6 tháng 7, 2012

Ở LÝ SƠN

Mai Thanh Hải - Nói tên Đàm Hà Phú, khá nhiều người biết, bởi Phú không chỉ là TGĐ một Cty lớn ở Sài Gòn, mà còn là Blogger nổi tiếng với Blog Người Lữ Hành Kì Dị và vốn tính "lang bạt kỳ hồ", nên có rất nhiều bạn bè trang lứa, cũng hơi bị nổi tiếng.

Dẫu vậy, nhưng khi tham gia Đoàn thiện nguyện của "Chương trình Nghĩa tình Lý Sơn" (tụi mình gọi vui là HÀNH KHẤT LÝ SƠN) mang tiền - xe lăn - sách vở ra tặng những ngư dân tai nạn - ốm đau - bệnh tật - gặp khó khăn, vợ chồng Đàm Hà Phú không chỉ đóng góp 2 chiếc xe lăn cho bà con, mà còn tham gia mọi hoạt động của Đoàn, không nề hà mệt nhọc, thời tiết.

Tất tưởi, hùng huch vậy đấy, nhưng hở ra phát là Phú và Thắm lia lịa chụp hình lưu giữ, làm tư liệu cho Chương trình. Về tới Sài Gòn, cả 2 vợ chồng chuyển ngay hình đã chụp cho mọi thành viên trong Đoàn, để cả người đi và người không đi, đều được sẻ chia, thưởng lãm về Chương trình - biển và người Lý Sơn, giúp mọi người biết là đồng tiền - công sức góp vào, rất ý nghĩa và quý giá.

Đặc biệt, Phú còn viết - để lan tỏa và chia sẻ, trên Blog cá nhân (đọc ở đây).

Xin trân trọng giới thiệu bài viết và cảm ơn vợ chồng Đàm Hà Phú, đã góp sức lớn tạo sự thành công cho Chương trình "Nghĩa tình Lý Sơn 2012".
---------------------------------------------------------

1.
Anh sẽ đi Lý Sơn để chụp ảnh
Anh sẽ đi Lý Sơn để câu cá
Anh sẽ đi Lý Sơn để tắm biển
Anh sẽ đi Lý Sơn…

Lý Sơn là một điểm đánh dấu trên bản đồ những chỗ cần đến của tôi, đã 3 năm nay.

Tôi đã nghiên cứu nhiều lộ trình, hỏi thăm nhiều người, có bận đã định tự lái xe đi, nhưng mãi tôi vẫn chưa đi…

Vì sao? Vì Lý Sơn không phải đơn giản là chỗ để bạn chỉ đến chụp ảnh, tắm biển hay câu cá.

Mỗi ngày, đọc báo về chuyện ngư dân Lý Sơn, tôi lại thấy mình nhỏ bé.

Tôi thấy những đồng bào Lý Sơn lớn lao hơn mình nhiều, nơi đầu sóng ngọn gió ấy…

2.
Ở Lý Sơn có nhiều mộ gió, mộ gió đắp bằng cát, cả Lý Sơn đâu cũng là cát.

Đó là những ngôi mộ không có hài cốt, nếu may mắn thì chỉ có một hình nhân bằng đất sét được thế chỗ, của những người đã vong mạng ở khơi xa, ở Hoàng Sa.

Có những ngôi mộ gió từ thời Hải Đội Hoàng Sa từ 200 năm trước vẫn được hương khói ở đây. Ở nghĩa trang có mộ gió, ở ngoài ruộng tỏi có mộ gió,  ở trong sân nhà mỗi ngư dân cũng có mộ gió.

Vào một giấc trưa, tôi thấy một phụ nữ lặng lẽ quì bên mộ gió trong sân nhà, rồi chậm rãi tưới bình rượu lên mộ.

Tôi tự hỏi người mất đi là ai, chồng hay con trai chị, vì tôi không thể đoán tuổi chị qua nét mặt đen bạc bời gió biển, vì tôi không hiểu nỗi đau của chị đến mức nào và làm sao chị có thể vượt qua được.

3.
Ở Lý Sơn đâu cũng là cát, những con đường cát, những cánh đồng cát, những ngôi mộ cát… dưới cái nắng gắt gay của mặt trời ngoài biển, hạt cát Lý Sơn khô cong, nhám rạt.

