12 tháng 9, 2013

PHÁT HIỆN 215 TÂN BINH BỊ ĐIẾC, DA LIỄU, CẬN THỊ, BIẾN DẠNG HỘP SỌ...

 - Ngày 11/9, ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ), đã tổ chức cuộc họp với ngành Y tế thành phố để chấn chỉnh những vấn đề về y đức.

Vấn đề nổi cộm khiến ông Dũng bức xúc là chuyện có hàng trăm tân binh ở địa phương này, khi được phúc tra sức khoẻ, đã phải trả về địa phương vì sức khoẻ quá kém.

Cụ thể, theo báo cáo của bà Bùi Thị Lệ Phi (Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ), Sở này vừa phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ, Công an TP và Sở GDĐT tiến hành phúc tra kết quả khám tuyển sức khoẻ nghĩa vụ quân sự theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 36/2011 của Liên Bộ Y tế và Quốc phòng, có 215 tân binh sức khoẻ không đạt.

Trong số này, có 79 tân binh mắc bệnh tim mạch, 44 tân binh khác bị bệnh về huyết áp, 43 trường hợp khác bị tật khúc xạ ở mắt.

Nghiêm trọng hơn, nhiều tân binh khác bị mắc những bệnh “ai nhìn cũng thấy” như trường hợp tân binh bị tai nạn giao thông, biến dạng hộp sọ cũng được tuyển vào; có trường hợp tay bị co rút cũng trúng tuyển.

Ngoài ra, nhiều tân binh khác bị mắc bệnh da liễu, bị trĩ nặng cũng đạt sức khoẻ…
------------------
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.


NHÂN VIỆC THÁI BÌNH...

Nhà báo Huy Đức:
Cái gọi là "chênh lệch địa tô" mà những người cộng sản đòi xóa bỏ, đang trở lại và khiến họ trở nên mù lòa, đồng thời đẩy người dân tới "bước đường cùng".

Quả bom Đoàn Văn Vươn đã không đủ để cảnh báo một hệ thống đã cạn kiệt khả năng thức tỉnh.

Nhà báo Đào Thanh Tuy (Báo Gia đình và xã hội):
Có một sự thật (sẽ là nguy hiểm với những ai thấy nguy hiểm) là hễ có một cuộc va chạm đổ máu, thậm chí mất mạng giữa người dân và chính quyền thì chẳng biết đúng, sai thế nào nhưng đông đảo dư luận lại đứng về phía người dân.

Phải chăng bây giờ cái xấu xa đã là tài sản tất yếu của những người mang kiếp đầy tớ, công bộc?.

Cái gì cũng có nguyên do, quá trình hệt như ra đường nhìn thấy mấy thằng vằn vện xăm trổ thì người ta nghĩ ngay tới lũ lưu manh, giang hồ, thấy ông bụng phệ, mắt híp là nghĩ tới bọn quan tham...

TS. Mai Thanh Sơn (Trưởng phòng Dân tộc học và Nhân học, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam):

Mình không hoàn toàn tán đồng cách giải quyết bất đồng của Đặng Ngọc Viết. Nhưng mình có thể chia sẻ phần nào cảm xúc của anh ấy.

Viết đã ở tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" - cái tuổi có thể hiểu được lý lẽ trong thiên hạ, phân biệt được điều phải điều trái, ai tốt ai xấu, và ít khi sai lầm.

Phải ở trong hoàn cảnh bức xúc thế nào, Viết mới hành động như vậy.

Tiếng súng Đoàn Văn Vươn đã khiến cả nước rúng động, bàng hoàng. Nhưng dường như điều đó cũng chưa đủ thức tỉnh những trái tim chai sạn, vô cảm trước tình trạng bế tắc của người dân.

Đoàn Văn Vươn là người mở đầu cho "Cuộc chiến vì Quyền đối với Đất đai".

Viết đã bước thêm một bước nữa: "Liều chết vì Đất".

Có ở trong dân mới cảm nhận được những làn sóng bất bình đang lan rộng từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi lên miền ngược.

Điều mà mình thấy lo ngại cho chế độ là một số người dân đã nghĩ đến con đường "Tự vũ trang để giải quyết các mâu thuẫn với chính quyền".

