25 tháng 5, 2012

"AI NÓI HẢI DƯƠNG KHÔNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÀ NÓI ĐIÊU"...

Đào Tuấn - Vẫn biết là “làm giàu không khó”, nhưng nghĩ đến nát đầu cũng không hiểu: Tại sao một Trưởng phòng quèn, có tỷ bạc bỏ ra rước về chỉ một cái cây, trong khi hàng tháng vẫn ngửa tay nhận đồng lương ba cọc ba đồng và không ngớt kêu than “không đủ sống”.

Có tờ báo gọi là “cơ ngơi hoành tráng”. Có tờ gọi là “vườn thượng uyển”, là “Rresort 5 sao”, là “trăm tỷ” là “triệu đô”....

Gọi thế nào cũng đúng với cơ ngơi hơn 4.000 m2 ở Ninh Giang (Hải Dương), với 2 hòn non bộ “khổng lồ” bằng đá xanh được thiết kế công phu, đẹp mắt làm “tiền đường tụ thuỷ” tạo của cải, phúc trạch kiêm điều hòa sinh thái.

Rồi thì ngoài đá xanh, còn có đá đỏ.

Ngoài đá ngoài cổng, đá non bộ, còn đá đặt trên…đồi nhân tạo.

Rồi thì một “rừng” cây cảnh thuộc dạng quý hiếm “khiến mọi người phải ao ước” với cây sưa “hơn một vòng tay người ôm”, cây tùng la hán “hàng trăm năm tuổi”, gốc thị lâu năm…

Báo chí không rỗi hơi. Vì cơ ngơi hoành tráng, vì vườn thượng uyển, vì resort 5 sao, vì “trăm tỷ”, “triệu” đô này có liên quan đến… Nghị quyết TƯ4, đến tên tuổi của đồng chí Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, người từng phát biểu về "công khai minh bạch như là một biện pháp hiệu quả chống tham nhũng".

Sau khi báo chí đưa tin “cơ ngơi triệu đô” là của đồng chí Bí thư, hôm qua, với một sự nhiệt tình hiếm thấy, Chủ tịch huyện Ninh Giang đã “đính chính” với báo chí rằng: “Khu nhà vườn” ở Ninh Giang (nhà vườn chứ không phải “vườn thượng uyển”) là của đồng chí Bùi Thanh Tùng, con trai Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, chứ không phải của đồng chí Quyến.

Hơn nữa, diện tích “chỉ có 4.152 m2”- chứ không phải gần 5.000 m2 như báo chí nói.

Ông cũng cực lực phản đối giá trị “ngôi nhà vườn” mà báo chí mô tả là “trị giá hàng trăm tỷ đồng” với lý do rất đơn giản là “Thông tin đó chưa được kiểm chứng”...

Đáng lẽ, ông Chủ tịch phải nói rõ ràng hơn là chỉ có mấy “cái cây vớ vẩn” với “mấy hòn đá” chứ đã thấy trống đồng, ngà voi nào đâu?..

Báo chí có vẻ hố nặng.

Một tờ báo trước đó thậm chí còn dẫn đủ các loại nghị định thông tư để tính toán rằng đối với cán bộ đảm nhiệm chức danh Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm trưởng đoàn ĐBQH thì mức lương sẽ là: Hệ số phụ cấp Bí thư: 1,3 + Hệ số lương, hệ số phụ cấp Chủ tịch HĐND: 8,89 + Hệ số phụ cấp Trưởng Đoàn ĐBQH: 1,25 = 11,44 x 1.050.000 = 12.012.000 đồng/ tháng. 12 triệu đồng... - Tức là chỉ hơn chút đỉnh mức “không đủ sống” 10 triệu đồng mà nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc vừa khẳng định.

Tính trong một năm số tiền mà vị quan đầu tĩnh cỡ này có thể nhận được là 144.144.000 đồng.

Thế nên phải tin ngôi nhà chắc chắn không thuộc sở hữu của đồng chí Bí thư.

Khi mà tính cả nhiệm kỳ 5 năm, lương của một vị Bí thư là không quá 720.720.000 đồng - số tiền thậm chí không đủ mua một ngôi nhà chính sách.

Tất nhiên, đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, kiêm Trưởng đoàn ĐBQH, sắp tới còn kiêm luôn cả chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ chẳng bao giờ phải giải trình nguồn gốc số tiền chơi cơ ngơi hoành tráng.

Bởi như đã nói, cơ ngơi trăm tỷ đứng tên con trai ông: Đồng chí Bùi Thanh Tùng.

Vậy thì đồng chí Bùi Thanh Tùng là ai mà chơi hoành tráng thế?.

Xin thưa, dẫu là con trai Bí thư tỉnh ủy, nhưng đồng chí Tùng giờ vẫn khiêm tốn với chức vụ Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh xã hội Hải Dương, vừa được bổ nhiệm còn chưa ráo mực.

Nghĩ cũng lạ. Trong khi Bí thư, kiêm Chủ tịch HĐND, kiêm Trưởng đoàn ĐBQH lương chỉ trên mức “không đủ sống, thì một Trưởng phòng quèn lại có đủ tiền chơi cơ ngơi hoành tráng.

Mà đó mới chỉ là thứ chưa hoàn thiện, thứ thiên hạ có thể nhìn thấy.

Thế nên, cán bộ công chức, nhất là ở Hải Dương, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh xã hội đừng bao giờ than lương không đủ sống.

Bởi ngành Lao động - Thương binh xã hội tỉnh nhà đang khiến các ngành bạn tủi thân, khiến các CEO doanh nghiệp nghẹn ngào. Và vớ vẩn, tới đây lại chả hút hết chất xám trên toàn quốc theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”.

Vẫn biết là làm giàu không khó. Nhưng nghĩ đến nát đầu cũng không hiểu: Tại sao người ta có tỷ bạc bỏ ra rước về chỉ một cái cây, trong khi hàng tháng vẫn ngửa tay nhận đồng lương ba cọc ba đồng và không ngớt kêu than “không đủ sống”.

Nhưng dẫu sao, việc báo chí hóa cuồng vì “vườn thượng uyển triệu đô” hóa ra lại là một bài học tốt.

Không phải ở nghĩa phải khéo léo hơn, phải bớt hoành tráng đi, phải “ở ẩn” giả nghèo giả khổ.

Mà ở chỗ bây giờ chơi “sưa” với “đá”, đại gia thì đại gia thật, hoành tráng thì hoành tráng thật, nhưng cũng rất dễ…rước họa.

Bởi nói đến cây sưa “Một vòng tay người ôm”, người ta hẳn rùng mình nhớ lại cảnh hỗn chiến với dao súng, để cướp sưa ở Quảng Bình vừa tuần trước.

Đến cây sưa bé bằng cái miệng bát mọc ngay sát Công an phường Nghĩa Tân còn bị sưa tặc nửa đêm vào cưa trộm, huống chi to đến “một người ôm”.

May mà "sưa tặc" ít đọc báo chứ nếu không, cũng chẳng biết thế nào mà lần.

