28 tháng 12, 2012

ĐỒNG ĐỘI BIÊN PHÒNG


Mai Thanh Hải - Sáng 27/12/2012, Đại diện Chương trình Áo ấm Biên cương đã cùng đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã về gia đình Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa (công tác tại Đồn Biên phòng Cô Ba, Bảo Lạc, Cao Bằng) tại xã Nam Trung, Tiền Hải, Thái Bình thăm và trao quà ủng hộ gia đình chữa trị 2 con của Trung úy Nghĩa bị bệnh hiểm nghèo về máu.

Tại gia đình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Việt Nam, thay mặt toàn thể lực lượng đã trao số tiền giúp đỡ của BĐBP là 100 triệu đồng.

Đại tá Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cũng trao số tiền giúp đỡ của BCH BĐBP Cao Bằng cho Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa 20 triệu đồng.

Hoàn cảnh gia đình của Trung úy Nghĩa được Ban Điều hành Chương trình Áo ấm Biên cương phát hiện trong chuyến công tác lên Đồn Biên phòng Cô Ba.

Ngay trong ngày, tại Đồn Biên phòng Cô Ba, dưới sự chứng kiến của toàn bộ cán bộ chiến sĩ trong Đồn, Ban Điều hành đã trích Quỹ Áo ấm Biên cương giúp đỡ 5 triệu đồng và kêu gọi các thành viên trong Đoàn công tác ủng hộ 17 triệu đồng.

Đặc biệt, một số anh chị em Ban Điều hành là Phóng viên các Báo đài Trung ương và địa phương đã chuyển thông tin về hoàn cảnh khó khăn của Trung úy Nghĩa đến các đồng nghiệp, để phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân rộng sự chia sẻ - giúp đỡ cả ở trong và ngoài nước.

(Hình: Đại diện Chương trình Áo ấm Biên cương chụp ảnh lưu niệm với đại diện BĐBP Việt Nam, BĐBP Cao Bằng và gia đình Trung úy Nguyễn Khả Nghĩa).
---------------------------------------
CHUYỆN GIA ĐÌNH MỘT NGƯỜI LÍNH


Tuổi trẻ - Phải mất hơn 10km đường rất xấu từ Đồn Biên phòng Cô Ba ra thị trấn Bảo Lạc, rồi đi hơn 100km từ thị trấn về thành phố Cao Bằng để chuyển tiếp một chuyến xe nữa về Thái Bình, trung úy Nguyễn Khả Nghĩa mới được gặp mặt hai đứa con trai bệnh tật của mình.

Chặng đường này rất quen với Nghĩa gần 10 năm nay, từ khi cậu con trai lớn của anh bị phát hiện mắc chứng bệnh máu không đông bẩm sinh Hemophilia, rồi đứa con trai thứ hai của anh ra đời cũng mắc bệnh giống anh trai.

Hậu phương không yên
Ngày 18-12-2012, chị Đào Thị Hường, giáo viên ở Tiền Hải, Thái Bình, vợ trung úy Nghĩa, lại dẫn hai con trai lên Viện Huyết học - truyền máu trung ương.

Mới đầu tháng, mẹ con chị vừa ở đây về.

Chứng bệnh máu không đông khiến chị phải giữ gìn bọn trẻ kiểu “nâng trứng, hứng hoa”: không để con đi bộ quá... 100m, nếu không cháu sẽ đau đớn; không để con đùa nghịch, bị ngã, bị trầy xước dù chỉ một vết nhỏ, nếu không cháu sẽ chảy máu không thể cầm.

Người phụ nữ này vừa đi dạy học, chăm sóc hai con, vừa lo mọi việc từ giỗ chạp, cưới hỏi, họ hàng, nội trợ trong nhà. Nhưng biết làm sao được, chồng chị, anh Nguyễn Khả Nghĩa là bộ đội biên phòng ở tận đồn Cô Ba, Cao Bằng, một năm được ưu tiên lắm chỉ về nhà vài lần phép.

Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, bệnh máu khó đông Hemophilia là bệnh lý làm cản trở quá trình đông máu bình thường. Bệnh xuất hiện tương đối hiếm, tỉ lệ khoảng 1/8.000 và thường thấy ở trẻ trai hơn là trẻ gái.
Bệnh lý này có liên quan đến các nhiễm sắc thể giới tính. Hemophilia là một rối loạn di truyền có liên quan đến nhiễm sắc thể X, có thể truyền từ mẹ sang cho con trai. Tỉ lệ trẻ trai bị di truyền Hemophilia từ mẹ có rối loạn này là 50%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai (Viện Huyết học - truyền máu trung ương), người đang điều trị cho hai cháu Trọng Anh và Nhật Khánh, kể từ đầu năm đến nay tháng nào hai bé cũng vào viện, trung bình ba ngày/đợt. Đầu năm rồi cháu nhỏ bị xuất huyết não rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Mai, hiện nay dù đã có đủ chế phẩm điều trị cho bệnh nhân Hemophilia, nhưng phải làm sao có thuốc ở nhà để khi các cháu bị chảy máu được tiêm ngay một mũi, rồi chuyển tiếp đến bệnh viện. Nếu không quá trình đi đường kéo dài nhiều giờ, các cháu sẽ rất đau đớn...

Mối tình đẹp giữa anh bộ đội Nghĩa và cô giáo Hường nảy nở sau khi họ gặp gỡ trên chuyến xe đi Cao Bằng năm 2000.

Hai năm sau, một đám cưới giản dị được tổ chức với phong cách nhà binh, khách mời có rất nhiều anh bộ đội quân hàm xanh.

Sau đó nữa là một cậu con trai, bé Nguyễn Khả Trọng Anh ra đời, hạnh phúc thật chả ai bằng dù lúc ấy cô giáo Hường mới ra trường lương chưa đến 500.000 đồng, cộng với lương của anh bộ đội mới qua hàng lính trơn, vợ chồng đưa nhau đi sinh con mà chỉ có vỏn vẹn 700.000 đồng trong túi.

Vậy mà bé ra đời hôm trước, hôm sau đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương tận Hà Nội vì mắc chứng bệnh máu không đông Hemophilia. Người có căn bệnh này phải gắn bó với bệnh viện suốt đời.

Từ Cao Bằng, Nghĩa quyết định chuyển vợ con về Thái Bình với ông bà ngoại, chỉ còn anh ở lại với đồn biên phòng. Một đứa con ốm đau, tháng nào cũng phải đi bệnh viện đã là quá sức với họ.

Năm 2008, sau nhiều đắn đo họ sinh thêm một đứa con là Nguyễn Khả Nhật Khánh, nhưng mới 6 tháng tuổi bé lại phát bệnh, cũng là chứng máu không đông Hemophilia.

“Cháu ra đời vợ chồng tôi chưa kịp ăn mừng đã phải đón nhận hung tin. Lương tôi mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, chồng là lính biên phòng không dám tiêu gì, gửi hết cho vợ khoảng 10 triệu nữa. Nếu con đi viện một tháng một lần thì tạm đủ, còn tháng nào đi viện hai lần là phải đi vay” - cô giáo Hường buồn bã tâm sự.

10 năm đau khổ

Mười năm nay hai vợ chồng trung úy Nghĩa lay lắt, quay quắt với việc lo cho hai con đi lọc máu hằng tháng. Sức khỏe, kinh tế, tinh thần gần như kiệt quệ thế nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, Nghĩa đã động viên vợ tiếp tục cuộc chiến giữ sự sống cho hai con trai.

Thời gian cứ trôi qua một cách vô tình, người mẹ tần tảo, mệt nhọc ngày này sang tháng khác bồng hai con trên quãng đường ngót trăm cây số từ Thái Bình về Hà Nội để duy trì sức khỏe cho các cháu.

Người bố ở xa chỉ biết dõi theo ba mẹ con qua sóng điện thoại với cõi lòng tan nát khi nghe tiếng rên rỉ đau đớn vì bệnh tật của các con mình.

Anh Bế Xuân Chiến, chính trị viên đồn biên phòng Cô Ba, sau khi về thăm nhà trung úy Nghĩa, đã không ngờ người đồng đội của mình lại khó khăn đến thế.

Anh Chiến kể: “Năm 2007, anh Nghĩa mới về công tác ở đội vận động quần chúng đồn Cô Ba. Trước đây anh ấy ở tỉnh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên... xin lên biên giới để được hưởng lương cao hơn một chút, đỡ đần thêm cho vợ con ở nhà. Nhưng mỗi lần anh ấy về quê, chúng tôi vẫn vận động anh em góp thêm chút gì đó giúp các cháu. Nhưng bây giờ gặp hai cháu rồi, mới thấy những gì đã góp cho gia đình Nghĩa quả là ít ỏi”.