Nguy tai!.
------------
* Các ý kiến được đăng tải trên trang FB cá nhân của các nhân vật.
* Hình ảnh đã đăng tải trên trang OF, XNA chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.


ĐẢO LÝ SƠN, VIỆT NAM


Clip do Nhóm HanoiLens sản xuất. Rất khâm phục các bạn và rất mong, các bạn đồng hành cùng Áo ấm biên cương, đến những vùng biên giới tuyệt đẹp của Tổ quốc với những em bé vùng cao.

GIỮ ĐẤT ÔNG CHA


Nguồn: OF

11 tháng 9, 2013

THÔI EM NẰM LẠI...

Cô giáo Hồng nhận đồ ủng hộ của CCT từ nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Thùy Linh - Đầu năm 2012, tụi mình cùng nhóm thiện nguyện Gánh hàng xén và Cơm có thịt đưa đồ dùng lên cho mấy trường của huyện Bát Xát, trong đó có Sàng Ma Sáo.

Đây là huyện nghèo nhất tỉnh Lào Cai.

Đường xá vùng này cực kỳ khó khăn, nhiều đường đất, gập nghềnh, qua những con ngầm mùa lũ rất nguy hiểm.

Năm đó, ô tô mình đi cùng mấy người đã bị kẹt ở một ngầm thủy điện, mà mỗi lần nhớ lại vẫn còn sợ… Ô tô cứ vừa nhích lên chưa được nửa mét thì đít xe lại dịch ra mép bờ suối cả mét… Nếu đi thêm một mét nữa thì cả xe có thể rớt xuống dòng suối đang cuồn cuộn chảy.

Tới Sàng Ma Sáo, mình được phân công cùng mấy người nữa đưa hàng cho trẻ mầm non ở lớp cắm bản có tên cực khó nhớ: Ki Quan San.

Từ đường đất liên xã tới lớp Ki Quan San phải đi sâu vào núi bằng lối mòn. Kể ra có thể đi xe máy trên con đường đất gập nghềnh, nhỏ xíu đó, nhưng khả năng ngã dập mặt, lao xuống sườn núi ven đường là rất cao nếu tay lái yếu, nên cả lũ quyết định đi bộ.

Gần leo lên đến trường thì gặp một cây cầu nứa bắc qua con suối. Nhìn cây cầu mong manh, ọp ẹp, cứ ngỡ xe máy không đi qua được… Lúc đó mình có hỏi cô giáo đi cùng, cô bảo, nếu bình thường không sao, nhưng mùa lũ sợ lắm… Nhưng chiều đó mặt trời đang lặn, đỏ rực rất đẹp…

Chừng nửa giờ thì thấy phía trước có một mái nhà trên chỏm núi đứng chơ lơ. Đó là lớp học Ki Quan San, giữa lác đác nhà người Mông…

Bữa đó Hồng, cô giáo dạy ở lớp cắm bản, ở lại hơi muộn để đón đoàn và chia quà cho các bé trong lớp.

Chào hỏi xong là mình ra làm quen và chia quà cho mấy người Mông chơi gần lớp, trong lúc mọi người bàn giao đồ.

Ai hay đó là lần đầu tiên mà cũng là cuối cùng được quen em, gặp em…

Vừa nghe tin Hồng bị lũ cuốn trôi. Mất 4 đêm, 5 ngày mới tìm thấy xác em.

Sáng đó Hồng đi vội từ nhà ở Mường Hum vào lớp dậy học như 5 năm nay em vẫn làm.

Quãng đường chỉ 6 km từ nhà đến trường, nhưng nếu ai đã từng đi con đường đó thì sẽ hiểu công sức, sự yêu nghề, lòng kiên nhẫn của các cô giáo vùng cao nơi đây.

Đến cây cầu nứa (mà mình phập phồng lo sợ) thì Hồng bị lũ cuốn đi…

Không ai biết tai nạn của em vì khi đó còn sớm, ít người qua lại.

Đến khi người dân thấy xe máy cùng mũ bảo hiểm bỏ lại trên cầu thì mới tá hỏa lao đi tìm nhưng không biết em nằm đâu dưới làn nước lạnh lẽo?.