Hàng ngàn con người sống trên cát, chết nằm trong cát.

Những cái cây tỏi, cây hành, cây mè… mọc lên từ cát, được những bàn tay đen sạm của các chị, các mẹ ở đây chăm bẵm, nâng niu… chúng đã không phụ lòng người, chúng trổ những màu xanh tươi mắt.

Tôi vẫn không hiểu như đã không hiểu sự chịu đựng của người phụ nữ Lý Sơn, làm sao những cây lá xanh tốt ấy lại được trồng trên cát, những ruộng cát trắng tinh, bỏng rát trong gió biển.

4.
Ở Lý Sơn có nhiều cờ, cờ Tổ Quốc màu đỏ với ngôi sao vàng, cờ bay phần phật trong gió biển.

Ra khỏi Sa Kỳ có thể nhận ra điều đó, những con thuyền cắm đầy cờ thả lưới ngoài biển, đến cái thúng chèo giăng câu cũng có cắm cờ.

Ở trên đảo cũng rực màu cờ, nhà cũng treo cờ, trường học cũng treo cờ, cả đến những ngôi mộ gió cũng cắm cờ… có những ngọn cờ mới đỏ rực, cũng có những ngọn cờ bạc màu, có vài ngọn cờ đã rách.

Nhìn ngọn cờ ở Lý Sơn mới thấy người ngư dân ở đây thật kiên cường.

Nếu tàu nào treo cờ Việt Nam thì chỉ cần ra khỏi Lý Sơn hơn chục hải lý, tàu đó có nguy cơ đối mặt với “tàu lạ”, với “Hải Giám”… tàu đó có nguy cơ bị đuổi, bị bắn, bị đánh đắm, bị bắt… và thực tế những câu chuyện như thế xảy ra mỗi ngày, ở mỗi nhà trên Lý Sơn…

Nhưng người ngư dân Lý Sơn vẫn treo cờ trên tàu, tàu nhỏ treo một cờ, tàu nhỡ treo hai cờ, tàu lớn treo bốn cờ, sáu cờ… cờ nào bị rách, bị bạc màu được thay cờ mới.

Để trong đất liền, để ngoài Hoàng Sa, dễ nhìn ra màu đỏ phần phật trong gió với ngôi sao vàng ở giữa.

5.
Ở Lý Sơn có hơn hai chục ngàn con người, đa phần là ngư dân hoặc bằng cách nào đó sống nhờ vào biển, mọi người đều được mặt trời và gió biển nhuộm thành đen sạm, mọi người đều nói giọng xứ Quảng nặng trịch và khó nghe, mọi người đều thương nhau và sống mở lòng ra với người khác.

Ở Lý Sơn có hơn hai chục ngàn con người, có rất nhiều trong số đó là hậu duệ của những người nhận sắc chỉ của triều đình ra định cư từ hai trăm năm trước, theo chân Hải Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải để khẳng định chủ quyền Tổ Quốc, vì chiếu vua đã dạy rằng: Bản Quốc Hải Cương Hoàng Sa Xứ Tối Thị Hiểm Yếu”.

Có lẽ nhiệm vụ của tiền nhân mở cõi năm xưa trên hòn đảo này đã được di truyền lại cho hậu duệ ở Lý Sơn hôm nay, những hải binh bất khuất.

6.
Ở Lý Sơn có nhiều trẻ em, những đứa trẻ đem nhẻm và hiếu động, buổi sáng lúc nước lớn chúng thường chơi với nhau, đứa lớn ẵm đứa nhỏ, chúng chơi những trò chơi trẻ con như mọi đứa trẻ khác, như mọi đứa trẻ khác…

Chỉ có một điều khác là khi chiều lại, lúc thủy triều rút xuống khỏi ghềnh, có nhiều trong những đứa trẻ ấy lại loi ngoi trong trong lớp trầm tích của biển, bắt vài con ốc, moi vài con sò, bắt vài con cá nhỏ cho buổi cơm chiều hoặc để chị, mẹ chúng đem bán trong buổi chợ sớm mai.

