4 tháng 2, 2012

"NGÀY THƠ" VÀ... NGƯ DÂN MAI PHỤNG LƯU

Mai Thanh Hải - Chiều nay, mình sẽ bay vào Đà Nẵng và tiếp tục vào TP. Quảng Ngãi để sáng mai trao quà ủng hộ của bạn đọc xa gần, bằng hiện vật ICOM, lưới đánh cá cho Thuyền trưởng - "Sói biển" Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Rất thuận lợi là ngày mai, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi cùng Nhà thơ Thanh Thảo sẽ tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi với chủ đề "Trường lũy Biển Đông" và việc trao gửi sự ủng hộ của bạn đọc Blog Mai Thanh Hải, cũng được coi là một phần trong Chương trình ấy.

Mình biết là rất nhiều bạn, đang bức xúc với chuyện các thi nhân Việt Nam đang tụ tập ở Quảng Ninh này khác. Nhưng với chủ đề "Trường lũy Biển Đông", thì Ngày Thơ Việt Nam ở Quảng Ngãi, khác với Quảng Ninh rất nhiều.

Càng khác hơn nữa khi có Chương trình trao gửi mọi sự ủng hộ của bạn đọc trong và ngoài nước, bằng hiện vật đi biển cho Mai Phụng Lưu (Đọc ở đây). Có lẽ thế này, Thơ mới thật là thật và có hơi thở cuộc sống, thời đại cũng như bám sát mọi sự kiện - vấn đề Chính trị xã hội.

Sẽ có nhiều thứ để viết, nhưng trước hết xin giới thiệu bài viết của Nhà thơ Thanh Thảo (Quảng Ngãi) về sự kiện này: Bài viết do bác Thanh Thảo gửi trực tiếp cho Mai Thanh Hải Blog.

Mời các bác xem Bản Thống kê chi tiết đóng góp, ủng hộ Mai Phụng Lưu
---------------------------------------------------------------------------------------
NGÀY THƠ VÀ NGƯ DÂN MAI PHỤNG LƯU  
                                                                
Mai Phụng Lưu nhặt trứng rùa tại đảo Bạch Quy (Hoàng Sa)
Ngày Thơ tại Quảng Ngãi năm nay mang tên “ Trường lũy biển Đông” sẽ được đón một vị khách đặc biệt. Đó là ngư dân Mai Phụng Lưu, cư trú trên đảo Lý Sơn - người đã từng 4 lần bị Trung Quốc bắt, hành hạ và tịch thu tàu thuyền ngư lưới cụ đòi tiền chuộc, khi đang đánh cá tại quần đảo Hoàng Sa.

Thơ là tiếng nói của tâm hồn con người. Thơ gắn kết mọi con người yêu cuộc sống và yêu tự do lại với nhau, bất kể thành phần xuất thân và tuổi tác.

Có thể trong đời mình, ngư dân Mai Phụng Lưu do vất vả mưu sinh nên ít khi có dịp tiếp xúc với thơ.

Nhưng một ngư dân không chỉ biết đi đánh cá ở Hoàng Sa, mà còn thấu hiểu đó là quần đảo của tổ tiên mình; một ngư dân biết trực tiếp ghi lại những hình ảnh hiếm hoi quí giá về Hoàng Sa, bằng chiếc máy ảnh cà tàng của mình; một ngư dân biết mang hương ra Hoàng Sa, để thắp trên hòn đảo mà ngày xưa cha ông mình từng trấn giữ... chắc chắn ngư dân ấy có một tâm hồn thơ mãnh liệt.
Thắp hương, cúng rượu cho ông bà và xúc cát tổ tiên mang về đất liền

Người có tâm hồn thơ chưa hẳn đã cầm bút làm thơ, nhưng họ biết sống thơ, biết xúc cảm và chia sẻ trước cái Đẹp và cái Thiện, biết tha thiết yêu thương tửng rạn san hô, từng bãi cát vàng trên những quần đảo thuộc chủ quyền của đất nước mình.

Những người như thế, họ yêu Thơ và yêu Nước. Họ đưa tinh thần của Thơ tới mọi công việc vất vả và hiểm nguy hàng ngày.

