"?..

(Hình ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: Internet)
Mai Thanh Hải Blog - Càng những ngày này, mấy ông bạn bia của mình càng lu bu công việc. Những việc bận của những ông bạn mình, tóm lại cũng chỉ họp, họp và họp. Suốt ngày ngồi ngủ gật, các bạn mình đâm ra tỉnh như sáo vào.. ban đêm, bị vợ "hành tỏi" lên xuống. Rút kinh nghiệm "ngủ ngày, cày đêm", mấy ông bạn quay sang... làm thơ để giết thời gian. Một bài thơ mới được gửi đến mình qua tin nhắn điện thoại, nghe có vẻ hơi bậy nhưng đọc xong, cười vui sặc sụa và thấy nhẹ đầu vô cùng. Xin được mạo muội giới thiệu với mọi người, mong rằng mọi người đọc xong sẽ cười sảng khoái và thấy nhẹ đầu, bớt căng thẳng:

Hôm nay học tập chính tri (chính trị)

Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu (phát biểu)

Cơm ăn chẳng được bao nhiêu

Đảng uỷ lại bắt phát biêu cả... buồi (cả buổi)

26 tháng 4, 2011

BẢO VỆ TOÀN VẸN CHỦ QUYỀN...

Canh gác trên đảo Tốc Tan A
Mai Thanh Hải Blog - Ngày hôm nay (26-4-2011), Hội nghị Quốc gia về Biển Đông, lại một lần nữa được tổ chức tại Hà Nội, với sự đăng cai tổ chức của Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao. Mình biết thông tin này qua phản ánh của báo chí ngoài nước, trang mạng xã hội. Tìm mãi các báo trong nước, mới thấy THÔNG TIN ĐƯA TRƯỚC VỀ HỘI NGHỊ CỦA VIETNAMNET , cập nhật đầu giờ chiều ngày hôm qua (25-4). Quay lại trang Blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, - một người rất quan tâm đến Biển Đông và chủ quyền Tổ quốc, bởi buổi sáng đã thấy Tiến sĩ lọc cọc từng dòng trên mạng, nhiệt tình - cẩn thận đến từng câu chữ "tường thuật trực tiếp". Nhưng chẳng hiểu sao, việc tường thuật cũng chỉ trong phạm vi... buổi sáng. 

Mình chắc chắn rằng Hội thảo này không chỉ được những người dân Việt trong - ngoài nước quan tâm, mà còn rất nhiều nhiều công dân ở các quốc gia khác chờ đợi những ý kiến, luận cứ khoa học. Tất cả để cùng có chung ý niệm về "toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ". Câu này với mình và những người Việt rất quen, quen đến mức ăn sâu vào máu thịt. Tự dưng lại nhớ đến 2 kỷ niệm đã trải qua, rưng rưng...
 1/ Năm 2008 ra Trường Sa. Tàu đến Song Tử Tây, đoàn lên đảo làm việc và buổi tối, xuồng lại đưa đoàn lên tàu, kéo neo ra xa đảo đến vài chục hải lý, neo lại nằm ngủ. Lý do: Trên đảo không có đủ giường cho khách và nhất là đảm bảo an ninh - an toàn cho việc canh gác, bảo vệ đảo.
Vườn rau trên đảo chìm Tốc Tan A

Buổi tối, Phùng Nguyên (Báo Tiền phong) đau bụng dữ dội, thủ trưởng Bùi Văn Huấn (khi đó là Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Vừa qua được phong cấp hàm Thượng tướng và nghỉ hưu) quyết định cho tàu tiến lại gần đảo, liên lạc yêu cầu Quân y và bộ đội ra cầu cảng đón Phùng Nguyên, đưa vào Bệnh xá để cấp cứu. Dĩ nhiên, đi cùng Phùng Nguyên là mình và Dương Thế Hùng (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng cục Chính trị). 2 thằng mình ngồi trước vào xuồng. Thằng giữ đầu, thằng giữ chân Phùng Nguyên kẻo xuồng chạm mặt biển, sóng đánh cao, quăng nó xuống biển thì... mất.
Sau một hồi lạch tạch, chiếc xuồng kéo của tàu HQ996 cũng đưa chúng mình vào đảo, để cho hàng chục bộ đội cởi trần trùng trục, hò dô xuống mép nước bế thốc Phùng Nguyên lên băng ca, đưa vào Bệnh xá cho các Bác sĩ Viện Quân Y 105 đang tăng cường ở đó điều trị.

