22 tháng 12, 2012

TRUNG ÚY NGHĨA Ở ĐỒN BIÊN PHÒNG CÔ BA

Mai Thanh Hải - Lần đầu tiên lên Cô Ba, gặp Nguyễn Khả Nghĩa, mình đã thấy cậu Trung úy này có chuyện gì đó buồn buồn, tồi tội.

Cái đời lính Biên phòng, cả năm ru rú nơi xa hút góc rừng, lưng núi (mình không nhắc đến những Đồn Biên phòng biển, ở cửa khẩu hay gần các khu... du lịch, sống sung sướng và đầy đủ như vua con), vài tháng nay mới nhìn mặt khách dưới xuôi lên, vậy thì phải vui lên - cười lên thật lòng, chứ không phải ngay cả khi mặc rằn ri, đẩy nhau phì phò luồn rừng, vượt núi leo lên cột mốc 589, mặt Nghĩa vẫn cứ buồn rười rượi, môi mím chặt chịu đựng.

Về Đồn, ngồi nói chuyện với Thiếu tá Bế Xuân Chiến (Chính trị viên, Đồn Biên phòng Cô Ba), mới biết hoàn cảnh của Nghĩa: 10 năm nay, 2 vợ chồng đến khánh kiệt vì điều trị bệnh máu trắng cho 2 cậu con trai, ngay từ khi chúng chào đời.
 Cũng biết đồng đội khó khăn lắm, nhưng đều cảnh lính vất vả - gian lao, nên mỗi cuộc quyên góp - ủng hộ, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba, BCH BĐBP Cao Bằng, sự chung tay không thấm tháp gì, so với mức chi phí gia đình bỏ ra hàng tháng.

Dĩ nhiên là ngay sau khi biết câu chuyện của Nghĩa, tụi mình đã coi đó như trách nhiệm của Áo ấm biên cương và làm mọi thứ có thể, để kêu gọi - giúp đỡ gia đình Nghĩa.

Và mình coi đó thực nghĩa tình đồng đội, dành cho nhau nhân ngày 22/12/2012 này.

THÔNG TIN VỀ HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH TRUNG ÚY NGUYỄN KHẢ NGHĨA

Họ và tên: Nguyễn Khả Nghĩa
Cấp bậc: Trung úy, Quân nhân chuyên nghiệp
Đơn vị công tác: Đội Vận động Quần chúng, Đồn Biên phòng Cô Ba, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng (đang đóng quân tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).

Sinh năm: 1977; Quê quán: Phúc Thọ - TP. Hà Nội
Nơi ở của gia đình hiện nay: xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Họ tên vợ: Đào Thị Hường; Sinh năm 1979
Nơi công tác: Giáo viên Trường THCS Nam Trung, Tiền Hải, Thái Bình

Họ tên con trai đầu: Nguyễn Khả Trọng Anh; sinh ngày 01/2/2003
Họ tên con trai út: Nguyễn Khả Nhật Khánh; sinh ngày 04/4/2008.

2 con trai của vợ chồng đc Nghĩa dược phát hiện bệnh máu trắng ngay từ khi sinh ra. Hiện tại gia đình đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn để điều trị cho 2 cháu. Cứ đến ngày quy định, vợ đc Nghĩa lại phải xin nghỉ dạy (thuê người khác dạy, với mức 15.000 VND/tiết), đưa 2 con lên Viện Huyết học và truyền máu định kỳ, theo phác đồ điều trị (chi phí 20 - 30.000.000 VND).

Hiện, chưa có sự ưu tiên nào từ phía Y tế cho con đc Nghĩa

Đồn Biên phòng Cô Ba và BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cũng có một số đợt quyên góp giúp đỡ, nhưng rất hạn chế, số tiền ít ỏi.

CÁC KHOẢN ĐÃ ỦNG HỘ - GIÚP ĐỠ TRUNG ÚY NGHĨA

(Trường hợp khó khăn của Trung úy Nghĩa được Đoàn Công tác của Chương trình “Áo ấm biên cương”- https://www.facebook.com/AoAmBienCuong; http://aoambiencuong.com/ phát hiện khi thực hiện chuyến công tác trao đồ ấm cho gần 800 học sinh trong xã Cô Ba và ủng hộ một số vật dụng cho Đồn Biên phòng Cô Ba. Ngay sau đó, Ban Điều hành Chương trình đã họp, thống nhất việc ủng hộ và nhận được sự hưởng ứng của các Thành viên trong Đoàn, trao trực tiếp tại Đồn Biên phòng Cô Ba cho đồng chí Nghĩa, trước sự chứng kiến của chính quyền xã, CBCS Đồn và Đoàn).