Còn đá, cũng chỉ vừa tuần trước, huyện quan Chư Sê đã làm cũi sắt giam hai hòn đá vì đã bị “khai thác khoáng sản trái phép”.
Còn ở Ninh Giang, chắc dân có nghề “trồng đá”, hoặc “nuôi đá đẻ” nên huyện quan không thấy cưỡng chế làm cũi bắt giam đá nhà…con trai ông Bí thư.

Nhớ hôm rồi, khi QH thảo luận Dự án Luật Phòng chống rửa tiền, có vị ĐBQH đã thẳng thắn rằng: "6 năm trời thực hiện Nghị định 74 về Phòng chống rửa tiền, không phát hiện ra nổi một vụ rửa tiền, trong khi ở đâu có tham nhũng thì ở đó có rửa tiền!".

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo có lần cũng nói: “Tiền bẩn” của bọn buôn lậu, buôn ma túy trở thành “tiền sạch” quá dễ. Bởi người ta chỉ cần mang bao tiền bẩn đó đi mua nhà, mua đất rồi bán lấy tiền là thành tiền sạch, không cần phải “rửa” qua các Ngân hàng...

Nói thế là oan cho... bọn buôn lậu ma túy. Bởi chuyện tẩy tiền bằng bất động sản, còn là chuyện của bọn tham nhũng nữa.

Ai nói Hải Dương không chống tham nhũng rõ ràng là nói điêu.

Trong 5 năm rồi, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư , Hải Dương đã xử lý kỷ luật 70 cán bộ, Đảng viên liên quan đến tham nhũng.

Kiên quyết không?. Quá kiên quyết là khác.

Nhưng chắc đó chỉ là tham nhũng vặt, cỡ tiền lẻ bé đến mức không cần mua phong bì, đến mức chuyện rửa tiền hóa ra lại hóa khôi hài.

Chuyện “rửa tiền” chắc chỉ có ở.. nước ngoài, hay chí ít nó cũng không có ở… Hải Dương.

Năm ngoái, khi tiến hành kê khai tài sản, ở Hải Dương đã có 773 cán bộ công chức tiến hành kê khai tài sản thu nhập (lần đầu) và 7.958 cán bộ kê khai bổ sung.

Báo cáo - to đoành hai chữ “nghiêm túc” thậm chí có câu rất hoành tráng: “Không có cán bộ, công chức nào phải thực hiện xác minh tài sản, thu nhập”.

Như vậy, tất "bất minh" chỉ là chuyện của… tỉnh bạn, hoặc nước bạn.

Thế nên dù QH có thông qua Luật Phòng chống rửa tiền, thì ít nhất đó cũng không phải là chuyện ở Hải Dương, khi mà người ta sẵn lòng chấp nhận câu chuyện: Lương Trưởng Phó phòng cũng có thể chơi “vườn thượng uyển triệu đô”.

BƯỚC CHÂN CUỐI CÙNG

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đang bước khỏi nghị trường, sau phiên họp chiều nay. Đó có thể là bước chân cuối cùng của bà trong một phiên họp chính thức ở Quốc Hội, khi 9 giờ sáng mai (26/5/2012), Quốc Hội sẽ họp riêng, bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách Đại biểu của bà. Dù sao trong những ngày cuối cùng này, bà Yến cũng đã mạnh dạn hoàn thành tốt tư cách Đại biểu của mình (Nguồn: FB)

"GÃ ĐẦU BẠC" SAY Ở DÊ KA

Mai Thanh Hải - "Gã đầu bạc" Phạm Xuân Nguyên đi Trường Sa lần thứ 2.

Lần đầu tiên (hình như năm trước hay năm trước nữa hay sao ý, mình quên béng), trước khi đi và lúc về, gặp nhau lúc nào là "gã" cũng hớn hở, say sưa kể chuyện biển đảo, thậm chí còn phát động làm cả quyển kỷ yếu về... "Đoàn ra Trường Sa" to đùng, làm bọn mình choáng.

Lần này, cái sự đi của "gã" có vẻ thâm trầm, đọng lại trong việc vun vén đồ đoàn tặng bộ đội, trẻ con trên các đảo.

Hôm trước khi "gã" vào Sài Gòn, lếch thếch vác đồ xuống Quân cảng Cát Lái, leo lên tàu HQ-571 cao ngất, bung biêng chòng chành như... hàng mã, mình ngồi cùng với "gã" ở ven Hồ Tây.

Cuộc ngồi hôm ấy hơi bị nhiều "người nổi tiếng", nào là các bác Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Việt Hà, họa sĩ Đỗ Hữu Phấn... cho đến Mai Kỳ và loại "ăn theo" như mình.

Vừa ngồi nói chuyện, uống rượu nhưng "gã" cứ khư khư cái bao ni lông to đùng dưới chân. Hỏi ra mới biết: "Gã" đi gom truyện, sách toàn là văn học nghệ thuật, thêm ít vở viết... mang ra Trường Sa, cẩn thận tặng lính trẻ trên các đảo.

Khổ thân "gã". Cái sự đùm đùm, gói gói này, thế nào qua Nội Bài, cũng bị các cháu manocanh của So rì e lai bắt đóng tiền quá cước, cho dù "gã" có giống với Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và hàng hóa đó là "mang ra cho bộ đội Trường Sa".

Nhưng có vất vả, gian nan thế, mới đúng là ra với Trường Sa.

Năm nay có lẽ là năm kỷ lục có nhiều đoàn ra Trường Sa. Thế nhưng trong số những người ra với biên đảo yêu thương, có bao nhiêu người đinh ninh "chuyến du lịch đặc biệt", chỉ để nghỉ ngơi - ca hát - tập thể dục - nhặt ốc - le ve chụp ảnh kỷ niệm và về đất liền hùng hồn "chém gió"... mà không biết rằng, để mỗi người ra được với Trường Sa, Nhà nước - quân đội phải chi tốn hàng trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến sự bộ đội đất liền, trên tàu, dưới đảo đón tiếp, phục vụ?..

Chỉ cần mọi người có tý chăm chút một tý thôi, rất thiết thực như "Gã đầu bạc", thì khẩu hiệu "Tất cả vì Trường Sa thân yêu" sẽ tròn vạnh và ý nghĩa biết chừng nào...

Mình cũng bật mí luôn: Ra Trường Sa, đến đâu "Gã đầu bạc" cũng là trung tâm của đám đông lính trẻ. Tuyệt nhất là gã say sưa đọc thơ - Những bài thơ về Đất nước, Tổ quốc, truyền cho bộ đội thứ tinh thần bất diệt của cha ông bao năm giữ đất...

Hôm qua, ra với DK1/14, tinh thần yêu nước trong gã lại truyền hết sang lính nhà giàn. Vào với anh em bộ đội, gã làm phát 4 bài thơ, khiến anh em cười nghiêng ngả. Anh em say lão và lão thì say biển.

Cái sự "say" này, khó ai tả được. Chỉ biết đó là lòng say của mọi con dân Đất Việt yêu nước, khi ra với biên đảo thiêng liêng, nơi địa đầu đất nước thân thương.

