3 tháng 3, 2012

LẬP NGHIỆP Ở SÀI GÒN

Mai Thanh Hải - Lâu nay, mỗi khi vào Sài Gòn, mình đều dành thời gian la đà với Đàm Hà Phú.

Điểm tập hợp đầu tiên vẫn là quán Tre, đường Lê Quý Đôn bởi chỗ này, 2 thằng vẫn bật cười khi kể lần đầu tụ tập, lẫn cẫn ngồi 1 chỗ, nói 1 chỗ khiến mình miết 2 Quận trung tâm, mới quay trở lại, tìm trúng bóc chỗ nhậu nhẹt!. Hi! Hi!.

Lần nào cũng vậy, Phú và mình ngồi trước, sau đó y như rằng là có Thắm nhè nhè đi đến, khe khẽ kéo ghế, tủm tỉm cười và ngượng ngập nghe chồng nói chuyện với bạn, cứ như thuở... mới yêu.

Tháng rồi vào Sài Gòn, cuộc nhậu của tụi mình rong ruổi "chuyển địa bàn" từ Lê Quý Đôn, sang chỗ bác Ngọc Chênh, Huy Đức, Bọ Lập và rồi lại theo bác Đỗ Trung Quân hướng ra vỉa hè Nguyễn Trung Trực, vừa gác chân uống bia lạnh, vừa ngắm xe cộ vèo vèo ngay bên hông giữa đêm Sài Gòn ấm áp vừa bập bùng ghi ta, gân cổ - vỗ tay hát, những bài về sinh viên, đất nước... giữa nụ cười người Sài Gòn ngang qua...
Lâu lâu rồi không thấy Phú viết, tự dưng cứ thấy thiêu thiếu khi mò vào Trang Người Lữ Hành Kỳ Dị bởi cái giọng kể tưng tửng cứ kéo mình lại, với Sài Gòn bình dị, hào sảng và rất bụi bặm, thiệt thà.

Hôm nay đọc Phú, lại thấy Sài Gòn hiện ra ở góc khác, với lát cắt cuộc sống rọi sáng qua tâm hồn, tính cách con người.

Tự dưng, lại muốn bay vù vào với Sài Gòn ánh sáng và hối hả, hòa mình vào nhịp sống: Cắm đầu - bạc mặt làm ban ngày, tối gác chân vỉa hè, ngửa cổ ngắm vút cao vòm lá xanh phía trên lon bia lạnh và bập bùng ghi ta "Thành phố Tình yêu và nỗi nhớ", với những người Nam Bộ - Sài Gòn, ân tình nơi đất phương Nam. Mấy hôm nữa mình lại vào Sài Gòn, ai ra vỉa hè bia lạnh, ghi ta bập bùng với nhà Phú không?..
------------------------------------------------------------------------------------------------

1.
Hôm trước tôi có trả lời một cuộc phỏng vấn, có một câu hỏi thế này: “Anh hãy chia sẻ những khó khăn khi lập nghiệp ở Sài Gòn?”.

Tôi trả lời cũng dài, nhưng đại ý rằng: Sài Gòn là một mảnh đất tốt để lập nghiệp.

Tuy nhiên, vì nó quá tốt nên cơ hội không chia đều cho mọi người và khó khăn lớn nhất ở Sài Gòn, nếu có, chính là từ người lập nghiệp.

Sài Gòn không phụ ai cả.

Sài Gòn chưa từng phụ ai. Bạn cứ tin tôi. Bạn chỉ cần biết sống và chịu sống, biết làm và chịu làm, biết chơi và chịu chơi, theo cách của Sài Gòn.

2.
Gần đây, theo đề xuất của các nhà tư vấn tuyển dụng, các bạn trẻ mới ra trường khi làm đơn xin việc thường liệt kê các công việc hoặc các hoạt động đã tham gia trong thời học sinh – sinh viên, thậm chí có bạn liệt kê đã từng tham gia các hoạt động từ thiện, chơi TV gameshow hoặc đóng vai quần chúng trong một bộ phim nào đó. Đây là điều tốt.

Các nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy một ứng viên trẻ, chưa có kinh nghiệm công việc nhưng rất giàu nhiệt huyết, rất chịu sống và có thể là rất biết sống, họ sẽ có những đánh giá tốt hơn.