- Quỹ của Chương trình
"Áo ấm biên cương": 5 triệu đồng
- Công ty Cổ phần Điện hoa trực tuyến TP. HCM (anh Bùi Ngọc Quang làm Giám đốc, trực tiếp ủng hộ): 2 triệu đồng
- Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Cao Bằng (anh Nguyễn Danh Hải làm Giám đốc, trực tiếp ủng hộ): 2 triệu đồng
- Công ty Hoa Sen, TP. Hải Phòng (anh Trần Việt Phương làm Giám đốc, trực tiếp ủng hộ): 2 triệu đồng.
- Chị Thu Huong, 2 anh Mạnh Hải-Hoàng, Cty Vinalink Hà Nội: 2 triệu đồng
- Gia đình chị Nguyễn Kim Chi (Báo Phú Thọ): 5 triệu
- Các thành viên trong đoàn Công tác của Chương trình Áo ấm biên cương, lên với Cô Ba quyên góp tại chỗ: 4 triệu đồng.

Tổng cộng 22 triệu đồng (đã trao ngay buổi tối 08/12/2012 cho Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa, trước sự chứng kiến của CBCS Đồn Biên phòng Cô Ba).

Chiều ngày 18/12/2012, ngay sau khi xe của BCH BĐBP cùng Thiếu tá Bế Xuân Chiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cô Ba từ Cao Bằng đưa Trung úy Nghĩa về Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, thăm - động viên gia đình, các phóng viên Báo đài Trung ương và địa phương cùng các Thành viên Ban Điều hành Chương trình Áo ấm biên cương đã có mặt đón Đoàn, cùng lên thăm vợ con Trung úy Nghĩa.

Cũng tại cuộc gặp này, các Thành viên Ban Điều hành và cá nhân các Phóng viên đã quyên góp - ủng hộ và trao cho vợ chồng Nghĩa tổng số tiền gần 20 triệu đồng.

Liên hệ trực tiếp với Trung úy Nghĩa: 094.305.7688.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Nguyễn Khả Nghĩa, STK: 8302205025819, Ngân hàng NN&PTNT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Xin ghi rõ: "Giúp đỡ gia đình Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa".
***

BÀI VIẾT CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN KIM CHI TRÊN FB, NGAY TẠI ĐỒN BIÊN PHÒNG CÔ BA, SAU KHI NGHE CÂU CHUYỆN CỦA TRUNG ÚY NGUYỄN KHẢ NGHĨA

Mười năm nay, hai vợ chồng lay lắt, quay quắt với việc lo cho hai con đi lọc máu hàng tháng tại Bệnh viện huyết học và truyền máu TƯ. Sức khoẻ, kinh tế, tinh thần gần như kiệt quệ thế nhưng với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, anh đã động viên vợ để tiếp tục cuộc chiến giữ sự sống cho hai con trai từ tay thần chết.

Anh Nguyễn Khả Nghĩa là chiến sỹ đồn biên phòng xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Vợ anh là giáo viên đang dạy THCS ở Thái Bình. Vì nhiệm vụ anh phải xa vợ con ngay từ ngày cưới.


Đứa con trai thứ nhất ra đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. Không lâu sau, cháu được phát hiện mắc bệnh máu trắng. Và cuộc sống của cháu gắn bó với viện huyết học từ đó. 5 năm sau, thằng cu thứ hai chào đời trong niềm hy vọng bình an.

Nhưng cuộc đời đã không mỉm cười với anh chị, thằng anh của cháu đã có thêm một người bạn đồng hành trên đường lên viện.

Thời gian cứ trôi qua một cách vô tình, người mẹ tần tảo, mệt nhọc ngày này sang tháng khác bồng hai con trên quãng đường ngót trăm cây số từ Thái Bình lên HN để duy trì sức khoẻ cho các cháu.

Người bố ở xa chỉ biết dõi theo ba mẹ con qua sóng điện thoại. Vậy là đã 10 năm nay, con trai lớn của a Nghĩa 10 tuổi, con trai thứ hai gần 5 tuổi, chúng phải sống nhờ vào những giọt máu nhân đạo của xã hội. Sống cách xa vợ con cả nửa ngàn km, một năm a được đơn vị cho về thăm con 2-3 lần.