Qua 4 đêm 5 ngày như vậy…

Đêm đó, anh Long (trưởng CA xã Mường Hum) nằm ngủ mơ thấy Hồng về bảo là: "Em nằm cạnh cây sào ấy!"…

Sáng ra, anh Long cùng mọi người lần tìm theo con suối, thấy có một cây sào cắm cạnh một bãi rác trôi nổi trên dòng nước.

Mới đầu mọi người định bỏ qua, nhưng rồi anh Long bồn chồn sao đó, bèn lội ra thì thấy cạnh cây sào có một đám tóc nổi…

Chính là Hồng…

Lại kể, anh chồng Hồng đi tìm em mấy ngày mệt rã, quay về nhà mổ gà ăn để có sức tiếp tục tìm kiếm.

Ăn xong, mệt thiếp đi, lại mơ thấy Hồng về trách: "Mổ gà mà không cho em ăn? Em đang rất đói và mệt, lại lạnh nữa!"…

Cô giáo dạy cùng bảo rằng, sáng đó vì lo vào trường sớm nên em chưa kịp ăn từ nhà.

Hồng có hẹn với cô bạn vào trường sẽ cùng ăn…

Bữa ăn sáng đó lỡ mãi…

Hồng nằm úp mặt vào dòng nước suốt mấy ngày…

Khi người nhà ra, em mới chịu ngửa mặt lên nhìn mọi người.

Ai cũng khóc khi thấy thân thể em bầm dập, rách nát vì va phải đá, mắt tím bầm, vẫn còn sưng phồng…

Ngày mai mọi người sẽ đưa em ra đồng.
Cô Hồng (áo trắng) xách đồ ủng hộ của CCT vào điểm Trường

Em sẽ nằm lại trên triền núi mù sương, nơi vùng quê em gắn bó nhiều năm nay với nghề dạy học.

Em bỏ lại đứa con trai lên 4 tuổi và người chồng ngơ ngác, hiền lành cả đời chỉ biết làm nương, làm ruộng…

Thôi thì em ra đi thanh thản, khi chẳng thể ở lại lâu với cuộc đời khốn khó này, dù em đã hết lòng vì nó.

Anh Trần Đăng Tuấn và mọi người đang kêu gọi đóng góp để xây cầu cho những người đến sau em, những đồng nghiệp của em, những đứa bé lẫm chẫm tự leo núi đi học, kể cả những mùa mưa, đường trơn ướt…

Cây cầu này với người Mông nghèo trong núi, với những cô giáo hiền lành, tần tảo như em đến giờ vẫn chỉ là mơ ước…
Cô giáo Hồng (mũ, áo trắng) chia quà ủng hộ của CCT cho học sinh

Mơ ước ấy là nỗi đau của nhiều người đang sống hôm nay.

Thật tội lỗi khi những người như em, phải chết vì một cái sự không đáng có…

Nghe nói từ bữa Hồng ra đi, nhiều cô giáo rất sợ hãi, hoang mang mỗi lần đi qua cây cầu oan nghiệt kia…

Nhưng họ vẫn không bỏ nghề dạy học, những lớp học ở sâu trong núi cao rừng thẳm…

Cầu chúc Hồng siêu sanh.

Em xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn mà em đã từng có, ở một cõi giới khác…
-------------
* Đọc bài viết của Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Chủ nhiệm Chương trình Cơm có thịt) và cùng ủng hộ, chung sức xây cây cầu Lý Thị Hồng: TẠI ĐÂY

CÂY CẦU MANG TÊN CÔ GIÁO

Trần Đăng Tuấn - Với “ Cơm Có Thịt’, Sàng Ma Sáo (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là một địa chỉ quen thân từ hai năm nay.

Với nhiều người thay mặt các Cơm Thịt viên đi lên các điểm trường, Sàng Ma Sáo là những kỷ niệm không quên: Xe đội gầm trên đường vào,trên đường ra; Gói mỳ tôm các cô giáo nấu vội cho đoàn CCT; Đêm ngủ  trên những bàn học Mầm Non ghép lại; Chiếc xe lớn chở quần áo ấm gặp chướng ngại trên đường vào trường, vòng lên núi, hàng tiếng đồng hồ lồng lộn ngang dọc, nhìn thấy Sàng Ma Sáo dưới chân mà không sao tìm được đường vào…Cuối cùng, đường vào là qua một ngầm tràn nước chảy xiết.