Chỉ có một điều khác là có nhiều trong những đứa trẻ ấy, cứ đến bữa cơm lại ra nơi mộ gió ở sân sau, ở ruộng tỏi, khoanh tay mời cha, mời anh, mời chú ăn cơm.

Những đứa con trai đôi khi là đàn ông duy nhất trong nhà, những trẻ-con-đàn-ông này không khóc, nhưng trong ánh mắt của chúng có nỗi buồn cố hữu.

Chỉ có một điều khác là những trẻ-con-đàn-ông ấy ngày mai sẽ lại giong thuyền ra khơi xa, nơi cha anh chúng đã ngã xuống, với cánh cờ Tổ Quốc màu đỏ tươi có ngôi sao vàng ở giữa bay phần phật trong gió biển.

7.
Vợ chồng tôi được theo chân một đoàn thiện nguyện do Nhà báo Mai Thanh Hải làm trưởng đoàn ra thăm Lý Sơn và trao quà của rất nhiều nhà hảo tâm đóng góp cho các gia đình ngư dân có người thân bị tai nạn ở Hoàng Sa.

Chi tiết về chuyến đi, thông tin và hình ảnh các bạn có thể xem ở Blog của Nhà báo Mai Thanh Hải: Lý Sơn - Mùa không có tỏi

Hoặc xem thêm:
Gắng sống với Lý Sơn
Cha chết ngoài Hoàng Sa, con ngẩn ngơ mất mẹ
Ra Lý Sơn mang Nghĩa và Tình

 
 

 
 
 
 
 

MỘT NGÀY Ở NHÀ GIÀN

Mai Thanh Hải - Mình chúa ghét những ngày thành lập, kỷ niệm rình rang hoa hoét, nhưng riêng cái Lễ nho nhỏ mang tên Kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Cụm kinh tế- Khoa học- Dịch vụ (gọi tắt là DK1) và ngày thành lập Tiểu đoàn DK1, thuộc Vùng II, Hải quân (5/7/1989 – 5/7/2012) thì mình nhiệt liệt ủng hộ. 


Gì thì gì chứ ở cái nơi tít tắp mù khơi, chênh vênh trên... giàn giáo (chính xác là như thế) từ hơn 20 năm trước và quả thực là vài năm nay, mới được số đông dân ta biết đến, qua sự kiện "đường lưỡi bò", "mở thầu dầu khí"... phải cực kỳ dũng cảm, kiên cường, nín nhịn và chịu đựng gian khổ, mới sống hàng ngày, thiếu thốn mọi thứ hàng giờ và chong mắt thức canh từng phút.


Mỗi lần đi Trường Sa, vòng qua thăm Nhà giàn, tụi mình cứ lẩn mẩn so sánh và rút cục đều công nhận: Lính DK khổ hơn, nguy hiểm hơn lính đảo chìm rất nhiều. Này nhé:

Ở đảo, dẫu là đảo chìm bé tý, giữa bãi san hô ngập nước, thì ít nhất vẫn còn chỗ để bám, để đứng chân hoặc níu vào mà giữ người trong sóng to gió lớn của những cơn bão biển, ngàn ngạt nước ập xuống như chan canh.
 Với lính nhà giàn: Sống trên... giàn giáo, có muốn tích trữ nhiều đồ ăn, nước ngọt, súng đạn cũng chả được, bởi 4 cái cột sắt nó chỉ chịu đựng khối lượng như vậy (đó là chưa kể mỗi ngày lại bị han rỉ, ăn mòn bởi nước biển) và ngày càng "lão hóa", cõng ít hơn.

Mỗi cơn bão biển, giông lốc, tất cả lính tráng lại tùm hum áo phao, tài liệu - đồ đạc quan trọng chất sẵn lên phao bè, trong tư thế sẵn sàng... lao xuống biển, phòng trường hợp nhà đổ.

Xuống biển lóp ngóp, tàu trực vớt lên được còn đỡ, nếu không tất cả lại dập dềnh, ngoi lên ngụp xuống, xa tít đến tận vùng biển lạ nào đó, đợi bão tan, tàu Hải quân lạch tạch chạy đến vớt về, hoặc được về, theo đường... ngoại giao.

Tháng rồi ra với DK, thấy cảnh anh em nhấp nhổm từ sáng đến trưa, đợi tàu chở Đoàn thăm, ghé theo kế hoạch (nhưng bị muộn), chẳng dám ăn trưa.