Đối với nhiều nhà tuyển dụng, con người của ứng viên quan trọng hơn kinh nghiệm hay kiến thức.

Có thể nhiều bạn trẻ vẫn quên, hoặc không chú ý đến điều đó, rằng thành công của bạn phụ thuộc rất nhiều vào con người, vào tính cách, vào cuộc sống của bạn, nhiều hơn cả bằng cấp hay kiến thức mà bạn có.

3.
Mỗi ngày ở Sở KH & ĐT có mấy trăm cái Giấy phép kinh doanh được cấp mới.

Tôi hay ngồi nghe người ta đọc tên các Công ty mới thành lập và cố đoán xem đó là một Công ty như thế nào.

Ví như tôi đoán Công ty TNHH Quán Nhỏ Ven Đường có thể là một Doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực, do một nữ chủ nhân còn khá trẻ điều hành.

Công ty này chắc chắn đã có đầu tư một nhà hàng hoặc một quán ăn, và có thể là thực đơn sẽ gồm nhiều các món dân dã hoặc đặc sản địa phương.

Có một điều tôi thường đoán trúng, đó là các Công ty được thành lập từ sự bắt tay của một vài người bạn.

Nó sẽ mang những cái tên dễ nhận biết, ví như Công ty Tình Bạn. Công ty Bạn Bè, Công ty Bằng Hữu, Công ty Anh Em, hoặc đôi khi cụ thể hơn bằng cách ghép tên của các sáng lập viên, kiểu Công ty Phước Lộc Thọ hay P.L.T Co. Ltd.

Cá nhân tôi rất tin tưởng và quí trọng tình bạn, nhưng cũng bằng kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng tình bạn để cùng nhau lập Công ty phải là một tình bạn cực kỳ tốt, đã có thời gian thử thách khá lâu, phải có sự hy sinh và cống hiến cho nhau thật nhiều… mà ngay cả khi bạn tin rằng mình có một tình bạn tốt cỡ đó, bạn cũng nên gìn giữ nó thật kỹ, thay vì đem thử thách nó vào một Công ty.

4.
Hôm rồi tôi có kể chuyện về Nha Trang họp lớp cũ, đó là lần đầu tiên tôi gặp lại nhiều bạn bè sau 20 năm kể từ khi rời ghế trường Trung học.
Các bạn tôi hầu hết vẫn ở Nha Trang, có bạn vào Sài Gòn học nhưng vẫn quay về Nha Trang làm việc và lập gia đình.

Các bạn nói chung đều có cuộc sống tốt và khá yên bình, trừ một hai trường hợp đặc biệt, đa số đều đi làm cho Nhà nước, hoặc một Công ty của có vốn của nhà nước kiểu Khatoko hay Yến Sào, Du Lịch.

Các bạn đều vui vì có dịp được ngồi với nhau, và ngạc nhiên thay, các bạn cũng thừa nhận rằng đây cũng chính là lần đầu tiên sau 20 năm các bạn mới ngồi với nhau, dù hầu hết đều đang sống ở Nha Trang, một thành phố ven biển nhỏ bé.

Khi tâm sự riêng, hoặc nhóm, với tôi, các bạn đều có ý cho rằng: Không giống như Sài Gòn sôi động, Nha Trang là một thành phố nhỏ, yên bình, nên cuộc sống của các bạn bị trôi nhanh, bị vuột đi trong lo toan thường nhật mà có rất ít những dấu ấn hoặc sự kiện đáng nhớ nào.

Tôi cũng tin vào điều đó.

Một hôm tôi bỗng tự hỏi: Không biết một Sài Gòn sôi động đã tạo ra những con người năng động, mạnh mẽ… hay chính những người năng động, mạnh mẽ đã tạo ra một Sài Gòn sôi động như hôm nay?..

5.
“Thất bại vì ngại thành công” câu này không phải câu nói cho vui đâu. Đúng đó!..

Đàm Hà Phú
--------------------------------------
* Hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

HÁT "CHIỀU BIÊN GIỚI EM ƠI", TRÊN TRẠM CHỐT BIÊN PHÒNG...

