15 tháng 12, 2012

TẤM LÒNG SÀI GÒN RA VỚI BIÊN CƯƠNG

Áo ấm biên cương - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát "Mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui", trong đó có những lời, như suối nguồn chan vào đất nẻ như:

... "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay"...

Mình chả tài hoa được như vậy, nên cứ mỗi sáng, chỉ dám hát nghêu ngao trong họng, trên con đường nghìn nghịt những gương mặt lạ lẫm, cau có cùng khói bụi - xe cộ, để tự an ủi mình, hòng tìm niềm vui giữa thời buổi khốn khó "cơm áo gạo tiền".

Thế nhưng bây giờ, mỗi ngày lại thấy niềm vui đó là thật, bởi những đóng góp nho nhỏ, đồng hành cùng Áo ấm biên cương.

Hôm trước, anh bạn trong Sài Gòn gọi điện ra, tưng tửng: "Tụi nhỏ chắc cần vở viết, anh gửi chúng ít kèm thêm ít áo mùa hè mặc cho sạch sẽ!".

Mình cảm ơn lắm lắm, cũng chỉ nghĩ vài thùng, quá lắm là 1.000 cuốn nên gọi điện nhờ Ngọc Quang Bùi, Giám đốc Cty Điện hoa trực tuyến (Đại diện của Chương trình tại TP.HCM) qua chở về Cty, tạm để đấy, chờ gửi ra Hà Nội, đóng trong những chuyến hàng lên biên cương.

Chả ngờ đâu, Quang gọi điện lại la oai oái: "Hơn 30 thùng, mỗi thùng 240 cuốn, thành cả vạn cuốn. Tụi em phải thuê xe tải 1 tấn mới chở hết chỗ hàng đó về để tạm trong Văn phòng Cty, chật cứng đến mức phải dẹp bàn tiếp khách, mới đủ!"...

Ớ! Bạn mình tuyệt thế. Kiểu này, bọn lít nhít vùng cao có khối vở, viết nhòe trong năm học mới rồi...

Ít nhất, trong đầu tháng 1/2013 tới đây, trong phần quà của gần 400 đứa học sinh Tiểu học Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang), ngoài áo quần - ủng ấm, sẽ có thêm những cuốn vở, đôi tất gửi ra từ mãi tít Sài Gòn xa xôi... 

Sáng nay (14/12/2012), 10.000 cuốn vở, 200 đôi tất cùng hàng trăm chiếc áo đã được anh chị em trong Cty Cổ phần Điện hoa trưc tuyến TP.HCM chất gọn lên xe tải, thuê chở từ Sài Gòn ra Hà Nội, với mức kinh phí chuyên chở mà bên vận chuyển (CÔNG TY TNHH MTV TM DV VẬN TẢI XÁ LỢI, Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng ưu đãi, dành cho Áo ấm biên cương: 3.500.000 VND.

Vui lắm, khi mỗi ngày có thêm những sự chung sức ủng hộ thế này. Nhưng cũng vẫn lo, bởi hàng hóa ủng hộ, đến giờ vẫn chưa có chỗ tập kết rọng rãi, lâu dài nên cứ gửi nhà người này tý, người kia tý và trước mỗi chuyến đi, tìm mặt bằng chuyển hàng đến - tập trung phân loại, đóng gói đến khổ...

Ai có kho hàng, mặt bằng nào rộng, cho tụi mình để nhờ hàng, gọi là góp sức với bọn lít nhít vùng cao và Áo ấm biên cương với?..

CHÀO CỜ TRÊN BIÊN CƯƠNG

Áo ấm biên cương - Như một sự chân tình đồng đội, nhưng cũng rất trọng thị thiêng liêng, đến trao quà tại mỗi khu vực biên giới, sinh hoạt cùng bộ đội, các Đồn Biên phòng đều tổ chức chào cờ Tổ quốc - đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam đón Đoàn Công tác Áo ấm biên cương và dĩ nhiên, các thành viên của Đoàn cũng phải đứng trong đội hình chào cờ, lẫn cùng sắc áo xanh Biên phòng.