Tôi đã từng gặp và kính phục một ngư dân ở Đức Phổ, vì anh đã viết và nhớ trong đầu hàng trăm bài thơ, trong khi đang lái tàu đi đánh cá ở Trường Sa.

Có thể Mai Phụng Lưu chưa làm thơ, nhưng mỗi lần gặp anh, tất cả các nhà báo và nhà thơ đều công nhận ở người ngư dân mộc mạc thật thà này, tiềm ẩn một năng lượng tinh thần lớn lao.

Nếu được thể hiện ra bằng ngôn ngữ, thì năng lượng tinh thần ấy sẽ hiện hình thành những câu thơ, những bài thơ.
Mai Phụng Lưu và Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc thăm nhà MTH

Người Việt Nam vốn yêu Thơ, tuy không phải ai cũng làm thơ, nhưng Thơ luôn tìm được cách để đến với họ trong bao nhiêu hoàn cảnh và thời gian khác nhau.

Tôi nghĩ: Với Ngày Thơ hàng năm, chúng ta nên đưa tinh thần sống thơ đến với tất cả mọi người, dù họ là nông dân, ngư dân hay công nhân.

Dĩ nhiên, những người có học, những người sở hữu tri thức cao thì lại càng có cơ hội gắn bó và sống thơ nhiều hơn.

Nhưng những người lao động bình thường, lao động vất vả khác cũng không hề xa lạ với Thơ. Họ sẽ sống thơ vào những lúc mà chính họ cũng không ngờ tới. Thơ đáng yêu và lạ lùng là vậy!

Khi ngư dân Mai Phụng Lưu xuất hiện trong Ngày Thơ, thì Ngày Thơ ấy được thấm đẫm mồ hôi của cần lao và đau đáu nỗi niềm của người Việt - Lý Sơn, Việt - Quảng Ngãi yêu nước.

Bởi, với người Việt Nam bây giờ, yêu Hoàng Sa và Trường Sa là yêu nước, phải không bạn?..

Chúc ngư dân Mai Phung Lưu lên đường may mắn trong vụ cá nam năm nay!. Anh trúng mùa cá thì Thơ cũng được mùa Thơ đấy!..
-------------------------------------
* Hình ảnh 3 cha con Mai Phụng Lưu thắp hương, xúc cát, nhặt trứng rùa tại đảo Bạch Quy (Hoàng Sa), do Mai Phụng Lưu cung cấp riêng cho Mai Thanh Hải, tháng 12/2011.

"ĐẢNG DẦN NHƯ CON CÁ, NGÚC NGOẮC TRONG CÁI AO CẠN..."

(Người Cao tuổi/HDTG) - Trong hôm khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tư (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ do sự sa sút phẩm chất chính trị và đạo đức của một bộ phận không nhỏ Cán bộ, Đảng viên từ Trung ương tới cơ sở; trong khi hàng triệu nhân dân, Đảng viên đang nỗ lực xây dựng đất nước.

Điều này nhân dân đã biết từ lâu.

Chưa bao giờ thấy nhiều hiện tượng trái với đạo lí dân tộc như trong những năm gần đây: Cha giết con; chồng chém vợ; thầy giáo bị học trò làm hại; gia đình bệnh nhân đánh thầy thuốc; nông dân bị chiếm đất ồ ạt đi khiếu kiện; cán bộ tỉnh đánh bạc mỗi ván ăn thua tới 5 tỉ đồng; tội phạm vị thành niên ngày càng tăng; sự dối trá tràn lan; chạy chức chạy quyền; cúng bái cầu tài cầu lộc, mê tín dị đoan tràn ngập…

Trách nhiệm thuộc về ai?. Thuộc về sự lãnh đạo của Đảng và quản lí của Chính phủ, các cấp từ Trung ương tới cơ sở...

Bản Di chúc năm 1969 của Bác Hồ, đã nhấn mạnh điều quyết định là "Đảng cầm quyền phải thực sự trong sạch". Sau hơn 40 năm, mặc dầu chúng ta có phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng còn hình thức.

Khi Đảng còn nhiều uy tín trong xã hội, dân ta đã có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Và nhiều thanh niên hăng hái phấn đấu vào Đảng.