Đợi mãi không thấy, cứ tưởng chiều mới đến, gọi nhau vào hâm nóng lại cơm - thức ăn và vừa cầm bát thì... tàu lù lù huýt còi báo đến. Bát cơm vừa đưa lên miệng, lại dọn đi, cất kỹ (để khách đất liền không... rủ lòng thương), tất cả bụng đói meo, mặc quân phục để dành, hì hụi làm công tác đón Đoàn.

Chuẩn bị thì lâu, nhưng gặp nhau thì chóng.

Khách ở tàu theo xuồng chuyển tải lóp ngóp lên thăm anh em, chỉ có đúng 1 tiếng đồng hồ trên nhà, đủ để hát vài bài, nói vài câu chuyện, chụp vài tấm hình, xem vài chỗ ăn ngủ... rồi lại lúp xúp xuống xuồng, nháo nhác vẫy tay, tấp tểnh trèo lên tàu, nhổ neo đi thăm điểm khác, giống hệt... chạy sô.

Rút cục, bữa ăn trưa của bộ đội biến thành bữa chiều, lúc tối mịt, khi tàu chỉ còn bé tý bằng hạt đỗ trong ống nhòm, chả ai vẫy tay chào ai được nữa.

Cách thức thăm nom bộ đội dịp tháng 4-5 này, nghe chừng giống đoàn Ca nhạc... chạy sô, cưỡi ngựa nhiều hơn xem hoa và ngay lính nhà giàn cũng bảo: Giá như dành để ăn với nhau 1 bữa cơm, ở với nhau 1 đêm, dù chỉ một số người thôi thì tình cảm, gắn bó hơn nhiều. Anh em cần tình cảm, chứ đâu phải mấy gói quà, Đoàn nào mang ra cũng giống hệt nhau?..

Những ngày này, kỷ niệm 23 năm thành lập Tiểu đoàn DK1, biển đang động, sóng cao ngất đầu, mưa gió rầm rầm, lính ta căng người chống chọi thiên nhiên, căng mắt cảnh giác bọn tàu chiến, máy bay, người nhái nhăm nhăm áp sát, chẳng biết có làm được... bữa tươi, tự chúc mừng nhau không?.

Biết là gian nan, vất vả và gian khổ lắm. Thế nhưng có vượt qua được những thứ mà người thường không vượt qua được ấy, mới là lính nhà giàn, mới xứng danh bộ đội DK.


Gửi những lời thân thương, chân tình nhất đến những người đã - đang canh gác thềm lục địa Tổ quốc và xin được kể về cuộc sống thường nhật gian nan, vất vả nhưng cũng rất nên thơ, bình dị của đồng đội ngoài nhà giàn xa xôi...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Khẩu phần nước hàng ngày, còn quý hơn cả vàng

Toa lét để chống... tè bậy


Áo phao, phao cứu sinh luôn mới cứng và để khắp nơi

Chuồng lợn
Ngủ thế này, gió lùa dưới lưng mát rượi


Vịt gà, ngan ngỗng nhốt chung

Bữa  ăn tươi vì có tàu tiếp tế chở khách quý lên thăm

Tàu trực đỗ ngay dưới chân, không đi đâu mà sợ

Xào xáo, nấu nướng

Chạn bát, tủ đựng thức ăn

Bàn thờ Bác,tận dụng nóc tủ sách thôi.

Rau thơm

Húng quế hay sao đấy nhỉ?

Mồng tơi bị vặt sạch

Cải mầm

Phục vụ thông tin liên lạc và phát hiện kẻ địch

Pin điện năng lượng mặt trời

Rau muống hơi bị xanh tươi

Thích nhất là cây ớt tươi này
Cây chanh quả rất to và nhiều nước

Rau bám quanh thiết bị

Liên hoan bữa tươi nào.

Ăn no rồi, lại kéo hàng lên nhá

Nằm ngủ tý nào

Khách quý lên thăm nhà giàn

Có mới nhưng không... nới cũ

5 tháng 7, 2012

GẮNG SỐNG Ở LÝ SƠN

Mai Thanh Hải - Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gần 21.000 dân và tất cả họ đều làm nghề biển hoặc liên quan đến biển.