Công bố một số hình ảnh về "gã" trên nhà giàn DK1/14 ngày hôm qua.

Tặng, cho lão bất ngờ và chúc mừng chuyến đi của Đoàn Hà Nội cùng một số tỉnh thành khác, trên tàu HQ-571 thành công nhé!..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

HQ-571 chuẩn bị hạ xuồng chuyển tải
Đổ bộ. "Gã đầu bạc" ngồi dưới, đang giơ 2 tay... xin hàng DK1/14 mới xây dựng lại

Quăng dây, kéo xuồng
Vịn cầu thang, cao chân nhé

Lên rồi. May không trượt chân...

Ngất ngây con gà tây
 
Làm dáng
Có mới, nới cũ. He! He!..

HÁT MÙA MỪNG ĐẦY THÁNG

Vẫn biết là chuyện này không lạ, nhất là trong Sài Gòn. Thế nhưng nhìn thấy trong 1 Lễ đầy tháng trẻ con, thì đúng là chịu không nổi, không hiểu cái khái niệm: "Xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư" mà cả các ông bà Mặt trận lẫn Văn hóa - Thông tin (nay là Văn hóa - Thể thao - Du lịch) ngoạc mồm ra bảo "bồi đắp cuộc sống văn hóa tinh thần" được hiểu như thế nào, trong những cuộc như thế này, hoặc tương tự, ở ngay thành phố lớn nhất VN?.. (Nguồn: FB)

24 tháng 5, 2012

GIỮ LEN ĐAO: "MÌNH HY SINH THÌ NÓ CŨNG PHẢI CHẾT BAO NHIÊU ĐỨA!".

Thiềm Thừ - Phải mất hơn nửa năm trời, việc đóng giữ đảo Len Đao mới hoàn thành, trước họng pháo của tàu Trung Quốc.

Trong entry "Chuyện Trường Sa của người Trường Sa: IV – Đóng giữ đảo Đá Đông" (đọc ở đây), Đại tá Nguyễn Văn Dân (nguyên Phó Tham mưu trưởng, Vùng 4 Hải quân) kể chuyện chạy đua và đấu trí với tàu Trung Quốc để đóng giữ đảo Đá Đông, ngày 19/2/1988.

Trong khi đang chỉ huy củng cố phòng thủ Đá Đông, đêm 13/3, Đại tá (lúc đó là Trung tá) Dân được lệnh lên tàu HQ - 614, chỉ huy lực lượng hành quân ngay lên phía đảo Sinh Tồn. Trung Quốc đang lăm le chiếm đóng các bãi cạn Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin ở Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn.

Tàu HQ-614 hành quân ngay trong đêm 13/3, đi ở khoảng giữa đảo Châu Viên và đảo Phan Vinh. Có hai tàu Trung Quốc đến kèm, phá sóng liên lạc, theo Đại tá Dân nhớ là tàu 203 và tàu 205.

Tàu HQ 614 bị mất liên lạc với đất liền và bị chặn đường, nên đến trưa ngày 14/3/1988 mới đến được đảo Sinh Tồn. Lúc đó, các tàu HQ-604, HQ-605 đã bị bắn chìm, tàu HQ-505 đã lao lên Cô Lin.
-------------------------------------------

Chiều và đêm 14/3, tàu HQ-614 đưa anh em thương binh từ các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa, và báo cáo tình hình về nhà.

Sáng 15/3, tàu HQ-614 ra chỗ tàu HQ-605, HQ-604 bị bắn chìm.

Theo vết dầu nổi lên, xác định được vị trí tàu HQ-605 chìm ở cạnh đảo Len Đao, thả neo đánh dấu.

Trước đó, lực lượng trên tàu HQ-605 đã lên đảo Len Đao củng cố, rồi dùng xuồng và vật nổi bơi về Sinh Tồn.

Trong số người đã hy sinh, thi thể Trung úy Phan Hữu Doan (quê Chí Tiên, Thanh Hòa, Phú Thọ, Thuyền phó chính trị tàu HQ-605) được đưa về đảo Sinh Tồn.

Anh em nói, trong tàu còn thi thể Trung sĩ Bùi Duy Hiển (quê thị trấn Diêm Diền, Thái Thụy, Thái Bình, nhân viên báo vụ), nhưng anh em chưa đưa thi hài đi được.

Ít ngày sau, tàu Đại Lãnh ra cứu hộ, thợ lặn tích cực tìm kiếm trong tàu HQ-605 ở độ sâu 40 mét, nhưng không thấy thi thể anh Hiển.

Trưa 15/3, tàu HQ-614 vào khu vực Gạc Ma để tìm dấu vết tàu HQ-604, nhưng bị hai tàu khu trục của Trung Quốc ngăn cản…

Tàu HQ-614 neo gần chỗ tàu HQ-505 ở đảo Cô Lin, lập sở chỉ huy cụm 2 (Sinh Tồn) ngay tại đó. Tình hình ở cụm Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao căng thẳng cho đến tận cuối năm 1988.

Tại đảo Len Đao, khoảng 10 ngày sau ngày 14/3, quốc kỳ Việt Nam cắm sáng 14/3 bị sóng lớn làm trôi, ta tổ chức cắm lại. “Lá cờ bị sóng cuốn trôi, nhưng không biết nguyên nhân tại sao, lại trôi về tàu HQ-614 của tôi, lúc buổi trưa. Chúng tôi đưa cờ lên đảo để cắm lại, Trung Quốc đưa tàu đến sát, đe dọa nổ súng!” - Đại tá Dân kể.

Ông nghe Chuẩn Đô đốc Võ Nhân Huân, Phó Tư lệnh Hải quân nói: ở Bảo tàng Quân đội vẫn còn tấm ảnh ông mặc áo ba lỗ có sọc của hải quân, đang cầm cờ để cắm lại ở Len Đao. 

Lúc đó, ta chưa xây dựng được nhà ở Cô Lin và Len Đao, giữ chủ quyền Cô Lin bằng tàu HQ-505, giữ Len Đao bằng cờ cắm trên đó và bằng tàu HQ

614. Thời gian đầu, ở Len Đao chỉ có HQ-614, hai tháng sau có thêm hai tàu cá, dạng tàu cá Hồng Kông. HQ-614 có thuyền trưởng là Đại úy Thành, thuyền phó Lợi và khoảng trên 20 người.

Ở cụm Sinh Tồn, Trung Quốc chiếm hai đảo chìm là Huy Ghơ và Gạc Ma, duy trì lực lượng quân sự rất đông. Hai tàu quân sự Trung Quốc luôn áp sát đảo của ta để gây sự, làm cho ta không dựng nhà được. Đồng thời, một tàu pháo của Trung Quốc chạy liên tục giữa Huy Ghơ và Gạc Ma.

Buổi trưa 12/5/1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-614 và hai tàu cá vừa được tăng cường đang ở cạnh đảo Len Đao, khi quân ta chuẩn bị ăn cơm.

HQ-614 là tàu vận tải loại 200 tấn, vũ khí chỉ có AK với B40, một khẩu 12 ly 7.