Đến nay thì ngược lại, một số người trung thực đã quyết định không vào Đảng.

Một số cán bộ cao cấp, kể cả Sĩ quan Quân đội khi nghỉ hưu đã bỏ sinh hoạt Đảng.

Sự suy giảm lòng tin trong dân thật nặng nề. Từ chỗ “Đảng viên hư trước, làng nước hư theo”, đến chỗ dân tỉnh ngộ, sẽ không theo Đảng nữa.

Thế là Đảng dần dần như con cá ngúc ngoắc trong cái ao cạn, thật nguy to!..

Nạn tham nhũng có bè cánh tràn lan là nỗi buồn, nỗi lo và sự tức giận của mọi người.

Người ta đồn mỗi chức vụ trong Đảng, trong chính quyền đều có giá bằng tiền cả!.

Thế thì Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã làm được những gì?..

Đến mỗi xin cho con vào học lớp mầm non cũng phải khổ sở chạy chọt!.

Mỗi ngày hơn 30 công dân Việt Nam chết vì tai nạn giao thông!. Ra đường sẵn sàng đón thương vong như ra trận!. Tình hình không thể để kéo dài mãi như thế này!..

Tôi cùng nhân dân mong và tin rằng, như lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội, mỗi người sẽ trung thực tự kiểm điểm mình và báo cáo trách nhiệm trước nhân dân.

Đây là yêu cầu cao và cấp bách về sự gương mẫu của Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, từ Trung ương đến cơ sở.

Đảng ta đã nói thì phải làm. Làm cụ thể, thiết thực, từng việc một, từng bước một, làm triệt để và phải có hiệu quả. Cần xử lí nghiêm các cá nhân và tổ chức sai phạm.

Để chuộc lại uy tín của Đảng, đem lại lòng tin cho nhân dân, làm sống lại hình ảnh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cần mở rộng dân chủ hơn nữa từ trong Đảng ra ngoài.

Nếu có được lòng tin rộng mở của Đảng, thì mỗi người dân sẽ vì điều tốt lành mà thành thực phát biểu ý kiến của mình.

Khi đó ý Đảng sẽ hoàn toàn hợp với lòng dân. Dân sẽ thực sự làm chủ. Và không có khó khăn nào ta không thể vượt qua

Vũ Tú Nam
-------------------------------------------------------------
* Nguồn hình ảnh: CLB Ô Phở, OF.
* Hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
* Tít bài do MTH đặt lại, không phải tít nguyên bản của tác giả

3 tháng 2, 2012

CÁC CON SÀNG MA SÁO

Mai Thanh Hải - Tính đi tính lại, năm 2011 vừa qua, mình rất... "lãi" vì những chuyến đi. Thôi thì lên rừng xuống biển, chui rúc lặn lội, tàu bay tàu bò... đủ cả. Nhưng "lãi" nhất là tham gia cái "Ơm Ịt" (Cơm có thịt) cùng bác Trần Đăng Tuấn, Phạm Ngọc Tiến, Đoàn Minh Khôi, Thùy Linh và nhóm Giỏ Thị Lana.

Ban đầu, cũng chỉ coi là chuyến đi làm từ thiện như bao nhiêu chuyến, mình đã tham gia khác.

Nhưng chỉ qua nhõn 1 lần đi, kèm mấy lần cùng ngồi bàn bạc - lên phương án - tính toán cùng các bác, mình ngoắt phát trở thành Ơm Ịt, say như điếu đổ, lẩn mẩn như có cơ duyên, với cái bọn trẻ con lít nhít vùng cao chân đất đầu trần từ lúc nào không biết nữa.

Dịp giáp Tết, mình đi Ơm Ịt xoành xoạch, đến mức Sếp mình lắc đầu nhiều quá, cũng phải nhân nhượng: "Anh lo cho các cháu xong trước Tết. Xong qua Tết, anh lo cho... cơ quan chúng tôi đi nhé!", khiến mình cũng phát... ngượng (Nói thế thôi, nhưng Sếp mình cũng hiểu, thậm chí còn tẩn mẩn gửi tiền riêng ủng hộ chúng nó nữa, thế mới hay chứ!. He! He!)...