Bao nhiêu tiền lương anh gửi về chạy chữa cho con và mỗi lần như thế, vợ a lại phải nghỉ dạy và nhờ giáo viên khác dạy. Ít tiết thì không đồng nghiệp nào từ chối nhưng thời gian quá dài nên chị phải thuê dạy. Đã khó lại càng khó nhưng k còn cách nào khác.

Đây là một câu chuyện vô cùng cảm động và khiến tôi day dứt trong chuyến đi tình nguyện tại Cô Ba. Ngay buổi gặp mặt đầu tiên, sau vài phút chào hỏi, anh Nghĩa đã gửi gắm tâm sự gia đình với tôi như một định mệnh. Lắng nghe, nuốt từng lời của anh mà tôi không cầm được lòng. Từ giây phút đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh của 3 mẹ con cho dù chưa một lần gặp mặt.

Ngày chúng tôi đặt chân lên Cô Ba cũng là ngày 3 mẹ con lại dắt nhau lên viện. Tôi quyết định muốn làm một điều gì ngay lúc đó để động viên anh.

Trao đổi với Nhà báo Mai Thanh Hải và các thành viên trong đoàn tình nguyện, chúng tôi quyết định:
- Trích từ Quỹ "Áo ấm biên cương" ủng hộ 5 triệu
- anh Ngọc Quang Bùi - thành viên AABC, GĐ Cty Điện hoa trực tuyến TP. HCM ủng hộ 2 triẹu đồng
- anh Nguyễn Danh Hải- thành viên AABC, GĐ Cty TM tổng hợp Cao Bằng ủng hộ 2 triệu
- anh Trần Việt Phương- thành viên AABC, GĐ Cty Shell gas Hải Phòng ủng hộ 2 triệu
- chị Huongbongbop Nguyen anh Hải, Hoàng- thành viên AABC, Cty Vinalink ủng hộ 2 triệu
- chị Kim Chi Nguyễn- thành viên AABC, Báo Phú Thọ ủng hộ 5 triệu
- các thành viên đoàn tình nguyện lên Cô Ba ủng hộ 4 triệu đồng.

Có thể với số tiền 22 triệu đồng quyên góp ngay trong một buổi tối là quá nhiều với a Nghĩa nhưng nó không thấm tháp vào đâu với việc chạy chữa bệnh cho hai con anh.

Nghe a đt về hỏi thăm tình hình, vợ a khóc vì thương con, con a khóc vì đau nhức trong người. A nuốt nước mắt vào trong để động viên vợ và dặn dò con. Tiếng trẻ thơ nức nở nhưng vẫn trong veo như mũi kim sát vào lòng tôi.

Tắt điện thoại, anh Nghĩa bật khóc như một đứa trẻ. Chúng tôi lao vào ôm anh thật chặt, tiếp thêm nghị lực cho anh.

Các chiến sỹ đồng đội của anh cũng ôm chặt chúng tôi thành một vòng ôm to, rất chặt.

Trở về với phố thị đã mấy ngày rồi mà tôi vẫn không thôi nhớ đến những ngày qua đặc biệt nhớ đến ánh mắt ngấn nước của anh Nghĩa.

Đêm nào trước khi đi ngủ, như một thói quen, tôi lần giở lại những bức ảnh mang dấu ấn Cô Ba và tôi cũng thầm cầu nguyện cho hai con anh vượt qua bệnh tật.

Tôi rất mong những người bạn của tôi hãy chia sẻ với hoàn cảnh của a Nghĩa nhé. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" đấy.


Đọc thêm về hoàn cảnh Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa: Tại đây

21 tháng 12, 2012

NHÓI BUỐT HÁNG GÀNG

Mai Thanh Hải - Mình lên huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu (Yên Bái), nói chuyện đi thôn Háng Gàng của xã Pá Hu, đến cả một số cán bộ huyện cũng lắc đầu quầy quậy.

Cũng đúng thôi, bởi muốn lên tới Háng Gàng, phải để xe ôtô ven đường từ Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu, lội qua suối và ngồi trên xe máy của cán bộ xã, thầy cô giáo thuộc dạng "tay lái đặc biệt", ngược lên thăm thẳm, ban đầu còn đếm mấy núi mấy suối, nhưng sau không còn sức và không biết bao nhiêu để mà đếm nữa, mới tới nơi...