Tàu Trung Quốc cũng khoảng 200 tấn, nhưng có pháo 37 ly, súng 14,5 ly, nòng chĩa thẳng vào tàu ta. Binh lính Trung Quốc rất ngạo mạn, đứng hút thuốc, búng tàn thuốc về phía ta, tỏ vẻ khiêu khích.

Lúc đó, tàu ta chưa có tăng cường người biết tiếng Trung Quốc, còn tàu nó có người nói tiếng Việt rất sõi. Quân ta hết sức bình tĩnh, mặc cho đối phương khiêu khích.

Anh Liên, lính đặc công người Quảng Bình được phân công ôm khẩu B40 nằm trong xuồng, anh em khác mỗi người một khẩu AK, ngồi giả vờ câu cá. “Nếu nó nhảy sang, B40 sẽ bắn vào đài chỉ huy của tàu nó, còn AK cũng bắn mạnh luôn, mình có hy sinh thì nó cũng phải chết bao nhiêu đứa…” - Đại tá Dân kể lại, giọng đầy hào sảng.

Tháng 9/1988, tàu HQ-614 về đất liền. Cả thuyền thưởng, máy trưởng, ông Dân và tập thể tàu được tuyên dương ngay, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Khi về đất liền, Đại tá Dân được Đô đốc Giáp Văn Cương hỏi ý kiến về cách tổ chức xây dựng đảo Len Đao.

Ở Len Đao có doi cát di chuyển theo mùa, khi thủy triều lên cao nhất là doi cát gần ngập.

Đại tá Dân đề nghị: Nên dùng tàu kéo một tàu LTM8 (tàu há mồm nhỏ) ra, trên đó có sẵn nhà cao chân và các phương tiện lắp ghép. Buổi tối mình tập kết cạnh đảo, lúc thủy triều lên cao nhất thì mình đổ bộ, triển khai làm nhà luôn. Tàu Trung Quốc ở ngay đó, nhưng sẽ không kịp phản ứng, không có cớ để đánh mình.

Khoảng tháng 10, tháng 11/1988, lúc đó triều cường, việc xây dựng đảo Len Đao được thực hiện thành công…

TÓM TẮT CÁC SỰ KIỆN TRONG VIỆC BẢO VỆ, GIỮ GÌN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Tháng 4/1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng hoà.

Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đảo Dừa.

Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang.

Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông.

Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh).

Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông.

Cũng trong tháng 4/1978, một phân đội được đưa ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978 phân đội được rút về đất liền.

Tháng 12/1986 và tháng 1/1987, Malaysia chiếm đóng bãi Kỳ Vân và bãi Kiệu Ngựa.

Tháng 3/1987, ta trở lại đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Tháng 6/1987, Trung Quốc diễn tập quân sự ở nam biển Đông. Tháng 10, tháng 11/1987, một số tàu chiến của Trung Quốc đi gần các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây.

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh Vùng IV chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường.

Ngày 6/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra "Mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa", giao cho Quân chủng Hải quân "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ chỉ thị cấp trên".

Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội đến đảo Đá Tây.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập.

Ngày 27/1/1988, Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy 1 đại đội công binh mang 2 khung nhà ra đóng giữ đảo Chữ Thập. Do hỏng máy, sáng 30/1 tàu mới đến gần Chữ Thập, bị 4 tàu chiến Trung Quốc ngăn cản. Tàu ta đành phải quay về Trường Sa Đông, không thực hiện được việc đóng giữ đảo Chữ Thập.

Đảng ủy Quân chủng Hải quân xác định: "Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân".

Ngày 5/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lát.

Ngày 6/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Đá Lớn.
Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm đóng đảo Ga Ven.

Ngày 26/2/1988, quân ta đóng giữ đảo Tiên Nữ.

Ngày 27/2/1988, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan.

Ngày 2/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Núi Le.

Ngày 14/3/1988, sự kiện Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin

(Theo Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và một số tư liệu khác). 
--------------------------------------
* Hình ảnh đen trắng về cuộc sống, chiến đấu của bộ đội Trường Sa, tháng 5/1988 của tác giả Nguyễn Viết Thái, ghi lại trong chuyến công tác ra đảo, ngay sau sự kiện 14/3/1988.
* Hình ảnh Len Đao được ghi lại tháng 4 và 5/2012.

23 tháng 5, 2012

KHÔNG TIN "2 CÁN BỘ, PHÓNG VIÊN BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT ĐƯA HỐI LỘ"...

Mai Thanh Hải - Đọc bài trên Báo Người Cao tuổi, mình vẫn cứ không tin là có chuyện này, bởi mình biết anh Lê Tự rất hiền lành, thậm chí lù rù, chỉ quanh quẩn mấy chuyện Mặt trận; anh Huy tuy mới về cùng Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết Đinh Đức Lập, nhưng cũng chỉ quẩn quanh việc Quảng cáo - phát hành cho Báo, thân với anh Lập như môi với răng. 

Giống như mình, rất nhiều đồng nghiệp trong và ngoài Báo đều không muốn tin và ai cũng đặt câu hỏi: Hay có 1 cá nhân to hơn cả anh Huy có mối quan hệ quen biết với bên Đại học KTQD (đang bị Báo Người Cao tuổi phản ánh), lệnh cho anh Huy làm việc này và anh Huy - Vốn chỉ quen làm phát hành quảng cáo, không có mối quan hệ với báo chí, nên lại nhờ lại anh Tự?.. Có lẽ thế lắm vì Đại Đoàn kế bây giờ, nằm hết trong tay chỉ vài người...

Đăng lại bài viết trên Báo Người Cao tuổi, để mọi người thông cảm và hiểu cho anh Huy, anh Tự ở Đại Đoàn kết. Mình nghe nói, hình như anh Tổng Biên tập Đinh Đức Lập đã gợi ý anh Tự, anh Huy khởi kiện Báo Người Cao tuổi, để "bảo vệ danh dự cho mình, uy tín cho Báo". Được thế thì tốt quá, chơi luôn đi các anh!...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(Thứ Ba, 22/05/2012-9:25 AM)
Xung quanh những sai phạm ở Trường ĐHKTQD: Lật tẩy vụ hối lộ không thành

Hai cán bộ, phóng viên Báo Đại đoàn kết liên quan


Tôi với nhà báo Lê Văn Tự vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn vong niên, thân thiết với nhau tựa ruột thịt. Thế nhưng, anh đã mắc sai lầm, trót nhúng chàm nên quay gót đối đầu với tôi. “Cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) vô cùng gian nan, phức tạp, khiến tôi tổn hao nhiều tâm sức. Tôi đã khuyên anh đừng dính vào, vậy mà anh vẫn cố tình làm chuyện tiếp tay cho nhóm tiêu cực, đem tiền đến hối lộ Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa. Tâm sáng, lòng trong, Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa kiên quyết chối từ, làm rõ hành vi hối lộ của nhóm người này. Sự việc vỡ lở, anh đã không hối cải, còn quay lưng lại với tôi, trong khi tôi bằng mọi cố gắng để cứu anh, buộc tôi phải đặt bút viết những dòng chữ chất chứa đầy nỗi đau. Trong “cuộc chiến” này, tôi tin rằng sự thật, công lí sẽ thắng, nhưng mất mát đối với tôi lại quá lớn. Là “người lính” tiên phong trên “mặt trận chống tham nhũng”, tôi chấp nhận hi sinh...