Đêm ấy, Phùng Nguyên nằm trong phòng cấp cứu của Bệnh xá. Mình và Dương Thế Hùng được chỉ huy đảo đưa lên phòng ngủ của đơn vị pháo Phòng không. Phòng ngủ ở tầng 2 đấy nhưng... đầy những muỗi là muỗi, trong khi cái giường anh em nhường cho tụi mình lại không có màn. Nói chính xác hơn là lũ muỗi biển thấy hơi người trong đất liền mới ra chắc thơm hơn lính đảo nên cứ "vòng tránh" đám lính trẻ cởi trần trùng trục, ngáy pho pho trên võng, mặt giường không màn và... bổ nhào vào 2 thằng mình quấn kín mít khăn, áo dài tay, tất chân và cả... mũ cối úp lên mặt.
Phát tín hiệu cho xuồng vào đảo chìm

Chẳng ngủ được, 2 thằng ra sân vận động ngắm trăng. Lũ muỗi vẫn ào ào kéo đến. Dương Thế Hùng buồn ngủ quá, nằm thẳng cẳng cho muỗi đến "liên hoan" khắp mặt, sáng hôm sau đỏ ửng như... bánh đa kê. He! He! Mình thì thà thức, chạy quanh chứ không chịu nổi tiếng vo ve của đàn muỗi. Sau cùng, mình... nổi hứng thi sĩ, ra bãi cát gần cầu cảng ngắm trăng trên biển (Bi giờ nói thế thôi, chứ lúc ấy, chỉ nghĩ ra bờ biển có gió sẽ thổi bay tụi muỗi).

Vừa ra tới đầu cầu cảng, mình bỗng choáng váng bởi 2 luồng sáng đèn trắng xoá dập thẳng vào mắt và tiếng quát khẽ khẩu lệnh: "Núi Le". Sững sờ, mình chỉ kêu lên: "Tôi ở Đoàn Công tác, vừa đưa bệnh nhân lên đảo, không biết khẩu lệnh!". 2 luồng sáng đảo khắp người mình, dừng lại ở quân hiệu trên mũ và tắt hẳn, nhường cho tiếng nói từ 2 bóng đen đội mũ sắt đang tiến lại gần, quần áo rằn ri bó sát, súng AK lăm lăm trong tay: "Anh là 1 trong 2 anh vừa đưa Nhà báo lên đảo phải không?"... Đứng nói chuyện được vài câu như thể xác minh, 2 cậu chiến sĩ nói vội thanh minh: "Tụi em phải gác kỹ như vậy bởi đêm trên đảo, không có gì là không xảy ra!" và cười loé răng sáng trắng: "Không cảnh giác, người nhái chúng nó đột nhập, giết anh em mình và chiếm đảo như chơi. Đấy gọi là bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, anh nhỉ!". Mình quay mặt, ứa nước mắt. Thế mới biết, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là chuyện xa xôi, trừu tượng như người ta vẫn nói trên Diễn đàn, Hội nghị, phát biểu mà còn thật đến tái tê lòng: Là bảo vệ mạng sống của mình, của những người xung quanh mình trước những kẻ chỉ hăm he, chờ dịp là xông vào cắn trộm, chém giết...
Trung tướng Nguyễn Thành Cung, PCN TCCT trên đảo Thuyền Chài
2/ Năm 2007-2008, thời điểm rộ lên chuyện tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc. Bác Nguyễn Sự (bây giờ vẫn đang làm Bí thư Thành uỷ Hội An, Quảng Nam) trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên, đại ý: "Ngày xưa, tàu Trung Quốc còn vào tận Cù Lao Chàm đánh bắt hải sản quý hiếm. Tôi đã yêu cầu Bộ đội Biên phòng kiên quyết bắt giữ, yêu cầu Đại sứ quán đến nhận lại và cảnh cáo nghiêm khắc"... Mình thích nhất câu của bác: "Mỗi tấc đất, mỗi mét nước của Tổ quốc là máu xương của ông cha, phải kiên quyết bảo vệ và giữ gìn" và gọi điện tức thì cho ông bác. Nghe mình chia sẻ, bác Sự thủ thỉ: "Lúc nào vô đây, tao nói cho mi nghe!". Mấy hôm sau vào Đà Nẵng, mình chạy xuống thẳng Hội An và ra ngồi ở sân vườn của KS Hội  An ngồi nói chuyện với ông bác.
Giữa giờ luyện tập - Đảo Trường Sa Lớn 4/2011

Kể về sự kiện Cù Lao Chàm và liên hệ với tình hình thực tế, bác Sự hỏi mình: "Mi thấy tao nói có trúng không?" và lặng lẽ đốt thuốc: "Tao chiến đấu ở biên giới Tây Nam 3 năm rồi, nên tao biết thế nào là xương máu của thằng lính vùng biên và hiểu giá trị của câu: Bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ!". Bác Sự bảo: "Tụi mi còn trẻ, phải ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm thế nào là có lãnh thổ, có tự do để giữ lấy!"...