Mỗi năm, khu vực Pá Hu chỉ có khoảng 2 tháng trời nắng ráo, đi trong 3 tiếng xe máy mới tới nơi. Còn lại, chỉ có cách cuốc bộ nửa ngày, mới lên tới được Háng Gàng.

Mình chắc, mọi chuyên gia về giao thông hàng đầu của anh Đinh La Thăng, khi lên Háng Gàng, sẽ vứt bỏ ngay khái niệm "đường giao thông nông thôn", bởi đó không thể gọi là đường, mà chỉ là lối mòn qua những thân đá xanh trơn tuột, lúc lỉu bờ ruộng, chênh vênh sườn núi, 2 người đi ngược chiều gặp nhau, 1 người phải nằm rạp vào vách núi, mới có đường cho người kia đi...

Hôm trước khi lên Háng Gàng khảo sát việc một nhà hảo tâm trong Sài Gòn, muốn Áo ấm biên cương khảo sát, giúp đỡ xây 1 điểm trường học ở vùng cao đặc biệt khó khăn, chị Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu ngập ngừng: "Trên đấy khó khăn đủ bề, cán bộ huyện vào đấy, khi ra có khi cởi hết khăn áo tặng lại bọn trẻ con, vì thương quá!".

Mình thống nhất với anh chị em trong Ban Điều hành Áo ấm biên cương: "Xuất kho, tặng cho bọn trẻ trên 2 điểm trường của xã Pá Hu 85 áo ấm - mũ len và 40 đôi ủng".

Chị Hà nghe vậy mừng rơn: "Tuyệt vời quá!" rồi lại tủi tủi: "Muốn xin thêm nhiều nữa, nhất là đồ ấm, nhưng chuyển vào tận nơi, cũng khó!"...

Đêm, hùng hục lái xe chạy từ Hà Nội lên Trạm Tấu, gần 4h sáng mới tới Nghĩa Lộ, không thể đi thêm được nữa, đành chui vào nhà nghỉ chợp mắt 1 chút và 7h sáng lại tất tưởi ngược lên Trạm Tấu, đến giữa cung đường, đã thấy chú em tên Công - Phó Văn phòng UBND huyện Trạm Tấu (một "tay" đi rừng cực kỳ chuyên nghiệp và kinh nghiệm), cùng 5 cán bộ xã co ro đứng ven đường, chờ chở lên bản.

Công bảo: "Từ đây, chúng ta lên núi" và hành trình của 4 chiếc xe máy chở người, 2 xe chở hàng cùng... thực phẩm (dành cho bữa trưa trong bản), cứ đằng đẵng, vật vã trên triền núi, ngang qua khe, lội qua suối, hơn 11h mới vào tới nơi...

Đúng lúc bọn trẻ con điểm trường (40 đứa Mầm non và 22 đứa Tiểu học) ăn trưa.

Tất cả chúng, đều bé tý như cái kẹo, sàn sàn nhau từ Mầm non cho đến lớp 5, chả hơn nhau được cái đầu. Hỏi ra mới biết, trên này thiếu thốn đủ đường, đến ăn còn chả có, nói gì đến chuyện cao lớn.

Bọn trẻ ở đây cực ngoan và lành như củ khoai cục đất. Cô giáo Cúc nhắc: "Nghỉ học, chuẩn bị ăn cơm và ngủ trưa!".

Chúng tự động gấp sách vở, dắt tay nhau ra ống nước lờ đờ chảy từ trên núi xuống, chờ đến lượt lau mũi, rửa tay.

Đứa nào xong, lại về lớp lấy đúng cặp lồng nhựa, cái nào cũng cáu bẩn, sứt sẹo, cũ kỹ, ghi tên mình, mở nắp, xúc cơm ra bát hoặc đổ chung vào nồi và trệu trạo ngồi ngay chỗ học, nhai.

Vào xem chúng nó ăn uống ra sao. Trời ạ!. Toàn cơm không, lổn nhổn - khô cong - lạnh ngắt khoảng 1 bát đầy. Thưc ăn duy nhất là gói muối thâm xì, hạt to như đầu đũa và 1 muôi măng ớt của thằng cu Hờ (con cán bộ thôn) cũng đựng trong túi ni lông, đặt trang trọng trên bàn đầu, đứa nào muốn ăn, phải xin Hờ và gượng nhẹ nhón 1 miếng, nâng niu đặt trên đầu lưỡi, lùa cùng miếng cơm, nghẹn ứ bên trong.