Buổi tối “định mệnh”

“Cuộc chiến” trên Báo Người cao tuổi chống những tiêu cực do nhóm người ở Trường ĐHKTQD: Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng; ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị thiết bị... gây ra, bắt đầu từ đầu tháng 3-2012, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong bối cảnh đó, nhà báo Lê Văn Tự, phóng viên Báo Đại đoàn kết, với vai trò “thuyết khách” đã can thiệp vào. Tối 12-5-2012 (thứ bảy), ông Lê Văn Tự nhờ ông Bùi Ngọc Lâm đưa đến nhà riêng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa. Cuộc “viếng thăm” này không đơn thuần về tình cảm, mà mục đích của ông Lê Văn Tự là chuyển đến Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa Công văn số 494/CV-ĐHKTQD ngày 11-5-2012, đồng thời chuyển phong bì tiền đến nhà Tổng Biên tập, hòng đề nghị Báo Người cao tuổi dừng đăng những thông tin về sai phạm của trường ĐHKTQD.
Sau khi đưa công văn cho Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa, ông Tự lén lút trao phong bì tiền cho bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Hoa. Bà Chiến khăng khăng không nhận, ông Tự lợi dụng sơ hở lén để phong bì tiền vào giá sách trong phòng làm việc của Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa tại nhà riêng, rồi vội cáo từ ra về. Sau khi khách về, bà Chiến gọi Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa vào, chỉ chỗ ông Tự để lại phong bì. Tâm sáng, lòng trong, Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa quyết làm rõ ai là chủ mưu việc đưa tiền hối lộ này.
 Nhà báo Lê Văn Tự.                    Ông Nguyễn Xuân Huy.         Ông Nguyễn Đức Hiển.
Cuộc làm việc được tổ chức hồi 15 giờ ngày 14-5-2012 tại trụ sở Báo Người cao tuổi, 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Thành phần gồm có: GS.TS Phan Công Nghĩa, Hiệu phó; ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng phòng TCCB Trường ĐHKTQD và nhà báo Lê Văn Tự. Phía Báo Người cao tuổi, ngoài Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa, có Phó Tổng Biên tập Nguyễn Duy Quyền; nhà báo Thanh Cao, Trưởng phòng Phóng viên và tôi (phóng viên Hoàng Linh). Tại cuộc làm việc, Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa công bố việc nhà báo Lê Văn Tự đến nhà riêng của ông để lại phong bì tiền. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, ông Tự đã phải thú nhận và chộp lại phong bì nhét túi quần rồi kí vào biên bản. Theo ông Tự trình bày, phong bì này là do ông Hiển đưa cho ông, nhờ đem đến nhà Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa. Mặc dù ông Hiển bai bải chối cãi, nhưng ai cũng hiểu một lô-gíc rằng, ông Tự không thể bỏ tiền túi của mình ra làm việc ấy được. Sự việc vỡ lở, ông Tự không những không nghe lời khuyên can, mà sau đó còn mạt sát xúc phạm Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa trước mặt tôi và xúc phạm tôi.

Sự thật bị phơi bày

Lẽ đương nhiên, nhà báo Lê Văn Tự chẳng có quan hệ gì với ông Nguyễn Đức Hiển, mà phải qua một trung gian giới thiệu. Qua quá trình đấu tranh, ông Tự phải thừa nhận, người đứng trung gian giới thiệu ông Tự với ông Hiển là ông Nguyễn Xuân Huy, sinh năm 1961, Trưởng phòng Phát hành Báo Đại đoàn kết. Ông Huy là người thân thiết với nhóm ông Nam, ông Hiển, ông Trọng... thường đến Trường ĐHKTQD kiêm giảng tại Khoa Khoa học quản lí. Ông Huy từng “chém gió” với cán bộ, giáo viên trong trường rằng, ông ta là người của Cục Báo chí xuất bản.
Kịch bản như sau: Ông Huy dẫn ông Hiển đến gặp ông Tự, nhờ ông Tự tìm cách ngăn Báo Người cao tuổi tiếp tục đăng bài chống tiêu cực ở Trường ĐHKTQD. Ông Tự nhiều lần nói với Tổng Biên tập: “Ba lần thằng Hiển nó vào Hà Đông gặp em, nhờ…”. Nể ông Huy là “lãnh đạo” ở Báo Đại đoàn kết, ông Tự nhận lời, dẫn đến việc ông Tự từng đề cập vấn đề đó với tôi, nhưng tôi khuyên ông không nên can thiệp vào. Từ đó ông Tự không hỏi tôi nữa, mà tìm cách gặp thẳng Tổng Biên tập. Lẽ đương nhiên, ông Tự không thể cất công đi làm không cho nhóm ông Hiển, mà chắc chắn phải có tiền thì ông mới làm. Dư luận cho rằng, mục đích của họ không đơn thuần đưa tiền hối lộ, mà chủ đích cao nhất là đưa Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa vào tròng. Nếu ông Hoa không phát hiện ra, hoặc bỏ qua chuyện cái phong bì tiền, thì kịch bản tiếp theo sẽ là những khoản tiền lớn hơn được chuyển đến. Và... đến lúc đó thì chuyện gì tiếp theo nữa có trời mà biết, có thể sẽ là một vụ tố cáo ngược, nhằm mục đích xóa nhòa tất cả những gì Báo Người cao tuổi đã nêu trong 15 kì, hoặc chí ít thì Báo cũng buộc phải dừng lại.

Ai đến đón ông Lê Văn Tự?

Lại nói về buổi tối 12-5-2012, sau khi từ nhà riêng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa ra, ông Bùi Ngọc Lâm chở ông Lê Văn Tự đến nhà bạn mình là bà Lê Thị Bích Liên, ở số nhà 248 (quán thịt vịt) phố Vũ Hữu, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Có lẽ do hợp đồng từ trước, đúng 22 giờ, hai người đàn ông, được các nhân chứng xác định là ông Hiển và ông Huy đánh xe ô-tô đến. Họ ngồi chơi chừng năm phút, thì cả ba người: Ông Tự, ông Hiển, ông Huy lên xe ô-tô đi đâu trong đêm không rõ. Như vậy, đây là bằng chứng không thể chối cãi việc ông Nguyễn Đức Hiển là chủ mưu trong việc này, ông Huy với vai trò môi giới ông Hiển với ông Tự trực tiếp thực hiện việc mang phong bì tiền hối lộ đến nhà Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa.
Vậy mà trước mặt tôi, ông Lê Văn Tự còn lớn giọng đe dọa: “Sẽ viết đơn tố cáo Kim Quốc Hoa gửi đi các báo, gửi đăng trên các trang blog cá nhân cho cả thế giới biết chuyện; rằng sẽ tập hợp một đội ngũ luật sư để chiến đấu đến cùng với Kim Quốc Hoa...”. Ông Tự còn nói lớn: “Thằng Huy nó bảo trong phong bì chỉ có 500.000 đồng, ông Hoa nhét thêm 9 triệu rưỡi nữa để gài bẫy, vu khống cho bọn trường KTQD và làm hại Lê Tự...”. Như vậy, ông Tự có thêm tội vu khống. Ra thế, đến khi “vỡ trận” rồi, thì nhóm người này chỉ tập trung đổ lỗi cho nhau, bịa ra những điều vô lối. Hơn nữa, chính ông Tự, trong cuộc làm việc chiều 14-5-2012 đã nhanh tay giật lấy phong bì tiền, đút ngay vào túi quần rồi kí ngay vào biên bản, sao lúc đó không cãi là chỉ có 500.000 đồng?
Tới đây, vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, ai có vai trò đến đâu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó. Đây cũng là bài học cho những ai theo đuổi nghề báo, một nghề đầy gian nan, thử thách.
Hoàng Linh