Bao đời nay, cái nghề biển vẫn may rủi - mong manh: Cho lắm tôm nhiều cá đấy, nhưng đùng cái là gió lốc, giông bão lôi tuột cả tàu to thuyền nhỏ vào lòng biển như muốn chơi trò "ông mất chân giò, bà thò chai rượu" với dân đi biển, để lại khô cong nước mắt cho những thân phận phụ nữ, trẻ thơ côi cút chờ đợi trên bờ.

Với dân biển Lý Sơn, mọi nhẽ khổ đau - mất mát còn gấp nhiều lần bởi họ không chỉ bị giông bão, thời tiết hăm dọa, mà còn phải đối mặt với đủ loại tàu to, xuồng nhỏ, máy bay... của Trung Quốc, từ phía ngoài Hoàng Sa cho đến mép Biển Đông, sẵn sàng nhả đạn, đâm va - húc ủi, trấn cướp, đòi tiền chuộc khi họ đang cặm cụi kiếm con cá, mớ tôm ở ngay vùng biển quê mình.

Vì thế mà ra Lý Sơn, hỏi chuyện "ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ", từ đứa trẻ cho đến người già đều phẩy tay: "Chuyện nhỏ!".

Hôm Đoàn "Nghĩa tình Lý Sơn" chúng mình ra tận Lý Sơn trao mọi sự ủng hộ cho bà con ngư dân 3 xã gặp nạn khi đang đánh bắt tại Hoàng Sa, vừa bốc hàng, bệt xuống đất chiêu ngụm nước, mọi người đã dồn dập hỏi "Ai bắt ai?. Ai bị bắt?" khiến anh ngư dân tên Ninh, được xã UBND xã An Vĩnh cử ra giúp bốc hàng cười hiền: "Tôi đây nè! 3 lần lận! Lần cuối suýt bị nó bắn, sợ quá bỏ không dám ra Hoàng Sa!".

Nhìn kỹ gương mặt quen quen, mình té ngửa: "Có phải anh bị Hải giám Trung Quốc bắt hồi tháng 10/2010 tại Hoàng Sa và chúng chụp hình cả tàu giơ tay hàng, khi chúng lục soát, đưa lên báo chí Trung Quốc, sau được lan truyền trên mạng?".
Ngư dân Ninh buồn rầu: "Chúng tôi chạy không nổi tàu chiến Trung Quốc, bị chúng chĩa súng, bắt giơ tay đầu hàng, nhảy sang khám xét, kéo tàu về Phú Lâm, đòi trong bờ gửi tiền chuộc, sau mới thả tàu và người!" rồi nuốt khan trong cổ: "Về tới đất liền, mới được con cháu cho xem hình Trung Quốc chụp mình giơ tay hàng, bị chúng nó bắt giữ, trưng đầy trên mạng!".

Lại nhớ hôm chuẩn bị thực hiện "Chương trình Nghĩa tình Lý Sơn", gọi điện hỏi UBND huyện Lý Sơn về số liệu những ngư dân bị chết, bị tai nạn hoặc thiệt hại nặng khi đang đánh bắt cá ngoài Hoàng Sa, cậu Phó Chủ tịch UBND huyện tên Linh cứ lặng đi như thể tính nhẩm, phía đầu dây bên kia, khiến mình lo lắng:"Sao thế? Sao thế?".

Thở phào khi cậu Phó... thở dài: "Tính sao nổi anh! Thôi để anh em Nghiệp đoàn Nghề cá của từng xã rà soát, cung cấp những đối tượng phù hợp yêu cầu, tiêu chuẩn của các anh, nhưng... chưa được hỗ trợ - giúp đỡ lần nào, để xêm xêm số lượng. Chứ thống kê hết, có mà... cả huyện!".

Nói chuyện khai thác rừng, kiếm kế sinh nhai nơi rừng xanh núi thẳm, người ta hay nhắc: "Ăn của rừng - rưng rưng nước mắt".

Kể chuyện nghề biển, sống bằng con cá con tôm, ngư dân cũng nghẹn ngào: "Ăn của biển, Nước mắt cũng rưng rưng"...