Nhiều người tò mò hỏi mình: Có gì quyến rũ ở Ơm Ịt mà cứ đi suốt thế?.

Nghe xong, mặt mình đần thối, chả biết giải thích sao cho người hỏi, hiểu và cảm nhận được những gì tụi mình đã thấy, đã biết và đã thấm thía khi đến với những vùng đất xa tít, hun hút, thăm thẳm và thiếu thốn, nghèo khổ đến cùng cực ấy?..

Tặc lưỡi: Nếu có thể, đi cùng sẽ biết, sẽ chia sẻ, cảm nhận và biết đâu, lại định nghĩa được thế nào là thanh thản, hạnh phúc...

Với mình, thích nhất là lúc nhìn lũ trẻ rối rít, cuống cuồng như đàn kiến con lễ mễ xếp ghế, kê bàn trong khi các cô giáo bê cơm, thịt, trứng, canh bốc khói nghi ngút, thơm điếc mũi từ dưới bếp lên.

Vui nhất khi thấy mắt chúng tròn vo, môi miệng chóp chép, nuốt nước bọt ừng ực nhưng vẫn phải... khoanh tay, bởi các cô tíu tít xới cơm, chia thịt, múc canh.

Nhẹ lòng nhất khi chúng à à đồng loạt: "Con mời các cô ăn cơm! Tôi mời các bạn ăn cơm!", xong phát là cắm đầu xúc nấy xúc để, phá phính căng tròn nhai cơm, môi bóng loáng thịt mỡ như thể tằm ăn rỗi.

Rưng rưng nhất khi thấy chúng: Đứa tay này cầm thìa xúc cơm, tay kia cầm chặt miếng thịt, cẩn thận cắn từng miếng nhỏ, gượng nhẹ ăn dè; đứa thì hùng hục chén cơm không trước, để dành lại thịt sau, cuối bữa nhẩn nha - chậm rãi nhai (hưởng thụ) từng thớ thịt, miếng mỡ như thể... địa chủ nhai trầu.

Hạnh phúc nhất khi chúng ăn xong, bụng no căng tròn như trái táo, phưỡn bụng, bậm bạch trả bát, cất ghế và lăn kềnh ra đệm, díp mắt ngủ trưa chả đợi cô giáo nhắc, vừa ngủ vừa líu ríu nói mơ, như lũ chó con ủng oẳng say sữa...

Hôm rồi ở Điểm trường chính Mầm non Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai), mình lại được cảm nhận tất cả những tâm trạng như vậy, với 26 đứa lít nhít trứng vịt - trứng gà. Em Quỳnh, Hiệu trưởng Mầm non Sàng Ma Sáo kể: Từ khi được thụ hưởng "Cơm có thịt", 171 học sinh Mầm non từ 5 tuổi trở xuống trong toàn xã, đi học đều như... vắt chanh. Thậm chí, còn có thêm cả chục đứa nữa đến lớp học cùng, chả phải nhờ "hệ thống chính trị cơ sở" đến tận nhà vận động, thuyết phục từ học sinh đến phụ huynh tới trường.

Thế là tốt quá. Quá tốt!. Và như vậy, càng không thể không kể lại bữa cơm của "chúng nó": Các con lít nhít ở Sàng Ma Sáo, để mọi người cùng chia sẻ và yên lòng. Ngày mai, mình lại lượn Quảng Ngãi rồi. Sau chuyến xuống biển này, lại lên với chúng nó - Bọn lít nhít vùng cao. He! He!..
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cô Hồng, Hiệu phó Mầm non Sàng Ma Sáo đến phiên nấu cơm trưa cho chúng nó

Canh cải (với thịt lợn băm) nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đê...

Trước khi ăn, có màn "kiểm tra chéo" xem tay nhau đã được rửa sạch chưa. Món này thì chúng nó... hơn mình!

Mấy đứa lớn thì phải giúp cô lấy bát thìa, muôi múc từ dưới bếp lên đấy

Con được chia cơm thịt trước, nhưng con phải đợi "mời tập thể" và ôm chặt bát, giữ phần ngay...