Với những quan chức chuyên ngồi xổm trong phòng máy lạnh chém gió, gác chân trong xe biển xanh phóng vèo vèo theo còi hú thì nghe những câu này, mình sẽ... mỉm cười lịch sự, cố nặn thêm những câu chữ hùng hồn bay bướm để thành bài đăng trang 1, sáng hôm sau nếu không được VTV điểm báo thì đầu tuần sau cũng được Ban Tuyên giáo TW, Bộ 4T khen ngợi. Thế nhưng với Anh hùng Lao động, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự thì những điều này, mình được nghe, được chiêm nghiệm, được thấm thía là quá đủ trong cuộc đời 1 con người.

Bởi rất nhiều người Hội An đã chứng kiến cảnh Bí thư Sự quát đến khản giọng, lệnh cho bộ đội Biên phòng Cửa Đại - Cù Lao Chàm xách AK, ào ào quần đùi áo cộc lao tàu, xuồng ra biển, bắt cho kỳ được những 'tàu lạ", trên boong chở những "người lạ" nói tiếng Trung Quốc loảng xoảng. Chạy phía sau những tàu, xuồng của Bộ đội Biên phòng là cả chục, cả trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân xứ Quảng, phóng hết tốc lực, rền tiếng máy, trầm hùng tiếng hét đuổi khiến những tên trộm biển, có lì lợm đến mấy, cũng khiếp vía, cắt lưới quay đầu chạy trốn... Và những người dân vùng biển Hội An, Quảng Nam gọi những hành động họ đã làm là: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chắc nịch và đơn giản!.

CSGT TP.HCM: TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ... "GƯƠNG LIÊM KHIẾT"

Mai Thanh Hải Blog - Làm lãnh đạo, lẽ tất nhiên phải có trình độ học vấn cao, trình độ nghiệp vụ sắc bén và rất nhiều "trình hơn người", để còn nói cho người khác nghe, quát cho người khác sợ. Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng làm được như vậy và ở đâu, cán bộ cũng phải "hơn người thường" như vậy. Câu chuyện về bản "Thông báo khẩn" của Trung tá Trần Như Sỹ, Đội trưởng Đội CSGT Bình Triệu, Phòng CSGT Đường bộ - sắt  là một ví dụ điển hình. Nói thật, đã đeo tới cấp hàm Trung tá, lãnh đạo 1 đội CSGT ở đô thị đông dân, phát triển và văn minh nhất đất nước, mà còn thò bút ký vào những văn bản ngô nghê về cả nội dung và trình bày này, thì không hiểu trình độ văn hóa và trình độ nghiệp vụ của người đặt bút ký, thực sự cao và sắc bén đến chừng nào...

25 tháng 4, 2011

THƯ TÌNH TUỔI "GẦN ĐẤT XA TRỜI"...


Mai Thanh Hải Blog -Nhiều lúc ngồi quán bia vỉa hè, nhìn các cụ chống gậy dắt nhau đi tập thể dục, mình lẩn thẩn: "Sau này về già, mình thế nào?". Dẫu biết "Chúng ta rồi cũng về già/ Cũng lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân" hết cả, thế nhưng cứ nghĩ xa xa, lại thấy... sờ sợ và co rúm người, ực phát hết cốc bia. Chẳng nói đâu xa, anh bạn mình (lớn tuổi hơn mình nhưng là bạn), nổi tiếng là chăm chỉ làm ăn từ hồi vừa ra trường, giờ gần 50 tuổi mà cơ ngơi, tài sản xếp hàng có đai có đẳng. Thế nhưng thi thoảng ông anh lại gọi điện bắt mình ra... nhà hàng, gọi đủ món ngon nhất, rượu ngon nhất cho mình đánh chén, còn lão thì ngồi ăn rau luộc và uống Lavie. Ông anh bảo: "Ngẫm lại mới thấy tao ngu. Cứ ki cóp, kham khổ chẳng dám ăn mặc mấy chục năm để rồi chẳng ăn được, chẳng mặc được" và nhắc đi nhắc lại với mình: "Sống 1 lần trên đời, sống sao cho ra sống, được cảm nhận - hưởng thụ và không vô ích". Lâu lâu, mình không đi xa, lão lại gọi điện giục: "Đi đi rồi về kể tao nghe, cho tao xem ảnh với". 

