4 tháng 12, 2012

KHÔNG CÓ LỬA LÀM SAO CÓ ẤM?..

Mai Thanh Hải - Chiều, chạy từ cơ quan về đón con, qua phố đông đặc người, ai cũng bịt kín từ đầu đến chân bằng tỷ thứ vải, lông, lụa, chỉ hở con mắt mờ mờ sau kính, cốt nhìn đường. 

Đến mình, chịu lạnh tốt thế mà cũng run bần bật bởi gió luồn qua 6 lần áo, 3 lần giầy tất, 2 lần mũ và 1 lần khăn.

Dừng xe trước đèn đỏ, cái 4 bánh bên cạnh he hé cửa (chắc có ai say xe, không thể chịu nổi, mới hạ kính), vẳng ra câu: "Ngoài Bắc mùa này đã trổ hoa cau. Trong Nam bây giờ hoa bằng lăng tím nở...", hình như bài "Một khúc dân ca, một câu quan họ" mà mình thường nghêu ngao hát vài lời, chợt nhoi nhói chuyển lời: "Ngoài Bắc mùa này, rét bật hoa cau", khi nghĩ đến những đêm rét tái tê, trên miền biên viễn, trong những chuyến công tác phía Bắc dài dằng dặc...

Thật! Cứ nói chương trình này, dự án nọ cho oách thế thôi, chứ lên miền núi, thấy nghèo đói bày hết ra trước mặt ấy mà.

Mùa đông, cái sự nghèo này còn thảm thương hơn, từ chuyện đói ăn cho đến thiếu mặc.

Nhất là cái sự mặc, nó hiện hữa ngay ở quần áo cũ nát, đen đúa, mỏng mảnh cho đến thịt da tím tái, run cầm cập ngày tiếp ngày.

Đến lính Biên phòng, rèn luyện là thế, trang cấp đủ thế nhưng cũng khối chú viêm phổi - cảm lạnh bởi giời rét quá.

Hôm qua, cậu Quân y Đồn Biên phòng Cô Ba tít lưng chừng núi đá, canh giữ gần 30 cột mốc phân định biên giới với thằng láng giềng tham lam Trung Quốc, run run gọi điện về nhắc mình: "Trên này lạnh 5 độC và càng ngày càng lạnh. Bọn em phải úp thìa ngủ chung, đắp 4 chăn còn lạnh, phải dậy đốt củi sưởi. Các anh chị lên, mang nhiều quần áo ấm nhé!", khiến mấy bạn gái trong đoàn mang Áo ấm lên Cô Ba cuối tuần này rơm rớm nước mắt, quyết định mua luôn 1 chăn bông to xù tặng cho riêng chú Quân Y cùng 15 chăn khác, tặng cho anh em trong Đồn.

Với bọn trẻ con lít nhít miền núi, đừng bao giờ ngây ngô nghĩ rằng đến giờ chúng nó đã "có cơm ăn áo mặc, được học hành" đầy đủ nhé!.

Số ấy cũng có, nhưng rất ít, chải tập trung vào con gia đình có điều kiện, cán bộ, giáo viên.

Còn lại vẫn phải đốt mọi thứ đốt được, thành đống lửa để sưởi ấm hòng mong sống sót qua mùa đông lạnh giá.

Vậy, nên khi đi biên giới mùa đông, thấy những đống lửa ven đường lên khói, đừng có ngu ngốc cằn nhằn đồng bào phá rừng.

Bởi trên vùng núi cao biên giới khốc liệt này, bao năm rồi, không có lửa làm sao có ấm, thật hơn mọi thứ đang hiện hữu rất thật, ở trên đời?..
*****
Đồng hành cùng Chương trình Áo ấm biên cương của chúng tôi, tại các địa chỉ sau:
https://www.facebook.com/AoAmBienCuong 
http://aoambiencuong.com

SẺ CHIA TÌNH NGHĨA ĐỒNG BÀO

Mai Thanh Hải - Nhiều lần lên Cao Bằng, đọc nhiều về Cao Bằng, biết là người dân sống trên đấy vất vả lắm.

Với huyện Hòa An, mình còn biết hơn về lịch sử, những năm đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, Hòa An là một trong những chiến trường khốc liệt, mịt mù đạn lửa - máu xương và trên mảnh đất này, đến viên gạch cũng không dược nguyên vẹn.

Thế nhưng người Cao Bằng cũng thân thương lắm. Chả thế mà mỗi lần nghe lại "Khi trở lại Cao Bằng, con đường xanh màu lá, tiếng chim hót trên cao, giữa rừng già Pắc Bó...", luôn nhớ đến những người bạn mình đã gặp, đã quen và đã đồng cảm chia - sẻ cùng nhau.

Ngay như hành trình "Áo ấm biên cương", mang hàng lên Cao Bằng. Mình tham gia rất nhiều chuyến thiện nguyện cho các tỉnh, vùng đất khó khăn, nhưng rất hiếm hoi gặp sự cùng ủng hộ, dù là rất nhỏ bé, giống hệt "lá rách ít đùm lá rách nhiều", như 2 chuyến hàng đã lên với biên giới Cao Bằng.

Chuyến đầu tiên, không chỉ Doanh nghiệp của anh Nguyễn Danh Hải mà còn có cả thầy trò trường THCS Hợp Giang (thị xã Cao Bằng), một số bạn đọc - người có tấm lòng ở thị xã, tặng đồ đạc - sách vở - tiền mua đồ.