Mai Thanh Hải - Mã Lủng Kha là thôn giáp biên của xã Má Lé (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), sát sạt đất Trung Quốc với đường kẻ phân chia "núi liền núi" gần 5km.

Cả thôn chỉ có vài chục nóc nhà người Mông, lấm tấm trải từ đỉnh Mã Lủng Kha xuống con đường mòn dẫn ra lối mở, ấy thế nhưng cũng có riêng 1 Trạm chốt Biên phòng đứng chân.

Theo sổ sách giấy tờ, thì cái nhà xây cấp 4 duy nhất ở Mã Lủng Kha, nằm loi choi giữa đá xám, cây dại được gọi là Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Lũng Cú, trấn giữ cái con đường cheo leo vòng vèo, 1 bên là vực sâu hút, bên là núi đá dựng đứng, lổn nhổn đá lăn từ trên núi xuống (có khi bằng cả con bò). Đường chạy từ trung tâm xã Ma Lé ra nơi tiếp giáp với Trung Quốc, gần cột mốc 413.

Trạm Kiểm soát Lũng Cú này tuy không có biển hiệu treo trước cổng, nhưng lại có con dấu đàng hoàng, mỗi tháng đóng lộp cộp.. gần chục lần, cho người dân 2 bên xuất - nhập sang nhau với mục đích... đi chợ, đám cưới, tìm trâu bò(khác với Trạm dưới chân Cột cờ Lũng Cú, có biển treo hoành tráng trước cổng nhưng lại chả có dấu má, do là... Tổ Công tác).
Trạm được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng "cấp phép", hình như với mục đích "đi tắt đón đầu" sự phát triển của 2 quốc gia, trong tương lai.

Kể vài nét sơ qua để thấy: Gọi là Trạm Kiểm soát Cửa khẩu cho oách, chứ thực ra anh em trong Đồn 169 (Đồn Biên phòng Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), bao năm nay quen gọi cái nơi xa xăm này là Trạm Mã Lủng Kha.

Trạm Mã Lủng Kha nằm xa tít tắp. Ngày nắng còn đi xe máy vào được. Ngày mưa chỉ có nước chống gậy, đi bộ và từ xã Má Lé vào đến Trạm, có khi mất nửa ngày. Nằm tít tắp nên cái gì cũng phải tự cung tự cấp. Ngoài giờ công tác, mấy anh em trong Trạm lụi hụi trồng rau, nuôi gà, chăm lợn, tưới ngô để lấy cái mà ăn uống - sinh sống hàng ngày (nói cho oách là "Hậu cần tại chỗ"). Tối đến, mấy mống đàn ông xa vợ con cả năm, nhếu nháo chế độ cuối ngày, nghe chán chim kêu vượn hú, cắt cử gác xách - trực ban rồi cũng đành dán mắt vào cái tivi 14 inch do Đồn thanh lý, được sản xuất cách đây cả chục năm, tiếng câm tiếng tịt và nhiễu sóng loạn xạ, xem phim VTV3 cứ như xem "Một triệu con ruồi", lấy đó làm thú giải trí duy nhất... 

Mình biết chuyện của cái Trạm Mã Lủng Kha heo hút, xa lắc và thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy chẳng thể nào tính được, nên trước khi lên Đồng Văn, Hà Giang, có ý định tặng cho mấy anh em Trạm bộ tivi-video-karaoke đầy đủ (may là Mã Lủng Kha có đường điện kéo từ UBND xã vào), gọi là "chăm sóc đời sống tinh thần", cũng là tấm lòng của hậu phương với anh em Biên phòng nhân kỷ niệm 53 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (đọc ở đây).

Ý tưởng của mình được rất nhiều anh em thân thiết ủng hộ và triển khai cái rẹt, trong đúng 2 ngày (đọc ở đây). Và đến hôm nay 3/3 - Kỷ niệm 53 năm Ngày Truyền thống của Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2012), món quà của chúng ta đã được anh em Trạm Mã Lủng Kha, Đồn 169 và các giáo viên cắm bản, bà con đồng bào dân tộc Mông trong thôn Mã Lủng Kha, xã Má Lé sử dụng thành thạo, say mê. Hình như mấy thứ "văn hóa văn nghệ" này, thực hơn rất nhiều so với cái Chương trình trực tiếp về Hà Giang trên HTV9, lải nhải suốt cả buổi tối, xem xong chỉ thấy... tốn điện.  