22 tháng 5, 2012

"DÂN CHỦ MÀ KHÔNG CÓ BÁO CHÍ, THÌ ĐÓ LÀ THỨ DÂN CHỦ GÌ?"..

Mạnh Quân FB - Từ Hội trường Quốc hội (QH) về, uể oải. Chợt nhớ Ngọc Lan, bên TBKTSG kỳ QH trước, hôm khai mạc lúc trở về Trung tâm Báo chí, có lẩm bẩm chửi là: "Chúng nó coi bọn mình như chó" nên tự cười, nghĩ: "Mịa, có khi còn khổ hơn chó ấy chứ!".

Cái từ "chó", mình không thích dùng cho nhà báo lắm. Ngoài đời người ta hay dùng từ đó để ví với những ai làm nghề gì mà nó có tính chất là giữ nhà và trung thành với chủ. Nó không hợp để chỉ nhà báo.

Cho dù gần đây, chỗ nọ, chỗ kia người ta hay dùng từ "ẳng" để nói việc nhà báo kêu chuyện nọ, chuyện kia như chuyện bị đánh...thì mình cũng thấy không đúng. Nhà báo thì trung thành với ai?.

Buổi sáng, biết là lần này, VPQH đã ra quy định khá ngặt để phóng viên (PV) không phỏng vấn được Đại biểu (ĐB) tại hội trường: Không cho phỏng vấn ở tầng 1, có nhu cầu dẫn lên tầng 2, có bố trí phòng (như thế không khác cấm tiệt vì chẳng ĐB nào tự nhiên lại chịu leo lên tầng 2, mất thời gian, trong khi tầng 1 đang đầy thức ăn, đồ uống...), mình mời anh Trần Hoàng Ngân ra tít góc xa ở sân để phỏng vấn, cũng trót lọt được 1 bài.

Vào trong, thấy anh em vẫn đang hớt hải, có 2-3 người đang tranh cãi, giải thích với một anh làm công tác an ninh.

Nghe thấy anh lớn giọng đe: "Lần sau sẽ tịch thu thẻ!". Ngán ngẩm.

Quanh ra quanh vào, một lúc thấy các PV tụ tập hơn 20 người, xôn xao, bàn tán, bực mình vì không được phỏng vấn.

Bỗng đâu, Nguyễn Hạnh Phúc (Chủ nhiệm Văn phòng QH) đi từ cửa ra, cả đám xông tới đòi hỏi chắc đòi hỏi giải thích. Thấy anh Phúc mặt nửa ra vẻ ngơ ngác, nửa như có vẻ thú vị vì biết trước chuyện này xảy ra... đi tiếp như chạy. Mình chán, chẳng muốn biết cái gì xảy ra tiếp theo. Đi về.

Đổi mới, dân chủ hóa... sinh hoạt QH - Câu này được nghe thường xuyên, kỳ nào cũng thế.

Mấy khóa nay rồi nhưng nó thế đấy.

Thời ông Nguyễn Văn An còn làm Chủ tịch QH, nghe câu đó cũng có chút tin tin.

Nhưng bây giờ, có lẽ, nó cũng không còn lòe được ngay cả một sinh viên báo chí mới ra trường, đi làm, may mắn được cho đi dự kỳ họp QH.

Anh Nguyễn Sĩ Dũng, người trung thành với chức vụ Phó Chủ nhiệm VPQH qua nhiều khóa, chắc có lẽ bây giờ cũng thấy nguợng khi nói ra cái từ "dân chủ hóa" ấy.

Mặc dù, với những người mà anh từng làm phó như Trần Đình Đàn và nay là anh Nguyễn Hạnh Phúc, họ nói ra những cụm từ "đổi mới, dân chủ hóa..." đó, vẫn rất vô tư.

Tất nhiên, trong đổi mới hay dân chủ hóa sinh hoạt QH thì báo chí cũng chỉ là một phần. Nhưng dân chủ mà không có báo chí, không mở cửa cho báo chí thì đó là thứ dân chủ gì?.

Chủ ý hạn chế báo chí tiếp cận, phỏng vấn ĐBQH có thể không phải của anh Đàn và nay là anh Phúc.

Có thể ai đó, cấp trên của các anh, không hài lòng với việc trong kỳ họp, đám PV có phần gây nhiễu khi QH đang họp, ra vào chụp ảnh lộn xộn; trong giờ giải lao thì quây kín trong ngoài một quan chức, cán bộ cấp cao nào đó để phỏng vấn, rất ngộp thở... rồi thì lại có những bài phỏng vấn đọc lên nghe rất khó chịu, như kỳ trước, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận phải ê chề vì phát biểu "Tôi thấy hàng ngàn điểm không môn sử là...bình thường"...

Nhưng thay vì tìm một cách thức để báo chí tiếp cận, phỏng vấn các ĐB có trật tự, văn minh hơn, có một buổi thảo luận, trao đổi cởi mở hơn với báo chí, để tìm cách để PV tác nghiệp tại QH hợp lý hơn... việc đặt ra quy định nghe có vẻ là "tạo điều kiện": "Có phòng phỏng vấn riêng"... nhưng không phù hợp với thực tế như vậy, thực chất đã khiến quy định đó thành hàng rào xấu xí, ngăn chặn báo chí tác nghiệp tại QH từ kỳ này.

VPQH thực ra hàng năm cũng có tổ chức Hội thảo này, kia, có khi tận mấy chỗ resort, khách sạn.. năm thì làm ở Tam Đảo, năm thì làm ở Hà Tây (cũ), Quảng Ninh... để anh em báo chí thảo luận, góp ý về công tác đưa tin, viết bài về QH. "Đổi mới, dân chủ hóa" sinh hoat QH, vì thế sau đó cũng được nhắc đến trong nhiều bài báo.

Nhưng với mình, chỉ muốn sinh hoạt QH trở lại giống như ...ngày xưa, như khóa X, thời QH còn họp ở Hội trường Ba Đình cũ, thời ông Nguyễn Văn An còn làm Chủ tịch.