Nhà báo Tạ Hoài Phương, phóng viên Đài PT-TH Cao Bằng, cho biết đồn Cô Ba là một trong những đồn biên phòng khó khăn nhất của huyện Bảo Lạc, mà Bảo Lạc là huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng.

Mùa này sương mù suốt ngày đêm, nước sạch rất thiếu nhưng có nước giặt quần áo thì phải hong lửa mới có thể khô được. Các anh bộ đội vẫn đang ở nhà tạm.

Hoài Phương nói: “Mới đây khi đến đồn Cô Ba, biết các con anh Nghĩa đang ở bệnh viện, chúng tôi đã gọi điện cho hai cháu rồi bật loa to cho cả đồn cùng nghe. Hôm ấy cả đồn đã ứa nước mắt cảm thương hoàn cảnh gia đình anh Nghĩa, chị Hường”.

LAN ANH

TRÊN NÀY LÚC NÀO CŨNG NHƯ MÙA ĐÔNG


Mai Thanh Hải - Hình ảnh do một cán bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) mới ghi lại được trong chuyến công tác lên xã vùng cao - đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng.

Mình lên Tà Xi Láng tầm 2004-2005, khi tỉnh Yên Bái huy động toàn bộ sức dân, thanh niên, bộ đội, công an trong tỉnh, tập trung đào núi mở đường, phá thế cô lập từ Văn Chấn và trung tâm xã.

Hồi ấy, mình và Mạnh Hùng, Văn Thành (Ban Thời sự, VTV) đi bộ mất cả ngày đường mới lóp ngóp chui vào được Trung tâm xã, chén được bát mì nấu với rau cải còn dính đất của bộ đội, xong ngã vật bên bếp lửa, trong nhà bạt dã chiến của bộ đội, ngủ phát đến sáng bạch, mới cà nhắc đi chụp ảnh - ghi hình - phỏng vấn.

Ký ức của mình về Tà Xi Láng hồi ấy đơn giản: Là một xã thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái , phía bắc giáp xã Bản Mù , phía Tây giáp huyện Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La), phía đông và nam giáp huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Dân cư ở đây 100% là người H' Mông, sinh sống bằng nghề làm nương và đi rừng hái củi , ngoài ra còn tham gia vận chuyển gỗ pơ mu lậu.

Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, bị chia cắt bởi vực sâu ,núi cao, vách đá dựng đứng... nên đường vào Tà Xi Láng cực kỳ khó khăn.

Trước đây chỉ có đường mòn dân sinh, nay đã được mở rộng khoảng 4-5m , nhưng sạt lở thường xuyên khiến con đường vào hay bị ách tắc, rất nhiều đoạn chỉ đi vừa bánh xe máy.

Độ dốc của con đường này cũng thật khó tưởng tượng: 15-20%.

Mới cách đây khoảng hơn 10 năm , Tà Xi Láng nổi tiếng là "Vựa Pơ mu" của miền tây Yên Bái. Đến nay gần như rừng Pơ mu đã bị xóa sổ , lác đác cũng chỉ còn sót lại dăm ba khoảng rừng trên tít non cao.

Cuộc sống của người H' Mông ở Tà Xi Láng còn rất khó khăn, 1-2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là điều vẫn xảy ra.

Do độ dốc lớn việc canh tác khó khăn, mùa màng lúc được lúc mất, dân trí rất thấp nên đa phần trẻ em ở Tà Xi Láng thất học , mặc dù có trường ngay tại trung tâm xã nhưng để vận động được người đi học không phải chuyện dễ...

Trong 16 xã thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thì Tà Xi Láng và Bản Mù là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn...

Vài năm không lên, thi thoảng đọc báo Đảng địa phương, hơi hơi hy vọng vào "sự đổi đời" của bà con trên ấy, bởi các bạn viết khéo và hay quá.

Hôm nay, nghe bạn cán bộ huyện gọi điện: "Bọn em muốn xin cho trẻ con trên này ít áo ấm và ủng cao su cho trẻ con, kẻo rét quá, chúng nó nghỉ học hết, trường lớp vắng tanh", mình ngạc nhiên: "Ơ!. Tưởng trường lớp xây kiên cố hết rồi cơ mà!".