Mấy anh em Biên phòng trên Trạm chốt kể: Từ hôm nhận giàn, Trạm biến thành "Trung tâm văn hóa - Nghệ thuật" của toàn khu vực, chiều nào cũng đông nghịt bà con đến xem tivi, đĩa ca nhạc Việt Nam và thi thoảng lại cắm micro hát karaoke cái bài được yêu cầu nhiều nhất là: "Chiều biên giới em ơi!"...

Nghe kể, mình cứ ngẩn ngơ tưởng tượng câu hát trong lời thơ Lò Ngân Sủng, vang vọng trên núi đá, lăn dài trên nương ngô, ruộng cải, quấn quýt đọng trên lá cây và đọng lại, nghiêm trang trên đỉnh cột mốc:

"Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương

Em ơi có nơi nào hơn chiều biên giới khi mùa hoa đào nở,
khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây mù tỏa ngát hương bay
Chiều biên giới em ơi!
Nhớ bao điều thân thương
Đôi ta cùng chiến hào, tình yêu đẹp tiếng hát giữa đất trời quê ta"...

Lại lẩn mẩn ước: Giá như Đồn nào, Trạm chốt nào trên phên dậu biên cương cũng có tý "văn nghệ văn gừng" như Mã Lủng Kha, thì bộ đội mình, cũng được an ủi phần nào?..
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cùng chung tay gắn bó nào. Nhưng sao bà Hậu lại che em, đè em thế này?


Trung tá Nông Minh Thạch, Đồn phó 169 bắt tay cảm ơn. Chú Nam, Trạm Mã Lủng Kha chắc tiếc quả tivi cũ?..

Trao đầy đủ thiết bị: Tivi29inch, đầu DVD-karaoke, ampli, 4 micro và 2 chiếc loa thùng to đại (dây nối ra sau đấy)
"Hội đồng nghiệm thu" làm việc
2 anh em mình làm... "Hội đồng thưởng thức", nhể?..
Chương trình tặng quà cho Trạm chốt Mã Lủng Kha được thực hiện với sự giúp đỡ của:

- TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên: 3.000.000 VND
- anh Dũng (Giám đốc Doanh nghiệp kinh doanh ván sàn): 3.000.000 VND
- Nhà văn/ Đạo diễn Phạm Ngọc Tiến: 1.000.000 VND
- Em Thắng (Cty Pentax, LD Nhật Bản tại Việt Nam): 1.000.000 VND
- Em Phú (DN sản xuất đầu KARAOKE tại HN): 01 đầu máy KARAOKE
- Em Phú - Nga (Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du, HN): 02 micro điều khiển từ xa
- TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu (TP. Hồ Chí Minh): 2.000.000
- Vợ chồng em Hùng - Nga (DN Kinh doanh Dược phẩm tại Hà Nội): Giúp đỡ 1 chuyến xe 7 chỗ để chở đồ (màn hình tivi 29inch, ampli, đầu DVD-karaoke, loa...) và trực tiếp lái xe đi cùng.
- Em Kim Long Biên hỗ trợ 2.000.000 tiền xăng xe đoàn đi Hà Giang (4 ngày đêm).

CHÂN THÀNH CẢM ƠN CÁC ANH CHỊ VÀ CÁC BẠN

2 tháng 3, 2012

"GÁNH HÀNG XÉN" LÊN PHÊN DẬU BIÊN CƯƠNG

Mai Thanh Hải - Hồi Thủy "Sống chậm" nảy ra sáng kiến lập "Gánh hàng xén cho trẻ em vùng cao" (mọi người hay gọi tắt là "Gánh hàng xén" cho ngắn, giống như "Cơm có thịt" thì gọi là... "ôm ịt" cho nó dễ nhớ. Hi! Hi!"), mình lẩn mẩn định nghĩa "Gánh hàng xén" mà loay hoay mãi không tìm được ý nào cho "ra tấm ra món".

Tra từ điển, hỏi han mãi, đành phải hỏi "chú Gúc", bởi mọi người hay bảo "Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra Gúc gồ" còn gì?.