Bạn Nguyên Minh, Thành viên Chương trình đi cùng mình đứng nhìn chúng nó ăn và quay ra cửa, chấm nước mắt.

Mình nhớ đến bạn Võ Anh Duc Vo trong Nha Trang, hôm rồi cùng 1 bạn trong đó, gửi tặng trẻ em Cô Ba 66 chai nước mắm cá cơm nguyên chất, nên hỏi cô giáo Cúc: "Ăn cơm với muối thế này, học sao nổi. Chúng nó có ăn được nước mắm và cá cơm không?". Cúc cười líu ríu: "Thế thì hạnh phúc quá!" và lại tất tưởi chạy xuống gian bếp dột nát đầu hồi nhà, khệ nệ bưng lên nồi canh cải lõng bõng toàn những nước và nước, khiến bọn trẻ con hết thảy đều reo lên à à...

Mình hỏi cu Hờ: "Hôm nào cũng ăn cơm với muối và canh thế này à?". Cu Hờ lí nhí: "Chỉ có muối thôi. Hôm nay cán bộ lên, mới được cô giáo nấu canh cho ăn đấy!"...

Mình ngỡ ngàng quay sang Cúc, em bật khóc: "Em xót chúng nó lắm, nên hàng ngày đều tranh thủ trồng rau, lấy tiền riêng mua dầu ăn - mì chính từ ngoài xã vào mỗi tuần. Từ đầu năm đến giờ, vườn rau trụi hết rồi, chứ em có tiếc gì bọn trẻ đâu?".

Tự dưng mình thấy nhói buốt ở ngay trong lồng ngực, giữa bọn trẻ con lít nhít rách áo - đói cơm và cô giáo cô độc giữa núi rừng xa thẳm: HÁNG GÀNG...
*****
 

18 tháng 12, 2012

40 NĂM NHÌN LẠI CHIẾN DỊCH PHÒNG KHÔNG 12/1972.

Mai Thanh Hải - Những ngày này, cách đây 40 năm về trước, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, trung tâm khác của miền Bắc mịt mù, tan hoang bởi bom đạn khốc liệt trút xuống từ những "Pháo đài bay B52".

Qua 12 ngày đêm (18-30/12/1972), bom đạn đã tạm ngưng và lịch sử cách mạng gọi đó là "Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không".

Thế nhưng những ngày này, bao gia đình Hà Nội lại nghi ngút khói hương, giỗ nhớ những người đã nằm xuống, trong đạn bom mịt mù, 40 năm về trước.

Ngày 14-12-1972, Tổng thống Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng. 193 máy bay B52 (với 663 lượt chiếc) và 999 máy bay chiến thuật (với 3.920 lượt chiếc) được huy động hòng đánh phá hủy diệt các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, khu dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác.
Với chiến dịch ném bom rải thảm cực kỳ tàn bạo này (theo tính toán của các nhà nghiên cứu thì sức tàn phá của nó tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945), đế quốc Mỹ tin rằng, Hà Nội sẽ phải khuất phục. Vậy mà, tham vọng của bộ máy chiến tranh Mỹ đã sụp đổ. Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972) quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do chuẩn bị từ nhiều năm trước, cho nên chúng ta đã không bị bất ngờ khi phải đối phó với cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội và Hải Phòng.

Ngay từ năm 1966, khi B52 ra đánh đèo Mụ Giạ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu cách đánh B52.

Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Quán triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các Lực lượng vũ trang mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng B52 vào Hà Nội.

Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo biên soạn tài liệu cách đánh B52 để huấn luyện cho các đơn vị Phòng không, Không quân; tiến hành điều chỉnh lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, điều các đơn vị Phòng không chủ lực về các địa bàn trọng điểm; xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân; chấn chỉnh công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu...
Các đơn vị Tên lửa, Ra-đa, Phòng không đều chủ động triển khai nghiên cứu cách đánh B52 tại chỗ, đồng thời đưa một số đơn vị vào Khu 4 trực chiến để đúc rút kinh nghiệm.