Hôm nay không chỉ ăn thịt mà còn có cả trứng, chưng lên cho dễ nhai. Cô Hồng chia trứng, cô Quỳnh chia thìa

Trộn đều cơm và thức ăn cho bạn - Cái này thì khối trẻ con, người lớn phải học chúng nó đấy

Ê! Cơm dính vào má vào môi rồi nhé!..

Thời tiết mát mẻ, nắng đẹp nên ăn ngoài hiên. Thích thế!..

Canh thì tự chan nhé! Mấy muôi cũng được...

Thìa bát mới cứng, to đùng cũng của Cơm Thịt cung cấp nhé!

Ăn rào rào như tằm ăn rỗi, chả chú ý gì đến Viu đẹp. Chỗ này mà được ngồi, vừa uống bia vừa ngắm rừng núi thì..

Ăn đi con, đừng có ngượng và đừng... xòe tay ngắm ngón

Môi bóng nhoáng, toàn mỡ là mỡ kìa

Mắt 1 mí soi mắt 2 mí: Lông mi của bạn dài và cong thế?..

Ăn khỏe chưa? Nhoằng phát hết veo bát...

Khâm phục anh ấy quá, xúc thìa to đùng

Anh này cũng hết veo, mà chẳng có Fan gì cả...

Em Phúc - Cô giáo trẻ nhất Trường, cùng đồng hương mình đi thu dọn bát đĩa cho bọn "ăn xung kích"

Hí! Hí! Dính cơm - cơm dính kìa con...

Nhai kỹ, nuốt gọn con gái nhé...

Húp canh chùn chụt, đến... thụt cả lưỡi

Ăn cơm xong mới ăn canh, cho đỡ đau dạ dày, nhể?..

Xúc động nhất cảnh này: Chị gái 4 tuổi, rất chăm chỉ - tỉ mẩn đút cơm cho em 3 tuổi.

Áo rách đùm áo lành: Con gái ơi! Con ngoan quá!..

KINH DOANH ĐA NGÀNH NGHỀ

Cười mãi về cái bảng quảng cáo nho nhỏ này, nhất là món hàng cuối: Cám chim. (Nguồn hình: CLB Ô Phở, OF)

DU LỊCH VIỆT: VÀO LĂNG CÔ MÀ HỌC CÁCH BÁN HÀNG

Mai Thanh Hải -  Mấy hôm nay, bà con bàn tán ầm ĩ vụ 1 Blogger người Mỹ viết bài kể lại chuyện chặt chém, hàng rong... đối với khách du lịch nước ngoài, khi sang du hí nước ta. Đồng tình cũng có mà phản bác, ném đá cũng chẳng vừa.

Lạ thế chứ!. Những chuyện sờ sờ, thực tế và được người ngoài chỉ ra để chấn chỉnh như vậy, mà vẫn còn bao biện thì kể cũng lạ cho nhiều người Việt mình.

Với mình, nguyên tắc nhiều năm nay là nếu đi nghỉ hè cả nhà, đã đi thì phải từ Đà Nẵng trở vào, nếu không thì ở nhà, nghỉ cho khỏe chứ tuyệt nhiên không lớ xớ đến các Khu Du lịch - điểm nghỉ hè ngoài Bắc, vừa tốn tiền vừa bực mình, hỏng hết cả kỳ nghỉ.

Thế nên, hôm nay dõi theo chuyến đi ngày Tết từ Hà Nội vào Đà Nẵng của 1 thành viên Diễn đàn OF trong mục "Câu chuyện chuyến đi", thấy kể lại chuyện ăn uống dọc đường tại Nhà hàng Sao Biển Bé Đen, mình hơi bị ngạc nhiên khi thấy cách phục vụ ở đây rất chuyên nghiệp, lịch sự và nhất là coi khách hàng, đúng nghĩa "Thượng đế".
Tò mò gõ anh Gúc, mới biết Nhà hàng này còn làm cả trang Nhà hàng Sao Biển Bé Đen rất oách xờ lách, với giao diện thân thiện - chi tiết. Mình hơi bị bất ngờ và phục lăn, nên đợt tới có đi miền Trung, nhất định sẽ dừng lại dưới chân đèo Hải Vân, để được... phục vụ.