Tìm mãi, mới có câu trả lời tàm tạm ổn, đó là: "Hàng xén là cửa hàng tạp hóa nhỏ, chuyên bán những thứ đồ gia dụng hàng ngày. Do vốn ít, nên chỉ bán những thứ lặt vặt như bột ngọt, xà phòng, tiêu ớt, mỳ tôm... Cửa hàng này ở thôn quê cung cấp những thứ hàng ngày cho nội trợ". Đơn giản thế chứ!.
Lên gối?. Không! Đang nhồi hàng đấy
Nói tạm ổn bởi chả còn khái niệm - định nghĩa nào, và nhất là mình nhớ đến những hoài niệm ngày bé ở quê, thi thoảng được mẹ dẫn đi chợ huyện, mắt cứ tròn xoe nhìn những bà hàng xóm phốp pháp, ngồi lù lù 1 đống, rểnh rang nhai trầu bỏm bẻm giữa ngồn ngộn hàng hóa xanh đỏ, nhưng người mua hỏi cái gì là nhoáy tay móc ra ngay cái ấy, chả để ai bước chân vào hàng mà phải về không.

Cái "Gánh hàng xén" do Thủy Sống chậm nghĩ ra, được bao nhiêu bạn bè xúm vào chung đòn gánh bây giờ, cũng đầy đủ chả thiếu gì hàng xén ở quê mình.

Khác mỗi cái là các "ông bà chủ" chưa ai nhai trầu bỏm bẻm, chưa ai lù lù 1 đồng (chỉ có vài người sắp thôi. Hé! Hé!), chưa ai rểnh rang từ khi bước chân vào gánh bán buôn và cũng chưa ai nhoáy phát, móc ngay cho người hỏi 1 cái gì đấy, mà toàn... móc lại của người nào đó mon men gần gánh hàng, để dành đấy mang lên cho trẻ em vùng cao.

Những ngày này, các "xén viên" lăn lông lốc với gánh hàng xén chuẩn bị lên Tả Gia Khâu, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo. Có chứng kiến cảnh thu mua, mặc cả, đóng hàng, xếp hàng... mới thấy cái khái niệm "hàng xén" trong Gúc gồ quá... thiếu thực tế. Không tin thì nhà Gúc xem hình dưới đây nhá!..

Sáng Chủ nhật này, Gánh hàng xén lại tất tưởi lên vùng phên dậu biên cương Tả Gia Khâu, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo (của 2 huyện Mường Khương, Bát Xát của tỉnh Lào Cai), đến tận nơi, mang các "đồ hàng xén" cho gần 50 điểm trường cheo leo trên núi, mờ ảo trong sương, hun hút dưới khe núi và chênh vênh vực sâu, những 4 ngày đêm và cả nghìn km - Nơi có bọn trẻ con lít nhít đang ngóng chờ!..

Ai có tấm lòng, thì đi theo gánh hàng xén chúng mình, nhé!..

Đi lại thế nào?
Cá khô nên phải đóng cẩn thận
Tính toán điện tử, kinh nhể?
Mấy bao cá khô, sao xong ngay được
Đồ nhựa phục vụ nấu ăn
2 bao này của 2 điểm Trường rồi nhé
Hớ hớ! Có cả đồ chơi cho bọn lít nhít
Dây buộc đâu rồi? Ai cầm dây đưa nhanh lên...
Xong vật dụng, mới tính đến quần áo - mũ mãng
Góc này của Tiểu học Pa Cheo
Mỗi bao thùng đều ghi chú rõ ràng, cả đống ghi chú kia, bao nhiêu thùng đới?
Lại còn dụng cụ học tập, tranh ảnh, sách truyện nữa... Mấy bao kiến thức này, nặng phết!
Gãi đầu gãi tai
Tranh thủ ngồi tý, mệt quá
Tay cắt băng dính, tay... vuốt tay xinh
Ai dám nhận bao này không?..
Đóng quần áo phải lèn cho chặt, để có nhiều chỗ chứa đồ
Bao này vẫn chưa to
Đứng thở...
Túm lại, hàng xén nhìn thấy cũng phải lạy bằng... cụ

NHẦM NHỌT SANG... TRỒNG TRỌT!