Đến Đồn Biên phòng Cô Ba (đóng trên địa bàn xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), Thượng tá Đồn trưởng Đào Xuân Cẩm cứ băn khoăn: "Cơ sở vật chất của đơn vị vẫn đang sơ sài, vất vả, diện tích sân không đủ để duyệt đội ngũ theo Điều lệnh!" khiến mình cũng áy náy theo.

Ừ! Đi biết bao nhiêu Đồn Biên phòng rồi, nhưng quả thật, chỉ thấy Cô Ba là vất vả nhất.

Thời buổi người ta xây nhà hàng trăm tầng như bỡn, nhưng doanh trại của Biên phòng Cô Ba vẫn vẹn nguyên từ những năm 70 của thế kỷ trước, với 2 dãy nhà vách nứa, mái lợp ngói Fibro xi măng lụp xụp, nền đất, suốt ngày đêm gió lùa thông thống, buốt hết cả tai.

Giữa 2 dãy nhà là mảnh sân đất lầy lội, động tý mưa là trơn như đổ mỡ, mấy anh chị em trong Đoàn mình ngang qua, ngã oành oạch, khiến bộ đội cứ phải dìu từng người, nâng gót chân thị thành chưa bao giờ lên vùng gian khổ, ngang qua sân.

Ấy thế nhưng ngay đầu sân, bộ đội cần mẫn đào cọc - đổ bê tông làm thành bệ cờ vững chãi, dựng chiếc cột gỗ cao ngất, thẳng tắp, phía trên ngạo nghễ cờ Tổ quốc đỏ thắm, bay phần phật trong gió, nổi bật màu đỏ bừng giữa xám đá, lá xanh và trùng điệp núi rừng.

Buổi sáng, trước khi chia nhau thành các nhóm, với sự hỗ trợ - dẫn đường - vác hàng của anh em Biên phòng, giáo viên, cán bộ xã đến từng điểm Trường, kẻng gõ leng keng, thúc giục mọi người ra sân làm lễ chào cờ, giữa vùng biên ải.

Cũng những khẩu lệnh quen thuộc, lời hát Quốc ca thân thương và 10 lời thề Danh dự máu thịt, thế nhưng giữa vang vọng đá núi - mây ngàn, mọi thứ đều thiêng liêng đến rùng mình.

Có cảm giác mây cũng ngừng trôi, gió ngừng thổi, lá ngừng xào xạc, để dành hết cho giọng sang sảng của Trung úy Hầu Văn Đồng, người dân tộc Mông, Đội trưởng Vận động quần chúng: "Chúng tôi, Quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc...", hòa theo những tiếng "Xin thề!", bật ra từ tận con tim.

Tổ quốc và biên cương, không phải là những điều "đao to búa lớn", xa xôi huyễn hoặc gì cả, mà rất đơn giản như hơi ấm đồng đội, bàn tay nắm chặt, tấm áo tinh khôi, miệng trẻ cười chúm chím... và phủ lên tất cả là màu cờ Tổ quốc tung bay trên mỗi nóc nhà, cột mốc nơi xa thẳm, khó khăn.

Với chúng mình. Điều thiêng liêng ấy còn là sức mạnh được chuyển tới, từ những buổi chào cờ Tổ quốc cùng những người lính mang quân hàm xanh, nơi thân thuộc biên thùy.

Ai muốn truyền lửa yêu biên cương, thì chung vai cùng hành trình chúng mình, đến những Đồn Biên phòng khác, mang áo ấm cho bọn lít nhít, nhé!..
------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

13 tháng 12, 2012

LÓNG LÁNH CÔ BA

Áo ấm biên cương - Miền biên cương núi đá Cô Ba lạnh lắm, cứ kéo dài đến suốt năm.

Cảm giác trên này, sờ vào đâu cũng ướt rườn rượt hơi ẩm của sương, của mây, của hơi lạnh phả ra từ tầng tầng núi đá...

Có lẽ vậy, mà bọn lít nhít trẻ con, mắt đứa nào cũng như đọng ngấn nước, lóng la lóng lánh, buồn buồn mà trong veo, như những hạt sương.