Ừ! Con người ta chỉ sống 1 lần trên đời. Ai cũng về già, cũng lẫn cẫn và cũng chết, kiếp sau chẳng biết còn được làm con người không. Vậy nên phải sống cho đáng sống. Thẳng lưng mà sống đúng với bản chất, con người bản thiện của mình. Mưu tính - vụ lợi và tham lam vô độ, không chỉ khổ cho chính bản thân mình, những người xung quanh, mà còn bị "bêu gương", ngay cả khi nằm xuống dưới cỏ. 

Một bài viết vui (mình sưu tầm) dưới dạng thư tình của Cụ ông viết thư cho cụ bà ở cái tuổi "gần đất xa trời". Rất thấm thía nhưng cũng mang tính văn học. Chúc 1 tuần vui vẻ và sống tốt, mọi người nhé!..
-------------------------
Anh ngồi bấu tay vào thành giường, nhìn ra ngoài trời. Hình như mưa. Mắt anh mấy ngày nay, thấy nắng loà nhoà lại tưởng mưa, thấy mưa thì nhìn như đang nắng xuống. Thằng chắt nội nói: "Mắt cụ nhìn không rõ nữa. Cụ đi đâu để cháu dắt". Nó nói thật em nhỉ. Nhưng mình cần gì nó dắt?. Ví thử có em đến ngoài ngõ kia, anh thấy rõ mồn một.

Anh vẫn khoẻ. Mỗi ngày các cháu nó cho ăn 5 bữa, mỗi bữa 1 bát cháo đã nát nhừ. Anh chỉ dám viết thư cho em mà không dám gọi điện, vì tiếng của anh nói em chỉ có thể nghe như tiếng rừng phi lao xào xạc.

Sáng nào anh cũng đi thể dục. Đi từ mép giường ra tới bậc cửa sổ. Vị chi là 4 bước. 4 bước mà đi mất 2 giờ, mồ hôi đổ vã ra, sảng khoái ghê!

Con cháu đông rồi, anh không phải đánh máy như ngày xưa nữa. Các cháu giúp ông. Nhưng khi viết thư cho em, anh phải tự đánh máy. Thư này anh viết từ mùa hè, giữa hè, đến đúng mùa đông thì xong, mỗi ngày anh viết quần quật được 2 dòng. Ngày nào viết đến 3 dòng thì phải truyền một lọ đạm.

Nhớ cách đây chừng 50 năm em nhỉ! Chúng mình chạy ào ào trên bãi biển. Em thì lúc nào cũng hét lên: "Thích quá cơ". Còn anh thì chạy theo sau nhìn em. Thấy đôi chân em trắng loáng trong ánh chiều hoàng hôn ở bãi biển mà nhớ mãi. Giờ vẫn nhớ đấy. Hôm rồi, nhớ em quá, bảo đứa cháu nó đưa ra biển. Đinh nhấc chân bước, định hổn hển nhắc lại lời em nói "Thích quá cơ". Nhưng suýt nữa người anh đổ chúi xuống vì gió biển thổi.
Nhận được tin em đã hết ốm, đã ăn được mỗi bữa 5 thìa cháo bột mà mừng quá. Ăn 5 thìa là tốt rồi, ăn nhiều quá không nên em ạ. Anh khoẻ thế này mà chỉ ăn 4 thìa thôi là thấy no căng. Nhớ ngày xửa ngày xưa, vẫn thích ăn cơm nguội với nước cá kho. Vừa rồi, tự dưng thèm cơm nguội cá kho, ăn một chút thôi, mà miệng anh như ăn phải đá hộc. Đau tê tái.

Anh nhắc nhé: Nếu ngoài trời có gió là em không được ra ngoài. Hôm qua, mấy đứa cháu bảo "Ông ơi, ra sân hóng mát. Gió nồm mát lắm ông ạ!". Theo chân nó vừa ra tới sân, ngọn gió nồm suýt thổi anh bay lên nóc nhà, may có 2 thằng cháu giữ chặt.