Cuối tuần rồi, mọi người thoải mái tý đê. Hình này vừa để thoải mái, vừa để xin lỗi các bác vì cái vụ "Tàu xịt nước tàu" mà nhà cháu bê về, trưng lên lúc trưa. Các bác thông cảm nhá! Còn hình này, nhà cháu xin được chú thích là: "Nhầm nhọt sang... trồng trọt". Bác nào có ý tưởng khác thì cùng góp vui nào!... (Nguồn: Lượm nhà Tuân Phẹt).

1 tháng 3, 2012

3 TÀU PHÁO MỚI TRÊN VÙNG BIỂN VŨNG TÀU VÀ PHÚ QUỐC

Mai Thanh Hải - Sáng 1/3/2012, cả 3 tàu pháo hiện đại vừa được biên chế về Hải quân vùng 2 và vùng 5 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, quản lý, bảo vệ chủ quyền hải đảo và thềm lục địa Tổ quốc.

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tiếp nhận 2 tàu HQ-264 và HQ-265, được biên chế về Lữ đoàn 127, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc. Đây là loại tàu pháo thuộc lớp Svetlyak dùng cho nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tại buổi lễ tiếp nhận, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân nhấn mạnh: Đây là loại tàu chiến đấu được trang bị hệ thống vũ khí, có ưu thế về tự động điều khiển. Tàu sẽ góp phần nâng cao sức chiến đấu cũng như năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển xa.
Tàu HQ-272 của Vùng II, tại Quân cảng Vũng Tàu

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cũng đã tiếp nhận tàu pháo HQ-272, tàu tuần tiễu trên biển hiện đại nhất hiện nay do Việt Nam sản xuất.

Đơn vị này cũng đón nhận Huân chương Chiến công hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng, vì những thành tích trong việc nâng cấp, sửa chữa nhà giàn DK14, DK15.

Tàu pháo HQ-272 được thiết kế hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt khi tác chiến trên biển, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại như: Pháo AK-630, Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp, hệ thống rađa, hệ thống nhận biết địch - ta, hệ thống quang điện từ, các kho đạn pháo, tên lửa...
Kéo cờ Tổ quốc trên tàu mới

Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện gió cấp 9-10 và sóng cấp 8, tầm hoạt động 2.500 hải lý. Tàu thực hiện những chuyến tuần tra nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Vùng Hải quân là tổ chức liên binh đoàn chiến dịch - chiến thuật của Hải quân, phân chia theo lãnh thổ, gồm các binh đoàn, biên đội tàu mặt nước, Không quân của Hải quân, Hải quân đánh bộ, bộ đội phòng thủ đảo, pháo binh bờ biển và các đơn vị bảo đảm tác chiến (ra đa, thông tin, kỹ thuật, hậu cần...).   

Hiện Quân chủng Hải quân có 5 vùng Hải quân.

Bộ Tư lệnh Vùng 2 (hoặc Bộ Tư lệnh vùng B) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu và thềm lục địa phía Nam, trong đó có khu vực trọng điểm là vùng biển có các Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (gọi tắt là DK1) thuộc thềm lục địa phía Nam, gồm có các tỉnh: Phía Nam của Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và vùng biển phía Đông Nam của tỉnh Cà Mau (bao gồm cả nhà giàn DK1/10 ở bãi ngầm Cà Mau). Trụ sở Bộ Chỉ huy Vùng 2 đặt tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Bộ Tư lệnh Vùng 5 (hoặc Bộ Tư lệnh vùng E) quản lý vùng biển Nam biển Đông và vịnh Thái Lan thuộc vùng biển 2 tỉnh Cà Mau (biển phía Tây Nam của Cà Mau) và Kiên Giang. Trụ sở Bộ Chỉ huy Vùng đặt tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
Pháo Phòng không 12ly7 trên tàu
Sĩ quan, thủy thủ của 2 tàu pháo mới
Tàu pháo của Vùng 5 được trang bị nhiều vũ khí hiện đại

25 TỶ CHIA CHO 120 NGHÌN?..

Mai Thanh Hải - Mình đọc trên Dân trí (ở đây) bài "Siêu đám cưới một thiếu gia gây rung động phố núi", thuật lại cái đám cưới của "con trai nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu" ở Hương Sơn, Hà Tĩnh với con gái của 1 đại gia ở Hà Nội, hiện đang du học tại Singapore... Đọc xong, chịu không nổi, phải mở cửa phòng, ra ngoài sân đứng hút thuốc.