Người ta biết đến Lý Sơn bởi đó là quê hương Hải đội Hoàng Sa - Nơi từ ngàn năm trước, cứ đến cữ biển lặng sóng yên, những người dân chài Lý Sơn lại treo mình trên thuyền tre, bè mủng hướng ra phía Đông ra khai thác sản vật, sang sửa cột mốc chủ quyền ngoài bãi Cát Vàng Hoàng Sa; nơi mà bao năm trước, những người ra Hoàng Sa cầm chắc cái chết trong tay; nơi mà những ngôi mộ gió, không có thân xác người thực, đã trở thành... truyền thống đặc sắc, đau xót đến tận cùng nỗi đau...

Người ta biết đến Lý Sơn bởi đó là đảo tiền tiêu Tổ quốc, "sân sau" của xứ Hoàng Sa "tối thị hiểm yếu" - Nơi mà từ Lý Sơn ra đến Hoàng Sa, tàu cá chạy lề rề cũng chỉ mất 1 đêm tròn; nơi mà bao năm qua, những con tàu đủ màu xanh đỏ, cải trang thành đủ loại đánh cá bắt tôm, nhưng trong vỏ tàu giả trang là những dòng chữ thật, đúc khuôn hình triện... chúng luôn dập dình ngoài khơi hòng chiếm cướp; nơi mà những người khi nằm ngủ, mắt cũng không dám nhắm chặt, như trong đất liền; nơi mà ngày cũng như đêm, những màn hình ra đa Hải quân nhẫn nại quét sóng canh biển giữ trời, cùng những trận địa pháo phòng không, lính thay nhau thức chong trực canh bên vỏ kẻng...

Người ta biết đến Lý Sơn bởi đó là "một trong những điểm du lịch đáng đặt chân đến ở Châu Á", như đánh giá của một Tạp chí Du lịch nào đó - Nơi biển xanh như chưa bao giờ xanh, cát trắng như chưa bao giờ trắng, nắng vàng như chưa bao giờ được vàng.

Nơi mà rong biển quấn quýt với ốc biển, tôm cá trong những vũng nước, đọng lại trên mặt cát khi thủy triều xuống và người ta chỉ vác rá ra nhặt, cũng sống được qua ngày.

Nơi mà những tảng nham thạch khổng lồ (chứng tích một thời của những ngọn núi lửa đã hoạt động) xếp lớp gọn ghẽ lên nhau như bánh quy xốp, đủ mọi sắc màu bên bờ biển, giữa xanh ngăn ngắt cây lá, kề bên nếp nhà, ruộng tỏi, tạo thành khuôn ngực vững chãi chắn sóng gió ngoài biển, chở che những mái lá, thân tàu mỏng mảnh, bình yên.

Nơi mà con người ta sống hào sảng, chân thật, bày bàn nhậu ra tận kè đá hò dô, níu tay mời khách phương xa làm ly quen biết, cặn kẽ chỉ từng gốc cây con đường cho người đất liền ra thăm hỏi, bằng cái giọng nặng trịch muối khàn, nhường từ chỗ ngủ - lon nước cho người mới đến quê...

Thế nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người ra với Lý Sơn, không rõ một sự thực nằm phía sau những thứ truyền thống - vẻ vang - oai hùng - xinh đẹp:

Cả vạn con người, trầy trật bám trụ từ biển xa cho đến bờ gần, kiếm từ con cá nhỏ bằng hạt cơm cho đến thân cá ngừ đại dương dài vài tay sải, thức trắng đêm, chong chong trưa chang chang nắng, không dám đau ốm - thuốc men, sợ Bệnh viện như sợ cọp...

Cả vạn đàn ông căng cơ tay, rướn bắp chân, đem thân lừng lững toàn xương với thịt, núp sau chân sóng dạt ra tận Hoàng Sa, đợi đêm đến, không dám bật đèn trên tàu, chỉ dám để đèn lặn nhỏ như đốm sáng đom đóm, lao xuống biển, mò mẫm tìm con cá, mớ tôm, đầu thấp thỏm lo lính Trung Quốc thấy sáng đèn, lao xuồng ra bắt giữ...