Hành quân từ tối hôm trước, mãi đầu giờ chiều mới lên tới sân Đồn Biên phòng Cô Ba, dỡ hàng từ 2 chiếc xe tải và lại chọn những đồ của điểm Trường chính, đã phân loại - xếp hàng và ghi chú rõ ràng, bởi mấy thầy cô ngập ngừng: "Toàn thể học sinh ngồi đợi chia quà từ sáng, cuối ngày bắt đầu lạnh thêm rồi, các anh ạ!"...

Tất tả kéo nhau thồ vác hàng sang Trường chính, vừa ngược lên con dốc, đã thấy bọn lít nhít phong phanh quần áo, chân dép loẹt quẹt reo lên à à đón mừng và túa hết ra, đứng nhìn thèm thuồng, cách xa đống hàng, nhìn ngoan ơi là ngoan.

Bọn trẻ con miền núi xa xôi là vậy đấy, thích lắm - thèm lắm, nhưng chẳng có chuyện xán đến sờ mó, bắt chuyện như ở những nơi có nhiều khách đến, quen rồi thành... dạn dĩ chuyên nghiệp khác.

Với bọn lít nhít Cô Ba, điều này lại càng không có bởi ngay đến cha mẹ chúng, bao năm nay, lần đầu tiên mới có 1 Đoàn vượt núi, băng sông đi gần 700km lên trao toàn những thứ xanh đỏ, mới cứng thế này...

Tuần tự trao quà cho chúng nó theo lớp, theo tuổi, theo giới tính. Hôm nay, ai cũng tất tả mặc áo, đi ủng, phát bánh kẹo cho từng đứa bởi thời tiết càng về chiều càng lạnh.

Thương vô cùng bởi chả đứa nào biết xỏ áo 3 lớp lùng thùng, lập cập mãi không kéo được khóa và nhiều đứa cứ "đánh vật" luồn chân đất vào đôi ủng mới mãi với xong, vừa lệnh cệnh đi ủng mới vừa ôm dép rách khư khư, tiếc nuối.

Rưng rưng khi thấy bọn chúng loay hoay mãi chả bóc được lớp giấy bóng kính bọc ngoài chiếc kẹo - miếng bánh và có đứa khóc òa khi... bất lực, mắt vẫn một màu lóng lánh nước mắt trong.

Các cô giáo kể: Đường đi học của chúng xa lắm, đứa trên núi xuống - đứa thung lũng lên, quãng đường đi có khi dài bằng vài tiết học nên dậy từ sớm, về chập tối là bình thường.

Cứ trước mỗi mùa rét, các thầy cô lại bảo nhau huy động người thân, xin quần áo cũ, cất trong lớp làm "cơ số dự phòng", đứa nào thiếu áo - đường xa - gặp sương mưa, sẽ lấy ra ủ ấm cho chúng và lúc nào cũng dặn "xong trả lại để ủ bạn khác", nhưng chả khi nào chúng trả, bởi cũng phải san sẻ manh áo đó cho anh cho chị cho em ở nhà.

Quỳnh - Giáo viên Tiểu học, người Tuyên Quang, đã lên công tác được 3 năm ở Cô Ba lắc đầu: "Mỗi chiếc áo - đôi ủng này sẽ được... dùng chung cho cả mấy anh chị em trong gia đình. Có khi còn được để dành, đợi dịp Tết mới mang ra mặc!" và nhẹ giọng hỏi mình: "Khi nào các anh chị lên lại, cho tụi em xin thêm mỗi trường vài chiếc áo - đôi ủng, để dành cho bọn trẻ không có điều kiện đi học nhé!".

Thì ra bên cạnh những niềm vui rất thực của bọn trẻ con đang cười rất tươi, má rất đỏ và môi rất hồng vì áo ấm này, vẫn còn những đứa khác chưa thể đến trường, đang đợi chờ ở từng cánh rừng vách núi, từng manh áo ấm từng viên kẹo ngọt.

Vất vả thế này, thảo nào cứ thấy lóng lánh mắt tròn, ở khắp Cô Ba...
--------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRẺ EM XÃ BIÊN GIỚI CÔ BA (BẢO LẠC, CAO BẰNG) NHẬN ĐỒ ẤM CỦA CHƯƠNG TRÌNH "ÁO ẤM BIÊN CƯƠNG" (6-9/12/2012).