Chuyến thứ 2 này, sự đóng góp ấy được nhân rộng nhiều hơn và hôm nay, ngay cả bà con Tổ 1, Phố Giữa, Thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An, Cao Bằng), cũng biết chuyến hàng của chúng mình sắp lên với xã biên giới Cô Ba và mọi người, góp chính xác người vài chục, người vài đồng, người đồ đạc mũ áo, cho Chương trình Áo ấm biên cương với só tiền 1.150.000,đồng và gần 100 mũ, khăn, áo, quần trẻ em...

Sự đồng hành này, không chỉ đơn thuần là thiện nguyện, mà còn là sẻ chia tình nghĩa đồng bào, từ những nơi xa xôi - vất vả và chúng mình được động viên, cổ vũ phải làm tốt hơn những chuyến hàng khác, lên biên giới, cũng vì những điều đơn giản mà thiêng liêng, đến như vậy.

Hình: Anh Nguyễn Danh Hải (Chủ tịch HĐQT-TGĐ Cty Thương mại và Tổng hợp Cao Bằng, đại diện của Áo ấm biên cương - người đầu tiên, từ phải qua, nhận sự ủng hộ của bà con Tổ 1, Phố Giữa, Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, Cao Bằng).

Tìm hiểu về Chương trình Áo ấm biên cương, của MTH và đồng đội, tại 2 địa chỉ sau nhé:
http://aoambiencuong.com/
- https://www.facebook.com/AoAmBienCuong

3 tháng 12, 2012

CHÚNG KHÔNG "LẠ", NGOÀI TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Ở trong đất liền, hễ có sự kiện gì liên quan đến biên giới chủ quyền trên bộ, trên biển, y như rằng mở báo, bật ti vi là gặp cái câu "tàu lạ", "nước lạ", "nước ngoài"... đến phát nhàm chán và nhám nhỉ.

Thế nhưng ở ngoài Trường Sa, bộ đội ta "nắm tay day trán" chỉ thẳng: Bọn này không lạ..

Không lạ bởi chúng thường xuyên lấp ló trên mặt biển, ngang trời và nhăm nhăm chơi trò khiêu khích, lăm le cắn trộm... khiến bộ đội ta theo dõi sát sao chúng từng giây từng phút.

Đến Sơn Ca, Gạc Ma, Sinh Tồn Đông... mình đều thấy chúng lởn vởn ngoài xa, qua vòng kính ống nhòm. Tới Sinh Tồn Đông, kéo ống tele máy ảnh cũng chụp rõ cái khối xám xịt, ngang phè của chúng nằm trên bãi Huy Gơ với đầy đủ nhà ở, ụ súng, sân đậu trực thăng, sân trực thăng...

Cũng ở Sinh Tồn Đông, đứng trên Đài quan sát cũng thấy lờ mờ tàu cá của chúng lởn vởn ngoài bãi Ba Đầu, âm mưu rình rập.

Bộ đội Sinh Tồn Đông đã từng phát hiện chúng cắm "vật lạ nhưng không hề lạ" trên bãi cạn Ba Đầu, định chơi trò đánh dấu và ngoác mồm nhận đấy là của mình.

Cái vật ghi làm bằng gỗ, đặt trên phao chìm ghi dòng chữ "CMDC 2" đấy - có thể là bia tập bắn, nhưng cũng có thể là vật cố tình để lại nhằm đánh dấu... và bộ đội ta đã nhổ bỏ - kéo về thu giữ trên Sinh Tồn Đông, như bằng chứng không thể chối cãi về mưu đồ chiếm đóng vẫn sôi sùng sục, trong những cái đầu Phương Bắc tham lam ấy.

Trên bãi đá Bàn Than, nằm giữa Sơn Ca của ta và Ba Bình (do Đài Loan chiến giữ), những kẻ bụng to mắt híp cũng đang lăm le tìm mọi cách chiếm giữ, ăn cướp khiến ống nhòm trực gác, cứ chong mắt canh bãi đá suốt ngày đêm.

Những ngày tháng 4 này, không khi nào thôi thấm thía câu: "Không để Tổ quốc bị bất ngờ", khi đến với những đảo tiền tiêu, ngoài tít tắp biên đảo Trường Sa.

(Đăng lại bài cũ, nhân vụ cắt cáp)
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Căn cứ của Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên đá Gach Ma (hình: Thiềm Thừ)
Căn cứ Trung Quốc xây trái phép trên bãi Huy Gơ (hình: Thiềm Thừ)
Căn cứ của Trung Quốc có sân đậu trực thăng, kiêm chơi bóng rổ
Trước Huy Gơ là bãi Holly
Bãi Huy Gơ, tháng 4/2012 (Hình: MTH)
Trung Quốc dựng phao tiêu gần Huy Gơ
Chúng đấy
1 tàu cá của Trung Quốc kéo theo các ghe con, lởn vởn ở bãi Bàn Than và MTH chụp lại được từ  Sinh Tồn Đông
Chúng đây
Kéo đến 4 chiếc thuyền nhỏ
1 tàu cá khác của chúng, đang neo đậu và chúng trên boong nghiêng ngó nhìn vào
Chúng ở gần bãi đá Ba Đầu
Thứ ghi "CMDC2" chúng cắm trộm ở Ba Đầu và ta phải ra thu về (hình: Thiềm Thừ)
Bãi đá Bàn Than gần đảo Sơn Ca, chúng cũng đang nhòm ngó
Tàu cá của chúng, đang rình rập cạnh Ba Đầu (hình: Thiềm Thừ)
Bài viết có sử dụng một số hình ảnh tư liệu của Blogger Thiềm Thừ