Bạn cán bộ huyện cười buồn: "Gửi ảnh anh xem, kẻo lại bảo là nói ngược đồng nghiệp!" và ví von: "Ở ít trên này, 4 mùa đều như mùa đông!"...

Mình xót xa: Lạnh đến 2-3 độ C, đến trâu bò còn lăn ra chết, thì bọn trẻ con chân trần, phải hùng hục chạy đi chạy lại trong sân dày đặc sương mù cho ấm người, học thế quái nào được mà bảo "Các em học sinh mầm non và tiểu học, trung học cơ sở vượt qua quãng đường đất lầy lội bởi những cơn mưa sương, đôi chân còn lấm lem bùn đất, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dắt tay nhau đến lớp", hở người?..
---------------------------------------------------------------------------------------

25 tháng 12, 2012

ÁO MỚI KHÔNG CẦN LỢN CƯỚI


Mai Thanh Hải - Rất thấm thía câu: "Cười như địa chủ được mùa ngô", khi mỗi chuyến đi, chứng kiến cảnh bọn lít nhít đang phong phanh áo rách, run cầm cập, được khoác mũ áo mới xúng xính và cười như nắc nẻ, má phính đỏ hồng.

Với 62 đứa (40 Mầm non, 22 Tiểu học) của điểm Trường Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái), cái câu này phải đổi chủ ngữ thành "đại địa chủ", bởi như lời cán bộ xã, giáo viên và phụ huynh thừa nhận: Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, lần đầu tiên đồng bào ở đây mới thấy áo mới, dày ấm và đẹp đến thế.

Chả thế mà lũ trẻ, khi được cô giáo Cúc dẫn qua đoạn hiên lớp học chênh vênh sườn núi, ra khoảnh đất bé tý, hiếm hoi được gọi là sân trường, mắt cứ tròn xoe nhìn đống áo - ủng xếp ngay ngắn, không đi nổi, khiến cô giáo phải hô đến rát họng, mới tập hợp được thành hàng ngay ngắn.

Thích nhất là lúc được mặc áo, đội mũ, đi ủng... đứa này sờ áo đứa khác, khoe màu này đẹp hơn màu kia, cứ rì rà rì rầm như tằm ăn rỗi, làm cô giáo cũng mê tơi, chả nỡ "dẹp trật tự"...

Chả thế mà lúc mặc áo xong, có phụ huynh đến đón con sớm. Đứng giữa đám trẻ xanh đỏ tím vàng, nhộn nhạo màu sắc, ngẩn ngơ tìm mãi không thấy con, đành thảng thốt gọi cô giáo để... đòi con, khiến tụi mình cười lăn lóc.

Mặc xong áo, ăn xong cơm, cả điểm Trường không đứa nào ngủ được, cô giáo Cúc đành cho chúng nó tự chơi, đỡ thèm "cơn" khoe áo mới.

Chả thế mà chúng nó chạy tung tăng khắp bản Háng Gàng, khoe tíu tít với mọi người, khiến bản Mông lưng chừng núi như có đám cưới, mổ nhiều con lợn và trên này, có áo mới, không cần lợn cưới, cũng cứ khoe...