Đó là những gì đã có của Cơm Có Thịt ở Sàng Ma Sáo.

Nhưng hôm nay , Sàng Ma Sáo với tất cả chúng ta- người đã lên và người chưa lên, Cơm -Thịt – Viên và Chưa-Cơm -Thịt –Viên, là một nỗi xót xa, là một niềm đau.

Hôm nay, Sàng Ma Sáo là MỘT CÂY CẦU CẦN PHẢI CÓ.

Cách đây 4 ngày, sáng 6/9, cô giáo Lý Thị Hồng dạy điểm bản Ki Quan San của Mầm non Sàng Ma Sáo,trên đường từ nhà ở Mường Hum vào trường, lúc qua chỗ ngầm đập tràn kia, bị lũ suối Nậm Pẻn cuốn trôi.

Bà con thấy mũ bảo hiểm và xe mới biết cô giáo bị nạn.

Cả trường, cả xã, cả người từ huyện xuống đi tìm. Máy xúc cào đá tảng nơi nước xoáy. Nhưng cô giáo không ở đó.

Cách đây ít giờ đã tìm thấy cô nơi cách đó hàng cây số.

Ở chỗ cô sang suối, nếu có mưa nước rất mạnh.

Người dân làm cầu tạm bằng tre nứa.

Các bạn hãy nhìn cây cầu ấy.

Nếu đi trên cầu bằng xe máy,rủi ro là rất lớn.

Nếu không đi trên cầu mà đi dưới lòng suối, nguy hiểm vô cùng.

Giờ chúng ta vẫn chưa biết chắc là sáng hôm đó Cô Hồng đi trên cầu hay đi dưới suối.

Chỉ biết là Cô Hồng đã xa đứa con trai 4 tuổi. Vĩnh viễn.

Viết đến đây, tôi dừng lại gọi lên Sàng Ma Sáo. Giọng tắc nghẹn, đồng nghiệp của Hồng nói là từ sáng nay, lúc tìm thấy Hồng, đến giờ chưa nhìn thấy bé, có thể người nhà giấu bé, để bé không nhìn thấy thi thể mẹ sau mấy ngày đã va đập vào bao nhiêu đá ven dòng suối mạnh.


Chỉ biết Hồng đã xa chúng ta. Vĩnh viễn.

Cô Hồng xinh xắn, nhanh nhẹn trong trí nhớ các thành viên Cơm Có Thịt, trong cái ngày xe mắc cạn thơm mùi khoai nướng lót lòng.

Bạn hãy nhìn lần nữa những tấm ảnh kèm theo đây.

Và đây là những gì tôi nghe từ Chủ tịch Dua của Sàng Ma Sáo: "Trước Hồng, đã 6 người rơi xuống suối chết chỗ ngầm này. Chỉ tìm được thi thể hai người".

Tôi có nói: "Thành viên Cơm Có Thịt muốn làm cầu sắt chỗ đó!".

Anh Dua nói: "Dân Sàng Ma Sáo mong có cầu lắm!".

Các bạn ạ!. Chúng ta hãy góp sức làm cây cầu này

Và hãy đặt tên là cầu LÝ THỊ HỒNG.

Nếu chung tay xây dựng cầu Lý Thị Hồng

- Ủng hộ xin gửi về tài khoản CƠM CÓ THỊT, có ghi rõ : CAU LYTHI HONG. Trường hợp không thể ghi nội dung lúc chuyển tiền, xin nhắn tin vàosố điện thoại 0984371177 cho việc thống kê .

Tên TK : Trần Đăng Tuấn

Số TK : 0011004025430

Ngân hang Vietcombank

Chi nhánh: Sở Giao dịch Ngân hang Ngoại thương Việt Nam (VCB)

- Các kỹ sư , các đơn vị xây dựng xin liên lạc qua trang FBhttps://www.facebook.com/groups/comcothit/

hoặc trực tiếp đến điện thoại của tôi : 0984371177

Và mong các bạn chia sẻ thông tin đến tất cả, để cầu sớm có trên dòng Nậm Pẻn, để con số người mất vì thiếu cây cầu dừng lại con số 7.