Bộ Tổng Tham mưu đã điều hẳn một Trung đoàn Tên lửa vào Khu 4. Thậm chí, trong chiến dịch Quảng Trị, đưa tới 4 Trung đoàn vào tham chiến cùng với các lực lượng Phòng không tại chỗ, nhằm tìm ra cách đánh B52 hiệu quả nhất.

Đầu tháng 9/1972, ba tháng trước khi cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào thủ đô Hà Nội và Hải Phòng diễn ra, ta đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chiến dịch đánh B52.

Những nội dung quan trọng như: Công tác chuẩn bị; điều chỉnh bố trí lực lượng; nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không... về cơ bản đã được xác định. Chính vì vậy mà khi cuộc tập kích chiến lược của không quân địch diễn ra, ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như cả về chiến thuật.

Ngày đầu tiên, B52 vào đánh phá Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu đã phát lệnh báo động trước 25 phút; còn những ngày sau đó, ta thường phát hiện B52 vào đánh Hà Nội trước 30 phút.

Cách đánh cơ bản của không quân địch trong cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng là lấy B52 làm lực lượng chủ yếu, với sự hộ tống của không quân chiến thuật và không quân của hải quân.

B52 tập trung đánh vào ban đêm, còn không quân chiến thuật làm nhiệm vụ gây nhiễu, chế áp các lực lượng phòng không và không quân của ta; đồng thời đánh xen kẽ giữa các đợt của B52 để duy trì cường độ đánh phá 24/24 giờ trong ngày.

Mỗi chiếc B52 là một trung tâm tác chiến điện tử và đi theo nó thường có từ 15 đến 19 máy bay gây nhiễu khác nhau. Mỗi tốp 3 máy bay B52 có thể rải thảm từ 60 đến 100 tấn bom trên một diện rộng.

Lần đầu, phải đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 và các loại vũ khí tối tân hiện đại của Mỹ, các lực lượng ta đã tìm ra cách đánh hay, phù hợp điều kiện thực tế về trang bị.

Bộ đội Ra-đa qua thực tế chiến đấu, đã tách được B52 ra khỏi nền nhiễu và tách được B52 ra khỏi lực lượng hộ tống.

Trong một khối nhiễu dày đặc, Bộ đội Tên lửa đã khắc phục được những hạn chế về tính năng binh khí kỹ thuật, biết phân biệt được mục tiêu thật và giả, tránh được tên lửa tự dẫn của máy bay địch, nhận diện được B52, tạo cho mình thế trận có lợi nhất để tiêu diệt mục tiêu.

Quân và dân ta đã nghiên cứu phát hiện ra điểm mạnh, yếu của địch, bảo đảm lực lượng nào cũng có thể hạ được máy bay, vũ khí nào cũng phát huy được tác dụng...

Trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12/1972, ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá nham hiểm của địch.

Cách đánh sáng tạo và hiệu quả trong chiến dịch này là kết quả được đúc rút từ nhiều năm chống chiến tranh phá hoại, đặc biệt là những kinh nghiệm được Bộ đội Ra-đa, Tên lửa, Phòng không tích lũy, thậm chí được trả bằng xương máu, qua những năm tháng trực chiến và nghiên cứu cách đánh B52 trên chiến trường Khu 4.

Để bảo đảm chắc thắng và giành thế chủ động ngay từ trận đầu, công tác nghiên cứu khoa học, bảo đảm vật chất, kỹ thuật cũng được các lực lượng vũ trang ta chuẩn bị công phu với nỗ lực rất lớn.

Cho đến trước ngày 18/12/1972, ngày Đế quốc Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, chỉ riêng ở Hà Nội ta đã xây dựng được 30 trận địa cho tên lửa, hơn 100 trận địa cho cao xạ các loại; mỗi Tiểu đoàn Tên lửa đều có hơn 2 cơ số đạn; hệ số kỹ thuật của Tên lửa bảo đảm 100%, của Pháo phòng không là 95% và của Ra-đa là 96,5%.

Ta đã tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch, bao gồm: 3 Sư đoàn Phòng không: 361, 363, 375; 23 Tiểu đoàn Tên lửa; 13 Trung đoàn Cao xạ; 4 Trung đoàn Không quân; 4 Trung đoàn ra-đa; 3 Trung đoàn, 2 Tiểu đoàn Phòng không của các Quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn.

Ngoài ra còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) Phòng không của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng.