Hoan hô các bác Nhà hàng Sao Biển Bé Đen!. Nếu ai làm du lịch, học được 1 phần của các bác thì ngành Du lịch nước ta đỡ cảnh du khách "một đi không trở lại". Khâm phục các bác quá, nên post ngay bài này, ủng hộ và chúc cho Nhà hàng đông khách, phục vụ ngày càng tốt hơn. Hi! Hi!...
--------------------------------------------------------------------------------
BẾN NGHỈ CHÂN ĐÈO
(Bài trên trang chủ của Website Nhà hàng Sao Biển Bé Đen)

Suốt hành trình ngược về xứ Huế mộng mơ, sẽ là thiếu sót nếu quý khách không dừng lại ở Lăng Cô. Dừng lại và nghỉ chân tại nhà hàng Sóng Biển Bé Đen, ngay dưới dốc đèo Hải Vân, để vừa làm ấm lòng mình một bữa ăn ngon miệng, vừa nghe câu chuyện về cô chủ quán xinh xắn này.

Chị Đức được sinh ra và dường như gắn bó không rời với mảnh đất non nước hữu tình này, dẫu cuộc sống vẫn đầy vất vả và khó khăn.

Tuổi thơ là những ngày bươn chải với từng trái cóc miếng ổi, bên những chuyến tàu ngược xuôi. Chính những ngày tháng gian nan nhọc nhằn đó, đã tạo tác cho chị một hình hài như mọi người đã gọi, với cái tên thật trìu mến: Bé Đen.

Bắt đầu từ cái tên ấy, chị mở cho mình một quán nhỏ bên đường, chỉ để đón đưa những người khách lỡ đường.

Nếu không có một lần những chuyến xe của những người bạn Lào ghé vào quán Bé Đen, thì có lẽ cái quán nhỏ Bé Đen ngày nào không thành được một nhà hàng rộng rãi như hôm nay.

Họ thực sự bị chinh phục bởi cái đậm đà của những món ăn thuần Việt và sự chân tình cởi mở của cô chủ quán ở đây.

Thế là những chuyến xe nước bạn ngày càng hội tụ về đây đông hơn, rồi những chuyến Bắc Nam cũng tấp nập ra vào.

Sau 30 năm, cô Bé Đen ngày nào vẫn thế, vẫn nước da ngâm ngâm, dáng người gầy gầy, vẫn nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, vẫn khéo léo với những món ăn Việt thơm ngon.

Chỉ khác ngày xưa ở tầm vóc của quán. Quán nhỏ đã thành nhà hàng. Khách đến quán cũng gia tăng mỗi ngày, mà khách gần như là bạn bè thân quen từ mọi miền đất nước với chị, từ Bắc tới Nam, từ Lào đến Thái, và cả khách Âu, khách Mỹ...

Thưởng thức những món cơm (các món bò, gà, hải sản...), món lẩu thuần Việt giữa không gian thoáng mát lộng gió từ bờ hồ sát cạnh nhà hàng Sóng Biển Bé Đen.

Cùng với sự ân cần chu đáo, sạch sẽ, giá cả lại phải chăng, bao nhiêu đường dài mệt nhọc cũng vơi đi ít nhiều.

Bé Đen Sóng Biển xin gởi lời cảm ơn chân thành đến khách hàng và những người bạn Lào đã quan tâm trong thời gian qua.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Kết nhất câu xin lỗi và... nhắc nhở này
Cả những quy định với nhân viên phục vụ
... và hướng dẫn - lưu ý với khách ghé qua
 (Nguồn hình: Box Câu chuyện các chuyến đi,  Diễn đàn OF. Rất xin lỗi tác giả vì tôi không tìm lại được Topic để ghi nguồn chi tiết)

CÔNG TÁC ĐẢNG

Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Mình có quen một cậu là Đảng viên, nhà ở một huyện ngoại thành Hà Nội.

Có lần, mình vô tình nghe nó với thằng bạn là lái xe đường dài nói chuyện, thằng bạn hỏi:

- Thế ông đợt này ở nhà làm gì?.

- Thì vẫn... Công tác Đảng thôi!.

- Phải kiếm việc gì mà làm. Chứ vô công rồi nghề thế thì chết!..
------------------------------------------
* Hình ảnh chụp tại Mỹ Tho (Tiền Giang) năm 1992, không liên quan đến nội dung bài viết.