Hồi đó, ông Nguyễn Sinh Hùng còn làm Phó Thủ tướng. Giờ giải lao, ông hay ra ngồi uống bia, ăn lạc luộc rất ngon lành. Phóng viên kéo ghế ngồi cạnh và phỏng vấn rất nhã nhặn, hỏi câu nào, ông trả lời câu đó.

Ông. Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội cũng thế... và rất nhiều quan chức khác. PV vẫn quây vòng trong, vòng ngoài, ai đó mà quan chức, ĐBQH cũng không thấy có gì là phiền. Họ vẫn trả lời, dứt khoát, rõ ràng quan điểm về nhiều câu hỏi. Hỏi hay thì khen là hỏi hay; hỏi dở thì nói thẳng: "Mày hỏi dở!"..

Còn bây giờ, sau bao nhiều Kỳ họp... đổi mới, PV theo QH phải kêu: "Khổ như chó!".

Ôi!. Thế thì cái sự đổi mới, dân chủ hóa ấy, nói với nhau làm gì?..
----------------------------------------------------------------------
* Hình ảnh trên vietbao chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải của tác giả Mạnh Quân.

"PHÓNG VIÊN NGHỊ TRƯỜNG" GIỜ ĐÃ THẤT NGHIỆP...

Đào Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH), TS Nguyễn Sĩ Dũng có lần hùng hồn khẳng định, đại ý: Nếu một dân tộc hàng triệu người mà thiếu đi truyền thông thì cũng chỉ có sức mạnh của một người.

Ông nói điều này trong một cuộc hội thảo với chủ đề “quan hệ với báo chí trong hoạt động QH”.

Hôm đó, khi GS Nguyễn Minh Thuyết tổng kết thái độ, hành động của một dân biểu, trong quan hệ với báo chí- bằng 8 chữ T “thân thiện, thẳng thắn, tỉnh táo, tự tin”, các đại biểu (ĐB) thậm chí còn thân thiện góp thêm 4 chữ “trí tuệ, thực tế”.

Thật là sung sướng khi báo chí được ca ngợi là “cái cầu” để cử tri có thể giám sát hoạt động các ĐB họ đã bầu nên.

Sáng nay, sau phiên khai mạc của kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII, dường như không có mấy ĐB xuất hiện trên báo. Dường như không phải họ đã quên “12 chữ T” mà do một quy định về tác nghiệp của báo chí tại QH.
Tuổi trẻ sáng nay đưa một tin “độc”: Phóng viên (PV) gặp khó khi tác nghiệp tại Quốc hội.

Theo đó, trong ngày khai mạc, Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII đã phát hành thông báo yêu cầu các phóng viên không được thực hiện phỏng vấn ĐBQH tại các hành lang hai bên và hành lang sau của hội trường Bộ Quốc phòng (nơi QH làm việc).

Muốn phỏng vấn, PV phải mời ĐBQH vào phòng phỏng vấn (phòng số 12) được đặt tại tầng hai của khu hội trường.

Quy định trên đây khiến các PV báo, đài gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp, bởi khu vực trả lời phỏng vấn cách các hành lang của hội trường và nơi giải lao của ĐB bởi một cầu thang khá dài, trong khi thời gian nghỉ giải lao chỉ có 20 phút (đây là khoảng thời gian các ĐB thường dành để trả lời báo chí trong nhiều kỳ họp trước).

Thực ra, Tuổi trẻ còn đưa thiếu 1 chi tiết: Khi các ĐB phát biểu, các PV không được vào chụp ảnh mà chỉ có Ban Ảnh TTXVN được tác nghiệp và có trách nhiệm “cung cấp ảnh” cho các báo.

Nói “gặp nhiều khó khăn” còn là quá nhẹ nhàng.

Bởi giờ “ngó mặt” cũng phải ngó qua…tivi, ít tệ hơn thì ngó qua…cái “hành lang dài”.

Bởi cái nghề mà giới PV nghị trường hay nói đùa là “bu quanh mồm đại biểu” giờ đã mất nghiệp.

Trong cái hội thảo mà TS Nguyễn Sĩ Dũng đã nói tới "sức mạnh một người nếu không có báo chí" đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Lê Như Tiến cũng cho rằng: Đã là ĐBQH, là Nghị sĩ thì cánh cửa phòng làm việc phải luôn mở rộng với báo chí. Khi PV đề nghị phỏng vấn thì thì dù bận rộn đến mấy chỉ có thể hẹn chứ không được nói không.

Không ai nghi ngờ phát ngôn của ông Tiến. Không ai phủ nhận sự nhiệt tình, thân thiện của các vị ĐBQH, nhưng giờ muốn gặp họ ở QH giờ khó quá.

Nhà báo cần ĐB có nghĩa là cử tri đang cần, công chúng đang cần, dư luận xã hội đang cần. Thôi thì đành phải nhờ sự khó nhọc của các vị ĐBQH để “cái hành lang dài” không thay thế cho “cái cầu”: ĐB dân cử- Báo chí- Cử tri...
----------------------------------------------------
* Hình ảnh trên vietbao chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết

21 tháng 5, 2012

VỀ HẢI PHÒNG TÌM HOA PHƯỢNG ĐỒ SƠN

Mai Thanh Hải - Cuối tuần lại chạy về quê. Cữ cuối tháng 5 này, nắng đến há mồm nên vòng phát qua nhà, dồn hết lốc nhốc lít nhít lên xe, phi thẳng ra Đồ Sơn, cách nhà mình tròn 24 km, theo đường chim đi... ôtô.

Thằng bạn thân, sau khi biết mình nằng nặc ra Đồ Sơn ngủ, không chịu về uống bia với nó, đợi lúc mình khìn khịt ngủ trưa, gọi 1 cú điện thoại kêu chuông reng reng khiến mình phải chồm dậy, vơ lấy máy: "Alô". Thằng bạn đầu dây bên kia ráo hoảnh: "Tặng mày câu thơ nhé!" và ngắn gọn: "Đi Đồ Sơn mang... đồ nhà/ Suy đi tính lại đúng là... đồ ngu!" rồi dập máy, tắt nguồn khiến mình tức điên gọi lại, toàn thấy: "Thuê bao quý khách vừa gọi...".

Bật cười: "Trong suy nghĩ của nhiều người, Đồ Sơn chỉ là nơi... đóng gạch, còn Hải Phòng chỉ toàn... hoa cải đỏ" và cứ vẩn vơ: Sao không nhìn thấy cái tốt, cái đẹp để chơi với nhau. Sống trên đời mà nhìn cái xấu, cái chưa được để đánh giá, xét nét thì chẳng bao giờ chơi được với ai, thật đấy!...

Mình thì yêu "thành phố tháng Năm" như lời của cố Nhạc sĩ Lương Vĩnh (thân sinh Nhạc sĩ Lương Minh, Trưởng Ban Văn nghệ của VTV, hôm rồi tặng mình 1 cây đàn ghi ta, để mang ra Trường Sa, tặng lính đảo), bởi tháng 5 này, về Hải Phòng, đến đâu cũng gặp màu đỏ bừng, cháy hết mình trên những thân cây, tán lá...