Sắp tới sinh nhật em nhỉ. Thế là em đã tròn tuổi 80. Hôm đó anh sẽ cố gắng điện thoại. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng "Xào xào" tức là anh nói rằng "Em đấy hả". Khi nghe tiếng "Thùm thùm" tức là anh đang "Chúc sinh nhật vui vẻ". Đến khi nghe tiếng "Phù phù" nhiều lần là anh đang... hôn em.

Nhớ hồi ấy, anh đưa 2 tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời. Em cười rất to. Giờ anh nhìn lại đôi tay mình. Hình như tay ai, nhìn rất tội. Hôm qua, anh cố nhấc con búp bê bé tý lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc. Sợ quá nên thôi.

Em ngủ ngon không?

Anh chợp mắt từ chập tối. Đến khoảng 9 giờ là dậy, ngồi, nhìn ra trời đêm. Mấy đứa cháu nói: "Ông ngủ ít quá!". Anh bảo: "Thì đến khi ông ra đi, xuống đất, ông ngủ cả ngày, lo gì".



Thỉnh thoảng, anh vẫn mở máy tính. Xem lại mấy bài viết trên Blog hồi ấy. Thấy rất vui. Chắc giờ mấy ông, mấy bà Blogger cũng không còn mấy ai nữa. Lâu chẳng thấy ai vào Blog nữa. Lũ cháu hỏi: "Ông ơi! Blog là gì?". Chúng nó bây giờ chẳng có blog. Ngồi bô đi ị mà vẫn có màn hình máy tính ở miệng bô, thích thật.

Thời buổi giờ hiện đại quá, mình chẳng biết gì. Nhà anh, có cái máy giặt, con cháu nó đi làm, điều khiển từ xa, điều khiển cả rôbốt. Anh ngồi, rôbốt nó đến, nó cởi áo anh ra, nó gội đầu cho anh, tắm táp, rồi còn mang áo quần đi giặt. Lũ trẻ bây giờ yêu nhau cũng nhờ rôbốt làm hộ. Máy chữ không cần đánh, muốn viết gì, chỉ cần đọc là máy tính tự gõ chữ. Nhưng tiếng anh phì phèo quá nên máy chữ nó đánh sai hết cả. Ai đời anh viết "em ơi, anh nhớ em lắm", nhưng vì miệng anh móm mém phì phò nên máy nó nghe không rõ, nó đánh thành "Phem phơi, phanh phớ phem phắm". Thế mới bực!..

Anh không muốn gọi em là bà. Cứ gọi nhau bằng anh, bằng em thế nghe ngọt ngào. Hai ngày nữa anh tròn 90 tuổi. Anh đợi thư em.

Mà nếu không gửi được thư thì bảo rôbốt nó mang thư đến cho anh em nhé.

Anh dừng bút.

Thắng chắt nội đang mang chén cháo bột đến để cho anh ăn.

Chúc em ngủ ngon nhé!. Nhớ đừng ra gió!..

SĨ QUAN CAO CẤP BẮN... SÚNG HỎA MAI?

Hình ảnh đưa đi đưa lại ở nhiều nội dung, bài viết khác nhau
Mai Thanh Hải Blog - Một tờ báo của... Truyền hình Kỹ thuật số, mặc dù nghe ngang ngang vậy nhưng vẫn là... báo, có các bộ phận chuyên môn và nhất là phải có những người biết làm báo, biết viết báo. Thế nhưng, mấy ngày gần đây, đọc - xem 2 bài viết của phóng viên đi theo đoàn thăm quan cấp Bộ, thăm và chứng kiến cảnh luyện tập của một số quân - binh chủng, nói thật, mình không thể chấp nhận nổi. Người viết đầu đất đã vậy, người biên tập và duyệt đăng còn nhiều... đất trong đầu hơn. 

Không hiểu Tổng cục Chính trị QĐNDVN có biết những lỗi sơ đẳng, do những đầu đất gây ra? Xin lưu ý: Tập trung tuyên truyền về An ninh Quốc phòng mà không chọn đúng người, đúng loa thì sẽ phản tác dụng ngay tức khắc. Như vậy, hiệu quả sẽ chuyển thành... hậu quả, chứ không phải chuyện đùa.

Bài viết mang tính chất coi thường bộ đội xe tăng (đăng ngày 25-4-2011) với cách sử dụng từ ngữ lủng củng, không có lôgic và đặc biệt là cách gọi "lính xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam", giống như cách gọi "lính ngụy". Suýt phì cười vì đề dẫn "mùa hè nắng như đổ lửa". Chẳng hiểu buổi diễn tập diễn ra từ mùa hè nào, chứ hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa vào hè, chưa nắng như đổ lửa (nhất là ở trung du).