Cái “siêu đám cưới” này được coi là khủng bởi có dàn xe rước dâu hoàng tráng khiến chiều tối qua (29/2/2012), hàng ngàn người dân Hà Tĩnh, sống hai bên Quốc lộ 8A, kéo dài từ ngã tư giao nhau giữa đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 8A (thị trấn Phố Châu) lên thị trấn Tây Sơn, đã đứng chật đường ngó xem,làm Quốc lộ 8A nhiều đoạn bị tắc nghẽn.

Cái "siêu đám cưới" ở Hương Sơn, Hà Tĩnh còn có sự tham gia biểu diễn của "ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng cùng các ca sĩ hải ngoại tên tuổi như Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê và MC Lê Anh, càng khiến dòng người kéo đến xem đám cưới dài dằng dặc. Hôn trường không thể đáp ứng chỗ ngồi, gia chủ phải đóng cửa, khiến hàng trăm người chen lấn, xô đẩy bên ngoài - Dân trí thuật lại…

Tự dưng, nhớ lại những gì mình đã thấy, đã gặp, đã chứng kiến trên những nẻo đường miền núi, khi lẽo đẽo làm Chương trình "Cơm có thịt", "Áo ấm cho trẻ em vùng cao", "Gánh hàng xén lên miền núi"...

Mình nhớ đến con bé Sùng Thị Súa, 5 tuổi ở Trường Mầm non Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai), rúm ró trong cái áo ướt sũng, giữa trời rét 3 độ C bởi trận mưa ào xuống giữa quãng đường 30 phút trèo đồi từ nhà đến trường. Mắt con bé đờ dại, môi tím ngắt, răng lập cập và cả người nó, cứ ưỡn lên theo nhịp đập thoi thóp từ lồng ngực trái. Chỉ khi được khoác áo, trùm khăn của Khanh, Lana nó mới hé được mắt ra, nhìn tụi mình...

Mình đau đáu với cô giáo Mầm non điểm Trường Trà Phà (Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai) Trần Thị Lập, dắt 2 đứa học sinh 5 tuổi bé như cái nấm, bập bõm hiện ra trong sương mù đặc quánh Nhìu Cồ San, ra nhận áo ấm, ủng cao su, tất chân... thay cho mấy chục bé ở Trà Pha, đang thu lu ngồi đợi, bởi đường ra chỗ nhận quà quá xa, đến xe máy cũng không vào được. Nhận xong phần quà, cô Lập buộc chặt vào lưng, lại tất tả dắt 2 đứa trẻ "đại biểu", trèo núi gần 1 tiếng đồng hồ, trong rừng, trong sương về với học sinh. Bóng 3 cô trò mờ dần, mờ dần trong sương lạnh, như chìm vào cõi hư vô, không thực...

Mình rưng rưng khi buổi sáng ở điểm chính Trường Mầm non Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Là Cai), bọn trẻ con lếch thếch tay kéo quần, tay quệt mũi nhưng nách vẫn kẹp chặt mấy cây rau cải, chạy ùa vào cái bếp lợp gianh vách nứa, ấm ứ đưa cho cô giáo Phúc cây rau còn nguyên cả đất, để góp với cô giáo nấu cơm canh ăn buổi trưa...

Mình không thể quên cảnh lũ trẻ Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) nuốt nước bọt ừng ực, nhìn các cô tất tả chia cơm trưa; nhận được phần cơm thịt, chúng cắm đầu, ăn hùng hục, không đứa nào nói chuyện, không đứa nào nhìn ngang nhìn ngửa, loáng hết đã sạch bách bát cơm, phưỡn lưng xoa bụng, cất bát và ngoan lành cất bát, trải đệm rúc rích ngủ như chó con say sữa để chiều ngủ dậy, co ro trong trời lạnh đến 1-2 độ, ê a hát: "Em sẽ là mùa Xuân của mẹ...".