XÂY TỪNG TÝ TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Như thông lệ mấy chục năm nay, cứ ra Tết là cả Trường Sa lẫn trong bờ lại tất tả, rộn ràng cho một mùa "củng cố, xây dựng", khi trời yên biển lặng cữ tháng 3 đến tháng 6, đang sầm sập chạy tới.

Dễ thấy điều này nhất ở các đơn vị Công binh Hải quân và các tàu vận tải quân sự.

Lính Công binh Hải quân, cả đời lính chỉ nhiên chỉ dính với đảo - cảng từ Bắc chí Nam, cứ ra Tết, có dịp ngồi trà lá đều biến thành những "Tham mưu con", rôm rả... đoán mò xem mình sẽ ra đảo nào, khi vào "mùa xây dựng" ngoài Trường Sa và hết cuộc "buôn dưa", lại lẳng lặng sắp sẵn quân tư trang - chuẩn bị tinh thần lên tàu ra đảo, khi có lệnh, để rốt ráo, vắt hết sức chạy đua thời gian với ông Giời chả cho "làm ăn được gì" mùa biển động.

Ở các điểm tập kết, đã thấy sắp sẵn nào đá, cát, xi măng, gạch ngói, cốt pha - xà gồ, sắt thép - bê tông đúc sẵn... cho đảo nổi nọ, đảo chìm kia, chờ đến ngày là bốc lên tàu, nhằm hướng đảo xa. 

Trên bờ rộn rã, dưới tàu cũng náo nhiệt chẳng kém. Những con tàu vận tải, phần lớn nằm dài trong bờ trung đại tu, sửa chữa giải lao cả mấy tháng biển động cuối năm, giờ cứ chực quẫy đuôi vọt ra biển trong tiếng thử máy, nhá còi và rậm rịch sửa chữa, vận chuyển dầu mỡ - súng đạn lên boong suốt ngày đêm...

"Tháng Ba bà già đi biển" - Không còn sóng to, chẳng ùa bão lớn, nên các tàu vận tải lặc lè tiếp viện hàng hóa, đồ dùng, trang thiết bị và nhất là những thứ phục vụ mở rộng đảo, xây công trình, làm âu tàu...

Lại những Phân đội Công binh Hải quân ra với từng điểm đóng quân, nhẫn nại như kiến và chịu khổ hơn thép, dùng sức người bốc từng viên đá, hạt cát, xô nước để xây - sửa từng lô cốt, đoạn hào, hầm pháo, ngôi nhà, tường ngăn, công trình chống đổ bộ.  

Nói thật, để có 1 Trường Sa "đàng hoàng" hơn như ngày hôm nay, bao thế hệ Công binh Hải quân đã đổ mồ hôi, nước mắt, một phần thân thể và cả máu xuống từng hòn đá, ngọn sóng, mẩu san hô nơi biên đảo xa xôi.

Ngay trong vụ thảm sát 14/3/1988 tại Cô Lin - Gạc Ma của Trường Sa, những người nằm xuống vì đạn pháo - lưỡi lê của Trung Quốc, chủ yếu là những cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 - Công binh Hải quân đang è lưng củng cố - xây dựng đảo, trên tay không 1 tấc sắt.

Cũng từ ngày 14/3/1988 - ngày giỗ chung của 64 người lính Hải quân - đến nay, vẫn có những người lính ngã xuống ngoài Trường Sa, trong khi xây dựng - bảo vệ đảo và trong số đó, phần lớn lại là Công binh Hải quân.

Những lần ra với Trường Sa, mình cứ thấy tội cho anh em Công binh. Đoàn công tác, khách khứa, văn công ra thăm, chỉ lính đảo của Lữ 146 cùng các đơn vị khác (Quân Y, Phòng không - Không quân...) quần áo chỉnh tề, mũ mãng sáng ngời xếp hàng sạch sẽ chờ đón và bắt tay bắt chân, báo cáo báo cầy.

Mà đã là lính bảo vệ đảo, trong các phân đội - bộ phận... thì dĩ nhiên được ăn ở trên đảo, giường chiếu, phòng ở ngon lành, sạch sẽ, quy củ theo đúng khẩu hiệu "đẹp doanh trại"...