10.9.2013

T.Đ.T
-------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh: Việc tìm kiếm thi thể cô giáo Lý Thị Hồng từ ngày 6-10/9/2013, tại Sàng Ma Sáo.

CHÂN ĐẤT, SAO ĐÀNH?..

AABC - Mùa đông mà lên vùng cao biên giới, gặp không ít những cảnh "đi cọc đi cạch", chân dép chân giầy.

Thậm chí, lạnh vài độ, nhưng cũng chả có cọc cạch mà đi, cứ run rẩy - tím tái và nhăn nheo cả bàn chân bé tý, trên nền đá lạnh ngắt hay nền đất chết cứng, cũng vì lạnh.

Nhiều người dưới xuôi lên, mới lần đầu nhìn thấy, thường la oai oái: "Thế kia thì lạnh chân, viêm phổi chết à?".

Cũng biết như thế là dễ nhiễm lạnh, nhưng hình như chuyện lo 1 đôi ủng - đôi dép giá vài chục nghìn đồng, lại là chuyện "đại sự quốc gia", khiến bố mẹ nghĩ rụng cả tóc, nhưng lại nằm ngoài danh mục "quan tâm hỗ trợ" của "các cấp ngành", giống như chuyện áo rét.

Và tụi mình, có đi công tác Tây Bắc mùa đông, gặp những đứa trẻ chân trần dận đất lạnh, cũng chỉ móc viên kẹo trong túi tặng con trẻ, chứ quả thực kiếm đâu ra tiền mua hàng xe tải ủng dép, rải dọc hành trình biên cương, vì chuyện thiếu của chúng, quá nhiều?.

May mà có AABC, để nguôi đi những sự dằn vặt "nhìn mà chịu, không làm được gì", khi mỗi chuyến đi trong cơ số "hàng cứng" tặng con trẻ, ngoài áo rét mới cứng, bánh kẹo và tất, lúc nào cũng có 1 đôi ủng hoặc đôi dép thật mới, thật xinh, thơm nức mùi cao su dày dặn...

Chuyến lên 2 xã Sì Lờ Lầu - Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu) ngay tới đây, tặng quà cho toàn bộ học sinh của 2 xã vùng cao biên giới, cũng có đầy đủ áo, bánh kẹo, tất và 1.624 học sinh, mỗi đứa có thêm 1 đôi dép ôm khít chân, dày dặn.

Khổ cái, những đôi dép này phải đặt từ đơn vị chuyên sản xuất, bởi số lượng lớn và chất lượng dành riêng miền núi, chống trơn trượt.

Dĩ nhiên, muốn có hàng thì phải... đặt tiền.

Trong khi mọi sự ủng hộ cho chuyến đi, chưa đủ để mua đủ từng ấy phần quà cho con trẻ, mấy anh em lại tiếp tục... ứng tiền túi, để "đặt cọc" cho nhanh có hàng, mà đóng gói.

Biết làm thế nào khác được?. Chả lẽ tặng cho "chúng nó" cái áo mới cứng, dày khự, chống được rét cho thân rồi, mà không cố lên, lo nốt đôi dép cho ấm chân. Sao đành?..
--------------------------
* Tìm hiểu về hoạt động quyên góp, ủng hộ áo ấm và ủng dép cho học sinh Mầm non - Tiểu học cho học sinh các xã biên giới đặc biệt khó khăn của Chương trình Áo ấm Biên cương: TẠI ĐÂY

9 tháng 9, 2013

ĐIỆN HOA RA TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Mình biết Quang từ 3 năm trước, hồi cùng mấy anh chị em tổ chức Chương trình "Nghĩa tình Lý Sơn", quyên góp mua xe lăn tặng các ngư dân bị tai nạn khi đánh bắt ngoài Hoàng Sa và mỗi gia đình có người bị nạn ở ngoài Quần đảo Cát Vàng, 1 phần quà nho nhỏ.