Hồi nhỏ, hoa phượng cũng rực rỡ thị trấn nhỏ của mình, mỗi khi hè về.

Cái hồi ấy, lũ trẻ con mặc quần thủng đít, tuột cúc, thòi hết cả chim ra ngoài bọn mình, toàn tìm bẻ những bông phượng mới bung hoa, ngắt lấy những thân nhụy vêu vao, xoăn tít đầu để chơi chọi gà. Ngoắc những đầu nhụy vào nhau và giật mạnh, nhụy của đứa nào gãy đầu, là đứa ấy thua và hò dô ầm ĩ cả buổi trưa đầu ngõ.

Những khi đói, lại vặt những quả phượng chín, sắp nở bung và ăn cả hoa trong lẫn vỏ ngoài, nuốt cái thứ chua chua - đăng đắng ấy vào bụng, để tạm quê đi cơn đói thường trực, quặn lên mỗi ngày bao cấp...

Bây giờ về Hải Phòng, hoa phượng không còn ngập tràn mọi con đường, góc phố, hàng cây của thành phố nữa, để nhường cho những loài cây - quả được nhập về, theo phong trào, tùy theo hứng của các thời kỳ lãnh đạo, từ khắp đâu đâu.

Thế nhưng cái đỏ của phượng thì không hề mất, vẫn bền bỉ bám từng đoạn phố, cuối con đường hay ngõ vắng, nơi ngoại thành xa xôi...để khẳng định: Hải Phòng vẫn còn, người Đất Cảng vẫn còn và tính cách ăn sóng nói gió, vẫn mộc mạc, lẩn quất trong mỗi con người xa xứ.

Cuối tuần về với quê hương, mướt mải mồ hôi dỡ xe đạp buộc trên giá nóc, cùng con gái yêu, cũng lũn cũn trên chiếc xe đạp xinh xinh, chầm chậm đạp xe thả dài con dốc, dưới những tán phượng nở bừng chào đón, cháy như đến cùng kiệt - hết mình, mỗi cơn gió thổi qua, lá nhỏ li ti lại rụng như mưa, cùng với những cánh hoa mỏng mảnh, vừa rơi vừa chầm chậm xoay tròn, rắc đầy trên tóc trên vai.

Cuối tuần, đắm mình trong mặn mòi Đồ Sơn, dắt con đi trên vỉa hè thâm quầng màu xưa cũ, phía dưới là biển ngàu vị phù sa, lấp lánh hoa nắng trên đầu những con sóng bé thơ, vụng dại, kể cho con nghe về hoa phượng, nụ bằng lăng và hạnh phúc cười, khi con mướt mải mồ hôi, ầu ơ với chị, chơi chọi gà bằng nhụy hoa phượng, như ngày xưa mình còn thơ bé.

Đêm. Sóng rúc rích dụi đầu vào bãi cát, chen nhau nằm trên mặt cát ấm và thi thoảng đẩy nhau, thành quầng sáng lân tinh.

Những cành phượng cũng thôi thở dài, cựa mình than thở chuyện đã qua, im lặng xếp cành cho những cánh hoa cuộn mình thiu ngủ, màu đỏ cờ cũng nguội lại bởi sương đêm.

Lảnh lót từ chiếc xe nào đó, mở hết cửa kính chầm chậm chạy qua là lời hát "Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ôi Hải Phòng thành phố yêu thương/ Ta yêu thành phố quê hương, như yêu chính người thân yêu nhất/ Những hẹn hò bên bờ sông Lấp/ Những con đường tấp nập áo thợ vào ca...".

Hình như lâu lắm rồi, nhiều người Hải Phòng không hát được trọn vẹn bài này, bởi từ khóa "Hoa phượng đỏ" được biến thể thành "Hoa cải đỏ", như như nhắc đến những gì rất thực và tồi tệ, đang xảy ra ở thành phố "Trung dũng - quyết thằng" hồi xưa.

Thế nhưng vẫn còn nhiều người thuộc bài hát đó, giống như những thân phượng, bị người ta chặt hạ để trồng vào đó những hoa sữa, bằng lăng, bàng... nhưng vẫn gan góc lớn lên từ gốc rỉ máu, ướt nhựa bằng những cành khẳng khiu - tua tủa và chỉ vài năm, đã hiên ngang thành cây phượng nhỏ, móp lại thân gày cho nở bùng chùm hoa đỏ tinh khôi...

Mình rời quê, lên Hà Nội. Ông bạn đón, ngồi với nhau uống mấy cốc bia cỏ vỉa hè. Nghe chuyện hoa phượng, ông bạn bảo: "Cả Hải Phòng, chỉ Đồ Sơn là còn nhiều hoa phượng, nở rừng rực từ Cầu Rào đến dinh thự Bảo Đại xưa" và ngậm ngùi: "Hình như, người ta lại có dự án chặt cây khác, để trồng lại hoa phượng, trên hè phố, như ngày xưa!"...

Ừ! Chuyện 1 loài hoa chả có nhiều thứ để nói. Thế nhưng loài hoa làm nên cốt cách vùng đất, cũng như khí chất con người dựng thành đặc trưng miền cửa biển, thì đâu phải chuyện bình thường, để sáng lắc - chiều không, trong phương cách an dân?..

Cứ tự tẩn mẩn nghĩ thế, nhìn xuống đã thấy dăm cánh phượng nhỏ li ti như khẽ khàng nằm trong cốc bia vàng sóng sáng. Thêm nụ hoa cong veo, thắm lửa chống tay trên đĩa lạc luộc, nhụy trắng như mắt lá xoe tròn, dò hỏi: "Là ai mà quan tâm đến cây phượng thế?". Lại thầm thì tiếc nuối trong lao xao gió chiều, đung đưa còi tàu, u u ngoài cảng: "Bây giờ, chỉ hoa phượng còn nhiều ở Đồ Sơn!"...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mấy hình ảnh hoa phượng Đồ Sơn, lẩn mẩn ngồi cả buổi chiều chọn hình - post lên, để tặng những người con Đất Cảng xa xôi, không về thăm được quê dịp phượng nở này, như mình...
Biển 1 bên và hoa 1 bên
Cây nhỏ hoa nhỏ, cây to hoa to
Hoa mỏng mảnh, lá li ti

Chen tím với bằng lăng
Đỏ cả buổi chiều
Bến Thốc, Đồ Sơn

Mùa hè của ba mẹ - Nụ hoa phượng yêu quý nhất đời

Thuyền - biển và hoa phượng
Ăn nghỉ đều được ngắm hoa
Mời gọi phù sa
Chơi chọi gà, như ba ngày xưa nhé
Trên đỏ, dưới tím, giữa là... đóng gạch
Mẹ con ngẩn ngơ với phượng
GIữa "Trung tâm đóng gạch"
Sà xuống tận mặt đường
Gái yêu năm nay lớn tướng rồi, nên chỉ thích hoa phượng to nở bừng xòe lửa
Đường hoa




Tảo tần
Mẹ con và hoa phượng

Con làm công chúa, nhé!

Tình yêu đôi lứa