TB: Ngay sau khi Đại diện Chương trình Áo ấm biên cương lên khảo sát việc xây dựng điểm Trường, kết hợp tặng quà (85 áo khoác, 40 ủng cho học sinh Háng Gàng, Pa Hủ) và có bài viết phản ánh đời sống, sinh hoạt, học tập của thầy và trò nơi đây, rất nhiều bạn đọc đã ngỏ ý được giúp riêng 5 điểm Trường của trong xã, để các cháu có tấm áo, đôi ủng, chiếc mũ mới đón Tết Nguyên đán.
Xét thấy điều kiện đặc biệt khó khăn của thầy trò xã Pá Hu, Ban Điều hành Áo ấm biên cương quyết định tổ chức 1 chuyến hàng, lên trao tận tay các học sinh ở toàn bộ 5 điểm Trường, với mức thụ hưởng như học sinh khu vực biên giới (trừ số lượng đã được nhận áo - ủng - mũ hôm khảo sát vừa qua): áo khoác chống lạnh; mũ len; ủng cao su; chăn bông; gối; vải bạt... và một số quần áo cũ đã qua sử dụng.
Do đặc thù của các điểm trường Pá Hu, ngoài số học sinh Mầm non - Tiểu học bán trú, còn có một số Mầm non 3-4 tuổi học Nội trú (đầu tuần gia đình trao học sinh cho giáo viên lo ăn ngủ các ngày trong tuần, cuối tuần mới từ trên núi xuống đón con) - chuyện không tưởng, chỉ xảy ra ở Trạm Tấu - nên cũng rất cần sự hỗ trợ về đồ dùng ăn uống, ngủ trưa và thực phẩm nấu bữa trưa cho các cháu.
Rất mong bạn đọc ủng hộ tiền để mua áo khoác, ủng cao su, mũ lên mới cho các cháu và đồ dùng sinh hoạt, ăn uống. Chúng tôi cũng xin tiếp nhận các thực phẩm phục vụ bữa ăn của các cháu (gạo - mì tôm, dầu ăn, đồ hộp, bánh kẹo, cá khô, mắm muối...).
Trân trọng cảm ơn mọi tấm lòng!.
--------------------------------
Mọi sự ủng hộ và cập nhật, xin đọc tại: Chương trình Áo ấm biên cương
Nhận ủng hộ, tại các địa chỉ:

Chủ Tài khoản: MAI THANH HAI
Số Tài khoản: 68683388 001 (VND), 68683388 002 (USD), 68683388 003 (EUR).

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong- Chi nhánh Hà Nội
SWIF CODE: TPBVVNVX (dùng cho chuyển tiền từ nước ngoài về).

Hoặc có thể chuyển về Tài khoản của  MẠC THANH HUYỀN (Phụ trách Tài Chính - Kế toán của Chương trình Áo ấm Biên cương):
- Mạc Thanh Huyền: Số Tài khoản 0011000093410, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VIETCOMBANK) chi nhánh Trung ương
- Mạc Thanh Huyền: Số Tài khoản 10820538385013, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (TECHCOMBANK) chi nhánh Hoàn Kiếm
- Mạc Thanh Huyền: Số Tài khoản 101010004384952, Ngân hàng công thương Việt Nam (viettinbank) chi nhánh Đống Đa

Đề nghị các nhà hảo tâm ghi rõ nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học sinh Tram Tấu".

Xin trân trọng cảm ơn!.

*BAN ĐIỀU HÀNH VÀ ĐẠI DIỆN CHƯƠNG TRÌNH Ở CÁC VÙNG MIỀN - ĐỊA PHƯƠNG 

CHỦ NHIỆM: Mai Thanh Hải
Tel: 0989.066.681-0917.500.550; Email: thanhhai2006@gmail.com; FB: Mai Thanh Hải

HÀ NỘI
1/ Ms.Mạc Thanh Huyền (NXB Giáo dục): 0913.045.678; FB: Gà Xinh
2/ Ms.Lê Nguyễn Thanh Thúy (Trưởng Ban Điện tử, Báo Sức khỏe và Đời sống, Bộ Ytế): 0912.224.091; FB: Lê Nguyễn Thanh Thúy
3/ Ms. Phạm Hà (Giáo viên Trường Mầm non Thượng Thanh, Hà Nội): 01687.499.257; FB: Phạm Hà
4/ Mr. Ngô Duy Khánh (ĐHBK Hà Nội): 0972.515.245; FB: Béo Binh Bét

TP. HỒ CHÍ MINH
1/ Mr.Bùi Ngọc Quang (Giám đốc Cty Cổ phần Điện hoa trực tuyến): 0989.501.719; FB: Ngọc Quang Bùi
2/ Ms. Võ Nguyệt Quỳnh, Cty Truyền thông Sài Gòn): 0903.133.611; FB: Võ Nguyệt Quỳnh

TP. HẢI PHÒNG
 Ms.Lê Thanh Hằng (Cty Bưu chính Viettel): 01638.883.939; FB: Thạch Lựu Mộc

TP. ĐÀ NẴNG
Mr. Bùi Ngọc Vinh (Trưởng phòng Kinh doanh, Cty Toàn Cầu Xanh): 0904.046.899; FB: Bùi Ngọc Vinh

PHÚ THỌ
Ms. Nguyễn Kim Chi (Trưởng Ban Điện tử, Báo Phú Thọ): 0904.886.666; FB: Kim Chi Nguyễn