Trong khi đó thì... Lính Công binh Hải quân, chỉ ra xây dựng vài tháng rồi lại vào bờ, nên việc ăn ở dĩ nhiên phải theo kiểu "thao trường" tạm bợ: Trên đảo nổi lính ta dựng nhà bạt, chen chúc nằm ngủ trong đó bằng mọi thứ có thể tận dụng lót lưng được; xây dựng trên đảo chìm, dĩ nhiên phải ăn ở ngay trên tàu vận tải hoặc pông tông chật hẹp, tráo đầu đuôi nằm trong phòng thủy thủ hoặc ken võng, ra ngoài hành lang, ca bin của tàu...

Có lẽ cũng vì thế mà mỗi lần ra Trường Sa, mình thường qua quýt với lính đảo, dành phần tìm hiểu ấy cho các đồng nghiệp hăm hở, để la cà xuống chơi với anh em Công binh Hải quân.

Mỗi lần như vậy, anh em quý lắm, dù đang phải làm việc (mà thường thì có khi lính đảo xếp hàng chào đón, bắt tay khách ra thăm đảo ngay trên cầu tàu, thì cách đó vài mét anh em Công binh vẫn phải ướt át, lầm lũi bốc khiêng, gồng gánh) cũng xúm lại hút thuốc, nói chuyện đất liền, rõ là... chất lính xa nhà, chứ không kiểu cách - lễ nghi như mấy chú lính đảo, dịp biển lặng đón khách ra thăm đến phát chán.


Sắp đến mùa xây đảo, ai có ra thăm Trường Sa, nhớ "để ý" đến những người lính Hải quân, ít khi được mặc áo yếm - mũ dải - sao hàm đỏ rực xanh biếc đón khách, mà suốt ngày đêm lam lũ trong quần áo bảo hộ ướt át, xộc xệch, liêu xiêu xây dựng nên đủ mọi loại đảo nổi - đảo chìm.

Họ cũng là lính Hải quân và mỗi đêm ngày, âm thầm xây từng tý, thành Trường Sa...
-----------------------------------------------------------------------------
CÔNG BINH HẢI QUÂN NGOÀI TRƯỜNG SA (2008, 2010, 2011)

Tàu vận tải, đồng thời là nơi ăn nghỉ của Công binh Hải quân (CBHQ)
Cát xây dựng, mang ra từ đất liền
Tăng bo vật liệu xây dựng bằng xuồng chuyển tải, từ tàu vào đảo
Bốc từng bao, cẩn thận và gượng nhẹ
Rồng rắn kéo nhau
Chuyến này chuyến khác
Chặng vận chuyển bằng công nông, từ cầu tàu vào giữa đảo, chưa phải chặng cuối cùng
Ra tàu vận tải bốc đá, xây dựng đảo chìm
Sức người là chính
Vác đá...
.... xây Trường Sa
Đá lớn lẫn đá nhỏ, từng viên từng viên một
Nhỏ quá thì đựng trong thùng
Đổ rất đúng chỗ
Từng đoàn liên nhẫn, giống như kiến thợ. Xe cút kít đem ra, cũng ế thôi
Cầu cảng tự tạo đây, nhưng cũng phải... để không
Ngồi nghỉ trên bãi đá - thành quả của cả Tiểu đoàn Công binh, sau 1 năm vác đá
Bắn điếu thuốc lào, nâng cao... sức khỏe
Đổ bê tông xây doanh trại trên đảo chìm
1 ông kéo vài ông
Dựng nhà trên bãi đá san hô
Vừa là doanh trại, vừa là lô cốt
Kè bê tông ven bờ đảo
Ăn ở trên mặt nước, trong những ngày xây đảo
Tranh thủ bếp lửa, để phơi khô giầy
Bếp ăn của phân đội Công binh khác
Công binh Hải quân ngồi nghe Văn nghệ với áo yếm xanh dã chiến. Lính bảo vệ đảo diện yếm trắng
Phân đội Công binh ăn ở trên tàu, vươn vai chào buổi sáng
-----------------------------------------
Bài viết có sử dụng hình ảnh tư liệu của đồng nghiệp