Cả nghìn đàn ông bị thương, tàn tật, bại liệt, lê lết, ngơ ngẩn sau vài thước nước ngoi từ lòng biển lên, sau 1 cơn lốc biển, 1 trận bão dông hay cú rồ máy của tàu chiến, loạt đạn nổ của lính Trung Quốc...

Hàng vạn phụ nữ, người già, trẻ em chịu nỗi đau mất mát, phải gồng lên, nhịn ăn - bớt mặc, chăm sóc từng ly từng tý cha - chồng - con gặp nạn ngoài biển Đông - Hoàng Sa.

Hàng trăm gia đình, cứ đến ngày là khói hương nghi ngút lan ra tận mộ gió nghĩa trang, nức nở gọi linh hồn những người bỏ xác trong lòng biển, ngoài đảo xa, mãi mãi không quay về bờ...

 Đau đớn vậy. Cùng cực vậy. Nhưng cứ phải sống, gắng sống - Mình hiểu khát vọng sống ấy của những người dân biển và tự hào rằng: Những gì các bạn mình, người thân mình, đồng nghiệp mình góp vào, thành chút tấm lòng cho "Chương trình Nghĩa tình Lý Sơn" (mà chúng mình gọi vui là Hành khất Lý Sơn) cũng là niềm động viên, an ủi cho những đồng bào - sinh ra lớn lên và kiên trung bám biển, đồng cảm nỗi niềm chia sẻ và học càng cần phải sống. Phải gắng sống, ở ngay đảo tiền tiêu Lý Sơn...

Trân trọng giới thiệu một số tấm hình ghi lại hoạt động của Chương trình "Nghĩa tình Lý Sơn", tại 3 xã (2 đảo) của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), từ 29/6-02/7/2012. Tác giả: Mai Kỳ.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Người đàn ông này ở xã An Hải, khi biết mình được trao xe lăn đã thoăn thoắt ra trụ sở xã, tự nhận xe

Đoàn Nghĩa tình Lý Sơn chia làm 2 nhóm, đến trao quà tại 2 xã trên đảo Lớn. Ảnh: Nhóm trao tại xã An Hải


Nhóm An Hải trao 2 xe lăn ngay tại Trụ sở UBND xã An Hải

2 thành viên nữ (Mai Hoa, Thu Hà) trao đổi nội dung công việc với lãnh đạo xã An Hải

TS. Nguyễn Hồng Kiên (thứ 2 từ trái qua) rà soát lại danh sách đối tượng, trước khi trao quà


Vợ con của các ngư dân, ngồi chờ đợi tại trụ sở UBND xã An Hải

Ngư dân và người thân

Tất cả ập trung tại Hội trường UBND xã An Hải


Có xe rồi nhưng không thể bỏ... nạng

Xe lăn: Ước mơ 17 năm nay của người ngư dân bị nạn ngoài Hoàng Sa

Mọi người đều vui

Hôm nay vợ được ngắm chồng

Nhà báo Đỗ Thu Hà (Báo Tuổi trẻ TP.HCM) thay mặt Đoàn, tặng 500 cuốn sách cho Phòng Đọc, Thư viện Lý Sơn

Lưu niệm tập thể, trong lúc trời mưa



Ngư dân Bùi Huê (Đảo Bé - An Bình) với chiếc xe lăn cũ kỹ, chó kéo nổi tiếng

Không thể không ngắm nhìn

2 TS-Giảng viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) trao xe lăn và phần quà của nhà trường cho Bùi Huệ

Lượn 1 vòng đảo Bé với xe lăn mới


Toàn bộ xe lăn, hàng hóa (sách vở - quần áo) được tập kết tại cảng An Vĩnh (Lý Sơn)

Gia cảnh 3 cháu mồ côi cha mẹ, đang sống với bà ngoại tại đảo Bé - An Bình

Nhà báo Thu Hà thay mặt Đoàn tặng số tiền 30 triệu VND (làm 3 sổ Tiết kiệm cho 3 cháu). Cháu Hà, con anh Trần Khoa Thuấn (ngoài cùng bên phải), thấy 3 anh chị vất vả, cũng tặng 1 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình.

Có mới, không nới cũ (anh Nguyễn Văn Quang, đảo Bé - An Bình nhận xe lăn)

Xe lăn và phần quà cho dảo Bé - An Bình, do ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đóng góp