Cũng trong chiến dịch này, ta đã xây dựng được một "Thế trận phòng không 3 thứ quân" vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng.

Bên cạnh các lực lượng Phòng không chủ lực, tại Thủ đô Hà Nội, ta đã tổ chức được 92 trận địa tập trung pháo Phòng không tầm thấp và 4 Đại đội cao xạ tầm trung (loại 100 mm), nhiều trận địa được bố trí trên các tòa nhà cao tầng, gần các mục tiêu trọng điểm, đón lõng trên các đường bay của địch...

Ngoài ra còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch.

Nội dung cơ bản của Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 bao hàm cả hai mặt: Chủ động tích cực đánh địch, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược B52 của chúng và triệt để phòng tránh, sơ tán làm giảm hiệu quả đánh phá của địch xuống mức thấp nhất.

Công tác phòng tránh, sơ tán được quân và dân ta thực hiện một cách chủ động và triệt để, bao trùm các mặt: Tổ chức vận động nhân dân sơ tán ra khỏi các trọng điểm đánh phá; chỉ đạo củng cố và xây dựng hầm hố trú ẩn; tổ chức tốt hệ thống thông tin - thông báo, quan sát báo động; triển khai các phương án khắc phục hậu quả.

Đối với lực lượng vũ trang, ngoài việc phối hợp với nhân dân thực hiện các nội dung nêu trên còn phải triển khai xây dựng các trận địa dự phòng, các sân bay dã chiến; sơ tán các xưởng trạm, tập kết vũ khí, đạn dược, nhất là vấn đề đạn tên lửa...

Trước khi cuộc tập kích chiến lược bằng B52 diễn ra; Hà Nội đã huy động 370 ô-tô các loại chở hơn 30 vạn người ra khỏi nội thành, đưa số người sơ tán khỏi nội thành lên tới gần 55 vạn. Những nhà máy, xí nghiệp không thể sơ tán, đã được ngụy trang, bảo vệ chu đáo. Ở đâu có người, có tài sản, ở đó đều có hầm trú ẩn.

Bên cạnh mạng lưới Tình báo quốc gia, ra-đa cảnh giới, Hà Nội còn có 36 còi báo động, 36 đài quan sát của thành phố, 414 trạm quan sát của các khu, huyện, hình thành mạng lưới quan sát rộng khắp từ xa đến gần.

Tổ chức hoàn chỉnh hệ thống cấp cứu phòng không bốn tuyến với 266 trạm ở các khu, huyện và 64 đội cấp cứu, 11 đội phẫu thuật lưu động.

Nhờ chủ động làm tốt công tác sơ tán phòng tránh, ta đã hạn chế được thiệt hại về người và của; nhất là tại một trung tâm đầu não như Hà Nội.

Nguồn số liệu: Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự Việt Nam (12/2011)
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

MỘT SỐ HÌNH ẢNH PHI CÔNG MỸ BỊ BẮT SỐNG, KHI LÁI MÁY BAY NÉM BOM MIỀN BẮC

Phi công Mỹ bị Hải quân Vùng I bắt sống
Nhảy dù xuống rừng, vẫn không thoát lưới dân quân
Tự vệ bắt phi công
Áp giải 2 phi công Mỹ ra sân bay Gia Lâm, trao trả năm 1973
Bắt sống phi công, ngoại thành Hà Nội
Bì bõm vớt phi công Mỹ khỏi hồ Trúc Bạch
Áp giải và bảo vệ phi công, trước sự phẫn nộ của người dân
2 chú phi công được canh gác cẩn mật, ngay khi đang tắm
Trao trả tù binh là phi công, tại sân bay Gia Lâm, 1973
Phi công tù binh, ngồi trên xe ca
Bữa ăn của tù binh phi công, tại Trại giam Hỏa Lò
Tù binh phi công cũng tăng gia sản xuất với sản phẩm là gà trống và khoai Tây (trước Noel)
Tù binh phi công, trước khi được trao trả
Canh gác vòng ngoài
Phía trong nhà, sau song sắt là tù binh phi công Mỹ
Quạt nan và nụ cười hiếm hoi
Trong trại giam, cũng phải trồng rau và chăm sóc, tưới tắm như thường

17 tháng 12, 2012

TRUYỀN TAY HƠI ẤM

Áo ấm biên cương - Trước mỗi chuyến hàng lên biên cương, mối lo luôn thường trực trong mỗi người là phương tiện vận chuyển hàng hóa, bởi không tính toán hợp lý, quá là "một tiền gà ba tiền thóc", tiền vận chuyển chiếm đến cả chục phần trăm trong tổng số hàng.