Nhiều hình ảnh của bài viết này đã được sử dụng ở bài viết khác trước đó, dĩ nhiên, những người trong ảnh, từ "lính xe tăng", được chuyển thành Sĩ quan cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (đăng ngày 22-4-2011) với cách khen ngợi rất hồn nhiên "đi xe tăng lội nước, bắn hỏa lực". Kiểu khen sĩ quan cao cấp này khiến  mình nhớ đến câu của Xuân Bắc trong 1 chương trình hài, khi "đánh bóng" thứ đồ của "Cao bồi miền Tây"... định mang tặng mẹ vợ tương lai:  "Cao bồi miền Tây/ Cưỡi ngựa nhau bay/ Bắn súng 2 tay/ Xì gà hút ngược/ Rạp trên mình ngựa/ Phi trên thảo nguyên mênh mông"...
Từ "đi xe tăng, bắn hỏa lực" chuyển sang... tập đội ngũ


Thứ ngôn ngữ ngô nghê, mù tịt về các khái niệm - thuật ngữ đơn giản còn khiến người xem phải nhai cái món "sĩ quan đi xe tăng lội nước, bắn hỏa lực". Tài thật! Ông Thượng tá bạn mình gọi điện lắc đầu: "Nó nói chúng tôi bắn... súng hỏa mai còn chấp nhận được, chứ hỏa lực thì chịu".

Đọc - so sánh để giật mình: Hình như nhiều Tòa báo không có gì để viết và cũng không có người viết?..

TỪ NỖI ĐAU CỦA ÔNG, VÕ VĂN KIỆT

Mai Thanh Hải Blog - Càng gần tới 30/4 càng có nhiều bài viết về ngày lịch sử này. Đủ các nội dung, thể loại từ mới đến cũ. Nhưng thường là những câu chuyện nói chung đã cũ từ bao nhiêu năm nay, với cùng 1 nhân chứng (nhưng nhiều người viết và... viết đi viết lại), 1 sự kiện và tất nhiên, vẫn chỉ cách đặt vấn đề như vậy. Với mình, ngày 30/4 luôn khiến mình nhớ đến khổ thơ chiến tranh, hình như của nhà thơ Vũ Quần Phương "... Bao nhiêu cuộc tiễn đưa, bao bà mẹ chờ mong/ Bao nỗi nhớ nén vào im lặng/ Cắn răng lại để làm lên chiến thắng/ Giặc tan rồi, bỗng nghe mặn trên môi". Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Huy Đức, đăng trên Báo Sài Gòn Tiếp thị vừa qua.
--------------------------------------

Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người.

Để làm nên chiến thắng 30.4.1975, những người con đất Việt không chỉ hi sinh xương máu. Có những sự hiến dâng không thể đặt tên. Có những nỗi đau không thể nói bằng lời. Và những mất mát, đau thương cũng có hàng ngàn diện mạo....

Trong đó nỗi đau chia ly Bắc - Nam của những gia đình  phải chia cắt cùng vĩ tuyến 17. Kể cả khi giang sơn thống nhất rồi thì vết cắt chia ly vẫn chưa hẳn đã được lành lặn. Trong số đó, có những người con tập kết, họ đã vượt lên trên nỗi đau riêng tư để từng bước cùng đất nước hồi sinh và vươn dậy. Nhân dịp kỷ niệm 30/4 - ngày thống nhất đất nước, Bee xin đăng lại những câu chuyện cảm động về những gia đình, những người con mà nghị lực của họ vượt lên trên cả sự thử thách của chiến tranh, của chia ly, của số phận.

...Hôm qua, 15-6 ( 15 -6 -2008 - bài viết được đăng tải trên Sài gòn Tiếp thị vào dịp Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất. Để giữ nguyên tính chân thực của câu chuyện, chúng tôi xin giữ nguyên những chi tiết  liên quan tới thời gian trong bài -  Bee.net.vn) ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.
đ
Đồng chí Võ Văn Kiệt tại vùng căn cứ U Minh

Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.

Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.

Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.

Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.

Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.
d
Bà Trần Kim Anh
d
Võ Dũng

Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.

Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.

Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15-6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”.

Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.

Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.

Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hoà giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ.

Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.

Theo Huy Đức/Sài Gòn tiếp thị
.