Ấn tượng nhất, để đọng lại và nhớ là Quang gửi cho xem đường link: "Điện hoa không chấp nhận các đơn hàng đến Trung Quốc" (cho dù chuyển đến các quốc gia khác trên thế giới), như một động thái phản đối việc các ngư dân Việt bị đánh đập, bắt giữ, xua đuổi ngoài ngư trường Hoàng Sa.

Hôm gặp nhau ở Thăng Bình (Quảng Nam), đón Quang ở Sài Gòn bay ra thăm nhà, đợi sẵn và em trai của Quang tên Vinh, cũng lọ mọ từ Đà Nẵng vào đợi Đoàn ngang qua, cùng vào Quảng Ngãi để hôm sau ra đảo Lý Sơn, tiếp tục ngạc nhiên vì 2 anh em nhỏ tý - nhẹ nhàng, chả giống với người xứ Quảng cao to, nói năng hùng hồn với bao lý lẽ rất đặc trưng.

Lạ nữa, vẫn nghe câu "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay la", nhưng chưa bao giờ thấy Quang nói to tiếng, nữa là cãi lộn, toàn rủ rỉ rù rì, rất nhẹ nhàng nhưng lý lẽ đâu vào đấy, ai cũng bị thuyết phục.

Từ chuyến đi đầu tiên ấy, Quang có duyên với Áo ấm Biên cương (AABC).

Trụ sở Cty Điện hoa Trực tuyến (http://www.dienhoatructuyen.vn) trong Sài Gòn của Quang, trở thành "đại diện" của AABC chuyên tiếp nhận mọi sự ủng hộ hàng quà của mọi tấm lòng trong phía Nam và sắp xếp, chuyển tàu ngược ra Bắc, lên tận tay những đứa trẻ lít nhít vùng cao biên giới.

2 chuyến khó khăn nhất, lên xã biên giới Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) và Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên), Quang cũng thức trước cả tháng, canh vé rẻ, rồi lặc lè khoác ba lô ra tận Hà Nội, nhập với cả Đoàn, bập bõm xe khách - xe tải lên tận các điểm Trường xa hút, trao quà cho bọn trẻ.

Hôm rồi đi công tác Trường Sa, trước ngày xuất phát, Quang lại rủ rỉ: "Cho em gửi lẵng hoa tươi ra ngoài đó, thả xuống vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, để tưởng nhớ và tri ân các bác các chú đã ngã xuống nhé!" và hôm sau, trước khi tàu xuất bến, đã thấy Quang lấp ló ngoài Quân cảng Cát Lái, cẩn thận trao lẵng hoa tươi roi rói, bọc cẩn thận trong túi giấy, cho hành trình biển xa.

Và buổi sáng hôm ấy, trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao, trong thiêng liêng, tĩnh lặng và trang nghiêm Điều lệnh của Lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, ngày 14/3/1988, cùng với vòng hoa của Quân chủng Hải quân, là 2 lẵng hoa của Điện hoa, được truyền từ đôi tay của mọi người trong Đoàn Công tác, thả xuống lòng biển sâu, nơi hương hồn những người lính biển đang ngậm cười.

Lẵng hoa ấy nhỏ thôi, giống như Quang - người bé nhỏ, nhưng ý nghĩa của sự tri ân thì không hề bé nhỏ.

Nói đến Trường Sa, nhiều người hay nói những việc lớn, tầm đại sự.

Mình cũng như Quang, chưa đủ sức để làm những việc lớn ấy, nên chỉ dám góp những gì nho nhỏ, dành tặng biển đảo quê hương, giống như viên đá, góp xây thành trì Tổ quốc vững bền.

Và lại nhớ, đến điều ước của Quang, khi mình gọi điện ngay từ vùng biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao thông báo việc đã thả hoa: "Giá như, em có thể chuyển được hoa theo yêu cầu của mọi người, ra Trường Sa tặng bộ đội mình, thì toại nguyện ước mơ, anh ạ!"...

Tại sao lại không nhỉ?. Bởi "Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Trường Sa!" mà em...
---------------------------
Hình ảnh Mr. Bùi Ngọc Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Điện hoa
(Số 29 - Đường B6, P12, Q.Tân Bình, TP.HCM), đại diện của Chương trình Áo ấm Biên cương tại khu vực phía Nam, trong các chuyến đi tặng quà tại biên giới phía Bắc.