Quá thật đấy chứ, bởi từ Hà Nội chuyển hàng lên trung tâm của tỉnh, xong lại về trung tâm huyện, tập kết ở trung tâm xã, xong mới kì cạch về đến từng điểm Trường, trao tận tay từng cô giáo - học sinh...

Chả thế mà mỗi chuyến đi, Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng các tỉnh nơi Chương trình Áo ấm biên cương (AABC) triển khai đều cử cán bộ đi cùng xe chuyên dụng, đón ngay từ tỉnh và "hộ tống" tới tận các Đồn, lại về tỉnh cho đến khi kết thúc chuyến đi, cùng với cán bộ chiến sĩ trong các Đồn cùng chở hàng - trao quà, như các Thành viên Chương trình.

Mà nếu không có Biên phòng, Giáo viên, Cán bộ xã và nhất là phụ huynh học sinh ở các thôn bản thì có đến cả tháng, cũng không khuân nổi hàng vào đến địa bàn.

Đơn giản là những khu vực biên giới mà chúng mình mang hàng đến, chả có ma nào biết, đặt chân và lang thang phượt phịch, như những điểm khác thuận lợi - phong cảnh hoặc ghi dấu hoa bướm cỏ cây.

Chuyến trước lên Xuân Trường, Cán bộ Đồn mỗi ngày lội gần 30km đường rừng để "trinh sát" xem xe vào được không và cả Hà Nội lẫn Cao Bằng, cứ đến lúc dự báo thời tiết là giật mình thon thót, sợ mưa rừng lầy đường.

Trước hôm xuất phát, Xuân Trường đổ mưa ào ạt khiến 30 km đường rừng với con dốc 3 tầng nổi tiếng vùng Đông Bắc trở thành "đại Trường Sơn", cả xe tải chở hàng lẫn mấy xe chở người đều chết dí.

Trong xã có duy nhất 1 xe IFA dám vượt đường ra "tăng bo" hàng, nhưng hôm ấy cũng dở chứng chết máy, làm mình sôi sùng sục trong đầu, giữa giời mưa lạnh 15 độ C.

Rút cục, ngoài 2 xe Uoat của Biên phòng tỉnh và Công an huyện dám "tăng bo" người, chở thêm hàng, phải cắn răng thuê thêm 5 xe Uoat chuyên dụng đi núi của người dân quanh đấy, quấn xích vào lốp, cài cầu chất hàng, bò từng đoạn, đến nửa đêm mới tới Đồn, thồ được 2/3 hàng, hôm sau thêm 3 xe nữa chở nốt.

Chuyến hàng lên Cô Ba lần này, anh Nguyễn Danh Hải (Giám đốc Cty CP Thương mại Tổng hợp Cao Bằng) trong Ban Điều hành Chương trình, ủng hộ toàn bộ việc chuyên chở từ Hà Nội lên Cao Bằng, ngược tiếp đến tận Đồn Cô Ba.

Từ Đồn, hàng được giao trước cho giáo viên ở từng điểm Trường cùng phụ huynh, theo danh sách ký nhận và ngày hôm sau, thành viên Đoàn Công tác chỉ đến để bóc thùng giao hôm trước, trao quà cho tận tay từng họ tên học sinh.

Cái cảnh: Đêm tối giữa rừng, vẫn soi đèn giao hàng và giáo viên - phụ huynh nhẫn nại đứng đợi hàng của điểm Trường mình. Khi nhận được rồi, cười hớn hở và cuống quýt chằng buộc, phi thật nhanh về trường cách đó cả vài chục km, mới thấy vui và hạnh phúc đến nhường nào...

Và thế mới thấm thía khái niệm: Chuyền tay hơi ấm, đến từng đứa lít nhít trẻ con...
---------------------------------------------------------------------------------------------------
CHƯƠNG TRÌNH AABC VẬN CHUYỂN, TRAO TẶNG QUÀ CHO GIÁO VIÊN - HỌC SINH XÃ BIÊN GIỚI CÔ BA (BẢO LẠC, CAO BẰNG) NGÀY 6-9/12/2012