Mình ghi vào trong dạ, dáng con bé Sao 8 tuổi học lớp 3 ở điểm Trường Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai) ngồi ngoan viết bài, trên lưng Sao, em bé 2 tuổi nằm gọn trong địu vải, cũng ngoan ngoãn gục trên đầu chị ngủ vùi. Bữa trưa của 2 chị em, chỉ là muôi cơm trắng, không có đến 1 hạt muối kèm thêm...

Mình vẫn in trong đầu những đứa trẻ con trên ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé, Lai Châu), nghiêm nghị xếp thẳng hàng dưới cột tre treo cờ Tổ quốc, gượng nhẹ nhận từng chiếc áo ấm và thi nhau hít hà, tẩm mẩn ngắm nhìn món quà giá trị, lần đầu tiên có được...

Mình nghẹn lòng trước lũ trẻ con Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai), loay hoay trước cái kẹo, hộp sữa không biết bóc, hút ra sao và à à ôm áo ấm, luýnh quýnh chạy lên dốc như đàn gà con, mang về khoe bố mẹ...

Mình nhớ bọn trẻ con trường bán trú dân nuôi Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), ngồi rúm ró trong bếp ăn chật chội, tay khoanh bụng chống rét, tay nắm thìa xúc mèn mén. Mỗi miếng mèn mén cho vào miệng, chúng lại khù khụ ho và hớt hải uống nước để nén thứ bột ngô, đã phải ăn thay cơm mấy tháng nay, vào trong bụng, lấy sức chiều lên lớp học tiếp...

Và mình không quên hình ảnh những em Quỳnh, em Thanh, em Huyền, em Tuyển, em Vân, em Lan cùng hàng trăm gương mặt giáo viên vùng cao khác, mừng đến cuống quýt- sững sờ, cứ loanh quanh chạy đi chạy lại khi thấy những chuyến xe chở hàng hóa, quần áo, thực phẩm lên cho học sinh.

Và mình không quên những giọt nước mắt rơi vội vàng trên gò má của những "Cơm thịt viên","Hàng xén viên" sau khi lấp ló ngoài cửa, nhìn trộm cho bọn trẻ con ngoan ngoãn, tự nhiên xúc cơm thịt, chan canh nóng, đánh no bụng bữa trưa, mới được thụ hưởng.

Và mình cũng không quên những dòng email, những tin nhắn ngắn, những cú điện thoại gấp gáp, những cái trao tay trân trọng... của bao người từ trong đến ngoài nước, từ cụ già đến em nhỏ, từ 10.000 đồng dành quà sáng của em bé đến khoản lương hưu ki cóp của cụ già... cho "Quỹ Cơm có thịt" và "Gánh hàng xén lên vùng cao"...

Và mình đứt ruột trước thông tin: Chi phí "siêu đám cưới" của nhà "đại gia buôn bán xuyên quốc gia" vùng đất nghèo Hà Tĩnh  khoảng hơn 25 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí cho rượu ngoại đã là hơn 2 tỷ; chi phí cho phần âm nhạc, ca sĩ là hơn 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng)...
Vòng vàng cô dâu chú rể được tặng (đeo cổ) ước tính 60 lạng
Lẩn mẩn nói cô Kế toán trong cơ quan tính toán. Cô bé cũng lặng người, nhìn ra cửa sổ khi biết phép tính của mình: "Một đứa trẻ con vùng cao, mỗi tháng được thụ hưởng 120.000 đồng/tháng để được ăn cơm có thịt. Vậy số tiền 2 tỷ mua rượu ngoại và 25 tỷ chi phí toàn đám cưới ấy, sẽ nuôi được bao nhiêu đứa trẻ con trong 1 tháng?".

Kết quả là: 2 tỷ đồng tiền rượu sẽ nuôi được 16.666 đứa trẻ Mầm non trong 1 tháng

Kết quả là: 25 tỷ chi phí đám cưới sẽ nuôi được 208.333 đứa trẻ Mầm non...

Vẫn biết: Người có tiền, họ làm gì, tiêu gì cũng được. Thế nhưng cứ rưng rưng, xót xa tận đáy lòng, khi nghĩ đến những lít nhít vùng cao đang chịu đói, chịu rét trên vùng cao miền núi, biên giới xa xôi...